Vinh Quang Chúa Tể
Chương 68 68 Làng Trẻ Em Mozart Harry Và Phạm Nhã
Làng trẻ mồ côi nơi mà Phạm Nhã lớn lên không gọi là làng trẻ mồ côi, đó chỉ là cách gọi của y mà thôi, tên chính xác là “Làng trẻ em Mozart”, ngụ ở Quận Thủ Đức.
Được thành lập vào năm 1975, tính tới thời điểm hiện tại làng trẻ em Mozart đang chăm sóc cho gần hai trăm trẻ mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từ sơ sinh đến 18 tuổi trên địa bàn thành phố Gia Định.
Hoàn cảnh của những đứa trẻ này tuy khác nhau nhưng phần chung đều là rất khó khăn, còn thiếu thốn nhiều, việc học hành của chúng cần nhờ đến sự trợ giúp từ các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân.
Anh Tuân giờ chạy một chiếc Maybach đời mới màu đen, bóng loáng, đây là xe anh Tuân thuê theo tháng, đối tác của ảnh giờ tới tầm chủ tịch tập đoàn dầu khí như Dương Kinh Luân, ngày thường chạy bán tải thì được chứ đi gặp gỡ mấy lão cỡ này để giao dịch, làm ăn thì cứ phải Lexus 570, Maybach mới đúng phong thủy.
Chiếc Ford Raptor bình thường không dùng thì để cho Phạm Nhã muốn đi đâu thì đi, có người chở.
Phạm Nhã ngồi trong xe, nhìn cái cổng làng trẻ em Mozart quen thuộc, nhìn thấy những cảnh vật cũng quen thuộc trong khu này, trong lòng y bồi hồi, quá khứ giống như cuộn phim bị tua ngược lại, không hề sót một tình tiết nào cả.
Chúa tể trẻ, năm nay chỉ hai mươi tuổi, y đã sống ở đây tới mười tám năm, cũng học tới lớp mười một, y cũng rời khỏi chỗ này vào năm mười tám, đủ tuổi trưởng thành, hai năm tiếp theo sau đó Phạm Nhã bỏ học, đi mưu sinh chỉ bằng với cái chứng minh nhân dân, trước khi làm bảo vệ với anh Tuân, y từng làm rất nhiều việc, đánh giày ở Quận 1, làm phục vụ, làm công nhân, bốc vác, cũng từng làm thợ hồ, thậm chí bán vé số.
Phạm Nhã “nhảy việc” rất nhiều, mãi đến khi làm bảo vệ có giờ giấc thích hợp để vừa học vừa làm, y mới “ổn định” công việc, học lớp mười hai.
Sống ở đây tới mười tám năm, Phạm Nhã dành nhiều tình cảm cho chỗ này lắm nhưng suốt hai năm liền y không dám về thăm nơi này, thậm chí cũng không có liên lạc với ai, y chỉ thầm cố gắng, nỗ lực cho đến ngày mình thành công, có một sự nghiệp thì mới về.
Ngày hôm nay, sự nghiệp của Phạm Nhã tuy rất khác thường, thậm chí chẳng có công việc cụ thể gì hết nhưng y cảm thấy, những gì mình có hiện giờ đã đủ để gọi là thành công, có thể về được.
Ở Địa Cầu chỉ có một Harry lịch lãm, một tay con lai Anh Việt, chủ sở hữu thực sự của Rozar Vietnam JSC, ở thế giới bên kia chỉ có một Shaka de Virgo, một chúa tể trẻ, Phó chủ tịch của hội The Innovators.
Còn người tên Phạm Nhã, về lý thuyết thì đang làm việc ở tuốt ngoài Bắc, ở cả hai thế giới chỉ có ba người là biết tới Phạm Nhã, một là anh Tuân, hai là chúa tể Leonidovich Hopner, ba là chính bản thân y.
Điều mà Phạm Nhã thấy tiếc nuối đó là y không thể về lại nơi này như một đứa trẻ đã lớn lên ở đây, y chỉ có thể gặp lại những người đã nuôi lớn mình dưới cái vỏ bọc là Harry.
Phạm Nhã thở dài, nói với vệ sĩ Duy: “Anh về trước đi, tôi xong việc thì gọi anh.”
Người sau gật đầu, cũng không hỏi cái gì, không hề thắc mắc tại sao tay này lại muốn tới đây, cái này là tố chất cơ bản của một vệ sĩ chuyên nghiệp hưởng lương cao của anh Tuân.
Harry đeo khẩu trang đen bước xuống xe, đi vào làng trẻ em Mozart, hôm nay y vẫn mặc trang phục thường thấy của mình ở Địa Cầu, một bộ suit ba mảnh màu đen lịch lãm, áo khoác dài, tóc giả vuốt gọn và đeo găng tay da.
Ngày hôm nay có một nhóm sinh viên gần hai mươi bạn đi thăm quan làng trẻ em Mozart, kết hợp với làm từ thiện, tặng quà và cả tổ chức trò chơi.
Harry đi vào trong làng trẻ em như đi về nhà mình, y quen thuộc từng lối đi, từng căn phòng, từng góc nhỏ của chỗ này, sự xuất hiện của y làm cho nhiều người nhiều chú ý lắm nhưng y cũng chẳng để tâm, chỉ đi thẳng vào phòng tiếp khách, ở đây sớm đã có một người mà y quen thuộc đang ngồi làm việc.
Nghe thấy tiếng giày của Harry, người này ngẩng đầu, kinh ngạc nhìn người đàn ông cao lớn, lịch lãm như diễn viên phim điện ảnh này:
"Cậu đến thăm trẻ à?”
Harry cởi khẩu trang, nhìn người này, đây là một người phụ nữ trung niên, tầm năm mươi mấy, rất gầy, đeo kính viễn, mặc một bộ áo lam nhà Phật.
Người phụ nữ này tuy đã có tuổi nhưng nhìn thấy có vẻ nhanh nhẹn, tháo vát lắm.
Y định gọi tên người này, suýt nữa đã bật thốt ra ngoài nhưng cuối cùng cũng kiềm lại: “Con chào cô, con đến đây để tài trợ.”
Người phụ nữ trung niên kéo kính lên để nhìn rõ Harry, bà ấy rất kinh ngạc trước vẻ đẹp vô thực của người này, nhìn không giống dân Châu Á mà như một người lai nhưng lại nói tiếng Việt giọng miền Nam rất sõi.
Nghe người này đến để tài trợ, bà ta liền nhiệt tình mời Harry ra chỗ bàn tiếp khách, còn rót trà cho y rồi ngồi xuống đối diện: “Cậu muốn tài trợ theo cá nhân hay tổ chức?”
Harry trả lời: “Theo tổ chức và cá nhân luôn ạ, cá nhân con sẽ tài trợ trước một số tiền mặt, bên công ty con sẽ thì cấp học bổng cho các em sau.”
Người phụ nữ gật đầu, bà ta cười rất chân thành: “Cảm ơn cậu, sắp tới mùa nhập học, ở làng phải lo tập sách, đồng phục, dụng cụ học tập các thứ cho các cháu rất là tốn chi phí.”
Đoạn, bà ấy thở dài: “Thế giới này giờ lạ quá, còn có một thế giới khác nữa, rồi mấy người có thể qua đó nữa.
Cả thế giới bây giờ đều chỉ quan tâm tới những thứ này thôi, làng muốn kêu gọi giúp đỡ cũng không có ai để ý.”
“Không nói mấy chuyện này nữa.
Ừ tôi tên Hạnh, cậu chắc cỡ tuổi con trai tôi, kêu tôi cô Hạnh hay dì Hạnh gì cũng được, cậu tên gì ấy nhỉ?”
“Dạ, cô Hạnh, con tên Harry.”
Cô Hạnh hỏi nhỏ: “Cậu là diễn viên hay người nổi tiếng hả, cô Hạnh chưa thấy ai đẹp trai như cậu hết đó.”
Harry gãi đầu: “Dạ không, con là...!doanh nhân thôi cô, con sống ở bên Anh từ nhỏ, mẹ con là người Đại Việt.”
“Ừm, bà ấy cũng tên Hạnh giống cô đó.”
Cô Hạnh ngạc nhiên: “Vậy à, vậy chắc cô cháu mình có duyên hen.”
Harry gật đầu.
“Sao mắt con đỏ vậy Harry?”
“Dạ nãy con đi qua đường bị bụi rớt vô.”
“Đợi chút cô Hạnh lấy khăn giấy cho con, cần thuốc nhỏ mắt không?”
“Dạ không sao đâu cô.”
...
Harry cởi áo khoác, ngồi trên ghế đá nhìn trong sân.
Các bạn sinh viên đang tổ chức phát quà cho đám trẻ dưới hỗ trợ của các dì, cô trong làng, mọi người thi thoảng cũng liếc qua chỗ Harry, y có gương mặt quá đẹp, vóc dáng quá khác thường, bọn họ không muốn chú ý tới y cũng không được.
Chỉ là người này rất lạ lùng, không nói chuyện với ai, cũng không có phát quà, chỉ ngồi nhìn mấy đứa con nít, mặt có lúc sượng lại có lúc giãn ra, khi thì cười khi thì chẳng biết nghĩ gì mà có vẻ buồn buồn.
Các cô dì làm việc ở làng lâu rất là quen với kiểu người này, đó chính là những người xuất thân từ làng, về thăm làng sau nhiều năm, họ cũng ngồi một góc nhìn mọi thứ giống y chang vậy, chỉ là người này nhìn không giống một người Đại Việt, không phải là trẻ em được nuôi dưỡng ở nơi này.
Mấy bạn sinh viên tổ chức rất là nhiều trò chơi, nối vòng tay lớn, rồng rắn lên mây, nhảy dây, đau bụng xức đầu, bịt mắt bắt dê, hầu như các bạn nghĩ ra được trò gì là chơi trò đó, mấy đứa trẻ tham gia nhiệt tình, đứa nào đứa nấy cười đến ngoác cả mồm.
Chỉ có Harry mới biết, thực ra bọn nhóc tì này chỉ muốn chui trong phòng nằm ngủ hay đọc truyện tranh thôi, mấy nụ cười này phần lớn là cười kiểu chuyên môn, cười có qua luyện tập như Katie.
Sống ở đây mười tám năm, từ lúc nhỏ đến gần mười tuổi, cứ cách tuần lại có một đoàn người ào vào làng tổ chức phát quà, chơi trò chơi, lúc đó y còn nhỏ, thích được vui chơi nên tham gia nhiệt tình lắm, lớn một tí thì thấy không có vui nữa, thậm chí chơi riết chán.
Chỉ là các dì các cô dặn phải ra chơi với mấy anh chị nên mới miễn cưỡng “chơi” cho anh chị vui, lớn thêm tí nữa, hết tuổi “được chơi” thì phải phối hợp với mọi người để tổ chức trò chơi cho mấy đứa nhỏ hơn, mấy bạn sinh viên này biết quá lắm là mấy trò cơ bản chứ cỡ như Harry thì có thừa tự tin để tổ chức team building cho công ty lớn...!
Harry nhìn một tên nhóc đang chơi một mình, nó đá trái banh vô tường cho trái banh bật ra rồi lại đá tiếp vô tường, trái banh này là banh bóng rổ chứ không phải banh da, banh bóng đá.
Trái banh này giống như bị “xài” quá lâu rồi nên nhìn rất là cũ, mấy vân dập nổi trên đó bị mòn, chìm lỉm hết, vỏ cũng xơ xác, vừa dơ dáy bẩn thỉu lại còn đen thui.
Harry biết trái banh này, bởi vì đó là trái banh của y.
Harry đứng dậy lại gần tên nhóc, nhóc này cỡ tám chín tuổi gì đó, da đen đúa, tóc cháy nắng, mặc đồ có hình năm anh em siêu nhân, đồ cũng hơi cũ rồi, nó đi chân không, chân dơ như hủi, xem ra suốt ngày chơi đá banh nên mới dơ vậy.
“Sao con không mang giày?”
Harry ngồi xổm xuống mới nói chuyện được với tên nhóc đang đứng thẳng người này, nhóc nhìn Harry, mặt nó không sợ mà chỉ tò mò.
“Đi chân không thích hơn.” Nó trả lời.
“Nhưng bẩn lắm, con không sợ vi trùng sao, con sẽ bị đau bụng, tiêu chảy nếu đi chân không đấy.”
“Con đi chân không hoài có sao đâu?” Nó trả treo.
Harry xoa đầu tên nhóc tì này, đeo găng tay cũng cảm giác được đầu nó rất là bết, xem ra là một cao thủ lười tắm, thích ở dơ, y chang ai đó hồi nhỏ.
Tên nhóc bị xoa đầu riết quen rồi nên để yên cho xoa, nó nhìn nhìn Harry: “Chú là giám đốc hả?”
Harry phì cười: “Sao con nói vậy.”
Nhóc tì nói rất là đương nhiên: “Tại chú mặc vest.”
“Bộ mặc vest thì làm giám đốc hả?”
“Dạ!”
Harry hỏi: “Mẹ con là ai?”
“Mẹ Hạnh ạ!”
Harry giật mình, nhóc tì này là “em trai” của mình?
Làng trẻ em Mozart này được tổ chức theo ba nguyên tắc, “bà mẹ”, “anh chị em” và “ngôi nhà”.
Trong đó nguyên tắc “bà mẹ” nói về việc những trẻ em ở đây sẽ được chăm sóc và nuôi dưỡng bởi một một người mẹ, người này sẽ trông nom và có trách nhiệm mang đến cho trẻ sự yêu thương, sự an toàn và che chở, giống như được che chở bởi bàn tay của một người mẹ thật sự trong một “ngôi nhà” bình thường.
Những “bà mẹ” này là những phụ nữ từ hai lăm đến bốn mươi, không có ý định lấy chồng, không có con riêng, cũng không nặng gánh gia đình, tình nguyện tuyên thệ đảm nhiệm thiên chức làm mẹ, nuôi dưỡng những trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt như những đứa con riêng của mình, một “bà mẹ” như vậy nuôi dưỡng từ tám đến mười trẻ, những đứa trẻ này là “anh chị em” với nhau.
Chỉ là, không phải lúc nào trong làng trẻ em Mozart cũng có “mẹ” đúng tuổi, như mẹ Hạnh, đã năm mươi mấy vẫn còn phải phụ trách nuôi cả bầy trẻ.
Hồi xưa Harry cũng được nuôi bởi mẹ Hạnh.
Harry hỏi: “Con có mấy anh em?”
Nhóc tì giơ ra cả mười ngón tay: “Con có mười anh em, con là em út.”
Harry cười, lại xoa đầu tên nhóc, ngày xưa y cũng là em út, các anh các chị tới tuổi cũng rời đi làng trẻ em Mozart, ra ngoài bươn chải, người ra Bắc người về miền xuôi, cũng có người đi hợp tác lao động ở nước ngoài.
Làng trẻ em Mozart thực sự là một cơ cấu rất tốt, cung cấp cho đám trẻ thiếu may mắn này nhiều thứ lắm, từ đồ ăn, cái mặc, một ngôi nhà, cũng cho chúng đi học, phần lớn mấy đứa trẻ đều coi đây là nhà mình.
Harry lúc nhỏ thì lại không, y dành tình cảm cho nơi này, nhưng không coi nơi này là nhà.
Cũng chẳng phải nói y không có tình nghĩa hay vô ơn gì cả, đơn giản chỉ là y quá tỉnh táo, là một đứa trẻ thông minh và tỉnh táo khác với những đứa còn lại, y biết được rằng nơi mà mình ở, mình sinh sống và lớn lên không phải nhà mình, mà là một cơ cấu được thành lập để nuôi dưỡng và chăm sóc những đứa có hoàn cảnh giống y.
Càng lớn, nhận thức này của y càng rõ ràng hơn, trong làng cũng không phải chỉ có y mới có cảm giác này, những đứa trẻ này là những đứa lập dị nhất trong đám đông, chúng không vui tươi hồn nhiên mà luôn có vẻ lo âu, suy nghĩ.
Chúng nghĩ về tương lai nhiều hơn hiện tại, chúng cũng nghĩ về quá khứ nhiều hơn hiện tại, tương lai làm cho chúng sợ hãi và âu lo, ngược lại, quá khứ lại mang đến hy vọng, những đứa trẻ bị ám ảnh với quý khứ khi đã lớn đều cố gắng tìm lại cha mẹ ruột nhưng phần lớn chỉ tìm được nỗi thất vọng, mọi thứ lại như một mớ bòng bong khốn nạn.
Những đứa trẻ này không nghĩ mấy tới thực tại!
Có những điều mà cho đến bây giờ, khi đã bước trên con đường Vinh Quang, hành thiền theo pháp Vipassana, nhìn được thực tại khách quan, chúa tể trẻ mới hiểu và nhận ra mình đã sai sót như thế nào, hãy nhìn tên nhóc tì này xem, nó chơi một mình vẫn thấy thật vui, nó không lo nghĩ gì cả, nó vui với hiện tại của nó.
Điều này đáng quý biết bao.
Harry hỏi: “Con tên gì?”
Nhóc tì trả lời: “Con tên Cu.”
“Tên đi học ấy.”
“Con tên Nhã.”
Nhóc tì thấy bàn tay rất lớn đang đặt trên đầu nó không vo lấy tóc nó nữa.
Harry hỏi: “Cái gì Nhã?”
Nhóc tì trả lời: “Phạm Nhã.”
...
Harry ngồi lặt rau phụ mấy dì mấy cô làm cơm tối, đã là giờ chiều, mấy bạn sinh viên đi về hết, mấy đứa trẻ lớn một xíu cũng ngồi xuống phụ các mẹ, cô Hạnh thấy người lai Tây này rất lạ, nhìn dáng dấp không phải là người biết làm mấy ngón này nhưng vào việc thì lại cực thạo, giống như ở nhà cũng thường lặt rau.
Chỉ là, một mình người này ôm một chậu nước, ngồi trong xó lặt một mình chứ không làm chung với mấy người khác, ai hỏi cậu ta cũng chỉ cười ghẹo: “Con làm nhanh lắm mấy cô không làm lại con đâu.”
Mấy cô, mấy dì cũng cười giỡn lại, cũng không có giận mà còn thấy người này thật thân thiện, lại vui tính nữa.
Phạm Nhã làm vậy vì y phải cởi găng tay mới lặt rau được, ngồi một mình không ai thấy được bàn tay nhẵn như nhựa, không có vân hay kẽ tay của y.
Lặt xong mớ rau y mới lau tay rồi co ngón lại, tránh để các cô nhìn được lòng bàn tay.
Mọi người hì hục làm đồ ăn, nấu cơm, tới gần tối mới dọn ra ăn, mấy đứa con nít rất là biếng ăn, các “mẹ” phải vừa vỗ vừa nịnh chúng nó mới chịu nuốt.
Cô Hạnh ngồi kế Harry, thấy người này ăn cơm phải đeo bay tay thì tò mò nhưng không có hỏi tới, chỉ gắp thức ăn cho y rất nhiệt tình.
Thấy Harry cứ nhìn nhóc Cu, cô Hạnh hỏi: “Nãy cậu nói muốn xin nhận nuôi thằng Cu hả?”
Harry gật đầu, cười chân thành: “Con thấy nó dễ thương, hồi nhỏ con cũng hiếu động như nó, à mà cô ơi, tên của nó là cô đặt hay sao ạ?”
Cô Hạnh nói: “Thằng nhóc này là trẻ em đường phố, ba mẹ nó là con nghiện, sốc thuốc chết cả hai vợ chồng, bọn họ vô trách nhiệm lắm, không có làm khai sinh cho nó, cứ đẻ nó ra rồi để vậy đó cũng không có đặt tên đàng hoàng, suốt ngày kêu nó cu, cu.
“Cô muốn nó quên quá khứ nên lấy họ của cô luôn chứ không lấy họ ba nó, còn tên của nó thì cô đặt giống một thằng con cô, trước nó cũng ở đây, nhóc đó đi hai năm rồi mà không có quay về, cô cũng không biết nó đang làm gì, thằng nhóc đó hiền với ngoan lắm.”
“Cô đặt tên nó là Nhã giống nó tại cô muốn Cu nó lớn cũng ngoan, cũng hiền như Nhã của cô.”
Harry cúi đầu xuống lùa cơm, bữa ăn đạm bạc này thực sự ngon lắm, có ớt trồng nữa, y cắn trúng miếng ớt, ớt rất cay, cay hết cả mắt..