Việt ma tân lục
Quyển 3 - Chương 17: Ngón tay mưng mủ
Ngoài đốt ngón cái của tay trái được tìm thấy trong cái nồi nhôm cháy, mọi dấu vết về Anh Đào đều biến mất. Suốt một tuần liền, hai vợ chồng ông Thanh Tùng điên cuồng tìm con nhưng sớm phải chấp nhận sự thật khó tin rằng con gái của họ đã bị những người của thế giới bên kia bắt đi. Dù sao, người đã đi cũng không còn có thể quay về được nữa. Cuối cùng, gia đình đành cắn răng tổ chức tang lễ cho Anh Đào, mặc cho thi thể của cô không thể tìm thấy. Bà Thu Hiền chôn vài món đồ ưa thích của con, đặt mộ phần ở cạnh Cẩm Tú để hai chị em được gần nhau. Lạ thay, cũng đến ngày bốn mươi chín của Anh Đào, Vân Vân lại lăn ra sốt cao, phải gọi bác sĩ đến tận nhà truyền nước. Bà Thu Hiền đeo cho Vân Vân sợi dây chuyền của mình, ngày đêm túc trực bên con, tự hứa nhất định không được để chuyện gì xảy đến với đứa con còn lại.
Thiếu vắng hình bóng của Anh Đào, bầu không khí trong khu biệt thự càng thêm u uất và sầu não. Ông Thanh Tùng lao đầu vào công việc, giữ mình thật bận rộn để khỏi nghĩ ngợi chuyện cũ. Tuy nhiên, thấy vợ âu sầu suốt thời gian dài, ông không khỏi nghi ngại nhiều chuyện. Ông âm thầm tìm cách giải đáp những khúc mắc trong đầu, rồi quyết định khuyên bà Thu Hiền đưa Vân Vân về nhà ngoại ngoài Bắc xem có khá khẩm hơn không.
– Làm sao tôi lại cứ thế đi được?! Tôi với ông là vợ chồng, vợ chồng thì phải sống với nhau chứ! – Bà Thu Hiền vỗ hai tay lên đầu gối, vẻ bất bình.
– Tôi biết. Nhưng tôi cảm thấy không an tâm với nơi nhà mình đang sống. Tôi với mình còn mỗi Vân Vân, tôi dĩ nhiên không muốn chuyện chi xảy tới với con nhỏ.
– Hay ông ra ngoài Hà Nội với tôi? Cùng tôi chăm sóc Vân Vân và bố mẹ?
– Mình đừng làm khó tôi chứ? Tôi rảnh, tôi sẽ bắt máy bay ra ngoài với mình và con. Khổ nỗi, tôi còn cô tư đang bệnh, chú út đang khó khăn, tôi đâu thể nói đi là đi được.
– Thôi được rồi. Để tôi thu xếp, báo lại với bố mẹ ngoài đó.
– Mà, Vân Vân đâu nhỉ? Con nhỏ bớt bệnh chưa?
– Nãy vừa thấy loanh quanh trong bếp, giờ tôi không thấy đâu cả!
Ông Thanh Tùng đứng dậy khỏi hàng ghế sofa đệm nhung, mắt ngó nghiêng các phòng. Ông lạnh người khi qua ô cửa sổ ở phòng bếp, bắt gặp con gái đang đứng trên cây cầu dẫn sang khu vực cấm. Ông lớn tiếng, hô hoán bà Thu Hiền với người trợ lý của mình chạy ra ngoài gọi Vân Vân. Tuy ai nấy đều lớn giọng, Vân Vân chẳng có vẻ gì là nghe thấy, cứ lẳng lặng đứng đó bám vào thành cầu.
Ông Thanh Tùng chạy thật nhanh đến, dùng cả hai tay nhấc bổng cô con gái và trở ngược về nhà trong sự lo lắng của vợ. Khi ông đặt con gái đứng xuống trước cửa nhà, Vân Vân mới lắc lắc đầu, ngẩn ngơ không hiểu tại sao người lớn lại nhìn cô với vẻ nhăn nhó.
– Mẹ nói con không được sang kia cơ mà?! – Bà Thu Hiền mắng không ra hơi.
– Ơ… con vừa ra kia ạ? – Vân Vân ngơ ngác.
Hai vợ chồng lập tức trao đổi ánh mắt bất an. Ông Thanh Tùng chỉ biết khu vực ấy ngày xưa thuộc quyền sở hữu của gia tộc mình, nhưng không một ai có thể đầu tư vào đó thành công, thậm chí có những chuyện không hay xảy ra khiến nó mất giá thảm hại. Vốn muốn giữ gìn đất hương hỏa của gia đình, ông Thanh Tùng dựng biển cấm không cho người ngoài ra vào, cứ để mặc khu đất ấy yên ở vị trí hiện tại.
Thôi con lên nhà chơi đi ha! Còn chưa khỏi bệnh hẳn, chớ ra ngoài lại trúng gió! – Ông Thanh Tùng xoa đầu Vân Vân.
Khi Vân Vân ngoan ngoãn đi vào nhà, ông Thanh Tùng thở dài, mệt mỏi nhắc lại chuyện xưa.
– Nhớ ngày trước, cô tư chả hiểu sao cũng đi vào khu đất ấy, bệnh đến giờ không khỏi. Đã mời mấy thầy đến xem mà vẫn không ăn thua. Ai cũng kêu cứ kệ cho khu đất ấy yên. Thầy nào cũng chỉ bảo có một hương linh hung dữ canh giữ khu đất, người phàm không nên tới quấy rầy. Mà các thầy coi đất xong, ai nấy mặt mày cũng tái xanh, toát mồ hôi hột.
– Giờ nhà mình thế này, lẽ nào không cần cúng bái hả ông? – Bà Thu Hiền lo lắng.
– Các thầy đã bảo, hương linh này không muốn nhận đồ cúng bái…
Đột nhiên, Vân Vân chạy xuống. Ông Thanh Tùng đành tạm dừng cuộc trò chuyện dang dở.
– Ở khu vực cấm có người sống hả ba?
– Hả?! Tất nhiên là không! Ba đặt biển báo cấm thì làm sao ai dám ra vào hả con?
– Ủa, kỳ ha? Nãy con thấy người đi lại trong đó. Ổng cao lớn, mặc cái áo khoác đen trông như áo mưa ấy ạ…
Vân Vân tường thuật lại điều mình thấy bằng vẻ ngây ngô hết sức. Lúc chạy ra ngoài để đuổi theo quả bóng, Vân Vân lập tức nghe thấy tiếng ai đó gọi tên mình rõ mồn một. Vân Vân quay ngang quay dọc, chỉ thấy ba mẹ nói chuyện riêng từ xa nên chắc mẩm không phải họ gọi.
Tiếng gọi liên tục vang lên, kéo dài hơi, như vừa nói vừa thở sát bên tai. Vân Vân thôi không đuổi theo quả bóng, mắt trông ra phía khu đất bên kia một cách vô hồn, chân cứ thế rảo bước.
Đến giữa cầu, Vân Vân dừng lại, tay đột nhiên bám vào thành cầu, không đi nữa, như có ai đang giữ lại. Vân Vân vẫn đưa chân về phía trước nhưng cả người không nhích thêm lên tí nào. Rồi, phía sau hàng cây xa xa, một người đàn ông mặc chiếc áo khoác đen ướt nhẹp đi lướt qua, lúc ẩn lúc hiện. Vân Vân không nhớ rõ, nhưng giây phút ông ta nhìn về bên này, con bé thấy một cặp mắt đỏ ngầu, không có lòng đen hay lòng trắng. Ông ta mở mắt to đến nỗi tưởng như nó sắp vỡ ra giống một bọc nước bị kim chọc thủng.
Ông Thanh Tùng và bà Thu Hiền trấn an rằng con đang bệnh nên tưởng tượng lung tung mà thôi. Kỳ thực, cả hai chộn rộn không yên trong người, nhưng chẳng ai đủ dũng cảm đi vào khu đất kia mà kiểm chứng.
*
Sau khi bàn và thống nhất, bà Thu Hiền cùng Vân Vân sắp xếp đồ đạc, bay ra Hà Nội. Phải xa khu biệt thự thân thương, Vân Vân quyến luyến vô cùng, nhưng bà Thu Hiền an ủi con gái, rằng họ sẽ sớm quay về, còn giờ ba cô bận bịu thế, không có thì giờ ở bên hai mẹ con. Để Vân Vân ngoài này với ông bà ngoại, bà Thu Hiền phần nào yên tâm hơn, nhất là khi nỗi đau mất con vẫn còn âm ỉ trong lòng.
Về Hà Nội được hơn một tháng, sức khỏe của bà Thu Hiền và Vân Vân đều tệ; hai mẹ con thay nhau ốm sốt. Một hôm, Vân Vân sốt gần bốn mươi độ, nằm mê man nói linh tinh. Bà Thu Hiền lo lắng, đưa con đi bệnh viện nhưng dù bác sĩ sử dụng đủ loại thuốc, thân nhiệt của Vân Vân vẫn không hề giảm. Bà ngoại cho Vân Vân đeo thêm một cái vòng tay gỗ trầm hương của mình; lúc này, họ chỉ biết khấn trời phật giúp tình hình của con bé cải thiện. Nào ngờ, sau một đêm, Vân Vân hạ sốt, tỉnh táo hơn hẳn và được phép về nhà nghỉ ngơi.
Vân Vân kể, cô đã mơ một giấc mơ rất dài. Cô đi giữa một rừng thông lớn – những cây thông ở khu vực cấm cạnh biệt thự tại Đà Lạt – và cứ lạc ở đó mãi, không thấy đường ra. Cô nghe loáng thoáng có tiếng bà ngoại và mẹ gọi tên mình, nhưng không biết nó phát ra từ đâu, cũng không rõ làm sao để đáp lại.
Và trong giấc mơ của cô, người đàn ông ấy lại xuất hiện. Không chỉ một lần, kể từ lúc đến ở nhà ông bà ngoại, hầu như đêm nào Vân Vân cũng gặp người đàn ông áo khoác đen lúc ngủ. Có khi ông ta chỉ đứng từ xa, có khi ông ta vẫy tay gọi cô lại gần; rồi cũng có khi, ông ta bước qua bước lại, biến mất phía sau những thân cây không đủ lớn để che cả một bóng người.
Bà ngoại Vân Vân nghe thế, trong lòng lo lắng. Bà lén đặt trong phòng Vân Vân mấy món đồ thỉnh từ chùa, hy vọng ban đêm cháu gái được ngủ ngon. Dù vậy, thể trạng của Vân Vân lại không tiến triển tốt; cô bé vẫn thường xuyên ốm vặt, hầu như chỉ dành thời gian ở trường và nhà.
Khi năm tháng ốm đau đỉnh điểm tạm qua đi, bà Thu Hiền gặp một vấn đề khác. Lúc bắt đầu bước sang tuổi bốn mươi, ngón tay cái bên trái của bà có dấu hiệu đau nhức kỳ lạ. Bôi thuốc hay xoa bóp hằng ngày cũng không đỡ. Qua mấy tuần, ngón tay cái xuất hiện vài nốt đốm trắng li ti, chọc ra sẽ chảy mủ. Bà Thu Hiền đi khám, chụp, soi các kiểu mới bàng hoàng khi bác sĩ kết luận ngón tay cái của bà mắc một chứng bệnh lạ chưa từng có trong lịch sử y học. Chưa vừa lòng, bà tìm sang nhiều bệnh viện khác trên thành phố; mỗi nơi đưa ra một kết quả khác nhau, song đều gợi ý chung một giải pháp là phẫu thuật cắt bỏ.
Đáng sợ hơn, Vân Vân thường chỉ vào ngón tay của mẹ và nói con bé thấy có một hàm răng nhọn, vàng khè cắm ở đó. Có khi Vân Vân còn giật mình hét lên, bảo trên ngón tay của mẹ không còn hàm răng nữa mà là một cái đầu người tí hon khô quắt queo đang ngậm ngón cái. Nó thi thoảng mở mắt, lườm Vân Vân với hai cái lòng đen sì rồi cười “hè hè”.
Bà Thu Hiền bán tín bán nghi trước những điều Vân Vân nói, bởi bản thân bà không hề thấy bất cứ điều gì con bé mô tả. Nhưng với biết bao chuyện khó hiểu xung quanh mình, bà chỉ biết ôm con bé vào lòng và vỗ về mỗi lần con bé chứng kiến cảnh gì không hay.
Trong lúc bà Thu Hiền lần chần, bởi việc phẫu thuật này không đơn giản, sẽ ảnh hưởng nhiều đến cử động của tay và thẩm mỹ về sau, những nốt mủ trắng xuất hiện dày đặc hơn, còn những đốm cũ thì loét ra, ăn sâu vào phần da thịt nham nhở và gớm ghiếc. Cuối cùng, hết cách, bà đồng ý để bệnh viện làm phẫu thuật, chấp nhận mất đi một đốt ngón tay.
Cũng sau đó, Vân Vân thừa nhận không còn thấy thứ gì kỳ quái ở trên tay mẹ mình nữa.
*
– Tự dưng con lại nhớ đến Cẩm Tú với Anh Đào mẹ ạ. – Bà Thu Hiền nằm nghỉ trên giường, trò chuyện với mẹ.
– Mẹ biết con còn buồn nhiều, nhưng chịu khó nghỉ ngơi cho khỏe hẳn. Con còn phải nuôi cháu ngoại của bố mẹ nữa!
– Lúc hai đứa nó mất, cả hai đều mất ngón tay cái. Con muốn tin là có kẻ điên nào đó đã làm vậy, nhưng những người chứng kiến, ai cũng bảo hai đứa nhà con bị ma bắt đi.
Bà Thu Hiền nghiêng đầu, dựa người vào lòng mẹ. Mẹ của bà cũng không biết nói gì hơn; bà không ở đó lúc chuyện xảy ra, càng không muốn nói chuyện ma quỷ để con cháu thêm âu lo.
“Á… a… aaaaa…”
Tiếng la hét thất thanh vọng đến từ phòng của Vân Vân. Bà ngoại Vân Vân vừa mới dỗ dành cháu gái ngủ, lẽ nào con bé lại nằm mơ? Hốt hoảng, hai mẹ con chạy sang, mở toang cửa. Bà Thu Hiền vội ôm con trong vòng tay, xoa dọc lưng. Bà ngoại lấy khăn ướt lạnh thấm mồ hôi cho cháu gái đang rên hừ hừ. Mãi lúc sau, Vân Vân mới thả lỏng người, mắt tròn mắt dẹt nhìn bà với mẹ.
– Con ngủ mơ nữa à? – Bà ngoại ân cần hỏi han.
– Dạ, con lại mơ thấy người đàn ông đó… – Vân Vân thở hồng hộc, mũi sụt sịt.
– Không sao! Mẹ đây rồi! – Bà Thu Hiền vỗ vai con, thơm nhẹ lên tóc.
– Con sợ mẹ ơi! Ổng nói ổng sẽ tìm con… và không cho con chạy thoát…
Tác giả :
Nhóm 4.0