Tuyến xe cuối ngày mang số 13
Chương 65: Gà trống ăn thịt
Dịch: Mộ Quân
Hai chữ "được cứu" của cụ Vương lọt vào lỗ tai làm tôi sung sướng rụng rời. Tôi giục giã cụ ta nhanh chóng nói tiếp nội dung quẻ bói mà cụ ấy thấy được cho tôi.
Cụ Vương ngồi khoanh chân lại nghiên cứu mấy hạt đào thêm một chốc rồi mới nhẹ nhàng lên tiếng:
"Quẻ bói thứ hai này của cậu ấy hả...có thể nói so với quẻ đầu tiên thì tốt hơn hẳn đấy. Quẻ tượng cho thấy mặc dù bị mưa rền gió giật bao vây nhưng bù lại cũng được trăm cây che chắn cho. Lại thêm tuy đúng là đá chìm đáy biển nhưng sau nhờ sóng đánh mà có thể cập bờ. Nói chung đại nạn không chết, sau này có phúc nha."
Cụ Vương nói một hơi một tràng, thú thực đoạn đầu tôi nghe không hiểu lắm nhưng câu cuối "đại nạn không chết, sau này có phúc" này thì do nghe nhiều quá rồi nên đương nhiên tôi biết nó có ý nghĩa thế nào.
Tôi kìm không được sự vui mừng khấp khởi đang nhen nhóm trong lòng. Tôi hỏi lại một cách dồn dập:
"Ý của cụ có phải là dù tôi lăn lộn thế nào cũng sẽ không chết phải không? Như vậy có phải là tôi sẽ không sao rồi phải không?"
Cụ Vương cười gật gật đầu, trả lời:
"Cậu có thể hiểu đại khái là như này nhé. Tuy gặp cảnh long đong lận đận nhưng cuối cùng nguy hiểm sẽ biến mất, và mọi việc an ổn lại. Có điều cậu cũng đừng quá vui mừng. Cậu cứ thử nghĩ nghĩ coi, tháng này mất một cánh tay, tháng sau lại gãy mất một cái chân, đều là tình trạng còn sống mà không chết đúng chưa? Nói chung đại ý là thế."
Cụ Vương xối một xô nước đá dập tắt ngay sự hí hửng vội mừng trong lòng tôi.
Mất cánh tay? Lại thiếu cẳng chân? Sống mà kiểu đó thì chết còn khỏe hơn!
Lão Lưu đằng hắng hai tiếng rồi mở lời:
"Sau này có phúc là quẻ tượng tốt nhưng mà biến số trong đời của một người rất nhiều. Giả sử vận khí không tốt, lại thêm tổn hại âm đức thì chết là chắc chắn."
Cụ Vương nghe lão Lưu nói xong liền dựng ngón cái tán thưởng, cụ ta cười hì hì bảo:
"Ông anh này xác thực không phải hạng tầm thường, có thể nhìn thấu triệt đạo lý trong đó. Nói chung chuyện là do người làm thôi, cuối cùng thì chỉ có thể trông vào tạo hóa của cậu ta."
Hai lão già này qua qua lại lại mấy câu, tôi có nghe nhưng không có hiểu.
Một hồi thì có hi vọng sống, một hồi thì thành việc do người làm, một hồi nữa lại phải xem tạo hóa. Mẹ kiếp thế này thì so với trước khi xem quẻ thì khác cứt gì??
Tôi banh mặt gằn giọng lên tiếng:
"Từ bán tiên ngài phán qua phán lại phán tới phán lui như vầy, rốt cuộc muốn tôi làm thế nào mới có thể thoát khỏi khốn cảnh hiện tại đây hả?"
Cụ Vương nhẹ nhàng lắc đầu đáp lại:
"Quẻ thứ hai biểu hiện có nhiêu đây thôi. Hỏi ta con đường sau này của cậu thế nào thì còn phải chờ quẻ bói thứ ba mới có khả năng biết được."
Nghe cụ Vương nói xong tôi hít sâu một hơi để tâm tình bình tĩnh lại.
Còn phải chờ thêm một ngày nữa thôi!!
Việc chính xong xuôi, tôi xã giao trò chuyện đôi ba câu với cụ Vương thêm một lúc rồi đứng dậy đi theo lão Lưu ra về.
Trên đường về, lão Lưu nhận thấy tâm trạng tôi không tốt, lão bèn nhẹ giọng khuyên bảo:
"Mi không cần phải chán nản như vậy. Quẻ bói thứ hai ngày hôm nay không phải quẻ chết chóc, nó tương đương với việc vẫn còn biện pháp xoay xở. Quẻ ngày mai hẳn là có thể tìm ra được một hướng để thoát thân."
Lão Lưu vốn dĩ là người lạnh lùng kiệm lời, ấy thế mà hôm nay lại có hành động hiếm thấy, mở miệng an ủi động viên tôi.
Tôi nhoẻn miệng cười cười rồi nói:
"Ông yên tâm đi lão Lưu. Tôi không có nản chí đâu. Đợi xem xong quẻ bói thứ ba rồi tôi cứ tuân theo đó mà làm là ổn thôi."
Lão Lưu gật gật đầu biểu lộ sự hài lòng của mình với câu trả lời của tôi. Cả hai tiếp tục rảo nhanh bước chân đi về hướng nhà Chu Tráng.
Sau khi trải qua vụ chuyển hồn gà trống kia xong, tôi bây giờ cứ hễ ở không không làm gì là lại suy nghĩ lung tung. Lúc thì sợ lại bị cọng lông gà nào đó mê hoặc, lúc thì lo lắng quẻ bói thứ ba phán rằng chả có biện pháp nào cứu tôi đâu, chờ chết đi.
Thế nên, trong thời gian chờ đợi này, lão Lưu thì ở yên trong nhà, còn tôi lại muốn kiếm việc gì đó làm, giữ cho bản thân luôn trong trạng thái bận rộn. Tôi dứt khoát đi thẳng ra ruộng phụ giúp Chu Tráng làm việc đồng áng.
Khi tôi và Chu Tráng hai thằng đang hùng hục cắm đầu dưới ruộng, tôi chợt nghe thấy tiếng cãi vã của mấy người thôn dân vọng từ trên đường đê xuống. Thôn Dương Thảo Câu này không lớn lắm, bà con thôn xóm đều quen biết lẫn nhau, rất ít xảy ra mấy chuyện cãi cọ xô xát như thế này.
Hai chúng tôi thả nông cụ trong tay xuống rồi bò lên đường đê để nghe ngóng xem chuyện gì đang diễn ra.
Sau khi lóp ngóp trèo được lên đường đê, chúng tôi mới hay rằng không phải thôn dân cãi nhau mà là bà con đang lòng đầy căm phẫn chỉ vào con gà trống được dùng để chuyển hồn của nhà họ Trương mà mắng chửi thậm tệ.
Tôi khẽ chạm vào một thôn dân gần đấy rồi hỏi thăm, người đó mới bảo, con gà trống chuyển hồn này ngày hôm nay mới được thả ra ngoài thôi đã gây tai họa cho bọn gia cầm khác. Nó không gáy, cũng không đi tìm nhập bọn với đám gà vịt. Đi lại nghênh nghênh ngang ngang trông như con người vậy, mới một buổi sáng thôi nó đã mổ chết gia cầm trong nhà của ba người rồi.
Tôi nghe kể xong mà cảm thấy cả người lành lạnh. Lẽ nào con trai nhà họ Trương thực sự chuyển hồn thành công, bám lên người con gà trống này thật sao?
Thôn dân bu xung quanh càng kể lể càng nóng máu. Người nhà họ Trương cứ ôm con gà trống rồi một tiếng con trai hai tiếng con trai, nó rõ ràng mổ chết gia cầm nhà người khác, thế mà cứ ngăn cản không cho bọn họ đánh cũng không cho bọn họ mắng. Mọi người ban đầu vốn thông cảm cho nhà họ Trương vừa mới mất đi người thân nên không có ý định bắt đền hay bồi thường gì cả. Nhưng cuối cùng thì sao? Ngay cả một lời xin lỗi cũng không có!
Ngay lúc tôi đang chăm chú nghe thôn dân kể lại tội trạng của con gà trống thì bỗng nhiên có một cậu bé chạy từ hướng bắc chạy tới. Đứa bé trông có vẻ như đang có chuyện rất trọng yếu, nó chạy vô cùng hớt hải gấp gáp, còn té lên té xuống mấy lần. Nó vừa chạy vừa la thất thanh:
"Mẹ ơi mẹ, mẹ mau mau về nhà coi đi, bò nhà mình bị con gà trống mổ chết mất rồi."
Một người phụ nữ mặc áo hoa đang đứng trong đám thôn dân nghe tiếng gào của đứa trẻ xong sững người ra trong phút chốc rồi thét váng lên một tiếng, chạy ào qua.
Tôi vẫn còn chưa kịp định thần lại sau mớ chiến tích của con gà trống này thì nó đã vội thăng cấp bảng thành tích của mình bằng việc xử luôn cả con bò rồi!!!
Thôn dân xung quanh cũng giật bắn cả mình, cả đám nhanh chóng chạy về hướng nhà của người phụ nữ kia.
Tôi với Chu Tráng đương nhiên cũng vội bám theo đoàn người hóng hớt. Khi mọi người tới nơi ai nấy đều bị quang cảnh trước mắt làm cho kinh hãi đến dại mặt ra!!!
Con bò vàng này chết quá thảm rồi! Toàn thân trên dưới bị mổ nát bét, máu thịt nhầy nhụa, không có một miếng da hoàn chỉnh. Máu từ những lỗ khoét sâu hoắm trải đầy trên mình nó vẫn đang rỉ rả từng giọt ra ngoài.
Và chỗ làm người ta cảm thấy khó nhìn thẳng nhất chính là đôi mắt của con bò. Chúng bị mổ nát bét ra, từng dòng chất lỏng sền sệt đục ngầu chảy dọc hai bên hốc mắt.
Hơn một tháng trước tôi cũng từng thấy xác chết thảm thương của một con bò lúc đến thôn Hổ Yêu Sơn, có điều so mức độ với con bò trước mắt này thì chả thấm tháp vào đâu.
Người phụ nữ áo hoa thấy con bò nhà mình chết ghê rợn như thế cô ta bắt đầu lớn tiếng mắng mỏ không ngớt. Ở nông thôn, một con bò khỏe mạnh có giá tới hơn mười hoặc hai mươi ngàn đồng, có thể nói đây là một khoản tài phú tương đương với toàn bộ gia sản trong nhà một người bình thường. Ngoài ra, bò cũng là chủ lực trong việc đồng áng, là lao động chính gánh vác kinh tế của một hộ nông dân.
Đám thôn dân xung quanh chứng kiến việc này ai nấy đều nhanh chóng tản ra các hướng, khẩn cấp chạy về nhà kiểm tra coi bầy gia súc gia cầm nhà mình có còn an toàn khỏe mạnh hay không.
Nhà Chu Tráng không có nuôi dưỡng con gì, từ heo bò cho đến gà vịt nên cả hai thằng vẫn tỉnh bơ. Tôi liếc mắt nhìn thằng bé đang cắn môi cúi đầu đứng bên cạnh, trông nó cứ y như mấy đứa nhóc vừa phạm sai lầm gì vậy. Tôi đi lại rồi hỏi nó:
"Em trai, em thực sự tận mắt nhìn thấy con gà trống mổ chết con bò nhà em sao?"
Thằng bé gật mạnh đầu không hề nghĩ ngợi, rồi nó thút thít:
"Lúc em mang thêm cỏ tới cho bò ăn thì thấy có một con gà trống màu vàng vỗ cánh phành phạch đang mổ mổ trên mình con bò."
Thằng nhóc nói xong, ngừng một lát nghĩ ngợi gì đó rồi kể tiếp:
"Con gà trống đó cũng không hề sợ người chút nào. Em cầm cục đá lên ném nó mà nó không thèm chạy luôn."
Tôi hít sâu một hơi, từ đống vết thương lỗ chỗ trên thi thể con bò, có thể kết luận được con gà trống chuyển hồn kia giết con bò là để ăn thịt!!
Tôi thấy người phụ nữ áo hoa này khá đáng thương nên rút vội một trăm đồng trong túi ra nhét vào tay đứa bé trai rồi theo Chu Tráng đi về nhà.
Chuyện hôm nay quả thực đáng sợ. Con gà trống chuyển hồn kia chắc chắn có vấn đề. Tôi phải nhanh chóng quay về kể lại cho lão Lưu mới được.
Lão Lưu lúc này đang quét tước dọn vệ sinh trong sân. Sau khi nghe tôi và Chu Tráng thuật lại đầu đuôi, lão cũng tỏ ra vô cùng bất ngờ. Lão cất giọng đều đều pha chút lạnh lẽo:
"Gia cầm sau khi chuyển hồn thì sẽ không tiếp tục ăn thức ăn cho gia cầm là bình thường nhưng cũng không chuyển sang ăn thịt như thế. Cái này..."
Lão Lưu chống gậy trầm mặc không lên tiếng, lão đi qua đi lại trong sân một lúc rồi bất thình lình ngẩng phắt đầu như thể phát hiện ra cái gì đó.
"Trời ạ. Đây khả năng không phải là chuyển hồn. Mà là đoạt hồn!!!"
Tôi còn đang mơ hồ, không hiểu lắm câu kết luận của lão Lưu. lão đã tiếp tục nói:
"Chuyển hồn là kiểu kéo một tia hồn phách của người chết chuyển nó sang dưỡng trên thân xác của một loại gia cầm. Còn đoạt hồn thì hoàn toàn khác. Đoạt hồn là kéo một tia hồn phách của người chết về làm đồ ăn cho gia cầm!"
Lão Lưu một hơi nói hết xong không chờ tôi phản ứng lại đã vội vàng kéo tay tôi, gằn giọng bảo nhất định phải đến nhà họ Trương một chuyến tìm bằng được con gà trống kia.
Ba người bọn tôi không dám chần chờ một phút nào, chạy suốt một đường đến nhà họ Trương đó.
Khi chạy ngang một ngã ba, Chu Tráng không cẩn thận tông thẳng vào một người đàn ông đang chạy tới từ hướng khác.
Người đàn ông này không nói một lời, mặt mũi thì tràn đầy nước mắt. Hắn ta phủi phủi quần áo mấy cái rồi lồm cồm bò dậy muốn tiếp tục chạy.
Chu Tráng nhận ra người này nên hỏi thăm một câu:
"Hàn Đông, sao cậu lại khóc, xảy ra chuyện gì rồi?"
Người đàn ông được gọi là Hàn Đông đưa tay lên quệt nước mắt rồi trả lời:
"Vợ tui mới gọi điện thoại tới, bảo...bảo tía tui ở nhà bị một con gà trống mổ chết rồi."
"Cái gì cơ?!!"
Tôi giật mình há hốc cả miệng. Con gà trống chuyển hồn này mổ chết một con bò đã đủ khiến người ta thấy kinh hãi không thể tin. Thế mà giờ lại có thêm tin tức nó mổ chết người rồi??
Hàn Đông cũng không nói thêm chi tiết gì với bọn tôi mà xoay người gấp gáp chạy về hướng nhà của chính mình.
Lão Lưu chỉ về phía trước ra hiệu gọi cả bọn chạy theo Hàn Đông.
Lúc chúng tôi chạy tới nơi phát hiện ông cụ nằm trong nhà Hàn Đông xác thực đã tắt thở qua đời rồi.
Thi thể ông cụ và con bò vàng cũng có những điểm tương đồng. Y phục trên người đã bị mổ nát bươm, toàn thân từ trên xuống dưới thấm đẫm máu tươi. Và đôi tròng mắt cũng biến mất hoàn toàn!!!!
Lão Lưu nhíu chặt lông mày, hỏi người vợ của Hàn Đông đang khóc như mưa bên cạnh:
"Cô nhìn thấy con gà trống đó mổ ông cụ nhà cô như thế nào? "
Vợ Hàn Đông lau nước mắt, nhớ lại:
"Tía tui đang ngồi phơi nắng trong sân thôi, tự dưng ổng ngó thấy trong chuồng bò có một con gà trống đang nhảy qua nhảy lại mổ con bò tới tấp, nên tía tui vội chạy lại đuổi con gà đó đi. Xong rồi cuối cùng ổng lại bị nó mổ tới chết."
Khi đám người chúng tôi còn đang đứng trong sân tặc lưỡi thổn thức không thôi, bỗng dưng Chu Tráng chỉ tay về phía bờ rào vây quanh sân rồi hét toáng lên:
"Mau nhìn kìa, đó chả phải con gà trống cụ Vương dùng để chuyển hồn sao?"
Bọn tôi nhìn theo hướng ngón tay đang duỗi ra của Chu Tráng. Quả thực chỗ hàng rào có một con gà trống to có màu lông vàng đang đậu phía bên ngoài, dõi mắt nhìn chằm chằm chúng tôi bên này.
Lão Lưu không thèm để ý cái gì, cứ thế chống gậy chạy thẳng lại chỗ đó. Con gà trống kia trông cũng không có vẻ gì là sợ sệt con người, nó không hề nhúc nhích muốn bỏ chạy.
Tôi sợ lão Lưu gặp nguy hiểm nên vội vàng chạy theo lão. Con gà trống thấy chúng tôi mỗi lúc một lại gần rồi mới vỗ cánh phành phạch vừa bay vừa chạy về hướng đường lớn.
Mọi người trong lòng đều mang một chút sợ hãi khi thấy con gà biết giết người nên ngoại trừ tôi với lão Lưu đuổi theo nó ra còn lại tất cả những thôn dân khác chỉ dám đứng một bên dõi mắt nhìn.
Lão Lưu lớn tuổi chạy cũng không nhanh. Con gà trống này lại giống như đang giễu cợt lão, nó cứ chạy mấy bước lại dừng lại một lúc, chờ cho lão Lưu đuổi gần kịp thì nó lại lắc mông chạy tiếp.
Chúng tôi rượt một mạch đến đầu thôn thì thấy con gà khốn nạn đó chui tọt vào trong một trạm bơm nước đã bỏ hoang.
Tôi kêu í ới bảo lão Lưu đợi tôi nhưng lão dường như không hề nghe thấy, lão cũng nhanh chóng theo chân con gà chạy vào bên trong.
Thấy lão liều như thế tôi lo sốt cả vó, lão đã một bó tuổi rồi, có thể nào xử được con gà trống kia không?
Tôi vừa mới co cao chân lên tính làm phát nước rút thì bỗng bị ai đó chộp lấy cánh tay lôi ngược về sau một cái.
Tôi hoảng hốt quay đầu lại. Ôi vãi, hết cả hồn rồi!
Là ông già mù cứ bám theo tôi mà hỏi "bây giờ là mấy giờ rồi"! Ông ta vẫn mang bộ dạng dọa người té đái như cũ, hai bên hốc mắt trống rỗng trõm xuống không hề có nhãn cầu.
Ngay bên cạnh chân ông ta còn có một chú gà choai choai mọc cọng lông đỏ phía trên mào.
Tôi vội vàng giật mạnh tay mình ra khỏi sự kìm giữ của ông già mù, rồi vừa lùi lại vừa hằm hè:
"Ông già kia, tôi đang có việc gấp, đừng có bám theo làm phiền tôi."
Tôi nói xong liền quay người định chạy tiếp. Nhưng câu nói vọt ra từ miệng ông ta khiến tôi dừng lại:
"Cậu không phải muốn tìm Từ bán tiên sao? Ta chính là người đó đây!"
Tôi như bị đóng đinh tại chỗ mất một lúc mới từ từ nhúc nhích thu cái chân đã đạp một bước dài tới đằng trước lại. Tôi cất giọng hồ nghi hỏi ông già:
"Cái gì? Ông nói ông chính là Từ bán tiên hả?"
Ông già mù toét miệng cười ha hả rồi gật đầu đáp lại:
"Cậu tên Lý Diệu, là tài xế xe buýt, mông bên phải có một cái nốt ruồi đen."
Ông già lại một phen khiến tôi đứng hình toàn tập. Tên tôi thì không phải chuyện bí mật gì, giả sử có lòng muốn biết thì chỉ cần hỏi thăm một tý là được, nhưng mà vụ nốt ruồi đen trên mông phải thì...trừ ông bà già tôi ra thì không có ai biết cái này cả.
Tôi trợn trừng hai mắt nói dồn dập:
"Ông thực sự chính là Từ bán tiên sao? Thế ông mau mau theo tôi tới chỗ trạm bơm nước cứu lão Lưu đi! Mau lên nào!"
Ông già không hề nhúc nhích một phân.
Tôi bắt đầu quýnh lên, lão Lưu đối với tôi không khác gì người cha thứ hai vậy. Lúc này đây, cho dù ông già tự xưng là Từ bán tiên này sợ nguy hiểm không muốn cứu người thì tôi cũng quyết phải tiến vào bên trong bằng được.
Tôi thét vào mặt ông ta:
"Ông ở đó lắc đầu là có ý gì, nếu ông không muốn giúp đỡ thì tránh qua một bên đừng cản trở người khác."
Ông già điềm tĩnh lên tiếng:
"Không cần phải vào trong, đợi một lát lão Lưu tự khắc ra thôi."
Dứt lời, ông ta lại ngậm miệng không tiết lộ thêm bất cứ điều gì, chỉ cười cười tỏ vẻ thần bí.
Tác giả :
Lão Già Tám Mươi