Tuyên Ngôn Độc Lập - Hồ Chí Minh
Đề bài 2: Phân tích ý nghĩa của bản Tuyên ngôn độc lập
Phân tích ý nghĩa của bản “Tuyên ngôn độc lập” (Hồ Chí Minh).
Ngày 2/9/1945, dưới lồng lộng cao xanh của một Ba Đình vàng rực nắng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cất giọng trầm ấm đọc lên bản Tuyên ngôn Độc lập “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành nước tự do và độc lập”. Câu văn ấy trong bản Tuyên ngôn đã dõng dạc báo hiệu sự ra đời của một nước Việt Nam đồng thời khẳng định niềm kiêu hãnh, tự hào của người Việt Nam.
Ngay từ đầu bản Tuyên ngôn, chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho thấy rõ, “nước Việt Nam có quyền hưởng tự do, độc lập” trước hết bởi quyền ấy hoàn toàn phù hợp với “những lẽ phải không ai chối cãi được” của xã hội loài người. | Đó là những lẽ phải đã được kết đọng ở những lời văn tuyệt hay trong các bản Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của nước Pháp năm 1791. Việc chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định chọn hai bản Tuyên ngôn của nước Pháp và nước Mỹ để mở đầu cho bản Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam chắc chắn phải là xuất phát từ nhiều lẽ, Nhưng lẽ đầu tiên trong các lẽ nhất định là những “câu văn bất hủ”, là chân lí vĩnh cửu về quyền sống của con người.
Rất khó để có thể nói theo ai đó, rằng việc nêu cao những lời bất hủ trên có nghĩa tác giả Tuyên ngôn độc lập đã muốn đặt cuộc Cách mạng tháng Tám của nước ta ngang hàng với cuộc chiến tranh giải phóng của Hoa Kì hay cuộc Cách mạng tư sản Pháp. Nhưng những câu dẫn được dùng để mở đầu cho văn kiện lịch sử vĩ đại này rõ ràng đã chứng tỏ rằng Việt Nam – đất nước nằm khiêm nhường ở một góc xa xôi phía đông nam của lục địa Á Châu – đã không hề lạc hậu với ánh sáng của thế giới văn minh. Và quyền độc lập, tự do của một đất nước như thế hiển nhiên đã có cội nguồn sâu xa. Trong những chân lí sáng ngời của cả loài người. Do đó, nó phải được cả loài người công nhận và bảo vệ.
Tuy nhiên, những câu được chủ tịch Hồ Chí Minh viện dẫn mới chỉ là nêu lên quyền sống, quyền tự do, bình đẳng, hạnh phúc giữa những con người. Những quyền ấy còn chưa được đề cập đến trên một đơn vị, một cấp độ lớn hơn: dân tộc. Phải chờ tới câu văn quan trọng bậc nhất của Tuyên ngôn độc lập – cho dù chỉ được gọi một cách khiêm tốn là “suy rộng” thì cái quyền độc lập, tự do, hạnh phúc và bình đẳng giữa những dân tộc mới được Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức tuyên ngôn: “Tất cả các dân tộc trên thế giới sinh ra đều có quyền bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
Như thế, nền tảng tư tưởng của “Tuyên ngôn độc lập” đã được xây đắp từ một câu văn của chính Bác Hồ. Câu văn ấy trong hình thức gọi là “suy rộng ra” cũng đã trở thành một lẽ phải không thể nào chối cãi được. Chứa đựng trong đó chính là tư
tưởng, là tâm huyết đã khiến cho Chủ tịch Hồ Chí Minh thành hiện thân, thành ngọn cờ dẫn đường cho phong trào giải phóng dân tộc, phong trào mà không lâu sau sẽ trở thành một trong ba dòng thác cách mạng trên toàn thế giới. “Những lẽ phải không ai chối cãi được” trên đây sẽ cung cấp những cơ sở chắc chắn để tác giả “Tuyên ngôn độc lập” rút ra kết luận: việc thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đắng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta tất yếu phải coi là “trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”. Chính vì thế mà trong Tuyên ngôn độc lập, chúng trở thành bị cáo. Chân lí về quyền sống, quyền độc lập dân tộc, có thể nói đã trao cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và thông qua Người, cho nhân dân Việt Nam ta tư cách và vị thế của quan tòa để trước thế giới và lịch sử, cất cao lời buộc tội chủ nghĩa thực dân. Dưới ánh sáng công lí, tội ác của thực dân tới lúc này đã quá hiển nhiên. Vì thế mà Hồ Chí Minh đã không cần luận tội mà kết tội, không cần nghị án mà tuyên án.
Không dừng lại như vậy, Hồ Chí Minh còn đưa ra những lập luận đanh thép, không ai bác bỏ được: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống Phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập”.
Quả vậy, “Tuyên ngôn Độc lập” đã không chỉ là bản “đại cáo” về sự đánh tan bọn “nghịch lỗ”, một đội quân xâm lược bạo tàn. Thành quả của chúng ta dành được qua Cách mạng tháng Tám cao hơn thế bội phần. Chúng ta đã đánh đuổi để quốc, đánh đổ phong kiến, kết thúc ngàn năm nô lệ, đến với độc lập, tự do.