Tiếng Hát Con Tàu - Chế Lan Viên
Đề bài 4: Trình bày hiểu biết về tác giả và hoàn cảnh sáng tác Tiếng hát con tàu
Bài làm
“Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc
Khi lòng ta đã hoá những con tàu
Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát
Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu”.
Nhắc đến bài thơ “Tiếng hát con tàu”, ta không thể không nhắc đến tác giả của nó – nhà thơ Chế Lan Viên. Ông là một nhà thơ nổi tiếng của phong trào Thơ Mới 1930 – 1945.
Viết về nhân dân, về cuộc đời rộng lớn, đó chính là nhiệm vụ và sứ mệnh của các nhà văn, nhà thơ cách mạng. Và đối với các nhà thơ, nhà văn đương đại có lẽ sứ mệnh ấy đã trở thành niềm khát vọng, niềm hạnh phúc. Để diễn tả niềm hạnh phúc ấy, Chế Lan Viên đã sáng tạo nên bài thơ đặc sắc, độc đáo “Tiếng hát con tàu” và bài thơ này đã, đang và mãi là một trong những bài thơ tiêu biểu của văn học VN.
Nhà thơ Chế Lan Viên tên thật là Phan Ngọc Hoan (1920), ông sinh tại Cam Lộ, Quảng Trị nhưng lại lớn lên và đi học ở Quy Nhơn, đỗ bằng Thành chung thì thôi học, đi dạy thuê kiếm sống. Quy Nhơn có thể coi như quê hương thứ hai của nhà thơ Chế Lan Viên, nơi đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn nhà thơ. Phan Ngọc Hoan bắt đầu làm thơ từ năm 12 tuổi, đến năm 17 tuổi, với bút danh Chế Lan Viên ông đã xuất bản tập thơ Điêu Tàn, có lời tựa đồng thời là tuyên ngôn nghệ thuật của “Trường Thơ Loạn”. Từ đây, cái tên Chế Lan Viên đã trở thành nổi tiếng trên thi đàn văn học Việt Nam. Ông cùng Hàn Mạc Tử, Yến Lan, Quách Tấn đã được người đương thời gọi là “bán thành tứ hữu”của Bình Định.
Con đường thơ của Chế Lan Viên đã trải qua rất nhiều biến động, nhiều bước ngoặt với những trăn trở, tìm tòi không ngừng của nhà thơ, thậm chí đã từng có một khoảng thời gian dài chỉ là sự im lặng (1945-1958). Trước Cách mạng tháng Tám, thơ Chế Lan Viên là một thế giới đúng nghĩa "trường thơ Loạn”, là "sự kinh dị, bế tắc của thời Điêu Tàn với xương máu, với những gì đổ nát, với tháp Chàm. Và phải chăng những Tháp Chàm "điêu tàn” đã trở thành nguồn cảm hứng lớn lao của nhà thơ, qua những phế tích đổ nát và kinh dị ấy, ta như thấy được hình bóng ẩn hiện của một vương quốc hùng mạnh thời vàng son cùng với niềm hoài cổ của nhà thơ.
"Ta lặng lẽ nhìn ra ngoài của tháp
Cả đêm nay vì sao buồn man mác
Ngàn lau bàng hoa trắng ngập bao
Vằng đâu đây rùng rợn dưới trăng mờ
Tiếng xương người mạnh và sườn quách gỗ
Rùng rợn như tiếng...vỡ sọ dừa ta” (Mộng – Điêu tàn)
Thế nhưng, sau Cách mạng, thơ Chế Lan Viên dường như có một bước ngoặt mới, đã có những thay đổi rõ rệt. Ông tham gia cách mạng và đã trở thành nhà thơ lớn của nền thơ hiện đại. Vần thơ sau Cách mạng là những vần thơ “ đến với cuộc sống nhân dân và đất nước, thấm nhuần ánh sáng của Cách mạng”. Trong thời kì - 1960–1975, thơ Chế Lan Viên vươn tới khuynh hướng sử thi, hào hùng, chất chính luận, đậm tính thời sự. Sau năm 1975, "thơ Chế Lan Viên dần trở về cái “tôi” trong sự phức tạp, đa diện và vĩnh hằng của đời sống”. Phong cách thơ Chế Lan Viên rất rõ nét và độc đáo, nổi bật nhất là "chất suy tưởng triết lý mang vẻ đẹp trí tuệ và sự đa dạng, phong phú của hình ảnh thơ được sáng tạo bởi một ngòi bút thông minh, tài hoa”.
Bài thơ “Tiếng hát con tàu” là một trong những bài thơ đặc sắc của Chế Lan Viên rút ra từ tập thơ "Ánh sáng và phù sa” (1960). Trước đây còn được gọi là "Con tàu Tây Bắc”. "Tiếng hát con tàu” là hình ảnh có tính chất biểu tượng - biểu tượng cho con tàu tâm tưởng, cất tiếng hát về lòng biết ơn, tình yêu, sự gắn bó với nhân dân, đất nước, đó còn là tiếng hát của một tâm hồn thơ đã giác ngộ được một lẽ sống, một chân lý nghệ thuật – hãy trở về với đất nước, nhân dân, cội nguồn sáng tạo thơ ca chân chính.
"Đường lên Tây Bắc xa xôi
Nếp nhà sàn trên vách núi”
Tây Bắc là chiến trường đã từng diễn ra những trận đánh quyết liệt giữa ta và Pháp, nổi tiếng nhất là trận "Điện Biên lừng lẫy địa cầu”, "Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”. Hoà bình lập lại vào những năm 1959 – 1960, chúng ta có phong trào vận động nhân dân miền xuôi lên xây dựng kinh tế, xã hội ở vùng Tây Bắc, làm giàu cho Tổ quốc. Trong cái không khí hừng hực chiến thắng, cả đất nước chung tay xây dựng cuộc sống mới, hàng ngàn hàng vạn thanh niên đã lên đường đến những công trường, nông trường ở nhiều vùng khác nhau, trong đó có Tây Bắc, đã có rất nhiều nhà văn, nhà thơ có mặt trong những chuyến đi và đã kịp thời cho ra đời những tác phẩm phản ánh cuộc sống tươi xanh ấy. Trong "Bài ca mùa xuân” (1961), Tố Hữu đã viết:
"Đi ta đi khai phá rừng hoang
Hỏi núi non cao đâu sắt, đâu vàng
, Hỏi biển khơi xa đâu luồng cá chạy
Sông Đà, sông Lô, sông Hồng, sông Chảy
Hỏi đâu thác nhảy cho điện xoay chiều”
Hay như nhà thơ trẻ Bùi Minh Quốc đã từng viết:
“Xe chạy nghiêng nghiêng trèo dốc núi
Lên miền Tây vời vợi nghìn trùng
Ôi miền Tây, dưới xuôi sao nghe nói ngại ngùng
Mà lúc ra đi lửa lòng vẫn cháy
Tuổi 20 khi hướng đời đã thấy
Là xa xôi gấp mấy cũng lên đường
Sống ở thủ đô mà dạ để mười phương
Nghìn khát vọng chất chồng mơ ước lớn”
Hiện thực ấy, xã hội ấy,, cảm xúc ấy có lẽ cũng đã khởi nguồn cho Chế Lan Viên viết nên "Tiếng hát con tàu”. Bài thơ mang không khí của xã hội, nhất là của lớp thanh niên hăng hái lên đường để xây dựng đất nước. Nói đến “Tiếng hát con tàu” là nói đến một khúc ca ca ngợi việc lên đường. "Con tàu” lên Tây bắc tuy chỉ là một con tàu trong tâm tưởng thế nhưng lại là cả một khát khao mãnh liệt của nhà thơ lúc này còn đang nằm trên giường bệnh. Chế Lan Viên đã từng nói “bài thơ Con tàu Tây Bắc được viết ra từ một tâm trạng riêng. Hồi ấy tôi yếu, không đi đâu được và tự đặt câu hỏi nếu mình không đi được thì sao?”.
“Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc
Khi lòng ta đã hoá những con tàu
Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát
Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu”.
Hình ảnh “Khi lòng ta đã hoá những con tàu” là sự thống nhất giữa cái “tôi” và cái “ta”, giữa trách nhiệm của nhà thơ và hoàn cảnh riêng, nhưng tâm hồn thì đã hoà hợp, đã lên đường “Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu”.
Con tàu đã trở thành biểu tượng cho khát vọng lên đường, đi xa, trở về với cuộc sống rộng lớn của đất nước và nhân dân, trở về với những kỷ niệm đẹp đẽ, thắm thiết và trở về với ngọn nguồn của thơ ca chân chính “Anh có nghe gió ngàn đang rú gọi/Ngoài cửa ô, tàu đói những vầng trăng”, “Đất nước mênh mông, đời anh nhỏ hẹp/Tàu gọi em đi, sao chửa ra đi?”; “Chẳng thấy thơ đâu giữa lòng lòng đóng khép/Tây Bắc ơi, ngươi là mẹ của hồn thơ”
Nếu như đối với Tố Hữu, cái giờ phút được giác ngộ lẽ sống, giác ngộ chân lý Cách mạng đã biến tâm hồn ông thành “một vườn hoa lá/ Rất đậm hương và rộn tiếng chim” thì giờ phút ấy đã biến tâm hồn thơ Chế Lan Viên thành con tàu tâm tưởng tràn đầy khát vọng, đang háo hức lên đường và muốn mở hết tốc lực trong hành trình đến với nhân dân, với đất nước. Sâu sắc, ân tình và nhiều mới lạ, bài thơ "Tiếng hát con tàu” đã trở thành một bài thơ truyền thống ca ngợi quê hương, đất nước và với Chế Lan Viên, Tây Bắc không chỉ là Tây Bắc mà còn là Tô la, là cuộc sống rộng lớn của nhân dân trên mọi miền đất nước.