Tiên Lộ Yên Trần
Quyển 5 Chương 92
TIÊN LỘ YÊN TRẦN
Nguyên tác: Quản Bình Triều.
Dịch thuật: Văn Đàn Việt Nam
Quyển 5: Tửu hàm bạt kiếm chước địa ca.
-----o0o-----
Chương 92:Vân tẩm kì án, băng phân bút thượng chi hạ(I).
Khi quay về Thiên điểu nhai, Tỉnh Ngôn phát hiện hai người Quỳnh Dung, Khấu Tuyết Nghi vẫn chưa quay về. Vừa trải qua thời gian tập trung nghiên cứu ở Tàng Kinh các, thêm vào quá hưng phấn, đến lúc nãy cảm thấy có chút mệt mỏi. Y liền ngồi xuống cái ghế đá trong Tụ Vân đình, đón ngọn gió núi mát rượi, thư giãn một chút.
Qua một hồi, lúc đang ngắm nhìn cảnh núi non xinh đẹp trước mắt thì thấy hai thành viên trong Tứ Hải đường của y, đang từ xa đi trên con đường lát đá mà về. Thân ảnh đi trước nhí nha nhí nhảnh là tiểu Quỳnh Dung, thân hình yểu điệu theo sau là Khấu Tuyết Nghi.
Đến lúc hai người tới nơi, tiểu Quỳnh Dung thấy ca ca của nó đang ngồi phát ngốc trong Tụ Vân Đình, liền chạy đến trước mặt ca ca, hí hửng đặt mấy trái rừng hai người mới hái lên trên cái bàn cạnh ca ca. Mấy trái cây này hoặc đỏ hoặc xanh, bề mặt vẫn còn óng ánh chút nước, chắc là bọn họ trước khi trở về đã ghé vào dòng suối trong khe núi rửa qua.
Xem ra, tiểu nữ oa Quỳnh Dung về phương diện tìm kiếm dã quả, quả thật có bản lĩnh không tầm thường. Khi Tỉnh Ngôn thuận tay bóc lấy một quả, cho vào trong miệng nhẹ nhàng nhai, lập tức cảm thấy một dòng nước ngọt ngào phá vỏ chảy lan ra khắp lưỡi. Ngoài hương vị ngon ngọt đó, lại có một làn khí mát lạnh sảng khoái, theo dòng nước quả đó lan tỏa khắp cơ thể, khiến y cảm thấy hết sức thoải mái!
Cùng với việc thưởng thức vị ngon như thế, Tỉnh Ngôn còn không quên trong lúc ngồm ngoàm vẫn phát ra mấy âm thanh ngụ ý khen ngợi bọn họ.
Thấy ca ca thích thủy quả của mình như thế, tiểu Quỳnh Dung đang sắp trái cây lên bàn, dường như bị cái miệng của y lôi cuốn, hết sức cao hứng, mắt chăm chăm nhìn thiếu niên ca ca.
Đợi Tỉnh Ngôn ca ca nuốt hết thủy quả đó, Quỳnh Dung mặt đầy kỳ vọng hỏi y cảm thấy mùi vị thế nào.
Rất hiển nhiên, nghe cô nhóc hỏi, Tỉnh Ngôn liền tán thưởng không thôi. Sau khi có được đáp án chắc chắn từ ca ca, cô nhóc Quỳnh Dung đầy mãn nguyện cũng cầm lấy một chùm quả, đi sang bên cạnh ngồi ăn.
Còn vị Khấu Tuyết Nghi Khấu cô nương đó, trải qua một đoạn đường dài, trên gương mặt trắng nõn cũng đã hơi ửng lên, trong mắt Tỉnh Ngôn, dáng vẻ hiện tại của nàng, không còn vẻ băng lãnh như ngày thường. Chỉ có điều, thần tình trên mặt nàng, thì vẫn một nét thờ ơ chẳng đổi.
Thấy nàng chỉ cúi đầu đứng ở bên, Tỉnh Ngôn liền cười bảo nàng cũng thưởng thức tư vị của mấy quả rừng đi.
Nghe Đường chủ yêu cầu, Khấu cô nương liền đáp lời:
"Vâng".
Điềm đạm thốt một chữ đơn giản, tùy tiện lấy một trái sắc xanh, bắt đầu khẽ khàng cắn ăn.
Nhìn dáng vẻ sợ sệt của Khấu Tuyết Nghi, Tỉnh Ngôn bất giác than thầm trong lòng.
Tuy song thân của y đều còn, nhưng hoàn toàn có thể hiểu được nỗi thống khổ của vị nữ tử đáng thương vừa mất đi cha mẹ này. Chẳng trách nhân gian có câu "Chết cha chết mẹ, đớn đau vô cùng", hiện tại thấy nàng cả ngày thần thái u uẩn, không màng ăn uống, y và Quỳnh Dung bình thường đều cố cười nói cho nàng khuây khỏa, nhưng làm thế nào cũng chẳng giúp nàng thoát khỏi tình trạng đau khổ do mất người thân đó.
Có lẽ, dạng thống khổ thấu tận tâm can này, phải qua một thời gian dài mới dần dần phai nhạt được.
Trong lòng suy nghĩ như thế, thiếu niên thầm kêu may mà hôm đó làm chuyện tốt. Nếu như mặc kệ vị nữ tử yếu ớt này, thì không biết trong cuộc đời phức tạp này, nàng sẽ tồn tại như thế nào nữa!
Nghĩ đến chỗ này, Tỉnh Ngôn không khỏi nghĩ đến tiểu Quỳnh Dung ngàn dặm tìm đến đây, liền xoay đầu nhìn qua, thấy tiểu nữ oa đó đang khẩn trương ăn, thiếu niên không khỏi bật cười.
Thì ra, khác hẳn với cách ăn thong thả của Khấu Tuyết Nghi, tiểu nữ oa Quỳnh Dung này, ăn như rồng cuốn. Lúc này cô nhóc đang đứng tựa vào lan can, cắn thủy quả chảy nước nhoét ra cả miệng, ăn đến xuất thần, hai gò má đều đỏ bừng.
Thấy tiểu thiếu nữ vô ưu vô lự như thế, Tỉnh Ngôn quyết định không kể nó nghe chuyện mình luyện tập thành công "Húc diệu liên hoa quyết". Dù sao Quỳnh Dung còn nhỏ, hồn nhiên ngây thơ, không chút tâm cơ, lỡ sau này nó vô ý nói chuyện này cho người khác biết, như thế phương pháp che giấu của mình mất linh mất. Đến lúc đó, nếu muốn nghĩ cách khác thì cũng hết sức đau đầu.
Còn vị Khấu cô nương, tuy đối với mình cung cung kính kính, nhưng dường như tâm thần không được ổn định, hồn vía không biết đã trôi dạt đến phương nào. Do đó, chuyện này càng không thể hé môi với nàng.
Thiếu niên Trương Tỉnh Ngôn, cùng vị tiểu muội ngây thơ khả ái Quỳnh Dung của mình, còn có Khấu Tuyết Nghi băng thanh ngọc lãnh ở bên, buổi chiều hôm ấy trên Thiên điểu nhai, ung dung thoải mái thưởng thức hương vị ngọt ngào của dã quả, đón ngọn gió núi mát rượi, ngắm mặt trời lặn, nhất thời chẳng khác gì đào nguyên.
Có lẽ do tu tập thành công thuật Húc diệu huyên hoa, giải được nỗi lo trong lòng, nhìn ráng chiều mênh mông, Tỉnh Ngôn hứng chí lấy sáo ngọc Thần Tuyết ra, bắt đầu tấu lên một khúc du dương.
Hiện đã là lúc chim bay về tổ, Tỉnh Ngôn tấu lên, vô tình lại thổi khúc: "Bách điểu dẫn".
Trong sáo âm trong trẻo ngân nga, từng chuỗi âm thanh réo rắt bay lên không trung, lúc êm ái như gió thoảng, lúc rộn ràng như oanh ca, hệt như có tiên cầm cất tiếng hót.
Nghe tiếng sáo lưu loát của thiếu niên trong không trung, đám chim chóc đang bay quần quần trên các khu rừng gần chân núi, lại rúc rúc gọi nhau, kết bầy kéo lên Thiên điểu nhai, uyển chuyển múa lượn theo ý sáo của Tỉnh Ngôn.
Thấy cảnh chim chóc tụ tập như thế, tiểu Quỳnh Dung cũng chẳng thấy kinh sợ. Thấy ca ca thổi sáo dẫn dụ chim đến, cô nhóc liền ào tới, cứ vòng quanh thiếu niên, nhảy nhót khiêu vũ cùng đám chim. Tiểu nữ oa Quỳnh Dung này cũng thật hay, trong lúc đùa giỡn, thân thể nhẹ nhàng như chim yến, mô phỏng tư thái bay lượn của chim chóc, cũng ở giữa không trung bay liệng lên xuống, hệt như hai bên sườn mọc ra đôi cánh.
Lúc này, mấy lọn tóc vàng của nó theo gió lãng đãng bay phất phới sau lưng, giống như phượng hoàng múa đuôi, tư thế lăng không chuyển ngoặt của nó, thì giống như quyền thuật biểu diễn được mô tả trong mấy cái du hiệp liệt truyện.
Cảnh tượng muôn chim tụ tập trên Thiên điểu nhai, đối với người mới lên núi là Khấu Tuyết Nghi mà nói, chính là lần đầu chứng kiến. Do đó, lúc nàng đứng bên nghe sáo, thấy cảnh tượng hài họa giữa người và chim, trên mặt liền hiện thần sắc vô cùng kinh ngạc.
Hiện tại, trong đôi mắt trước giờ vốn tĩnh lặng như nước của Khấu Tuyết Nghi, cũng bắt đầu gợn lên vài tia sáng mê hoặc mơ màng.
Đợi Tỉnh Ngôn thổi xong khúc sáo, Quỳnh Dung liền nghếch miệng lên líu ríu với lũ chim một hồi, ngôn ngữ chỉ có nó và bọn chúng hiểu được, đại khái như quyến luyến từ biệt.
Tỉnh Ngôn cảm thấy thú vị, từ tốn hỏi nó:
"Muội muội à, muội nói với đám bằng hữu chim của muội gì thế?"
"Hihi...muội dặn dò bọn chúng thôi!"
"Sao? Dặn dò gì?"
"Muội vừa nói với bọn chúng, đợi lần tới lúc ca ca lại thổi khúc này, nhất định phải nhớ đến cùng nghe với Quỳnh Dung!"
Lúc nói lời này, ngữ khí của cô nhóc hết sức trịnh trọng.
Nhìn dáng vẻ ngây thơ không chút bụi trần của tiểu Quỳnh Dung, Tỉnh Ngôn chợt thấy trong lòng dâng lên tình cảm yêu thương vô cùng.
Đang định trêu tiểu nha đầu, Tỉnh Ngôn chợt nghe Khấu Tuyết Nghi trước giờ vốn ít nói, lúc này lại ngập ngừng hỏi:
"Mấy con chim này...Vì sao không sợ bị bắt?"
Câu hỏi của Khấu Tuyết Nghi truyền đến tai Tỉnh Ngôn, khiến y có chút kinh ngạc, đây không phải vì câu hỏi của nàng siêu việt lạ thường, mà là vì từ sau lần nàng cầu xin y thu nhận đến nay, bình thường vị Khấu Tuyết Nghi cô nương này, dường như chưa bao giờ chủ động lên tiếng với y.
"Đúng vậy! Tỉnh Ngôn ca ca, vì sao thế?"
Nghe Tuyết Nghi tỷ tỷ hỏi như thế, tiểu Quỳnh Dung ở bên cạnh, cũng lên tiếng phụ họa, gương mặt chăm chú chờ đợi câu trả lời của ca ca.
Khấu Tuyết Nghi bình thường ít nói giờ lại chủ động lên tiếng hỏi, Tỉnh Ngôn cũng thấy phấn khởi, ngẫm nghĩ từng chữ, đem hàm nghĩa trong thuật "Bách điểu dẫn", dùng cách lý giải mà bọn họ có thể hiểu, giải đáp:
"Trong khúc sáo mà ta thổi, có ẩn chứa ý giao tiếp với chim chóc. Thổi khúc này, chỉ bất quá là đem ý đó nói với chim chóc mà thôi".
"Bài sáo này, kì thật không có xác định phổ điệu. Bởi vì nếu muốn chim chóc tin tưởng, quan trọng nhất chính là phải mất đi tâm cơ, trong lòng thoải mái, nói với đám chim về núi, ta muốn cùng vui cùng buồn, cùng đậu cùng bay với bọn chúng, cùng gội ánh tà dương, cùng hưởng thú vui núi rừng. Mấy con chim này, tuy không phải là người, nhưng vẫn có chỗ thông linh. Nghe bài sáo này của ta, bọn chúng sẽ biết ta không hề giăng bẫy chúng, mà chỉ có ý cùng bọn chúng vui vẻ trong thiên địa tạo hóa này mà thôi".
"Vậy cái gì là tâm cơ chứ?"
Lúc Khấu Tuyết Nghi như hiểu như không, thì Quỳnh Dung nhanh miệng, nghe hai chữ "Tâm cơ" không hiểu, liền lập tức lên tiếng hỏi.
"Nói đến tâm cơ này, thì có một cố sự à!"
"Có cố sự à! Mau mau nói cho chúng tôi nghe đi!..."
"Hì, ngày xưa, có một người ở bên biển, rất yêu thích chim âu trên biển. Mỗi sáng sớm, hắn đều đi đến bờ biển chơi đùa với chim âu. Đám chim biển cũng rất thích hắn, thường thường có cả trên trăm con vây quanh hắn".
"Úy? Người này cũng giống ca ca vậy!"
"Hà...vậy sao! Lại nói người này, có một ngày cha của hắn nói với hắn: Ta nghe nói mấy con chim biển rất thích chơi với ngươi, ngươi bắt dùm ta một con để ta chơi cùng. Hắn nghe phụ thân nói thế, cảm thấy quanh mình có hơn cả trăm con chim biển vây quanh, muốn bắt một con mang về cũng rất dễ dàng, thế là khẳng khái đồng ý, ngày hôm sau rất tự tin đến bờ biển gọi chim".
"Vậy hắn có bắt được chim không?"
Gương mặt của tiểu Quỳnh Dung đầy lo lắng. Hiển nhiên, nó đang lo lắng cho mấy con chim biển đáng thương đó. Bên cạnh, Khấu Tuyết Nghi Khấu cô nương cũng nghiêm trọng lắng nghe.
"Không có! Đợi đến khi người này đến bờ biển, thì kì quái phát hiện, mấy con chim âu bình thường luôn thích đến chơi với hắn, lúc này lại chỉ bay lượn trên trời, một con cũng không chịu xuống!"
"Vì sao như thế?"
Quỳnh Dung không hiểu hỏi.
Tiểu nha đầu này luôn tâm thẳng miệng nhanh, hỏi chen vào, vừa hay lại khớp với mấu chốt của câu chuyện:
"Đây là vì người đó có tâm cơ. Trong lòng hắn muốn bắt một con chim biển về cho cha của hắn, đã tồn tại một ý nghĩ không tốt đối với chim biển. Mấy con chim biển thông minh đó, đã không chịu bay xuống chơi với hắn nữa!"
"Ý nghĩ không tốt này, chính là tâm cơ!"
Hai nữ hài nhân sau khi nghe câu chuyện của Tỉnh Ngôn, phản ứng mỗi người khác nhau: Khấu Tuyết Nghi thì như có suy nghĩ, tiểu Quỳnh Dung thì vỗ tay khen:
"Cố sự nghe thật hay!"
Tiểu cô nương ngây thơ này, hoàn toàn không nghĩ đến, hồi trước nó bởi vì lá bùa của Tỉnh Ngôn phải hiện chân thân, điều mà nó không muốn người khác nhìn thấy, nhưng vẫn một lòng vẫn muốn ở cùng với ca ca, một nguyên nhân trọng yếu trong chuyện này đó là nó cảm thấy, đại ca ca có một mùi vị rất thân thiết, đối với nó chẳng có chút "Tâm cơ" nào.
Bất quá, Quỳnh Dung không biết được cách suy luận đó, chỉ đứng đó sùng kính nhìn Tỉnh Ngôn ca ca, hỏi:
"Cố sự này là ca ca sáng tác sao?"
"Ách...Không phải ca ca viết. Ta đọc được từ trong sách".
"Vậy người viết sách này, nhất định cũng rất tài giỏi!"
"Đúng vậy, sách này là Liệt Tử, người viết nó là Liệt Ngự Khấu, nghe nói còn là tiên nhân của đạo gia chúng ta. Vì thế, cũng có người gọi sách này là Trùng Hư đạo kinh. Trong phòng ta cũng có một quyển!"
"Ca ca có thể đọc hiểu, cũng rất tài giỏi! Quỳnh Dung ngu ngốc, chỉ biết vẽ cái tên của mình..."
Xem ra, Quỳnh Dung đối với Liệt Tử này, tựa hồ cũng chẳng có phản ứng đặc biệt gì.
"Ách...kì thật chuyện này cũng không khó, nếu như muội muội bằng lòng, ca ca có thể dạy ngươi biết chữ. Chỉ cần biết chữ, sau này muội cũng có thể xem được rất nhiều cố sự!"
"Hay quá hay quá...muội muốn học chữ!"
Vừa nghe sau này cũng có thể đọc sách như ca ca, tiểu nha đầu Quỳnh Dung liền hưng phấn, nhảy nhót hoan hô không thôi.
"Tuyết Nghi tỷ tỷ, tỷ có biết chữ không?"
Tiểu cô nương trong lúc hưng phấn, cũng không quên Tuyết Ngh tỷ tỷ của nó ở bên.
"Ta cũng không biết chữ".
Nghe Quỳnh Dung hỏi, Khấu Tuyết Nghi có chút xấu hổ đáp. Khi nói xong lời này, trong đôi mắt dường như vĩnh viễn yên ắng, lại đột nhiên lộ thần sắc tha thiết, tựa như nàng đối với chuyện biết chữ này, cũng rất hứng thú. Nhưng có lẽ do bản thân tự cho mình là thân phận nô tì, tuy trong lòng mong chờ, nhưng miệng thì ấp úng, không biết lên tiếng thế nào.
Bộ dạng lúng túng không nói được của Khấu Tuyết Nghi, dĩ nhiên đập vào trong mắt Tỉnh Ngôn.
"Không ngờ Khấu cô nương cũng thích học như thế. Đây là chuyện tốt, có lẽ có thể mượn chuyện này giúp nàng ta quên dần chuyện đau lòng đã xảy ra. Bất quá theo tính cách của nàng ta, lúc ta lên tiếng mời học, cũng phải khéo một chút".
Thế là thiếu niên tựa như vô tâm thốt một câu:
"Khấu cô nương, cô cũng cùng học chữ đi?"
"Tôi...cũng có thể sao?"
Quả không ngoài dự kiến, nghe thiếu niên kêu học, Khấu Tuyết Nghi vẫn có vẻ ngập ngừng.
"Đương nhiên".
Ngữ khí điềm đạm, nhưng thoáng chút ý khích lệ.
"Vậy thì đa tạ ân công!"
Khiến hai người Tỉnh Ngôn, Quỳnh Dung không ngờ đó là, nghe Tỉnh Ngôn lên tiếng cho phép, vị Khấu Tuyết Nghi Khấu cô nương bình thường đều gọi y là "Đường chủ", hiện tại lại xưng là "Ân công", thân thể mảnh dẻ yểu điểu lại quỳ xuống, thi đại lễ với thiếu niên.
"Khấu cô nương mau đứng lên!"
Thấy tình hình thế, người chịu lễ của nàng, vội tiến lên một bước, lúc hai tay của y tiếp xúc hai tay của nàng, Tỉnh Ngôn phát giác cả người mình hơi run rẩy, tựa như đang rất kích động.
Thấy nàng trịnh trọng như thế, Tỉnh Ngôn có chút bất tiện, ôn tồn nói:
"Khấu cô nương, ta chỉ là lúc rảnh rỗi, dạy cho cô và Quỳnh Dung muội muội đọc sách viết chữ mà thôi, không coi có danh phận sư đồ được. Cô không cần dùng đại lễ như thế".
Theo Tỉnh Ngôn thấy, Khấu cô nương vừa rồi đại khái là tôn y làm sư phụ, mới hành lễ long trọng như thế. Nếu coi y là sư phụ, thì nghi lễ này cũng là bình thường.
"Sau này mong Khấu cô nương không nên giữ lễ như vậy, bằng không ta khó mà tự nhiên để dạy cho cô".
"Vâng".
Theo tiếng đáp đó, Khấu cô nương tự nhiên đứng dậy, lại khôi phục dáng vẻ như thường.
Thế là, hôm sau Tỉnh Ngôn đi đến Thiện Sự đường, xin đầy đủ giấy bút, bắt đầu dạy hai người bọn Quỳnh Dung học chữ. Lúc bắt đầu dạy, Tỉnh Ngôn mới biết, Khấu Tuyết Nghi cũng như Quỳnh Dung, có thể coi là không biết chữ nào. Chuyện này cũng không có gì lạ, thời này con cái nhà người ta, cho dù là nam tử cũng không nhất định có cơ hội học chữ, hà huống là thân nhi nữ.
Do đó, Tỉnh Ngôn theo cách dạy vỡ lòng của Quý lão học cứu ngày trước, bắt đầu bài bản dạy hai nữ nhân học chữ. Mấy hôm đầu, việc dạy hai nữ đệ tử chưa có chút căn bản này, đúng là rất mất công sức.
Thêm vài ngày, thành quả lớn nhất của hai nữ đệ tử này, chính là đã nắm sơ được nguyên tắc viết chữ. Mấy chữ đơn giản nhất, tuy rất ít nét, nhưng dưới ngòi bút của hai cô nương này, lại trở thành xiêu vẹo khó coi, hệt như giun bò!
Tuy việc mới bắt đầu học này rất khó khăn, nhưng cô gái Khấu Tuyết Nghi bình thường tinh thần lơ đãng, trong việc này lại chuyên tâm khác thường, không chút nản chí. Thấy Tuyết Nghi tỷ tỷ dụng tâm như thế, vị tiểu nữ oa Quỳnh Dung tuổi nhỏ háo thắng, ở trước mặt ca ca, tự nhiên cũng tuyệt không cam tâm chịu kém.
Thế là, những ngày kế tiếp, khi thì thấy bên song cửa trong căn nhà Tứ Hải đường, khi thì thấy trong Tụ Vân đình, thường có hai vị nữ tử trẻ tuổi, giấy bút la liệt trước mặt, dưới sự hướng dẫn của một thiếu niên, chăm chú mô phỏng viết chữ.
Có lẽ không cần quan tâm đến nội dung bọn họ viết, chỉ cần nhìn những tư thái đó, thì vốn đã là một bức tranh đầy thanh nhã rồi.
Thân ở khung cảnh thanh u, học trò xinh đẹp uyển chuyển, cái thú trên nhân gian, chẳng qua cũng thế thôi!