Thành Lập Cộng Hòa Năm 1400
Chương 9
Điện Thanh Thử, Tây Đô
Trong lầu hóng mát được bao vây bởi hàng ngàn cây quế, bên chiếc bàn làm bằng đá cẩm thạch, có hai người đàn ông đang ngồi đánh cờ tướng. Một người lớn tuổi, mặc hoàng bào, đầu đội kim sa, nét mặt hồng hào. Người còn lại tuy nét mặt không có gì nổi bật, nhưng lại tỏ ra khá lạnh lùng.
Người mặc hoàng bào dùng quân “Mã” ăn mất quân “Pháo” của người trẻ tuổi, trầm giọng hỏi:
- Nguyên Trừng, việc trừ diệt tàn dư của nhà Trần đến đâu rồi?
Người trẻ tuổi lúc này dùng hai “Xe” chặn hết đường đi của con “Mã” lạc đường, có chút ung dung trả lời
- Phụ hoàng yên tâm, bọn tôn thất Trần Hãng, Trụ quốc Nhật Đôn, tướng quân Trần Khát Chân, Phạm Khả Vĩnh, Hành khiển Hà Đức Lân, Lương Nguyên Bưu, Phạm Ông Thiện, Phạm Ngưu Tất... và các liêu thuộc, thân thích, gồm hơn 370 người đều bị giết và tịch thu tài sản. Người nhà bọn chúng, con gái thì bị bắt làm nô tỳ, trai từ một tuổi trở lên hoặc bị chôn sống, hoặc bị dìm nước. Nhưng...
- Nhưng làm sao? – Người mặc hoàng bào hỏi
- Hiện tại lùng bắt loạn đảng hăng hái quá, các nơi dân chúng không yên, người quen chỉ đưa mắt làm hiệu chứ không dám nói chuyện, nhà dân không chứa người đi đường xin ngủ trọ, các xã đều đặt điếm tuần canh, ngày đêm tuần tra canh giữ.
- Ừ, thế thì cũng không ổn, thế con định làm thế nào?
Lại hạ xuống một quân cờ, người trẻ tuổi nói
- Con định dùng kế sách ngoài mặt êm đềm, bên trong nổi sóng
- Là sao? – Hồ Quý Ly (chính là người mặc hoàng bào) tò mò hỏi
- Bên ngoài ta làm như thả lỏng việc kiểm tra, để cho bọn loạn đảng và tôn thất nhà Trần mất cảnh giác, đến khi lộ sơ hở thì dồn hết quân binh vây bắt, giết chết tất cả những kẻ liên quan, một tên không để lọt – người trẻ tuổi nói, ánh mắt lộ ra vẻ tàn nhẫn.
- Tốt lắm – Hồ Quý Ly đập mạnh xuống bàn, làm bay hết cả đám quân cờ - việc này giao cho con, nhất định không được để con cá nào lọt lưới
- Nhi thần tuân chỉ - Người thanh niên trẻ chắp tay nói, rồi thở dài – Phụ hoàng, như vậy là không hay lắm đâu. Mỗi lần ngài sắp thua lại mượn cớ đập bàn làm đổ bàn cờ.
- Haha – Hồ Quý Ly cười to, phất tay áo rời đi.
Nhìn theo bóng áo vàng biến mất sau rặng quế, người thanh niên trẻ khẽ nhíu mày, nhưng rồi lại giãn ra ngay. Quay lại nhìn hồ nước trong vắt bên cạnh lầu, người thanh niên cầm bình rượu lên, rót một chén, đứng dựa lưng, ánh mắt xa xăm, mông lung trông về một cõi nào đó
-----------
Đại Học Sư Phạm Hà Nội, khoa Lịch sử, thời gian là vào buổi tối ngày Valentine, 14.02.2012
- Oanh..., tớ... tớ thích ... cậu. Làm ... bạn gái... tớ nhé
Một chàng trai cầm một bó hoa hồng và một thỏi Chocolate được bọc kỹ càng, rụt rè nói
- Xin lỗi, Nhân, tớ... chỉ coi cậu là bạn
Một tiếng sét giữa trời quang chẻ đôi trái tim chàng trai trẻ. Trong ánh mắt áy náy của cô gái, anh bạn tên Nhân này rất ga lăng, rất phong độ, đưa bó hoa và thỏi Chocolate cho nàng, nói
- Không sao. Hy vọng chúng ta có thể là bạn.
Rồi không đợi nàng từ chối, cậu ta lên xe đạp, chạy như điên. Có quán cà phê nào đó cạnh trường mở nhạc chế oang oang
“Cuộc đời anh sinh viên – Thất tình chỉ vì nghèo – Vì em cứ đòi hỏi nhiều - ...”
Nhân cứ đạp xe đi trong yên lặng, cậu chả biết mình đi đâu, về đâu, cứ cắm cúi đạp xe đi mãi. Và dường như có một lời chỉ dẫn nào đó từ cõi mơ hồ, cậu đạp xe lên thẳng cầu Long Biên. Nhìn xuống dòng nước cuồn cuộn, tâm trạng của cậu lại càng buồn hơn. Đột nhiên nhớ đến phim Bao Thanh thiên, có đoạn nhạc như thế này
“Rút gươm chém xuống nước, nước càng chảy mạnh. Nâng chén tiêu sầu, sầu càng sầu”
Nhân chưa uống rượu, chưa nâng chén, mới chỉ nhìn dòng nước thôi mà đã thấy sầu rồi. Đột nhiên “ngoài trời nổi trận gió to” (em mượn câu này của bác Tiến một tí), Nhân cảm thấy đầu choáng choáng, chao đảo, rồi... lộn cổ qua lan can cầu xuống dòng nước đục ngầu phù sa của sông Hồng, để lại di sản cuối cùng cho hậu thế là chiếc xe đạp Phượng Hoàng cũ mèm, hỏng phanh, thường xuyên đứt xích, còn lốp xe thì chi chít những mảnh vá, mà theo lời ông thợ sửa xe “Nếu thủng lần nữa thì chả biết vá vào đâu”
Ngày hôm sau, báo Hà Nội mới đưa tin
Nguyễn Đức Nhân (SN 1992) Sinh viên Khoa Sử đại học Sư Phạm Hà Nội, sau lần tỏ tình thất bại ngày 14/2 đã lên cầu Long Biên nhảy xuống sông Hồng tự tử. CA Thành phố Hà Nội đang tiến hành điều tra sâu hơn về việc này. Ngày mai, giáo sư Quỳnh, khoa Tâm lý trường ĐH KHXH & NV sẽ có buổi hội đàm với các bạn sinh viên về vấn đề tâm sinh lý tuổi mới lớn, và những phương pháp kiềm chế cảm xúc, giảm stress đối với sinh viên...
--------------
Lúc Đức Nhân tỉnh lại, hắn đang bị vây quanh bởi một đám người mặc quần áo cổ trang, dù cho hắn là dân sử cũng chả xác định được đó là thời nào.
Thấy hắn đã tỉnh, đám người đó nhao nhao hết cả lên
- Tư đồ đại nhân, tư đồ đại nhân tỉnh rồi
- Tạ ơn trời phật, tư đồ đại nhân tỉnh rồi, nếu không chúng ta chết chắc
Đức Nhân vội vàng hỏi
- Xin lỗi, các người là ai, tôi đang ở đâu thế này?
Đám người này lại nháo hết cả lên, khóc lóc kêu la, khiến Nhân cảm thấy đầu đau nhức hết cả
- Im hết cho ta – một tiếng quát uy nghiêm vang lên, đám người lập tức dừng khóc, quỳ hết xuống run run
Một người đàn ông, mình mặc giáp trụ, đầu đội nón sắt, trên nón có một mũi giáo xuyên qua một gù đuôi ngựa đi vào, nhìn thấy Nhân thì kêu lớn
- Mạnh Nguyên, ngươi không sao chứ?
- Xin lỗi, ngài đây là ... – Nhân ngơ ngác
- Đây là có chuyện gì – Viên võ tướng này nhìn đám người quát lên
- Bẩm đại vương, hôm kia, Tư đồ đại nhân đang kiểm tra chiến thuyền thì bị ngã xuống nước, chúng thần một mặt cho người về báo cho đại vương, một mặt đi theo dòng nước, đến sớm hôm nay thì tìm được Tư đồ đại nhân nằm bên bờ sông, liền mang về đây...
- Lũ vô dụng này, còn không mau truyền thái y – viên võ tướng được gọi là đại vương quát tháo
-----------
2 ngày sau, phủ Tư đồ
Nhân ngồi trên cái phản tre, nhìn cốc trè sen trước mặt mà ngậm ngùi. Lúc này hắn đã biết rõ mình ở đâu rồi. Hắn thật không ngờ, chỉ một cơn gió nhẹ (Không dám nhẹ đâu ạ) thổi qua, vậy mà hắn đã “xuyên vịt” rồi. Hơn nữa lại còn xuyên về một thời kỳ đầy biến động của lịch sử Việt nam, cuối Trần đầu Hồ. Tệ hơn nữa, hắn bị nhầm là Hồ Nguyên Trừng, con trai của Hồ Quý Ly, kẻ chuẩn bị cướp ngôi nhà Trần.
Hồ Nguyên Trừng, tự Mạnh Nguyên, hiệu Nam Ông, là một nhà kỹ thuật quân sự và một nhà thơ lớn của Việt Nam thế kỷ XV. Ông là người chế ra súng thần cơ, cải tiến từ hỏa pháo, trong khi đến gần 1 thế kỷ sau, súng thần công mới được thai nghén ra ở phương tây.
Xuyên qua trở thành Hồ Nguyên Trừng, đối với Nhân không biết là may mắn hay bất hạnh đây. Chỉ biết hắn đang ngồi uống ly trà sen ngự dụng, nghe nói những búp trà này được ướp trong những bông sen sớm, và có các thiếu nữ tắm rửa sạch sẽ, mình trần đến giữa hồ sen, dùng ngực hứng những giọt sương sớm đem về để nấu trà...
Cuối cùng, cầm ly trà sen lên uống sạch, mặc vào bộ quần áo dài thượt, Nhân hít một hơi thật sâu, tự nói với mình
- Mày là Trừng, là Hồ Nguyên Trừng, không phải Trần Đức Nhân. Đây là cơ hội của mày. Cố lên!!!
Rồi hắn lên võng do hai tên lính lệ kéo, một mạch đi thẳng vào kinh đô. Nguyễn Đức Nhân, không, lúc này phải gọi hắn là Hồ Nguyên Trừng, đã quyết định dùng sức của mình, ở thời đại này viết nên một trang sử của riêng hắn.
-----------
- Tả tướng quốc đại nhân – một âm thanh vang lên, đánh thức Trừng khỏi cơn hồi tưởng về quá khứ - việc ngài dặn, tôi đã sai người làm cẩn thận
Trừng quay lại, hắn nhận ra người này, đây là thân vệ của hắn, vừa được hắn sai đi xử lý chút việc. Trừng cười nói
- Tốt lắm – hắn lấy ra một tệp thông bảo hội sao, nói – cầm lấy, đây là thưởng cho ngươi
Người thân vệ vội tiến lên nhận lấy phần thưởng, nhưng đột nhiên, một lưỡi dao găm từ trong tay trừng xuyên thẳng vào tim hắn. Tên thân vệ nhìn Trừng, ánh mắt trợn trắng, như muốn hỏi tại sao
- Xin lỗi, nhưng ngươi biết nhiều quá rồi
Nhìn tên thân vệ nằm gục trong vũng máu, Trừng liếc sang phía rừng quế. Hai bóng người màu đen xuất hiện, quỳ xuống phục mệnh. Trừng lạnh lùng nói
- Xử lý cho gọn.
- Tuân lệnh đại nhân
Từ khi Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, nhiều lần Trừng đã dâng sớ can gián việc cải cách “Đã làm phải làm triệt để, nếu không thì phải làm từ từ” nhưng Quý Ly toàn gạt sang một bên. Đầu năm nay, Hồ Quý Ly lại lập Hán Thương làm thái tử, bịa ra cái gì mà “ Giá tam thốn tiểu tùng, tha nhật tác đống tác lương phù xã tắc” (“Cây thông nhỏ ba tấc, sau này làm giường cột quốc gia” – ý nói Trừng chỉ muốn làm thần tử, không muốn làm vua) như là giọt nước làm tràn ly, Trừng đối với Quý Ly lại càng bất mãn. Từ lúc đó, Trừng bắt đầu lao vào những mưu tính sâu xa, âm thầm liên kết với quan lại trong triều, mượn sức, ám sát, thủ đoạn tầng tầng lớp lớp. Trừng cũng tạo ra 2 đội quân bí mật, một là Tà Long, quân số khoảng 2000 người, toàn bộ trang bị súng thần cơ, huấn luyện theo kiểu Tây Âu thời cận đại. Một đội là Lạc Điểu, gồm 50 người, võ công cao cường, xuất quỷ nhập thần.
Trừng tự tin trong vòng 5 năm, có thể lật đổ Hồ Quý Ly, và cải cách triệt để, xây dựng quân đội chống cự nhà Minh, diệt Chiêm Thành, ghi danh vào sử sách, mà không biết rằng, một Thiết Giáp hạm chở 150 tên hành khách cũng xuyên Việt đến đây, chuẩn bị làm đảo điên toàn bộ kế hoạch của Trừng.