Thần Thoại Hy Lạp
Quyển 2 - Chương 38: Cái chết của chàng Hyacinthos
Hyacinthos là con trai của Amyclos, vua thành Sparte. Chàng xinh đẹp khỏe mạnh chẳng kém gì các vị thần của thế giới Olympe. Thần Apollon kết bạn với chàng. Thần thường rủ chàng vào rừng săn bắn muông thú hoặc cùng chàng luyện tập các môn thể dục thể thao mà người Hy Lạp xưa kia vốn ưa chuộng. Người ta thường thấy đôi bạn này khi thì chạy trên bờ sông Eurotas, khi thì phóng lao, ném đĩa, đấu quyền, đấu vật, bắn cung... Tóm lại là những môn thể dục thể thao mà những chàng trai ở đô thành Sparte rất thành thạo. Nhưng không phải chỉ có thần Apollon yêu mến người con trai này. Thần Gió-Zéphyr, ngọn gió tây, thường đem lại hơi mát và những cơn mưa ẩm ướt, cũng đem lòng yêu mến Hyacinthos. Vì thế thần Zéphyr đem lòng ghen tị với thần Apollon.
Bữa kia, Apollon rủ Hyacinthos thi ném đĩa, Apollon ném trước. Với thân hình cường tráng, cân đối, đẹp đẽ, thần cầm lấy cây đĩa vặn mình lấy đà, và... vút một cái, chiếc đĩa bay lên trời. Thần định bụng sẽ truyền dạy cho người bạn trai xinh đẹp của mình hết tài nghệ ném đĩa để trong các ngày hội Hyacinthos có thể đoạt được phần thưởng vinh quang. Nhưng có ngờ đâu! Chiếc đĩa bay vút lên trời nhưng lại không bay theo một đường thẳng mà bay lạng, bay chệch hẳn sang một phía khác. Thần Gió-Zéphyr bằng tài năng của mình đã làm cho chiếc đĩa bay chệch hẳn đi và rơi xuống trúng đầu Hyacinthos. Chàng trai không kịp kêu lên một tiếng, cũng không kịp giơ tay ôm lấy đầu, chiếc đĩa giáng xuống đầu chàng mạnh như một lưỡi búa của thần Zeus, khiến chàng vỡ toang đầu và nằm vật ra chết luôn không nói được một lời. Apollon kinh hoàng, chạy ngay tới chỗ người bạn của mình. Thần vực đầu người bạn đặt lên lòng mình ra sức bịt vết thương cho máu khỏi tuôn chảy, nhưng vô ích. Đôi mắt Hyacinthos dại hẳn đi và chỉ còn là màu trắng bệch. Đầu chàng trai xinh đẹp lả ra, ngoẹo oặt sang một bên chẳng khác gì một cánh hoa trên đồng nội bị héo lả dưới ánh nắng thiêu đốt của một buổi trưa hè. Apollon đau đớn kêu lên:
- Hỡi Hyacinthos, người bạn thân thiết của ta! Thế là ta đã gây nên cái chết oan uổng cho chàng. Ta biết làm gì để chuộc lại lỗi lầm này. Xin chàng hãy tha thứ cho ta!
Nhưng linh hồn Hyacinthos đã bay về vương quốc của thần Hadès chẳng hề biết đến những giọt nước mắt đau xót của Apollon đang lã chã tuôn rơi xuống khuôn mặt xinh đẹp của mình. Thần Apollon nâng chiếc đầu đẫm máu của người bạn thân thiết của mình đặt xuống đất. Quỳ bên thi hài Hyacinthos, thần vuốt mớ tóc quăn đẫm máu cho khỏi xòa xuống, che phủ mất vầng trán đẹp đẽ của bạn, và thần cất tiếng nói những lời thiêng liêng sau đây:
- Hỡi Hyacinthos! Chàng trai thân thiết và xinh đẹp của ta! Người sẽ sống mãi trong trái tim ta. Trái tim của ta sẽ ghi nhớ mãi mãi hình ảnh của người.
Kỳ lạ thay, những lời nói thiêng liêng đó vừa dứt thì từ vùng máu đỏ của Hyacinthos mọc lên một bông hoa đỏ thắm, hương thơm ngào ngạt. Đó là hoa hyacinthos (tiếng Pháp: hyacinthe) mà ngày nay chúng ta dịch là hoa dạ lan hương. Người Hy Lạp xưa kia cho rằng nhìn trên cánh hoa dạ lan hương ta có thể thấy được chữ “ai” theo tiếng Hy Lạp là “đau khổ” hoặc “than ôi!” Có chuyện kể, không phải Zéphyr ghen tị gây ra cái chết của Hyacinthos mà là do thần Apollon ném đĩa bay chệch, rơi vào đầu người bạn của mình. Cũng có chuyện kể, không phải từ vũng máu mọc lên bông hoa mà từ thi hài Hyacinthos.
Truyền thuyết này theo các nhà nghiên cứu thuộc về một thời kỳ tối cổ, trước khi có những vị thần của thế giới Olympe. Đó là thời kỳ của những vị thần tiền Hy Lạp, thần của các loài cây cỏ. Sau này các vị thần đó được gắn liền với việc thờ cúng Apollon và tiếp theo, vào một thời kỳ muộn hơn, vị thần cây cỏ biến thành một chàng trai xinh đẹp để rồi được thần thánh yêu mến, để rồi chết đi biến thành cây thành hoa. Truyền thuyết về Hyacinthos rất có thể chỉ là một biến dạng của huyền thoại về cái chết và sự tái sinh của thần thánh tượng trưng cho sự hồi sinh, tươi tắn trở lại của thiên nhiên sau giấc ngủ dài mùa đông. Môtíp người biến thành cây cỏ không phải là một môtíp xa lạ trong gia tài thần thoại Hy Lạp. Chúng ta đã thấy trong các chuyện về nàng Daphné, chàng Adonis, Narcisse... Lại cũng có một số nhà nghiên cứu cho rằng những chuyện có môtíp người chết biến thành cây cỏ vốn có một nguồn gốc tối cổ gắn liền với tục giết người để hiến tế cho thần thánh, và trong lễ hiến tế này người ta tưới máu của người bị hy sinh xuống đất với hy vọng làm cho đất đai được phì nhiêu mùa màng được bội thu.
Tục thờ cúng Hyacinthos xưa kia mỗi năm hành lễ một lần, kéo dài khoảng ba ngày. Trung tâm của tín ngưỡng này, hội lễ này là đô thành Amyclai, thờ thần Apollon và Hyacinthos.
_________________
Bữa kia, Apollon rủ Hyacinthos thi ném đĩa, Apollon ném trước. Với thân hình cường tráng, cân đối, đẹp đẽ, thần cầm lấy cây đĩa vặn mình lấy đà, và... vút một cái, chiếc đĩa bay lên trời. Thần định bụng sẽ truyền dạy cho người bạn trai xinh đẹp của mình hết tài nghệ ném đĩa để trong các ngày hội Hyacinthos có thể đoạt được phần thưởng vinh quang. Nhưng có ngờ đâu! Chiếc đĩa bay vút lên trời nhưng lại không bay theo một đường thẳng mà bay lạng, bay chệch hẳn sang một phía khác. Thần Gió-Zéphyr bằng tài năng của mình đã làm cho chiếc đĩa bay chệch hẳn đi và rơi xuống trúng đầu Hyacinthos. Chàng trai không kịp kêu lên một tiếng, cũng không kịp giơ tay ôm lấy đầu, chiếc đĩa giáng xuống đầu chàng mạnh như một lưỡi búa của thần Zeus, khiến chàng vỡ toang đầu và nằm vật ra chết luôn không nói được một lời. Apollon kinh hoàng, chạy ngay tới chỗ người bạn của mình. Thần vực đầu người bạn đặt lên lòng mình ra sức bịt vết thương cho máu khỏi tuôn chảy, nhưng vô ích. Đôi mắt Hyacinthos dại hẳn đi và chỉ còn là màu trắng bệch. Đầu chàng trai xinh đẹp lả ra, ngoẹo oặt sang một bên chẳng khác gì một cánh hoa trên đồng nội bị héo lả dưới ánh nắng thiêu đốt của một buổi trưa hè. Apollon đau đớn kêu lên:
- Hỡi Hyacinthos, người bạn thân thiết của ta! Thế là ta đã gây nên cái chết oan uổng cho chàng. Ta biết làm gì để chuộc lại lỗi lầm này. Xin chàng hãy tha thứ cho ta!
Nhưng linh hồn Hyacinthos đã bay về vương quốc của thần Hadès chẳng hề biết đến những giọt nước mắt đau xót của Apollon đang lã chã tuôn rơi xuống khuôn mặt xinh đẹp của mình. Thần Apollon nâng chiếc đầu đẫm máu của người bạn thân thiết của mình đặt xuống đất. Quỳ bên thi hài Hyacinthos, thần vuốt mớ tóc quăn đẫm máu cho khỏi xòa xuống, che phủ mất vầng trán đẹp đẽ của bạn, và thần cất tiếng nói những lời thiêng liêng sau đây:
- Hỡi Hyacinthos! Chàng trai thân thiết và xinh đẹp của ta! Người sẽ sống mãi trong trái tim ta. Trái tim của ta sẽ ghi nhớ mãi mãi hình ảnh của người.
Kỳ lạ thay, những lời nói thiêng liêng đó vừa dứt thì từ vùng máu đỏ của Hyacinthos mọc lên một bông hoa đỏ thắm, hương thơm ngào ngạt. Đó là hoa hyacinthos (tiếng Pháp: hyacinthe) mà ngày nay chúng ta dịch là hoa dạ lan hương. Người Hy Lạp xưa kia cho rằng nhìn trên cánh hoa dạ lan hương ta có thể thấy được chữ “ai” theo tiếng Hy Lạp là “đau khổ” hoặc “than ôi!” Có chuyện kể, không phải Zéphyr ghen tị gây ra cái chết của Hyacinthos mà là do thần Apollon ném đĩa bay chệch, rơi vào đầu người bạn của mình. Cũng có chuyện kể, không phải từ vũng máu mọc lên bông hoa mà từ thi hài Hyacinthos.
Truyền thuyết này theo các nhà nghiên cứu thuộc về một thời kỳ tối cổ, trước khi có những vị thần của thế giới Olympe. Đó là thời kỳ của những vị thần tiền Hy Lạp, thần của các loài cây cỏ. Sau này các vị thần đó được gắn liền với việc thờ cúng Apollon và tiếp theo, vào một thời kỳ muộn hơn, vị thần cây cỏ biến thành một chàng trai xinh đẹp để rồi được thần thánh yêu mến, để rồi chết đi biến thành cây thành hoa. Truyền thuyết về Hyacinthos rất có thể chỉ là một biến dạng của huyền thoại về cái chết và sự tái sinh của thần thánh tượng trưng cho sự hồi sinh, tươi tắn trở lại của thiên nhiên sau giấc ngủ dài mùa đông. Môtíp người biến thành cây cỏ không phải là một môtíp xa lạ trong gia tài thần thoại Hy Lạp. Chúng ta đã thấy trong các chuyện về nàng Daphné, chàng Adonis, Narcisse... Lại cũng có một số nhà nghiên cứu cho rằng những chuyện có môtíp người chết biến thành cây cỏ vốn có một nguồn gốc tối cổ gắn liền với tục giết người để hiến tế cho thần thánh, và trong lễ hiến tế này người ta tưới máu của người bị hy sinh xuống đất với hy vọng làm cho đất đai được phì nhiêu mùa màng được bội thu.
Tục thờ cúng Hyacinthos xưa kia mỗi năm hành lễ một lần, kéo dài khoảng ba ngày. Trung tâm của tín ngưỡng này, hội lễ này là đô thành Amyclai, thờ thần Apollon và Hyacinthos.
_________________
Tác giả :
Nguyễn Văn Khỏa