Size 12 Không Phải Là Mập
Chương 1
“Ê ô, hế lô? Có ai ngoài đó không?” Cô gái ở buồng thử đồ kế bên có giọng nói nghe như sóc chuột. “Hế lô?”
Y hệt sóc chuột. Tôi nghe tiếng một người bán hàng đang đến gần, chùm chìa khoá kêu lanh canh.
“Vâng, sao thế cô, có chuyện gì không?”
“Có đấy!” giọng nói ngắt quãng – nhưng vẫn rất sóc chuột – vọng qua bức vách giữa hai căn buồng.
“Các anh có cái quần jeans nào kiểu này mà nhỏ hơn size zero không?” Tôi khựng lại, một chân đã ở bên trong còn chân kia vẫn bên ngoài cái quần jeans mà tôi đang cố nhét mình vào. Hả! Tôi có nghe nhầm không hay đúng là sự thật đấy? Làm gì có size nào nhỏ hơn size zero? Chả lẽ lại là size âm mấy?
Từ hồi học toán lớp 6 đến giờ cũng đã khá lâu thật, nhưng tôi vẫn nhớ có một dãy số với số 0 ở giữa, và…
“Bởi vì,” nhỏ hơn size zero – hay giọng sóc chuột – giải thích với tay nhân viên bán hàng, “thường em mặc size 2, nhưng chả hiểu sao thử mấy cái quần size zero này lại bùng nhùng không chịu nổi. Thế mới quái chứ! Mà từ cái lần gần nhất đi mua quần đến giờ em có giảm ký nào đâu.”
Nhỏ hơn zero nói làm tôi cũng nhận thấy thế khi kéo cái quần mình đang thử lên. Tôi không tài nào nhớ được lần cuối cùng mình mặc vừa size 8 là khi nào? Rồi, công nhận thật ra tôi có nhớ. Nhưng đó chẳng phải là khoảng thời gian mà tôi đặc biệt nâng niu.
Sao thế nhỉ? Bình thường tôi vẫn mặc size 12…..nhưng tôi đã thử size 12 rồi, cứ như bơi trong đó ấy. Mà cả size 10 cũng thế. Vậy mới lạ, vì gần đây tôi đâu có ăn kiêng ăn cữ gì – trừ khi bạn tính món Splenda không calo mà tôi cho vào cốc latte bữa sáng nay.
Nhưng tôi cam đoan món bánh vòng pho-mát kem và heo xông khói mà tôi xơi cùng với thứ đồ uống đó trong bữa sáng đã xoá sổ ngay tức khắc chút tác dụng ăn kiêng nhỏ nhoi của đường Splenda rồi.
Với cả dạo này tôi cũng đâu có đến phòng tập thể dục đa năng. Không phải tôi không tập thể dục, nói thế không đúng. Tôi chỉ không tập trong phòng tập thể dục đa năng thôi. Rõ ràng đi bộ cũng giúp ta đốt cháy nhiều calo hệt như khi chạy. Thế thì chạy làm gì? Tôi đã phát hiện ra từ lâu rồi, rằng một chuyến cuốc bộ đến quầy pho-mat Murray để xem họ chào bán loại sandwich đặc biệt nào cho bữa trưa cũng phải mất đến 10 phút!
Rồi một cuốc từ Murray sang Betsey Johnson, bên Wooster, để xem họ đang bán hạ giá thứ gì (tôi thích mê hàng thun giãn của bà này): thêm 10 phút nữa!
Rồi đi bộ từ Betsey qua Dean & Deluca bên Broadway, làm một cốc cappuccino sau bữa trưa và xem họ có bán món vỏ cam bọc sô-cô-la mà tôi thích điên lên hay không: lại 10 phút nữa!
Vân vân, và chưa kịp nhận ra thì đã hoàn thành xong đúng 60 phút thể dục. Ai bảo thực hành những khuyến nghị mới của chính phủ về sức khoẻ là khó chứ? Tôi mà làm được thì ai cũng làm được.
Nhưng chả lẽ tất cả những trò đi bộ đó lại giúp tôi giảm được hẳn 2 size kể từ cái lần cuối cùng đi sắm quần jeans? Tôi biết mình đã giảm được một nửa lượng chất béo tiêu thụ hàng ngày khi thay món sô-cô-la Hershey’s Kisses, trong hộp kẹo trên bàn, bằng mấy cái bao cao su phát không của trung tâm sức khoẻ sinh viên. Nhưng mà gì thì gì….
“À, là thế này,” tay nhân viên bán hàng trình bày với Nhỏ Hơn Zero. “Mấy cái quần này là hàng jeans giãn. Nghĩa là cô phải thử quần nhỏ hơn size thật của cô 2 size.”
“Cái gì?” giọng Nhỏ Hơn Zero hơi bối rối.
Chẳng trách được, tôi đây cũng đang có cảm xúc y như thế. Những dãy số lại một lần nữa hiện về.
“Ý tôi là,” tay bán hàng kiên nhẫn giải thích, “nếu bình thường mặc size 4 thì khi mặc quần jeans giãn cô phải lấy size zero.”
“Thế thì sao không đề béng size thật của nó đi?” Nhỏ Hơn Zero hỏi – tôi nghe rất có lí. “Nếu zero là 4 thì dán béng số 4 luôn cho rồi?”
“Cái này gọi là ghi size nịnh,” tay nhân viên nói, giọng khẽ khàng.
“Ghi size gì cơ?” Nhỏ Hơn Zero hỏi, đến phiên cô nàng cũng hạ giọng. Ít nhất hạ hết mức mà một con sóc chuột có thể hạ được.
“Cô biết đấy…..” tay nhân viên bán hàng thì thầm với Nhỏ Hơn Zero, nhưng tôi vẫn nghe được. “….những khách hàng to con hơn sẽ rất thích nếu mặc vừa size 8. Nhưng thật ra, size của họ phải là 12 kia. Hiểu không?”
Khoan đã. Cái gì cơ?
Tôi tung cửa buồng thay đồ, ào ra ngoài trước khi kịp dừng lại để nghĩ.
“Tôi là size 12 đây,” tôi nghe thấy mình nói với tay nhân viên như thế. Tay này trông cực kì hoảng hốt, cũng dễ hiểu thôi. Nhưng gì thì gì…. “Thế size 12 thì làm sao hả?”
“Không làm sao cả!” tay nhân viên kêu lên hoảng loạn “Có làm sao đâu! Ý tôi là…”
“Ý anh size 12 là béo chứ gì?” tôi hỏi hắn.
“Không!” hắn kiên quyết. “Cô hiểu lầm rồi! Ý tôi là…”
“Này, 12 là size trung bình của phụ nữ Mỹ đấy nhá,” tôi nói cho hắn biết. Tôi biết chuyện này vì mới đọc được trên tờ People. “Có phải anh đang ám chỉ là thay vì ở cỡ trung bình, tất cả chúng tôi đều béo đấy phải không?”
“Không,” tay nhân viên vội nói. “Không, ý tôi hoàn toàn không phải vậy. Tôi…”
Cửa buồng thay đồ cạnh tôi bật mở, và lần đầu tiên tôi được diện kiến chủ nhân của giọng nói sóc chuột, cũng tầm tuổi mấy đứa nhỏ đang làm việc cùng tôi. Chẳng những nói giọng giống sóc chuột – tôi nhận thấy điều đó – mà cả cô nàng cũng hơi hơi giống sóc chuột nốt. Thì bạn cũng biết rồi đấy: dễ thương, sinh động, đủ bé để chui vừa vào túi của một cô gái cỡ trung bình.
“Mà còn chuyện không có size của cô bé này là thế nào nữa đây?” tôi vừa hỏi tay bán hàng vừa ra hiệu về phiá Nhỏ Hơn Zero. “Tôi thà trung bình còn hơn không tồn tại.”
Nhỏ hơn Zero có vẻ hơi bất ngờ, nhưng rồi cũng nói với tên kia, “Ừm, vậy đấy!”
Tên bán hàng nuốt khan, đầy căng thẳng. Có thể nghe được cả tiếng nuốt. Chỉ nhìn thôi cũng đử biết hôm nay đúng là một ngày không may của cậu chàng. Sau giờ làm việc, thể nào hắn cũng mò vào một quầy bar mà rên rẩm những câu đại loại như, “Rồi mấy con mẹ đó lại còn chửi tôi về vụ size nịnh nữa chứ…Thật kinh khủng!”
Nhưng với chúng tôi, hắn chỉ nói, “Tôi…. ừm… để tôi đi…ừm… ra sau kiểm tra xem cửa hàng còn mấy cái quần… mà các cô muốn thử không.” Rồi lủi mất.
Tôi nhìn Nhỏ Hơn Zero. Nhỏ Hơn Zero cũng nhìn lại tôi. Cô nàng tầm hăm hai, tóc rất vàng. Tôi cũng tóc vàng – với một chút trợ giúp của Lady Clairol – nhưng đã rời bỏ cái tuổi “đầu hăm” những mấy năm rồi.
Nhưng, chẳng phải rõ ràng ngoài khoảng cách tuổi tác và size quần ra, Nhỏ Hơn Zero và tôi đang cùng chia sẻ một mối dây gắn kết không bao giờ phá bỏ được đó sao: cả hai đứa đều bị chuyện Ghi Size Nịnh làm cho hố to. “Chị có định mua cái đó không?” Nhỏ Hơn Zero hỏi, hất cằm về phía cái quần tôi đang thử.
“Chắc có,” tôi nói. “Ý là, tôi cũng đang cần quần mới, cái quần cũ bị nôn trúng ở chỗ làm rồi.”
“Chúa ơi” Nhỏ Hơn Zero nói và chun chun cái mũi sóc chuột. “Chị làm ở đâu thế?”
“À, kí túc xá,” tôi nói. “Ý là khu cư trú sinh viên ấy. Tôi là trợ lý quản lý.”
“Thật á?” Nhỏ Hơn Zero trông có vẻ hào hứng. “Phải ở New York College không?” Tôi vừa gật đầu là cô nàng rú lên liền, “Em biết ngay là đã gặp chị ở đâu rồi mà! Em vừa tốt nghiệp New York College năm ngoái này. Chị làm ở nhà nào thế?”
“Ừm,” tôi nói, hơi ngượng ngùng. “Tôi chỉ mới bắt đầu từ mùa hè này thôi.”
“Thật á?” Nhỏ Hơn Zero hơi ngơ ngác. “Lạ nhỉ! Tại trông chị quen lắm…”
Tôi chưa kịp giải thích tại sao cô bé này lại nghĩ là trông tôi quen lắm thì di động của tôi đã vang lên những nốt đầu tiên trong bài Vavation của nhóm Go-Go (tôi chọn bài này như một nhắc nhở đau thương, rằng mình không có được một ngày nghỉ nào cả cho đến khi qua được 6 tháng thực tập ở chỗ làm, mà từ giờ đến lúc ấy còn những 3 tháng nữa.) Người gọi là sếp tôi. Gọi tôi vào một ngày thứ bảy!
Thế thì hẳn phải là chuyện cực kỳ quan trọng, đúng không?
Mà có khi cũng chẳng phải quan trọng gì. Thật ra tôi khá thích công việc mới của mình – làm việc với sinh viên thì cực vui rồi, vì chúng rất nhiệt tình quan tâm đến những thứ mà rất nhiều người thậm chí còn chả thèm nghĩ tới, chẳng hạn như vấn đề Tibet và giành quyền nghỉ đẻ ăn lương cho công nhân tại những cơ sở có điều kiện làm việc kinh khủng, vân vân.
Nhưng một trở ngại đáng kể khi làm việc ở Fischer Hall là tôi sống ngay góc phố gần đó. Chính vì vậy nên những người ở chổ làm có thể dễ dàng “tóm” được tôi, nhiều hơn mức tôi thấy thoải mái một tí. Ý là, nếu bạn là bác sĩ và bị bệnh viện gọi đến tận nhà vì có bệnh nhân đang cần cấp cứu thì đã là một nhẽ; đằng này bị chỗ làm gọi điện đến tận nhà chỉ vì tự dưng cái máy bán xô-đa nuốt mất tiền thừa, rồi chẳng ai tìm ra mấy tờ đơn đòi bồi hoàn và họ muốn bạn qua đó tìm giúp thì lại là chuyện hoàn toàn khác.
Dù tôi cũng nhận ra là đối với vài người, điều kiện của tôi thật chẳng khác nào giấc mơ trở thành hiện thực. Thì đó, được sống gần sở làm để có thể tạt ngay qua khi có những vụ rắc rối nho nhỏ xảy ra. Lại ở New York nữa chứ. Bởi vì hành trình của tôi chỉ kéo dài có 2 phút, và ấy là tôi đi bộ (4 phút thêm vào chỉ tiêu thể dục mỗi ngày nhé.)
Nhưng mọi người cũng nên biết rằng, so với những giấc mơ trở thành hiện thực thì giấc mơ này chẳng phải loại ngon lành nhất đâu, vì lương của tôi chỉ có 23.000 đô một năm (và nếu trừ đi các khoản thuế thành phố và thuế bang thì chỉ còn khoảng 12.000 đô); mà ở New York này, 12.000 đô chỉ trả được tiền ăn, có thể mua thêm một cái quần jeans như cái mà tôi sắp vung tiền ra tiêu đây, bất kể là size nịnh hay không nịnh. Tôi sẽ chẳng thể sống được ở Manhanttan bằng cái đồng lương ấy nếu không có nghề tay trái, cái nghề giúp tôi trả tiền thuê nhà. Tôi không được “ở ké” Vì tại New York College chỉ có quản lý khi kí túc mới được hưởng chế độ “ưu đãi” là được ở ngay trong những khu họ phụ trách, còn trợ lý quản lý thì không.
Gì thì gì, tôi cũng sống đủ gần Fischer Hall để sếp tôi cảm thấy rằng chị ta có thể gọi điện và yêu cầu tôi “tạt qua” bất cứ khi nào chị ta cần.
Thì chẳng hạn như hôm nay đây – một buổi chiều thứ Bảy đầy nắng vào tháng Chín – khi tôi đang đi mua quần jeans vì mới hôm trước, một thằng nhóc năm nhất uống hơi quá đà món cocktail chanh ở quán Stoned Crow, rốt cuộc đã quyết định lăn đùng ngã ngửa ra và phu hết vào tôi trong khi tôi đang lúi húi bên cạnh bắt mạch cho nó.
Tôi đang cân nhắc lợi hại xem có nên nghe máy hay không. Lợi: có thể Rachel gọi để tăng lương cho tôi (chưa chắc); hại: chắc Rachel gọi để nhờ tôi chở một thằng hai mốt tuổi say ngất ngư đi viện (dám lắm). Đang cân nhắc thì Nhỏ Hơn Zero đột nhiên ré lên, “Ôi lạy chúa! Em biết tại sao trông chị quen rồi! Đã ai nói với chị là chị giống y sì đúc Heather Wells chưa? Chị ca sĩ ấy?”
Tôi quyết định, trong tình huống này, cho luôn bà sếp vào hộp thư thoại. Tình hình đã đến mức tồi tệ lắm rồi, mới nãy là vụ size 12, giờ lại thêm vụ này nữa. Biết thế tôi ở nhà mua quần trên mạng quách cho xong.
“Emnghĩ vậy thật hả?” tôi hỏi Nhỏ Hơn Zero với vẻ không được hào hứng cho lắm. Có điều cô nàng chẳng mảy may nhận ra vẻ thiếu nhiệt tình của tôi.
“Ôi, lạy chúa!” Nhỏ Hơn Zero lại rú lên. “Chị nói cũng giống nữa! Lạ quá! Nhưng mà,” cô nàng nói thêm, cùng với một tiếng cười, “Heather Wells thì làm gì ở một khu kí túc chứ, đúng không chị?” “Khu cư trú sinh viên,” tôi chỉnh ngay. Chúng tôi phải gọi như vậy, vì gọi là khu cư trú nghe nói sẽ nuôi dưỡng một cảm giác ấm áp và đoàn kết giữa các “cư dân”, những người có thể sẽ nhận thấy việc sống ở một nơi được gọi là “kí túc” có phần quá lạnh lùng và cứng nhắc.
Thì việc mấy cái tủ lạnh trong kí túc bị đóng đinh xuống sàn nhà chẳng phải là một bằng chứng rành rành ra đấy còn gì.
“Ôi này,” Nhỏ Hơn Zero nói, như sưc tỉnh ra. “Em không có ý gì đâu nhá, về việc làm trợ lý phụ trách kí túc ấy. Chị không khó chịu vì em nói chị giống Heather Wells chứ? Ý em là, em có hết tất cả các album của chị ấy. Và cả một cái poster lớn trên tường. Từ hồi em mới 11 tuổi cơ.”
“Không hề,” tôi nói, “tôi chả thấy khó chịu tí nào.”
Nhỏ Hơn Zero trông có vẻ nhẹ nhõm hẳn. “Thế thì tốt. Thôi, chắc em phải tìm một cửa hàng khác có size của mình đây.”
“Đúng rồi đấy,” tôi nói, rất muốn gợi ý cô nàng mua quần áo Gap Kids mà mặc nhưng đã kìm lại được. Việc có thân hình bé xíu đâu phải lỗi của cô nàng. Cũng như việc tôi thuộc cỡ trung bình của phụ nữ Mỹ đâu phải lỗi tại tôi!
Cho mãi đến khi đứng ở quầy tính tiền tôi mới kiểm tra hộp thư thoại để xem sếp Rachel muốn gì. Tôi nghe giọng chị ta, lúc nào cũng vô cùng kiềm chế, nói bằng ngữ điệu của một cơn quá khích hầu như không còn nén nổi nữa. “Heather, tôi gọi để báo cho cô biết vừa xảy ra một vụ án mạng trong khu nhà. Khi nhận được tin làm ơn liên lạc với tôi ngay.”
Tôi quẳng lại cái quần jeans size 8 trên quầy, mà dùng hết 15 phút mà người ta vẫn khuyên nên bỏ ra tập thể dục mỗi ngày để chạy – đúng, chạy – từ cửa hàng về phía Fischer Hall.
Y hệt sóc chuột. Tôi nghe tiếng một người bán hàng đang đến gần, chùm chìa khoá kêu lanh canh.
“Vâng, sao thế cô, có chuyện gì không?”
“Có đấy!” giọng nói ngắt quãng – nhưng vẫn rất sóc chuột – vọng qua bức vách giữa hai căn buồng.
“Các anh có cái quần jeans nào kiểu này mà nhỏ hơn size zero không?” Tôi khựng lại, một chân đã ở bên trong còn chân kia vẫn bên ngoài cái quần jeans mà tôi đang cố nhét mình vào. Hả! Tôi có nghe nhầm không hay đúng là sự thật đấy? Làm gì có size nào nhỏ hơn size zero? Chả lẽ lại là size âm mấy?
Từ hồi học toán lớp 6 đến giờ cũng đã khá lâu thật, nhưng tôi vẫn nhớ có một dãy số với số 0 ở giữa, và…
“Bởi vì,” nhỏ hơn size zero – hay giọng sóc chuột – giải thích với tay nhân viên bán hàng, “thường em mặc size 2, nhưng chả hiểu sao thử mấy cái quần size zero này lại bùng nhùng không chịu nổi. Thế mới quái chứ! Mà từ cái lần gần nhất đi mua quần đến giờ em có giảm ký nào đâu.”
Nhỏ hơn zero nói làm tôi cũng nhận thấy thế khi kéo cái quần mình đang thử lên. Tôi không tài nào nhớ được lần cuối cùng mình mặc vừa size 8 là khi nào? Rồi, công nhận thật ra tôi có nhớ. Nhưng đó chẳng phải là khoảng thời gian mà tôi đặc biệt nâng niu.
Sao thế nhỉ? Bình thường tôi vẫn mặc size 12…..nhưng tôi đã thử size 12 rồi, cứ như bơi trong đó ấy. Mà cả size 10 cũng thế. Vậy mới lạ, vì gần đây tôi đâu có ăn kiêng ăn cữ gì – trừ khi bạn tính món Splenda không calo mà tôi cho vào cốc latte bữa sáng nay.
Nhưng tôi cam đoan món bánh vòng pho-mát kem và heo xông khói mà tôi xơi cùng với thứ đồ uống đó trong bữa sáng đã xoá sổ ngay tức khắc chút tác dụng ăn kiêng nhỏ nhoi của đường Splenda rồi.
Với cả dạo này tôi cũng đâu có đến phòng tập thể dục đa năng. Không phải tôi không tập thể dục, nói thế không đúng. Tôi chỉ không tập trong phòng tập thể dục đa năng thôi. Rõ ràng đi bộ cũng giúp ta đốt cháy nhiều calo hệt như khi chạy. Thế thì chạy làm gì? Tôi đã phát hiện ra từ lâu rồi, rằng một chuyến cuốc bộ đến quầy pho-mat Murray để xem họ chào bán loại sandwich đặc biệt nào cho bữa trưa cũng phải mất đến 10 phút!
Rồi một cuốc từ Murray sang Betsey Johnson, bên Wooster, để xem họ đang bán hạ giá thứ gì (tôi thích mê hàng thun giãn của bà này): thêm 10 phút nữa!
Rồi đi bộ từ Betsey qua Dean & Deluca bên Broadway, làm một cốc cappuccino sau bữa trưa và xem họ có bán món vỏ cam bọc sô-cô-la mà tôi thích điên lên hay không: lại 10 phút nữa!
Vân vân, và chưa kịp nhận ra thì đã hoàn thành xong đúng 60 phút thể dục. Ai bảo thực hành những khuyến nghị mới của chính phủ về sức khoẻ là khó chứ? Tôi mà làm được thì ai cũng làm được.
Nhưng chả lẽ tất cả những trò đi bộ đó lại giúp tôi giảm được hẳn 2 size kể từ cái lần cuối cùng đi sắm quần jeans? Tôi biết mình đã giảm được một nửa lượng chất béo tiêu thụ hàng ngày khi thay món sô-cô-la Hershey’s Kisses, trong hộp kẹo trên bàn, bằng mấy cái bao cao su phát không của trung tâm sức khoẻ sinh viên. Nhưng mà gì thì gì….
“À, là thế này,” tay nhân viên bán hàng trình bày với Nhỏ Hơn Zero. “Mấy cái quần này là hàng jeans giãn. Nghĩa là cô phải thử quần nhỏ hơn size thật của cô 2 size.”
“Cái gì?” giọng Nhỏ Hơn Zero hơi bối rối.
Chẳng trách được, tôi đây cũng đang có cảm xúc y như thế. Những dãy số lại một lần nữa hiện về.
“Ý tôi là,” tay bán hàng kiên nhẫn giải thích, “nếu bình thường mặc size 4 thì khi mặc quần jeans giãn cô phải lấy size zero.”
“Thế thì sao không đề béng size thật của nó đi?” Nhỏ Hơn Zero hỏi – tôi nghe rất có lí. “Nếu zero là 4 thì dán béng số 4 luôn cho rồi?”
“Cái này gọi là ghi size nịnh,” tay nhân viên nói, giọng khẽ khàng.
“Ghi size gì cơ?” Nhỏ Hơn Zero hỏi, đến phiên cô nàng cũng hạ giọng. Ít nhất hạ hết mức mà một con sóc chuột có thể hạ được.
“Cô biết đấy…..” tay nhân viên bán hàng thì thầm với Nhỏ Hơn Zero, nhưng tôi vẫn nghe được. “….những khách hàng to con hơn sẽ rất thích nếu mặc vừa size 8. Nhưng thật ra, size của họ phải là 12 kia. Hiểu không?”
Khoan đã. Cái gì cơ?
Tôi tung cửa buồng thay đồ, ào ra ngoài trước khi kịp dừng lại để nghĩ.
“Tôi là size 12 đây,” tôi nghe thấy mình nói với tay nhân viên như thế. Tay này trông cực kì hoảng hốt, cũng dễ hiểu thôi. Nhưng gì thì gì…. “Thế size 12 thì làm sao hả?”
“Không làm sao cả!” tay nhân viên kêu lên hoảng loạn “Có làm sao đâu! Ý tôi là…”
“Ý anh size 12 là béo chứ gì?” tôi hỏi hắn.
“Không!” hắn kiên quyết. “Cô hiểu lầm rồi! Ý tôi là…”
“Này, 12 là size trung bình của phụ nữ Mỹ đấy nhá,” tôi nói cho hắn biết. Tôi biết chuyện này vì mới đọc được trên tờ People. “Có phải anh đang ám chỉ là thay vì ở cỡ trung bình, tất cả chúng tôi đều béo đấy phải không?”
“Không,” tay nhân viên vội nói. “Không, ý tôi hoàn toàn không phải vậy. Tôi…”
Cửa buồng thay đồ cạnh tôi bật mở, và lần đầu tiên tôi được diện kiến chủ nhân của giọng nói sóc chuột, cũng tầm tuổi mấy đứa nhỏ đang làm việc cùng tôi. Chẳng những nói giọng giống sóc chuột – tôi nhận thấy điều đó – mà cả cô nàng cũng hơi hơi giống sóc chuột nốt. Thì bạn cũng biết rồi đấy: dễ thương, sinh động, đủ bé để chui vừa vào túi của một cô gái cỡ trung bình.
“Mà còn chuyện không có size của cô bé này là thế nào nữa đây?” tôi vừa hỏi tay bán hàng vừa ra hiệu về phiá Nhỏ Hơn Zero. “Tôi thà trung bình còn hơn không tồn tại.”
Nhỏ hơn Zero có vẻ hơi bất ngờ, nhưng rồi cũng nói với tên kia, “Ừm, vậy đấy!”
Tên bán hàng nuốt khan, đầy căng thẳng. Có thể nghe được cả tiếng nuốt. Chỉ nhìn thôi cũng đử biết hôm nay đúng là một ngày không may của cậu chàng. Sau giờ làm việc, thể nào hắn cũng mò vào một quầy bar mà rên rẩm những câu đại loại như, “Rồi mấy con mẹ đó lại còn chửi tôi về vụ size nịnh nữa chứ…Thật kinh khủng!”
Nhưng với chúng tôi, hắn chỉ nói, “Tôi…. ừm… để tôi đi…ừm… ra sau kiểm tra xem cửa hàng còn mấy cái quần… mà các cô muốn thử không.” Rồi lủi mất.
Tôi nhìn Nhỏ Hơn Zero. Nhỏ Hơn Zero cũng nhìn lại tôi. Cô nàng tầm hăm hai, tóc rất vàng. Tôi cũng tóc vàng – với một chút trợ giúp của Lady Clairol – nhưng đã rời bỏ cái tuổi “đầu hăm” những mấy năm rồi.
Nhưng, chẳng phải rõ ràng ngoài khoảng cách tuổi tác và size quần ra, Nhỏ Hơn Zero và tôi đang cùng chia sẻ một mối dây gắn kết không bao giờ phá bỏ được đó sao: cả hai đứa đều bị chuyện Ghi Size Nịnh làm cho hố to. “Chị có định mua cái đó không?” Nhỏ Hơn Zero hỏi, hất cằm về phía cái quần tôi đang thử.
“Chắc có,” tôi nói. “Ý là, tôi cũng đang cần quần mới, cái quần cũ bị nôn trúng ở chỗ làm rồi.”
“Chúa ơi” Nhỏ Hơn Zero nói và chun chun cái mũi sóc chuột. “Chị làm ở đâu thế?”
“À, kí túc xá,” tôi nói. “Ý là khu cư trú sinh viên ấy. Tôi là trợ lý quản lý.”
“Thật á?” Nhỏ Hơn Zero trông có vẻ hào hứng. “Phải ở New York College không?” Tôi vừa gật đầu là cô nàng rú lên liền, “Em biết ngay là đã gặp chị ở đâu rồi mà! Em vừa tốt nghiệp New York College năm ngoái này. Chị làm ở nhà nào thế?”
“Ừm,” tôi nói, hơi ngượng ngùng. “Tôi chỉ mới bắt đầu từ mùa hè này thôi.”
“Thật á?” Nhỏ Hơn Zero hơi ngơ ngác. “Lạ nhỉ! Tại trông chị quen lắm…”
Tôi chưa kịp giải thích tại sao cô bé này lại nghĩ là trông tôi quen lắm thì di động của tôi đã vang lên những nốt đầu tiên trong bài Vavation của nhóm Go-Go (tôi chọn bài này như một nhắc nhở đau thương, rằng mình không có được một ngày nghỉ nào cả cho đến khi qua được 6 tháng thực tập ở chỗ làm, mà từ giờ đến lúc ấy còn những 3 tháng nữa.) Người gọi là sếp tôi. Gọi tôi vào một ngày thứ bảy!
Thế thì hẳn phải là chuyện cực kỳ quan trọng, đúng không?
Mà có khi cũng chẳng phải quan trọng gì. Thật ra tôi khá thích công việc mới của mình – làm việc với sinh viên thì cực vui rồi, vì chúng rất nhiệt tình quan tâm đến những thứ mà rất nhiều người thậm chí còn chả thèm nghĩ tới, chẳng hạn như vấn đề Tibet và giành quyền nghỉ đẻ ăn lương cho công nhân tại những cơ sở có điều kiện làm việc kinh khủng, vân vân.
Nhưng một trở ngại đáng kể khi làm việc ở Fischer Hall là tôi sống ngay góc phố gần đó. Chính vì vậy nên những người ở chổ làm có thể dễ dàng “tóm” được tôi, nhiều hơn mức tôi thấy thoải mái một tí. Ý là, nếu bạn là bác sĩ và bị bệnh viện gọi đến tận nhà vì có bệnh nhân đang cần cấp cứu thì đã là một nhẽ; đằng này bị chỗ làm gọi điện đến tận nhà chỉ vì tự dưng cái máy bán xô-đa nuốt mất tiền thừa, rồi chẳng ai tìm ra mấy tờ đơn đòi bồi hoàn và họ muốn bạn qua đó tìm giúp thì lại là chuyện hoàn toàn khác.
Dù tôi cũng nhận ra là đối với vài người, điều kiện của tôi thật chẳng khác nào giấc mơ trở thành hiện thực. Thì đó, được sống gần sở làm để có thể tạt ngay qua khi có những vụ rắc rối nho nhỏ xảy ra. Lại ở New York nữa chứ. Bởi vì hành trình của tôi chỉ kéo dài có 2 phút, và ấy là tôi đi bộ (4 phút thêm vào chỉ tiêu thể dục mỗi ngày nhé.)
Nhưng mọi người cũng nên biết rằng, so với những giấc mơ trở thành hiện thực thì giấc mơ này chẳng phải loại ngon lành nhất đâu, vì lương của tôi chỉ có 23.000 đô một năm (và nếu trừ đi các khoản thuế thành phố và thuế bang thì chỉ còn khoảng 12.000 đô); mà ở New York này, 12.000 đô chỉ trả được tiền ăn, có thể mua thêm một cái quần jeans như cái mà tôi sắp vung tiền ra tiêu đây, bất kể là size nịnh hay không nịnh. Tôi sẽ chẳng thể sống được ở Manhanttan bằng cái đồng lương ấy nếu không có nghề tay trái, cái nghề giúp tôi trả tiền thuê nhà. Tôi không được “ở ké” Vì tại New York College chỉ có quản lý khi kí túc mới được hưởng chế độ “ưu đãi” là được ở ngay trong những khu họ phụ trách, còn trợ lý quản lý thì không.
Gì thì gì, tôi cũng sống đủ gần Fischer Hall để sếp tôi cảm thấy rằng chị ta có thể gọi điện và yêu cầu tôi “tạt qua” bất cứ khi nào chị ta cần.
Thì chẳng hạn như hôm nay đây – một buổi chiều thứ Bảy đầy nắng vào tháng Chín – khi tôi đang đi mua quần jeans vì mới hôm trước, một thằng nhóc năm nhất uống hơi quá đà món cocktail chanh ở quán Stoned Crow, rốt cuộc đã quyết định lăn đùng ngã ngửa ra và phu hết vào tôi trong khi tôi đang lúi húi bên cạnh bắt mạch cho nó.
Tôi đang cân nhắc lợi hại xem có nên nghe máy hay không. Lợi: có thể Rachel gọi để tăng lương cho tôi (chưa chắc); hại: chắc Rachel gọi để nhờ tôi chở một thằng hai mốt tuổi say ngất ngư đi viện (dám lắm). Đang cân nhắc thì Nhỏ Hơn Zero đột nhiên ré lên, “Ôi lạy chúa! Em biết tại sao trông chị quen rồi! Đã ai nói với chị là chị giống y sì đúc Heather Wells chưa? Chị ca sĩ ấy?”
Tôi quyết định, trong tình huống này, cho luôn bà sếp vào hộp thư thoại. Tình hình đã đến mức tồi tệ lắm rồi, mới nãy là vụ size 12, giờ lại thêm vụ này nữa. Biết thế tôi ở nhà mua quần trên mạng quách cho xong.
“Emnghĩ vậy thật hả?” tôi hỏi Nhỏ Hơn Zero với vẻ không được hào hứng cho lắm. Có điều cô nàng chẳng mảy may nhận ra vẻ thiếu nhiệt tình của tôi.
“Ôi, lạy chúa!” Nhỏ Hơn Zero lại rú lên. “Chị nói cũng giống nữa! Lạ quá! Nhưng mà,” cô nàng nói thêm, cùng với một tiếng cười, “Heather Wells thì làm gì ở một khu kí túc chứ, đúng không chị?” “Khu cư trú sinh viên,” tôi chỉnh ngay. Chúng tôi phải gọi như vậy, vì gọi là khu cư trú nghe nói sẽ nuôi dưỡng một cảm giác ấm áp và đoàn kết giữa các “cư dân”, những người có thể sẽ nhận thấy việc sống ở một nơi được gọi là “kí túc” có phần quá lạnh lùng và cứng nhắc.
Thì việc mấy cái tủ lạnh trong kí túc bị đóng đinh xuống sàn nhà chẳng phải là một bằng chứng rành rành ra đấy còn gì.
“Ôi này,” Nhỏ Hơn Zero nói, như sưc tỉnh ra. “Em không có ý gì đâu nhá, về việc làm trợ lý phụ trách kí túc ấy. Chị không khó chịu vì em nói chị giống Heather Wells chứ? Ý em là, em có hết tất cả các album của chị ấy. Và cả một cái poster lớn trên tường. Từ hồi em mới 11 tuổi cơ.”
“Không hề,” tôi nói, “tôi chả thấy khó chịu tí nào.”
Nhỏ Hơn Zero trông có vẻ nhẹ nhõm hẳn. “Thế thì tốt. Thôi, chắc em phải tìm một cửa hàng khác có size của mình đây.”
“Đúng rồi đấy,” tôi nói, rất muốn gợi ý cô nàng mua quần áo Gap Kids mà mặc nhưng đã kìm lại được. Việc có thân hình bé xíu đâu phải lỗi của cô nàng. Cũng như việc tôi thuộc cỡ trung bình của phụ nữ Mỹ đâu phải lỗi tại tôi!
Cho mãi đến khi đứng ở quầy tính tiền tôi mới kiểm tra hộp thư thoại để xem sếp Rachel muốn gì. Tôi nghe giọng chị ta, lúc nào cũng vô cùng kiềm chế, nói bằng ngữ điệu của một cơn quá khích hầu như không còn nén nổi nữa. “Heather, tôi gọi để báo cho cô biết vừa xảy ra một vụ án mạng trong khu nhà. Khi nhận được tin làm ơn liên lạc với tôi ngay.”
Tôi quẳng lại cái quần jeans size 8 trên quầy, mà dùng hết 15 phút mà người ta vẫn khuyên nên bỏ ra tập thể dục mỗi ngày để chạy – đúng, chạy – từ cửa hàng về phía Fischer Hall.
Tác giả :
Meg Cabot