Ruồi Trâu
Chương 3
Thu và đông trôi qua không có việc gì xảy ra. Áctơ học rất chăm nên chẳng mấy lúc rỗi. Tuy vậy mỗi tuần một hoặc hai lần, anh vẫn bớt thời giờ tới thăm cha Môngtaneli. Đôi khi Áctơ mang sách đến nhờ giảng những đoạn khó, và những lúc ấy câu chuyện chỉ xoay quanh nội dung của đoạn văn thôi. Cảm thấy một hàng rào vô hình đã ngăn cách hai người, Môngtaneli cố tránh mọi cái gì tỏ ra mình muốn giữ lại sự thân mật xưa kia. Việc Áctơ đến thăm bây giờ chỉ đem lại cho Môngtaneli nhiều đắng cay hơn là sung sướng. Chịu đựng tình trạng luôn căng thẳng, làm ra vẻ bình tĩnh và đối xử y như không có việc gì xảy ra thì thật là khó. Áctơ cũng nhận thấy là sự thay đổi tế nhị trong cách đối xử của cha và phảng phất cảm thấy rằng điều đó có liên quan gì tới câu chuyện nặng nề về “những tư tưởng mới” của mình, nên cũng tránh nhắc tới điều mình hằng suy nghĩ ấy.
Nhưng dù sao Áctơ vẫn chưa bao giờ yêu Môngtaneli một cách thắm thiết như bây giờ. Trước kia, khi cảm thấy vướng mắc và trống rỗng trong tâm hồn thì Áctơ dốc sức nghiên cứu khoa học thần học, làm đúng lẽ đạo dạy để xua tan những cảm giác ấy. Nhưng từ khi tiếp xúc với “nước Ý trẻ” (1) thì cảm giác ấy đã tan đi không để lại vết tích nào.
Tính mơ mộng ốm yếu do nỗi cô đơn và do những đêm săn sóc mẹ bên giường bệnh cùng với những mối hoài nghi trước kia, Áctơ dùng khấn cầu để lẩn trốn, nay cũng không còn nữa. Cùng một lúc với sự say mê mới, với một lí tưởng mới và rõ hơn về tôn giáo (vì trong phong trào sinh viên, Áctơ không chỉ thấy cơ sở chính trị mà còn thấy nhiều hơn về cơ sở tôn giáo), Áctơ còn có một cảm giác bình tĩnh, thấy lòng thoải mái, tâm hồn thảnh thơi, yêu mến mọi người. Đối với Áctơ toàn thế giới chói loà ánh sáng mới. Áctơ đã tìm thấy những khía cạnh mới rất đáng yêu trong con người, ngay cả ở những người mà trước kia Áctơ lấy làm khó chịu. Năm năm qua, Môngtaneli đối với Áctơ là một người anh hùng lí tưởng thì ngày nay Áctơ có cảm tưởng rằng Môngtaneli là một nhà tiên tri tương lai của tín ngưỡng mới, đang mang theo một đạo hào quang mới trên đầu. Áctơ say sưa nghe cha giảng đạo, cố tìm ra mối quan hệ huyết mạch của những câu giảng đạo ấy và những lí tưởng cộng hoà. Áctơ cố gắng nghiên cứu kinh thánh và rất vui sướng với khuynh hướng dân chủ của đạo Cơ đốc sơ kì.
Một ngày tháng giêng, Áctơ đến trường dòng để trả sách. Thấy cha giám đốc đi vắng, anh bèn vào phòng làm việc riêng của Môngtaneli. Áctơ đặt sách lên giá, định bước ra thì bỗng thấy một quyển sách nằm trên bàn giấy. Đó là tuyển tập “De Monarchia” (2) của Đăngtơ. Áctơ cầm lấy đọc và phút chốc đã mê mải đến nỗi cửa mở ra rồi đóng lại mà anh vẫn không hay. Chỉ mãi tới khi sau lưng vang lên tiếng nói của Môngtaneli thì Áctơ mới ngừng đọc.
Cha liếc nhìn tên sách rồi nói:
- Không ngờ hôm nay con lại đến. Cha vừa định cho người hỏi xem tối nay con có đến được không.
- Có gì quan trọng hở cha? Tối nay con có hẹn nhưng nếu...
- Thôi, mai cũng được. Cha muốn được gặp con. Thứ ba này cha đi rồi. Cha được triệu về La Mã.
- Về La Mã ư? Có lâu không?
- Trong thư chỉ nói là “tới sau lễ phục sinh” thôi. Thư của Vaticăng. Cha đã định cho con biết, nhưng lúc thì cha bận, lúc thì chuẩn bị đón giám đốc mới.
- Thưa cha, con chắc cha không rời bỏ trường này?
- Đành phải đi thôi. Nhưng cha còn về Pidơ nữa. Ít nhất là về một thời gian.
- Nhưng tại sao cha lại bỏ trường?
- Ấy... Bề trên định phong cha làm giám mục, nhưng lệnh đó còn chưa được công bố chính thức!
- Nhưng cha được bổ nhiệm ở đâu cơ?
- Chính vì thế mà phải về La Mã mới biết được. Chưa quyết định hẳn là cha sẽ làm giám mục ở địa phận vùng núi Apenanh hay làm giám mục tại đây.
- Thưa cha, cha giám đốc mới được bổ nhiệm chưa?
- Rồi, đó là cha Cácđi. Mai sẽ đến.
- Thật là đột ngột quá!
- Ừ... nhưng quyết định của Vaticăng thường đến phút cuối cùng mới được công bố.
- Cha có quen cha giám đốc mới không?
- Cha không quen biết riêng, nhưng nghe người ta khen cha ấy lắm. Đức giám mục Belôni viết thư cho cha, nói cha Cácđi học vấn rất uyên thâm.
- Cha đi thì trường sẽ thiệt thòi nhiều lắm.
- Cha không biết trường sẽ ra thế nào, nhưng con thân yêu, chắc con sẽ cảm thấy thiếu cha. Có lẽ cũng gần như cha cảm thấy thiếu con vậy.
- Vâng. đúng thế. Nhưng dù sao con cũng mừng cho cha.
- Mừng ư con? Còn cha thì cha không biết cha có mừng không.
Môngtaneli ngồi vào bàn, vẻ mặt bơ phờ như thực sự không vui mừng gì về chức trọng quyền cao mà mình sắp được thụ phong, bổ nhiệm.
Sau giây lát yên lặng. Môngtaneli bắt đầu nói:
- Áctơ, chiều nay con có bận gì không? Nếu không con hãy ở lại với cha, vì tối nay con không đến thăm cha được. Cha thấy bứt rứt trong người. Cha muốn trước khi đi còn được gần con nhiều hơn.
- Được ạ. Nhưng đến 6 giờ con sẽ phải đi...
- Đi họp phải không?
Áctơ gật đầu, Môngtaneli vội chuyển ngay đầu đề câu chuyện:
- Cha muốn nói đến việc của con. Khi cha không ở đây con cần có một cha linh hồn cho con.
- Khi nào cha trở về thì con sẽ có thể xin cha giải tội cho cơ mà?
- Sao con lại nói thế, carino? Đây là cha chỉ nói thời gian ba tháng bốn tháng mà cha đi vắng. Con có ưng một cha ở nhà thờ Đức bà Catarina (3) giải tội cho con không?
- Xin vâng.
Họ nói chuyện với nhau chút ít về những việc khác. Rồi Áctơ đứng dậy:
- Thưa cha, con đi đây. Anh em họ đang đợi con.
Một vẻ thẫn thờ lại hiện trên gương mặt Môngtaneli.
- Đã đi ngay ư? Thế mà vừa rồi cha tưởng đã thoát khỏi những ý nghĩ đen tối. Thôi được con đi.
- Kính chào cha. Nhất định mai con sẽ đến.
- Con có thể đến sớm một chút để cha kịp gặp riêng con. Mai cha Cácđi tới... Áctơ yêu quý, cha xin con hãy thận trọng, điều gì chưa nghĩ kĩ thì chưa nên làm, ít nhất là cho tới khi cha trở lại. Con chưa rõ lòng cha lo cho con biết chừng nào khi cha không ở đây!
- Thưa cha, cha đừng lo. Vạn sự đều bình yên cả, và còn bình yên lâu.
- Thôi, con đi.
Môngtaneli giật giọng nói như vậy rồi cúi đầu trên bàn viết.
*
* *
Bước vào phòng họp của sinh viên, người mà Áctơ trông thấy đầu tiên chính lại là con gái bác sĩ Uaren, bạn gái của Áctơ từ thời còn để chỏm. Cô ngồi bên cửa sổ tận góc phòng, đang chăm chú nghe một thanh niên cao lớn mặc bộ quần áo cũ kiểu Lômbácđi, nói chuyện. Anh ta là một trong “những người khởi xướng” của phong trào. Mới qua mấy tháng mà cô bé khác hẳn trước: lớn lên và trở thành một thiếu nữ đến thì. Chỉ còn đôi bím tóc to và đen sau lưng cô là gợi lại hình ảnh một nữ sinh thuở bé. Cô bận toàn đen, đầu cũng quàng một chiếc khăn đen vì gió lạnh lùa manh vào phòng họp. Trên ngực cô đeo một cành bách nhỏ, huy hiệu của “Nước Ý trẻ”. Anh thanh niên người Lômbácđi đang say sưa nói về những nỗi đói khổ của nông dân Calabơri (4). Còn cô gái thì ngồi nghe, tay chống cằm, mắt nhìn xuống sàn. Nhìn cô, Áctơ thấy hiện ra trước mắt một cảnh đau buồn. Thần Tự do đang khóc than nền cộng hoà đã mất. (Vậy mà Giuli cứ chê bai nào là một cô gái cao quá khổ, nào mặt tái, mũi dô, nào chiếc áo ngoài đã cũ và ngắn cũn cỡn.)
Khi có người gọi chàng thanh niên Lômbácđi ra đầu phòng kia, Áctơ lại gần cô gái nói:
- Dim, cũng ở đây à?
Dim – đó là tên hồi nhỏ và là tên gọi tắt của Diniphơ, tên đặt lúc rửa tội. Bạn gái người Ý thường gọi cô ta là Giêma.
Dim ngẩng đầu và ngạc nhiên:
- Áctơ! Ồ, tôi không biết là anh cũng ở đây!
- Tôi cũng không ngờ lại gặp Dim ở đây. Dim ạ! Từ hồi nào...
Cô vội ngắt lời:
- Không, anh ạ. Tôi chưa phải là đảng viên. Tôi mới làm được vài ba công tác nhỏ thôi. Tôi có quen với Bini... Anh chắc biết Cáclô Bini chứ?
- Tất nhiên có.
Bini là người lập ra chi bộ Livoócnô, trong “nước Ý trẻ” ai cũng biết anh ta.
- Ấy, chính Bini nói chuyện với tôi về việc này. Tôi liền yêu cầu Bini cho dự cuộc hội nghị sinh viên. Sau Bini có viết thư đến Phơlorăngxơ (5) cho tôi... tôi có dự lễ Nôen tại Phơlorăngxơ, anh có biết không nhỉ?
- Không, dạo này tôi ít được tin nhà lắm.
- À, ừ nhỉ... Thế là tôi liền đi Phơlorăngxơ để gặp chị em Raitơ (chị em Raitơ là bạn học cũ của Giêma). Khi đến nơi Bini lại viết thư cho tôi lúc về thì ghé qua Pidơ, vì thế hôm nay tôi mới đến đây... Kìa bắt đầu rồi...
Bản báo cáo nói về nền Cộng hoà lí tưởng và nói rằng thanh niên phải sẵn sàng phấn đấu cho nền cộng hoà Ý. Bản báo cáo cũng còn đôi chút mơ hồ nhưng Áctơ vẫn nghe với một lòng cảm phục chân thành. Trong thời kì này điều gì Áctơ cũng tin theo, và bất cứ cái gì là lí tưởng luân lí mới, anh cũng đều nốc cạn một hơi, không hề nghĩ ngợi.
Bản báo cào và phần thảo luận dài tiếp theo đã xong, các sinh viên bắt đầu giải tán thì Áctơ trở lại chỗ Giêma lúc nãy vẫn ngồi trong góc phòng.
- Tôi đưa Dim về nhé. Dim ở với ai?
- Tôi ở nhà Marietta.
- Bà quản gia cũ nhà Dim đấy ư?
- Phải, cũng khá xa đấy.
Họ đi trầm ngâm một hồi lâu. Áctơ bỗng hỏi:
- Dim bao nhiêu tuổi rồi, mười bảy phải không?
- Tháng mười năm qua mười bảy tuổi tròn.
- Lúc nào tôi cũng nghĩ rằng khi lớn lên Dim chẳng say mê nhảy nhót như các cô gái khác đâu.
Dim thân yêu, tôi luôn tự hỏi không biết Dim sẽ có trong hàng ngũ của chúng ta không nhỉ?
- Tôi cũng nghĩ như thế đấy.
- Dim nói Bini đã giao công tác cho Dim. Vậy mà tôi không hề biết là Dim có quen cả Bini.
- Có phải tôi làm giúp Bini đâu, làm giúp người khác kia.
- Giúp ai?
- Giúp Bôla, người nói chuyện với tôi lúc nãy.
- Dim có quen Bôla lắm không?
Giọng nói của Áctơ có chút ghen tị. Anh chẳng ưa người ấy. Hai người ganh nhau làm một công tác, nhưng sau ban chấp hành “nước Ý trẻ” giao cho Bôla làm vì cho rằng Áctơ còn quá trẻ và thiếu kinh nghiệm.
- Cũng khá thân. Tôi mến anh ấy lắm. Anh ấy có ở Livoócnô.
- Tôi biết... Anh ấy đến Livoócnô vào khoảng tháng một.
- Phải, đến đợi tàu (6). Áctơ, chắc dùng chỗ nhà anh ở để làm việc này thì an toàn hơn. Không ai nghi ngờ một nhà chủ hãng tàu giàu có như nhà anh. Với lại anh còn quen biết mọi người trên bến nữa.
- Khẽ chứ, đừng nói to thế, Dim thân yêu! Thế ra tài liệu từ Mácxây tới vẫn giấu ở nhà Dim ư?
- Chỉ để ở đấy một ngày thôi... Nhưng có lẽ không nên nói với anh chuyện này thì phải nhỉ?
- Sao lại không? Dim cũng biết tôi là người của đoàn thể kia mà. Giêma thân yêu, nếu Giêma và… đức cha cùng đi theo chúng tôi thì tôi không có gì sung sướng hơn trên đời này!
- Đức cha của anh ấy à, chẳng lẽ ông cũng...
- Không, cách nghĩ của đức cha khác hẳn. Nhưng đôi khi tôi vẫn nghĩ... Tôi hi vọng rằng…
- Áctơ, ông ấy là cố đạo kia mà!
- Thì đã sao? Trong tổ chức của chúng ta cũng có cả các cha chứ. Có hai cha đang viết báo cho chúng ta (7). Mà như thế có sao đâu! Vì sứ mệnh của giáo sĩ là dẫn thế gian tới những lí tưởng và mục đích cao cả. Xã hội chúng ta chẳng nhằm tiến tới đó hay sao? Rốt cuộc chính là vấn đề tôn giáo và luân lí hơn là vấn đề chính trị. Vì nếu người ta muốn trở thành công dân tự do và có trách nhiệm thì không ai có thể nô dịch họ được.
Giêma nhíu mày lại:
- Áctơ, tôi có cảm tưởng là luân lí của anh có chỗ nào lầm lẫn đấy. Cha cố cổ động học
thuyết tôn giáo. Tôi thấy cái đó chẳng dính dáng gì đến việc chúng ta tự giải phóng mình khỏi ách nước Áo cả.
- Các cha là người cổ động cho đạo chúa Giêsu; mà chúa Giêsu là người vĩ đại nhất trong các nhà cách mạng.
- Anh biết không, tôi có nói chuyện với cha tôi về vấn đề cha cố, ngay cả cha tôi cũng...
- Nhưng cha Giêma theo đạo Tin lành kia mà.
Sau khoảnh khắc im lặng, cô mạnh dạn nhìn thẳng vào mắt Áctơ:
- Thôi đừng nói chuyện ấy nữa thì tốt hơn. Hễ nói về đạo Tin lành là bao giờ anh cũng có vẻ khó chịu lắm.
- Không phải thế đâu. Chính người theo đạo Tin lành khó chịu khi nghe nói tới người theo đạo
Thiên chúa thì có.
- Thôi thì cứ coi là như thế. Nhưng chúng ta đã tranh cãi quá nhiều vấn đề này rồi, không cần trở lại nữa... Anh có thích buổi nói chuyện hôm nay không?
- Thích lắm, nhất là đoạn cuối. Hay nhất là lúc báo cáo viên nhấn mạnh: chúng ta không nên chỉ mơ ước một nền cộng hoà, mà phải hiện thực những lí tưởng cộng hoà! Điều đó đúng với học thuyết của chúa Giêsu: “Thiên đàng là ở trong lòng chúng ta”.
- Chính đoạn ấy tôi lại không thích. Báo cáo viên nói quá nhiều về những điều kì diệu mà chúng ta phải cảm nghĩ, nhưng không vạch ra cụ thể những cái mà chúng ta phải làm.
- Khi thời cơ đến chúng ta sẽ có khối việc mà làm. Chúng ta phải kiên nhẫn. Những biến cố vĩ đại không thể xảy ra ngay trong một ngày được.
- Nhiệm vụ càng lâu dài càng phức tạp thì càng có lí do để bắt đầu ngay từ lúc này. Anh nói cần phải chuẩn bị mình đầy đủ để hưởng tự do. Thế nhưng có ai là người đầy đủ để hưởng tự do hơn mẹ anh? Bà chẳng phải là một người hiền hậu bậc nhất đó sao? Nhưng lòng tốt của bà đã đưa bà đến đâu? Bà chỉ là một người nô lệ cho tới ngày cuối cùng của đời mình. Vì vợ chồng anh Giêmxơ mà bà đã phải chịu đựng bao nhiêu dằn vặt, đay nghiến. Nếu bà không dịu dàng, không kiên nhẫn chịu đựng đến thế thì chắc bà đã sống dễ chịu hơn, người ta không dám đối xử với bà tệ bạc đến thế! Đối với nước Ý cũng vậy: không phải là nhẫn nhục mà phải là đứng lên bảo vệ quyền lợi của mình.
- Dim thân yêu, nếu tức giận và nhiệt tình có thể cứu vãn được nước Ý thì nước Ý đã tự do từ lâu rồi. Nước Ý không cần hận thù mà cần tình yêu.
Máu bỗng bốc mạnh lên mặt anh rồi lại lắng xuống, khi anh nói lên câu cuối cùng. Nhưng Giêma không nhận thấy. Nàng nhìn thẳng về phía trước, nhíu mày, mím môi.
Sau giây lát im lặng, Giêma nói:
- Áctơ, chắc anh cho là tôi sai. Nhưng không, tôi đúng chứ không sai đâu. Rồi một ngày kia anh sẽ rõ... Tới nhà Marietta rồi. Anh có vào chơi không?
- Không, khuya rồi. Thôi, chào Dim thân yêu!
Anh đứng ở thềm, hai tay anh nắm chặt lấy tay Giêma.
- “Vì thượng đế và nhân dân...”
Và Giêma cũng chậm rãi và trịnh trọng đọc tiếp câu khẩu hiệu:
- “…trung thành suốt đời”.
Rồi nàng rút tay ra, chạy vào nhà. Khi cánh cửa đã khép lại, Áctơ cúi nhặt cành bách nhỏ vừa rơi xuống từ ngực nàng.
Chú thích:
(1) Nước Ý trẻ: tên một đảng cách mạng của tiểu tư sản, dưới sự lãnh đạo của Giudéppê Mátdini lập ra năm 1831 ở Thuỵ Sĩ để đấu tranh giải phóng nước Ý khỏi ách thống trị của Áo, thống nhất đất nước và lập ra nền cộng hoà Ý.
(2) Luận về chính thể quân chủ: tác phẩm của nhà thơ người Ý Alighêri Đăngtơ (1265 – 1321), chủ trương thủ tiêu tình trạng phong kiến phân quyền của nước Ý, bằng cách lập một nền quân chủ thống nhất, và công kích Giáo hoàng La Mã định can thiệp vào chính quyền trong xã hội. Trong thế kỉ XIX, sách này bị Giáo hoàng cấm.
(3) Nhà thờ Đức bà Catarina (tiếng Pháp: Sainte Catherine) Nhà thờ bà thánh Catơrin ở Pidơ.
(4) Calabơri: Vùng núi trong vương quốc Nêapôn, miền nam nước Ý.
(5) Phơlôrăngxơ: thủ đô của công quốc Tôxcan, thành phố đẹp nổi tiếng nước Ý.
(6) Hồi ấy Mátdini xuất bản tờ báo “Nước Ý trẻ” tại Mácxây (Pháp). Báo này và những tài liệu chính trị do tổ chức bí mật xuất bản ngầm đưa từ Mácxây về Livoócnô.
(7) Tức là tờ “Nước Ý trẻ”.
Nhưng dù sao Áctơ vẫn chưa bao giờ yêu Môngtaneli một cách thắm thiết như bây giờ. Trước kia, khi cảm thấy vướng mắc và trống rỗng trong tâm hồn thì Áctơ dốc sức nghiên cứu khoa học thần học, làm đúng lẽ đạo dạy để xua tan những cảm giác ấy. Nhưng từ khi tiếp xúc với “nước Ý trẻ” (1) thì cảm giác ấy đã tan đi không để lại vết tích nào.
Tính mơ mộng ốm yếu do nỗi cô đơn và do những đêm săn sóc mẹ bên giường bệnh cùng với những mối hoài nghi trước kia, Áctơ dùng khấn cầu để lẩn trốn, nay cũng không còn nữa. Cùng một lúc với sự say mê mới, với một lí tưởng mới và rõ hơn về tôn giáo (vì trong phong trào sinh viên, Áctơ không chỉ thấy cơ sở chính trị mà còn thấy nhiều hơn về cơ sở tôn giáo), Áctơ còn có một cảm giác bình tĩnh, thấy lòng thoải mái, tâm hồn thảnh thơi, yêu mến mọi người. Đối với Áctơ toàn thế giới chói loà ánh sáng mới. Áctơ đã tìm thấy những khía cạnh mới rất đáng yêu trong con người, ngay cả ở những người mà trước kia Áctơ lấy làm khó chịu. Năm năm qua, Môngtaneli đối với Áctơ là một người anh hùng lí tưởng thì ngày nay Áctơ có cảm tưởng rằng Môngtaneli là một nhà tiên tri tương lai của tín ngưỡng mới, đang mang theo một đạo hào quang mới trên đầu. Áctơ say sưa nghe cha giảng đạo, cố tìm ra mối quan hệ huyết mạch của những câu giảng đạo ấy và những lí tưởng cộng hoà. Áctơ cố gắng nghiên cứu kinh thánh và rất vui sướng với khuynh hướng dân chủ của đạo Cơ đốc sơ kì.
Một ngày tháng giêng, Áctơ đến trường dòng để trả sách. Thấy cha giám đốc đi vắng, anh bèn vào phòng làm việc riêng của Môngtaneli. Áctơ đặt sách lên giá, định bước ra thì bỗng thấy một quyển sách nằm trên bàn giấy. Đó là tuyển tập “De Monarchia” (2) của Đăngtơ. Áctơ cầm lấy đọc và phút chốc đã mê mải đến nỗi cửa mở ra rồi đóng lại mà anh vẫn không hay. Chỉ mãi tới khi sau lưng vang lên tiếng nói của Môngtaneli thì Áctơ mới ngừng đọc.
Cha liếc nhìn tên sách rồi nói:
- Không ngờ hôm nay con lại đến. Cha vừa định cho người hỏi xem tối nay con có đến được không.
- Có gì quan trọng hở cha? Tối nay con có hẹn nhưng nếu...
- Thôi, mai cũng được. Cha muốn được gặp con. Thứ ba này cha đi rồi. Cha được triệu về La Mã.
- Về La Mã ư? Có lâu không?
- Trong thư chỉ nói là “tới sau lễ phục sinh” thôi. Thư của Vaticăng. Cha đã định cho con biết, nhưng lúc thì cha bận, lúc thì chuẩn bị đón giám đốc mới.
- Thưa cha, con chắc cha không rời bỏ trường này?
- Đành phải đi thôi. Nhưng cha còn về Pidơ nữa. Ít nhất là về một thời gian.
- Nhưng tại sao cha lại bỏ trường?
- Ấy... Bề trên định phong cha làm giám mục, nhưng lệnh đó còn chưa được công bố chính thức!
- Nhưng cha được bổ nhiệm ở đâu cơ?
- Chính vì thế mà phải về La Mã mới biết được. Chưa quyết định hẳn là cha sẽ làm giám mục ở địa phận vùng núi Apenanh hay làm giám mục tại đây.
- Thưa cha, cha giám đốc mới được bổ nhiệm chưa?
- Rồi, đó là cha Cácđi. Mai sẽ đến.
- Thật là đột ngột quá!
- Ừ... nhưng quyết định của Vaticăng thường đến phút cuối cùng mới được công bố.
- Cha có quen cha giám đốc mới không?
- Cha không quen biết riêng, nhưng nghe người ta khen cha ấy lắm. Đức giám mục Belôni viết thư cho cha, nói cha Cácđi học vấn rất uyên thâm.
- Cha đi thì trường sẽ thiệt thòi nhiều lắm.
- Cha không biết trường sẽ ra thế nào, nhưng con thân yêu, chắc con sẽ cảm thấy thiếu cha. Có lẽ cũng gần như cha cảm thấy thiếu con vậy.
- Vâng. đúng thế. Nhưng dù sao con cũng mừng cho cha.
- Mừng ư con? Còn cha thì cha không biết cha có mừng không.
Môngtaneli ngồi vào bàn, vẻ mặt bơ phờ như thực sự không vui mừng gì về chức trọng quyền cao mà mình sắp được thụ phong, bổ nhiệm.
Sau giây lát yên lặng. Môngtaneli bắt đầu nói:
- Áctơ, chiều nay con có bận gì không? Nếu không con hãy ở lại với cha, vì tối nay con không đến thăm cha được. Cha thấy bứt rứt trong người. Cha muốn trước khi đi còn được gần con nhiều hơn.
- Được ạ. Nhưng đến 6 giờ con sẽ phải đi...
- Đi họp phải không?
Áctơ gật đầu, Môngtaneli vội chuyển ngay đầu đề câu chuyện:
- Cha muốn nói đến việc của con. Khi cha không ở đây con cần có một cha linh hồn cho con.
- Khi nào cha trở về thì con sẽ có thể xin cha giải tội cho cơ mà?
- Sao con lại nói thế, carino? Đây là cha chỉ nói thời gian ba tháng bốn tháng mà cha đi vắng. Con có ưng một cha ở nhà thờ Đức bà Catarina (3) giải tội cho con không?
- Xin vâng.
Họ nói chuyện với nhau chút ít về những việc khác. Rồi Áctơ đứng dậy:
- Thưa cha, con đi đây. Anh em họ đang đợi con.
Một vẻ thẫn thờ lại hiện trên gương mặt Môngtaneli.
- Đã đi ngay ư? Thế mà vừa rồi cha tưởng đã thoát khỏi những ý nghĩ đen tối. Thôi được con đi.
- Kính chào cha. Nhất định mai con sẽ đến.
- Con có thể đến sớm một chút để cha kịp gặp riêng con. Mai cha Cácđi tới... Áctơ yêu quý, cha xin con hãy thận trọng, điều gì chưa nghĩ kĩ thì chưa nên làm, ít nhất là cho tới khi cha trở lại. Con chưa rõ lòng cha lo cho con biết chừng nào khi cha không ở đây!
- Thưa cha, cha đừng lo. Vạn sự đều bình yên cả, và còn bình yên lâu.
- Thôi, con đi.
Môngtaneli giật giọng nói như vậy rồi cúi đầu trên bàn viết.
*
* *
Bước vào phòng họp của sinh viên, người mà Áctơ trông thấy đầu tiên chính lại là con gái bác sĩ Uaren, bạn gái của Áctơ từ thời còn để chỏm. Cô ngồi bên cửa sổ tận góc phòng, đang chăm chú nghe một thanh niên cao lớn mặc bộ quần áo cũ kiểu Lômbácđi, nói chuyện. Anh ta là một trong “những người khởi xướng” của phong trào. Mới qua mấy tháng mà cô bé khác hẳn trước: lớn lên và trở thành một thiếu nữ đến thì. Chỉ còn đôi bím tóc to và đen sau lưng cô là gợi lại hình ảnh một nữ sinh thuở bé. Cô bận toàn đen, đầu cũng quàng một chiếc khăn đen vì gió lạnh lùa manh vào phòng họp. Trên ngực cô đeo một cành bách nhỏ, huy hiệu của “Nước Ý trẻ”. Anh thanh niên người Lômbácđi đang say sưa nói về những nỗi đói khổ của nông dân Calabơri (4). Còn cô gái thì ngồi nghe, tay chống cằm, mắt nhìn xuống sàn. Nhìn cô, Áctơ thấy hiện ra trước mắt một cảnh đau buồn. Thần Tự do đang khóc than nền cộng hoà đã mất. (Vậy mà Giuli cứ chê bai nào là một cô gái cao quá khổ, nào mặt tái, mũi dô, nào chiếc áo ngoài đã cũ và ngắn cũn cỡn.)
Khi có người gọi chàng thanh niên Lômbácđi ra đầu phòng kia, Áctơ lại gần cô gái nói:
- Dim, cũng ở đây à?
Dim – đó là tên hồi nhỏ và là tên gọi tắt của Diniphơ, tên đặt lúc rửa tội. Bạn gái người Ý thường gọi cô ta là Giêma.
Dim ngẩng đầu và ngạc nhiên:
- Áctơ! Ồ, tôi không biết là anh cũng ở đây!
- Tôi cũng không ngờ lại gặp Dim ở đây. Dim ạ! Từ hồi nào...
Cô vội ngắt lời:
- Không, anh ạ. Tôi chưa phải là đảng viên. Tôi mới làm được vài ba công tác nhỏ thôi. Tôi có quen với Bini... Anh chắc biết Cáclô Bini chứ?
- Tất nhiên có.
Bini là người lập ra chi bộ Livoócnô, trong “nước Ý trẻ” ai cũng biết anh ta.
- Ấy, chính Bini nói chuyện với tôi về việc này. Tôi liền yêu cầu Bini cho dự cuộc hội nghị sinh viên. Sau Bini có viết thư đến Phơlorăngxơ (5) cho tôi... tôi có dự lễ Nôen tại Phơlorăngxơ, anh có biết không nhỉ?
- Không, dạo này tôi ít được tin nhà lắm.
- À, ừ nhỉ... Thế là tôi liền đi Phơlorăngxơ để gặp chị em Raitơ (chị em Raitơ là bạn học cũ của Giêma). Khi đến nơi Bini lại viết thư cho tôi lúc về thì ghé qua Pidơ, vì thế hôm nay tôi mới đến đây... Kìa bắt đầu rồi...
Bản báo cáo nói về nền Cộng hoà lí tưởng và nói rằng thanh niên phải sẵn sàng phấn đấu cho nền cộng hoà Ý. Bản báo cáo cũng còn đôi chút mơ hồ nhưng Áctơ vẫn nghe với một lòng cảm phục chân thành. Trong thời kì này điều gì Áctơ cũng tin theo, và bất cứ cái gì là lí tưởng luân lí mới, anh cũng đều nốc cạn một hơi, không hề nghĩ ngợi.
Bản báo cào và phần thảo luận dài tiếp theo đã xong, các sinh viên bắt đầu giải tán thì Áctơ trở lại chỗ Giêma lúc nãy vẫn ngồi trong góc phòng.
- Tôi đưa Dim về nhé. Dim ở với ai?
- Tôi ở nhà Marietta.
- Bà quản gia cũ nhà Dim đấy ư?
- Phải, cũng khá xa đấy.
Họ đi trầm ngâm một hồi lâu. Áctơ bỗng hỏi:
- Dim bao nhiêu tuổi rồi, mười bảy phải không?
- Tháng mười năm qua mười bảy tuổi tròn.
- Lúc nào tôi cũng nghĩ rằng khi lớn lên Dim chẳng say mê nhảy nhót như các cô gái khác đâu.
Dim thân yêu, tôi luôn tự hỏi không biết Dim sẽ có trong hàng ngũ của chúng ta không nhỉ?
- Tôi cũng nghĩ như thế đấy.
- Dim nói Bini đã giao công tác cho Dim. Vậy mà tôi không hề biết là Dim có quen cả Bini.
- Có phải tôi làm giúp Bini đâu, làm giúp người khác kia.
- Giúp ai?
- Giúp Bôla, người nói chuyện với tôi lúc nãy.
- Dim có quen Bôla lắm không?
Giọng nói của Áctơ có chút ghen tị. Anh chẳng ưa người ấy. Hai người ganh nhau làm một công tác, nhưng sau ban chấp hành “nước Ý trẻ” giao cho Bôla làm vì cho rằng Áctơ còn quá trẻ và thiếu kinh nghiệm.
- Cũng khá thân. Tôi mến anh ấy lắm. Anh ấy có ở Livoócnô.
- Tôi biết... Anh ấy đến Livoócnô vào khoảng tháng một.
- Phải, đến đợi tàu (6). Áctơ, chắc dùng chỗ nhà anh ở để làm việc này thì an toàn hơn. Không ai nghi ngờ một nhà chủ hãng tàu giàu có như nhà anh. Với lại anh còn quen biết mọi người trên bến nữa.
- Khẽ chứ, đừng nói to thế, Dim thân yêu! Thế ra tài liệu từ Mácxây tới vẫn giấu ở nhà Dim ư?
- Chỉ để ở đấy một ngày thôi... Nhưng có lẽ không nên nói với anh chuyện này thì phải nhỉ?
- Sao lại không? Dim cũng biết tôi là người của đoàn thể kia mà. Giêma thân yêu, nếu Giêma và… đức cha cùng đi theo chúng tôi thì tôi không có gì sung sướng hơn trên đời này!
- Đức cha của anh ấy à, chẳng lẽ ông cũng...
- Không, cách nghĩ của đức cha khác hẳn. Nhưng đôi khi tôi vẫn nghĩ... Tôi hi vọng rằng…
- Áctơ, ông ấy là cố đạo kia mà!
- Thì đã sao? Trong tổ chức của chúng ta cũng có cả các cha chứ. Có hai cha đang viết báo cho chúng ta (7). Mà như thế có sao đâu! Vì sứ mệnh của giáo sĩ là dẫn thế gian tới những lí tưởng và mục đích cao cả. Xã hội chúng ta chẳng nhằm tiến tới đó hay sao? Rốt cuộc chính là vấn đề tôn giáo và luân lí hơn là vấn đề chính trị. Vì nếu người ta muốn trở thành công dân tự do và có trách nhiệm thì không ai có thể nô dịch họ được.
Giêma nhíu mày lại:
- Áctơ, tôi có cảm tưởng là luân lí của anh có chỗ nào lầm lẫn đấy. Cha cố cổ động học
thuyết tôn giáo. Tôi thấy cái đó chẳng dính dáng gì đến việc chúng ta tự giải phóng mình khỏi ách nước Áo cả.
- Các cha là người cổ động cho đạo chúa Giêsu; mà chúa Giêsu là người vĩ đại nhất trong các nhà cách mạng.
- Anh biết không, tôi có nói chuyện với cha tôi về vấn đề cha cố, ngay cả cha tôi cũng...
- Nhưng cha Giêma theo đạo Tin lành kia mà.
Sau khoảnh khắc im lặng, cô mạnh dạn nhìn thẳng vào mắt Áctơ:
- Thôi đừng nói chuyện ấy nữa thì tốt hơn. Hễ nói về đạo Tin lành là bao giờ anh cũng có vẻ khó chịu lắm.
- Không phải thế đâu. Chính người theo đạo Tin lành khó chịu khi nghe nói tới người theo đạo
Thiên chúa thì có.
- Thôi thì cứ coi là như thế. Nhưng chúng ta đã tranh cãi quá nhiều vấn đề này rồi, không cần trở lại nữa... Anh có thích buổi nói chuyện hôm nay không?
- Thích lắm, nhất là đoạn cuối. Hay nhất là lúc báo cáo viên nhấn mạnh: chúng ta không nên chỉ mơ ước một nền cộng hoà, mà phải hiện thực những lí tưởng cộng hoà! Điều đó đúng với học thuyết của chúa Giêsu: “Thiên đàng là ở trong lòng chúng ta”.
- Chính đoạn ấy tôi lại không thích. Báo cáo viên nói quá nhiều về những điều kì diệu mà chúng ta phải cảm nghĩ, nhưng không vạch ra cụ thể những cái mà chúng ta phải làm.
- Khi thời cơ đến chúng ta sẽ có khối việc mà làm. Chúng ta phải kiên nhẫn. Những biến cố vĩ đại không thể xảy ra ngay trong một ngày được.
- Nhiệm vụ càng lâu dài càng phức tạp thì càng có lí do để bắt đầu ngay từ lúc này. Anh nói cần phải chuẩn bị mình đầy đủ để hưởng tự do. Thế nhưng có ai là người đầy đủ để hưởng tự do hơn mẹ anh? Bà chẳng phải là một người hiền hậu bậc nhất đó sao? Nhưng lòng tốt của bà đã đưa bà đến đâu? Bà chỉ là một người nô lệ cho tới ngày cuối cùng của đời mình. Vì vợ chồng anh Giêmxơ mà bà đã phải chịu đựng bao nhiêu dằn vặt, đay nghiến. Nếu bà không dịu dàng, không kiên nhẫn chịu đựng đến thế thì chắc bà đã sống dễ chịu hơn, người ta không dám đối xử với bà tệ bạc đến thế! Đối với nước Ý cũng vậy: không phải là nhẫn nhục mà phải là đứng lên bảo vệ quyền lợi của mình.
- Dim thân yêu, nếu tức giận và nhiệt tình có thể cứu vãn được nước Ý thì nước Ý đã tự do từ lâu rồi. Nước Ý không cần hận thù mà cần tình yêu.
Máu bỗng bốc mạnh lên mặt anh rồi lại lắng xuống, khi anh nói lên câu cuối cùng. Nhưng Giêma không nhận thấy. Nàng nhìn thẳng về phía trước, nhíu mày, mím môi.
Sau giây lát im lặng, Giêma nói:
- Áctơ, chắc anh cho là tôi sai. Nhưng không, tôi đúng chứ không sai đâu. Rồi một ngày kia anh sẽ rõ... Tới nhà Marietta rồi. Anh có vào chơi không?
- Không, khuya rồi. Thôi, chào Dim thân yêu!
Anh đứng ở thềm, hai tay anh nắm chặt lấy tay Giêma.
- “Vì thượng đế và nhân dân...”
Và Giêma cũng chậm rãi và trịnh trọng đọc tiếp câu khẩu hiệu:
- “…trung thành suốt đời”.
Rồi nàng rút tay ra, chạy vào nhà. Khi cánh cửa đã khép lại, Áctơ cúi nhặt cành bách nhỏ vừa rơi xuống từ ngực nàng.
Chú thích:
(1) Nước Ý trẻ: tên một đảng cách mạng của tiểu tư sản, dưới sự lãnh đạo của Giudéppê Mátdini lập ra năm 1831 ở Thuỵ Sĩ để đấu tranh giải phóng nước Ý khỏi ách thống trị của Áo, thống nhất đất nước và lập ra nền cộng hoà Ý.
(2) Luận về chính thể quân chủ: tác phẩm của nhà thơ người Ý Alighêri Đăngtơ (1265 – 1321), chủ trương thủ tiêu tình trạng phong kiến phân quyền của nước Ý, bằng cách lập một nền quân chủ thống nhất, và công kích Giáo hoàng La Mã định can thiệp vào chính quyền trong xã hội. Trong thế kỉ XIX, sách này bị Giáo hoàng cấm.
(3) Nhà thờ Đức bà Catarina (tiếng Pháp: Sainte Catherine) Nhà thờ bà thánh Catơrin ở Pidơ.
(4) Calabơri: Vùng núi trong vương quốc Nêapôn, miền nam nước Ý.
(5) Phơlôrăngxơ: thủ đô của công quốc Tôxcan, thành phố đẹp nổi tiếng nước Ý.
(6) Hồi ấy Mátdini xuất bản tờ báo “Nước Ý trẻ” tại Mácxây (Pháp). Báo này và những tài liệu chính trị do tổ chức bí mật xuất bản ngầm đưa từ Mácxây về Livoócnô.
(7) Tức là tờ “Nước Ý trẻ”.
Tác giả :
Ethel Lilian Voynich