Rừng Son
Chương 13
Điện thoại trong phòng suite đổ hai hồi chuông ngắn, báo hiệu có khách đến thăm. Wendy cầm lấy điện thoại và giơ một tay lên bịt tai kia. Magda đang xem tivi với mức âm thanh bật to hết cỡ để át tiếng máy hút bụi mà một cô hầu phòng vừa đẩy đi đẩy lại trên thảm vừa khó chịu nhìn đống bừa bộn. “Alô?” Wendy hét vào điện thoại.
“Tessa Hope đang ở đây. Tôi cho cô ấy lên nhé?” người phụ nữ ở bàn tiếp tân hỏi.
“Vâng, phiền cô,” Wendy nói. Cô liếc nhìn đồng hồ. Hai giờ rưỡi - Shane đã muộn mười lăm phút. Cô đi ra vào sảnh ngoài bé tí và qua cánh cửa dẫn tới phòng trẻ, gồm hai phòng nhỏ và một phòng tắm, phòng ngủ và phòng khách ở hai bên. Phòng đầu tiên kê hai cái giường đôi. Tyler và Chloe đang tập tô màu trên sàn. Tyler túm lấy cây bút chì của Chloe. “Không phải làm như thế, đồ ngu,” nó nói.
“Tyler. Không nên nói thế,” Wendy kiên nhẫn nói, lấy cây bút chì khỏi tay Tyler và đưa lại cho Chloe.
“Nó sẽ tô ra ngoài,” Tyler phản đối.
“Em mới hai tuổi,” Wendy nói. “Em được phép tô ra bên ngoài.”
“Thế con cũng sẽ tô ra ngoài,” nó khăng khăng.
“Nếu con muốn thì cứ làm,” Wendy nói, nhìn xuống thằng bé. Thằng nhỏ tội nghiệp. Cô có thể hiểu được sự khó chịu của nó, khi phải ở trong cái phòng nhỏ xíu này. Nhưng chỉ là tạm thời thôi. Cô cúi xuống. “Chẳng mấy chốc nữa mình sẽ có một căn hộ mới thật to thôi con ạ,” cô nói, chạm vào vai nó để nó nhìn vào mặt cô. “Con thích thế không?”
“Con không biết.” Nó nhún vai. “Mình đã có căn hộ rồi mà.”
“Mình có gặp Gwyneth không mẹ?” Chloe hỏi.
“Con sẽ gặp cô ấy vào sáng thứ Hai, khi con quay lại đây. Giờ con sẽ đi với bố, rồi tối Chủ nhật con lại về đây.”
“Sao bọn con lại phải về đây?” Tyler hỏi, nhìn xuống cây bút chì màu của mình. “Sao mình không ở nhà mình ạ?”
“Con không muốn ở với mẹ à?”
“Sao mẹ không đến ở nhà mình?” Tyler hỏi.
Wendy mỉm cười. “Bởi vì bố với mẹ không sống cùng nhau nữa,” cô nói, lần thứ một trăm. “Mẹ sẽ tìm một căn hộ khác và tất cả chúng ta sẽ sống ở đó.”
“Bố có đến ở cùng chứ ạ?” Chloe hỏi.
“Không, bố sẽ ở căn hộ của bố.”
“Ý mẹ là căn hộ của bọn con,” Tyler nói. “Đó là nơi bọn con sống. Mẹ sống ở khách sạn này.”
“Con cũng sống ở đây mà,” Wendy kiên nhẫn nói.
“Con muốn về nhà,” Chloe nói, bắt đầu khóc.
Có tiếng chuông. Wendy bế Chloe lên và đặt con bé lên giường. “Magda,” cô hét. “Con mở cửa được không?”
“Tại sao?” Magda hét lại.
“Vì cửa...” cô thở dài và mang Chloe qua cái sảnh nhỏ nơi Magda đột nhiên quyết định sẽ giúp đỡ và mở cửa. “Ồ,” nó nói và quay đi.
“Bố à?” Tyler hỏi, chạy vụt về phía họ.
Tessa Hope, luật sư, lưỡng lự đứng ở bậc cửa, kinh hoàng nhìn cảnh tượng trước mắt. Tessa ba mươi lăm tuổi, độc thân, và hấp dẫn theo tiêu chuẩn kiểu Upper East Side. Cô đang mặc một chiếc áo hiệu Roberto Cavalli, quần jean, đi giày cao gót bằng da màu đen hiệu Mary Jane. Cô được coi là một trong những luật sư ly hôn cứng cựa nhất trong hãng luật Berchell & Dingley, đứng số bốn mươi ba trong danh sách năm mươi phụ nữ quyền lực nhất thành phố.
“Tôi xin lỗi,” Wendy nói, “mời vào. Lẽ ra Shane phải đón bọn trẻ lúc hai giờ mười lăm nhưng anh ấy đến trễ. Cô ngồi đi...”
Dĩ nhiên là chẳng có chỗ nào để ngồi. Tất cả chỗ có thể ngồi đều để giấy tờ, sách, kịch bản, DVD, miếng xốp tắm, lược, điều khiển máy bay từ xa, và quần áo.
“Không sao. Tôi có thể xuống dưới tầng đợi nếu chị muốn,” Tessa cẩn trọng nói.
“Không, vào đi,” Wendy nói. “Hầu phòng vừa đi khỏi...” Cô dọn một chỗ nhỏ trên sofa, và Tessa cẩn thận ngồi xuống. “Bình thường thì không thế nào. Mọi thứ thường gọn gàng hơn,” Wendy nói thêm vẻ xin lỗi.
“Không sao,” Tessa nói, mỉm cười gượng gạo. “Các cháu đáng yêu quá.”
“Cám ơn cô,” Wendy tự hào nói. Cô dừng lại, đột nhiên để ý thấy tóc Magda. “Magda con yêu, chẳng phải con bảo là sẽ gội đầu à?”
“Con gội rồi mẹ.”
“Không, con chưa gội,” Wendy nói.
“Con không thích cái dầu gội đó,” Magda trả lời.
“Cô là ai?” Tyler hỏi Tessa.
“Đây là luật sư của mẹ,” Wendy giải thích.
“Con không thích luật sư,” Tyler nói. Wendy đặt tay lên đầu nó. “Nó hơi ngượng một chút. Phải không anh bạn?”
“Với tôi, nó chả có vẻ ngượng chút nào,” Tessa liều lĩnh nói, bắt chéo chân lại.
“Không thích luật sư,” Tyler nói vào chân Wendy.
“Cô Tessa rất tốt,” Wendy nói. “Cô ấy sẽ đảm bảo để con có thể ở với mẹ mãi mãi.”
“Giờ bọn con về nhà đây,” Chloe tuyên bố.
Chuông cửa reo. “Bố!” Magda kêu lên, chạy ra cửa. Shane bước vào. Trông anh, Wendy nhận thấy với vẻ thỏa mãn, hơi tiều tụy. “Anh đến muộn,” Wendy nói.
“Anh phải đến cửa hiệu thuốc. Anh không được khỏe.”
“Có lẽ anh không nên đón con đi.”
Anh liếc cô một phát. “Anh không ốm đến mức đó. Chỉ đau đầu thôi. Anh khỏe.” Anh cẩn trọng nhìn Tessa.
“Anh nhớ luật sư của em chứ, Tessa Hope,” Wendy nói, chỉ về phía Tessa.
“Ừ,” Shane nói vẻ thờ ơ.
“Anh khỏe không, Shane?” Tessa vừa hỏi vừa đứng lên.
“Tuyệt,” Shane nói, bế lấy Chloe. “Thứ Bảy mà cô cũng làm việc à?”
“Ngày nào tôi cũng làm việc.”
“Cô và Wendy sẽ là một đội tuyệt vời đấy,” Shane lẩm bẩm. Anh quay sang Magda và Tyler. “Các con sẵn sàng chưa?”
“Vậy mai anh sẽ quay lại. Lúc năm giờ,” Wendy nói.
“Ừ, Wendy,” Shane nói, khó chịu bởi câu hỏi. “Khi nào em đi Cannes?” anh hỏi.
“Tối thứ Hai,” Wendy nói. Anh biết khi nào cô đi và cô biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.
“Anh không hiểu tại sao em không để bọn nhỏ ở với anh cho đến khi em về,” anh nói. “Cứ đi đi lại lại như thế này thật ngu xuẩn.”
“Anh may mắn là có được hết bọn nhỏ đấy, Shane ạ,” cô nói.
“Ừ, đợi rồi xem,” Shane nói, liếc nhìn Tessa. Rồi anh đón lũ trẻ và ra ngoài.
Wendy dừng lại và thò đầu ra khỏi cửa. “Chỉ đồ ăn tự nhiên thôi đấy?” cô hét theo anh. “Và đi ngủ thật đúng giờ.”
Shane gật đầu, không buồn quay lại. Cô nhìn đoàn quân nhỏ bé của mình khi họ đi trên hành lang vắng lặng, cho đến khi họ dừng lại trước thang máy.
“Tạm biệt mẹ,” Tyler vui vẻ nói, quay lại vẫy tay.
“Tạm biệt,” cô dịu dàng nói. “Mai gặp lại con.” Cô nhìn họ cho đến khi họ vào thang máy, vừa cảm thấy mệt mỏi vừa tức giận, nhưng trên hết là lo lắng. Có vẻ như con cô không cần cô một chút nào. Thậm chí chúng không có vẻ gì là thích thú khi ở cùng với cô.
Nhưng chỉ là do cô vẫn đang ở khách sạn thôi, cô nghĩ. Khi cô có nhà mới, mọi chuyện sẽ thay đổi và bọn trẻ sẽ bình thường trở lại. Ngay khi từ Palm Beach về, cô đã thuê Tessa. Và Tessa sắp xếp để bọn trẻ lần lượt ở với cô và Shane. Chuyện đấy cũng là tạm thời. Wendy hy vọng có thể loại trừ Shane hoàn toàn.
Cô đóng cửa và quay lại với Tessa. “Ai có thể hình dung nổi hai con người có thể ghét nhau nhiều đến mức đó?” cô hỏi, ý nói đến Shane. Đó là một câu hỏi không cần câu trả lời, và thực ra cô cũng không mong đợi có câu trả lời.
Dù vậy Tessa trả lời cô luôn. “Anh ta chắc chắn là ghét chị rồi,” cô nói, thu nhặt đồ của mình. “Dù thế nào, anh ta cũng không bỏ cuộc dễ dàng đâu.”
***
“Vấn đề là luật sư của Shane,” Tessa nói, mười lăm phút sau khi họ ngồi xuống một bàn nhỏ tại quầy bar trong khách sạn.
Wendy nhìn ra cửa sổ nơi người đi đường qua lại trên phố; hôm đó là chiều thứ Bảy cuối tháng Tư, và Soho đông nghịt khách du lịch. “Tôi không sợ luật sư của anh ta,” Wendy nói, khuấy cốc espresso của mình bằng một cái thìa nhỏ. “Anh ta phải biết rằng Shane không thắng được.”
“Nếu nhìn nhận vấn đề theo kiểu truyền thống thì có lẽ là thế,” Tessa tán thành. “Nhưng Juan Perek là đàn ông. Và anh ta đã dành hầu hết thời gian của mình để đạt được những thỏa thuận lớn với những người đàn ông giàu có cho vợ và con họ. Anh ta đã đợi một vụ như thế này bao năm nay rồi. Đây là một cơ hội để chứng tỏ rằng luật pháp thật sự công bằng, không phân biệt chủng tộc cũng như giới tính. Nói cách khác,” cô nói thêm, nhấp một ngụm cà phê đen, “anh ta muốn lấy cô làm một ví dụ.”
“Nhưng anh ta đã làm thế rồi,” Wendy nói, khoanh tay lại. “Tôi cho Shane căn hộ. Nó trị giá hơn hai triệu đô. Đó là một khoản tiền lớn với một người đàn ông không làm việc gì trong suốt mười năm.”
“Tôi biết,” Tessa nói, gật đầu vẻ thông cảm. “Nhưng cả chuyện đó cũng là vấn đề. Nếu Shane có việc làm thì chuyện này sẽ dễ hơn nhiều. Thế nghĩa là anh ta có khả năng tự nuôi sống bản thân. Tòa có khuynh hướng nhìn vào những loại tình huống như thế này để ngụ ý rằng vợ hoặc chồng không có khả năng làm việc, ra khỏi thị trường lao động mười năm rồi.”
“Thế thật lố bịch,” Wendy nói. “Shane là một người đàn ông bốn mươi tuổi khỏe mạnh. Anh ta có thể kiếm được việc như mọi người khác trên thế giới. Anh ta có thể làm bồi bàn nếu muốn.”
“Tôi sẽ không đề cập đến chuyện đó trước tòa,” Tessa cẩn trọng nói. “Sẽ không có lợi.”
“Tại sao không?” Wendy hỏi. “Đúng thế. Anh ta có thể kiếm được một việc chết tiệt nào đó.”
“Chị phải cố hiểu việc này từ một khía cạnh khác,” Tessa nói vẻ xoa dịu. “Shane hài lòng với việc anh ta đã có một công việc - và đã làm nó trong mười hai năm qua - đó là làm cha của các con chị...”
“Ôi thôi xin cô,” Wendy nhạo báng.
“Tôi không biết anh ta đã thực sự trông con như thế nào, nhưng chuyện đó cũng không quan trọng. Trong con mắt của tòa, chăm sóc trẻ em là một công việc. Và nếu tình huống đảo ngược, nếu Shane là phụ nữ, bảo với tòa rằng anh ta nên ra ngoài kiếm một việc làm bồi bàn thì sẽ giống như một người đàn ông thành công bảo bà vợ ngoại ô của mình rằng cô ta nên ra ngoài kiếm việc tại một cửa hàng rửa xe địa phương.”
Wendy nheo mắt lại. “Tôi nghĩ anh ta muốn thêm tiền.”
“Không hẳn là chuyện tiền,” Tessa nói. “Anh ta muốn tiền trợ cấp sau khi li hôn. Và tiền nuôi con. Anh ta muốn có bọn trẻ, Wendy ạ.”
Wendy cười rú lên. “Không bao giờ có chuyện đó. Bọn nhỏ là con tôi. Tôi yêu chúng. Chúng cần phải ở với tôi. Trẻ con thuộc về mẹ chúng, thế thôi. Shane có thể làm việc mà những người đàn ông ly hôn khác vẫn làm và gặp chúng vào cuối tuần.”
“Thông thường kết quả là thế, nhưng đấy là tình huống bình thường. Nhưng ở đây lại không phải thế,” Tessa nói, nhấp một ngụm cà phê. “Chị là một trong những phụ nữ thành công nhất ở đất nước này, vì thế quy tắc thông thường sẽ không được áp dụng.”
Wendy đặt tách cà phê của mình xuống. “Tôi đã khổ sở như xuống địa ngục, Tessa ạ. Và dường như mọi người quên mất một điều là tôi không bao giờ muốn ly hôn cả. Đây không phải là ý tưởng của tôi. Đó là của Shane. Anh ta là người muốn ra đi. Anh ta là người nên bị trừng phạt. Nếu anh ta ghét vợ mình đến mức không thể ở cùng một phòng với cô ta, thì sao? Anh ta phải từ bỏ bọn trẻ.”
“Đảo ngược tình huống lại nhé?” Tessa khéo léo yêu cầu. Cô chưa bao giờ bối rối hay xúc động, một đặc điểm khiến Wendy bắt đầu tự hỏi là cô ta có bao giờ nổi giận không. “Hãy lấy ví dụ một phụ nữ sự nghiệp không-thành-công-lắm lấy một chủ ngân hàng thành đạt. Và bởi vì anh ta kiếm được rất nhiều tiền, cô nghỉ việc. Rồi họ bắt đầu có con. Người phụ nữ ở nhà chăm sóc con cái. Người đàn ông càng ngày càng trở nên thành công, và do công việc, bắt đầu ít khi có mặt ở nhà. Người phụ nữ bắt đầu cảm thấy bị bỏ mặc. Cô tức giận. Cô ở nhà với bọn trẻ, trong khi chồng mình ra ngoài thế giới, được mọi người ca ngợi. Một ngày cô tỉnh dậy và quyết định mình xứng đáng được hưởng những thứ tốt hơn - và cô ta muốn ly dị.”
“Nhưng tôi muốn đánh giá cao Shane,” Wendy phản đối. “Tôi đã đi gặp cái bà tư vấn hôn nhân chết tiệt...”
“Aha,” Tessa nói. “Nhưng quá muộn rồi. Sự căm giận quá sâu sắc, hai người đã trở nên quá xa cách. Và chuyện gì xảy ra? Người phụ nữ có được căn nhà. Cô ấy có được tiền trợ cấp sau li hôn và tiền nuôi bọn trẻ. Và nếu cô ấy khăng khăng, cô ấy có thể được toàn quyền chăm sóc con cái. Và không ai nghĩ đến chuyện đó lần thứ hai. Cô có thể tưởng tượng họ sẽ phát điên lên như thế nào nếu chúng ta đột nhiên bảo với những phụ nữ đó rằng họ không thể có con của họ và rằng họ phải ra ngoài mà làm việc không?”
“Nhưng tôi muốn con của tôi,” Wendy phản đối. Tessa càng bình tĩnh bao nhiêu, thì cô càng trở nên nóng nảy rất nhiều. “Mẹ kiếp chứ,” cô nói, đặt cốc cà phê đánh bộp xuống bàn. “Tôi sẽ không chịu bị trừng phạt vì là một phụ nữ và thành công đâu.”
Tessa không nói gì, dừng lại như thể đợi cho Wendy bình tĩnh lại. “Nếu chúng ta định giải quyết việc này càng ít thiệt hại càng tốt,” cô cất lời, “thì chị phải nhìn vấn đề ở một tầm nhìn rộng hơn. Tôi biết chuyện này cực kỳ riêng tư. Nhưng ở một góc độ nào đó, để đưa ra quyết định đúng đắn, chị sẽ buộc phải đặt sự giận dữ của mình qua một bên. Sự thật là, nhìn một cách logic và không bị cảm xúc chi phối, đàn ông luôn bị trừng phạt vì thành công. Một người đàn ông thành công ly hôn thông thường luôn bị từ chối không được nuôi con. Dù thế nào, chị có thể chắc chắn rằng trẻ con thường hiếm khi được phép ở với bố, trừ phi người mẹ đồng ý.”
“Những người đàn ông đó không muốn có con của họ...”
“Thực ra, chị sẽ bị ngạc nhiên đấy,” Tessa nói, ra hiệu cho bồi bàn lấy thêm một tách cà phê. Đây là tách thứ ba - cô ta hẳn phải lạnh lắm, Wendy quyết định, không hề bị chất caffeine ảnh hưởng. “Theo kinh nghiệm của tôi, hầu hết đàn ông đều muốn sống với con. Họ đau đớn khi nghĩ đến việc hàng ngày không được gặp chúng. Nhưng họ biết mình gần như không bao giờ thắng được ở tòa, vì thế không đáng để chiến đấu.”
“Thế này nhé,” Wendy khăng khăng. “Tôi muốn toàn quyền nuôi con. Và tôi muốn cô giành được việc đó cho tôi.”
Lần đầu tiên trông Tessa có vẻ khó chịu trong suốt cuộc nói chuyện của họ. Cô dùng khăn lau khóe miệng, đặt xuống và liếc đi chỗ khác. “Là luật sư của chị,” cô nói, “về mặt đạo đức, tôi buộc phải nói cho chị sự thật. Tôi có thể nói dối chị, và chúng ta có thể mất hai năm ở tòa. Và tôi có thể kiếm được đủ tiền từ chị để thành lập hãng luật riêng của tôi. Nếu tôi là loại luật sư như phần lớn đàn ông khác trong nghề này, tôi sẽ không nghĩ đến lần thứ hai về việc đó. Đây là loại vụ án mà các luật sư thèm chảy nước miếng - một khách hàng thành công có cả đống tiền muốn trả thù. Nhưng trả thù rất đắt tiền. Theo kinh nghiệm của tôi, dù cho chị thắng, chị cũng không thấy thỏa mãn như chị tưởng. Chị sẽ phải dành nhiều thời gian hơn với tôi - thời gian chị có thể dành cho con cái hoặc công việc. Và cuối cùng, Wendy...” Cô dừng lại, nhìn Wendy vẻ đồng cảm. Cô lắc đầu. “Chị sẽ không bao giờ được toàn quyền nuôi con. Với cách sống của chị bây giờ thì không.”
“Vì tôi phải làm việc,” Wendy nói vẻ cộc lốc. “Tuyệt quá. Thật là một thông điệp tuyệt vời cho phụ nữ trẻ ở nước Mỹ. Nếu bạn làm việc chăm chỉ và thành công, xã hội sẽ trừng phạt bạn cách này hoặc cách khác.”
“Xã hội không trừng phạt phụ nữ nói chung,” Tessa nói một cách công bằng. “Dù chị làm gì, cũng không thể nào đảm bảo là chị sẽ thắng. Chị có thể ở nhà và trông con trong hai mươi năm. Rồi con chị đi học đại học và chồng chị bỏ chị vì một phụ nữ trẻ hơn và chị tay trắng không có gì cả.”
Wendy nhìn vào tách cà phê của mình. “Có căn nhà.”
“Giá trị ghê, Wendy. Có căn nhà.” Tessa lắc đầu. “Juan Perek chỉ nhận vụ này vì nó có khả năng rầm rộ. Nó là sự đảo ngược vai trò giới tính truyền thống: Khi phụ nữ đảm nhiệm vai trò của đàn ông, cô ta có thể bị một người đàn ông hất bỏ. Shane đã cung cấp cho anh ta bằng chứng chứng tỏ chị đi công tác liên tục vào năm ngoái. Nếu chị muốn được toàn quyền nuôi con, họ cũng sẽ muốn được toàn quyền nuôi con. Và tùy thuộc vào chiều gió thổi, có khả năng là họ sẽ thắng.”
Wendy cảm thấy mặt mình đỏ bừng lên. Không thể thắng - đó không phải là một khả năng. “Không ai có thể tin nổi rằng con cái nên bị tách xa khỏi mẹ chúng.”
“Thông thường thì thế,” Tessa nói. “Ở tình huống bình thường...” cô thở dài.
“Tôi không phải là một bà mẹ tồi tệ,” Wendy nói, đột nhiên thấy tuyệt vọng. “Cô đã thấy tôi đối xử với bọn trẻ rồi...”
“Không ai bảo chị là một bà mẹ tồi tệ cả,” Tessa an ủi nói. “Về mặt lý thuyết, bà mẹ phải là kẻ ngược đãi, không ổn định, kẻ nghiện ma túy, hay bị điên thì tòa mới tách đứa con khỏi mẹ. Nhưng đó là giả sử bà mẹ là người chăm sóc con cái. Trong khi ở trường hợp của chị với Shane, Juan Perek sẽ cố chứng tỏ Shane mới là người chăm sóc. Vì vậy trừ phi chúng ta chứng mình được Shane là kẻ ngược đãi, không ổn định, nghiện ma túy, hay bị điên, thì không có lý do gì mà tòa án lại không trao cho anh ta ít nhất là quyền được nuôi con chung.”
“Ít nhất?” Wendy hỏi.
“Anh ta có ngược đãi con cái, không ổn định, nghiện ma túy, hay điên không?” Tessa hỏi.
“Anh ta đến đón con muộn mười lăm phút. Cô thấy đấy,” Wendy vặn lại.
“Anh ấy đến muộn một lần.” Tessa nhún vai. “Nhưng anh ấy đưa bọn trẻ đi học.”
“Tôi cũng đưa bọn trẻ đi,” Wendy phản đối. “Một vài lần...”
“Và anh ấy đón bọn trẻ và đưa chúng đi gặp bác sĩ,” Tessa nói. “Họ sẽ đưa ra một bằng chứng khá thuyết phục rằng Shane mới là người chăm sóc con. Và theo như truyền thống, tòa sẽ không tách con cái khỏi người chăm sóc. Họ sẽ lý luận rằng nếu bọn trẻ ở với chị toàn thời gian, cuối cùng chúng sẽ được các vú em nuôi. Một tình huống không lý tưởng bằng được bố mẹ ruột nuôi. Tôi rất lấy làm tiếc, Wendy ạ,” Tessa nói.
“Không phải thế,” Wendy cương quyết nói. “Dễ không mà. Tôi sẽ nghỉ việc. Tôi sẽ trở thành người chăm sóc con.”
Tessa kiên nhẫn mỉm cười. “Trong phim thì giải pháp thường là thế, phải không? Phụ nữ thành công từ bỏ sự nghiệp để chăm sóc con cái và mọi người đều thấy hài lòng. Nhưng đời thật thì thực sự không phải thế, nhỉ? Đặc biệt là trong trường hợp của chị. Trừ phi đột nhiên Shane quyết định muốn ra ngoài và bắt đầu kiếm tiền, mà anh ta thì khăng khăng sẽ không làm thế, vì anh ta đã có một công việc là chăm sóc bọn trẻ rồi.”
“Vậy nói cách khác, tôi tiêu rồi,” Wendy lặng lẽ nói.
“Tôi sẽ không nói vậy,” Tessa nói. “Tôi chắc chắn là chúng ta có thể thỏa thuận được với Shane. Tôi có cảm giác anh ta sẽ biết điều nếu chị cũng biết điều.”
“Không có chuyện biết điều khi liên quan đến chuyện con cái,” Wendy nói. Cô ra hiệu cho bồi bàn.
“Tôi nghĩ là rất khó khăn,” Tessa nói, cầm túi lên. “Hãy dành chút ít thời gian nghĩ về việc đó. Tin tôi đi, còn có nhiều tình huống tệ hại hơn nhiều.”
“Thật á? Thỉnh thoảng nhắc cho tôi với,” Wendy nói, đi cùng Tessa đến chỗ cửa xoay. Cô dừng lại. “Nói tôi nghe một điều,” cô nói. “Cô đã bao giờ yêu ai chưa?”
“Không tin vào tình yêu,” Tessa nói.
“Thật ư?” Wendy nói. “Cô may mắn đấy.”
“Trong cái nghề của tôi, chị không thể tin vào tình yêu đích thực,” Tessa nói. “Chị nhìn thấy quá nhiều bằng chứng chứng tỏ nó không hề tồn tại. Nhưng tôi cũng đang có kế hoạch có con. Ngân hàng tinh trùng. Đó là cách duy nhất.”
“Cô may mắn ghê,” Wendy lại nói. Thế này không giống cô chút nào, cô nghĩ. Cảm thấy chua chát về cuộc đời thật là một cảm giác kinh khủng.
***
Chiếc Mercedes đen chạy chầm chầm dọc đường Croisette ở thành phố ven biển Cannes. Phía bên phải là một dải bờ biển không lấy gì làm hấp dẫn lắm, với bãi cát nhỏ có trồng những cây cọ ở khoảng cách đều nhau. Phía bên kia là một loạt những khách sạn lớn rẻ tiền. Đường bị tắc, và Victory cựa quậy khó chịu trong ghế. Dân New York lúc nào cũng phàn nàn về giao thông ở Hamptons, nhưng giao thông ở miền Nam nước Pháp còn tệ hơn nhiều. Ở đây thực tế chỉ có mỗi một con đường, và mọi người đều ở trên đường, mà lúc này là mười giờ đêm. Hôm nay là ngày đầu tiên của lễ hội liên hoan phim Cannes, và tiệc tùng sẽ diễn ra suốt đêm.
“Chúng ta sắp đến nơi rồi, thưa Madame,” tay tài xế quay lại nói. “Qua ba cái đèn đỏ nữa là đến bến cảng.”
“Cám ơn,” Victory nói, nghĩ đến cái từ này một lần nữa - “Madame[10].”. Hay là, ma’am[11], ở New York. Nó như thể một sáng cô thức dậy và đột nhiên, nhân viên bán hàng và tài xế taxi đồng loạt gọi cô là “ma’am” chứ không phải “miss[12]”, như thể đột nhiên cô thành trung niên. Chuyện này làm cô lúng túng một lúc, đặc biệt khi cô chưa lấy chồng. Ngoài bốn mươi mà vẫn còn độc thân là một tình trạng mà thế giới không thực sự hiểu được. Đặc biệt là ở châu Âu và Anh, nơi phụ nữ mới ba mươi tuổi đã hoảng loạn lên vì đồng hồ sinh học của mình. Nhưng nếu ta cực kỳ thành công, ta có thể tạo ra quy luật của riêng mình về việc ta muốn sống đời mình như thế nào.
[10] Tiếng Pháp, nghĩa là quý bà.
[11] Tiếng Anh, nghĩa là quý bà.
[12] Tiếng Anh, nghĩa là quý cô.
Và thật sung sướng làm sao! Cô nghĩ, nhìn ra ngoài cửa sổ lên ánh đèn Kleig chiếu sáng rực trên nền trời đêm đen tối. Được ở một mình trên thế giới này, tự do. Sao thế giới chưa bao giờ nói với phụ nữ về loại hạnh phúc này? Cảm giác đó có thể không tồn tại lâu, nhưng chuyện đó không quan trọng. Điều quan trọng là trải nghiệm mọi thứ trong đời, những khó khăn cũng như buồn rầu, và những chiến công làm ta choáng váng. Và nếu ta làm việc thực sự chăm chỉ, và tin vào chính mình, và sẵn lòng trải nghiệm nỗi đau và sự sợ hãi (sáo rỗng, đương nhiên rồi, nhưng chúng là thực), ta có thể thực sự may mắn và có được một đêm như đêm nay. Trong đời bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra, cô nghĩ; bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra với bất cứ ai, và đôi khi đó là điều tốt lành. Ta chỉ phải tin rằng nó có thể xảy đến với ta.
Chiếc xe nhích được tới vài mét rồi lại dừng lại, khi một đám đông băng qua đường. Giao thông cũng không quan trọng - bữa tiệc này là dành cho cô, và cô có thể đến muộn. Cô hít vào thật sâu, tận hưởng mùi da mới tinh trong chiếc Mercedes. Không có gì sánh được với mùi của một chiếc xe mới, và khi ta có được may mắn trải nghiệm nó, ta phải tận hưởng. Pierre Berteuil đã tử tế làm sao khi cho một chiếc Mercedes mới toanh (kiểu xe này ở Mỹ vẫn chưa có) để đưa đón cô dịp cuối tuần. “Đây là ông Hulot, tài xế của cô,” Pierre đã nói sáng hôm đó, khi ông Hulot, đội chiếc mũ tài xế và mặc bộ đồng phục màu xám, xuất hiện trước sân hiên Hotel du Cap, nơi họ đang ăn sáng và Victory đã ăn hai miếng bánh mì quết bơ mặn ngon tuyệt - loại mà ta chỉ có thể có được ở Pháp. “Ông Hulot cũng là vệ sĩ, vì vậy cô rất an toàn.”
“Ở đây không an toàn à?” cô hỏi.
“Liên hoan phim thu hút vài kẻ lạ lùng,” Pierre nói. “Không nguy hiểm gì, nhưng cô phải cẩn thận. Chúng tôi không muốn mất cô đâu,” ông nói thêm, mỉm nụ cười dâm đãng.
Vậy là giờ đây, ngoài ở một phòng suite ở Hotel du Cap (nó là một trong những phòng xịn nhất, ở khu nhà chính trông ra vườn, bể bơi, và biển, có cửa mở ra một ban công nhỏ), cô có xe và vệ sĩ riêng.
Cô bắt chéo chân, vuốt thẳng nếp gấp chiếc đầm lụa màu xanh. Chiếc váy này là một trong những chiếc cô ưa thích, và cô định cho trình diễn nó vào show diễn mùa thu sắp tới. Nhưng show diễn sẽ được tổ chức ở New York hay Paris? Cô phải nhớ bàn bạc với Pierre về chuyện này mới được. Ông muốn cô ở Paris hai tuần. Nhưng công ty muốn xây dựng cô thành nhà thiết kế couture người Mỹ, dĩ nhiên là với loạt sản phẩm-ít-đắt-đỏ-hơn. Nhưng chính cơ hội được làm một dòng sản phẩm couture đã khiến cô quyết định chấp nhận đề nghị này; đơn giản là hấp dẫn quá không thể từ chối được.
Cô biết mình đang mạo hiểm, cô nghĩ, cau mày khi nhìn ra xe cộ ở phía trước mặt mình. Nhưng cuộc sống là mạo hiểm. Cô đã lo B et C đang bí mật mua tên tuổi của cô rồi hất cẳng cô đi. Chuyện này xảy ra trong ngành thời trang mãi rồi, và có đầy những câu chuyện về các nhà thời trang đã mất công ty của mình khi bán danh hiệu cho một tập đoàn thời trang. Đây là một thỏa thuận kiểu Faustian: cuối cùng ta có một đống tiền mặt, nhưng ta cũng có thể mất đi quyền hạn với chính tên tuổi của mình, dù ta vẫn có khả năng kiếm được tiền. Một trong những điều khoản trong hợp đồng là một khi B et C sở hữu bạn, bạn không được phép bỏ đi thành lập công ty mới. Mặc khác, chỉ nghĩ đến việc làm một dòng couture đã khiến trong người cô có cảm giác sáng rực lên như cây thông Noel rồi. Một dòng couture là thứ mà mọi nhà thiết kế đều mơ ước được làm, và chỉ có một vài người có được cơ hội để thử. Một dòng couture là một đỉnh cao, nơi thời trang bước vào nghệ thuật, đối lập với thương mại. Sau hàng tuần liền gặp mặt và phân tích tình huống với Wendy và Nico, cô quyết định có lẽ cơ hội này đáng tận dụng. Lý lẽ của cô là nếu B et C muốn cô làm dòng sản phẩm couture, họ cần cô.
Cô vẫn chưa ký hợp đồng, nhưng cô sẽ ký, cô nghĩ, cuối tuần này khi cô quay lại Paris. Sáng thứ Tư cô sẽ bay tới Florence để gặp ba công ty gia đình cực đỉnh. Họ cao cấp đến mức một nhà thời trang không thể tới được cửa nếu không có các mối quan hệ đúng đắn, rồi sáng thứ Sáu cô sẽ quay lại Paris. Trong lúc đó, Pierre nằng nặc đòi họ sẽ bay đi Cannes để dự buổi lễ khai mạc liên hoan phim. Ông tổ chức một bữa tiệc chúc mừng cô trên chiếc thuyền buồm ba trăm foot của mình, mà giờ cô đang trên đường đến đó. Cô hy vọng cuối cùng sẽ đến được - nếu họ qua được cái đám xe cộ chết tiệt này.
Trên Croisette đầy những bảng năm mươi foot công bố những bộ phim được chiếu tại festival. Và ở phía trên cô nhìn thấy bảng công bố bộ phim bom tấn mùa hè của Wendy, một phim giật gân nói về tương lai tên là Die Slowly. Ngay lập tức cô cảm thấy niềm tự hào về bạn mình dâng trào. Wendy đang làm rất tuyệt - trong sự nghiệp của cô. Phim Spotted Pig vừa đạt hai giải Oscar. Và Wendy bảo rằng sẽ rất là tuyệt nếu cô không có kinh khi bước trên thảm đỏ và suốt cả tối hôm đó đã phải nhét giấy vệ sinh vào quần lót. Nico và Victory nghĩ chuyện đó rất buồn cười, và cả Wendy cũng nghĩ thế, nếu cô không quá tức giận chuyện Shane. Những gì anh đã làm với cô thật không thể hiểu nổi, nhưng Wendy đã giải quyết khá đáng ngưỡng mộ. Cô đã đem toàn bộ ba đứa nhỏ về ở phòng suite của mình ở khách sạn Mercer. Và khi nhìn thấy tình trạng đó, Victory đã nghĩ chắc Wendy điên rồi. Nhưng cô không bao giờ than phiền lấy nửa lời. Thậm chí cô không quát lên khi Tyler cố tình đổ hết nước hoa quả lên thảm vì nó muốn uống nước dâu tây chứ không phải là nước cam. “Này con yêu, sao thế?” Wendy đã vừa hỏi Tyler vừa ôm thằng bé. “Con sợ à?” Tyler đã gật đầu, và Wendy bảo nói rằng thỉnh thoảng ai cũng sợ cả, và không sao cả. Rồi cô đích thân đi lau chùi mọi thứ, và gọi dịch vụ phòng mang tới một ly nước dâu tây. “Tớ xin lỗi, Wendy,” Victory đã nói đầy ngưỡng mộ. “Nhưng là tớ thì tớ đã hét ầm lên rồi.”
“Cậu sẽ không làm thế đâu,” Wendy nói. “Nếu bọn nó là con cậu, mọi chuyện sẽ khác.”
Mọi người lúc nào cũng nói thế. Và Victory nghĩ chắc đúng thế thật, cô nhìn lên bảng quảng cáo của Wendy một lần nữa. Nhưng dù vậy cô không muốn bản thân trải nghiệm việc đó.
Dù thế nào, Wendy đã đến Cannes sáng thứ Ba cho buổi công chiếu bộ phim của cô vào tối hôm đó. Cô cũng ở tại khách sạn Hotel du Cap, và đã sắp xếp để ở phòng suite ngay cạnh phòng Victory. Họ sẽ mở cửa nối hai phòng và ngủ chung với nhau hai ngày. Một lần ngủ chung hoành tráng và rất đắt tiền, Wendy bảo đây là thứ duy nhất mà cô trông ngóng đã bao tuần nay rồi.
Họ sẽ có rất nhiều chuyện vui, Victory đồng ý. Cô lấy di động ra và nhắn tin cho Wendy: “trên đường tới bữa tiệc. ngang qua bảng quảng cáo của c ở cannes. đẹp gớm, gớm, gớm. chúc mừng. rất mong gặp c.”
Cô nhấn nút gửi và giật mình bởi tiếng gõ vào cửa kính chiếc Mercedes. Một đứa nhỏ bẩn thỉu - một bé gái tóc vàng xõa xuống hai bên mặt - đang gõ vào cửa sổ bằng một đóa hồng đỏ. Victory buồn bã nhìn nó. Những đứa trẻ tội nghiệp này ở khắp mọi nơi - trên đường phố, trong khách sạn, và cửa hàng, cố bán hoa hồng cho khách du lịch. Một vài đứa chắc mới năm sáu tuổi; thật là kinh khủng. Suốt hai ngày cuối tuần, Victory đã tự hỏi đất nước kiểu gì mà lại để trẻ con bán hàng trên đường phố. Đặc biệt một đất nước nơi dân chúng tuyên bố là rất yêu trẻ con. Đúng là đạo đức giả kiểu Pháp điển hình, cô vừa nghĩ vừa hạ cửa sổ xuống. Từ bên ngoài vọng vào tiếng nhạc và một bữa tiệc đang diễn ra đâu đó phía bên kia đường. “Voules-vous acheter une rose?” [13] đứa bé hỏi. Nó ngạc nhiên nhìn trân trối vào trong xe, ngắm nghía bộ váy và dây chuyền của Victory, một viên kim cương hình giọt lệ mười lăm carat mà Pierre đã sắp xếp để cho cô mượn vào tối hôm đó.
“Absolument. Merci[14],” Victory nói. Cô mở cái xắc nhỏ, đựng năm trăm Euro, thẻ American Express đen của cô, một thỏi son, và một hộp phấn sáp, và đưa cho bé gái đồng một trăm Euro. “Ah, Madame,” đứa bé kêu lên. “Vous êtes très gentile. Et très belle. Vous êtes une movie star?”[15]
“Non, une fashion designer,”[16] Victory mỉm cười nói. Chiếc xe nhích lên trước một ít, và đứa nhỏ bám vào cửa sổ, chạy vụt theo bên cạnh xe. “Attendez. Le traffic,”[17] Victory sợ hãi hét lên. Con bé bật cười - răng cửa của nó bị khuyết gần hết - và giây tiếp theo đã biến mất vào trong dòng xe phía sau họ.
[13] Tiếng Pháp trong nguyên bản: Cô muốn mua một bông hồng không?
[14] Tiếng Pháp trong nguyên bản: Đương nhiên rồi. Cám ơn.
[15] Tiếng Pháp trong nguyên bản: À, thưa quý bà. Bà tốt bụng quá. Và rất đẹp nữa. Bà là ngôi sao điện ảnh ạ?
[16] Không, là nhà thiết kế thời trang.
[17] Cẩn thận. Xe cộ kìa.
“Madame,” ông Hulot vừa nói vừa lắc đầu. Bà không nên làm thế. Sẽ khuyến khích bọn nó. Giờ thể nào bọn nó cũng bu lấy xe, như chim bồ câu...”
“Bọn nó chỉ là trẻ con thôi mà,” Victory nói.
“Chúng... nói thế nào nhỉ, là những tên cướp biển nhỏ. Chúng đặt tay lên khắp cả cái xe và ông Berteuil không thích thế.”
Dấu tay? “Tệ nhỉ,” Victory nói. Nếu Pierre Berteuil không thích cô giúp một đứa bé gái thì đúng là quá tệ. Ông ta đâu có sở hữu cô. Và nếu chỉ bởi vì ông ta giàu không có nghĩa là ông ta luôn được làm theo ý mình, cô khó chịu nghĩ, nhớ rằng đó gần như là những từ cô đã dùng hai tuần trước, khi cô chia tay với Lyne Bennett. Ôi, Lyne, cô nghĩ, và nhún vai. Cô lại nhìn ra ngoài cửa sổ và cau mày. Ông ấy không đến nỗi quá tệ...
Và trong một giây, đột nhiên cô ước ông ở đây, với cô. Đến bữa tiệc lớn của cô. Thế sẽ hay biết nhường nào.
Mà những ý nghĩ này từ đâu ra thế? Cô tự hỏi, sắp xếp lại các thứ trong túi. Trong hai tuần qua cô gần như đã không nghĩ đến Lyne. Ngay giây phút cô chia tay với ông, ông biến mất tăm khỏi tâm trí cô, thế hẳn phải là dấu hiệu cho thấy cô đã làm một việc đúng đắn. Dù vậy, sao chuyện này luôn xảy ra với cô khi liên quan đến đàn ông? Khi lần đầu tiên gặp gỡ một người và bắt đầu hẹn hò với anh ta, cô luôn cảm thấy hứng thú điên cuồng từ lúc khởi đầu, nghĩ rằng cuối cùng mình cũng đã gặp được đúng người - và rồi cô bắt đầu chán. Có phải cô là người phụ nữ duy nhất cuối cùng thấy đàn ông và các mối quan hệ khá là nhàm chán không nhỉ? Hay chỉ đơn giản rằng, khi dính dáng tới các mối quan hệ, cô giống đàn ông hơn là phụ nữ? Cô hoảng sợ cắn móng tay. Sự thật là gần đây cô bắt đầu thấy khá... bối rối.
Nhưng ai mà tưởng tượng nổi Lyne Bennett cuối cùng lại trở nên phụ thuộc chứ? Ông là một trong những người đàn ông thành công nhất trên hành tinh này. Ấy vậy mà cuối cùng, cô thấy mình tự hỏi sao ông không thể như Nico hay Wendy, hai người này cũng thành công vang dội, nhưng biết cách để người khác yên, và làm việc của mình. Kể từ khi cô chạy trốn khỏi căn nhà của Lyne ở Bahamas để tới cuộc họp ở Paris, Lyne đã loạn lên vì cô, liên tục gọi điện và bất ngờ xuất hiện ở showroom của cô, rồi ngồi trong văn phòng của cô, đọc báo và làm việc trên điện thoại di động của mình.
“Lyne,” cuối cùng cô phải nói, vào lần thứ ba ông quyết định tạt qua - lúc bốn giờ chiều. “Anh không có chỗ nào khác để đi à? Không có người nào phải gặp à? Không có chuyện gì để làm à?”
“Anh đang làm đây, cưng,” ông nói, giơ chiếc BlackBerry của mình. “Văn phòng di động, nhớ không? Công nghệ hiện đại. Giờ đâu còn ai ngồi xích chân với cái bàn nữa chứ.”
“Công nghệ hiện đại không phải là cái thứ như thế,” Victory nói, ném cho ông cái nhìn ngụ ý rằng cô ước gì ông ngồi ở bàn của ông.
“Ồ, xin chào, Lyne,” trợ lý của cô - Clare nói vẻ tự nhiên, bước vào văn phòng của cô.
“Chào bé con,” Lyne nói. “Thế mọi chuyện với anh chàng mới thế nào?”
Cái này hơi bị lạ. “Cô và Lyne nói chuyện với nhau nhiều à?” sau đó cô hỏi Clare.
“Ông ấy hay chuyện mà.” Clare nhún vai. “Thỉnh thoảng ông ấy gọi cho chị và khi chị không có ở đây...”
“Ông ấy đích thân gọi à?”
“Vâng. Sao lại không?” Clare hỏi. “Ông ấy rất lịch sự. Hay ít nhất có vẻ như ông ấy cố tỏ ra lịch sự.”
“Lịch sự không phải là từ tôi dùng để miêu tả Lyne Bennett,” Victory nói.
“Chà, ông ấy vui tính. Chị phải công nhận điều đó. Ông ấy khá vui vẻ. Và có vẻ như ông ấy phát điên lên vì chị. Ông ấy lúc nào cũng trông chừng chị. Và khi chị không có ở đây, ông liên tục hỏi chị thế nào.”
Kỳ cục. Rất chi là kỳ cục, Victory nghĩ.
Và rồi có một vụ nhỏ với nghệ sĩ hip-hop, Venetia, cô này đóng trong một chiến dịch quảng cáo mỹ phẩm của ông. Lyne, Venetia, và đội trợ lý bốn người của cô ta xuất hiện không báo trước tại showroom của Victory vào một buổi chiều. Thông thường, cô sẽ không khó chịu gì, vẫn giữ một chính sách mọi người có thể hiểu ngầm là khách hàng và bạn bè có thể bất ngờ ghé thăm. Vào những tình huống thông thường, có khi cô còn vui vẻ đích thân chỉ cho Venetia bộ sưu tập của mình, và cho cô ta mượn bất cứ thứ gì cô ta muốn. Nhưng chiều hôm đó Muffie Williams từ B et C đến văn phòng của cô, một sự ghé thăm trước nay chưa từng có, và họ đang bàn luận sôi nổi về dòng sản phẩm mùa xuân sắp tới. Cô không thể đề nghị Muffie đứng qua một bên nhường chỗ cho một người nổi tiếng, một việc mà Lyne dường như không hiểu. “Cho Venetia thấy cái váy xanh đó đi cưng,” Lyne nài nỉ. “Em biết đấy, cái mà anh thích ấy...”
Muffie đăm đăm nhìn Lyne như thể ông vừa mới lái xe chẹt lên con mèo của bà. Và khi Lyne không hiểu thông điệp đó, bà đứng dậy và nhanh chóng thu dọn đồ đạc. “Chúng ta sẽ bàn vào hôm khác nhé, cưng,” bà nói với Victory.
“Muffie, tôi xin lỗi,” Victory yếu ớt nói. Cô liếc xéo Lyne.
“Sao?” ông hỏi. “Anh làm gì sai chứ? Chẳng lẽ anh không được thích cái váy đó à?”
“Sao anh có thể làm như thế?” sau đó Victory hỏi ông. Họ ngồi ở ghế sau trong chiếc SUV của ông, mặc đồ dạ tiệc, đi đến một buổi tiệc từ thiện tại Metropolitan Museum. “Em đang họp với Muffie Williams, mà tình cờ bà ấy lại là một trong những phụ nữ quan trọng nhất trong ngành thời trang...”
“Này, anh chỉ cố giúp đỡ thôi mà. Anh nghĩ em sẽ thích thiết kế đồ cho Venetia. Cô ấy có mặt khắp mọi nơi. Cô ấy có thể sẽ mặc một trong những chiếc váy của em tới dự lễ trao giải Grammy...”
“Ôi Lyne,” cô thở dài bực bội. “Không phải thế. Chỉ là dường như anh không tôn trọng việc em làm.”
“Không tôn trọng á?” ông hỏi. “Anh yêu những gì em làm, cưng ạ. Em là tuyệt nhất...”
“Nếu em cứ thế mà xuất hiện ở văn phòng anh thì sao?” cô hỏi. Cô nhìn ra ngoài cửa sổ. “Em xin lỗi, Lyne, nhưng từ giờ trở đi anh bị cấm đến showroom của em.”
“Ồ, anh hiểu rồi,” ông nói. “Đây là chuyện tiền bạc phải không?”
“Tiền?”
“Phải. Giờ em kiếm được hai mươi lăm triệu đô, em nghĩ em không cần anh nữa.”
“Em chưa bao giờ cần anh. Và đặc biệt là không phải vì tiền của anh. Thành thật mà nói, Lyne ạ, tiền của anh không hấp dẫn đến thế đâu.”
“Thế còn tiền của em?” Lyne nói, không chịu coi những gì cô nói là nghiêm túc. “Có phải em đang nói rằng tiền của em thì hấp dẫn hơn tiền của anh?”
“Hấp dẫn hơn với em,” cô dằn dỗi nói. Cô ngả người ra trên ghế. “Được rồi,” cô nói. “Anh nói đúng. Đây là chuyện tiền bạc. Em không muốn ở bên người đàn ông có nhiều tiền như anh. Bởi vì mọi chuyện đều là về anh. Anh cứ cố lôi em vào thế giới của anh. Trong khi em hoàn toàn hạnh phúc với thế giới mà em đã tạo cho chính mình.”
“Chà,” Lyne nói. “Anh thực tình không biết phải đáp lại câu đó thế nào.”
“Nghe này,” cô nói, cố gắng giải thích. “Nó như thế này. Cuộc đời anh như là một show diễn Broadway hoành tráng. Và cuộc đời em là một show không phải ở Broadway và nhỏ hơn nhiều. Nó không thể lớn lắm, nhưng nó là show diễn của em, và nó cũng thú vị như show diễn của anh. Việc chúng ta cố ở bên nhau như là cố gộp hai show diễn đó lại vậy. Chỉ có một kết quả duy nhất: show diễn bé sẽ bị show diễn lớn hoành tráng kia nuốt mất tiêu. Show diễn lớn có thể hạnh phúc, nhưng show diễn nhỏ sẽ khổ sở. Show diễn nhỏ sẽ không thể sống nổi...”
“Anh nghĩ em là nhà thiết kế thời trang,” Lyne cười toe toét nói.
Cô mỉm cười chua chát. Cái ông này có bao giờ chịu thua không nhỉ? “Em biết anh hiểu em đang nói gì...”
“Anh đang nghe là có vẻ như em nghĩ anh là một show diễn Broadway. Em nói tiếng Anh đơn giản với anh đi mà cưng. Anh là loại không hiểu những thứ ngụ ý mà, em nhớ không?”
Ông vỗ vỗ tay cô vẻ đắc thắng. Cái kiểu lì lợm không chịu hiểu cảm giác của người khác của ông là thứ đã khiến cô mắng ông khoảng một tuần trước, và giờ ông cố tỏ ra thông minh và chơi lại cô.
“Vấn đề là, làm sao em có thể là một phụ nữ thành công khi em ở bên một người đàn ông còn thành công hơn em gấp bội?” cô hỏi. “Em không thể. Như vậy sự nghiệp của em chẳng có nghĩa lý gì cả.”
“Thế đây là về chuyện ấy à?” Lyne nói, nhếch mép cười. “Anh tưởng đây là thứ tất cả phụ nữ các em muốn. Ở bên một người đàn ông thành công hơn mình. Đây chẳng phải là một thứ khổ sở với phụ nữ trong suốt hai mươi năm qua ư? Phụ nữ thành công không thể tìm được đàn ông vì không có đủ đàn ông thành công hơn họ, và chỉ có một số ít, thì lại không muốn ở bên họ? Đây chẳng phải là lời than phiền lớn nhất rằng hầu hết đàn ông thành công chỉ muốn ở bên bọn gái xinh nhưng đần độn? Vậy xem xét tất cả những điều đó, thì bé con nên cảm thấy hạnh phúc. Em đã chụp được một cơ hội vàng, và cơ hội vàng ấy tên là Lyne Bennett.”
Ông ta mới trơ tráo làm sao! cô nghĩ, nhìn ông mà phát điên lên. “Suy nghĩ đó là từ hồi thập niên chín mươi, Lyne ạ. Em không biết phụ nữ thành công nào lại nghĩ như thế. Hầu hết những phụ nữ thành công mà em biết đều muốn ở bên những người đàn ông ít thành công hơn...”
“Để họ có thể ra lệnh cho đàn ông?”
“Không. Bởi vì họ không muốn bị ra lệnh.” Cô ngả người ra ghế. “Việc người nào có nhiều tiền hơn trong một mối quan hệ thì nắm quyền kiểm soát, đó là một sự thật không thể tránh khỏi.”
“Có thể,” Lyne nói, “nhưng nếu họ là người tử tế, họ sẽ không bao giờ để người kia biết.”
Cô ngạc nhiên nhìn ông. Trong cái kiểu vênh váo của ông, thỉnh thoảng có lúc Lyne bất ngờ tỏ ra tử tế. Có lẽ cô đã phán xét ông quá khác nghiệt... suy cho cùng, việc ông giàu có đâu phải lỗi của ông. Đó đâu nhất thiết là lỗi về mặt tính cách.
“Anh hiểu điều em nói,” ông nói. “Em muốn anh bước vào thế giới của em. Vậy sao em không đưa anh đến ngôi nhà ở miền quê mà em luôn nhắc đến nhỉ.”
“Được rồi, em sẽ đưa,” cô nói. “Nhưng cả căn nhà của em nhỏ bằng phòng khách của anh. Có khi nhỏ hơn.”
“Có phải em đang nói rằng anh là một kẻ hợm hĩnh không?” Lyne nói, giả vờ giận dữ.
“Em chỉ đang bảo rằng có khi anh sẽ chán tận óc. Ở đó không có gì cả - thậm chí anh không thể có được một miếng phomát tử tế.”
“Buồn cười,” ông nói, lắc lắc đầu. “Anh đâu có định ăn phomát.”
Đưa Lyne về căn nhà ở vùng quê là một viễn cảnh mà Victory đã hy vọng sẽ tránh được. Căn nhà tranh nhỏ của cô, chưa tới 1.500 feet vuông, là thánh địa của cô, nằm ở một vùng hẻo lánh ở phía Bắc Connecticut chỉ có một cửa hiệu bánh, một bưu điện, một cửa hàng thực phẩm và một trạm xăng dầu. Nó không hề hoành tráng; không có tiệc tùng để đi. Thậm chí trong khuôn viên vài dặm không có nổi một nhà hàng tử tế. Nhưng đó chính là điều cô thích về nó. Khi cô về vùng quê, cô mặc quần áo cũ và đeo kính cũ, và thỉnh thoảng không gội đầu trong vài ngày. Cô nhìn các con bọ và quan sát chim chóc qua ống nhòm, xem sách về ruộng đồng để biết cái loại chim gõ kiến khác nhau. Căn nhà nằm giữa một khoảnh đất chín mẫu, và có một cái bể bơi nhỏ và một cái hồ. Vào buổi đêm, cô sẽ nghe tiếng ếch gọi bạn tình. Cô tưởng tượng có thể cực kỳ nhàm chán, nhưng ở đó cô chưa bao giờ cảm thấy nhàm chán. Ai có thể nhàm chán chứ, với tất cả thiên nhiên ở xung quanh mình như thế? Nhưng liệu Lyne Bennett có nghĩ như vậy không? Không chắc lắm. Ông ta sẽ đến và mặc chiếc áo len cashmere Etro trị giá một nghìn đô, và ông sẽ làm hỏng tất cả.
Nhưng có lẽ, cô nghĩ, đó chính là giải pháp. Lyne sẽ thấy con người thật của Victory, và ông sẽ không thích thú nữa.
Lyne muốn Bumpy lái xe chở họ về tối thứ Sáu, nhưng Victory không chịu. “Chúng mình sẽ đi bằng xe của em, và em lái.”
Lyne trông hơi sốc khi cô đỗ lại trước tòa nhà của ông trong chiếc PT Cruiser. Nhưng ông không nói gì cả, mà trình diễn màn thắt dây an toàn và đẩy ghế ra sau rất trịnh trọng, như thể chuẩn bị cho chuyến đi phía trước. “Anh đoán là nếu em bán công ty, em có thể sẽ mua một chiếc xe khác,” ông cố tình nói.
“Em đang cân nhắc,” cô nói, lái xe vào dòng xe cộ, “nhưng về cơ bản em là người khá thực dụng. Ý em là, cái xe thực chất chỉ là phù phiếm thôi, đúng không? Nó không phải là một khoản đầu tư - nó mất giá ngay sau khi anh mua. Em không thể bán đúng bằng giá mua, như trang sức, đồ đạc hoặc thảm.”
“Cô chủ nhỏ của tôi,” Lyne nói, bám chặt vào bảng đồng hồ khi cô lạng lách trong dòng xe.
“Em thích giữ sự liên hệ với những thứ quan trọng.”
“Phụ nữ nào chả thế? Đó là một trong những quy tắc nhàm chán khi làm phụ nữ. Sao không giữ liên hệ với những thứ vớ vẩn?”
“Đó là lý do vì sao em có anh,” cô nói.
Lyne nhoài tới và bắt đầu nghịch những nút bấm trên bảng điều khiển chính giữa.
“Này anh?” Victory nói.
“Chỉ đang băn khoăn không biết xe này có điều hòa không khí không.”
“Có đấy, nhưng em ghét. Dù bên ngoài có ba mươi độ thì em cũng mở cửa xe.” Và để chứng minh quan điểm của mình, cô mở cửa sổ, làm làn khí nóng tạt vào người Lyne.
***
Kỳ nghỉ cuối tuần không đến nỗi thảm họa lắm cho đến tối thứ Bảy. Mãi đến lúc đó, Lyne đã cố gắng hết sức cho thấy ông cũng có một mặt khác, thoải mái hơn. Nhưng có lẽ một phần là do trong vòng bán kính ba mươi dặm không có sóng điện thoại di động. Vào sáng thứ Bảy, họ đi một hội chợ nông nghiệp địa phương. Và thay vì nhìn thỏ và gà trống, Lyne cứ nhìn điện thoại di động của mình. “Làm thế nào mà ở đây cũng không có sóng nhỉ?” ông hỏi. “Anh dùng cái di động này trên đảo hoang ở ngoài khơi xa Thổ Nhĩ Kỳ, vậy mà ở Connecticut thì lại không có sóng ư?”
“Anh yêu, nhàm chán quá rồi đấy,” Victory nói. “Than phiền việc không có sóng di động. Anh phải quên chuyện đó đi.”
“Được rồi,” Lyne nói. Ông nghịch ngợm chọc ngón tay vào lồng một con gà trống, và ngay lập tức bị mổ. “Chúa ơi,” ông nói, lắc lắc ngón tay. “Nơi quỷ quái gì thế này? Không có sóng di động và gà giết người.”
“Lại chỗ mấy cái máy cày xem đi,” cô nói.
“Đi giày này á?” ông hỏi, nhấc một chân lên. Ông đang đi đôi giày lười đắt tiền của Ý.
“Này, cẩn thận,” một phụ nữ mặc bộ váy lộng lẫy kêu lên, bà này đang ngồi một bên trên một con ngựa. Lyne nhảy sang một bên, đạp phải đống phân, mà ngay lập tức Victory đoán là phân bò. Lyne cười vẻ anh hùng, chỉ nhìn xuống giày khoảng mười lăm giây.
“Và bây giờ là John trong cuộc thi kéo máy cày, lần đầu tiên cố thử kéo bốn chăm pound,” phát ngôn viên thông báo trên loa.
“Em thích cái này lắm, anh thích không?” Victory hỏi.
Cô nhìn Lyne đợi sự đồng ý, nhưng dường như đột nhiên ông đã biến mất. Mẹ kiếp ông, cô nghĩ. Ông cứ như một đứa trẻ luôn chạy biến đi rồi bị lạc. Cô khoanh tay trước ngực. Cô sẽ không đi tìm ông. Ông lớn rồi và cô không phải mẹ ông.
Cô xem màn kéo máy cày, từng phút một trôi qua lại càng cảm thấy tức giận và sợ hãi không biết ông có bị làm sao không. Và rồi cô nghe phát thanh viên nói, “Đây là Line, hoặc là Lynn, thật không tài nào đánh vần cho đúng tên anh bạn này, cố thử lần đầu tiên kéo bốn chăm pound...”
Không thể nào. Nhưng lại đúng thế. Lyne ở đó, ngồi trên một chiếc máy cày, cố kéo nó qua đường đầy bùn. Ông đi tới được vạch cuối cùng và cô vỗ tay hoan hô, nghĩ ông thật hiếu thắng. Ông không thể ngăn mình không tham gia bất kỳ một cuộc đua tranh nhau.
Lyne vào được đến vòng bán kết, nhưng cuối cùng bị loại khi khói bắt đầu bốc ra từ động cơ máy cày lúc ông kéo đến tám trăm pound.
“Này bé có thấy anh không?” ông hổn hển nói, tự hào về bản thân. “Anh cho bọn nông dân ở đây sáng mắt ra, nhở?”
“Anh lấy cái máy cày đó ở đâu ra thế?” cô hỏi.
“Mua của một tay nông dân nào đó với giá mười ngàn đô.”
“Anh định làm cái quái gì với nó?”
“Em nghĩ sao?” ông nói. “Anh trả nó lại cho ông ta. Ông ta là bạn thân mới của anh. Bảo với ông ấy là lần tới khi về đây anh sẽ tới trang trại của ông ta và lái nó.”
Đêm đó, cô làm món gà nướng cho buổi tối. Lyne cứ luôn miệng nói về cuộc thi kéo máy cày, và ông đã hạ gục vài tay nhà quê thế nào. Cô nghĩ chuyện thật buồn cười, cho đến khi cô bắt đầu làm nước xốt. Lyne, vẫn tự mãn về màn biểu diễn kéo máy cày, nằng nặc đòi làm nước xốt, bảo rằng ông biết một công thức làm nước xốt tuyệt hảo do mẹ ông dạy. Ông đổ rượu vang đỏ vào đó, và rồi xốt Worcestershire. Đột nhiên, Victory không chịu nổi nữa. Cô hét vào mặt ông, và trong một giây, ông đứng đó, sững sờ. Rồi ông ném cái thìa vào bồn rửa.
“Sao anh dám?” Victory nói, cầm cái thìa lên. Cô dí nó vào mặt ông. “Anh không được phép cư xử như thế trong nhà em.”
“Được thôi,” ông nói. “Dù sao có vẻ em muốn được ở một mình, vì thế tốt hơn hết là anh đi về. Anh sẽ gọi Bumpy và bảo anh ta đến đón anh.”
“Ý kiến hay đấy,” cô nói.
Mất hai tiếng rưỡi Bumpy mới đến được đó. Trong thời gian đó, họ gần như không nói chuyện với nhau. Cô cố ăn món gà, nhưng nó khô khốc và làm cô bị nghẹn. Đây chính là giây phút lẽ ra họ nên làm lành, khi một trong hai nên xin lỗi, nhưng có vẻ như chẳng ai buồn cố gắng. “Tốt hơn là cứ như thế này,” cô nói với ông, khi cuối cùng ông bước ra khỏi cửa.
“Sao cũng được,” ông lạnh lùng nói. Ông đã rút vào lại cái vỏ nhà tỷ phú thờ ơ của mình, và cô đã đẩy ông vào đó.
“Cậu chia tay vì nước xốt ư?” Sau đó Wendy kêu lên, qua điện thoại.
“Luôn là những thứ nhỏ nhặt, chả phải à?” Victory nói. Cô nhìn quanh ngôi nhà nhỏ xíu của mình. Lẽ ra phải có cảm giác yên bình hạnh phúc, khi mà trật tự đã được khôi phục lại, nhưng thay vào đó nó dường như vắng vẻ và buồn bã. “Ôi Wendy, tớ là đồ chết tiệt,” cô nói. “Tớ cư xử như một đứa dở hơi toàn tập. Tớ không biết mình bị làm sao nữa. Tớ nổi đóa lên. Tớ chỉ không thể chịu nổi khi nhìn thấy ông ấy trong không gian của tớ...”
“Vậy sao cậu không gọi cho ông ấy đi?”
“Tớ nghĩ là không nên. Giờ quá muộn rồi, tớ chắc chắn là ông ấy ghét tớ. Hoặc nghĩ là tớ bị điên. Mà tớ đã cho ông ta lý do khá chắc chắn để tin như vậy.”
Tuy vậy, cô đã nghĩ cuối cùng rồi thì Lyne sẽ gọi cho cô. Hồi trước lúc nào ông cũng làm vậy. Nhưng lần này thì không. Hai ngày trôi qua, rồi bốn ngày. Và giờ đến lúc này, cô đã quyết định sẽ quên ông. Không quan trọng gì cả.
Nhưng dù vậy, nó vẫn làm cô sợ - cái khả năng sợ hãi có thể ngay lập tức cắt đứt với một người đàn ông và mọi tình cảm của cô dành cho ông. Xa mặt, cách lòng. Thật sự dễ dàng như thế đấy.
Những phụ nữ khác có cảm thấy thế này không? Wendy thì không, mà Nico cũng không. Dù cho Nico có ngoại tình, cô ấy vẫn “yêu” Seymour. Nhưng có gì đó xảy đến với ta khi ta có quá nhiều mối quan hệ, nghĩa là rất nhiều các cuộc chia tay nữa. Đầu tiên thì đau đớn khủng khiếp, và ta nghĩ mình sẽ không bao giờ vượt qua được chuyện này. Nhưng rồi ta học cách phải nhìn về tương lai. Ta chỉ bị tổn thương vì anh chàng kia đã cướp đi ước mơ có một mối quan hệ của ta. Ta hiểu rằng cảm giác tổn thương thực sự chỉ là về cái tôi mà thôi, về cái ý tưởng lấy mình làm trung tâm rằng mọi người đàn ông xung quanh đều nên yêu ta, rằng vũ trụ nợ ta điều đó. Nhưng tình yêu không phải là cái quyền con người không thể chuyển nhượng. Và vài phụ nữ có khi sống suốt cả đời mà không có nổi một người đàn ông thực sự yêu họ. Một vài người đàn ông cũng vậy! Và chắc hẳn cô là một trong số đó. Đó là một sự thật cô nên chấp nhận, cô dữ dội nghĩ, dù có đau đớn đến mức nào. Có ai bảo cuộc đời sẽ dễ dàng đâu. Cô có thể đương đầu với nó; cô sẽ tiếp tục. Và hơn nữa, cô có sự nghiệp của mình.
Cô lại nhìn ra bên ngoài cửa sổ chiếc Mercedes lần nữa. Chiếc xe dường như đã tiến qua được một tòa nhà nữa, và cuối cùng, ông Hulot bật đèn xi nhan để rẽ trái vào lối xe chạy của cảng. Đây rồi, cô nghĩ. Bữa tiệc là sự công nhận cô và tài năng của cô, và mọi thứ mà cô đã làm việc rất chăm chỉ để đạt được.
Chiếc xe từ từ chạy xuống làn đường xi măng hẹp, cuối cùng dừng lại trước một chiếc du thuyền màu trắng sáng loáng có những bóng đèn nhỏ. Hai người đàn ông vạm vỡ mặc đồ hàng hải và cầm bảng đứng im ở cuối ván cầu. Một nhóm nhân viên an ninh đeo bộ đàm đứng một bên, còn phía trước là một đám paparazzi, bị một hàng cảnh sát mặc đồ màu da cam cản lại. Đèn sáng chói cả mắt, và qua làn ánh sáng trắng, Victory nhận ra những cặp diễn viên điện ảnh nổi tiếng đang nắm tay và vẫy rất chuyên nghiệp.
Victory ra khỏi xe, cúi xuống để cầm đuôi váy lên. Đột nhiên đám paparazzi chuyển sự chú ý qua cô, và cô mỉm cười, dừng lại đứng vài tư thế cho
“Tessa Hope đang ở đây. Tôi cho cô ấy lên nhé?” người phụ nữ ở bàn tiếp tân hỏi.
“Vâng, phiền cô,” Wendy nói. Cô liếc nhìn đồng hồ. Hai giờ rưỡi - Shane đã muộn mười lăm phút. Cô đi ra vào sảnh ngoài bé tí và qua cánh cửa dẫn tới phòng trẻ, gồm hai phòng nhỏ và một phòng tắm, phòng ngủ và phòng khách ở hai bên. Phòng đầu tiên kê hai cái giường đôi. Tyler và Chloe đang tập tô màu trên sàn. Tyler túm lấy cây bút chì của Chloe. “Không phải làm như thế, đồ ngu,” nó nói.
“Tyler. Không nên nói thế,” Wendy kiên nhẫn nói, lấy cây bút chì khỏi tay Tyler và đưa lại cho Chloe.
“Nó sẽ tô ra ngoài,” Tyler phản đối.
“Em mới hai tuổi,” Wendy nói. “Em được phép tô ra bên ngoài.”
“Thế con cũng sẽ tô ra ngoài,” nó khăng khăng.
“Nếu con muốn thì cứ làm,” Wendy nói, nhìn xuống thằng bé. Thằng nhỏ tội nghiệp. Cô có thể hiểu được sự khó chịu của nó, khi phải ở trong cái phòng nhỏ xíu này. Nhưng chỉ là tạm thời thôi. Cô cúi xuống. “Chẳng mấy chốc nữa mình sẽ có một căn hộ mới thật to thôi con ạ,” cô nói, chạm vào vai nó để nó nhìn vào mặt cô. “Con thích thế không?”
“Con không biết.” Nó nhún vai. “Mình đã có căn hộ rồi mà.”
“Mình có gặp Gwyneth không mẹ?” Chloe hỏi.
“Con sẽ gặp cô ấy vào sáng thứ Hai, khi con quay lại đây. Giờ con sẽ đi với bố, rồi tối Chủ nhật con lại về đây.”
“Sao bọn con lại phải về đây?” Tyler hỏi, nhìn xuống cây bút chì màu của mình. “Sao mình không ở nhà mình ạ?”
“Con không muốn ở với mẹ à?”
“Sao mẹ không đến ở nhà mình?” Tyler hỏi.
Wendy mỉm cười. “Bởi vì bố với mẹ không sống cùng nhau nữa,” cô nói, lần thứ một trăm. “Mẹ sẽ tìm một căn hộ khác và tất cả chúng ta sẽ sống ở đó.”
“Bố có đến ở cùng chứ ạ?” Chloe hỏi.
“Không, bố sẽ ở căn hộ của bố.”
“Ý mẹ là căn hộ của bọn con,” Tyler nói. “Đó là nơi bọn con sống. Mẹ sống ở khách sạn này.”
“Con cũng sống ở đây mà,” Wendy kiên nhẫn nói.
“Con muốn về nhà,” Chloe nói, bắt đầu khóc.
Có tiếng chuông. Wendy bế Chloe lên và đặt con bé lên giường. “Magda,” cô hét. “Con mở cửa được không?”
“Tại sao?” Magda hét lại.
“Vì cửa...” cô thở dài và mang Chloe qua cái sảnh nhỏ nơi Magda đột nhiên quyết định sẽ giúp đỡ và mở cửa. “Ồ,” nó nói và quay đi.
“Bố à?” Tyler hỏi, chạy vụt về phía họ.
Tessa Hope, luật sư, lưỡng lự đứng ở bậc cửa, kinh hoàng nhìn cảnh tượng trước mắt. Tessa ba mươi lăm tuổi, độc thân, và hấp dẫn theo tiêu chuẩn kiểu Upper East Side. Cô đang mặc một chiếc áo hiệu Roberto Cavalli, quần jean, đi giày cao gót bằng da màu đen hiệu Mary Jane. Cô được coi là một trong những luật sư ly hôn cứng cựa nhất trong hãng luật Berchell & Dingley, đứng số bốn mươi ba trong danh sách năm mươi phụ nữ quyền lực nhất thành phố.
“Tôi xin lỗi,” Wendy nói, “mời vào. Lẽ ra Shane phải đón bọn trẻ lúc hai giờ mười lăm nhưng anh ấy đến trễ. Cô ngồi đi...”
Dĩ nhiên là chẳng có chỗ nào để ngồi. Tất cả chỗ có thể ngồi đều để giấy tờ, sách, kịch bản, DVD, miếng xốp tắm, lược, điều khiển máy bay từ xa, và quần áo.
“Không sao. Tôi có thể xuống dưới tầng đợi nếu chị muốn,” Tessa cẩn trọng nói.
“Không, vào đi,” Wendy nói. “Hầu phòng vừa đi khỏi...” Cô dọn một chỗ nhỏ trên sofa, và Tessa cẩn thận ngồi xuống. “Bình thường thì không thế nào. Mọi thứ thường gọn gàng hơn,” Wendy nói thêm vẻ xin lỗi.
“Không sao,” Tessa nói, mỉm cười gượng gạo. “Các cháu đáng yêu quá.”
“Cám ơn cô,” Wendy tự hào nói. Cô dừng lại, đột nhiên để ý thấy tóc Magda. “Magda con yêu, chẳng phải con bảo là sẽ gội đầu à?”
“Con gội rồi mẹ.”
“Không, con chưa gội,” Wendy nói.
“Con không thích cái dầu gội đó,” Magda trả lời.
“Cô là ai?” Tyler hỏi Tessa.
“Đây là luật sư của mẹ,” Wendy giải thích.
“Con không thích luật sư,” Tyler nói. Wendy đặt tay lên đầu nó. “Nó hơi ngượng một chút. Phải không anh bạn?”
“Với tôi, nó chả có vẻ ngượng chút nào,” Tessa liều lĩnh nói, bắt chéo chân lại.
“Không thích luật sư,” Tyler nói vào chân Wendy.
“Cô Tessa rất tốt,” Wendy nói. “Cô ấy sẽ đảm bảo để con có thể ở với mẹ mãi mãi.”
“Giờ bọn con về nhà đây,” Chloe tuyên bố.
Chuông cửa reo. “Bố!” Magda kêu lên, chạy ra cửa. Shane bước vào. Trông anh, Wendy nhận thấy với vẻ thỏa mãn, hơi tiều tụy. “Anh đến muộn,” Wendy nói.
“Anh phải đến cửa hiệu thuốc. Anh không được khỏe.”
“Có lẽ anh không nên đón con đi.”
Anh liếc cô một phát. “Anh không ốm đến mức đó. Chỉ đau đầu thôi. Anh khỏe.” Anh cẩn trọng nhìn Tessa.
“Anh nhớ luật sư của em chứ, Tessa Hope,” Wendy nói, chỉ về phía Tessa.
“Ừ,” Shane nói vẻ thờ ơ.
“Anh khỏe không, Shane?” Tessa vừa hỏi vừa đứng lên.
“Tuyệt,” Shane nói, bế lấy Chloe. “Thứ Bảy mà cô cũng làm việc à?”
“Ngày nào tôi cũng làm việc.”
“Cô và Wendy sẽ là một đội tuyệt vời đấy,” Shane lẩm bẩm. Anh quay sang Magda và Tyler. “Các con sẵn sàng chưa?”
“Vậy mai anh sẽ quay lại. Lúc năm giờ,” Wendy nói.
“Ừ, Wendy,” Shane nói, khó chịu bởi câu hỏi. “Khi nào em đi Cannes?” anh hỏi.
“Tối thứ Hai,” Wendy nói. Anh biết khi nào cô đi và cô biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.
“Anh không hiểu tại sao em không để bọn nhỏ ở với anh cho đến khi em về,” anh nói. “Cứ đi đi lại lại như thế này thật ngu xuẩn.”
“Anh may mắn là có được hết bọn nhỏ đấy, Shane ạ,” cô nói.
“Ừ, đợi rồi xem,” Shane nói, liếc nhìn Tessa. Rồi anh đón lũ trẻ và ra ngoài.
Wendy dừng lại và thò đầu ra khỏi cửa. “Chỉ đồ ăn tự nhiên thôi đấy?” cô hét theo anh. “Và đi ngủ thật đúng giờ.”
Shane gật đầu, không buồn quay lại. Cô nhìn đoàn quân nhỏ bé của mình khi họ đi trên hành lang vắng lặng, cho đến khi họ dừng lại trước thang máy.
“Tạm biệt mẹ,” Tyler vui vẻ nói, quay lại vẫy tay.
“Tạm biệt,” cô dịu dàng nói. “Mai gặp lại con.” Cô nhìn họ cho đến khi họ vào thang máy, vừa cảm thấy mệt mỏi vừa tức giận, nhưng trên hết là lo lắng. Có vẻ như con cô không cần cô một chút nào. Thậm chí chúng không có vẻ gì là thích thú khi ở cùng với cô.
Nhưng chỉ là do cô vẫn đang ở khách sạn thôi, cô nghĩ. Khi cô có nhà mới, mọi chuyện sẽ thay đổi và bọn trẻ sẽ bình thường trở lại. Ngay khi từ Palm Beach về, cô đã thuê Tessa. Và Tessa sắp xếp để bọn trẻ lần lượt ở với cô và Shane. Chuyện đấy cũng là tạm thời. Wendy hy vọng có thể loại trừ Shane hoàn toàn.
Cô đóng cửa và quay lại với Tessa. “Ai có thể hình dung nổi hai con người có thể ghét nhau nhiều đến mức đó?” cô hỏi, ý nói đến Shane. Đó là một câu hỏi không cần câu trả lời, và thực ra cô cũng không mong đợi có câu trả lời.
Dù vậy Tessa trả lời cô luôn. “Anh ta chắc chắn là ghét chị rồi,” cô nói, thu nhặt đồ của mình. “Dù thế nào, anh ta cũng không bỏ cuộc dễ dàng đâu.”
***
“Vấn đề là luật sư của Shane,” Tessa nói, mười lăm phút sau khi họ ngồi xuống một bàn nhỏ tại quầy bar trong khách sạn.
Wendy nhìn ra cửa sổ nơi người đi đường qua lại trên phố; hôm đó là chiều thứ Bảy cuối tháng Tư, và Soho đông nghịt khách du lịch. “Tôi không sợ luật sư của anh ta,” Wendy nói, khuấy cốc espresso của mình bằng một cái thìa nhỏ. “Anh ta phải biết rằng Shane không thắng được.”
“Nếu nhìn nhận vấn đề theo kiểu truyền thống thì có lẽ là thế,” Tessa tán thành. “Nhưng Juan Perek là đàn ông. Và anh ta đã dành hầu hết thời gian của mình để đạt được những thỏa thuận lớn với những người đàn ông giàu có cho vợ và con họ. Anh ta đã đợi một vụ như thế này bao năm nay rồi. Đây là một cơ hội để chứng tỏ rằng luật pháp thật sự công bằng, không phân biệt chủng tộc cũng như giới tính. Nói cách khác,” cô nói thêm, nhấp một ngụm cà phê đen, “anh ta muốn lấy cô làm một ví dụ.”
“Nhưng anh ta đã làm thế rồi,” Wendy nói, khoanh tay lại. “Tôi cho Shane căn hộ. Nó trị giá hơn hai triệu đô. Đó là một khoản tiền lớn với một người đàn ông không làm việc gì trong suốt mười năm.”
“Tôi biết,” Tessa nói, gật đầu vẻ thông cảm. “Nhưng cả chuyện đó cũng là vấn đề. Nếu Shane có việc làm thì chuyện này sẽ dễ hơn nhiều. Thế nghĩa là anh ta có khả năng tự nuôi sống bản thân. Tòa có khuynh hướng nhìn vào những loại tình huống như thế này để ngụ ý rằng vợ hoặc chồng không có khả năng làm việc, ra khỏi thị trường lao động mười năm rồi.”
“Thế thật lố bịch,” Wendy nói. “Shane là một người đàn ông bốn mươi tuổi khỏe mạnh. Anh ta có thể kiếm được việc như mọi người khác trên thế giới. Anh ta có thể làm bồi bàn nếu muốn.”
“Tôi sẽ không đề cập đến chuyện đó trước tòa,” Tessa cẩn trọng nói. “Sẽ không có lợi.”
“Tại sao không?” Wendy hỏi. “Đúng thế. Anh ta có thể kiếm được một việc chết tiệt nào đó.”
“Chị phải cố hiểu việc này từ một khía cạnh khác,” Tessa nói vẻ xoa dịu. “Shane hài lòng với việc anh ta đã có một công việc - và đã làm nó trong mười hai năm qua - đó là làm cha của các con chị...”
“Ôi thôi xin cô,” Wendy nhạo báng.
“Tôi không biết anh ta đã thực sự trông con như thế nào, nhưng chuyện đó cũng không quan trọng. Trong con mắt của tòa, chăm sóc trẻ em là một công việc. Và nếu tình huống đảo ngược, nếu Shane là phụ nữ, bảo với tòa rằng anh ta nên ra ngoài kiếm một việc làm bồi bàn thì sẽ giống như một người đàn ông thành công bảo bà vợ ngoại ô của mình rằng cô ta nên ra ngoài kiếm việc tại một cửa hàng rửa xe địa phương.”
Wendy nheo mắt lại. “Tôi nghĩ anh ta muốn thêm tiền.”
“Không hẳn là chuyện tiền,” Tessa nói. “Anh ta muốn tiền trợ cấp sau khi li hôn. Và tiền nuôi con. Anh ta muốn có bọn trẻ, Wendy ạ.”
Wendy cười rú lên. “Không bao giờ có chuyện đó. Bọn nhỏ là con tôi. Tôi yêu chúng. Chúng cần phải ở với tôi. Trẻ con thuộc về mẹ chúng, thế thôi. Shane có thể làm việc mà những người đàn ông ly hôn khác vẫn làm và gặp chúng vào cuối tuần.”
“Thông thường kết quả là thế, nhưng đấy là tình huống bình thường. Nhưng ở đây lại không phải thế,” Tessa nói, nhấp một ngụm cà phê. “Chị là một trong những phụ nữ thành công nhất ở đất nước này, vì thế quy tắc thông thường sẽ không được áp dụng.”
Wendy đặt tách cà phê của mình xuống. “Tôi đã khổ sở như xuống địa ngục, Tessa ạ. Và dường như mọi người quên mất một điều là tôi không bao giờ muốn ly hôn cả. Đây không phải là ý tưởng của tôi. Đó là của Shane. Anh ta là người muốn ra đi. Anh ta là người nên bị trừng phạt. Nếu anh ta ghét vợ mình đến mức không thể ở cùng một phòng với cô ta, thì sao? Anh ta phải từ bỏ bọn trẻ.”
“Đảo ngược tình huống lại nhé?” Tessa khéo léo yêu cầu. Cô chưa bao giờ bối rối hay xúc động, một đặc điểm khiến Wendy bắt đầu tự hỏi là cô ta có bao giờ nổi giận không. “Hãy lấy ví dụ một phụ nữ sự nghiệp không-thành-công-lắm lấy một chủ ngân hàng thành đạt. Và bởi vì anh ta kiếm được rất nhiều tiền, cô nghỉ việc. Rồi họ bắt đầu có con. Người phụ nữ ở nhà chăm sóc con cái. Người đàn ông càng ngày càng trở nên thành công, và do công việc, bắt đầu ít khi có mặt ở nhà. Người phụ nữ bắt đầu cảm thấy bị bỏ mặc. Cô tức giận. Cô ở nhà với bọn trẻ, trong khi chồng mình ra ngoài thế giới, được mọi người ca ngợi. Một ngày cô tỉnh dậy và quyết định mình xứng đáng được hưởng những thứ tốt hơn - và cô ta muốn ly dị.”
“Nhưng tôi muốn đánh giá cao Shane,” Wendy phản đối. “Tôi đã đi gặp cái bà tư vấn hôn nhân chết tiệt...”
“Aha,” Tessa nói. “Nhưng quá muộn rồi. Sự căm giận quá sâu sắc, hai người đã trở nên quá xa cách. Và chuyện gì xảy ra? Người phụ nữ có được căn nhà. Cô ấy có được tiền trợ cấp sau li hôn và tiền nuôi bọn trẻ. Và nếu cô ấy khăng khăng, cô ấy có thể được toàn quyền chăm sóc con cái. Và không ai nghĩ đến chuyện đó lần thứ hai. Cô có thể tưởng tượng họ sẽ phát điên lên như thế nào nếu chúng ta đột nhiên bảo với những phụ nữ đó rằng họ không thể có con của họ và rằng họ phải ra ngoài mà làm việc không?”
“Nhưng tôi muốn con của tôi,” Wendy phản đối. Tessa càng bình tĩnh bao nhiêu, thì cô càng trở nên nóng nảy rất nhiều. “Mẹ kiếp chứ,” cô nói, đặt cốc cà phê đánh bộp xuống bàn. “Tôi sẽ không chịu bị trừng phạt vì là một phụ nữ và thành công đâu.”
Tessa không nói gì, dừng lại như thể đợi cho Wendy bình tĩnh lại. “Nếu chúng ta định giải quyết việc này càng ít thiệt hại càng tốt,” cô cất lời, “thì chị phải nhìn vấn đề ở một tầm nhìn rộng hơn. Tôi biết chuyện này cực kỳ riêng tư. Nhưng ở một góc độ nào đó, để đưa ra quyết định đúng đắn, chị sẽ buộc phải đặt sự giận dữ của mình qua một bên. Sự thật là, nhìn một cách logic và không bị cảm xúc chi phối, đàn ông luôn bị trừng phạt vì thành công. Một người đàn ông thành công ly hôn thông thường luôn bị từ chối không được nuôi con. Dù thế nào, chị có thể chắc chắn rằng trẻ con thường hiếm khi được phép ở với bố, trừ phi người mẹ đồng ý.”
“Những người đàn ông đó không muốn có con của họ...”
“Thực ra, chị sẽ bị ngạc nhiên đấy,” Tessa nói, ra hiệu cho bồi bàn lấy thêm một tách cà phê. Đây là tách thứ ba - cô ta hẳn phải lạnh lắm, Wendy quyết định, không hề bị chất caffeine ảnh hưởng. “Theo kinh nghiệm của tôi, hầu hết đàn ông đều muốn sống với con. Họ đau đớn khi nghĩ đến việc hàng ngày không được gặp chúng. Nhưng họ biết mình gần như không bao giờ thắng được ở tòa, vì thế không đáng để chiến đấu.”
“Thế này nhé,” Wendy khăng khăng. “Tôi muốn toàn quyền nuôi con. Và tôi muốn cô giành được việc đó cho tôi.”
Lần đầu tiên trông Tessa có vẻ khó chịu trong suốt cuộc nói chuyện của họ. Cô dùng khăn lau khóe miệng, đặt xuống và liếc đi chỗ khác. “Là luật sư của chị,” cô nói, “về mặt đạo đức, tôi buộc phải nói cho chị sự thật. Tôi có thể nói dối chị, và chúng ta có thể mất hai năm ở tòa. Và tôi có thể kiếm được đủ tiền từ chị để thành lập hãng luật riêng của tôi. Nếu tôi là loại luật sư như phần lớn đàn ông khác trong nghề này, tôi sẽ không nghĩ đến lần thứ hai về việc đó. Đây là loại vụ án mà các luật sư thèm chảy nước miếng - một khách hàng thành công có cả đống tiền muốn trả thù. Nhưng trả thù rất đắt tiền. Theo kinh nghiệm của tôi, dù cho chị thắng, chị cũng không thấy thỏa mãn như chị tưởng. Chị sẽ phải dành nhiều thời gian hơn với tôi - thời gian chị có thể dành cho con cái hoặc công việc. Và cuối cùng, Wendy...” Cô dừng lại, nhìn Wendy vẻ đồng cảm. Cô lắc đầu. “Chị sẽ không bao giờ được toàn quyền nuôi con. Với cách sống của chị bây giờ thì không.”
“Vì tôi phải làm việc,” Wendy nói vẻ cộc lốc. “Tuyệt quá. Thật là một thông điệp tuyệt vời cho phụ nữ trẻ ở nước Mỹ. Nếu bạn làm việc chăm chỉ và thành công, xã hội sẽ trừng phạt bạn cách này hoặc cách khác.”
“Xã hội không trừng phạt phụ nữ nói chung,” Tessa nói một cách công bằng. “Dù chị làm gì, cũng không thể nào đảm bảo là chị sẽ thắng. Chị có thể ở nhà và trông con trong hai mươi năm. Rồi con chị đi học đại học và chồng chị bỏ chị vì một phụ nữ trẻ hơn và chị tay trắng không có gì cả.”
Wendy nhìn vào tách cà phê của mình. “Có căn nhà.”
“Giá trị ghê, Wendy. Có căn nhà.” Tessa lắc đầu. “Juan Perek chỉ nhận vụ này vì nó có khả năng rầm rộ. Nó là sự đảo ngược vai trò giới tính truyền thống: Khi phụ nữ đảm nhiệm vai trò của đàn ông, cô ta có thể bị một người đàn ông hất bỏ. Shane đã cung cấp cho anh ta bằng chứng chứng tỏ chị đi công tác liên tục vào năm ngoái. Nếu chị muốn được toàn quyền nuôi con, họ cũng sẽ muốn được toàn quyền nuôi con. Và tùy thuộc vào chiều gió thổi, có khả năng là họ sẽ thắng.”
Wendy cảm thấy mặt mình đỏ bừng lên. Không thể thắng - đó không phải là một khả năng. “Không ai có thể tin nổi rằng con cái nên bị tách xa khỏi mẹ chúng.”
“Thông thường thì thế,” Tessa nói. “Ở tình huống bình thường...” cô thở dài.
“Tôi không phải là một bà mẹ tồi tệ,” Wendy nói, đột nhiên thấy tuyệt vọng. “Cô đã thấy tôi đối xử với bọn trẻ rồi...”
“Không ai bảo chị là một bà mẹ tồi tệ cả,” Tessa an ủi nói. “Về mặt lý thuyết, bà mẹ phải là kẻ ngược đãi, không ổn định, kẻ nghiện ma túy, hay bị điên thì tòa mới tách đứa con khỏi mẹ. Nhưng đó là giả sử bà mẹ là người chăm sóc con cái. Trong khi ở trường hợp của chị với Shane, Juan Perek sẽ cố chứng tỏ Shane mới là người chăm sóc. Vì vậy trừ phi chúng ta chứng mình được Shane là kẻ ngược đãi, không ổn định, nghiện ma túy, hay bị điên, thì không có lý do gì mà tòa án lại không trao cho anh ta ít nhất là quyền được nuôi con chung.”
“Ít nhất?” Wendy hỏi.
“Anh ta có ngược đãi con cái, không ổn định, nghiện ma túy, hay điên không?” Tessa hỏi.
“Anh ta đến đón con muộn mười lăm phút. Cô thấy đấy,” Wendy vặn lại.
“Anh ấy đến muộn một lần.” Tessa nhún vai. “Nhưng anh ấy đưa bọn trẻ đi học.”
“Tôi cũng đưa bọn trẻ đi,” Wendy phản đối. “Một vài lần...”
“Và anh ấy đón bọn trẻ và đưa chúng đi gặp bác sĩ,” Tessa nói. “Họ sẽ đưa ra một bằng chứng khá thuyết phục rằng Shane mới là người chăm sóc con. Và theo như truyền thống, tòa sẽ không tách con cái khỏi người chăm sóc. Họ sẽ lý luận rằng nếu bọn trẻ ở với chị toàn thời gian, cuối cùng chúng sẽ được các vú em nuôi. Một tình huống không lý tưởng bằng được bố mẹ ruột nuôi. Tôi rất lấy làm tiếc, Wendy ạ,” Tessa nói.
“Không phải thế,” Wendy cương quyết nói. “Dễ không mà. Tôi sẽ nghỉ việc. Tôi sẽ trở thành người chăm sóc con.”
Tessa kiên nhẫn mỉm cười. “Trong phim thì giải pháp thường là thế, phải không? Phụ nữ thành công từ bỏ sự nghiệp để chăm sóc con cái và mọi người đều thấy hài lòng. Nhưng đời thật thì thực sự không phải thế, nhỉ? Đặc biệt là trong trường hợp của chị. Trừ phi đột nhiên Shane quyết định muốn ra ngoài và bắt đầu kiếm tiền, mà anh ta thì khăng khăng sẽ không làm thế, vì anh ta đã có một công việc là chăm sóc bọn trẻ rồi.”
“Vậy nói cách khác, tôi tiêu rồi,” Wendy lặng lẽ nói.
“Tôi sẽ không nói vậy,” Tessa nói. “Tôi chắc chắn là chúng ta có thể thỏa thuận được với Shane. Tôi có cảm giác anh ta sẽ biết điều nếu chị cũng biết điều.”
“Không có chuyện biết điều khi liên quan đến chuyện con cái,” Wendy nói. Cô ra hiệu cho bồi bàn.
“Tôi nghĩ là rất khó khăn,” Tessa nói, cầm túi lên. “Hãy dành chút ít thời gian nghĩ về việc đó. Tin tôi đi, còn có nhiều tình huống tệ hại hơn nhiều.”
“Thật á? Thỉnh thoảng nhắc cho tôi với,” Wendy nói, đi cùng Tessa đến chỗ cửa xoay. Cô dừng lại. “Nói tôi nghe một điều,” cô nói. “Cô đã bao giờ yêu ai chưa?”
“Không tin vào tình yêu,” Tessa nói.
“Thật ư?” Wendy nói. “Cô may mắn đấy.”
“Trong cái nghề của tôi, chị không thể tin vào tình yêu đích thực,” Tessa nói. “Chị nhìn thấy quá nhiều bằng chứng chứng tỏ nó không hề tồn tại. Nhưng tôi cũng đang có kế hoạch có con. Ngân hàng tinh trùng. Đó là cách duy nhất.”
“Cô may mắn ghê,” Wendy lại nói. Thế này không giống cô chút nào, cô nghĩ. Cảm thấy chua chát về cuộc đời thật là một cảm giác kinh khủng.
***
Chiếc Mercedes đen chạy chầm chầm dọc đường Croisette ở thành phố ven biển Cannes. Phía bên phải là một dải bờ biển không lấy gì làm hấp dẫn lắm, với bãi cát nhỏ có trồng những cây cọ ở khoảng cách đều nhau. Phía bên kia là một loạt những khách sạn lớn rẻ tiền. Đường bị tắc, và Victory cựa quậy khó chịu trong ghế. Dân New York lúc nào cũng phàn nàn về giao thông ở Hamptons, nhưng giao thông ở miền Nam nước Pháp còn tệ hơn nhiều. Ở đây thực tế chỉ có mỗi một con đường, và mọi người đều ở trên đường, mà lúc này là mười giờ đêm. Hôm nay là ngày đầu tiên của lễ hội liên hoan phim Cannes, và tiệc tùng sẽ diễn ra suốt đêm.
“Chúng ta sắp đến nơi rồi, thưa Madame,” tay tài xế quay lại nói. “Qua ba cái đèn đỏ nữa là đến bến cảng.”
“Cám ơn,” Victory nói, nghĩ đến cái từ này một lần nữa - “Madame[10].”. Hay là, ma’am[11], ở New York. Nó như thể một sáng cô thức dậy và đột nhiên, nhân viên bán hàng và tài xế taxi đồng loạt gọi cô là “ma’am” chứ không phải “miss[12]”, như thể đột nhiên cô thành trung niên. Chuyện này làm cô lúng túng một lúc, đặc biệt khi cô chưa lấy chồng. Ngoài bốn mươi mà vẫn còn độc thân là một tình trạng mà thế giới không thực sự hiểu được. Đặc biệt là ở châu Âu và Anh, nơi phụ nữ mới ba mươi tuổi đã hoảng loạn lên vì đồng hồ sinh học của mình. Nhưng nếu ta cực kỳ thành công, ta có thể tạo ra quy luật của riêng mình về việc ta muốn sống đời mình như thế nào.
[10] Tiếng Pháp, nghĩa là quý bà.
[11] Tiếng Anh, nghĩa là quý bà.
[12] Tiếng Anh, nghĩa là quý cô.
Và thật sung sướng làm sao! Cô nghĩ, nhìn ra ngoài cửa sổ lên ánh đèn Kleig chiếu sáng rực trên nền trời đêm đen tối. Được ở một mình trên thế giới này, tự do. Sao thế giới chưa bao giờ nói với phụ nữ về loại hạnh phúc này? Cảm giác đó có thể không tồn tại lâu, nhưng chuyện đó không quan trọng. Điều quan trọng là trải nghiệm mọi thứ trong đời, những khó khăn cũng như buồn rầu, và những chiến công làm ta choáng váng. Và nếu ta làm việc thực sự chăm chỉ, và tin vào chính mình, và sẵn lòng trải nghiệm nỗi đau và sự sợ hãi (sáo rỗng, đương nhiên rồi, nhưng chúng là thực), ta có thể thực sự may mắn và có được một đêm như đêm nay. Trong đời bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra, cô nghĩ; bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra với bất cứ ai, và đôi khi đó là điều tốt lành. Ta chỉ phải tin rằng nó có thể xảy đến với ta.
Chiếc xe nhích được tới vài mét rồi lại dừng lại, khi một đám đông băng qua đường. Giao thông cũng không quan trọng - bữa tiệc này là dành cho cô, và cô có thể đến muộn. Cô hít vào thật sâu, tận hưởng mùi da mới tinh trong chiếc Mercedes. Không có gì sánh được với mùi của một chiếc xe mới, và khi ta có được may mắn trải nghiệm nó, ta phải tận hưởng. Pierre Berteuil đã tử tế làm sao khi cho một chiếc Mercedes mới toanh (kiểu xe này ở Mỹ vẫn chưa có) để đưa đón cô dịp cuối tuần. “Đây là ông Hulot, tài xế của cô,” Pierre đã nói sáng hôm đó, khi ông Hulot, đội chiếc mũ tài xế và mặc bộ đồng phục màu xám, xuất hiện trước sân hiên Hotel du Cap, nơi họ đang ăn sáng và Victory đã ăn hai miếng bánh mì quết bơ mặn ngon tuyệt - loại mà ta chỉ có thể có được ở Pháp. “Ông Hulot cũng là vệ sĩ, vì vậy cô rất an toàn.”
“Ở đây không an toàn à?” cô hỏi.
“Liên hoan phim thu hút vài kẻ lạ lùng,” Pierre nói. “Không nguy hiểm gì, nhưng cô phải cẩn thận. Chúng tôi không muốn mất cô đâu,” ông nói thêm, mỉm nụ cười dâm đãng.
Vậy là giờ đây, ngoài ở một phòng suite ở Hotel du Cap (nó là một trong những phòng xịn nhất, ở khu nhà chính trông ra vườn, bể bơi, và biển, có cửa mở ra một ban công nhỏ), cô có xe và vệ sĩ riêng.
Cô bắt chéo chân, vuốt thẳng nếp gấp chiếc đầm lụa màu xanh. Chiếc váy này là một trong những chiếc cô ưa thích, và cô định cho trình diễn nó vào show diễn mùa thu sắp tới. Nhưng show diễn sẽ được tổ chức ở New York hay Paris? Cô phải nhớ bàn bạc với Pierre về chuyện này mới được. Ông muốn cô ở Paris hai tuần. Nhưng công ty muốn xây dựng cô thành nhà thiết kế couture người Mỹ, dĩ nhiên là với loạt sản phẩm-ít-đắt-đỏ-hơn. Nhưng chính cơ hội được làm một dòng sản phẩm couture đã khiến cô quyết định chấp nhận đề nghị này; đơn giản là hấp dẫn quá không thể từ chối được.
Cô biết mình đang mạo hiểm, cô nghĩ, cau mày khi nhìn ra xe cộ ở phía trước mặt mình. Nhưng cuộc sống là mạo hiểm. Cô đã lo B et C đang bí mật mua tên tuổi của cô rồi hất cẳng cô đi. Chuyện này xảy ra trong ngành thời trang mãi rồi, và có đầy những câu chuyện về các nhà thời trang đã mất công ty của mình khi bán danh hiệu cho một tập đoàn thời trang. Đây là một thỏa thuận kiểu Faustian: cuối cùng ta có một đống tiền mặt, nhưng ta cũng có thể mất đi quyền hạn với chính tên tuổi của mình, dù ta vẫn có khả năng kiếm được tiền. Một trong những điều khoản trong hợp đồng là một khi B et C sở hữu bạn, bạn không được phép bỏ đi thành lập công ty mới. Mặc khác, chỉ nghĩ đến việc làm một dòng couture đã khiến trong người cô có cảm giác sáng rực lên như cây thông Noel rồi. Một dòng couture là thứ mà mọi nhà thiết kế đều mơ ước được làm, và chỉ có một vài người có được cơ hội để thử. Một dòng couture là một đỉnh cao, nơi thời trang bước vào nghệ thuật, đối lập với thương mại. Sau hàng tuần liền gặp mặt và phân tích tình huống với Wendy và Nico, cô quyết định có lẽ cơ hội này đáng tận dụng. Lý lẽ của cô là nếu B et C muốn cô làm dòng sản phẩm couture, họ cần cô.
Cô vẫn chưa ký hợp đồng, nhưng cô sẽ ký, cô nghĩ, cuối tuần này khi cô quay lại Paris. Sáng thứ Tư cô sẽ bay tới Florence để gặp ba công ty gia đình cực đỉnh. Họ cao cấp đến mức một nhà thời trang không thể tới được cửa nếu không có các mối quan hệ đúng đắn, rồi sáng thứ Sáu cô sẽ quay lại Paris. Trong lúc đó, Pierre nằng nặc đòi họ sẽ bay đi Cannes để dự buổi lễ khai mạc liên hoan phim. Ông tổ chức một bữa tiệc chúc mừng cô trên chiếc thuyền buồm ba trăm foot của mình, mà giờ cô đang trên đường đến đó. Cô hy vọng cuối cùng sẽ đến được - nếu họ qua được cái đám xe cộ chết tiệt này.
Trên Croisette đầy những bảng năm mươi foot công bố những bộ phim được chiếu tại festival. Và ở phía trên cô nhìn thấy bảng công bố bộ phim bom tấn mùa hè của Wendy, một phim giật gân nói về tương lai tên là Die Slowly. Ngay lập tức cô cảm thấy niềm tự hào về bạn mình dâng trào. Wendy đang làm rất tuyệt - trong sự nghiệp của cô. Phim Spotted Pig vừa đạt hai giải Oscar. Và Wendy bảo rằng sẽ rất là tuyệt nếu cô không có kinh khi bước trên thảm đỏ và suốt cả tối hôm đó đã phải nhét giấy vệ sinh vào quần lót. Nico và Victory nghĩ chuyện đó rất buồn cười, và cả Wendy cũng nghĩ thế, nếu cô không quá tức giận chuyện Shane. Những gì anh đã làm với cô thật không thể hiểu nổi, nhưng Wendy đã giải quyết khá đáng ngưỡng mộ. Cô đã đem toàn bộ ba đứa nhỏ về ở phòng suite của mình ở khách sạn Mercer. Và khi nhìn thấy tình trạng đó, Victory đã nghĩ chắc Wendy điên rồi. Nhưng cô không bao giờ than phiền lấy nửa lời. Thậm chí cô không quát lên khi Tyler cố tình đổ hết nước hoa quả lên thảm vì nó muốn uống nước dâu tây chứ không phải là nước cam. “Này con yêu, sao thế?” Wendy đã vừa hỏi Tyler vừa ôm thằng bé. “Con sợ à?” Tyler đã gật đầu, và Wendy bảo nói rằng thỉnh thoảng ai cũng sợ cả, và không sao cả. Rồi cô đích thân đi lau chùi mọi thứ, và gọi dịch vụ phòng mang tới một ly nước dâu tây. “Tớ xin lỗi, Wendy,” Victory đã nói đầy ngưỡng mộ. “Nhưng là tớ thì tớ đã hét ầm lên rồi.”
“Cậu sẽ không làm thế đâu,” Wendy nói. “Nếu bọn nó là con cậu, mọi chuyện sẽ khác.”
Mọi người lúc nào cũng nói thế. Và Victory nghĩ chắc đúng thế thật, cô nhìn lên bảng quảng cáo của Wendy một lần nữa. Nhưng dù vậy cô không muốn bản thân trải nghiệm việc đó.
Dù thế nào, Wendy đã đến Cannes sáng thứ Ba cho buổi công chiếu bộ phim của cô vào tối hôm đó. Cô cũng ở tại khách sạn Hotel du Cap, và đã sắp xếp để ở phòng suite ngay cạnh phòng Victory. Họ sẽ mở cửa nối hai phòng và ngủ chung với nhau hai ngày. Một lần ngủ chung hoành tráng và rất đắt tiền, Wendy bảo đây là thứ duy nhất mà cô trông ngóng đã bao tuần nay rồi.
Họ sẽ có rất nhiều chuyện vui, Victory đồng ý. Cô lấy di động ra và nhắn tin cho Wendy: “trên đường tới bữa tiệc. ngang qua bảng quảng cáo của c ở cannes. đẹp gớm, gớm, gớm. chúc mừng. rất mong gặp c.”
Cô nhấn nút gửi và giật mình bởi tiếng gõ vào cửa kính chiếc Mercedes. Một đứa nhỏ bẩn thỉu - một bé gái tóc vàng xõa xuống hai bên mặt - đang gõ vào cửa sổ bằng một đóa hồng đỏ. Victory buồn bã nhìn nó. Những đứa trẻ tội nghiệp này ở khắp mọi nơi - trên đường phố, trong khách sạn, và cửa hàng, cố bán hoa hồng cho khách du lịch. Một vài đứa chắc mới năm sáu tuổi; thật là kinh khủng. Suốt hai ngày cuối tuần, Victory đã tự hỏi đất nước kiểu gì mà lại để trẻ con bán hàng trên đường phố. Đặc biệt một đất nước nơi dân chúng tuyên bố là rất yêu trẻ con. Đúng là đạo đức giả kiểu Pháp điển hình, cô vừa nghĩ vừa hạ cửa sổ xuống. Từ bên ngoài vọng vào tiếng nhạc và một bữa tiệc đang diễn ra đâu đó phía bên kia đường. “Voules-vous acheter une rose?” [13] đứa bé hỏi. Nó ngạc nhiên nhìn trân trối vào trong xe, ngắm nghía bộ váy và dây chuyền của Victory, một viên kim cương hình giọt lệ mười lăm carat mà Pierre đã sắp xếp để cho cô mượn vào tối hôm đó.
“Absolument. Merci[14],” Victory nói. Cô mở cái xắc nhỏ, đựng năm trăm Euro, thẻ American Express đen của cô, một thỏi son, và một hộp phấn sáp, và đưa cho bé gái đồng một trăm Euro. “Ah, Madame,” đứa bé kêu lên. “Vous êtes très gentile. Et très belle. Vous êtes une movie star?”[15]
“Non, une fashion designer,”[16] Victory mỉm cười nói. Chiếc xe nhích lên trước một ít, và đứa nhỏ bám vào cửa sổ, chạy vụt theo bên cạnh xe. “Attendez. Le traffic,”[17] Victory sợ hãi hét lên. Con bé bật cười - răng cửa của nó bị khuyết gần hết - và giây tiếp theo đã biến mất vào trong dòng xe phía sau họ.
[13] Tiếng Pháp trong nguyên bản: Cô muốn mua một bông hồng không?
[14] Tiếng Pháp trong nguyên bản: Đương nhiên rồi. Cám ơn.
[15] Tiếng Pháp trong nguyên bản: À, thưa quý bà. Bà tốt bụng quá. Và rất đẹp nữa. Bà là ngôi sao điện ảnh ạ?
[16] Không, là nhà thiết kế thời trang.
[17] Cẩn thận. Xe cộ kìa.
“Madame,” ông Hulot vừa nói vừa lắc đầu. Bà không nên làm thế. Sẽ khuyến khích bọn nó. Giờ thể nào bọn nó cũng bu lấy xe, như chim bồ câu...”
“Bọn nó chỉ là trẻ con thôi mà,” Victory nói.
“Chúng... nói thế nào nhỉ, là những tên cướp biển nhỏ. Chúng đặt tay lên khắp cả cái xe và ông Berteuil không thích thế.”
Dấu tay? “Tệ nhỉ,” Victory nói. Nếu Pierre Berteuil không thích cô giúp một đứa bé gái thì đúng là quá tệ. Ông ta đâu có sở hữu cô. Và nếu chỉ bởi vì ông ta giàu không có nghĩa là ông ta luôn được làm theo ý mình, cô khó chịu nghĩ, nhớ rằng đó gần như là những từ cô đã dùng hai tuần trước, khi cô chia tay với Lyne Bennett. Ôi, Lyne, cô nghĩ, và nhún vai. Cô lại nhìn ra ngoài cửa sổ và cau mày. Ông ấy không đến nỗi quá tệ...
Và trong một giây, đột nhiên cô ước ông ở đây, với cô. Đến bữa tiệc lớn của cô. Thế sẽ hay biết nhường nào.
Mà những ý nghĩ này từ đâu ra thế? Cô tự hỏi, sắp xếp lại các thứ trong túi. Trong hai tuần qua cô gần như đã không nghĩ đến Lyne. Ngay giây phút cô chia tay với ông, ông biến mất tăm khỏi tâm trí cô, thế hẳn phải là dấu hiệu cho thấy cô đã làm một việc đúng đắn. Dù vậy, sao chuyện này luôn xảy ra với cô khi liên quan đến đàn ông? Khi lần đầu tiên gặp gỡ một người và bắt đầu hẹn hò với anh ta, cô luôn cảm thấy hứng thú điên cuồng từ lúc khởi đầu, nghĩ rằng cuối cùng mình cũng đã gặp được đúng người - và rồi cô bắt đầu chán. Có phải cô là người phụ nữ duy nhất cuối cùng thấy đàn ông và các mối quan hệ khá là nhàm chán không nhỉ? Hay chỉ đơn giản rằng, khi dính dáng tới các mối quan hệ, cô giống đàn ông hơn là phụ nữ? Cô hoảng sợ cắn móng tay. Sự thật là gần đây cô bắt đầu thấy khá... bối rối.
Nhưng ai mà tưởng tượng nổi Lyne Bennett cuối cùng lại trở nên phụ thuộc chứ? Ông là một trong những người đàn ông thành công nhất trên hành tinh này. Ấy vậy mà cuối cùng, cô thấy mình tự hỏi sao ông không thể như Nico hay Wendy, hai người này cũng thành công vang dội, nhưng biết cách để người khác yên, và làm việc của mình. Kể từ khi cô chạy trốn khỏi căn nhà của Lyne ở Bahamas để tới cuộc họp ở Paris, Lyne đã loạn lên vì cô, liên tục gọi điện và bất ngờ xuất hiện ở showroom của cô, rồi ngồi trong văn phòng của cô, đọc báo và làm việc trên điện thoại di động của mình.
“Lyne,” cuối cùng cô phải nói, vào lần thứ ba ông quyết định tạt qua - lúc bốn giờ chiều. “Anh không có chỗ nào khác để đi à? Không có người nào phải gặp à? Không có chuyện gì để làm à?”
“Anh đang làm đây, cưng,” ông nói, giơ chiếc BlackBerry của mình. “Văn phòng di động, nhớ không? Công nghệ hiện đại. Giờ đâu còn ai ngồi xích chân với cái bàn nữa chứ.”
“Công nghệ hiện đại không phải là cái thứ như thế,” Victory nói, ném cho ông cái nhìn ngụ ý rằng cô ước gì ông ngồi ở bàn của ông.
“Ồ, xin chào, Lyne,” trợ lý của cô - Clare nói vẻ tự nhiên, bước vào văn phòng của cô.
“Chào bé con,” Lyne nói. “Thế mọi chuyện với anh chàng mới thế nào?”
Cái này hơi bị lạ. “Cô và Lyne nói chuyện với nhau nhiều à?” sau đó cô hỏi Clare.
“Ông ấy hay chuyện mà.” Clare nhún vai. “Thỉnh thoảng ông ấy gọi cho chị và khi chị không có ở đây...”
“Ông ấy đích thân gọi à?”
“Vâng. Sao lại không?” Clare hỏi. “Ông ấy rất lịch sự. Hay ít nhất có vẻ như ông ấy cố tỏ ra lịch sự.”
“Lịch sự không phải là từ tôi dùng để miêu tả Lyne Bennett,” Victory nói.
“Chà, ông ấy vui tính. Chị phải công nhận điều đó. Ông ấy khá vui vẻ. Và có vẻ như ông ấy phát điên lên vì chị. Ông ấy lúc nào cũng trông chừng chị. Và khi chị không có ở đây, ông liên tục hỏi chị thế nào.”
Kỳ cục. Rất chi là kỳ cục, Victory nghĩ.
Và rồi có một vụ nhỏ với nghệ sĩ hip-hop, Venetia, cô này đóng trong một chiến dịch quảng cáo mỹ phẩm của ông. Lyne, Venetia, và đội trợ lý bốn người của cô ta xuất hiện không báo trước tại showroom của Victory vào một buổi chiều. Thông thường, cô sẽ không khó chịu gì, vẫn giữ một chính sách mọi người có thể hiểu ngầm là khách hàng và bạn bè có thể bất ngờ ghé thăm. Vào những tình huống thông thường, có khi cô còn vui vẻ đích thân chỉ cho Venetia bộ sưu tập của mình, và cho cô ta mượn bất cứ thứ gì cô ta muốn. Nhưng chiều hôm đó Muffie Williams từ B et C đến văn phòng của cô, một sự ghé thăm trước nay chưa từng có, và họ đang bàn luận sôi nổi về dòng sản phẩm mùa xuân sắp tới. Cô không thể đề nghị Muffie đứng qua một bên nhường chỗ cho một người nổi tiếng, một việc mà Lyne dường như không hiểu. “Cho Venetia thấy cái váy xanh đó đi cưng,” Lyne nài nỉ. “Em biết đấy, cái mà anh thích ấy...”
Muffie đăm đăm nhìn Lyne như thể ông vừa mới lái xe chẹt lên con mèo của bà. Và khi Lyne không hiểu thông điệp đó, bà đứng dậy và nhanh chóng thu dọn đồ đạc. “Chúng ta sẽ bàn vào hôm khác nhé, cưng,” bà nói với Victory.
“Muffie, tôi xin lỗi,” Victory yếu ớt nói. Cô liếc xéo Lyne.
“Sao?” ông hỏi. “Anh làm gì sai chứ? Chẳng lẽ anh không được thích cái váy đó à?”
“Sao anh có thể làm như thế?” sau đó Victory hỏi ông. Họ ngồi ở ghế sau trong chiếc SUV của ông, mặc đồ dạ tiệc, đi đến một buổi tiệc từ thiện tại Metropolitan Museum. “Em đang họp với Muffie Williams, mà tình cờ bà ấy lại là một trong những phụ nữ quan trọng nhất trong ngành thời trang...”
“Này, anh chỉ cố giúp đỡ thôi mà. Anh nghĩ em sẽ thích thiết kế đồ cho Venetia. Cô ấy có mặt khắp mọi nơi. Cô ấy có thể sẽ mặc một trong những chiếc váy của em tới dự lễ trao giải Grammy...”
“Ôi Lyne,” cô thở dài bực bội. “Không phải thế. Chỉ là dường như anh không tôn trọng việc em làm.”
“Không tôn trọng á?” ông hỏi. “Anh yêu những gì em làm, cưng ạ. Em là tuyệt nhất...”
“Nếu em cứ thế mà xuất hiện ở văn phòng anh thì sao?” cô hỏi. Cô nhìn ra ngoài cửa sổ. “Em xin lỗi, Lyne, nhưng từ giờ trở đi anh bị cấm đến showroom của em.”
“Ồ, anh hiểu rồi,” ông nói. “Đây là chuyện tiền bạc phải không?”
“Tiền?”
“Phải. Giờ em kiếm được hai mươi lăm triệu đô, em nghĩ em không cần anh nữa.”
“Em chưa bao giờ cần anh. Và đặc biệt là không phải vì tiền của anh. Thành thật mà nói, Lyne ạ, tiền của anh không hấp dẫn đến thế đâu.”
“Thế còn tiền của em?” Lyne nói, không chịu coi những gì cô nói là nghiêm túc. “Có phải em đang nói rằng tiền của em thì hấp dẫn hơn tiền của anh?”
“Hấp dẫn hơn với em,” cô dằn dỗi nói. Cô ngả người ra trên ghế. “Được rồi,” cô nói. “Anh nói đúng. Đây là chuyện tiền bạc. Em không muốn ở bên người đàn ông có nhiều tiền như anh. Bởi vì mọi chuyện đều là về anh. Anh cứ cố lôi em vào thế giới của anh. Trong khi em hoàn toàn hạnh phúc với thế giới mà em đã tạo cho chính mình.”
“Chà,” Lyne nói. “Anh thực tình không biết phải đáp lại câu đó thế nào.”
“Nghe này,” cô nói, cố gắng giải thích. “Nó như thế này. Cuộc đời anh như là một show diễn Broadway hoành tráng. Và cuộc đời em là một show không phải ở Broadway và nhỏ hơn nhiều. Nó không thể lớn lắm, nhưng nó là show diễn của em, và nó cũng thú vị như show diễn của anh. Việc chúng ta cố ở bên nhau như là cố gộp hai show diễn đó lại vậy. Chỉ có một kết quả duy nhất: show diễn bé sẽ bị show diễn lớn hoành tráng kia nuốt mất tiêu. Show diễn lớn có thể hạnh phúc, nhưng show diễn nhỏ sẽ khổ sở. Show diễn nhỏ sẽ không thể sống nổi...”
“Anh nghĩ em là nhà thiết kế thời trang,” Lyne cười toe toét nói.
Cô mỉm cười chua chát. Cái ông này có bao giờ chịu thua không nhỉ? “Em biết anh hiểu em đang nói gì...”
“Anh đang nghe là có vẻ như em nghĩ anh là một show diễn Broadway. Em nói tiếng Anh đơn giản với anh đi mà cưng. Anh là loại không hiểu những thứ ngụ ý mà, em nhớ không?”
Ông vỗ vỗ tay cô vẻ đắc thắng. Cái kiểu lì lợm không chịu hiểu cảm giác của người khác của ông là thứ đã khiến cô mắng ông khoảng một tuần trước, và giờ ông cố tỏ ra thông minh và chơi lại cô.
“Vấn đề là, làm sao em có thể là một phụ nữ thành công khi em ở bên một người đàn ông còn thành công hơn em gấp bội?” cô hỏi. “Em không thể. Như vậy sự nghiệp của em chẳng có nghĩa lý gì cả.”
“Thế đây là về chuyện ấy à?” Lyne nói, nhếch mép cười. “Anh tưởng đây là thứ tất cả phụ nữ các em muốn. Ở bên một người đàn ông thành công hơn mình. Đây chẳng phải là một thứ khổ sở với phụ nữ trong suốt hai mươi năm qua ư? Phụ nữ thành công không thể tìm được đàn ông vì không có đủ đàn ông thành công hơn họ, và chỉ có một số ít, thì lại không muốn ở bên họ? Đây chẳng phải là lời than phiền lớn nhất rằng hầu hết đàn ông thành công chỉ muốn ở bên bọn gái xinh nhưng đần độn? Vậy xem xét tất cả những điều đó, thì bé con nên cảm thấy hạnh phúc. Em đã chụp được một cơ hội vàng, và cơ hội vàng ấy tên là Lyne Bennett.”
Ông ta mới trơ tráo làm sao! cô nghĩ, nhìn ông mà phát điên lên. “Suy nghĩ đó là từ hồi thập niên chín mươi, Lyne ạ. Em không biết phụ nữ thành công nào lại nghĩ như thế. Hầu hết những phụ nữ thành công mà em biết đều muốn ở bên những người đàn ông ít thành công hơn...”
“Để họ có thể ra lệnh cho đàn ông?”
“Không. Bởi vì họ không muốn bị ra lệnh.” Cô ngả người ra ghế. “Việc người nào có nhiều tiền hơn trong một mối quan hệ thì nắm quyền kiểm soát, đó là một sự thật không thể tránh khỏi.”
“Có thể,” Lyne nói, “nhưng nếu họ là người tử tế, họ sẽ không bao giờ để người kia biết.”
Cô ngạc nhiên nhìn ông. Trong cái kiểu vênh váo của ông, thỉnh thoảng có lúc Lyne bất ngờ tỏ ra tử tế. Có lẽ cô đã phán xét ông quá khác nghiệt... suy cho cùng, việc ông giàu có đâu phải lỗi của ông. Đó đâu nhất thiết là lỗi về mặt tính cách.
“Anh hiểu điều em nói,” ông nói. “Em muốn anh bước vào thế giới của em. Vậy sao em không đưa anh đến ngôi nhà ở miền quê mà em luôn nhắc đến nhỉ.”
“Được rồi, em sẽ đưa,” cô nói. “Nhưng cả căn nhà của em nhỏ bằng phòng khách của anh. Có khi nhỏ hơn.”
“Có phải em đang nói rằng anh là một kẻ hợm hĩnh không?” Lyne nói, giả vờ giận dữ.
“Em chỉ đang bảo rằng có khi anh sẽ chán tận óc. Ở đó không có gì cả - thậm chí anh không thể có được một miếng phomát tử tế.”
“Buồn cười,” ông nói, lắc lắc đầu. “Anh đâu có định ăn phomát.”
Đưa Lyne về căn nhà ở vùng quê là một viễn cảnh mà Victory đã hy vọng sẽ tránh được. Căn nhà tranh nhỏ của cô, chưa tới 1.500 feet vuông, là thánh địa của cô, nằm ở một vùng hẻo lánh ở phía Bắc Connecticut chỉ có một cửa hiệu bánh, một bưu điện, một cửa hàng thực phẩm và một trạm xăng dầu. Nó không hề hoành tráng; không có tiệc tùng để đi. Thậm chí trong khuôn viên vài dặm không có nổi một nhà hàng tử tế. Nhưng đó chính là điều cô thích về nó. Khi cô về vùng quê, cô mặc quần áo cũ và đeo kính cũ, và thỉnh thoảng không gội đầu trong vài ngày. Cô nhìn các con bọ và quan sát chim chóc qua ống nhòm, xem sách về ruộng đồng để biết cái loại chim gõ kiến khác nhau. Căn nhà nằm giữa một khoảnh đất chín mẫu, và có một cái bể bơi nhỏ và một cái hồ. Vào buổi đêm, cô sẽ nghe tiếng ếch gọi bạn tình. Cô tưởng tượng có thể cực kỳ nhàm chán, nhưng ở đó cô chưa bao giờ cảm thấy nhàm chán. Ai có thể nhàm chán chứ, với tất cả thiên nhiên ở xung quanh mình như thế? Nhưng liệu Lyne Bennett có nghĩ như vậy không? Không chắc lắm. Ông ta sẽ đến và mặc chiếc áo len cashmere Etro trị giá một nghìn đô, và ông sẽ làm hỏng tất cả.
Nhưng có lẽ, cô nghĩ, đó chính là giải pháp. Lyne sẽ thấy con người thật của Victory, và ông sẽ không thích thú nữa.
Lyne muốn Bumpy lái xe chở họ về tối thứ Sáu, nhưng Victory không chịu. “Chúng mình sẽ đi bằng xe của em, và em lái.”
Lyne trông hơi sốc khi cô đỗ lại trước tòa nhà của ông trong chiếc PT Cruiser. Nhưng ông không nói gì cả, mà trình diễn màn thắt dây an toàn và đẩy ghế ra sau rất trịnh trọng, như thể chuẩn bị cho chuyến đi phía trước. “Anh đoán là nếu em bán công ty, em có thể sẽ mua một chiếc xe khác,” ông cố tình nói.
“Em đang cân nhắc,” cô nói, lái xe vào dòng xe cộ, “nhưng về cơ bản em là người khá thực dụng. Ý em là, cái xe thực chất chỉ là phù phiếm thôi, đúng không? Nó không phải là một khoản đầu tư - nó mất giá ngay sau khi anh mua. Em không thể bán đúng bằng giá mua, như trang sức, đồ đạc hoặc thảm.”
“Cô chủ nhỏ của tôi,” Lyne nói, bám chặt vào bảng đồng hồ khi cô lạng lách trong dòng xe.
“Em thích giữ sự liên hệ với những thứ quan trọng.”
“Phụ nữ nào chả thế? Đó là một trong những quy tắc nhàm chán khi làm phụ nữ. Sao không giữ liên hệ với những thứ vớ vẩn?”
“Đó là lý do vì sao em có anh,” cô nói.
Lyne nhoài tới và bắt đầu nghịch những nút bấm trên bảng điều khiển chính giữa.
“Này anh?” Victory nói.
“Chỉ đang băn khoăn không biết xe này có điều hòa không khí không.”
“Có đấy, nhưng em ghét. Dù bên ngoài có ba mươi độ thì em cũng mở cửa xe.” Và để chứng minh quan điểm của mình, cô mở cửa sổ, làm làn khí nóng tạt vào người Lyne.
***
Kỳ nghỉ cuối tuần không đến nỗi thảm họa lắm cho đến tối thứ Bảy. Mãi đến lúc đó, Lyne đã cố gắng hết sức cho thấy ông cũng có một mặt khác, thoải mái hơn. Nhưng có lẽ một phần là do trong vòng bán kính ba mươi dặm không có sóng điện thoại di động. Vào sáng thứ Bảy, họ đi một hội chợ nông nghiệp địa phương. Và thay vì nhìn thỏ và gà trống, Lyne cứ nhìn điện thoại di động của mình. “Làm thế nào mà ở đây cũng không có sóng nhỉ?” ông hỏi. “Anh dùng cái di động này trên đảo hoang ở ngoài khơi xa Thổ Nhĩ Kỳ, vậy mà ở Connecticut thì lại không có sóng ư?”
“Anh yêu, nhàm chán quá rồi đấy,” Victory nói. “Than phiền việc không có sóng di động. Anh phải quên chuyện đó đi.”
“Được rồi,” Lyne nói. Ông nghịch ngợm chọc ngón tay vào lồng một con gà trống, và ngay lập tức bị mổ. “Chúa ơi,” ông nói, lắc lắc ngón tay. “Nơi quỷ quái gì thế này? Không có sóng di động và gà giết người.”
“Lại chỗ mấy cái máy cày xem đi,” cô nói.
“Đi giày này á?” ông hỏi, nhấc một chân lên. Ông đang đi đôi giày lười đắt tiền của Ý.
“Này, cẩn thận,” một phụ nữ mặc bộ váy lộng lẫy kêu lên, bà này đang ngồi một bên trên một con ngựa. Lyne nhảy sang một bên, đạp phải đống phân, mà ngay lập tức Victory đoán là phân bò. Lyne cười vẻ anh hùng, chỉ nhìn xuống giày khoảng mười lăm giây.
“Và bây giờ là John trong cuộc thi kéo máy cày, lần đầu tiên cố thử kéo bốn chăm pound,” phát ngôn viên thông báo trên loa.
“Em thích cái này lắm, anh thích không?” Victory hỏi.
Cô nhìn Lyne đợi sự đồng ý, nhưng dường như đột nhiên ông đã biến mất. Mẹ kiếp ông, cô nghĩ. Ông cứ như một đứa trẻ luôn chạy biến đi rồi bị lạc. Cô khoanh tay trước ngực. Cô sẽ không đi tìm ông. Ông lớn rồi và cô không phải mẹ ông.
Cô xem màn kéo máy cày, từng phút một trôi qua lại càng cảm thấy tức giận và sợ hãi không biết ông có bị làm sao không. Và rồi cô nghe phát thanh viên nói, “Đây là Line, hoặc là Lynn, thật không tài nào đánh vần cho đúng tên anh bạn này, cố thử lần đầu tiên kéo bốn chăm pound...”
Không thể nào. Nhưng lại đúng thế. Lyne ở đó, ngồi trên một chiếc máy cày, cố kéo nó qua đường đầy bùn. Ông đi tới được vạch cuối cùng và cô vỗ tay hoan hô, nghĩ ông thật hiếu thắng. Ông không thể ngăn mình không tham gia bất kỳ một cuộc đua tranh nhau.
Lyne vào được đến vòng bán kết, nhưng cuối cùng bị loại khi khói bắt đầu bốc ra từ động cơ máy cày lúc ông kéo đến tám trăm pound.
“Này bé có thấy anh không?” ông hổn hển nói, tự hào về bản thân. “Anh cho bọn nông dân ở đây sáng mắt ra, nhở?”
“Anh lấy cái máy cày đó ở đâu ra thế?” cô hỏi.
“Mua của một tay nông dân nào đó với giá mười ngàn đô.”
“Anh định làm cái quái gì với nó?”
“Em nghĩ sao?” ông nói. “Anh trả nó lại cho ông ta. Ông ta là bạn thân mới của anh. Bảo với ông ấy là lần tới khi về đây anh sẽ tới trang trại của ông ta và lái nó.”
Đêm đó, cô làm món gà nướng cho buổi tối. Lyne cứ luôn miệng nói về cuộc thi kéo máy cày, và ông đã hạ gục vài tay nhà quê thế nào. Cô nghĩ chuyện thật buồn cười, cho đến khi cô bắt đầu làm nước xốt. Lyne, vẫn tự mãn về màn biểu diễn kéo máy cày, nằng nặc đòi làm nước xốt, bảo rằng ông biết một công thức làm nước xốt tuyệt hảo do mẹ ông dạy. Ông đổ rượu vang đỏ vào đó, và rồi xốt Worcestershire. Đột nhiên, Victory không chịu nổi nữa. Cô hét vào mặt ông, và trong một giây, ông đứng đó, sững sờ. Rồi ông ném cái thìa vào bồn rửa.
“Sao anh dám?” Victory nói, cầm cái thìa lên. Cô dí nó vào mặt ông. “Anh không được phép cư xử như thế trong nhà em.”
“Được thôi,” ông nói. “Dù sao có vẻ em muốn được ở một mình, vì thế tốt hơn hết là anh đi về. Anh sẽ gọi Bumpy và bảo anh ta đến đón anh.”
“Ý kiến hay đấy,” cô nói.
Mất hai tiếng rưỡi Bumpy mới đến được đó. Trong thời gian đó, họ gần như không nói chuyện với nhau. Cô cố ăn món gà, nhưng nó khô khốc và làm cô bị nghẹn. Đây chính là giây phút lẽ ra họ nên làm lành, khi một trong hai nên xin lỗi, nhưng có vẻ như chẳng ai buồn cố gắng. “Tốt hơn là cứ như thế này,” cô nói với ông, khi cuối cùng ông bước ra khỏi cửa.
“Sao cũng được,” ông lạnh lùng nói. Ông đã rút vào lại cái vỏ nhà tỷ phú thờ ơ của mình, và cô đã đẩy ông vào đó.
“Cậu chia tay vì nước xốt ư?” Sau đó Wendy kêu lên, qua điện thoại.
“Luôn là những thứ nhỏ nhặt, chả phải à?” Victory nói. Cô nhìn quanh ngôi nhà nhỏ xíu của mình. Lẽ ra phải có cảm giác yên bình hạnh phúc, khi mà trật tự đã được khôi phục lại, nhưng thay vào đó nó dường như vắng vẻ và buồn bã. “Ôi Wendy, tớ là đồ chết tiệt,” cô nói. “Tớ cư xử như một đứa dở hơi toàn tập. Tớ không biết mình bị làm sao nữa. Tớ nổi đóa lên. Tớ chỉ không thể chịu nổi khi nhìn thấy ông ấy trong không gian của tớ...”
“Vậy sao cậu không gọi cho ông ấy đi?”
“Tớ nghĩ là không nên. Giờ quá muộn rồi, tớ chắc chắn là ông ấy ghét tớ. Hoặc nghĩ là tớ bị điên. Mà tớ đã cho ông ta lý do khá chắc chắn để tin như vậy.”
Tuy vậy, cô đã nghĩ cuối cùng rồi thì Lyne sẽ gọi cho cô. Hồi trước lúc nào ông cũng làm vậy. Nhưng lần này thì không. Hai ngày trôi qua, rồi bốn ngày. Và giờ đến lúc này, cô đã quyết định sẽ quên ông. Không quan trọng gì cả.
Nhưng dù vậy, nó vẫn làm cô sợ - cái khả năng sợ hãi có thể ngay lập tức cắt đứt với một người đàn ông và mọi tình cảm của cô dành cho ông. Xa mặt, cách lòng. Thật sự dễ dàng như thế đấy.
Những phụ nữ khác có cảm thấy thế này không? Wendy thì không, mà Nico cũng không. Dù cho Nico có ngoại tình, cô ấy vẫn “yêu” Seymour. Nhưng có gì đó xảy đến với ta khi ta có quá nhiều mối quan hệ, nghĩa là rất nhiều các cuộc chia tay nữa. Đầu tiên thì đau đớn khủng khiếp, và ta nghĩ mình sẽ không bao giờ vượt qua được chuyện này. Nhưng rồi ta học cách phải nhìn về tương lai. Ta chỉ bị tổn thương vì anh chàng kia đã cướp đi ước mơ có một mối quan hệ của ta. Ta hiểu rằng cảm giác tổn thương thực sự chỉ là về cái tôi mà thôi, về cái ý tưởng lấy mình làm trung tâm rằng mọi người đàn ông xung quanh đều nên yêu ta, rằng vũ trụ nợ ta điều đó. Nhưng tình yêu không phải là cái quyền con người không thể chuyển nhượng. Và vài phụ nữ có khi sống suốt cả đời mà không có nổi một người đàn ông thực sự yêu họ. Một vài người đàn ông cũng vậy! Và chắc hẳn cô là một trong số đó. Đó là một sự thật cô nên chấp nhận, cô dữ dội nghĩ, dù có đau đớn đến mức nào. Có ai bảo cuộc đời sẽ dễ dàng đâu. Cô có thể đương đầu với nó; cô sẽ tiếp tục. Và hơn nữa, cô có sự nghiệp của mình.
Cô lại nhìn ra bên ngoài cửa sổ chiếc Mercedes lần nữa. Chiếc xe dường như đã tiến qua được một tòa nhà nữa, và cuối cùng, ông Hulot bật đèn xi nhan để rẽ trái vào lối xe chạy của cảng. Đây rồi, cô nghĩ. Bữa tiệc là sự công nhận cô và tài năng của cô, và mọi thứ mà cô đã làm việc rất chăm chỉ để đạt được.
Chiếc xe từ từ chạy xuống làn đường xi măng hẹp, cuối cùng dừng lại trước một chiếc du thuyền màu trắng sáng loáng có những bóng đèn nhỏ. Hai người đàn ông vạm vỡ mặc đồ hàng hải và cầm bảng đứng im ở cuối ván cầu. Một nhóm nhân viên an ninh đeo bộ đàm đứng một bên, còn phía trước là một đám paparazzi, bị một hàng cảnh sát mặc đồ màu da cam cản lại. Đèn sáng chói cả mắt, và qua làn ánh sáng trắng, Victory nhận ra những cặp diễn viên điện ảnh nổi tiếng đang nắm tay và vẫy rất chuyên nghiệp.
Victory ra khỏi xe, cúi xuống để cầm đuôi váy lên. Đột nhiên đám paparazzi chuyển sự chú ý qua cô, và cô mỉm cười, dừng lại đứng vài tư thế cho
Tác giả :
Candace Bushnell