Quỷ ám
Chương 10
Regan nằm ngửa trên bàn khám của bác sĩ Klein, tay và chân khuỳnh ra ngoài. Nắm lấy bàn chân cô bé bằng cả hai tay, bác sĩ gập nó về phía mắt cá. Trong một thời gian, ông cứ giữ cho bàn chân căng thẳng, rồi thình lình buông nó ra. Bàn chân xuôi trở lại vị trì bình thường.
Ông lập lại động tác đó nhiều lần, nhưng kết quả không có gì khác. Ông có vẻ bực. Thế rồi Regan ngồi phắt lên nhổ toẹt vào mặt ông. Ông dặn một người điều dưỡng ở lại phòng, còn ông quay lại văn phòng thảo luận với Chris.
Hôm đó nhằm ngày 26 tháng Tư. Bác sĩ không có mặt ở thành phố suốt hai ngày Chủ nhật và Thứ Hai, nên mãi sáng nay Chris mới tiếp xúc được với ông để thuật lại biến cố tại bữa tiệc và vụ giường lắc xảy ra sau đó.
" Nó lắc thật không?"
" Lắc thật."
" Bao lâu?"
" Tôi không rõ. Có lẽ mười, mười lăm giây gì đó. Đó là theo chỗ tôi tận mắt chứng kiến. Thế rồi con bé cứng người lại và đái ra giường. Hay có lẽ là nó đã đái dầm trước đó không chừng. Tôi cũng không biết nữa. Thế rồi bất ưng, nó ngủ say như chết và mãi đến xế trưa hôm sau mới thức giấc.
Bác sĩ Klein trầm ngâm ghi chú.
" Vậy thì đó là bệnh gì?" Chris hỏi bằng một giọng bứt rứt.
Lúc Chris mới đến lần đầu tiên, ông đã trình bày sự nghi ngờ của ông rằng việc giường bị lắc gây ra do một cơn co giật, do sự co dãn liên tục của các bắp thịt. Ông đã bảo nàng rằng hình thức mãn tính của một tình trạng như thế là chứng bệnh rung giật, thường là dấu hiệu chỉ cho biết có một tổn thương trong não.
" Vâng, cuộc thử nghiệm có kết quả âm tính," ông bảo nàng, vừa mô tả diễn trình thí nghiệm, vừa giải thích rằng trong chứng rung giật, đông tác co duỗi liền tiếp nhau của bàn chân lẽ ra phải làm nảy sinh một loạt các động tác co bóp rung giật. Tuy nhiên lúc ngồi ở bàn giấy, trông ông vẫn có vẻ lo lắng. " Con bé có bị ngã bao giờ không?"
" Ngã xuống bằng đầu ấy à?" Chris hỏi.
" Vâng!"
" Không có, theo chỗ tôi biết thì không."
" Các chứng bệnh trẻ con?"
" Bình thường thôi. Đại loại là lên sởi, quai bị và trái rạ."
" Có tiền sử mắc chứng bệnh mộng du không?"
" Mãi bây giờ mới có."
" Bà nói gì vậy? Con bé đi trong giấc ngủ tại bữa tiệc sao?"
" Đúng vậy. Nó vẫn không biết nó đã làm gì đêm hôm ấy. Lại còn nhiều thứ khác nữa mà nó không nhớ.
" Mới đây thôi à?"
Hôm Chủ nhật. Regan vẫn còn ngủ. Một cú điện thoại của Howard từ hải ngoại gọi đến.
" Rags ra sao?"
" Rất cảm ơn vì cú điện thoại gọi đến chúc sinh nhật nó."
" Tôi kẹt trên du thuyền. Thôi, bây giờ đừng nhiếc móc tôi nữa. Ngay lúc về đến khách sạn, tôi đã gọi cho con ngay."
" Ra thế."
" Con bé không bảo gì em à."
" Anh đã nói chuyện với nó?"
" Đúng. Chính vì thế nên tôi nghĩ là tôi cần phải gọi điện cho em. Có quái quỷ gì xảy ra với con bé vậy?"
" Anh muốn ám chỉ điều gì?"
" Đơn giản là nó đã gọi cho tôi là " thằng bú c... " rồi gác máy."
Thuật lại vụ đó cho bác sĩ Klein nghe. Chris giải thích rằng rốt cuộc khi Regan tỉnh giấc, con bé không còn nhớ chút gì về cú điện thoại của bố hay về bất cứ điều gì xảy ra trong đêm nàng đãi tiệc kia.
" Như vậy có lẽ cô bé đã không nói dối về chuyện đồ đạc di chuyển trong phòng," Klein nêu giả thuyết.
" Tôi không hiểu ý bác sĩ."
" Không nghi ngờ gì nữa, chính cô bé đã di chuyển đồ đạc, nhưng có lẽ trong lúc cô đang lâm vào một tình trạng mà cô không hề biết là mình đang làm gì nữa. Hiện tượng đó được biết dưới tên gọi là hành động vô thức. Cũng giống như trong trạng thái hôn mê. Bệnh nhân không biết hoặc không nhớ việc mình làm."
" Nhưng thưa bác sĩ, tôi vừa chợt nhớ đến một điều, bác sĩ biết chứ? Trong phòng con bé, có một cái tủ ngăn kéo lớn và rất nặng bằng gỗ tếch, trọng lượng cũng phải đến nửa tấn. Tôi muốn hỏi là làm cách nào con bé di chuyển cái tủ đó nổi?"
" Trong bệnh lý học, sức mạnh phi thường là một điều khá bình thường."
" Ồ, thật sao? Tại sao vậy?"
Bác sĩ nhún vai. " Nào ai biết."
" Còn bây giờ, ngoài những điều bà cho tôi biết," ông nói tiếp," bà có để ý thấy còn hành vi kỳ quặc nào nữa không?"
" Vâng có, con bé đâm ra quá sức ủy mị, sướt mướt."
" Kỳ quặc kia," ông nhắc lại.
" Đối với con bé, thế là kỳ quặc rồi. À, chờ chút! Thôi đúng cái này rồi! Bác sĩ còn nhớ cái bàn cơ mà con bé hay chơi không? Đại uý Howdy ấy."
" Người bạn trong cõi tưởng tượng," vị bác sĩ nội trú gật đầu.
" Vâng, bây giờ con bé còn nghe được ông Đại uý ấy nữa." Chris tiết lộ.
Vị bác sĩ nghiêng người tới trước, hai tay khoanh lại đặt trên bàn. Lúc Chris kể tiếp, mắt ông chăm chú và nheo lại để phóng ra những tia suy đoán.
" Sáng hôm qua," Chris kể, " tôi đã nghe được con bé chuyện trò với Howdy trong phòng ngủ của nó. Tôi muốn nói là con bé cứ nói, sau đó có vẻ như chờ đợi, như thể nó đang chơi cầu cơ. Tuy nhiên, khi tôi hé nhìn vào trong phòng, tôi không hề thấy bàn cơ nào ở đó cả, chỉ có một mình Rags, và thưa bác sĩ, con bé đang gật đầu, cứ như thể nó đồng ý với điều ông đại uý kia đang nói vậy."
" Con bé có trông thấy ông ta không?"
" Tôi không nghĩ thế. Con bé cứ nghiêng đầu một bên như cung cách của nó khi nghe đĩa hát."
Bác sĩ gật đầu và trầm ngâm. " Vâng, vâng, tôi hiểu. Có hiện tượng nào khác giống như thế không? Con bé có thấy vật này vật kia không? Có ngửi thấy mùi này mùi nọ không?"
" Ngửi à?" Chris nhớ lại. " Nó ngửi thấy hoài một mùi khó chịu nào đó trong phòng ngủ."
" Một cái gì cháy khét ?"
" Ủa, đúng thế đó!" Chris kêu lên. "Làm sao bác sĩ biết?"
" Đôi khi, đó là triệu chứng của một sự rối loạn trong hoạt động hoá điện của não. Trong trường hợp của con gái bà, nó nằm ở thùy thái dương, bà thấy chứ?" Ông đặt tay lên phía trước sọ. " Ngay trên này đây, nơi phần trước của não bộ. Điều này hoạ hiếm lắm, nhưng chính nó gây ra những ảo giác kỳ quặc, và thường là ngay trước một cơn co giật. Tôi nghĩ, đó là lý do người ta quá hay nhầm nó là hội chứng tâm thần phân liệt, nhưng thực tế đó không phải là bệnh tâm thần phân liệt đâu. Nó xuất phát bởi một thương tổn trong thùy thái dương. Lâm thời, do cuộc thử nghiệm tìm chứng rung giật đã không đi đến được kết luận., thưa bà Mac Neil, tôi nghĩ ta nên làm một cái EEG cho cô bé."
" Là cái gì vậy?"
" Electro Encephalo Graph. Điện não đồ. Nó sẽ bộc lộ cho ta thấy mô hình những đợt sóng trong não bộ cô bé. Thông thường, đó là một chỉ dẫn khá tốt về sự bất bình thường của chức năng."
" Nhưng bác sĩ nghĩ đúng là nó sao? Thái dương thùy ấy?"
" Cô bé quả bị hội chứng đó thật. Chẳng hạn như thói bừa bãi này, tính hay gây gỗ này, hành vi gây bối rối về phương diện xã hội này, lại còn hành động vô thức nữa. Và dĩ nhiên, những cơn chứng làm lắc giường nữa. Thường ra, sau đó còn là tật đái dầm hay nôn mửa, hoặc cả hai, sau đó là ngủ rất say."
" Bác sĩ muốn trắc nghiệm con bé ngay bây giờ chăng?" Chris hỏi.
" Vâng, tôi nghĩ ta nên tiến hành ngay lập tức, nhưng cô bé sắp cần đến thuốc an thần đấy. Chứ nếu nó cử động hay vật vã thì sẽ không có kết quả. Do đó tôi xin phép cho cô bé dùng một liều, cứ gọi là hai mươi lăm miligam chất Librium."
" Lạy Chúa, bác sĩ cần làm gì xin cứ việc làm ngay đi." Nàng bảo bác sĩ, run lẩy bẩy.
Nàng theo bác sĩ đến phòng khám. Lúc Regan trông thấy ông chuẩn bị một mũi tiêm dưới da, con bé hét lên rồi văng tục hàng tràng ầm ỹ.
" Ôi cưng, mũi thuốc sẽ giúp ích con mà!" Chris van vỉ trong nỗi khốn quẫn. Nàng giữ yên Regan cho bác sĩ Klein chích xong mũi thuốc.
" Tôi trở lại ngay," bác sĩ nói, gật đầu, rồi trong lúc một người điều dưỡng đẩy máy đo điện não đồ vào, ông rời phòng đi thăm một bệnh nhân khác. Lát sau, ông trở lại, chất Librium vẫn chưa có tác dụng.
Klein có vẻ ngạc nhiên. " Đó là một liều rất mạnh," ông lưu ý Chris.
Ông chích thêm hai mươi lăm miligam nữa, xong rời phòng. Lúc trở lại, ông thấy Regan đã thuần tính và ngoan ngoãn.
" Bác sĩ làm gì vậy?" Chris hỏi Klein lúc ông gắn cái điện cực có nhúng muối lên da đầu Regan.
" Chúng tôi gắn mỗi bên bốn điện cực," ông giải thích. " Như thế sẽ giúp chúng tôi đọc được sóng não từ bên trái và bên phải não bộ, sau đó so sánh chúng."
" Sao lại so sánh chúng?"
"Thế này nhé, những đường lệch hướng có thể có ý nghĩa. Ví dụ, tôi có một bệnh nhân hay thấy ảo giác," Klein nói. " Anh ta thường thấy, thường nghe nhiều điều, những điều dĩ nhiên không hề có trong thực tế. Tôi nhận thấy có một sự khác biệt khi so sánh điện đồ bên trái với điện đồ bên phải của sóng não bệnh nhân và khám phá ra rằng thực sự ra, anh ta chỉ bị ảo giác có một bên đầu mà thôi."
" Quái thật."
" Mắt và tai trái hoạt động bình thường, chỉ có bên phải mới thấy ảo ảnh và nghe ảo thanh."
" Được rồi, bây giờ ta hãy xem." Ông bật máy lên. Ông chỉ những đợt sóng trên màn ảnh hùynh quang. " Đó là sóng của cả hai bên não," ông giải thích. " Việc giờ đây tôi đang làm là tìm các sóng có đỉnh nhọn." Ông làm mẫu trong không khí bằng ngón tay trỏ, " đặc biệt là những dợn sóng có biên độ rất cao xuất hiện từ bốn đến tám đợt mỗi giây. Đó là thùy thái dương." Ông bảo nàng.
Ông nghiên cứu những mô hình sóng não rất kỹ lưỡng, nhưng không khám phá ra sự loạn nhịp nào. Không có những sóng đỉnh nhọn. Không có những vòm phẳng. Và lúc ông chuyển qua giai đoạn so sánh, kết quả vẫn là không.
Klein nhíu mày. Ông không sao hiểu nổi. Ông lập lại diễn trình trên. Vẫn không có gì thay đổi.
Ông gọi một nữ điều dưỡng vào trông chừng Regan rồi trở lại văn phòng với mẹ cô bé.
" Thế là sao?"
Vị bác sĩ ngồi trầm tư bên mép bàn. "Vâng, điện não đồ lẽ ra đã chứng minh là cô bé mắc chứng đó, nhưng sự kiện không có loạn nhịp đó không chứng tỏ cho tôi thấy một cách dứt khoát rằng cô bé không bị chứng đó đâu. Có thể lắm là chứng ít-tê-ri - chứng cuồng loạn - nhưng mô hình sóng trước và sau cơn co giật của cô bé thật quá sức gây ấn tượng.
Chris cau mày. " Thưa bác sĩ, bác sĩ cứ lập đi lập lại mãi từ "co giật". Vậy thì chính xác, chứng bệnh này là bệnh gì vậy?"
" Chà, nó không phải là một chứng bệnh," ông khẽ nói.
" Được rồi, nhưng bác sĩ gọi đó là gì? Tôi muốn nói về phương diện chuyên môn."
" Người ta gọi nó là chứng động kinh, thưa bà MacNeil."
" Ôi! Lạy Chúa!"
Chris sụm xuống ghế.
" Bà cứ bình tĩnh," Klein trấn an. " Theo chỗ tôi thấy, cũng giống như đa số quần chúng, cái cảm nghĩ của bà về chứng động kinh đã bị thổi phồng quá đáng và phần lớn có thể là mang tính chất thần thoại đó thôi."
" Bệnh ấy có di truyền chăng?" Chris dò la, co rúm người lại.
" Đó lại là một trong những chuyện thần thoại khác nữa." Klein bình tĩnh bảo nàng. " Ít ra thì đó cũng là ý nghĩ của đa số bác sĩ chúng tôi. Bà xem đây, trên thực tế, ai cũng có thể bị chứng co giật cả. Bà thấy đó hầu hết chúng ta đều được sinh ra với một ngưỡng cửa khá cao để kháng cự lại chứng co giật, có người thì với một ngưỡng cửa thấp, do đó, sự khác biệt giữa bà và một người động kinh là một vấn đề mức độ. Có thế thôi. Đơn giản chỉ là mức độ."
" Thế thì nó là gì chứ? Một ảo giác do khuynh hướng đồng bóng chăng?"
" Một sự rối loạn thôi: một sự rối loạn có thể kiểm soát được. Và có nhiều, rất nhiều loại rối loạn như thế, bà MacNeil ạ. Chẳng hạn như bây giờ bà đang ngồi đây và trong một giây đồng hồ, bà có vẻ như ngây dại đi, cứ cho là bà không nghe thầy đôi điều tôi nói. Vâng, đó cũng là một thứ động kinh đấy, thưa bà MacNeil, đúng vậy đó. Đó là một cơn động kinh thực sự."
Tác giả :
William Peter Blatty