Nguyễn Trần Ân Tĩnh
Chương 46 Ngoại truyện Hà Thu Sương Dã vô phong vũ dã vô tình
Dịch: Duẩn Duẩn
Ngày anh hủy đơn yêu cầu bồi thường trước mặt tôi, thành phố mà tôi đang sinh sống bắt đầu tiến vào một mùa mưa.
Địa điểm hẹn gặp là trong tửu lâu hải sản của anh. Chuỗi khách sạn thương hiệu mới nổi này có tên là "Ân Tĩnh", chúng đột nhiên mọc lên như nấm khắp Mân Nam sau khi "Hà Thành" phá sản vì một vụ bê bối.
Lúc hủy đơn bồi thường, anh nói rằng anh cũng đã rút lại hết những cáo buộc về tội trộm cắp bí mật thương mại, và Trần Ân Tĩnh cũng đã bỏ qua cáo buộc về vụ án cướp bóc. Không biết có phải vì ngày hôm đó tôi đã chủ động đưa máy ghi âm cho cô ấy với thái độ đầu hàng nên cô ấy mới quyết định không tố cáo cha nữa hay không, mà tóm lại cả hai cáo buộc đều bị hủy bỏ hết.
Có điều sau khi cha bị bắt lần nữa, khách sạn Hà Thành cũng nhanh chóng lụn bại, những quản lý cấp cao người thì nhảy việc, người thì rời khỏi cương vị công tác, giữa lúc đầy rẫy những khó khăn, doanh nghiệp thiếu điều đã tuyên bố phá sản này càng đè nặng áp lực lên vai tôi, khách sạn Hà Thành với cái tên người chịu trách nhiệm trước đó không biết tự bao giờ đã đổi thành "Hà Thu Sương".
Nhưng rõ ràng tôi chẳng có dã tâm, cũng chẳng nó năng lực như vậy.
Dù rằng mười mấy năm trước tôi đã từng học quản lý khách sạn ở Anh quốc, nhưng khi ấy ước vọng của tôi trong tương lai là gả cho Nguyễn Đông Đình và trở thành Nguyễn phu nhân yêu kiều. Trước khi tiếp quản khách sạn Hà Thành, tôi vẫn sống một cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc của một thiếu phu nhân, để rồi sau khi tiếp quản khách sạn Hà Thành, tôi sẽ ném nó lại cho anh, rồi tiếp tục an nhàn hưởng thụ cuộc sống hạnh phúc của một đời vợ trẻ.
Nhưng cuối cùng tôi lại không thể đi đến được ngày đó, Nguyễn phu nhân trong quá khứ không phải tôi, và đoan chắc rằng Nguyễn phu nhân trong tương lai cũng chẳng phải là tôi, cho dù cả hai đã ký tên lên thỏa thuận ly hôn và mãi lâu sau vẫn không nghe thấy tin tức họ tái hôn.
Song tôi biết, họ yêu nhau, lần này là thực lòng yêu nhau.
Nền công nghiệp giải trí ở Hồng Kông bỗng lên nhanh như diều gặp gió, tôi thường tình cờ đọc được tin tức về Nguyễn tiên sinh và Trần tiểu thư từ các kênh khác nhau: Nguyễn Đông Đình qua đêm ở căn hộ của Trần Ân Tĩnh; Hai người tay trong tay đi tản bộ ở công viên; Nguyễn Đông Đình muốn mua một căn nhà sang trọng trong nước để lấy lòng cha mẹ vợ tương lai; Nguyễn tiên sinh...
Nguyễn tiên sinh, Nguyễn tiên sinh, tôi đã từng yêu Nguyễn tiên sinh bằng cả sinh mạng mình.
Để rồi cuối cùng, anh vẫn thuộc về một người khác.
Sơ Vân từng hỏi tôi, quá yêu một người là cảm giác thế nào? Tôi bảo rằng: "Là em chẳng cần mặt mũi hay sĩ diện. Là em bận tâm mọi thứ về anh ấy, và em cũng có thể tha thứ mọi thứ vì anh ấy."
Vậy nên kể từ khi anh kết hôn với Ân Tĩnh, tôi hay kiếm chuyện với Ân Tĩnh, cô ấy đụng phải góc áo anh tôi cũng rất để ý. Nhưng cuối cùng anh vẫn yêu cô ấy.
Lần gặp mặt ở tửu lâu Ân Tĩnh, trước khi rời đi tôi có nói với anh: "Thật ra em biết, anh bỏ em vốn dĩ không phải vì những gì mà cha em đã làm mà là vì anh đã thay lòng rồi. Thật ra anh đã yêu Ân Tĩnh từ rất lâu rồi, phải không?"
Chốn thương trường phong vân quỷ quyệt, đây chắc chắn không phải là lần cuối cùng họ gặp nhau trong đời. Nhưng cả tôi và anh đều biết đó chắc chắn là lần cuối cùng chúng tôi có thể thoải mái thổ lộ tâm tình cùng nhau. Thế nên anh không hề ngần ngại, cũng chẳng cần nghĩ ngợi, cúi đầu nói với tôi một câu: "Xin lỗi em, Thu Sương."
Xin lỗi em? Xin lỗi em vì gì chứ? Xin lỗi vì cuối cùng anh lại là người thay lòng đổi dạ, hay xin lỗi vì cuối cùng anh đã phụ tình em?
Nhưng rõ ràng anh biết, dẫu anh có không nói lời xin lỗi thì cuối cùng em vẫn sẽ tha thứ cho anh.
Bởi chẳng phải yêu là bận tâm mọi thứ về anh ấy, và có thể tha thứ mọi thứ vì anh ấy hay sao?
Có một điều mà tôi chưa từng nói với anh, kỳ thật khi anh đang điều tra cha tôi, tôi biết chứ... đâu chỉ biết, tôi còn chủ động phối hợp với anh, dưới ánh đèn flash, tiếp tục làm một Hà Thu Sương cao ngạo, một Hà Thu Sương xem thường và khinh bỉ Ân Tĩnh, nở nụ cười tủm tỉm khoác cánh tay anh.
Thế nhưng đâu ai biết, bên ngoài ánh đèn flash, giữa tôi và anh đã cách một Ân Tĩnh.
Và anh biết chứ, cho dù tôi không nói anh cũng vẫn nhận ra.
Thế nên khi tôi nói với anh rằng "Đây là thỉnh cầu cuối cùng của em trong cuộc đời này", thái độ vốn cứng rắn của anh cuối cùng cũng dịu xuống. Sau đó anh hủy đơn yêu cầu bồi thường trước mặt tôi.
Từ đó hết thảy ân oán đã thanh toán xong hết, bãi bể nương dâu dầu có xoay vần đổi dời thế nào đi chăng nữa thì giữa tôi và anh cũng chỉ là người dưng.
Năm 1994, Nguyễn Đông Đình và Ân Tĩnh ly hôn, tôi chính thức nhậm chức Tổng giám đốc của khách sạn Hà Thành.
Năm 1995, ai nấy đều cho rằng hai người Nguyễn Trần sắp chuẩn bị tái hôn, nhưng họ vẫn chỉ âm thầm yêu đương, còn bên cạnh tôi vẫn chưa xuất hiện Nguyễn Đông Đình thứ hai.
Năm 1996, Nguyễn Đông Đình thay đổi phong cách lặng lẽ hiếm thấy, anh tổ chức một bữa tiệc sinh nhật trên du thuyền cho Trần Ân Tĩnh, ngay đêm đó anh cũng đưa ra lời cầu hôn và hoàn toàn thành công.
Sau chuyện đó, khi phóng viên của "Minh Báo" phỏng vấn Ân Tĩnh có hỏi cô ấy một câu: "Khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong cuộc đời cô là gì?"
Trên báo mô tả cô ấy cười rất dịu dàng, sau đó điềm đạm trả lời cậu phóng viên: "Lần đầu tiên đi bộ trên con phố Nathan nhộn nhịp đầy ắp người, tôi thật sự cảm thấy hơi hoảng sợ, nhưng đúng lúc ấy bỗng nhiên tôi cảm giác được lòng bàn tay mình ấm nóng, thì ra là anh ấy đã quay đầu lại để dắt tay tôi đi."
"Thế thì không thấy sợ nữa nhỉ?"
"Vâng, từ đấy tôi không thấy sợ nữa, cho tới tận bây giờ cũng không thấy sợ nữa."
Kể từ đó đại lộ Nathan dù vẫn đông đúc người qua lại, nhưng mọi người đều biết, trong đám đông tấp nập ấy vẫn còn tồn tại hình ảnh dịu dàng của anh và cô ấy.
Năm 1997, vào trước cái đêm Hồng Kông được trao trả, tửu lâu Ân Tĩnh dưới trướng của Nguyễn thị đã trải rộng khắp cả Nam lẫn Bắc. Trần Ân Tĩnh đã tham dự buổi "Hội nghị giao lưu mĩ thực Mân Nam và Hồng Kông" với tư cách là đại cổ đông của Nguyễn thị. Sau ba năm, tôi và cô ấy lại gặp nhau dưới sự giới thiệu của người chủ trì hội nghị.
"Bà Trần Ân Tĩnh đến từ khách sạn Nguyễn thị."
"Bà Hà Thu Sương đến từ khách sạn Hà Thành."
Hai bàn tay bắt chặt lấy nhau giữa tiếng vỗ tay nhiệt liệt. Ai có thể ngờ được khi chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên vào hai mươi năm trước, tôi chính là cô dâu được người người chú ý, còn cô ấy chỉ là một cô ca nữ mưu sinh ở trên tàu? Ai có thể ngờ được trong hai mươi năm qua, giữa tôi và cô ấy đã xảy ra bất hòa và lục đục thế nào vì một người đàn ông?
Thế nhưng, hai mươi năm thiên biến vạn biến, người ấy cũng chẳng còn là người cũ nữa rồi.
Chúng tôi bắt tay, gật đầu mỉm cười chào hỏi nhau, sau đó lại tiếp tục chào hỏi một vị đại diện khác đến từ Hồng Kông. Buổi hội nghị diễn ra thành công và tốt đẹp. Chúng tôi có nhóm trao đổi riêng, hiềm nỗi mỗi lúc đi qua đi lại cũng sẽ chạm mắt nhau... chẳng hạn như ngay khoảnh khắc này đây.
Tôi sửng sốt và cô ấy cũng sửng sốt.
Nhưng rất mau, giống như khi bắt tay, cô ấy gật đầu với tôi một cái.
Tôi cũng gật đầu lại rồi tự nhiên quay đi.
Đức oán lưỡng vong, ân thù câu mẫn(*). Có lẽ cả cuộc đời này sẽ không gặp nhau nữa, và cũng có lẽ suốt cuộc đời sẽ có vô vàn cơ hội gặp lại nhau như đêm nay. Nhưng chỉ với một cái gật đầu, và rồi mọi sự đều qua đi.
(*) Nguyên văn 德怨两忘,恩仇俱泯 trích trong tập "Thái Căn Đàm" của Hồng Ứng Minh: Đức và oán đều nên quên, ân và thù không nên nhớ
Cho dù sau khi Hồng Kông được trao trả, tửu lâu Ân Tĩnh ngày càng mở rộng mạnh mẽ ở Đại lục, khách sạn Nguyễn thị cũng bắt đầu tiến quân vào Đại lục, uy hiếp nghiêm trọng đến thị phần của các khách sạn đã có tên tuổi ở Đại lục, nhưng chúng tôi kinh doanh cùng ngành nghề, vô số ống kính có thể chĩa vào chúng tôi bất cứ lúc nào, thành ra lần sau lúc gặp lại, cũng buộc phải ôm nhau hoặc bắt tay nhau với điệu bộ nồng nhiệt nhất, thuần thục nhất, khéo léo nhất và cũng hoàn hảo nhất.
Vì vậy thời khắc này chúng tôi chỉ gật đầu, mỉm cười nhìn nhau.
Ân thù cưu mẫn.
Bên ngoài khách sạn, dã vô phong vũ dã vô tình(*).
~~~
P/s: Nguyên văn 也无风雨也无晴 (Không mưa gió cũng không hanh trời) trích trong bài thơ "Định phong ba" của Tô Thức hay còn gọi là Tô Đông Pha
Mạc thính xuyên lâm đả diệp thanh,
Hà phương ngâm khiếu thả từ hành.
Trúc trượng mang hài khinh thắng mã,
Thuỳ phạ!
Nhất thoa yên vũ nhậm bình sinh.
Liệu tiễu xuân phong xuy tửu tỉnh,
Vi lãnh,
Sơn đầu tà chiếu khước tương nghinh.
Hồi đầu hướng lai tiêu sắt xứ,
Quy khứ,
Dã vô phong vũ dã vô tình.
Rừng động đừng nghe chuyển lá cành
Ngâm nga chậm bước chẳng đi nhanh
Gậy trúc, giầy rơm say chếnh choáng
Nào ngán!
Áo tơi mưa khói mặc bình sinh
Vi vút gió xuân xay chợt tỉnh
Hơi lạnh
Đầu non bóng ngả cũng tương nghinh
Ngoảnh lại những nơi tiêu sắt trước
Rời bước
Cũng không mưa gió, cũng không hanh.
(Bản dịch của Nguyễn Chí Viễn, Tuyển tập từ Trung Hoa - Nhật Bản, NXB Văn hoá - Thông tin, 1996)
Bài thơ này được viết vào năm Nguyên Phong thứ 5 của Tống Thần Tông, đó là mùa xuân thứ ba khi Tô Thức bị giáng chức xuống làm phó sứ trung đoàn Hàng Châu do "Vụ án thơ Vũ Đài". Trong lúc nhà thơ cùng với người bạn đi du xuân thì cơn mưa bất chợt ập đến, người bạn cảm thấy tồi tệ và bối rối vô cùng, nhưng Tô Thức thì chẳng quan tâm, ông lại còn tĩnh tại một cách kỳ lạ. Bởi chuyện không có cách nào thay đổi thì hãy cứ để nó tự nhiên...