Nguyễn Trần Ân Tĩnh
Chương 30
Dịch: Duẩn Duẩn
Nói đùa!
Đêm đầu tiên, Marvy ở cạnh phòng Hà Thu Sương báo cáo: Người đàn bà kia xem TV cả đêm, hiện tại đang nằm dài trên giường.
Đêm thứ hai, Marvy ở cách vách Hà Thu Sương báo cáo: Người đàn bà kia lại đang xem TV, vừa rồi mới gọi cuộc điện thoại. Haiz ~ chất lượng máy giám sát của tớ sao mà kém quá thể, cậu đến chỗ Nguyễn Đông Đình mượn cho tớ cái máy X-G đi! Tớ cam đoan cô ta gọi cho ai, nói với ai những gì tớ sẽ thưa không sót một chữ nào.
Đêm thứ ba, Marvy ở cách vách Hà Thu Sương báo cáo: Người đàn bà kia nom có vẻ bực mình, gọi đi gọi lại mấy cuộc điện thoại rồi. Mới nãy còn gọi cho cả nhân viên phục vụ của khách sạn, hỏi Nguyễn tiên sinh nhà cậu đi đâu rồi...
"Thật không?"
"Thật một trăm phần trăm! Nghe nhân viên phục vụ bảo là, trước đây cũng vậy, cách thời gian dài cũng không gặp được Nguyễn tiên sinh. Thế là cô ta bèn hỏi đông hỏi tây, hỏi đến nỗi không ai dám bốc máy Room Service của cô ta luôn. Ân Tĩnh này, nếu cứ tiếp tục thế này, cô ta sẽ không bị điên chứ?"
Ân Tĩnh lạnh nhạt cười: "Sao có thể để cô ta điên được? Cô ta mà điên rồi, chuyện uẩn khúc này cũng không thể tra rõ."
"Vậy..."
"Nếu cô ta muốn biết Nguyễn tiên sinh ở đâu, cứ nói cô ta biết là được."
Đôi môi đỏ chót của Marvy vo thành hình chữ O, có điều nhìn thấy ánh mắt bạn thân tựa như có hàm ý, cô nàng ngay lập tức hiểu ra: "OK, I get!"
Cô nàng hiểu rồi!
Mấy phút sau, Nguyễn Đông Đình đang ngồi trong văn phòng trên tầng cao nhất của Nguyễn thị xem tài liệu, bỗng nhiên nhận được một tin nhắn: Trong phòng đàn có thêm một bức hình, anh mới treo lên ạ?
Người gửi: Ân Tĩnh.
"Nguyễn thị" có một phòng đàn chuyên dụng, dùng để đặt các nhạc cụ thường hay biểu diễn như: đàn dương cầm, đàn ghi ta, đàn tranh, nhị hồ, saxophone, sáo, violin, cello... đủ tất cả mọi thứ, tuy vậy vẫn được phân loại, sắp xếp rất gọn gàng và ngăn nắp.
Ân Tĩnh càng đi sâu vào trong càng nhìn thấy nhiều nhạc cũ hiếm có. Dạo tới cuối phòng, điều khiến cô ngạc nhiên nhất là chiếc đàn tỳ bà Nanyin cùng với ống tiêu và cặp phách gỗ được bày trên giá cao. Vừa ngước mắt lên, cô đã nhìn thấy tấm hình của mình và anh trên bức tường cuối phòng.
Chính xác là hình của anh và cô trong bữa tiệc kỷ niệm cuối năm của Liên thị. Trước hàng trăm cặp mắt, cô và anh đã hợp tác một khúc "Trần Tam Ngũ Nương" trên sân khấu. Mà nay cảnh tượng ấy đã bị đóng khung thành một bức hình treo trên tường. Một bức hình cực lớn, khung ảnh viền hoa màu vàng đất, treo dưới giá nhạc cụ.
Tay cô nhè nhẹ mơn trớn gương mặt tuấn tú của người đàn ông trong bức hình. Đầu ngón tay khẽ dừng lại nơi khóe môi anh.
Cho đến khi một giọng nói trầm thấp vọng lại từ phía cửa: "Tôi nhớ lần đầu tiên được nghe Nanyin là khi đến Tuyền Châu với mẹ để ăn tiệc hỷ của người họ hàng xa," bàn tay cô vốn nấn ná bức ảnh chụp, lập tức rụt về không dấu vết, lại nghe thấy anh nói: "Trong bữa tiệc hôm ấy, tôi nghe người ta đàn khúc 'Tỳ bà hành'."
Ân Tĩnh không hề xoay người lại, nhưng cô cảm nhận được phía sau có một hơi thở quen thuộc đang lặng lẽ tới gần, từng bước, từng bước một, rồi từ từ kề sát.
Cô se sẽ ngâm vài câu mà mình ấn tượng nhất trong khúc "Tỳ bà hành": "Nghe đàn ta đã chạnh lòng. Lại rầu nghe nỗi nỉ non mấy lời. Cùng một lứa bên trời lận đận, gặp gỡ nhau lọ phải quen nhau."(*)
"Em cũng biết ư?" Làn hơi thân thuộc ve vuốt cần cổ cô.
Ân Tĩnh sợ ngứa bèn rụt lại.
"Nếu biết thì hát một khúc đi!"
"Dạ?" Cô ngạc nhiên, quay lại nhìn anh: "Bây giờ sao?"
"Chẳng thế?"
Cô cắn môi dưới. Lâu rồi hai người chưa nói chuyện một cách hòa bình tới vậy. Mỗi khi cô nhỏ nhẹ thưa việc, anh chỉ lạnh nhạt đáp "Ừ", "À", "Hừ". Nghĩ tới đây, Ân Tĩnh bèn ngẫm nghĩ chốc lát, âm sắc mềm mại kèm theo vẻ thương lượng: "Thế một đổi một, được không ạ?"
"Một đổi một?" Ai ngờ Nguyễn tiên sinh chau mày: "Hình như lần trước em cũng nói một đổi một mà nhỉ?!" Vậy mà uống rượu của anh xong, chưa tới nửa tiếng đồng hồ, người phụ nữ này đã trở mặt đuổi anh ra thư phòng!
Nhớ đến chuyện này, vẻ mặt Nguyễn Đông Đình càng trở nên âm u tựa trời tháng Mười hai đang đậm mùa trở rét.
Ân Tĩnh dĩ nhiên hiểu được câu nói ấy. Hai gò má phiếm chút đỏ hây hây, cô mềm giọng hỏi: "Có được không ạ?"
Nhưng đổi lấy câu trả lời hết sức lạnh lùng của ai đó: "Trước tiên nói thử xem."
Cô bảo: "Em hát cho anh nghe khúc 'Tỳ bà hành', bù lại, buổi tối anh phải về phòng ngủ, được không?"
"Về phòng ngủ?"
"Vâng."
"Tầng 38? Phòng của em?"
"Vâng..."
Trong cặp mắt sâu thẳm đen láy chợt dấy lên một tia hứng thú. Ánh mắt anh nhìn cô càng lúc càng nồng nàn, chan chứa.
Ân Tĩnh bị anh nhìn chằm chằm đến quẫn trí, nhưng sự quẫn trí này cũng gián tiếp chứng thực họ Nguyễn nào đó không hề hiểu sai. Nhìn đôi môi mỏng đang cong lên của anh mà xem: "Nguyễn phu nhân biết sai rồi nên đang nhận lỗi với tiên sinh của mình?"
Trong giọng điệu của anh tựa hồ kéo theo chút kiêu ngạo.
Ân Tĩnh cúi đầu: "Vâng."
Chiếc cằm của cô bất thình lình bị ngón tay dài đối diện hếch lên: "Thế sau này em còn dám đuổi tôi ra thư phòng nữa không?"
"..."
"Nói đi chứ."
"Em không dám."
"Thế chuyện đòi ra phòng khách ngủ, còn dám nói lại lần nữa không?"
Người này đúng là được đằng chân lân đằng đầu mà! Quả tình...
Cô thở dài: "Cũng không dám."
Bấy giờ anh mới hài lòng buông cằm cô: "Hát đi! Xem biểu diễn hay dở thế nào tôi mới ra quyết định."
"..."
Tục ngữ hay nói làm người phải có lòng khoan dung, sau khi mẹ chồng phát hiện giữa hai người xảy ra chuyện gì đó, liền mách nước với cô: "Thằng nhóc đó thích ăn mềm không ăn cứng. Con đừng so đo với nó làm gì. Trước tiên con cứ chịu thua trước, sau đó nó sẽ xuống nước, mềm mỏng với con thôi."
Nhưng giờ đây Trần Ân Tĩnh đã lĩnh ngộ, tục ngữ và mẹ đều không thể hiểu anh. Người này quả thật là kiểu điển hình của kẻ được xôi còn đòi oản.
Nghe mà xem: "Bắt đầu đi, hát không hay, đêm nay lại phòng không gối chiếc nữa nhé."
"Nguyễn tiên sinh!" Cô tức giận trừng mắt nhìn anh, hai gò má rộn rạo phớt hồng, lại phát hiện bản thân càng bực mình, khuôn mặt lại càng thêm ửng đỏ, nụ cười của anh càng được vẻ khoái trá. Thế là cô chẳng thèm để ý tới anh nữa, quay lưng ôm tỳ bà trên giá.
Trường thiên nhạc phủ của Bạch Cư Dị trong khoảnh khắc liền hóa thành điệu cổ ngữ Mân Nam, phối hợp với tiếng đàn tỳ bà, tay cô nhẹ nhàng gảy dây đàn. Tiếng đàn mềm mại mà uyển chuyển, làn điệu dằng dặc mà khoan thai: "Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách. Quạnh hơi thu, lau lách đìu hiu..."(*)
Thật sự rất trùng hợp. Tối nay Ân Tĩnh bận chiếc váy lụa dài màu trắng, khoác chiếc áo tơ đen mềm mại, phối với chiếc váy dài, làm nổi bật nên một nét cổ điển, thích hợp với đêm dài yên tĩnh, cô điềm nhiên hát tặng anh một khúc nhạc cổ xưa.
Từng câu từng chữ cứ ngân dài. Giữa làn điệu cổ ngữ Mân Nam như quen thuộc rồi lại như xa lạ ấy, Nguyễn Đông Đình phảng phất như nhìn thấy một chàng trai đứng trên con sông dài, bất chợt nghe thấy tiếng tỳ bà réo rắt dưới mặt nước, vọng lại từ con thuyền độc mộc phía xa xa. Chàng trai bèn lần theo tiếng đàn, tiến vào bên trong con thuyền nhỏ, bất ngờ bắt gặp một cô gái với vẻ đẹp dịu dàng.
Nàng năm nay bao tuổi? Mười bốn? Mười lăm? Hay mười sáu?
Ô, chuyện gì thế này? Gương mặt của cô gái trẻ kia trông giống Ân Tĩnh hệt như đúc.
Lúc này Ân Tĩnh đã hát đến câu "Đêm khuya mộng lại thời niên thiếu" thì đột nhiên dừng lại. Thấy Nguyễn Đông Đình như đang hồi tưởng lại điều gì, cô liền ngừng tiếng hát, đầu ngón tay chỉ nhè nhẹ chơi đùa dây đàn, cho đến khi anh hoàn toàn hoàn hồn: "Sao không hát nữa?"
"Hát đến câu 'Đêm khuya mộng lại thời niên thiếu', đột nhiên em nghĩ, Nguyễn tiên sinh có bao giờ tỉnh mộng giữa đêm khuya, nhớ lại chuyện trước đây hay không?" Cô khẽ cười, đầu ngón tay vẫn vỗ về dây đàn, khiến cho làn điệu yếu ớt như không còn âm vang, làm nền cho đêm tối.
Nguyễn Đông Đình hỏi ngược lại cô: "Em thì sao? Đã từng 'Đêm khuya mộng lại thời niên thiếu' chưa?"
"Đương nhiên đã từng ạ." Cô cúi đầu, lặng đi một giây, mới khẽ cười ngẩng đầu: "Nguyễn tiên sinh muốn nghe không?"
Anh không lên tiếng, chỉ có đôi mắt đen nháy đến sáng ngời nhìn cô chăm chú.
Dòng suy tưởng của cô chầm chậm trở về thời thơ ấu: "Khi em còn bé, gia đình rất khó khăn, cha em lại làm nghề đánh cá. Nếu hôm ấy cha bắt được cá lớn thì ông sẽ đem bán, còn nếu bắt được cá nhỏ ông sẽ mang về nhà. Cả nhà em sống thắt lưng buộc bụng, một tuần chỉ ăn một con cá."
"Dạo ấy, cha thích treo cá trên xà nhà. Xà ngang trong nhà ở Mân Nam thời đấy không cao, anh trai em có thể nhảy lên rồi giật xuống. Bởi thế hôm nào anh cũng lén trộm mất một con cá, dần dần số cá trên xà ngày càng ít, cuối cùng bị bà nội phát hiện. Anh hai không muốn bị ăn đánh thế là bèn đổ tội cho em. Lúc bé em không giỏi nói chuyện, cũng chẳng biết tranh cãi, bà nội lại trọng nam khinh nữ, vì vậy bà liền lấy móc áo đánh em."
Khóe môi cô mỉm cười, nhưng anh lại nhíu mày, dường như trong lời kể của cô, anh có thể tưởng tượng được cô bé Ân Tĩnh của thời đó bị đánh bằng móc áo đau như thế nào, khóc tức tưởi ra sao, song vẫn nhút nhát ngậm miệng không dám nói.
Còn Ân Tĩnh của khi trưởng thành lại kể rằng: "Lúc ấy em luôn khóc rấm rứt, cảm thấy sao mà ấm ức quá. Tại sao lại như vậy? Thực ra bà đánh cũng chẳng đau, nhưng cớ sao lại buồn bã đến thế? Đại để là vì khắp nơi trên đời đều có sự thiên vị, nhưng em lại chẳng phải là người được vận mệnh chiếu cố."
Thành ra khi còn bé phải thay anh chịu đòn, lớn lên phải thay Hà Thu Sương gả vào nhà họ Nguyễn, lâu như vậy, vẫn dây dưa không dứt trong mối quan hệ rối rắm này, chẳng tìm được lối ra.
Không biết từ khi nào, bàn tay anh duỗi ra vuốt ve bàn tay đã lạnh lẽo của cô.
"Có lẽ vì nghèo đói, hoặc cũng có lẽ vì thất vọng nên năm mười bốn tuổi em quyết định thôi học, theo cha rời khỏi nhà."
"Cha đưa em đến Hạ Môn. Ông tiếp tục đánh cá, còn em hát Nanyin trên thuyền, cách một tuần lại trở về Tuyền Châu, mang theo số tiền và số cá kiếm được. Năm ấy," Cô bỗng nhiên dừng lại, đôi mắt to lẳng lặng nhìn người chồng của mình: "Em mười bốn tuổi."
Khốn nỗi, chồng cô lại chẳng suy nghĩ gì, chỉ bấm tay tính toán: "Mười bốn tuổi, là năm 1979?"
"Vâng."
"Cũng là năm Thu Sương kết hôn với A Trần."
Bạn thấy đấy, trong trí nhớ hữu hạn của anh, năm ấy là một năm hoang vắng. Giấc mộng đời anh cuối cùng cũng vỡ nát, bởi người anh yêu đã kết hôn, mà chú rể chẳng phải là anh.
Làm sao anh có thể nhớ được cuộc gặp gỡ của hai người trên thuyền năm đó chứ?
"Chắc hẳn khi đó anh thấy rất đau lòng?" Ân Tĩnh tiếp lời anh.
Nguyễn Đông Đình cười trừ: "Cũng không hẳn là thế. Đại khái khi ấy còn trẻ tuổi, vẫn còn rất nông cạn và kiêu ngạo, nên vừa thấy đau lòng lại vừa thấy uất hận." Anh như lâm vào hồi ức, có lẽ là nhớ đến bản thân mình năm ấy, đáy mắt trộn lẫn chút gì đó tựa như sự bao dung: "Khi ấy vẫn chưa hiểu, kỳ thật vạn vật trên đời đều đã được định sẵn, chẳng qua cứ không chịu nhìn thấu."
"Vậy bây giờ thì sao? Anh đã nhìn thấu chưa?"
Anh chựng lại một lát, cuối cùng vẫn không trả lời cô.
Con người ta cứ mãi trầm luân giữa bụi hồng trần gian, làm sao có thể nhìn thấy cõi tục rối ren này cơ chứ?
Ân Tĩnh đang tư lự trong dòng duy nghĩ ấy, Nguyễn Đông Đình bỗng nhiên mở miệng nói một câu: "Nếu tôi gặp em sớm một chút, có lẽ mọi chuyện hôm nay đã không phức tạp đến vậy."
Lời anh nói tựa như có thâm ý, nhưng Ân Tĩnh chỉ nghe được ý mà cô muốn nghe.
Cô sững người, lại nghe điệu than thở của anh: "Em xem, chúng ta đúng là chưa đủ duyên. Năm ấy tôi ở Hạ Môn, em cũng Hạ Môn, nếu như chúng ta gặp nhau sớm một chút...."
Đôi mắt cô chợt rưng rưng những giọt lệ nóng ẩm.
"Nếu như chúng ta gặp nhau sớm một chút", Nguyễn tiên sinh, làm sao anh biết chúng ta không thể gặp nhau sớm một chút? Làm sao anh biết chúng ta chưa đủ duyên? Rõ ràng là do anh chẳng còn nhớ gì nữa.
Năm 1979, em gặp anh trong bữa tiệc mừng hỷ giữa hai nhà Trần - Hà.
Chỉ là vận mệnh này, rốt cuộc sai ở đâu? Cớ sao một người vừa quay lưng xuống thuyền, mà tới khi gặp lại đã không còn quen biết?
Năm 1987 lại một cuộc tương phùng, khi ấy anh vội tới Hạ Môn để chịu tang A Trần, cũng là để cho Hà Thu Sương một lời cam kết lớn. Chẳng qua giữa chừng mẹ Nguyễn bỗng xuất hiện, vì vậy hai người lại có câu chuyện mới. Sáng sớm hôm đó, bên bờ biển Hạ Môn buốt lạnh, anh điềm đạm hỏi cô: "Xin hỏi, quý danh tiểu thư là chi?"
"Nhĩ Đông Trần, Trần Ân Tĩnh."
Hóa ra, tất cả cuộc gặp gỡ là xa cách trùng phùng.
Một năm sau đó, mùa xuân năm 1988, cô gả cho anh.
Bàn tay Ân Tĩnh rời khỏi dây đàn, chuyển đến quai hàm anh. Hai người gần đến mức chỉ gần khẽ dịch lại chút thôi sẽ chạm vào mũi nhau: "Vậy bây giờ thì sao? Chúng ta đã gặp nhau, cũng đã ở bên nhau..."
Anh khẽ lấn về trước, chóp mũi cao thẳng chạm vào chóp mũi cô: "Thì chúng ta sẽ bên nhau thật lâu."
Hóa ra, hóa ra cô nên biết ơn vận mệnh này, vào lúc sinh thời, còn chưa gả cho ai, cô đã gặp được anh.
"Vậy Hà tiểu thư..."
"Ân Tĩnh, trước kia tôi từng nghĩ không cần nói với em, nhưng nếu em đã để ý vậy, tôi sẽ nói rõ ràng. Tôi bảo trông nom cô ấy thì chắc chắn sẽ trông nom cô ấy. Nhưng Ân Tĩnh à, đó chẳng qua chỉ là trông nom, em có hiểu không? Chỉ là trông nom."
"Cần phải xem nữa không?" Trước cửa chính phòng đàn, ở góc bày vô số nhạc cụ khác, Marvy khẽ ho nhẹ một tiếng: "Hà tiểu thư, đi thôi."
Đúng vậy, lúc này người đứng bên cạnh Marvy, đang trợn mắt há mồm trước màn kịch ân ái của vợ chồng họ Nguyễn, không phải Hà Thu Sương thì là ai đây?
Mười mấy phút trước, khi nghe Marvy "vô ý tiết lộ" A Đông và Trần Ân Tĩnh đang hẹn hò trong phòng đàn, đánh chết cô ta cũng không tin. Nhưng giờ đây, hết thảy những gì trước mắt...
"Không, không, không phải như vậy..."
"Đi thôi, Hà tiểu thư."
"Không thể nào..." Cô ta hóa dại lắc mạnh đầu, cho đến khi bị Marvy kéo đi một khoảng xa, cô ta mới lấy lại tinh thần: "Cô lôi tôi đi đâu? Không! Tôi không đi! Tôi phải đi tìm người đàn bà kia tính sổ! Cô ta dám cướp mất A Đông của tôi! Cô ta chỉ là một con hát, dựa vào đâu dám cướp mất A Đông của tôi!"
"Đủ rồi, Hà Thu Sương! Cô làm ơn đừng rước lấy nhục nữa được không? Người ta là vợ chồng danh chính ngôn thuận, cô tìm ai tính sổ?"
Hà Thu Sương sững sờ, Marvy lại "bồi" thêm một cú nữa: "Biết sự khác biệt lớn nhất giữa cô và Ân Tĩnh là gì không? Nếu cô ấy là cô, giờ phút này cô ấy tuyệt đối sẽ không bước thêm một bước nào!"
Cô ta hoàn toàn ngây dại, đôi mắt đẫm lệ bỗng dưng lăn xuống một giọt nước, giọt thứ hai, rồi lại giọt thứ ba...
"Vậy nên tôi thua rồi, phải không?"
~~~
P/s: (*) Trích bản dịch "Tỳ bà hành" của Phan Huy Thực