Ngồi Khóc Trên Cây
Chương 35
Tôi quay về Đo Đo.
Sau khi được truyền máu, và được thông báo lần truyền máu sắp tới còn những hai tháng nữa, tôi quyết định về thăm làng, nhét theo một đống thuốc bệnh viện cấp phát trong ba lô.
Có thể đây là lần về thăm làng cuối cùng của tôi. Tôi định nói với mẹ tôi như thế nhưng rồi tôi im lặng, sợ bà không chịu đựng nổi ý nghĩa u ám đó. Nhưng nhìn vào đáy mắt tối xám và đột ngột lạnh đi khi bà nhìn tôi, tôi hiểu ý nghĩ trong đầu bà chắc không cách xa ý nghĩ trong đầu tôi là mấy.
Tôi về làng để chia tay cô Út Huệ, thím Lê, thằng Thục và bé Loan. Và đặc biệt là chia tay con Rùa, mối tình đầu trái ngang của tôi. Dĩ nhiên tôi sẽ không để ai biết bệnh tình của mình vì tôi không muốn những ngày tôi ở làng trở nên nặng nề và nhất là không muốn mọi người nhìn tôi bằng ánh mắt thương cảm.
Ánh mắt đó tôi đã nhìn thấy trên gương mặt lấm tấm tàn nhang của con nhỏ Bích Lan và trên gương mặt phúc hậu của mẹ nó, người vẫn quyết định giúp đỡ tôi điều trị chứng bệnh nan y bất chấp việc tôi sẽ không bao giờ trở thành con rể của bà.
Tôi nhớ bà đã giận đến xám xanh mặt mày như thế nào khi biết được nghề nghiệp của chàng trai mà con gái bà yêu thương. Tất nhiên sau đó một tuần bà đã dịu đi khi Bích Lan kiên trì thuyết phục bà bằng trước tiên là nước mắt, sau đó bằng những lời dọa dẫm, cuối cùng bằng cách vẽ ra một tương lai xán lạn của chàng rể sinh viên tương lai.
Tôi nghĩ mẹ Bích Lan là người phụ nữ đủ từng trải để không bị phỉnh phờ trước tấm thảm tương lại sặc sỡ được con gái bà thêu dệt một cách có chủ ý, nhưng có lẽ tình thương con của bà đứng cao hơn nỗi bất bình và sự nghi kỵ nên rốt cuộc bà đành nhượng bộ cuộc tình không mong đợi này bằng cách đồng ý xem cuộc trúng tuyển vào đại học sắp tới của anh chàng xiếc rong như một thứ giấy phép hợp lệ để bước chân vô nhà bà.
Có lẽ vì kết quả đảo ngược một cách ngoạn mục mà Bích Lan đã không trách móc tôi về chuyện tôi đã vi phạm lời hứa với nó, thậm chí nó còn tỏ vẻ biết ơn tôi về chuyện tôi đã không giữ lời. Điều duy nhất khiến tôi không cảm thấy thoải mái là nó bộc lộ lòng biết ơn đó bằng cách tò tò đi theo tôi mọi lúc mọi nơi và không bỏ lỡ bất cứ cơ hội cỏn con nào để chăm sóc tôi như thể tôi là đứa bé thiểu năng - chẳng biết làm gì ngoài chuyện chờ chết.
Rời Sài Gòn vì vậy đối với tôi còn có nghĩa là rời khỏi gương mặt ủ rũ của con nhỏ Bích Lan - gương mặt người ta chỉ đeo vào dịp tang lễ (thú thực nhìn bột mặt thảm sầu của nó tôi cứ nghĩ người sắp chết là nó chứ không phải là tôi) và cuộc đào thoát khỏi lòng biết ơn quá đáng của nó khiến tôi thấy chuyến trở về làng của tôi càng thêm đúng đắn.
Suốt chuyến đi, tôi ngủ gà ngủ gật và trong những cơn mộng mị chập chờn trên xe đò tôi lại nhìn thấy con Rùa. Tôi biết sau ba năm xa cách nó đã lớn hơn hình ảnh mà tâm trí tôi còn lưu giữ về nó nhưng khi đến tìm tôi trong mơ con Rùa vẫn mang bộ mặt nó từng mang khi cùng tôi lang thang trong rừng năm nào.
Có lúc tôi nhìn thấy nó nhìn tôi buồn buồn và tuy nó không trách cứ gì, rèm mi dài lóng lánh nước của nó cho biết nó giận tôi ghê lắm. Có lúc nó không thèm nhìn tôi dù tôi đứng ngay trước mặt nó và rụt rè khoe với nó nụ cười ngượng ngập. Nó giận dỗi quay lưng về phía tôi, thản nhiên ca hát. Tôi lại nghe bài ca lạ lùng của nó trôi bềnh bồng trong giấc mơ:
- Bầy châu chấu khiêu vũ
Bọ chét ơi, bọ chét à
Con kiến trong hang đã ngủ
Đố mày tìm cho ra…
Trước mặt con Rùa, rừng cây như bốc cháy trong hoàng hôn và mặt trời đỏ như quả táo chín trên đỉnh đồi xa viền quanh mái tóc ngắn của nó như một quầng sáng đẹp đến nhói lòng.
Tôi thức và ngủ, ngủ và thức, đầu chốc chốc va vào thành xe đau điếng, với hình ảnh con Rùa chớp tắt trong mơ, vẫn không nói với tôi một lời.
Tôi chỉ choàng tỉnh khi xe tới Tam Kỳ. Nhưng tôi không xuống xe nhà bác Vận như xưa nay vẫn thế. Tôi ôm ba lô ngồi lì trên băng ghế, cũng không ngừng lại ở Quán Gò, nơi có sẵn đội quân xe thồ sẵn sàng chở khách lên mạn ngược.
Tôi quyết định xuống ngay chợ Kế Xuyên, dù từ đó tôi phải lội bộ về làng Đo Đo cả mười cây số.
Vì đó là nơi lần đầu tiên tôi gặp con Rùa.
Tôi muốn đi lại con đường tôi đã chở thằng Thục đi lượm nắp keng dạo nào, cũng là con đường con Rùa thường xuyên chinh phục bằng đôi chân trần mong manh của nó.
Khoác ba lô trên vai, tôi hồi hộp lần mò trên con đường đất lồi lõm dẫn về làng. Nắng ban mai sưởi ấm cơ thể tôi như một cái ôm dài. Có phải đó là những tia nắng cách đây ba năm từng nhảy nhót trên đôi má con Rùa lúc nó ngồi cùng tôi dưới bóng cây bướm bạc? Tôi vừa đi vừa lẩn thẩn tự hỏi, lòng dậy lên những cảm xúc rối ren và mơ hồ.
Tiếng còi tàu vẳng tới từ phía trước nhưng khi tôi đến đoạn đường sắt quen thuộc, tôi chỉ còn thấy đuôi tàu đang lượn quanh bụi tre rậm và vội vàng mất hút vào rặng lá phía xa xanh.
Có tiếng chim chèo bẻo từ chỗ nào đó đánh kẽo kẹt như chào đón đứa con xa xứ trở về. Tôi đảo mắt kiếm tìm, chỉ thấy những chùm trái nổ trắng muốt lấp ló bên đường. Trái nổ nhỏ bằng đầu ngón tay út, trắng màu ngọc trai, có vị chan chát, ngòn ngọt, thơm nồng mùi lá cỏ, nếu không nôn nao về nhà thế nào tôi cũng háo hức chạy lại hái một nhánh cầm tay tung tẩy trên đường đi.
Một vài đứa bé đứng trong nhà nhìn ra khi tôi đi qua. Tụi nó ngước đôi mắt đen láy tò mò nhìn tôi, giơ những con châu chấu màu xanh trên tay ra trước mặt như khoe tôi. Hồi bé, tôi cũng từng mê mẩn những con châu chấu, cào cào tết bằng lá như thế.
Như vậy, ở làng Đo Đo mùa cọng dừa đã về.
Sau khi được truyền máu, và được thông báo lần truyền máu sắp tới còn những hai tháng nữa, tôi quyết định về thăm làng, nhét theo một đống thuốc bệnh viện cấp phát trong ba lô.
Có thể đây là lần về thăm làng cuối cùng của tôi. Tôi định nói với mẹ tôi như thế nhưng rồi tôi im lặng, sợ bà không chịu đựng nổi ý nghĩa u ám đó. Nhưng nhìn vào đáy mắt tối xám và đột ngột lạnh đi khi bà nhìn tôi, tôi hiểu ý nghĩ trong đầu bà chắc không cách xa ý nghĩ trong đầu tôi là mấy.
Tôi về làng để chia tay cô Út Huệ, thím Lê, thằng Thục và bé Loan. Và đặc biệt là chia tay con Rùa, mối tình đầu trái ngang của tôi. Dĩ nhiên tôi sẽ không để ai biết bệnh tình của mình vì tôi không muốn những ngày tôi ở làng trở nên nặng nề và nhất là không muốn mọi người nhìn tôi bằng ánh mắt thương cảm.
Ánh mắt đó tôi đã nhìn thấy trên gương mặt lấm tấm tàn nhang của con nhỏ Bích Lan và trên gương mặt phúc hậu của mẹ nó, người vẫn quyết định giúp đỡ tôi điều trị chứng bệnh nan y bất chấp việc tôi sẽ không bao giờ trở thành con rể của bà.
Tôi nhớ bà đã giận đến xám xanh mặt mày như thế nào khi biết được nghề nghiệp của chàng trai mà con gái bà yêu thương. Tất nhiên sau đó một tuần bà đã dịu đi khi Bích Lan kiên trì thuyết phục bà bằng trước tiên là nước mắt, sau đó bằng những lời dọa dẫm, cuối cùng bằng cách vẽ ra một tương lai xán lạn của chàng rể sinh viên tương lai.
Tôi nghĩ mẹ Bích Lan là người phụ nữ đủ từng trải để không bị phỉnh phờ trước tấm thảm tương lại sặc sỡ được con gái bà thêu dệt một cách có chủ ý, nhưng có lẽ tình thương con của bà đứng cao hơn nỗi bất bình và sự nghi kỵ nên rốt cuộc bà đành nhượng bộ cuộc tình không mong đợi này bằng cách đồng ý xem cuộc trúng tuyển vào đại học sắp tới của anh chàng xiếc rong như một thứ giấy phép hợp lệ để bước chân vô nhà bà.
Có lẽ vì kết quả đảo ngược một cách ngoạn mục mà Bích Lan đã không trách móc tôi về chuyện tôi đã vi phạm lời hứa với nó, thậm chí nó còn tỏ vẻ biết ơn tôi về chuyện tôi đã không giữ lời. Điều duy nhất khiến tôi không cảm thấy thoải mái là nó bộc lộ lòng biết ơn đó bằng cách tò tò đi theo tôi mọi lúc mọi nơi và không bỏ lỡ bất cứ cơ hội cỏn con nào để chăm sóc tôi như thể tôi là đứa bé thiểu năng - chẳng biết làm gì ngoài chuyện chờ chết.
Rời Sài Gòn vì vậy đối với tôi còn có nghĩa là rời khỏi gương mặt ủ rũ của con nhỏ Bích Lan - gương mặt người ta chỉ đeo vào dịp tang lễ (thú thực nhìn bột mặt thảm sầu của nó tôi cứ nghĩ người sắp chết là nó chứ không phải là tôi) và cuộc đào thoát khỏi lòng biết ơn quá đáng của nó khiến tôi thấy chuyến trở về làng của tôi càng thêm đúng đắn.
Suốt chuyến đi, tôi ngủ gà ngủ gật và trong những cơn mộng mị chập chờn trên xe đò tôi lại nhìn thấy con Rùa. Tôi biết sau ba năm xa cách nó đã lớn hơn hình ảnh mà tâm trí tôi còn lưu giữ về nó nhưng khi đến tìm tôi trong mơ con Rùa vẫn mang bộ mặt nó từng mang khi cùng tôi lang thang trong rừng năm nào.
Có lúc tôi nhìn thấy nó nhìn tôi buồn buồn và tuy nó không trách cứ gì, rèm mi dài lóng lánh nước của nó cho biết nó giận tôi ghê lắm. Có lúc nó không thèm nhìn tôi dù tôi đứng ngay trước mặt nó và rụt rè khoe với nó nụ cười ngượng ngập. Nó giận dỗi quay lưng về phía tôi, thản nhiên ca hát. Tôi lại nghe bài ca lạ lùng của nó trôi bềnh bồng trong giấc mơ:
- Bầy châu chấu khiêu vũ
Bọ chét ơi, bọ chét à
Con kiến trong hang đã ngủ
Đố mày tìm cho ra…
Trước mặt con Rùa, rừng cây như bốc cháy trong hoàng hôn và mặt trời đỏ như quả táo chín trên đỉnh đồi xa viền quanh mái tóc ngắn của nó như một quầng sáng đẹp đến nhói lòng.
Tôi thức và ngủ, ngủ và thức, đầu chốc chốc va vào thành xe đau điếng, với hình ảnh con Rùa chớp tắt trong mơ, vẫn không nói với tôi một lời.
Tôi chỉ choàng tỉnh khi xe tới Tam Kỳ. Nhưng tôi không xuống xe nhà bác Vận như xưa nay vẫn thế. Tôi ôm ba lô ngồi lì trên băng ghế, cũng không ngừng lại ở Quán Gò, nơi có sẵn đội quân xe thồ sẵn sàng chở khách lên mạn ngược.
Tôi quyết định xuống ngay chợ Kế Xuyên, dù từ đó tôi phải lội bộ về làng Đo Đo cả mười cây số.
Vì đó là nơi lần đầu tiên tôi gặp con Rùa.
Tôi muốn đi lại con đường tôi đã chở thằng Thục đi lượm nắp keng dạo nào, cũng là con đường con Rùa thường xuyên chinh phục bằng đôi chân trần mong manh của nó.
Khoác ba lô trên vai, tôi hồi hộp lần mò trên con đường đất lồi lõm dẫn về làng. Nắng ban mai sưởi ấm cơ thể tôi như một cái ôm dài. Có phải đó là những tia nắng cách đây ba năm từng nhảy nhót trên đôi má con Rùa lúc nó ngồi cùng tôi dưới bóng cây bướm bạc? Tôi vừa đi vừa lẩn thẩn tự hỏi, lòng dậy lên những cảm xúc rối ren và mơ hồ.
Tiếng còi tàu vẳng tới từ phía trước nhưng khi tôi đến đoạn đường sắt quen thuộc, tôi chỉ còn thấy đuôi tàu đang lượn quanh bụi tre rậm và vội vàng mất hút vào rặng lá phía xa xanh.
Có tiếng chim chèo bẻo từ chỗ nào đó đánh kẽo kẹt như chào đón đứa con xa xứ trở về. Tôi đảo mắt kiếm tìm, chỉ thấy những chùm trái nổ trắng muốt lấp ló bên đường. Trái nổ nhỏ bằng đầu ngón tay út, trắng màu ngọc trai, có vị chan chát, ngòn ngọt, thơm nồng mùi lá cỏ, nếu không nôn nao về nhà thế nào tôi cũng háo hức chạy lại hái một nhánh cầm tay tung tẩy trên đường đi.
Một vài đứa bé đứng trong nhà nhìn ra khi tôi đi qua. Tụi nó ngước đôi mắt đen láy tò mò nhìn tôi, giơ những con châu chấu màu xanh trên tay ra trước mặt như khoe tôi. Hồi bé, tôi cũng từng mê mẩn những con châu chấu, cào cào tết bằng lá như thế.
Như vậy, ở làng Đo Đo mùa cọng dừa đã về.
Tác giả :
Nguyễn Nhật Ánh