Nếu Biết Trăm Năm Là Hữu Hạn
Chương 11: Tiếng người hay chỉ tiếng chiêm bao?
Có bao giờ bạn mơ thấy một âm thanh, chỉ một âm thanh thôi, không hình ảnh. Đó là khi bạn nghe mơ hồ bên tai như có ai đó đang gọi tên mình “A. ơi”, vừa như ngay bên cạnh vừa như xa xôi lắm. Mơ hồ như là một giấc chiêm bao.
Đó là tiếng “ơi” mà lúc nhỏ tôi hay nghe lắm, có ngày nghe đến hàng chục lần. Có khi bà ngoại gọi “A. ơi về ăn cơm”, có khi nghe cậu bạn thân “A. đi câu cá”, có khi là đứa em trai thì thầm vào tai “A. ơi” khi muốn xin xỏ thứ gì. Nhưng cũng có khi là tiếng kêu “… ơi” của mẹ, gọi về phát cho mấy cái đũa bếp vào mông vì cái tội ham chơi.
Đã bao lâu rồi, tôi không được nghe tiếng “ơi” ấy!
Những buổi sớm mai của thời thơ ấu, tôi thường bị đánh thức khi trời còn tờ mờ sương, bởi tiếng nước chảy trong trẻo đổ từ gàu vào chiếc thùng thiếc vọng từ ngoài giếng. Rồi những âm thanh đến gần hơn. Ngay dưới nhà bếp thôi. Tiếng nước sôi réo trong ấm, tiếng lửa nổ tanh tách. Tiếng phin cà phê va vào nhau lách cách. Và tôi trở mình trong chăn, mơ màng ngủ lại giữa chập chùng những tiếng rì rầm trò chuyện của ba mẹ. Chuyện lúa gạo, chuyện học hành, chuyện chiếc xe bò đang bị hỏng cái bánh xe, chuyện một người quen ở xa mới về… Thoảng hoặc pha những tiếng cười rất nhẹ. Đó chính là âm thanh mà tôi yêu thích nhất. Tiếng trò chuyện rì rầm ấy, vào buổi ban mai. Cái âm thanh thủ thỉ, vừa xa vừa gần, tin cậy, và tràn đầy yêu thương. Nó khiến tôi thấy lòng hạnh phúc và bình yên vô hạn.
Âm thanh đó, đã bao lâu rồi tôi không còn nghe? Những khi nhớ nhà, tôi thường gắn chiếc headphone lên tai và lặng nghe những giọt âm vô cùng trong trẻo của ban nhạc Secret Garden.
Thứ âm nhạc thần kì có thể mang cho tôi những hồi tưởng thanh bình êm ả. Nhưng nhiều lúc, âm nhạc dù du dương mấy vẫn không đủ cho tôi. Bởi tôi thèm một âm thanh khác. Âm thanh của tiếng nói con người, âm thanh của tiếng ai đó đang gọi tên tôi.
Các bác sĩ thống kê rằng có đến 70% những em bé bị chậm nói bắt nguồn từ nguyên nhân cha mẹ dành quá ít thời gian để nói chuyện với bé. Điều đáng nói là những chiếc ti vi ra rả suốt ngày không thay thế được tiếng mẹ, tiếng cha, mà còn làm cho tình trạng chậm nói của các em trở nên nghiêm trọng hơn. Bởi trẻ em, ở cái tuổi bi bô ấy, phải nghe và được lắng nghe với tình yêu cũng như sự thông hiểu, thì mới nói được. Nghĩa là không chỉ có người lớn mới có lúc thèm nghe tiếng người mà ngay cả trẻ con cũng vậy.
Có phải chúng ta đang ngày càng ít nói với nhau hơn. Chúng ta gặp nhau qua YM, tin nhắn, chúng ta đọc blog hay những câu status trên Facebook của nhau mỗi ngày, chúng ta những tưởng đã biết hết, hiểu hết về nhau mà không cần thốt lên lời. Có phải vậy chăng? Có phải ta cũng như loài cá heo có thể giao tiếp với nhau bằng sóng siêu âm. Tiếng nói con người dùng để làm gì nếu không phải để thổ lộ, để giãi bày, để xoa dịu. Nếu muốn được hiểu thì phải được lắng nghe. Nếu muốn được lắng nghe thì phải nói trước đã. Vậy thì còn ngần ngừ chi nữa, hãy nói với nhau đi. Nói với ba, với mẹ, với anh chị, với em, với bạn bè… Đừng chat, đừng email, đừng post lên Facebook, hãy chạy đến gặp nhau, hay ít nhất, hãy nhấc điện thoại lên, thậm chí chỉ để gọi nhau một tiếng “…ơi” dịu dàng!
Một tiếng người thực sự ân cần, yêu thương, quan tâm, gần gũi… Và chắc chắn, không phải là chiêm bao.
Đó là tiếng “ơi” mà lúc nhỏ tôi hay nghe lắm, có ngày nghe đến hàng chục lần. Có khi bà ngoại gọi “A. ơi về ăn cơm”, có khi nghe cậu bạn thân “A. đi câu cá”, có khi là đứa em trai thì thầm vào tai “A. ơi” khi muốn xin xỏ thứ gì. Nhưng cũng có khi là tiếng kêu “… ơi” của mẹ, gọi về phát cho mấy cái đũa bếp vào mông vì cái tội ham chơi.
Đã bao lâu rồi, tôi không được nghe tiếng “ơi” ấy!
Những buổi sớm mai của thời thơ ấu, tôi thường bị đánh thức khi trời còn tờ mờ sương, bởi tiếng nước chảy trong trẻo đổ từ gàu vào chiếc thùng thiếc vọng từ ngoài giếng. Rồi những âm thanh đến gần hơn. Ngay dưới nhà bếp thôi. Tiếng nước sôi réo trong ấm, tiếng lửa nổ tanh tách. Tiếng phin cà phê va vào nhau lách cách. Và tôi trở mình trong chăn, mơ màng ngủ lại giữa chập chùng những tiếng rì rầm trò chuyện của ba mẹ. Chuyện lúa gạo, chuyện học hành, chuyện chiếc xe bò đang bị hỏng cái bánh xe, chuyện một người quen ở xa mới về… Thoảng hoặc pha những tiếng cười rất nhẹ. Đó chính là âm thanh mà tôi yêu thích nhất. Tiếng trò chuyện rì rầm ấy, vào buổi ban mai. Cái âm thanh thủ thỉ, vừa xa vừa gần, tin cậy, và tràn đầy yêu thương. Nó khiến tôi thấy lòng hạnh phúc và bình yên vô hạn.
Âm thanh đó, đã bao lâu rồi tôi không còn nghe? Những khi nhớ nhà, tôi thường gắn chiếc headphone lên tai và lặng nghe những giọt âm vô cùng trong trẻo của ban nhạc Secret Garden.
Thứ âm nhạc thần kì có thể mang cho tôi những hồi tưởng thanh bình êm ả. Nhưng nhiều lúc, âm nhạc dù du dương mấy vẫn không đủ cho tôi. Bởi tôi thèm một âm thanh khác. Âm thanh của tiếng nói con người, âm thanh của tiếng ai đó đang gọi tên tôi.
Các bác sĩ thống kê rằng có đến 70% những em bé bị chậm nói bắt nguồn từ nguyên nhân cha mẹ dành quá ít thời gian để nói chuyện với bé. Điều đáng nói là những chiếc ti vi ra rả suốt ngày không thay thế được tiếng mẹ, tiếng cha, mà còn làm cho tình trạng chậm nói của các em trở nên nghiêm trọng hơn. Bởi trẻ em, ở cái tuổi bi bô ấy, phải nghe và được lắng nghe với tình yêu cũng như sự thông hiểu, thì mới nói được. Nghĩa là không chỉ có người lớn mới có lúc thèm nghe tiếng người mà ngay cả trẻ con cũng vậy.
Có phải chúng ta đang ngày càng ít nói với nhau hơn. Chúng ta gặp nhau qua YM, tin nhắn, chúng ta đọc blog hay những câu status trên Facebook của nhau mỗi ngày, chúng ta những tưởng đã biết hết, hiểu hết về nhau mà không cần thốt lên lời. Có phải vậy chăng? Có phải ta cũng như loài cá heo có thể giao tiếp với nhau bằng sóng siêu âm. Tiếng nói con người dùng để làm gì nếu không phải để thổ lộ, để giãi bày, để xoa dịu. Nếu muốn được hiểu thì phải được lắng nghe. Nếu muốn được lắng nghe thì phải nói trước đã. Vậy thì còn ngần ngừ chi nữa, hãy nói với nhau đi. Nói với ba, với mẹ, với anh chị, với em, với bạn bè… Đừng chat, đừng email, đừng post lên Facebook, hãy chạy đến gặp nhau, hay ít nhất, hãy nhấc điện thoại lên, thậm chí chỉ để gọi nhau một tiếng “…ơi” dịu dàng!
Một tiếng người thực sự ân cần, yêu thương, quan tâm, gần gũi… Và chắc chắn, không phải là chiêm bao.
Tác giả :
Phạm Lữ Ân