Mùa Trôi Trên Quang Gánh
Chương 9: Nhớ mùa xưa nước ngập
Bão về. Từ mấy hôm trước thời tiết đã bất thường. Có khi cả ngày nắng chang chang, tối đến đổ mưa rầm rập, những ai có việc ở lại công sở muộn ngao ngán nhìn dòng nước dâng ngập cầu thang, đành phải ngủ lại cơ quan. Mưa xối mưa xả, tôi nằm chôn chân trong nhà, chỉ biết ngao ngán nhìn trời, lục tủ lạnh chế biến đống thức ăn dự trữ, xem tivi, lên mạng, rồi lại nhìn trời, thương những người buộc phải ra đường trong cơn mưa dữ. Còn với trẻ con, đương nhiên bọc chặt chúng trong nhà, một giọt nước mưa cũng chẳng cho động đến. Chợt thấy, cuộc sống trong mưa của người thành phố đơn điệu quá. Chợt rưng rưng nhớ những mùa nước ngập ngày xưa, mỗi khi mưa về như mở hội.
Ngôi làng nhỏ của tôi nằm ven sông Hồng. Mỗi năm hè đến, người lớn trong làng lo thắt lòng bão lũ, lo vỡ đê, lo nước ngập, lo chưa kịp thu hoạch hoa màu, nhà dột, không có cái ăn. Còn bọn trẻ con chúng tôi chỉ lo nhất là không có cái chơi. Tuy vậy, cái sự ăn, chơi của trẻ con nhà quê ngày xưa nó khác với sự ăn, chơi của trẻ con thành phố ngày nay lắm. Chính trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn lại khiến nhiều đứa phát huy tối đa sức sáng tạo, khiến những cái ăn, những trò chơi cũng trở nên hữu ích và thành kí ức chẳng thể phai mờ.
Những ngày mưa bão dữ dội nhất, mưa bão chết cò, kể cả người lớn cũng không dám ra khỏi nhà, đành tự thưởng cho mình những phút giây nghỉ ngơi thì bọn trẻ bồn chồn chân tay, buồn bã mồm miệng. Lúc ấy, các thùng, vại, chum, các vò trong nhà được lục tung ra, và những đứa trẻ lại trở thành bọn hăng hái nhất khi làm các món ăn mùa nước ngập. Nhà nào còn nhiều thóc nếp, thể nào cũng sẽ có vài mẻ được đổ lên chảo, rang bỏng thơm lừng, khói tỏa nghi ngút, ấm áp và tiếng bỏng nổ lép bép vui tai trong tiếng mưa dồn dập. Bao giờ cũng vậy, cứ một mẻ rang thì chỉ còn lại một nửa bỏng, vì bọn trẻ đã háu táu bốc ăn từ khi bỏng mới nở loáng thoáng rồi. Sau khi những cái mồm đã gần sưng lên vì vỏ trấu nhàm nhạp, số bỏng còn lại mới được mang ra giã thì thụp, ngào mật, thêm gừng, trộn lạc để làm thành món chè lam, thơm ngọt cay giòn bùi, mới nghĩ đến đã thèm rỏ rãi. Nhà nào có khoai khô thì cũng bắt đầu bắc cối, chày, ra sức giã. Hấp chín, bánh khoai khô đen như bánh gai, có mùi thơm nhẹ, khi bẻ ra màu vàng ươm của đỗ xanh nổi bật lên trên nền vỏ đen, và khi ăn thì vị ngọt ùa vào đầy khoang miệng, thứ ngọt đậm đà mà lại không ngán, không loại đường nào trên đời có thể so sánh nổi. Cả hai thứ bánh đều có thể để vài ngày, ăn dần được. Nhưng bọn trẻ thì đâu phải đã sẵn tinh thần “tích cốc phòng cơ”, loáng cái chúng đã chạy tọt từ nhà nọ sang nhà kia, chia, biếu, khoe mỗi nơi một tẹo. Chả mấy chốc, hết bánh, cơn thèm lại đến.
Trời đã ngớt mưa, nhìn ra ngoài đường bùn nhão lõng bõng, có chỗ nước ngập ngang bắp chân, ao hồ đồng ruộng một màu trắng xóa. Lúc này thì chả cản được nữa, cả bọn đã đầu trần, đổ xô ra vồ những con rô rạch, thả vó kéo cá vỡ đầm theo dòng nước đi hoang. Từng đám kéo vó xôn xao, có khi kéo được cả những con trắm, chép to bằng bắp chân người lớn, hò hét váng cả lên, mặc mưa thấm vào người ướt lướt thướt. Nhưng dù cá to nhỏ, rô diếc đòng đong cân cấn thì cũng đều cho tất vào một nồi, ngả chum tương vàng sọng, thơm phức ra, đổ ngập cá, cho thêm mấy lát gừng, đun nhỏ lửa cho sôi lăn tăn rồi vần kĩ trong tro rơm. Nồi cá bắc ra chín nục, mùi thơm kéo từ nhà nọ sang nhà kia, ăn với cơm gạo mới, ngon tê đầu lưỡi, ngon đến độ nhiều năm sau nghĩ lại vẫn mong mình được ngồi chìa bát, sợ hết cơm trong căn bếp rạ thâm u lộp độp mưa rơi. Cứ nhớ đến nồi cá kho tương, bát cơm gạo mới lại thấy nôn nao trong dạ.
Khi bão qua đi, nước rút dần, tiếng ếch nhái xi xao cũng là lúc đêm đêm bọn trẻ đốt lốp xe đạp đi soi ếch. Nhưng thích nhất phải kể đến việc chèo thuyền sang bãi giữa sông Hồng để săn... chuột. Đàn chuột ních đầy bụng hoa màu bên bãi, béo mượt, sợ nước ngập đu cả lên ngọn những cây muồng, ướt nhẹp trong mưa. Thuyền chèo len lỏi qua chỗ nào, cứ việc với tay lên ngọn, túm gọn từng chú, quay quay vài vòng cho say đừ, buộc đuôi xâu lủng lẳng lại. Có khi chỉ đi một quãng đã được đầy cán cuốc, mang về chia cho mỗi nhà vài xâu. Bọn trẻ thì không dám “ra tay”, nhưng người lớn thì đã quá quen với món đặc sản này. Chuột nhịn đói đã mấy ngày, cắt đầu bỏ ruột bỏ lông, thịt trắng tinh như thịt gà, cứ chặt khúc cho vào nồi, lại đổ tương lên, kho nhỏ lửa, ăn vừa thơm, mềm lại chắc, ngon khó tả. Nhà nào cầu kì hơn thì ép lá chanh, rán hoặc nấu giả cầy, đảm bảo có mời thịt gà, cá chép, ba ba thì cũng cứ gạt phắt, phải ăn thịt chuột trước. Chả thế, nghe thì có vẻ... kinh, nhưng làng tôi còn có truyền thống “cỗ không có thịt chuột thì không gọi là to” từ bao đời chẳng rõ. Từ cỗ cưới hỏi đám ma, hiếu hỉ Tết nhất, thế nào cũng phải có vài món thịt chuột. Bây giờ, chẳng ai dám bày cỗ thịt chuột nữa, nhà nào thèm quá thì bắt vài con chuột đồng, chuột bãi ăn chơi cho khỏi nhớ. Bọn trẻ con của những người xa quê, ở thành phố quanh năm ghét chuột, về chẳng may nhìn thấy món “chít chít” thì khóc thét chê bẩn, nhưng bố mẹ chúng thể nào cũng nhớ về cả một thuở thơ bé nghịch ngợm, dù chơi dù đùa cũng giúp bố mẹ có thêm thức ăn trong ngày nước ngập.
_
Ngôi làng nhỏ của tôi nằm ven sông Hồng. Mỗi năm hè đến, người lớn trong làng lo thắt lòng bão lũ, lo vỡ đê, lo nước ngập, lo chưa kịp thu hoạch hoa màu, nhà dột, không có cái ăn. Còn bọn trẻ con chúng tôi chỉ lo nhất là không có cái chơi. Tuy vậy, cái sự ăn, chơi của trẻ con nhà quê ngày xưa nó khác với sự ăn, chơi của trẻ con thành phố ngày nay lắm. Chính trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn lại khiến nhiều đứa phát huy tối đa sức sáng tạo, khiến những cái ăn, những trò chơi cũng trở nên hữu ích và thành kí ức chẳng thể phai mờ.
Những ngày mưa bão dữ dội nhất, mưa bão chết cò, kể cả người lớn cũng không dám ra khỏi nhà, đành tự thưởng cho mình những phút giây nghỉ ngơi thì bọn trẻ bồn chồn chân tay, buồn bã mồm miệng. Lúc ấy, các thùng, vại, chum, các vò trong nhà được lục tung ra, và những đứa trẻ lại trở thành bọn hăng hái nhất khi làm các món ăn mùa nước ngập. Nhà nào còn nhiều thóc nếp, thể nào cũng sẽ có vài mẻ được đổ lên chảo, rang bỏng thơm lừng, khói tỏa nghi ngút, ấm áp và tiếng bỏng nổ lép bép vui tai trong tiếng mưa dồn dập. Bao giờ cũng vậy, cứ một mẻ rang thì chỉ còn lại một nửa bỏng, vì bọn trẻ đã háu táu bốc ăn từ khi bỏng mới nở loáng thoáng rồi. Sau khi những cái mồm đã gần sưng lên vì vỏ trấu nhàm nhạp, số bỏng còn lại mới được mang ra giã thì thụp, ngào mật, thêm gừng, trộn lạc để làm thành món chè lam, thơm ngọt cay giòn bùi, mới nghĩ đến đã thèm rỏ rãi. Nhà nào có khoai khô thì cũng bắt đầu bắc cối, chày, ra sức giã. Hấp chín, bánh khoai khô đen như bánh gai, có mùi thơm nhẹ, khi bẻ ra màu vàng ươm của đỗ xanh nổi bật lên trên nền vỏ đen, và khi ăn thì vị ngọt ùa vào đầy khoang miệng, thứ ngọt đậm đà mà lại không ngán, không loại đường nào trên đời có thể so sánh nổi. Cả hai thứ bánh đều có thể để vài ngày, ăn dần được. Nhưng bọn trẻ thì đâu phải đã sẵn tinh thần “tích cốc phòng cơ”, loáng cái chúng đã chạy tọt từ nhà nọ sang nhà kia, chia, biếu, khoe mỗi nơi một tẹo. Chả mấy chốc, hết bánh, cơn thèm lại đến.
Trời đã ngớt mưa, nhìn ra ngoài đường bùn nhão lõng bõng, có chỗ nước ngập ngang bắp chân, ao hồ đồng ruộng một màu trắng xóa. Lúc này thì chả cản được nữa, cả bọn đã đầu trần, đổ xô ra vồ những con rô rạch, thả vó kéo cá vỡ đầm theo dòng nước đi hoang. Từng đám kéo vó xôn xao, có khi kéo được cả những con trắm, chép to bằng bắp chân người lớn, hò hét váng cả lên, mặc mưa thấm vào người ướt lướt thướt. Nhưng dù cá to nhỏ, rô diếc đòng đong cân cấn thì cũng đều cho tất vào một nồi, ngả chum tương vàng sọng, thơm phức ra, đổ ngập cá, cho thêm mấy lát gừng, đun nhỏ lửa cho sôi lăn tăn rồi vần kĩ trong tro rơm. Nồi cá bắc ra chín nục, mùi thơm kéo từ nhà nọ sang nhà kia, ăn với cơm gạo mới, ngon tê đầu lưỡi, ngon đến độ nhiều năm sau nghĩ lại vẫn mong mình được ngồi chìa bát, sợ hết cơm trong căn bếp rạ thâm u lộp độp mưa rơi. Cứ nhớ đến nồi cá kho tương, bát cơm gạo mới lại thấy nôn nao trong dạ.
Khi bão qua đi, nước rút dần, tiếng ếch nhái xi xao cũng là lúc đêm đêm bọn trẻ đốt lốp xe đạp đi soi ếch. Nhưng thích nhất phải kể đến việc chèo thuyền sang bãi giữa sông Hồng để săn... chuột. Đàn chuột ních đầy bụng hoa màu bên bãi, béo mượt, sợ nước ngập đu cả lên ngọn những cây muồng, ướt nhẹp trong mưa. Thuyền chèo len lỏi qua chỗ nào, cứ việc với tay lên ngọn, túm gọn từng chú, quay quay vài vòng cho say đừ, buộc đuôi xâu lủng lẳng lại. Có khi chỉ đi một quãng đã được đầy cán cuốc, mang về chia cho mỗi nhà vài xâu. Bọn trẻ thì không dám “ra tay”, nhưng người lớn thì đã quá quen với món đặc sản này. Chuột nhịn đói đã mấy ngày, cắt đầu bỏ ruột bỏ lông, thịt trắng tinh như thịt gà, cứ chặt khúc cho vào nồi, lại đổ tương lên, kho nhỏ lửa, ăn vừa thơm, mềm lại chắc, ngon khó tả. Nhà nào cầu kì hơn thì ép lá chanh, rán hoặc nấu giả cầy, đảm bảo có mời thịt gà, cá chép, ba ba thì cũng cứ gạt phắt, phải ăn thịt chuột trước. Chả thế, nghe thì có vẻ... kinh, nhưng làng tôi còn có truyền thống “cỗ không có thịt chuột thì không gọi là to” từ bao đời chẳng rõ. Từ cỗ cưới hỏi đám ma, hiếu hỉ Tết nhất, thế nào cũng phải có vài món thịt chuột. Bây giờ, chẳng ai dám bày cỗ thịt chuột nữa, nhà nào thèm quá thì bắt vài con chuột đồng, chuột bãi ăn chơi cho khỏi nhớ. Bọn trẻ con của những người xa quê, ở thành phố quanh năm ghét chuột, về chẳng may nhìn thấy món “chít chít” thì khóc thét chê bẩn, nhưng bố mẹ chúng thể nào cũng nhớ về cả một thuở thơ bé nghịch ngợm, dù chơi dù đùa cũng giúp bố mẹ có thêm thức ăn trong ngày nước ngập.
_
Tác giả :
Hương Thị