Mùa Trôi Trên Quang Gánh
Chương 2: Ngỡ ngàng tháng tư
Ai cũng bảo độ này thời gian trôi nhanh thế. Cũng đúng thôi. Qua hết sự chùng chình của “Tháng giêng ăn nghiêng bồ lúa” thì không khí hội hè lễ Tết cũng nhạt dần, để cuộc sống trở lại với những lo toan tất bật hàng ngày, vì thế, thời gian trôi nhanh là phải. Tuy vậy, cuối tuần, xé tờ lịch trên tay vẫn không khỏi bâng khuâng, ngỡ ngàng. Tháng tư đã về.
Tháng tư về nhanh đến bất ngờ. Bởi ngoài con số đếm thì chẳng có sự gì báo trước. Vẫn những thú vui rất bình dị ấy là sáng sớm cuối tuần được dạo phố ngắm trời ngắm đất hoặc sà vào một quán trà chén ven đường nhâm nhi tờ báo vừa mua của một hàng quen. Phải chăng chỉ là những cơn mưa rộn rã gõ trên mái tôn vào đêm và sáng với nhịp ồn ào và dầy dặn báo đã chuyển mùa? Còn trên khắp phố phường Hà Nội, cữ này hàng năm luôn bắt gặp những chồi xanh biếc của hàng phượng, những búp non đo đỏ của bằng lăng, màu tươi trẻ của những tán xà cừ. Và thường thì đã có những bông bằng lăng tím ngắt lanh chanh đi trước giành lấy nhiệm vụ mang tín hiệu mùa hè đến sớm khiến một sớm tháng tư trên đường phố, người ta bỗng dịu lòng quên đi cảnh ồn ào chen lấn xung quanh.
Tháng tư về, cái lạnh vẫn dùng dằng lan đi trong không gian, nhưng mỗi khi gió thổi tới chẳng khiến ai co mình vì rét nữa. Cô bạn tôi, đang là sinh viên năm cuối một trường đại học thì bảo, cô chẳng bất ngờ với tháng tư. Cô còn rất trẻ, đương nhiên chẳng hề phải giật mình vì thời gian, nhưng có một lẽ mà tháng tư vô cùng thân thuộc với cô, đó là hơn chục năm nay, năm nào cô và các bạn cũng mong chờ ngày đầu tiên của tháng tư. Nó không phải là ngày “Cá tháng tư” đầy tiếng cười như trước nữa, mà mang chút ngậm ngùi nuối tiếc. Đó là ngày “người hát rong” tài hoa Trịnh Công Sơn rời bỏ cõi tạm để trở về với cát bụi. Sinh viên mà, có những hoạt động tập thể tự phát nhưng ý nghĩa, để lại trong lòng bao kỉ niệm. Đã thành thông lệ, mỗi tối 1-4, cô và bạn bè đều tụ tập bên nhau, đốt lên những ngọn nến, cùng cây đàn ghita bập bùng, hát thâu đêm những bài ca của Trịnh.
Hồi còn là sinh viên, hồi Trịnh chưa ra đi, hầu như tối sinh nhật, vui chơi nào chúng tôi cũng đàn hát, và mọi ngả đường rồi thế nào cũng quay về nhạc Trịnh. Bây giờ, tôi tin, Hà Nội nơi tập trung rất nhiều sinh viên, các trường đại học, tối nào mà chẳng có ít nhất một bài hát của Trịnh vang lên. Riêng đêm ngày 1-4 hàng năm, chắc chắn có rất nhiều nhóm, nhiều người cùng ngồi lại bên nhau, trong khuôn viên trường, một phòng nào đó trong kí túc xá, hoặc một quán cà phê nào đó, hay trong một công viên, một nhà hát, bất cứ một chốn nào ở Hà Nội thôi - dù nơi này ông chẳng gắn bó nhiều lắm, chẳng sáng tác nhiều bài hát lắm, không chỉ sinh viên mà người người ở mọi lứa tuổi cũng sẽ tưởng nhớ ông, nhất là năm nay, khi tháng tư về, rất nhiều cuốn sách, nhiều tư liệu về cuộc đời ông, âm nhạc ông lần đầu tiên được công bố.
Còn tôi, biết đến tháng tư khi ngày giỗ Trịnh đã qua đi, tôi khẽ ngân lên trong lòng câu hát của một nhạc sĩ khác. “Tháng tư về, gió hát mùa hè, có những chân trời xa thế...”. Hình như, sóng hồ Tây chiều nay cũng xanh hơn để mắt nhìn thành phố thấy thoáng đãng hơn. Người ta thôi cằn nhằn về những vỉa hè mới lát đã bung bét, bẩn thỉu sau những cơn mưa. Người ta cũng tạm quên đi niềm vui cũng như sự lo lắng về những công trình to đẹp đang thi nhau mọc lên khắp thành phố. Những bạn trẻ đang bước gần lắm đến kì thi tốt nghiệp và kì thi đại học cũng tạm quên nghe ngóng thông tin về việc chuyển các trường đại học ra ngoại ô để tập trung vào học, vào việc làm dày lên những kỉ niệm học trò.
Tháng tư về, một mùa mới sắp về.
Như thế cũng đủ xôn xao trong lòng lắm lắm.
Tháng tư về nhanh đến bất ngờ. Bởi ngoài con số đếm thì chẳng có sự gì báo trước. Vẫn những thú vui rất bình dị ấy là sáng sớm cuối tuần được dạo phố ngắm trời ngắm đất hoặc sà vào một quán trà chén ven đường nhâm nhi tờ báo vừa mua của một hàng quen. Phải chăng chỉ là những cơn mưa rộn rã gõ trên mái tôn vào đêm và sáng với nhịp ồn ào và dầy dặn báo đã chuyển mùa? Còn trên khắp phố phường Hà Nội, cữ này hàng năm luôn bắt gặp những chồi xanh biếc của hàng phượng, những búp non đo đỏ của bằng lăng, màu tươi trẻ của những tán xà cừ. Và thường thì đã có những bông bằng lăng tím ngắt lanh chanh đi trước giành lấy nhiệm vụ mang tín hiệu mùa hè đến sớm khiến một sớm tháng tư trên đường phố, người ta bỗng dịu lòng quên đi cảnh ồn ào chen lấn xung quanh.
Tháng tư về, cái lạnh vẫn dùng dằng lan đi trong không gian, nhưng mỗi khi gió thổi tới chẳng khiến ai co mình vì rét nữa. Cô bạn tôi, đang là sinh viên năm cuối một trường đại học thì bảo, cô chẳng bất ngờ với tháng tư. Cô còn rất trẻ, đương nhiên chẳng hề phải giật mình vì thời gian, nhưng có một lẽ mà tháng tư vô cùng thân thuộc với cô, đó là hơn chục năm nay, năm nào cô và các bạn cũng mong chờ ngày đầu tiên của tháng tư. Nó không phải là ngày “Cá tháng tư” đầy tiếng cười như trước nữa, mà mang chút ngậm ngùi nuối tiếc. Đó là ngày “người hát rong” tài hoa Trịnh Công Sơn rời bỏ cõi tạm để trở về với cát bụi. Sinh viên mà, có những hoạt động tập thể tự phát nhưng ý nghĩa, để lại trong lòng bao kỉ niệm. Đã thành thông lệ, mỗi tối 1-4, cô và bạn bè đều tụ tập bên nhau, đốt lên những ngọn nến, cùng cây đàn ghita bập bùng, hát thâu đêm những bài ca của Trịnh.
Hồi còn là sinh viên, hồi Trịnh chưa ra đi, hầu như tối sinh nhật, vui chơi nào chúng tôi cũng đàn hát, và mọi ngả đường rồi thế nào cũng quay về nhạc Trịnh. Bây giờ, tôi tin, Hà Nội nơi tập trung rất nhiều sinh viên, các trường đại học, tối nào mà chẳng có ít nhất một bài hát của Trịnh vang lên. Riêng đêm ngày 1-4 hàng năm, chắc chắn có rất nhiều nhóm, nhiều người cùng ngồi lại bên nhau, trong khuôn viên trường, một phòng nào đó trong kí túc xá, hoặc một quán cà phê nào đó, hay trong một công viên, một nhà hát, bất cứ một chốn nào ở Hà Nội thôi - dù nơi này ông chẳng gắn bó nhiều lắm, chẳng sáng tác nhiều bài hát lắm, không chỉ sinh viên mà người người ở mọi lứa tuổi cũng sẽ tưởng nhớ ông, nhất là năm nay, khi tháng tư về, rất nhiều cuốn sách, nhiều tư liệu về cuộc đời ông, âm nhạc ông lần đầu tiên được công bố.
Còn tôi, biết đến tháng tư khi ngày giỗ Trịnh đã qua đi, tôi khẽ ngân lên trong lòng câu hát của một nhạc sĩ khác. “Tháng tư về, gió hát mùa hè, có những chân trời xa thế...”. Hình như, sóng hồ Tây chiều nay cũng xanh hơn để mắt nhìn thành phố thấy thoáng đãng hơn. Người ta thôi cằn nhằn về những vỉa hè mới lát đã bung bét, bẩn thỉu sau những cơn mưa. Người ta cũng tạm quên đi niềm vui cũng như sự lo lắng về những công trình to đẹp đang thi nhau mọc lên khắp thành phố. Những bạn trẻ đang bước gần lắm đến kì thi tốt nghiệp và kì thi đại học cũng tạm quên nghe ngóng thông tin về việc chuyển các trường đại học ra ngoại ô để tập trung vào học, vào việc làm dày lên những kỉ niệm học trò.
Tháng tư về, một mùa mới sắp về.
Như thế cũng đủ xôn xao trong lòng lắm lắm.
Tác giả :
Hương Thị