Mùa Trôi Trên Quang Gánh
Chương 13: Gánh hàng hoa
Cứ ngỡ, gánh hàng hoa chỉ xuất hiện trong tiểu thuyết của Khái Hưng - Nhất Linh cách đây mấy chục năm trời. Hay trong phim “Gánh hàng hoa” dù được làm bằng chất liệu đen trắng mà vẫn thấy rực rỡ sắc màu. Hay chỉ có một gánh hàng hoa trong tấm postcard nhuộm màu thời gian trong cuộc triển lãm “Để hiểu hơn về một Hà Nội xưa”. Vậy mà, gánh hàng hoa vẫn trĩu trịt, rung rinh thoăn thoắt theo những bước chân cô hàng hoa rong phố mỗi mùa. Gánh hàng hoa giữa Hà Nội khiến người ta chợt ngẩn người ra mà nghĩ, suốt mấy chục năm qua, cô hàng cứ gánh gánh hoa mà đi xuyên thời gian, không gian cho đến tận bây giờ.
Cũng lạ, thời buổi lên ngôi của xe bốn bánh khiến đường phố lúc nào cũng tắc nghẽn giao thông và khói bụi, gánh xôi, gánh hàng rong ở thành phố và ngay cả ở nông thôn cũng “lên đời” thành xe đạp, thì bên cạnh những chuyến xe hoa vừa tiện lợi cho người dân vừa mang đến nét đẹp riêng cho Hà Nội vẫn có những cô hàng chung thủy với phương thức vận chuyển nông nghiệp truyền thống cả nghìn năm nay của ông bà mình. Mà thú thực, tôi thầm cảm ơn các cô. Mỗi buổi sáng khi buộc lòng phải gồng mình chen lấn trong dòng người, dòng xe ngoằn ngoèo như con rắn khổng lồ, thắt khúc hoặc phình ra ở bất cứ nơi nào, nếu trên con phố nhỏ Bùi Xương Trạch, dọc Nguyễn Lương Bằng, Khâm Thiên hay lên đến phố cổ mà tôi không gặp đôi ba gánh hoa là lòng cứ thấy thiếu thiếu, trống vắng một chút gì. Vì một chút gì ấy, mà mỗi khi phải chờ đổ xăng, ùn tắc đường, chèn cả lên bãi rác mà đi tôi đều thấy mình kém yêu thành phố này đi chút ít.
Vậy là, ngày nào tôi cũng trông ngóng các cô hàng hoa “của tôi”. Thường là các cô dung dăng đi ra từ các con ngõ nhỏ, sâu trong những thửa ruộng, thửa vườn bát ngát của làng Định Công, làng Lủ (Kim Giang) ven sông Tô Lịch. Mặc cho con sông ấy đã trở thành nỗi kinh hoàng của thành phố, hoa trồng tại đây vẫn ngát thơm như thuở các cụ tổ dòng họ Hoàng, họ Nguyễn, họ Hồng đến cư trú mà lập ấp, lập làng, thuở Thần Siêu (Nguyễn Văn Siêu) danh giá bảng vàng, thuở ba anh em Trần Điền, Trần Điện, Trần Hòa truyền dạy nghề kim hoàn và được nhân dân tôn thờ như ông tổ của mình. Cũng có khi hoa được lấy về từ các chợ đầu mối Long Biên hay Quảng Bá. Hoặc có khi hoa còn đẫm sương gió ngoại thành do sáng sớm nay cao hứng, cô hàng xuống tận làng hoa Mê Linh cắt về. Nhưng đều cho vào gánh. Mùa nào thức ấy, cũng chả cứ phải mồng một ngày rằm mới đắt hàng. Hoa đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu hàng ngày của người Hà Nội. Vòng một vòng từ đầu nhà ra đến cuối phố là đã hết. Khách mua đã quen mặt và biết chất lượng hoa, cứ thế mà nhặt. “Hoa vô giá, cá vô ngần”, mặc cả làm gì, thêm bớt vài đồng làm gì, khi mà thời gian ấy, ta có thể tâm sự với nhau chuyện đời, chuyện người.
Tôi yêu các cô hàng hoa này bởi lẽ, hoa trên gánh thường tươi ròng, hiện ra rõ ràng trước mắt chứ không được bó kín trong giấy báo, giấy nilông chỉ thấy gốc và ngọn, có khi mang về cành và hoa rụng rời mỗi hướng như hoa vỉa hè, hoa “xe đạp”. Chẳng mua hoa lần nào, nhưng ngày nào cũng gặp rồi thành quen, mỉm cười chào nhau, tấm tắc khen mùa này cúc chi đẹp, hồng bụ bẫm quá, thược dược tươi đến thích mắt... Khi tôi chụp ảnh, các cô không cúi mặt, lắc đầu nữa.
Còn gì thư thái tâm hồn hơn là một buổi chiều xuân nắng hoe vàng và nóng kỉ lục như thế này, ngồi trong một quán cà phê nhỏ ở phố cổ, nhìn ra nườm nượp người xe ngoài kia, và bắt gặp hình ảnh một “gánh hàng hoa” chầm chậm trôi qua trước mắt. Sẽ thấy tất cả những nhọc nhằn, muộn phiền, những cáu giận rất nhỏ nhặt kia chẳng là gì so với hai đầu đòn gánh trĩu cong và tấm lưng áo đẫm mồ hôi. Các cô hàng hoa này chẳng cần phải được tiểu thuyết hóa như Liên trong thiên tình sử “Gánh hàng hoa” khiến bao nhiêu người mơ mộng, xót xa. Các cô cũng có ý thức được rằng, mình đang làm đẹp thêm cho phố hay không, điều đó tôi chẳng thể nào đoán được. Chỉ biết, sau những gánh hàng hoa ấy, biết bao nhu cầu cuộc sống đời thường của gia đình cô phấp phỏng theo từng bước chân rong khắp phố phường. Và ngày 8-3 mỗi năm, khi cả thế giới này tôn vinh người phụ nữ, những hàng hoa bó kiểu cách và sang trọng lên ngôi, cô hàng hoa có phải oằn lưng gánh thêm một ngày ế ẩm?
Và dù vậy, tôi biết, sáng ngày hôm sau, cô hàng hoa vẫn sẽ nghiêng chiếc nón, nở nụ cười rất tươi trên con đường người xe nườm nượp.
Cũng lạ, thời buổi lên ngôi của xe bốn bánh khiến đường phố lúc nào cũng tắc nghẽn giao thông và khói bụi, gánh xôi, gánh hàng rong ở thành phố và ngay cả ở nông thôn cũng “lên đời” thành xe đạp, thì bên cạnh những chuyến xe hoa vừa tiện lợi cho người dân vừa mang đến nét đẹp riêng cho Hà Nội vẫn có những cô hàng chung thủy với phương thức vận chuyển nông nghiệp truyền thống cả nghìn năm nay của ông bà mình. Mà thú thực, tôi thầm cảm ơn các cô. Mỗi buổi sáng khi buộc lòng phải gồng mình chen lấn trong dòng người, dòng xe ngoằn ngoèo như con rắn khổng lồ, thắt khúc hoặc phình ra ở bất cứ nơi nào, nếu trên con phố nhỏ Bùi Xương Trạch, dọc Nguyễn Lương Bằng, Khâm Thiên hay lên đến phố cổ mà tôi không gặp đôi ba gánh hoa là lòng cứ thấy thiếu thiếu, trống vắng một chút gì. Vì một chút gì ấy, mà mỗi khi phải chờ đổ xăng, ùn tắc đường, chèn cả lên bãi rác mà đi tôi đều thấy mình kém yêu thành phố này đi chút ít.
Vậy là, ngày nào tôi cũng trông ngóng các cô hàng hoa “của tôi”. Thường là các cô dung dăng đi ra từ các con ngõ nhỏ, sâu trong những thửa ruộng, thửa vườn bát ngát của làng Định Công, làng Lủ (Kim Giang) ven sông Tô Lịch. Mặc cho con sông ấy đã trở thành nỗi kinh hoàng của thành phố, hoa trồng tại đây vẫn ngát thơm như thuở các cụ tổ dòng họ Hoàng, họ Nguyễn, họ Hồng đến cư trú mà lập ấp, lập làng, thuở Thần Siêu (Nguyễn Văn Siêu) danh giá bảng vàng, thuở ba anh em Trần Điền, Trần Điện, Trần Hòa truyền dạy nghề kim hoàn và được nhân dân tôn thờ như ông tổ của mình. Cũng có khi hoa được lấy về từ các chợ đầu mối Long Biên hay Quảng Bá. Hoặc có khi hoa còn đẫm sương gió ngoại thành do sáng sớm nay cao hứng, cô hàng xuống tận làng hoa Mê Linh cắt về. Nhưng đều cho vào gánh. Mùa nào thức ấy, cũng chả cứ phải mồng một ngày rằm mới đắt hàng. Hoa đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu hàng ngày của người Hà Nội. Vòng một vòng từ đầu nhà ra đến cuối phố là đã hết. Khách mua đã quen mặt và biết chất lượng hoa, cứ thế mà nhặt. “Hoa vô giá, cá vô ngần”, mặc cả làm gì, thêm bớt vài đồng làm gì, khi mà thời gian ấy, ta có thể tâm sự với nhau chuyện đời, chuyện người.
Tôi yêu các cô hàng hoa này bởi lẽ, hoa trên gánh thường tươi ròng, hiện ra rõ ràng trước mắt chứ không được bó kín trong giấy báo, giấy nilông chỉ thấy gốc và ngọn, có khi mang về cành và hoa rụng rời mỗi hướng như hoa vỉa hè, hoa “xe đạp”. Chẳng mua hoa lần nào, nhưng ngày nào cũng gặp rồi thành quen, mỉm cười chào nhau, tấm tắc khen mùa này cúc chi đẹp, hồng bụ bẫm quá, thược dược tươi đến thích mắt... Khi tôi chụp ảnh, các cô không cúi mặt, lắc đầu nữa.
Còn gì thư thái tâm hồn hơn là một buổi chiều xuân nắng hoe vàng và nóng kỉ lục như thế này, ngồi trong một quán cà phê nhỏ ở phố cổ, nhìn ra nườm nượp người xe ngoài kia, và bắt gặp hình ảnh một “gánh hàng hoa” chầm chậm trôi qua trước mắt. Sẽ thấy tất cả những nhọc nhằn, muộn phiền, những cáu giận rất nhỏ nhặt kia chẳng là gì so với hai đầu đòn gánh trĩu cong và tấm lưng áo đẫm mồ hôi. Các cô hàng hoa này chẳng cần phải được tiểu thuyết hóa như Liên trong thiên tình sử “Gánh hàng hoa” khiến bao nhiêu người mơ mộng, xót xa. Các cô cũng có ý thức được rằng, mình đang làm đẹp thêm cho phố hay không, điều đó tôi chẳng thể nào đoán được. Chỉ biết, sau những gánh hàng hoa ấy, biết bao nhu cầu cuộc sống đời thường của gia đình cô phấp phỏng theo từng bước chân rong khắp phố phường. Và ngày 8-3 mỗi năm, khi cả thế giới này tôn vinh người phụ nữ, những hàng hoa bó kiểu cách và sang trọng lên ngôi, cô hàng hoa có phải oằn lưng gánh thêm một ngày ế ẩm?
Và dù vậy, tôi biết, sáng ngày hôm sau, cô hàng hoa vẫn sẽ nghiêng chiếc nón, nở nụ cười rất tươi trên con đường người xe nườm nượp.
Tác giả :
Hương Thị