Lên Tàu Ở London Bridge
Chương 24 - tổ ấm tạm trên nóc tiệm nail
Hạnh nằm trên chiếc sofa da, hơi lạnh thấm vào lưng. Cô quấn chiếc chăn cũ Tâm đưa cho lúc vào nhà mà người vẫn run lên. Cốc trà đã nguội lạnh, cạn một nửa, nằm trơ trên mặt bàn kính. Nước mắt không còn trào ra nữa mà khô bên má làm mái tóc Hạnh bết lại. Cô nhớ mình chỉ kịp vớ chùm chìa khóa nhà rồi chạy ra phố giữa đêm đen. Không hiểu nhờ may mắn thế nào mà có một chiếc taxi đen dừng ngay bên cạnh vỉa hè. Cô ấp úng nói tên phố nhà Minh – Tâm, cô không nhớ số, chỉ láng máng là tiệm móng tay nằm ở quãng giữa gần siêu thị Tesco. Hạnh bấm chuông. Minh chạy xuống mở, trả tiền taxi và đón Hạnh lên phòng. Tâm bật dậy, nhìn Hạnh lo lắng và pha cho cô cốc nước. Hai bạn sau này kể họ tưởng Hạnh bị kẻ làm bậy nào tấn công ngoài phố. Vùng phía Nam của trung tâm London dạo này không còn bình yên như xưa, Minh lẩm bẩm nói. Ra ngoài phố không mấy khi nghe tiếng Anh mà toàn thấy những tiếng gì đó lạ tai, và mặt mũi, đầu tóc, trang phục quá đa dạng. Người ngay và thành phần bất hảo đi lẫn vào nhau ngoài đường ai mà biết được. Hạnh bảo hai người bạn tốt bụng rằng cô không sao, chỉ muốn đi ngủ và sẽ kể chuyện sau.
Sáng dậy, Hạnh nhìn quanh căn phòng. Mọi thức hệt như cảnh cô đã quen ở các căn hộ tạm bợ của người di dân. Cái gì cũng có, tivi màn hình to còn gắn dây dợ cho bộ chơi game, bàn ghế vất đầy vỏ cam chanh, hạt dưa, nền nhà vương khá nhiều giấy lau, vài chiếc khăn lụa Việt Nam vắt góc bàn. Hạnh đứng lên tìm cốc nước. Thèm cà phê cho tỉnh cái đầu vẫn ong ong vì cảm xúc mạnh, cô bật nước và lần mò trong góc tủ ở bếp được một chiếc ly sạch. Mùi cà phê thơm nóng làm trí óc Hạnh phục hồi trở lại. Ngoài trời mưa nhẹ, lại thêm một ngày ở nước Anh mưa phùn gió bấc bất chấp tờ lịch vẫn báo là đang mùa hè.
Hạnh chợt nhớ hình như buổi chiều cô có cuộc hẹn đi phiên dịch cho một cháu nhỏ xin học thêm. Cha mẹ nói người Hải Phòng, đi làm ăn ở tỉnh suốt, có tiền thì về quê tung tẩy nên thằng bé sang đã năm sáu năm mà học hành vẫn chật vật, cần người kèm thêm. Lần đầu đến nhà đó để kèm nó học tiếng Anh, Hạnh hốt hoảng thấy thằng bé ở nhà một mình, không phải chỉ lúc đó mà cả tuần. Trong căn nhà rộng có mỗi nó, con chó nhỏ...và màn hình TV cỡ đại bật suốt ngày. Bố mẹ nó ở tỉnh xa, 'trông con qua webcam” chiếu vào tất cả các phòng, kể cả toilet. Chiều tối thì mới có người quen đem cơm đến cho nó ăn. Hạnh không dám kể chuyện đó cho bạn người Anh nào vì sợ họ gọi cảnh sát. Việc để trẻ dưới 13 tuổi sống một mình, được trông coi “từ xa”, từ hẳn thành phố khác chắc chắn sẽ khiến hai vị cha mẹ kia ra tòa vì tội bỏ bê con họ, và thêm cả tội gây nguy hiểm cho vị thành niên. Được cái họ trả tiền rất hậu hĩ, mỗi lần lóc cóc đi xe bus và thêm nhiều phút đi bộ Hạnh tới căn nhà là Hạnh được tới 200 bảng. Thế nhưng việc kèm tiếng Anh của Hạnh không đủ để cậu bé thi vào cấp hai bên cha mẹ nó nhờ Hạnh chọn cho thầy giáo (tutor) toán và ngoại ngữ bắt buộc ở trường nó là tiếng Pháp. Thật khổ, tiếng Anh là tiếng của các bạn và xã hội nó còn chưa rành đã phải ôm thêm cuốn sách dày bằng tiếng Pháp. Hạnh tìm qua mạng tutor.com được một thầy một cô và sẽ phải nói chuyện với họ, ghi lại chi tiết lịch học và chương trình kèm cho cậu bé để phụ huynh nhà đó ký hợp đồng trả tiền.
Những việc nhỏ như thế không phải qua mối của chị Vinh và Rachel mà nhờ ai đó truyền đi cho bạn bè số điện thoại của Hạnh. Thực ra cô đâu có bằng phiên dịch chính thức mà chỉ đi làm giúp, bên này luật pháp vẫn chấp nhận. Người nhờ cô thì chẳng ai hỏi bằng cấp tiếng Anh, họ cứ thấy có cô sinh viên biết tiếng sẵn sàng giúp là được. Người Việt chúa là dễ dãi trong khoản giấy tờ, và tiền mặt làm ở shop được họ luôn đầy túi, trả tiền tươi đỡ khai thuế, mất thời gian. Nhưng Hạnh để điện thoại ở nhà cũ nên không dám chắc là có cuộc hẹn hay không. Cô sợ không dám quay lại đó nữa. Cặp Hưng và Thảo chắc đã đi làm. Lão khách khốn nạn kia biết đâu đang ở nhà một mình, có khi đang nằm trên giường của Hạnh. Lạnh cả lưng, cô không dám nghĩ đến căn phòng đó.
Tâm ôm vai chị Hạnh, Minh ngồi nghe kể vụ việc xảy ra đêm qua. Cậu bậm môi, nói sẽ tìm người “cho nó một trận”. Hạnh vội can. Cô không muốn gây phiền phức cho ai, chỉ nhờ Minh quay lại nhà ở Blackheath lấy điện thoại và dọn hết đồ giúp để cô trả phòng cho chị chủ. Còn Hưng và Thảo có lẽ không cần phải biết khách của họ thế nào. Minh gật gù nhưng còn chưa chịu. Cậu ta lấy chùm chìa khóa Hạnh đưa, lẳng lặng xuống xe. Tâm ngồi với Hạnh một lúc rồi phải xuống quán lo việc. Hai bạn bảo Hạnh 'chị cứ yên tâm ở tạm chỗ bọn em, không cần tiền nong gì hết”. Hạnh cảm động quá chừng nhưng nói sẽ trả tiền khi giải quyết xong với chị chủ nhà cũ.
Phải mất hai ngày Minh mới dọn hết đồ dùng của Hạnh về căn phòng mới nằm ở phía sau căn hộ trên tầng một, có lối xuống vườn. Bên Anh gọi là maisonette, tòa nhà có chung mảnh vườn và người ở tầng trên có đi xuống để hưởng khoảng không gian đó như ngồi chơi, làm tiệc thịt nướng BBQ. Phòng ở trọ nhỏ và khá nóng nên những lúc không có việc đi làm phiên dịch kiếm thêm Hạnh ra vườn ngồi cho thoáng. Cô đặt cốc nước, quyển sách lên chiếc ghế gỗ, mở nhạc trong điện thoại ra nghe. Lời ca man mác buồn qua giọng hát của Hồ Hoàng Yến thật kỳ diệu, làm lòng cô dịu lại, khuây khỏa:
“Người yêu dấu, người yêu dấu hỡi
Khi mùa xuân vội qua chốn nơi đây
Nụ hôn đã mơ say, bờ môi ướt mi cay, nay còn đâu?
Tìm đâu thấy, tìm đâu thấy nữa
Khi mùa đông về theo cánh chim bay
Là chia cách đôi nơi, là hạnh phúc rã rời, người ơi!
Hạnh nối Skype nói chuyện với Lê, với cha mẹ ở Việt Nam nhưng không kể lại lý do chuyển chỗ ở, mà kể làm gì, ai biết. Bình tâm nghĩ lại, cô thấy mọi việc rút cuộc không quá tệ. Minh quát mắng chị chủ nhà, dọa gọi cảnh sát vì “cửa phòng không an toàn cho người thuê qua đêm”, khiến chị ta hoảng hốt trả lại hết tiền cọc Hạnh đặt khi thuê nhà. Nhờ thế là cô nhận được gần 1000 bảng, đủ cho tiền ăn cả tháng, nếu ở một mình. Minh và Tâm thông cảm hoàn cảnh của Hạnh nên lấy đúng 650 bảng tiền phòng, kèm ba bữa ăn.
Vì tiệm nail có kho chứa thực phẩm cho thợ nên có thêm một miệng ăn không phải là vấn đề gì với cặp đôi làm chủ trẻ tuổi. Cho thợ ăn rồi trừ vào tiền công tiện hơn để họ buông bàn làm móng ra phố mua đồ ăn mỗi ngày. Cứ mỗi buổi tối, Tâm nấu cơm cho cả nhà, có thêm một cô gái trẻ làm phụ việc cho Tâm ngoài quầy thu tiền và Hạnh cùng ăn luôn. Mấy chị em trò truyện rất vui vẻ. Biết Minh thích có con gái đầu lòng, các cô trêu anh chàng Minh nếu sinh con gái nữa thì là “ông vua nhất khoảng”, một mình giữa đàn bươm bướm xinh. Những buổi tối cơm nước toàn đến tận gần 10 giờ tối mới xong, mệt nhưng vui. Hạnh quên đi tai nạn ở căn nhà cũ, chỉ chưa biết sẽ làm gì khi tấm visa cứ ngắn thời gian lại.
Minh khuyên Hạnh nên hỏi Rachel để tìm luật sư di trú cho công việc ở lại. Hạnh đã nghĩ đến chuyện đó nhưng chưa dám hỏi vì biết là động đến vấn đề pháp luật, câu hỏi đầu tiên luôn là 'tiền đâu'. Luật sư rẻ, giá 100-120 bảng một giờ thì vẫn muốn khách hàng đăng ký trước số giờ cần thuê, gồm giờ tìm hiểu hồ sơ, soạn giấy tờ lên Home Office (Bộ Nội vụ). Đi làm phiên dịch nên Hạnh biết là văn phòng luật đã nhận làm cho ai thì họ sẽ giúp tận tình nhưng càng để lâu thì càng tốn tiền. Mặt khác, cô không muốn đang là sinh viên bình thường lại ngửa tay xin nước Anh ban cho quy chế tỵ nạn hoặc “nạn nhân buôn người”. Cô có phải chạy trốn hoàn cảnh nào đâu mà phải tỵ nạn, và cô không thể nói dối để tạo ra tình huống giả tưởng khó khăn đến mức cần được nhà nước và xã hội Anh cứu giúp. Những gì Hạnh học được và sự tự tin vào khả năng sống bằng nghề của mình, đứng trên đôi chân của mình không cho phép cô làm thế.
Cả tuần sau trời mưa rả rích. Thời tiết ở Anh là vậy, mùa đông mưa nhiều hơn là băng tuyết. Từ năm ngoái Hạnh chưa hề gặp bông tuyết nào. Nghe nói tuyết có rơi nhưng ở vùng phía Bắc, trên những ngọn núi Scotland, còn vùng London này lạnh thì cũng trên 1-2 độ C, nhưng hễ mưa xuống là cảm giác ẩm ướt làm ai cũng đều thấy lạnh thấu sương. Sang xuân mưa, đến hè vẫn mưa. Ai đó bảo hòn đảo chỗ nào ra biển đều không quá 100 km, nên đã hè rồi mà trời dễ đổ mưa lạ. Hạnh ngồi trong phòng nhìn ra ngoài trời. Mưa rơi xuống rặng hoa thủy tiên bên rào ngăn khoảnh vườn nhà Minh và Tâm với hàng xóm. Mưa chảy tí tách trên mái xuống lan can của cái ban-công nhỏ. Mưa làm nỗi lòng của Hạnh chùng xuống, suy nghĩ chậm lại, bớt vội vàng hơn.
Hạnh nhớ hồi nhỏ nhà cô ở ngoại thành Hà Nội, sát ngay các làng chạy từ chợ Mơ xuống phía Nam, trời cứ mưa là nước từ hồ ao, ruộng rau muốn tràn vào sân. Sau này lên chung cư ở không còn cảnh đó nhưng Hạnh vẫn nhớ những buổi đi học về phải đẩy xe qua chỗ lội gần chợ cóc vào khu nhà tập thể, tiện đường mua luôn mớ rau muống xanh mướt. Có khi không quen biết gì mà người mua hỏi chuyện người bán, thường là các bà các chị trong làng ngoại thành đẩy xe rau vào phố bán cho dân thành thị. Khi đã chuyển nhà khỏi nơi ấy Hạnh cùng mẹ mua thịt cá ở siêu thị nhưng hai mẹ con vẫn chú ý để mắt tìm các chị hàng rau gánh dạo bên vỉa hè để mua. Mẹ bảo hàng người ta mang thẳng từ vườn, từ ruộng vào phố luôn tươi hơn đồ đóng túi ni-lông ở cửa hàng. Thôi chẳng giúp người ta được gì thì mua cho mấy mớ rau, quả bí, củ khoai lang. Sang bên này Hạnh đi siêu thị là chính, và phải từ hôm dọn về phố Camberwell mới có dịp trở lại cách xách giỏ đi chợ rau quả. Một tiệm ngay gần nhà của chủ Thổ Nhĩ Kỳ bán đủ cả khoai, sắn, ổi và vô số cà chua, hành tươi, hành củ, bên cạnh các gia vị lạ, những gói đồ khô, quả ô-liu ướp cay đủ màu sắc mà cô không hiểu họ ăn với món gì.
Sau vài tuần gửi đơn đi xin việc, Hạnh nhận được giấy mời tới trụ sở của HSBC ở Canary Wharf. Vui mừng khôn xiết, cô đặt ngay một giờ làm đầu lại cho mái tóc thật đẹp ở quán. Tâm đổi lịch cho một khách khác để cô thợ Romania kia làm cho Hạnh. Hạnh còn phải kiểm tra lại xem có cần sắm sửa giày, guốc cao gót, váy đầm và áo jacket mới. Nhìn lại thì từ hôm đi châu Âu về cô có vẻ đẫy ra. Hay là vì ngày ngày đều ăn cơm muộn, ngon và nhiều cùng các bạn ở tiệm nail? Nguy quá, Hạnh tính phải mua sắm quần áo mới chuẩn bị cho buổi interview. Chi hết cho việc này sẽ chẳng còn bao nhiêu để thuê luật sư di trú nếu cần. Đâm lao thì phải theo lao, cô nghĩ vậy. Mình phải tự tin sẽ nhận được 'job offer' của ngân hàng đi kèm giấy bảo lãnh (sponsorship) cho tấm visa và giấy phép lao động dành cho hạng chuyên gia (Tier2). Cô đi bus vào London đặt mua bộ váy áo mới.
Sáng dậy, Hạnh nhìn quanh căn phòng. Mọi thức hệt như cảnh cô đã quen ở các căn hộ tạm bợ của người di dân. Cái gì cũng có, tivi màn hình to còn gắn dây dợ cho bộ chơi game, bàn ghế vất đầy vỏ cam chanh, hạt dưa, nền nhà vương khá nhiều giấy lau, vài chiếc khăn lụa Việt Nam vắt góc bàn. Hạnh đứng lên tìm cốc nước. Thèm cà phê cho tỉnh cái đầu vẫn ong ong vì cảm xúc mạnh, cô bật nước và lần mò trong góc tủ ở bếp được một chiếc ly sạch. Mùi cà phê thơm nóng làm trí óc Hạnh phục hồi trở lại. Ngoài trời mưa nhẹ, lại thêm một ngày ở nước Anh mưa phùn gió bấc bất chấp tờ lịch vẫn báo là đang mùa hè.
Hạnh chợt nhớ hình như buổi chiều cô có cuộc hẹn đi phiên dịch cho một cháu nhỏ xin học thêm. Cha mẹ nói người Hải Phòng, đi làm ăn ở tỉnh suốt, có tiền thì về quê tung tẩy nên thằng bé sang đã năm sáu năm mà học hành vẫn chật vật, cần người kèm thêm. Lần đầu đến nhà đó để kèm nó học tiếng Anh, Hạnh hốt hoảng thấy thằng bé ở nhà một mình, không phải chỉ lúc đó mà cả tuần. Trong căn nhà rộng có mỗi nó, con chó nhỏ...và màn hình TV cỡ đại bật suốt ngày. Bố mẹ nó ở tỉnh xa, 'trông con qua webcam” chiếu vào tất cả các phòng, kể cả toilet. Chiều tối thì mới có người quen đem cơm đến cho nó ăn. Hạnh không dám kể chuyện đó cho bạn người Anh nào vì sợ họ gọi cảnh sát. Việc để trẻ dưới 13 tuổi sống một mình, được trông coi “từ xa”, từ hẳn thành phố khác chắc chắn sẽ khiến hai vị cha mẹ kia ra tòa vì tội bỏ bê con họ, và thêm cả tội gây nguy hiểm cho vị thành niên. Được cái họ trả tiền rất hậu hĩ, mỗi lần lóc cóc đi xe bus và thêm nhiều phút đi bộ Hạnh tới căn nhà là Hạnh được tới 200 bảng. Thế nhưng việc kèm tiếng Anh của Hạnh không đủ để cậu bé thi vào cấp hai bên cha mẹ nó nhờ Hạnh chọn cho thầy giáo (tutor) toán và ngoại ngữ bắt buộc ở trường nó là tiếng Pháp. Thật khổ, tiếng Anh là tiếng của các bạn và xã hội nó còn chưa rành đã phải ôm thêm cuốn sách dày bằng tiếng Pháp. Hạnh tìm qua mạng tutor.com được một thầy một cô và sẽ phải nói chuyện với họ, ghi lại chi tiết lịch học và chương trình kèm cho cậu bé để phụ huynh nhà đó ký hợp đồng trả tiền.
Những việc nhỏ như thế không phải qua mối của chị Vinh và Rachel mà nhờ ai đó truyền đi cho bạn bè số điện thoại của Hạnh. Thực ra cô đâu có bằng phiên dịch chính thức mà chỉ đi làm giúp, bên này luật pháp vẫn chấp nhận. Người nhờ cô thì chẳng ai hỏi bằng cấp tiếng Anh, họ cứ thấy có cô sinh viên biết tiếng sẵn sàng giúp là được. Người Việt chúa là dễ dãi trong khoản giấy tờ, và tiền mặt làm ở shop được họ luôn đầy túi, trả tiền tươi đỡ khai thuế, mất thời gian. Nhưng Hạnh để điện thoại ở nhà cũ nên không dám chắc là có cuộc hẹn hay không. Cô sợ không dám quay lại đó nữa. Cặp Hưng và Thảo chắc đã đi làm. Lão khách khốn nạn kia biết đâu đang ở nhà một mình, có khi đang nằm trên giường của Hạnh. Lạnh cả lưng, cô không dám nghĩ đến căn phòng đó.
Tâm ôm vai chị Hạnh, Minh ngồi nghe kể vụ việc xảy ra đêm qua. Cậu bậm môi, nói sẽ tìm người “cho nó một trận”. Hạnh vội can. Cô không muốn gây phiền phức cho ai, chỉ nhờ Minh quay lại nhà ở Blackheath lấy điện thoại và dọn hết đồ giúp để cô trả phòng cho chị chủ. Còn Hưng và Thảo có lẽ không cần phải biết khách của họ thế nào. Minh gật gù nhưng còn chưa chịu. Cậu ta lấy chùm chìa khóa Hạnh đưa, lẳng lặng xuống xe. Tâm ngồi với Hạnh một lúc rồi phải xuống quán lo việc. Hai bạn bảo Hạnh 'chị cứ yên tâm ở tạm chỗ bọn em, không cần tiền nong gì hết”. Hạnh cảm động quá chừng nhưng nói sẽ trả tiền khi giải quyết xong với chị chủ nhà cũ.
Phải mất hai ngày Minh mới dọn hết đồ dùng của Hạnh về căn phòng mới nằm ở phía sau căn hộ trên tầng một, có lối xuống vườn. Bên Anh gọi là maisonette, tòa nhà có chung mảnh vườn và người ở tầng trên có đi xuống để hưởng khoảng không gian đó như ngồi chơi, làm tiệc thịt nướng BBQ. Phòng ở trọ nhỏ và khá nóng nên những lúc không có việc đi làm phiên dịch kiếm thêm Hạnh ra vườn ngồi cho thoáng. Cô đặt cốc nước, quyển sách lên chiếc ghế gỗ, mở nhạc trong điện thoại ra nghe. Lời ca man mác buồn qua giọng hát của Hồ Hoàng Yến thật kỳ diệu, làm lòng cô dịu lại, khuây khỏa:
“Người yêu dấu, người yêu dấu hỡi
Khi mùa xuân vội qua chốn nơi đây
Nụ hôn đã mơ say, bờ môi ướt mi cay, nay còn đâu?
Tìm đâu thấy, tìm đâu thấy nữa
Khi mùa đông về theo cánh chim bay
Là chia cách đôi nơi, là hạnh phúc rã rời, người ơi!
Hạnh nối Skype nói chuyện với Lê, với cha mẹ ở Việt Nam nhưng không kể lại lý do chuyển chỗ ở, mà kể làm gì, ai biết. Bình tâm nghĩ lại, cô thấy mọi việc rút cuộc không quá tệ. Minh quát mắng chị chủ nhà, dọa gọi cảnh sát vì “cửa phòng không an toàn cho người thuê qua đêm”, khiến chị ta hoảng hốt trả lại hết tiền cọc Hạnh đặt khi thuê nhà. Nhờ thế là cô nhận được gần 1000 bảng, đủ cho tiền ăn cả tháng, nếu ở một mình. Minh và Tâm thông cảm hoàn cảnh của Hạnh nên lấy đúng 650 bảng tiền phòng, kèm ba bữa ăn.
Vì tiệm nail có kho chứa thực phẩm cho thợ nên có thêm một miệng ăn không phải là vấn đề gì với cặp đôi làm chủ trẻ tuổi. Cho thợ ăn rồi trừ vào tiền công tiện hơn để họ buông bàn làm móng ra phố mua đồ ăn mỗi ngày. Cứ mỗi buổi tối, Tâm nấu cơm cho cả nhà, có thêm một cô gái trẻ làm phụ việc cho Tâm ngoài quầy thu tiền và Hạnh cùng ăn luôn. Mấy chị em trò truyện rất vui vẻ. Biết Minh thích có con gái đầu lòng, các cô trêu anh chàng Minh nếu sinh con gái nữa thì là “ông vua nhất khoảng”, một mình giữa đàn bươm bướm xinh. Những buổi tối cơm nước toàn đến tận gần 10 giờ tối mới xong, mệt nhưng vui. Hạnh quên đi tai nạn ở căn nhà cũ, chỉ chưa biết sẽ làm gì khi tấm visa cứ ngắn thời gian lại.
Minh khuyên Hạnh nên hỏi Rachel để tìm luật sư di trú cho công việc ở lại. Hạnh đã nghĩ đến chuyện đó nhưng chưa dám hỏi vì biết là động đến vấn đề pháp luật, câu hỏi đầu tiên luôn là 'tiền đâu'. Luật sư rẻ, giá 100-120 bảng một giờ thì vẫn muốn khách hàng đăng ký trước số giờ cần thuê, gồm giờ tìm hiểu hồ sơ, soạn giấy tờ lên Home Office (Bộ Nội vụ). Đi làm phiên dịch nên Hạnh biết là văn phòng luật đã nhận làm cho ai thì họ sẽ giúp tận tình nhưng càng để lâu thì càng tốn tiền. Mặt khác, cô không muốn đang là sinh viên bình thường lại ngửa tay xin nước Anh ban cho quy chế tỵ nạn hoặc “nạn nhân buôn người”. Cô có phải chạy trốn hoàn cảnh nào đâu mà phải tỵ nạn, và cô không thể nói dối để tạo ra tình huống giả tưởng khó khăn đến mức cần được nhà nước và xã hội Anh cứu giúp. Những gì Hạnh học được và sự tự tin vào khả năng sống bằng nghề của mình, đứng trên đôi chân của mình không cho phép cô làm thế.
Cả tuần sau trời mưa rả rích. Thời tiết ở Anh là vậy, mùa đông mưa nhiều hơn là băng tuyết. Từ năm ngoái Hạnh chưa hề gặp bông tuyết nào. Nghe nói tuyết có rơi nhưng ở vùng phía Bắc, trên những ngọn núi Scotland, còn vùng London này lạnh thì cũng trên 1-2 độ C, nhưng hễ mưa xuống là cảm giác ẩm ướt làm ai cũng đều thấy lạnh thấu sương. Sang xuân mưa, đến hè vẫn mưa. Ai đó bảo hòn đảo chỗ nào ra biển đều không quá 100 km, nên đã hè rồi mà trời dễ đổ mưa lạ. Hạnh ngồi trong phòng nhìn ra ngoài trời. Mưa rơi xuống rặng hoa thủy tiên bên rào ngăn khoảnh vườn nhà Minh và Tâm với hàng xóm. Mưa chảy tí tách trên mái xuống lan can của cái ban-công nhỏ. Mưa làm nỗi lòng của Hạnh chùng xuống, suy nghĩ chậm lại, bớt vội vàng hơn.
Hạnh nhớ hồi nhỏ nhà cô ở ngoại thành Hà Nội, sát ngay các làng chạy từ chợ Mơ xuống phía Nam, trời cứ mưa là nước từ hồ ao, ruộng rau muốn tràn vào sân. Sau này lên chung cư ở không còn cảnh đó nhưng Hạnh vẫn nhớ những buổi đi học về phải đẩy xe qua chỗ lội gần chợ cóc vào khu nhà tập thể, tiện đường mua luôn mớ rau muống xanh mướt. Có khi không quen biết gì mà người mua hỏi chuyện người bán, thường là các bà các chị trong làng ngoại thành đẩy xe rau vào phố bán cho dân thành thị. Khi đã chuyển nhà khỏi nơi ấy Hạnh cùng mẹ mua thịt cá ở siêu thị nhưng hai mẹ con vẫn chú ý để mắt tìm các chị hàng rau gánh dạo bên vỉa hè để mua. Mẹ bảo hàng người ta mang thẳng từ vườn, từ ruộng vào phố luôn tươi hơn đồ đóng túi ni-lông ở cửa hàng. Thôi chẳng giúp người ta được gì thì mua cho mấy mớ rau, quả bí, củ khoai lang. Sang bên này Hạnh đi siêu thị là chính, và phải từ hôm dọn về phố Camberwell mới có dịp trở lại cách xách giỏ đi chợ rau quả. Một tiệm ngay gần nhà của chủ Thổ Nhĩ Kỳ bán đủ cả khoai, sắn, ổi và vô số cà chua, hành tươi, hành củ, bên cạnh các gia vị lạ, những gói đồ khô, quả ô-liu ướp cay đủ màu sắc mà cô không hiểu họ ăn với món gì.
Sau vài tuần gửi đơn đi xin việc, Hạnh nhận được giấy mời tới trụ sở của HSBC ở Canary Wharf. Vui mừng khôn xiết, cô đặt ngay một giờ làm đầu lại cho mái tóc thật đẹp ở quán. Tâm đổi lịch cho một khách khác để cô thợ Romania kia làm cho Hạnh. Hạnh còn phải kiểm tra lại xem có cần sắm sửa giày, guốc cao gót, váy đầm và áo jacket mới. Nhìn lại thì từ hôm đi châu Âu về cô có vẻ đẫy ra. Hay là vì ngày ngày đều ăn cơm muộn, ngon và nhiều cùng các bạn ở tiệm nail? Nguy quá, Hạnh tính phải mua sắm quần áo mới chuẩn bị cho buổi interview. Chi hết cho việc này sẽ chẳng còn bao nhiêu để thuê luật sư di trú nếu cần. Đâm lao thì phải theo lao, cô nghĩ vậy. Mình phải tự tin sẽ nhận được 'job offer' của ngân hàng đi kèm giấy bảo lãnh (sponsorship) cho tấm visa và giấy phép lao động dành cho hạng chuyên gia (Tier2). Cô đi bus vào London đặt mua bộ váy áo mới.
Tác giả :
Lý Thanh