Kim Cương Bất Hoại
Chương 36: Vị võ sư Châu Hòa trấn
Vật đổi sao dời! Cuộc đời thay đổi! Định lệ “Hợp tan tan hợp” là chung cho cả muôn vật, nên sau bữa tiệc vui họp đủ mặt anh hùng bao quanh Lý thiếu hiệp, hậu duệ vị đệ nhất công thần nhà Đại Tống Lý Lăng vương thì U Linh nữ chủ được mọi người thuyết phục phải chịu chữa bệnh để cải tạo dung nhan.
Vạn Diệu sơn trang là nơi xảy ra nhiều việc kỳ lạ nhất trên đời. Cô gái “cùi” thoạt tiên quá cảm động vì lòng tốt của mọi người, không muốn mọi người vì mình chữa bệnh mà hại lây đến hạnh phúc cả ngàn người khác.
Chữa một thân hình lở lói, da thịt “thúi nát” để trở nên một hình hài “lành mạnh” không phải là câu chuyện một sớm một chiều có thể làm xong ngay được.
Đó là một công việc đòi hỏi nhiều kiên trì, cố gắng và nhẫn nại. Phải mất đủ một trăm lẻ tám ngày, cô gái trầm mình trong nước thuốc cho da thịt rửa thúi tiêu tan đi, rồi mặt mũi thân thể bệnh nhân được bọc chất thuốc lá “hồi dương”, bị thôi miên vào một giấc ngủ lâu ngày trong địa huyệt.
Các luồng “tĩnh điện” trong “Trung Cung” giữa Bát quái đồ trong địa huyệt sẽ tập trung trong người nàng và làm sống dần lại các thớ thịt đã chết.
Như vậy, toàn thể khu vực Vạn Diệu sơn trang trù mật phải biến thành khu vực lặng lẽ bao quanh ngôi “cổ mộ” khổng lồ, không vật gì bén mảng tới khuấy động để làm đứt đoạn cuộc “cải tử hồi dương” của một thân thể nằm im bất động như một thi hài đã chết.
Mọi người bắt buộc phải tạm xa lánh sơn trang trong thời gian U Linh nữ chủ chữa bệnh. Nàng sẽ như xác chết ướp nằm ngủ trong lòng đất.
Nàng sẽ làm một cuộc “thoát xác” và các nhánh lá sẽ tạo nên một thân thể “hình người mới”. Cái vỏ “phong cùi” sẽ bong ra và khi toàn thân đã mọc một lần bì phu thì người chữa bệnh sẽ đến cho uống linh đan khiến U Linh nữ chủ hồi tỉnh lại.
Sau giấc ngủ mê man hơn một năm trời, U Linh nữ chủ sẽ “lột xác” biến thành một cô gái có bộ mặt đẹp đẽ như khuôn đúc chiếc mặt nạ bạc đeo trên mặt kia.
Sắc đẹp “hồi phục” của nàng sẽ đem lại sự sung sướng cho bản thân cô gái, nhưng chưa biết kết quả đạt được có đúng theo ý muốn hay không, ngay lúc khởi đầu đã đòi hỏi bọn người Mã phu nhân phải hy sinh mất công sức nhiều ngày trong ngôi mộ trong cỗ thi hài nằm.
Tiểu Bạch, Thanh Diện Thần Quân, Vị Hải công nương phải trở về Quảng Mục trường tại phủ Diên Bình và Trực Lệ để gầy dựng lại thế lực đã mất.
Nhất Tiếu và Thần Ma Mật Tăng đi chiếm lĩnh Ngũ Đài sơn để chấn chỉnh lại sơn môn theo chỉ hướng “hành thiện” cứu đời của Lữ Huệ thiền sư.
Lý Thanh Hoa bắt buộc phải ở lại bên cạnh Mã phu nhân để giúp bà thực hiện việc cải tử hồi sinh cho con gái Lão Thần Y, như vậy mới đúng nghĩa là trả ơn cứu mạng khi xưa của Lão Dị Nhân, người anh em cùng học với ông thánh nghề thuốc.
Việc tìm gặp Ngũ Độc Thiên Nhân để trao phong thư Lý Thanh Hoa hồi âm lại cho con người có “trăm bộ mặt”, có những hành động lập dị “vào thần ra quỷ”, tung hoành giữa hai chữ Thiện và Ác, giữa hai quốc gia Liêu và Tống, giữa hai hình thức cải trang lúc “nam” lúc “nữ”, làm Mã phu nhân vẫn không biết ủy thác cho ai phụ trách.
Bà liền ngỏ ý với chàng thanh niên tài giỏi tuyệt luân, nhưng lúc nào cũng buồn bã như người mất hồn mất trí vì mốt huyết hải sư cửu cũng có phần vì bị kẻ khác phỗng tay trên mất người yêu quý nhất đời cũng có.
Thất Tình Tú Sĩ đương buồn phiên nên sau khi thấy nói bà giao phó công việc tìm gặp Ngũ Độc Thiên Nhân thì vui sướng lãnh nhận ngay. Phen này chàng sẽ trả được mối thù tên hai mắt “xanh lè” kia đã ức hiếp chàng trong cuộc cờ đương “thắng” phải khẳng định mình bị “bại”.
Đồng thời, phen này tái xuất giang hồ, chàng được rảnh tay trở về Ngọc Hư quán, tìm lại tên sư huynh La Côn và sư đệ Vũ Bộ Dương để hạch tội.
Nhưng Mã phu nhân cũng không khỏi lo chàng một mình ra đi không khỏi có điều chi khuyết điểm lấy ai ám trợ. Nàng Chi Mai ngồi bên nghe nói vậy tức thời hăng hái tình nguyện xin đi theo để giúp đỡ.
“Bông hoa rừng” này mơ ước từ lâu được xuống Trung Nguyên để thăm cảnh vật nơi đế đô thành thị mà từ trước chỉ được nghe mọi người nói chuyện tán dương mà mắt chưa hề được mục kích. Chuyến đi này sẽ giúp nàng mở mang kiến thức, nhận định rõ ràng tính tình phong tục người Hán để tương lai có bước lên ngôi vị Miêu Cương động chủ không bỡ ngỡ trong việc xử thế và bảo tồn danh dự.
Nhưng chắc chắn chỉ có Lý Thanh Hoa là am hiểu thâm tâm cô gái.
Nàng “sơn nữ” đã buồn, từ khi biết rằng mối tình yêu của nàng đối với Lý thiếu hiệp chỉ hoàn toàn là ảo mộng! Nàng chẳng thể cùng chàng kết tâm sắt. Mối tình yêu bắt buộc phải đổi thành tình bạn của đôi anh em “kết nghĩa” không hơn không kém. Nàng Chi Mai cũng bị thất tình! Mối tình pha lẫn sự kính phục chưa đến nỗi sang mối tuyệt vọng, đau khổ sâu đậm như Cao Kỳ Nhất Phương ôm nặng trong tâm hồn từ mấy năm nay.
Mã phu nhân vui vẻ để nàng Chi Mai đi cùng với Cao thiếu hiệp. Khi hai người đã sửa soạn hành trang xong, lúc Cao Kỳ Nhất Phương dắt con tuấn mã Bạch Tuyết Long Câu ra khỏi sơn trang thì có tiếng người gọi theo :
- Hai vị hãy chờ đợi! Tôi cũng được phép đi với hai người!
Cao Kỳ Nhất Phương và nàng Chi Mai ngoảnh lại thấy Lãnh Diện Băng Tâm cũng đương tay xách thanh kiếm gỗ, tay xách khăn gói chạy theo.
Mọi người đưa tiễn phía sau.
Lý Thanh Hoa trao phong thư cho Cao Kỳ Nhất Phương ân cần dặn nghĩa đệ :
- Ta nhận thấy không phải chỉ có một mình hiền đệ là kẻ chạy theo “hoa hạnh phúc”. Vậy xin hiền đệ nhớ lời ta dặn, sau khi đã tìm đặng bông hoa hạnh phúc thì giúp cho những người đi theo hiền đệ sự vui sống trong tình thương yêu hơn là sống trong cô độc thất vọng và lạnh lùng.
Cao Kỳ Nhất Phương không hiểu câu nói của nghĩa huynh chỉ âm thầm tiếp nhận phong thư, thản nhiên trả lời :
- Chuyện đời có nói “Hoa mai nở hai lần”. Tôn huynh muốn chữa một cô gái lở lói thành một giai nhân để cô ấy am hiểu sự “sống và yêu”. Còn em làm sao mà có được hạnh phúc, tìm thấy một em Thiếu Cơ nguyên vẹn thứ hai trong đời em? Nhưng không hiểu anh nghĩ thế nào lại bắt em, ngoài sự trông nom cô gái “mán cóc”, ngây ngô về để đó lại còn đèo thêm thằng “mặt lạnh như tiền”, nửa sư nửa đao phủ. Em biết tính nết nó rồi đây thay đổi ra sao, nó sẽ là Thập Thiện Đan Tâm có lòng lành cứu chữa muôn dân hay rồi còn là đệ nhất Thất Sát Tinh giết người như ngóe?
Lý Thanh Hoa cười và nói rằng :
- Kẻ đi tu thanh Phật hay không là tùy ở người cầm kéo róc tóc cho hắn. Cao đệ đã dùng kiếm “thí phát” cho y, thành chân tâm hòa thượng hay sẽ thành tử tù cạo trọc, cái đó còn tùy ở tâm hắn và một phần tài năng “chuyển hồn” kẻ dữ hóa lành của Cao đệ!
- Em có phải là Bồ Tát đâu mà hiền huynh giao cho em trọng trách làm vậy?
- Bồ Tát thì còn có “giọt nước cành dương” cải hóa tâm tính con người. Hiền đệ không phải là Bồ Tát thì hiền đệ đóng vai ông “thầy giáo” dạy học trò biết tình yêu thương trong đạo lý và lẽ phải.
- Dạy ai thì dễ chứ làm sao mà dạy được thằng cha có bí pháp Chiêu Minh kiếm pháp, kiêu ngạo đầu óc đã thấm nhuần yêu tà từ muôn ngàn kiếp.
Lãnh Diện Băng Tâm thấy Cao Kỳ Nhất Phương từ chối nguây nguẩy không chịu mang hắn đi theo vì sợ hắn đổi thay tính làm điều quấy phá dọc đường thì vội nói lời cam quyết :
- Cao huynh không e ngại! Tiểu đệ vẫn giữ nguyên cái đầu trọc làm sư này! Nếu làm điều gì quấy phá, xin Cao huynh cứ chặt phăng cái đầu này đi em không tiếc! Em có nói dối thì có... có Chi Mai đây làm chứng.
Nàng Chi Mai nhìn Lãnh Diện Băng Tâm thấy đôi mắt chàng ta năn nỉ quá xá, cũng nói hộ :
- Người biết hối cải còn cao quý hơn là người chưa hề biết tội lỗi mình làm hoặc có kẻ ngoan cố lầm lỗi vẫn khăng khăng chối cãi không chịu nhận. Lãnh huynh là bậc kỳ tài đánh kiếm, đi theo bọn mình càng thêm vây cánh. Em làm chứng là Lãnh huynh sẽ xử sự đàng hoàng, không để điều chi thất thố khiến Cao huynh phải buồn phiền.
Tức thời, cả người đều lên ngựa ra đi. Mọi người đứng trông theo vẫy tay tiễn biệt. Bỗng Lý Thanh Hoa gọi với theo :
- Cao đệ! Hãy tạm nhận “lộ phí” riêng của ta kính tặng! Làm xong công việc thì về, đừng có giao du quá trớn để nhà mong!
Nói rồi chàng ném đến vút một “túi gấm nhỏ” nặng trĩu về phía Cao thiếu hiệp. Chàng tú sĩ vươn tay nhẹ nhàng đỡ lấy, cho vào trong bọc hành trang đeo sau lưng ngựa, miệng nói lớn :
- Cám ơn Lý đại huynh! Em sẽ về sớm hơn hạn định!
Tuy nhiên, chàng cũng nghĩ bụng: đại huynh ta cũng quá cẩn thận đâm ra lẩm cẩm. Hai người kia mang theo rất nhiều vàng bạc. Đi đường mang theo nhiều tiền là tối kỵ, không biết tại sao đại huynh ta lại không nghĩ như vậy, còn cho thêm kim ngân mục đích để làm gì?
Xa xa, ngọn Thất Chỉ sơn nhỏ dần, khuất sau phía chân trời. Cao Kỳ Nhất Phương từ trước tới nay đi xa lúc nào cũng có Nhất Tiếu ở bên. Tính tình Nhất Tiếu lỗ mãng, nóng nảy, nên khiến chàng tú sĩ phải thận trong, dè dặt từng ly từng chút.
Lần này xuất ngoại với Lãnh Diện Băng Tâm, tuy chưa hiểu rõ tâm tánh ra sao, nhưng qua trận đấu cờ tại rừng trái cây Điền gia trang dạo nọ, chàng nhận thấy hắn ta “đa sát” quá vì vậy nên không ưa thích, hơn nữa bộ mặt Lãnh Diện Băng Tâm cứ lạnh lùng, khinh khỉnh, thật khó thương vô cùng!
Nhưng bây giờ, ngắm lại thì thấy đầu hắn ta róc tóc nhẵn bóng. Đầu tóc không bù xù như trước, bao nhiêu vẻ hợm hĩnh, lì lợm đã thay thế bộ mặt trắng trẻo, ngoan ngoãn, muốn lấy lòng đồng bạn hơn trước.
Phá tan bầu không khí bất thông cảm giữa hai người, Thập Thiện Đan Tâm khơi chuyện trước :
- Nè, Cao huynh đừng giận tiểu đệ nữa! Tiểu đệ hoàn toàn khâm phục tài đánh cờ nhất thiên hạ của Cao huynh.
Nàng Chi Mai nói :
- Hai người đã đánh cờ với nhau thì là bạn thân với nhau rồi! Em thấy họ có thân nhau mới chân ngồi đầu cù cưa với nhau hàng giờ không thiết gì đến ai, chỉ biết quân cờ và bàn cờ thôi.
- Chi Mai ngây thơ lắm, tưởng bộ hai người ngồi vào bàn đánh cờ với nhau là họ thân tình với nhau lắm sao? Họ nghĩ mọi cách để thắng, còn ác liệt hơn là đánh nhau nữa đấy.
- Em cứ tưởng hễ giận nhau muốn đánh nhau, cứ nhìn thấy mặt là ghét muốn bỏ đi, còn ngồi với nhau cả giờ làm sao được?
Đan Tâm trả lời :
- Chi Mai thực thà không biết! Cao huynh nói đúng đấy! Cùng ngồi đánh cờ với nhau mà thực ra là muốn giết nhau. Trước kia, sư phụ tôi ở trong nhà ngục đánh cờ với tôi, người kể chuyện đánh cờ với ai kẻ đó bị thua thì cũng giết! Nếu kẻ đó thắng ta thì lại càng nên giết đi nữa!
- Nếu vậy là xấu! Chi Mai ở trong bàn thấy các người già, ông Lục ông Châu, họ đánh cờ uống rượu tri kỷ với nhau. Thắng thì vỗ tay cười, thua cũng vỗ tay cười, uống thêm rượu lăn ra ngủ khì... vui vẻ đúng là “cờ tiên rượu thánh” chứ có lối đánh cờ quỷ gì chỉ nghĩ cách vác cả bàn cờ rap hang nhau.
Cao Kỳ bật cười chỉ vào mặt Đan Tâm nói :
- Cô đâu có biết lúc tôi ngồi đấu cờ với tên ăn cướp này, tay lúc nào cũng phải nắm chặt chuôi thanh Song Nhạn Thiên Linh kiếm giấu trong cây dù. Nó lăm le chặt đầu tôi mấy lần trong cuộc cờ đấy!
Chi Mai nghe vậy la lớn :
- Dữ quá đa! Có đúng thiệt vậy chăng?
Đan Tâm chắp hai tay trước ngực :
- Mô Phật! Đúng như vậy! Đúng vậy! Lúc anh đưa ra những nước chiếu bí đệ chỉ muốn vung kiếm quạt cho anh một phát! Nhưng Chi Mai phải biết, bên các anh ấy cũng chẳng dại gì? Chị Tiểu Bạch, anh Nhất Tiếu cũng thủ thế cả rồi! Giá đệ có chọc được ảnh một phát thì ảnh cũng quạt lại một phát, ra gì!
Chi Mai nói :
- Thế là “bên tám lạng, bên thì nửa cân” phải không. Ở Trung Nguyên một cân bằng mười sáu lạng, mỗi lạng mười sáu chỉ, phải không?
- Em hỏi để làm gì?
- Để biết cách trả tiền cho đúng mức! Em nghe nói người Trung Nguyên gian ngoa lắm. Con người càng tính khôn thì lại càng xấu. Em đi chơi lần này cho biết chứ thực tình em không thích người Trung Nguyên.
- Ở đâu cũng có người xấu, cũng có người tốt. Đây, tên xấu nhất Trung Nguyên bây giờ lại cạo trọc đầu đương làm sư thời Phật, cưỡi ngựa đi bên em đó. Em có thương được hắn không? Nó thuộc loại... “xấu số dzách” đấy!
Chi Mai nhìn, ngắm rồi cười hoài :
- Từ hôm em săn sóc thuốc thang cho anh lành bệnh em không thấy một chút chỉ là xấu ở anh ấy hết, tâm tánh dễ thương. Chỉ có cái đầu trọc tếu là “xấu” làm mất vẻ “bô trai”. Giá anh để tóc nguyên vẹn như Cao huynh thì có lẽ...
Cao Kỳ gặng hỏi :
- Thì sao...
- Thì... thôi chẳng nói nữa, mắc cỡ. Để lúc khác em sẽ nói.
- Lúc khác là lúc nào?
- ... là lúc em vào chùa, em khấn xin với đức Phật!
Đan Tâm thở dài một cái :
- Em cứ ngập ngừng làm anh hết hồn. Anh thanh minh với em không phải là anh tự nguyện róc tóc rồi đi tu, mà là Cao huynh lấy kiếm gọt tóc của anh bắt anh phải đi tu đấy! Anh ấy là “Phật sống” của anh. Không cần phải vô chùa, em nghĩ thế nào về anh thì cứ nói thẳng với ảnh đó.
Cao Kỳ Nhất Phương hiểu ý, nói lảng sang chuyện khác :
- Thôi đường dài, cứ rong cương lỏng lẻo thế này thì vài năm nữa cũng chẳng tới thành Lâm An. Chúng ta nên đi nhanh để tới quán trọ trước khi trời đổ tối.
Thế là cả người tế ngựa vùn vụt chạy trên đường thiên lý. Đúng là ba kẻ “vui đời, yêu người”, tâm hồn khoáng đạt đi tìm hoa hạnh phúc.
Cao Kỳ Nhất Phương và Thập Thiện Đan Tâm rất cưng chiều nàng Chi Mai, biết sơn nữ lần đầu tiên nhập Trung Nguyên, nên không nói mà cùng đồng một ý, muốn đem cái hay, cái đẹp, cái tráng lệ nơi đô thị khoe khoang cùng cô ta.
Chi Mai cũng rất khôn ngoan. Nàng cố giữ gìn thái độ để hai chàng không nhận thấy sự ngờ nghệch của mình.
Sau hai ngày rong ruổi vó câu, phủ thành đầu tiên được đón tiếp ba người là Liêm Khê phủ, nhà trên mười ngàn nóc, dân đinh chục vạn dư. Tuy không phải là một trấn trù mật vào bậc nhất, nhưng đối với nàng Chi Mai xưa nay quen sống trong rừng xanh núi đỏ, nhà cửa đông đúc lắm cũng lơ thơ vài chục nhà sàn, không bằng một giáp tại nơi đây.
Cao Kỳ đã có ý đi gấp đường để có thể vô nội thành trước giờ Thân. Qua cổng thành, phố xá hiện ra, nhà cửa san sát liền nhau dãy dài. Cảnh náo nhiệt tưng bừng khác hẳn chốn sơn lâm làm “sơn nữ” dù khéo giữ bộ mặt thản nhiên cũng không khỏi láo liên đôi mắt.
Nàng cưỡi ngựa đi giữa, khép chặt cương cho sát chặt Cao Kỳ :
- Người ở đâu mà nhiều thế? Họ mặc hàng gì mà coi đẹp dữ. Họ giàu có quá xá. Tại sao làm những vòng vàng vòng bạc của họ bóng sáng đẹp hơn vòng vàng đeo nơi cổ chân em?
Cao Kỳ ghé tai nói nhỏ :
- Không phải toàn là vàng cả đâu! Họ đeo vàng giả đấy Chi Mai ạ! Họ làm gì có nhiều vàng khối như chúng ta lấy ở trong núi Bạch Hoa cương đem về!
- Các cô gái ở đây đẹp quá xá! Da họ trắng như bột lọc, má hồng, môi son đẹp dữ a!
- Chi Mai ơi! Họ tô son trát phấn để đánh lừa những chàng trẻ măng mới ra đời như con chim vành mo còn vàng lợi. Nếu cạo phấn lau chùi vết son đi thì em sẽ trông rõ nước da vàng ệch như người bị phù thương, đôi môi lợt lạt như kẻ chết trôi, không còn đẹp nữa đâu!
- Anh tả nghe ghê khiếp! Người Trung Nguyên kỳ quá nè!
Đan Tâm chép miệng :
- Thế mà khối kẻ biết vậy vẫn cứ đâm đầu vô! Trước khi trong số thiêu thân nhảy vào lửa đó phải có cả... “bần tăng” lúc nào cũng dẫn đầu hướng đạo.
- Chi Mai có thấy người ta bắt đầu ngắm nghía và trầm trồ khen ngợi vẻ đẹp thiên nhiên của Chi Mai không?
- Họ nói gì em đâu có hiểu!
- Họ nói, trông kìa hoa “phong lan” ở sơn cốc, trông kìa nước da khỏe mạnh của cô gái miền núi, của lạ rừng thiêng?
Chi Mai giương đôi mắt đen láy màu huyền nhìn Cao Kỳ như hỏi :
- Anh trọc đầu nói thiệt hay rỡn em!
Thấy Cao Kỳ gật đầu, nàng nhìn quanh, quả nhiên thấy đám đông chú mục nhìn mình. Không chút e thẹn, nàng ngửng mặt, khuôn mặt phẳng đẹp kiêu hãnh, lấy hai gót chân thúc bụng ngựa cho tiến bước.
Thực tình thì sơn nữ Chi Mai rất đẹp, người đứng hai bên vệ đường mỗi lúc một đông, đứng xem ba người như coi đám rước.
Đan Tâm (tức Lãnh Diện Băng Tâm) thấy vậy lấy làm chướng mắt, chỉ muốn rút kiếm ra nạt nộ và mắng những kẻ vô lễ đó một trận tơi bời :
- Chúng bay giương mắt ếch ngó cụ “cố nội” bay đấy ư?
Nhưng Cao tú sĩ giơ tay ngăn cản :
- Người ta ngắm nhìn mình thì mặc kệ người ta. Cho ngựa chạy nhanh tìm lữ điếm mà nghỉ ngơi có hơn là gây chuyện lôi thôi, mất thì giờ, vô tích sự?
Chàng rẽ ngựa sang phố xá có nhà cửa cao sang rộng rãi, tìm kiếm biển đề lữ quán sang trọng nhất.
Chàng thuê ba căn phòng rộng rãi, lịch sự ở chốn thị thành, đồng tiền có quyền năng sai khiến hơn hết thảy.
Thoạt tiên chỉ là một chú phổ kỵ hất hàm hỏi ba người cần dùng gì? Rồi đến người tài phú chạy ra hỏi han. Kế đến viên quản lý khách quán thân hành dẫn đi lựa chọn nơi ăn chốn ngủ. Dẫn tới phòng nào, Cao Kỳ cũng chê là bẩn thỉu, bê bối, chật hẹp.
Sau khi đặt lạng vàng vào tay viên quản lý, chàng nói vắn tắt :
- Quý tiệm không đủ điều kiện cao sang để “Quận chúa” tạm nghỉ! Cảm phiền cầm tạm ít tiền “nhậm xà” và cho biết lữ quán nào sang trọng xứng đáng hơn không?
Đồng tiền có năng lực đánh mạnh hơn thế lan truyền, viên quản lý được vàng cuống cuồng chạy gọi vị tài chủ. Vài phút sau đã thấy lão bụng phệ hấp tấp chạy ra, cúi rạp xuống nói :
- Kính chào Quận chúa, Quận chúa ở phương nào hạ giá giáng lâm mà “tệ chủ” không hay biết sớm thân nghênh tiếp, thực đáng tội chết. Nay có ngay đại phòng để Quận chúa dừng chân.
Thế rồi gia nhân rối rít, chạy ra, chạy vô, cả vợ tên chủ lữ quán cũng ra tiếp đón ba người vào khu vực quán xá dành riêng cho các thượng quan. Lẽ tất nhiên, chúng cho mướn phòng ngủ với một cái giá chỉ có những đại phú gia hoặc “thượng quan” đầu tỉnh mới có đủ tiền mướn nổi.
Trả tiền xong, bước vô phòng quả thấy trang hoàng đẹp đẽ khác thường. Tuy chẳng thể bằng cung điện nội thất triều đình, nhưng tất cả đều đã lạ mắt với nàng Chi Mai lắm rồi.
Ánh sáng mọi vật huy hoàng bóng lộn đã làm cô gái sống trong man rợ trở nên rụt rè và quê kệch.
Chính nàng cũng chẳng hiểu tại sao, ở nơi đây, lúc ban đầu mọi người tiếp đón lạnh nhạt, chỉ một chút vàng với tiếng “Quận chúa”, thì con người đã biến đổi từ thái độ làm bộ làm tịch của người chủ, tụt thẳng xuống thái độ của những tên nô dịch hèn hạ, sai bảo điều gì cứ vâng dạ cuống quýt lên.
Tất cả họ đều làm “tôi tớ” đồng tiền. Đồng tiền có quyền năng vô hạn.
Nhưng đó là vấn đề đã xưa hơn trái đất, và còn tồn tại như mái nhà nhọn chỉ lên trời, con chó bốn chân ngoe nguẩy cái đuôi khi được cho sực.
Lần đầu tiên, Chi Mai đặt mình nằm ngủ trên giường phủ ấm, nệm lụa lót bông nõn êm ái.
Thức ăn được mang vào tận phòng, khách dùng những món lạ vị ngon. Vì đi đường mệt nhọc nên cả ba ai ở phòng nấy, nghỉ ngơi rất sớm.
Trời bừng sáng lúc nào không hay, Cao Kỳ vươn vai ngồi dậy, vô tắm rửa thay quần áo.
Sau khi y phục gọn ghẽ chàng sang phòng Chi Mai gọi cửa xem nàng đã dậy chưa, nhưng chỉ thấy im lìm không có động tĩnh chi hết?
Lo ngại chàng sang phòng Đan Tâm thấy vẫn ngáy o o, cửa phòng quên không khóa, những lữ quán mắc tiền, sang trọng, vấn đề an ninh bảo đảm vẫn hơn mọi nơi khác. Đồ đạc không bị suy chuyển mất mát.
Cao Kỳ bẹo tai Đan Tâm nói rằng :
- Sư mô gì mà lười như... anh chàng đại lãn, mặt trời lên cao còn nằm trườn trên giường, mai sau phải vô chùa tụng kinh niệm Phật, thức khuya dậy sớm thì sao?
Đan Tâm mắt nhắm mắt mở trả lời :
- Em chắc “tu tâm” thì đặng chứ tu chùa khó đặng lắm! Nhưng cần gì, người ta thường nói “thứ nhất tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa” cơ mà. Làm thầy chùa, còn lâu mới thành Phật đặng! Bản tính lại ưa mau lẹ, gì cũng muốn làm tắt! Cho đến võ đấu, tới ba hiệp mà không chém rụng đầu đối thủ coi như là rồi!
- Chi Mai đã dậy chưa? Đưa nàng đi xem phủ thành, may sắm một bữa cho Chi Mai vui thích.
Cao Kỳ vòng ra phía ngoài thấy cửa song hé mở liền đứng ngoài nhòm vào, gọi nhỏ mấy tiếng “Chi Mai! Chi Mai!”. không thấy tiếng ai trả lời cả.
Chàng thất kinh không hiểu cô nàng sáng sớm đã một mình đi đâu? Đồ đạc, đoản kiếm, cây ná, giỏ tên và hành trang vẫn để y nguyên trên bàn lớn giữa phòng.
Thật là kỳ lạ! Đi đâu cũng phải nói qua cho chàng biết mới phải chứ! Hay là Chi Mai bị cường đạo... bắt cóc đem đi mất tích.
Tuy nhiên vốn tính tình hành động thận trong, Cao tú sĩ liền quay trở về phòng mình, giắt bảo kiếm và đi quan sát vòng quanh bên ngoài xem sao? Nơi đại khách quán lịch sự này vườn hoa rất rộng, có nhiều cây cổ thụ mọc để có bóng mát cho khách trọ.
Trong lúc chàng tìm tòi quanh quẩn dấu vết thì thấy có tiếng động sột soạt trên cao và có kẻ dùng vỏ cây nhắm người chàng ném tới. Theo phía vỏ cây bay lại, chàng ngước mắt trông lên thì thấy rõ ràng là Chi Mai đương nằm đánh đu trên cành cao chót vót. Nàng đã lấy thừng làm võng mắc vào hai cành cây leo lên ngủ ngoài trời như sơn nhân.
Chưa kịp hỏi han gì thì Chi Mai đã oang oang nói vọng từ trên xuống :
- Ngủ trong phòng khó thở quá, leo lên đây quang đãng, thoáng khí, ngủ ngon ghê!
Biết nói sao nữa, Cao Kỳ đành chỉ cười ruồi, gọi nàng xuống, bảo đi tắm gội rửa mặt thay y phục đi thăm phố phường.
Trong khi chờ đợi nàng Chi Mai thay đổi quần áo và sai người thuê kiệu để “Quận chúa” đi thăm phủ thành, Cao Kỳ thu nhặt tiền nong. Chàng chợt nhớ đến cái túi gấm Lý Thanh Hoa ném cho chàng lúc khởi hành vào phú chót.
Không ngờ chẳng mở túi nhỏ ra coi thì thôi, vừa mở ra xem thấy trong có một vật làm chàng ngây ngất cả tâm thần?
Số là trong túi gấm, không kể những viên kim cương mài dũa phát tia sáng lóng lánh lại còn có một chiếc mũ “bối tử” bằng lụa thiên thanh nhỏ bé mà trước đây người tình của chàng đã đội buổi thi ngựa đầu tiên. Chính chiếc mũ xinh đội xéo trên mái tóc và khuôn mặt người đẹp đã ban cho chàng một tiếng “sét” ái tình khiến chàng tan vỡ trái tim, đã bao năm tháng khôn bề hàn gắn.
Đột nhiên bữa nay “kỷ vật” của người yêu không biết từ đâu lại qua tay Lý Thanh Hoa rớt vào túi gấm này để chàng cầm lấy nâng niu, nhớ nhung nhung nhớ.
Đã bao năm, mùi lan hương vẫn chưa tàn phai. Ngửi mùi hương thơm tự chiếc mũ phảng phất tỏa lên tâm hồn chàng cũng bay cao vút chín tầng mây.
Biết bao câu hỏi vấn vương trong đầu có? Thế này là nghĩa lý gì? Hoàn Mỹ Thiếu Cơ tiểu thư hiện nay ở đâu? Ông cụ Mỹ Nhiệm Công còn sống hay đã chết? Hoàn Mỹ Thái Cơ, biểu tỷ của nàng bây giờ ra sao?
Bao nhiêu kỷ niệm những ngày xa xưa tái diễn trên màn trí nhớ một cách mơ hồ, không rõ nét.
Chi Mai và Đan Tâm, hai người đã vô tới phòng đứng cạnh chàng hồi nào mà chàng không hay?
- Trời! Chiếc mũ của cô nào mà vừa đẹp, vừa xinh như vậy?
Cao Kỳ Nhất Phương lúc đó trông rõ là một anh chàng trồng cây si hạng nặng, mặt cứ nghệt ra không sao trả lời đặng. Chàng lúng túng bỏ chiếc mũ vô túi gấm, trong lúc vội vàng thấy từ trong mũ rớt xuống đất một mảnh giấy nhỏ.
Trong giấy chỉ đề vỏn vẹn hàng chữ ngắn :
“Những hạt kim cương để làm xâu chuỗi kính tặng Hoàn Mỹ Thiếu Cơ tiểu thư Bình Giang hầu Lâm Hòa Trấn”.
Đọc xong, chàng lại càng bâng khuâng chẳng hiểu Lý Thanh Hoa muốn mách bảo chàng những điều gì? Không lẽ quay về Vạn Diệu sơn trang để hỏi lại cho rồi?
Đan Tâm thấy Cao tú sĩ mất hết vẻ tự nhiên, đoán biết chiếc mũ đàn bà con gái có liên can tới anh chàng “thất tình hạng nặng” này, không dám hỏi xía vô chuyện tư, chỉ ngâm nga :
- Âu yếm làm chi, khổ lắm ai ơi! Tu là cõi phúc, nên róc tóc đi tu cho yên một đời!
Tên tài chủ bụng phệ đã lễ phép vào vấn an và báo tin là kiệu và ngựa đã sẵn sàng ngoài sân.
Đan Tâm vẫn hát nghêu ngao tiếp theo :
- ... Muốn yên một đời, trong nhà không ngủ được thì trèo lên cây!
Chi Mai nắm tay định tặng cho “Tân hòa thượng” một đấm vào bả vai, nhưng hắn đã lạng người tránh né.
Cuộc đi thăm đó đây trong thành nội, Phủ Liêm Khê không làm nàng Chi Mai ngơ ngẩn. Người ngơ ngẩn nhất đám hôm đó lại là Cao Kỳ Nhất Phương. Anh chàng như người mất hồn, bộ điệu “mán xá” hơn ai hết! Đi vào giữa đám đông cứ tưởng đi chốn đông người, hết đụng người này lại xô nhằm người nọ, khiến Chi Mai phải lanh miệng xin lỗi hộ mấy lần.
Thực là trái ngược, Chi Mai hỏi han, mua bán, sắm sửa những vật nàng thích.
Khi trở về lữ quán, thay vì ai trở về phòng người nấy như tối trước, Chi Mai đòi đi xem hát vì nàng nghe nói ở Trung Nguyên có những rạp hát bội, con hát quần áo mũ măng, ca nhạc hát xướng hay lắm!
Thực tình, Cao Kỳ chỉ muốn rời Liêm Khê đi thẳng ngay đến Châu Hòa trấn, tìm hỏi đến dinh thực Bình Giang hầu xem biết là vị nào để hỏi thăm tin tức Thiếu Cơ và nguyên do cái mũ xinh xinh của nàng? Nhưng nói thẳng ra chỉ e không tiện, sợ hai người chế giễu, mà để trong bụng thì cứ thấy ngày giờ dài dằng dặc, ngổn ngang trăm nghìn mối sợi lòng thòng.
Chàng vờ lấy cớ bị nhức đầu nằm nhà không đi đâu hết, đặng chờ Đan Tâm nói với lão tài chủ cùng dẫn vợ con hắn, đưa Chi Mai xem rạp hát nào hay nhất Phủ Thành.
Tưởng nằm ở phòng, ngủ được chút nào chăng? Ai ngờ: Khạc chẳng ra cho, nuốt chẳng vào.
Chữ tình không biết nói làm sao?
Kết cục lại đành mở túi gấm lấy chiếc mũ cầm tay ngắm nghía mãi. Bất giác, chàng chợt ngủ lúc nào không biết, chiếc mũ úp trên ngực. Nửa đêm thức giấc, chợt nhớ tới Chi Mai không biết nàng xem hát đã về chưa?
Để yên tâm, chàng mở cửa phòng lần ra phía ngoài nhòm qua song cửa xem Chi Mai còn nằm ở trong hay đã mở cửa song ra ngoài vườn hoa leo lên ngọn cây cao ngủ khèo trên đó?
Quả nhiên thấy trong phòng còn đốt nến mà cửa song lại bỏ ngỏ không khép. Đêm đó anh sáng trăng. Chàng ra ngoài nhìn xem thiếu nữ đã “leo cây” chưa?
Sợi thừng kết làm võng còn đó mà bóng người không thấy đâu? Hay nàng đã tìm cành cây khác leo lên ngủ. Thực là khổ! Chàng thề nguyện nếu biết thế này thì bận sau đi đâu chỉ một mình để được tự do hành động theo ý muốn của mình, đằng này cứ bị bó buộc như bà già trông nom trẻ nít.
Sau khi tập trung nhỡn lực tìm hết nhành cây này tới cành cây nọ, không thấy tăm hơi bóng vía cô “mán cóc” ở đâu cả. Chàng tức mình, định bụng trở về phòng ngủ, mặc xác cô ta.
Thì đã thấy một bóng đen tay xách chiếc ná từ đầu tường hoa nhảy xuống, định thần trông rõ thì là... Chi Mai. Không hiểu nửa đêm không ngủ còn xách ná đi bắn ai trong đêm tối? Ở phủ thành làm gì có thú rừng? Hay Chi Mai đã nhằm mèo chó nuôi nhà người ta bắn chơi?
Phải hỏi cô ta mới được!
Dưới ánh trăng Chi Mai mặc bộ y phục mới mua hồi sớm. Đó là bộ đồ chẽn bằng vóc màu hồ thủy, y phục bó sát người để lộ những đường cong tuyệt đẹp, trông Chi Mai như một pho tượng nữ thần cử động...
Thấy nàng hiện ra trên bãi cỏ, từ trên nóc nhà cũng có một bóng đen khác nhảy xuống. Thấy thân pháp từ cao buông xuống nhẹ nhàng hơn chiếc lá rụng tỏ ra bóng lạ đó phải có bản lĩnh cao cường, Cao tú sĩ cả kinh để tay lên chuôi kiếm nhưng khi nhìn rõ mặt thì tưởng ai té ra là người cũng bọn Lãnh Diện Băng Tâm.
Chưa kịp hỏi lời nào, Lãnh Diện Băng Tâm đã trách móc trước :
- Thấy mất tích Chi Mai tôi đã tưởng việc gì đã xảy đến cho Chi Mai, đêm khuya không ngủ còn xách ná bắn ai vậy?
Người sơn nữ hồn nhiên đáp :
- “Em cứ tưởng chỉ có ở trên rừng mới có ma. Ở thành thị cũng có lắm mà! Nằm ngủ trên cây cao em nghe thấy từ xa có tiếng khóc nỉ non vọng lại. Tiếng khóc của người đàn bà rất ai oán. Em cứ tưởng những người sống ở đây, họ vui sướng lắm, không có ai đau khổ!
Tiếng khóc giữa đêm khuya thanh vắng làm em nghĩ đến những người bị “ma làm” ở trong buồng. Mà đúng như vậy! Có người đàn bà xõa tóc đi ra phía gốc cây xoan, lấy thừng làm thòng lọng treo cổ lên cành cây tự sát.
Người đàn bà đó bị mà “thần vòng” đến bắt đem đi.
Nếu mặc kệ thì người đàn bà sẽ chết! Em phải vô phòng lấy chiếc ná lắp một mũi tên, bắn cho đứt sợi dây thòng lòng thắt cổ. Người treo cổ rơi bịch xuống đất. Em tưởng họ sẽ tỉnh lại ma không bắt hồn họ đem đi nữa.
Không ngờ người đàn bà ấy lại khóc một hồi rồi lại buộc nối đầu dây và chui đầu vào thòng lọng một lần nữa.
Em phải sang tháo dây, gỡ nút cứu cho người đàn bà quyên sinh đó hồi tỉnh lại. Người đàn bà đó chắc bị mà làm “nặng” lắm nên khi hồi tỉnh lại chỉ khóc lóc và nói những gì em nghe không hiểu.
Em đành quay về định tìm Cao huynh hỏi xem có cách nào bảo họ đừng thắt cổ tự tử như thế. Chết như vậy lại thành mà, rồi con ma thắt cổ lại đi tìm một người khác quyến rũ người ta thắt cổ. Người Miêu, cả khi cả nhà bố mẹ con cái lần lượt theo nhau thắt cổ chết lần lần hết cả nhà!
“Cái ma” ấy nó độc lắm!”
Cao tú sĩ nghe Chi Mai nói vậy liền bảo nàng dẫn đi gặp người đàn bà khốn khổ đó hỏi đầu đuôi tại sao mà khóc lóc, đêm khuya ra gốc cây treo cổ tự vận?
Chi Mai dẫn hai chàng hiệp sĩ lại cuối tường đi vòng ra sau một rặng cây, vượt qua dãy nhà kho bỏ trống thì tới một sân cỏ rộng. Bên đống rơm cho lừa ngựa, một người đàn bà đầu tóc rũ rượi, phủ phục rên rỉ.
Chàng tiến lại gần, dùng lời nói ngọt ngào an ủi và hỏi nguyên do. Người đàn bà lau nước mắt và kể lể :
- Tôi là một góa phụ, quê ở An Huy chồng chết chỉ một đứa con trai nhỏ. Nhà nghèo không đủ ăn nên mới tìm lên đây sinh sống. Nhưng tưởng không nuôi được con thì tìm nơi giàu sang phú quý bán con cũng như là gởi gắm hài nhi vào được nơi ăn no, đỡ khổ mau nên người. Không phải tôi tham tiền mà bán con vào nhà giàu. Ai ngờ, sau khi nhận tiền ký kết giấy tờ xong mới biết là người ta bỏ tiền ra mua con tôi không phải để nuôi nấng nó nên người, mà là để đem nó làm vật hy sinh. Biết vậy tôi trả tiền, đòi lại con mà người ta không có nghe.
Chi Mai nghe người đàn bà nói rành mạch nỗi niềm, nàng tỏ vẻ ngạc nhiên hỏi Cao Kỳ rằng :
- Ở Trung Nguyên có chuyện mua trẻ con bằng tiền hả? Nhưng rồi đem “hy sinh”, có phải là đem đi tế thần sông, thần núi phải không?
“Hòa thượng” Đan Tâm xác định câu hỏi của Chi Mai :
- Ngày xưa, ở một vài địa phương, bọn phù thủy phương thuật có bày trò đem trẻ nít, đồng nam đồng nữ thọc huyết tế thần linh, để cầu đảo trời mưa khi hạn hán, hoặc cầu xin khỏi nạn động đất đổ nhà đổ cửa! Cũng có nơi chở đồng nam, đồng nữ ra giữa sống tế thần Hà Bá tránh nạn đắm đò, đắm thuyền, hoặc thủy lao trôi nhà cửa, ngập lụt ruộng nương điền sản. Nhưng bây giờ các mối dị đoan tín nhảm đó đã bị quan quân ngăn cấm không còn nữa.
Cao Kỳ nói theo :
- “Chắc từ ngày xảy ra câu chuyện: Có vị quan cai trị ở miền Giang Nam thấy dân chúng địa phương quá tin theo ông đồng, bà cốt nên mới thông lệ “cưới vợ” cho hà bá, mỗi năm bắt dân làng cung ứng một đồng nữ đem ra bờ sông tế thần sông thì đem “trầm hà” nói là rước xuống thủy cung làm vợ cho hà bá. Vị quan nọ muốn diệt trừ nạn tệ đoạn khốc hại đó, liền nói rằng :
- Phải cho “ông mai, bà mai” xuống báo tin cho Hà Bá hay trước là cô dâu sắp tới thủy cung.
Rồi truyền lính hầu tóm cổ ông đồng bà cốt quăng xuống sông. Thế là các tên chủ xướng chết “ngủm” rồi, viên quan nói :
- Chờ lâu không thấy ông mai, bà mai trở lên cho hay tin, vậy xin mời ông chủ hôn xuống xem sao?
Những kẻ a dua đề xướng ra việc tế lễ, lấy vợ cho thủy thần đều xanh xám mặt mày không ai muốn được chỉ định là kẻ chủ hôn. Giai thoại này đã làm cho việc dùng đồng nam đồng nữ làm con sinh trở nên mất hết ý nghĩa và không còn những sự làm chết mạng người một cách vô nghĩa lý nữa”.
Chi Mai hỏi :
- Nhưng tại sao hiện nay, theo lời người đàn bà vẫn còn việc mang con trẻ ra làm vật “hy sinh”. Vậy thì hy sinh cái gì? Tại sao bọn phù thủy được mọi người tin như thế?
Chàng thiếu hiệp đáp :
- Theo tôi biết thì dân chúng phần nhiều cầu an, nhẹ dạ cả tin và dễ bị lạm dụng. Theo cổ tục người Hán tin theo phong thủy, không muốn thân nhân chết mất xác. Bằng mọi cách phải thu thập lấy thi hài để đem chôn cất tử tế, có như vậy thì dòng họ làm ăn mới khá giả. Những kẻ bị chết trôi, chết chìm dưới sông, ai biết xác ở chỗ nào dưới đáy sông mà mò, vớt lên được. Bọn phù thủy bao giờ cũng tinh mà hơn. Chúng biết loại rùa hay ăn thịt thối xác rữa, chúng bỏ đói con rùa rồi lấy dây buộc vào lỗ lủng xiên cạnh mai rùa, rồi thả con vật đó xuống dòng sông. Con rùa tới chỗ thây ma chết đuối, dừng lại thì người ta cứ nhằm chỗ đó mà lặn xuống thì vớt đặng thây mà.
Như vậy, người nhà nạn nhân thu thập được thi hài kẻ xấu số.
Chỉ cần một việc kỳ lạ đầu tiên theo các điều hão huyền về sau cũng được tin theo. Nhà có con gái mà gả cho thủy thần lấy làm vợ thì chắc chắn cả nhà được thần phù hộ.
Còn gì “hách” bằng làm anh sui, chị sui với tiên thánh.
Còn gì “le” với thiên hạ trong làng bằng có con gái làm bà chúa dưới đáy thủy cung, có con rể là ông Hà Bá. Ai đi đò qua sông, quá giang qua bến mà không kính nể ông nhong bà nhong của vị thần khúc sông đó?
Từ chỗ lợi dụng, đưa một số người ngu ngốc lên mây xanh, rồi đem reo rắc sự khủng bố tinh thần, đe dọa bắt con gái nhà người ta mỗi năm một người gả cho Hà Bá thì nhà nào có con gái lớn lên mà được các ông đồng bà cốt chiếu cố, chẳng rét run lên bần bật.
Chi Mai nghe Cao Kỳ giảng giải, miệng há hốc ra, thán phục vô cùng. Nàng không ngờ anh chàng từ trước tới nay, lúc nào cũng buồn như “cú rũ” lại là một nhà triết học hiểu rộng, biết nhiều, uyên bác đến thế?
Nàng để cho chàng thiếu hiệp ngưng “thao thao bất tuyệt” rồi mới vào đề :
- Như vậy người đàn bà này có bị người ta mua đứa con bà đem vất xuống sông không?
Người đà bà lắc đầu.
- Vậy tại sao bà bảo người ta “hy sinh” đứa con trai nhỏ của bà?
- Câu chuyện này khó nói lắm! Ông võ sư ở Châu Hòa trấn...
Người đàn bà vừa nói tới đây thì đã thấy có hai người đàn ông xách đèn từ trong nhà kho bỏ trống đi ra. Người lực lưỡng đi trước lớn tiếng mắng rằng :
- Con mụ điên chỉ nói lảm nhảm. Quý vị quan nhân đừng nghe lời nói lăng nhăng của con mụ điên đó!
Người đàn bà có vẻ sợ hãi, ôm mặt khóc ròng và lẩm bẩm như van nài :
- Vâng tôi nói tầm bậy tầm bạ... xin các người đừng nghe... mặc kệ tôi, để tôi được thắt cổ chết đi cho rồi! Tôi không muốn sống nữa!
Hòa thượng Đan Tâm tức giận mắng lớn :
- Hai anh kia ở đâu xía vô làm cắt ngang câu chuyện của người ta! Điên hay không việc gì đến các anh?
Hai người đàn ông không để ý tới nhà sư trẻ tuổi, chỉ to tiếng mắng át người đàn bà :
- Chúng ta đã thương mi cô độc một mình, cho tạm trú nơi đây cho mi đủ ăn đủ uống đủ sống cho yên cái thân hèn hạ. Đã không biết điều lại còn cà kê dê ngỗng. Sớm mai sẽ tống khứ mi đi nơi khác, rồi thì mi muốn tự vận chết nơi đâu cũng được. Không ai thương tiếc, ngăn cấm làm gì đâu?
Cao tú sĩ trợn mắt hỏi :
- Hai người là ai, sao lại hắt hủi, dọa dẫm kẻ thế cô như vậy?
- Chúng tôi là người canh gác ban đêm khu vực chung quanh lữ quán. Các ông là khách không việc gì phải quan tâm đến người đàn bà ở đậu này. Xin mời các vị trở về phòng khách nghỉ ngơi đừng làm bận rộn đến kẻ khác.
Đan Tâm cười nhếch nửa miệng :
- Á! Vậy thì hai anh chỉ là người làm công trong lữ quán! Chắc các anh không biết chúng ta là kẻ bị làm bận rộn, nghe không? Chúng ta không làm bận rộn ai hết! Hai anh chưa đủ tư cách dạy khôn bọn ta, mau đi tìm chủ các anh lại cho hỏi đầu đuôi câu chuyện!
Tên cao lớn lực lưỡng xách chiếc đèn lồng hậm hực trả lời :
- Đúng các người là “thượng khách” của bản quán mới có quyền sai bảo chúng tôi. Chúng tôi không chối cãi. Để chúng tôi đi gọi chủ chúng tôi tới giải thích cho các người, nhưng tốt hơn hết là đừng nên đặt chân tới Châu Hòa trấn!
Y dằn giọng đe dọa. Cao thiếu hiệp sợ Đan Tâm nổi đóa, ra tay làm hư việc nên bảo hòa thượng rằng :
- Hiền đệ hành động phải lắm! Chúng ta nên nói chuyện với chủ hơn là nói với đày tớ! Chi Mai kéo người đàn bà khóc lóc đi theo về phòng.
Lát sau, chủ nhân lữ quán mắt nhắm mắt mở, tới hỏi đầu đuôi tự sự. Chàng thiếu hiệp kể lại cho hay. Kế đó chàng hỏi Chu Hòa Trấn ở cách phủ thành bao xa? Vị võ sư danh tính là gì? Có cách nào giúp đỡ người đàn bà lấy lại đứa con đã bán không?
Chủ lữ quán bụng phệ vừa ngáp vừa lắc đầu lia lịa.
- Xin các đại quan nhân và Quận chúa bỏ qua việc này đi thì hơn. Người lương thiện, ưa thích sự làm ăn yên ổn không ai dám nhắc tới tên Châu Hòa trấn chứ đừng nói là tìm hỏi đặt chân đến đó nữa!
- Tại sao vậy? Nơi đó là tổ giặc cướp, toàn những tên thành tích bất hảo tụ tập hay sao? Vì cớ chi người đàn bà bán con lại nói là bà ta sẽ bị hy sinh? Hy sinh tính mạng trẻ con để làm gì?
- Các đại quan nhân và Quận chúa ở xa mới đến không biết. Nơi đó không phải là sào huyệt của bọn cướp của giết người. Những ai vô tình mang trẻ nít tới trên đó, nếu không bị dụ dỗ đem bán đi thì trẻ cũng bị bắt cóc mang đi mất tích. Tôi không tin ở thời buổi này có ông ba bị chín quai, mười hai con mắt hay những con mụ chằng tinh ưa thích ăn thịt trẻ nít hôi tanh ngon lành gì? Tôi nghe phong phanh hình như có võ sư nào ở Châu Hòa trấn muốn dùng trẻ nít để giúp hắn ta ghép hạch để “cải lão hoàn đồng” người già hóa trẻ lại hay là dùng máu trẻ nít để luyện “Đồng Tử Âm Dương Chưởng Kiếm”, đúng không! Nếu không đủ số đồng nam đồng nữ từ tám tuổi tức những trẻ sanh từ năm Giáp Thìn trở xuống thì có lẽ các ông thầy võ đó sẽ xuống tận phủ thành Liêm Khê để tìm chọn trẻ nít bắt hoặc đem đi. Vậy, chẳng một người dân nào dám tố cáo. Và nếu có cáo giác, khiếu nại lên quan phủ thì cũng như không vì chính viên phủ quan cũng đã sợ hãi cho gia nhân đem tiểu công tử và tiểu thơ ẩn náu đi nơi khác để tránh khỏi tai họa. Dù biết chuyện tày trời xảy ra trong quản hạt, cũng đành làm ngơ để khỏi bị hỏi thăm sức khỏe. Tôi cũng đã mở lòng nhân đức cho người đàn bà khốn nạn mất con tạm trú ở đây, song không hiểu tại sao bả lại nghĩ đến chuyện tự vận.
Người ta trả giá cũng hùng hậu lắm. Năm chục lượng vàng một đầu trẻ. Chẳng hơn tại Hà Bắc người mẹ đem bán con đổi lấy đặng dăm “củ khoai lang” không đặng.
Người đàn bà đã trót bán con móc trong bao thắt lưng, lấy ra một gói giấy phòng năm chục lượng vàng đưa cho mọi người và nói rằng :
- Ai quý tiền hơn tình ruột thịt thì không biết, tôi xin trả vàng để đổi lấy lại con!
Chi Mai gạt tay bà bảo cất tiền đi :
- Yên tâm! Ta bảo hai hiền huynh của ta giúp lấy lại đứa con trả lại cho bà. Việc hoàn lại tiền nong chúng ta đảm trách. Nào Châu Hòa trấn ở đâu? Đi tới đó ngay lập tức!
Đan Tâm hỏi :
- Ủa, khởi hành ngay bây giờ ư? Không ngủ nữa sao? Tôi buồn ngủ lắm rồi. Để sáng mai đi sớm.
Nói rồi đưa mắt nhìn Cao Kỳ nhờ thiếu hiệp quyết định. Ai ngờ nghe thấy ba chữ Châu Hòa trấn, Cao thiếu hiệp cũng mong tới đó hơn ai hết. Chỉ tiếc là thiếu đôi cánh mọc trên vài để bay cho mau chóng hơn.
Chàng lặng lẽ quay lại ra lệnh cho viên tài chủ :
- Bảo người đóng yên cương và dắt ngựa cho chúng ta lên đường ngay đêm nay đi Châu Hòa trấn. Cho thêm một người dẫn đường càng hay. Bao nhiêu phí tổn ta thanh toán tức khắc.
Viên chủ quán liền chỉ định kẻ làm công xách đèn lồng làm hướng đạo viên dẫn đường cho các thương khách được chiều lòng.
Người đàn bà bán con không biết cưỡi ngựa, Chi Mai cho bà ngồi chung ngựa mình đi cho mau chóng.
Đan Tâm sợ làm phật ý Chi Mai đành lầm lì miễn cưỡng leo lên ngựa không nói năng gì cả.
Đoàn người ngựa đi nhanh trong tăm tối, trước còn theo quan lộ, sau rẽ sang con đường nhỏ đi hoài.
- Đường có xa không? Còn bao nhiêu dặm nữa?
Tên làm công cao lớn lực lưỡng hằn học trả lời :
- Ngựa kiệu đều bước như vầy đúng canh năm thì tới nơi!
- Dọc đường có yên ổn không?
Tên dẫn đường bật cười ha hả :
- Các ngươi sợ lắm nên hỏi như vậy, phải không? Cướp đường thì không vì có tôi đi đây, họ biết mặt rồi. Không gây chuyện cản trở. Nhưng bắt đầu nhìn thấy Châu Hòa trấn thì tôi không còn đảm bảo nữa!
- Tại sao vậy?
- Vì những người làm việc trong lữ quán quý vị vừa trọ mấy bữa qua, đều là những người “trung tín”. Tôi đã nhận tiền thuê làm kẻ hướng đạo, lẽ tất nhiên tôi phải có nhiệm vụ bảo toàn tính mạng và tiền của các người. Nhưng công việc đã ấn định rõ ràng là chỉ “đưa đường” các vị tới Châu Hòa trấn. Các vị nhìn thấy Châu Hòa trấn là coi như nhiệm vụ của tôi đã hoàn tất. Lúc đó kẻ cướp hay quân cường đạo có phanh thây quý vị muôn mảnh, lấy hết vàng bạc quý vị mang theo, chiếm đoạt ngựa của các vị đang cưỡi, những việc đó không có ăn nhằm gì đến kẻ ngu hèn này!
Đan Tâm đang lim dim hai mắt ngủ gà ngủ gật trên mình ngựa, bỗng tai chàng nghe thấy những từ “phanh thây”, “muôn mảnh”, “cướp tiền chiếm ngựa” thì tự nhiên tỉnh ngủ, hai mi mở choàng.
Chàng hất hàm hỏi :
- Cứ nghe mi nói, ta thấy mi là một người làm việc “trung tín”, phân minh vô cùng. Ta muốn hỏi mi hai điều, mi làm ơn trả lời ta rõ. Điều thứ nhất là nếu chúng ta nhờ mi bảo tiêu, tính mạng và tài sản thì mi sẽ lấy thêm bao nhiêu tiền công? Điều thứ hai là ta nhờ mi đi gọi đông kẻ cướp đến để đánh cướp chúng ta, mi đòi bao nhiêu tiền công?
Tên kia nghe nói giật mình ngần ngừ giây lát rồi mới nói :
- Sư ông hỏi điều gì mà kỳ lạ vậy? Điều thứ nhất là dù trả bao nhiêu tiền tôi cũng không thể bảo tiêu tính mạng quý vị tới Châu Hòa trấn. Điều thứ hai lại càng không thể được nữa vì luật lệ giang hồ ở Châu Hòa trấn khác với luật lệ tại nơi khác.
- Mi nói thế nào? Ta không hiểu?
- Dễ ợt có chi mà không hiểu. Rủi cho các vị là vì các vị quá siêng năng đối với việc người đàn bà mà quý vị không quen biết kẻ nào đặt chân tới khu vực trấn đó thì tính mạng và tàn sản thuộc quyền vị võ sư tại đó. Có bao nhiêu tiền của, lừa ngựa mang theo thì phải trao cho bọn đồ đệ của vị võ sư. Vô trong trấn kẻ nào khỏe có quyền sai bảo kẻ yếu chứ không như ở đây, kẻ có tiền sai bảo kẻ không có tiền. Như vậy làm sao tôi bảo tiêu tính mạng cho các vị? Làm sao tôi đi gọi kẻ cướp để bóc lột các vị? Luật lệ nơi đó cấm đoán hai người đánh một dù là đồng môn, đồng bạn cũng bị người trong trấn nghiêm trị. Quy tắc “một chọi một” được duy trì khắt khe hơn bất kỳ ở nơi nào khác từ trước tới nay và quy luật thứ hai “bất can thiệp” thì lại càng nghiêm ngặt hơn nữa. Thuận mua thì bán, thuận bán thì mua. Không có lệ bán xong tay lại còn đòi hoàn tiền đổi ý kiến như người đàn bà ngu dại này. Đã tuốt kiếm ra khỏi vỏ thì tử đấu, sống còn chết bỏ, không ai can thiệp. Cấm lấy số đông đánh ít.
Đan Tâm nghe chuyện, cơn ngủ bay đi, mắt tỉnh hơn sáo sậu :
- Đánh lén đâm sau lưng thì sao?
- Không được đánh lén đâm sau lưng. Kẻ nào tới Châu Hòa trấn mà mang theo ám khí bị cảnh cáo trước. Nhưng tôi đã nói là mọi người phải nạp hết tiền của, võ khí còn giấu giếm ám khí làm sao được? Còn nếu đâm lén sau lưng ám toán kẻ có võ công tài giỏi hơn mình, không diện đấu mà lại làm cái trò “chó đớp trộm” thì sẽ bị vứt vào chuồng nuôi lang sói đói cho chúng cắn xé ăn thịt.
- Nếu như vậy thì võ sư ở Châu Hòa trấn có tinh thần thượng võ lắm nhỉ? Anh đã gặp mặt ông ta lần nào chưa? Niên tuế ông ta bao nhiêu? Già hay trẻ?
- Câu hỏi khó trả lời vô cùng. Đến nơi sẽ biết: Tôi tài nghệ non nớt đứng vào hạng chót, làm sao có hân hạnh được diện kiến thầy dạy võ cá kình, cá voi được. Vả lại tôi đã nói luật lệ quy tắc trong giang hồ mỗi nơi mỗi khác. Thông thường nhập môn sau khi làm lễ “bái tổ, bái sư” thì kẻ đó làm thầy mình suốt đời. Một miếng võ mình đã học, người ta là thầy mình rồi. Nửa miếng võ người ta truyền thụ cho mình, người ta đã là sư mình rồi. Ở Châu Hòa trấn, thắng được làm thầy, thua thì làm trò. Đó là một định lệ tân kỳ và dễ hiểu, ai ai cũng chấp nhận như vậy cả.
Cao thiếu hiệp lắc đầu, tặc lưỡi :
- Như vậy là “võ sư, võ phụ” còn ra cái thể thống đếch gì nữa? Ông thầy dạy võ già thì phải yếu. Học trò trẻ thì khỏe. Như vậy học trò lại trở nên làm thầy, thầy lại đảo xuống làm trò coi sao tiện?
Kẻ dẫn đường hỏi vặn lại :
- Có gì mà không tiện? Bây giờ ông có nhiều tiền bạc thì ông làm chủ nhân, mướn tôi sai khiến tôi. Một mai kia, ông tiêu hết tiền, tôi có nhiều tiền bạc, ông tình nguyện làm mướn cho tôi, tôi bỏ tiền ra thuê ông. Ông có thấy sự việc “thay vị, đổi ngôi” như vậy là bất tiện không?
Hòa thượng Đan Tâm xoa gãi cái đầu trọc, nhe bộ răng trắng cười hì hì :
- Hay! Thằng cha này nói nghe xuôi tai, nghe được! Lý sự cứng, đánh võ bằng chân tay, đao kiếm thế nào tao chưa biết nhưng “đánh võ bằng mồm” của mày có hạng lắm! Như vậy thì chúng tao đặt chân tới Châu Hòa trấn, bọn ta biết thằng nào là võ sư “thầy”, thằng nào là võ sư “trò” mà hỏi thăm được.
Kẻ dẫn lộ thản nhiên đáp lại :
- Vì thế nên tôi mới nói với các ông, đến nơi thì biết. Hỏi bây giờ khó trả lời lắm! Luật lệ mỗi nơi mỗi khác. Không phải là “hắc” mà bảo luật lệ của lục lâm rừng xanh, rừng đỏ. Không phải là “bạch” mà bảo là quy tắc của chính đạo, quân tử mã thượng phong lưu.
Đan Tâm hỏi tiếp :
- Ta nhận xét thấy anh quen thuộc với luật lệ thổ nghi nơi đó? Như vậy anh tán thành hay phản đối?
Kẻ dẫn đường không trả lời.
Nàng Chi Mai cầm roi ngựa quất mạnh vào mông con tuấn mã cho chạy vọt lên trên mà rằng :
- Lý thuyết mãi, cù cưa nhức óc! Chúng ta nên phi nước đại cho chóng tới nơi. Nếu đánh nhau thằng được thì ỷ tài làm cha làm thầy thằng bị thua, như vậy không (...) thành sao được. Còn trong trường hợp bị thua ức nhưng phải nhịn, có phản đối trong bụng, nói ra nó đánh nữa thì sao? Anh làm công này cũng nói lăng nhăng, quấy quá cho xong việc. Bất kỳ ở đâu, người chủ chốt đề xướng ra luật lệ là người phải có thế lực mạnh. Không lẽ, đến Châu Hòa trấn, bọn ta gặp ai đánh người nấy cho tới khi đụng độ với thằng cứng cựa nhất mới tìm ra ai là vị võ sư đệ nhất nơi đó ư?
Mọi người đồng khen phải thúc ngựa chạy nhanh hơn tên bắn. Hết canh tư sang tới canh năm. Tên dẫn đường dừng ngựa trên một ngọn đồi cao. Từ phía xa văng vẳng có tiếng gà gáy sáng. Trông xuống dưới đồi thấy hiện ra quan lộ lớn chạy tới nẻo trường giang, trên mặt lộ người ngựa xe cộ đi như nước lũ về bến đò.
Hắn lấy tay chỉ một thị trấn lớn, nhà cửa san sát như bát úp gần ngọn sông và nói :
- Kia kìa, Châu Hòa trấn ở bên nớ! Từ giờ trở đi, nhiệm vụ đã chu toàn, tôi xin trở về phủ thành, các vị tự mình định liệu.
Nói rồi quay đầu ngựa ra roi chạy miết. Nhưng Đan Tâm đã túm lấy áo ngực, mắng nhiếc :
- Này anh làm công “bất trung tín”! Trước khi tha anh toàn mạng, cần nói để anh biết. Tại sao anh không chỉ đường cho chúng ta? Đường nào đường nhỏ xuyên rừng núi? Anh làm ta chạy ngựa ngày đêm thêm đói và mệt?
Nói rồi lấy tay vỗ khẽ vào bao đao của hắn đeo sau lưng mà rằng :
- Ta trông suốt qua cặp mắt anh thấu tới óc anh. Anh là một tên bất lương định tâm dụ chúng ta vào đường hẻm tìm gặp đồng bọn lâu la để chặn cướp bóc lột của chúng ta. Nhưng biết chúng ta thuộc hàng thứ dữ nên không dám, đúng không? Ta cho nén vàng này đem về lữ quán làm kỷ niệm.
Tên làm công vừa sợ vừa mừng tiếp lấy nén vàng. Lúc nhìn kỹ, mồ hôi nhỏ giọt vì thấy Đan Tâm kẹp hai ngón tay bóp bẹp thoi vàng y như bóp bẹp thỏi kẹo mạch nha.
- Tay ta quen gõ mõ, sọ đầu người chỉ dầy có sáu ly và không rắn bằng thoi vàng này. Vậy liệu nhớ kỹ và câm cái miệng!
Hắn cúi đầu vâng dạ rối rít, lạy tạ cáo lui. Chạy ngựa được trăm bước thấy thanh đao cắm trong vỏ phát tiếng lọc sọc lỏng lẻo, hắn vội rút ra xem thì bản đao đã bị hòa thượng vỗ đùa chơi gãy vụn làm nhiều mảnh, tên làm công choáng váng đầu óc cơ hồ muốn té xỉu ngã ngựa.
Bọn Chi Mai cho ngựa sải xuống dốc, leo lên quan lộ nhập bọn khách thương đông đảo đi ra mé sông.
Bờ sông là nơi phồn thịnh, trên bến dưới thuyền khách quá giang chen chúc nhau. Thuyền đò nào cũng chật ních. Nhưng trước khi xuống đò, ai nấy phải đi qua một đồn kiểm soát.
Đó là một tòa nhà rất rộng lớn. Bọn Chi Mai nhận xét thầy mọi người ra vô rất trật tự, không có quan quân canh gác, nhưng hình như ai cũng am hiểu luật lệ nơi đây.
Lúc vô thì ào ạt vào cùng một cổng, nhưng lúc ra lại ra sáu ngả khác nhau xuống bến đậu thuyền.
Càng vô trong sân tiếng nói ồn ào bớt hẳn đi, vô trong nhà thì nhường lại cho sự im lặng hoàn toàn.
Khách thương hồ với hàng hóa, đồ đạc thì chịu phần kiểm soát đi ra ngách kẻ buôn người bán. Thợ công nghệ theo đoàn ngũ công nghệ, chừng trông kỹ mới biết người nào cũng lãnh đính bài đeo nơi ngực mới được xuống đò vô Châu Hòa trấn.
Xét ra lời của lên làm công hướng đạo cũng không sai sự thật mấy chút.
Theo bảng hướng dẫn, bọn Chi Mai đi vô cửa khách lạ chưa từng tới Châu Hòa trấn bao giờ. Có lẽ vô sau “khách môn” ngoài bọn Chi Mai không thấy bóng vía một ai khác.
Bước chân vô căn phòng khách được tiếp đón rất niềm nở. Có người thư ký mang bút giấy lại biên chép những lời mình khai.
Nàng Chi Mai thì lấy tên là Bạch Phong Lan tiểu thư, Cao thiếu hiệp mang tên cũ là Cao Nhị Tiếu, nhà sư Đan Tâm giữ nguyên bộ tên Thập Thiện Đan Tâm hòa thượng, người đàn bà khai tên họ Lập.
Về phần lý do thì mỗi người nói phần lý do của chính mình :
- Lý do thứ nhất là xin hoàn lại đứa con cho Lập Thị.
- Lý do thứ hai là hỏi thăm dinh thự Bình Giang hầu.
- Lý do thứ ba xin bái yết vị võ sư Châu Hòa trấn.
Trong khi chờ đợi, có người hầu rót nước châm trà tử tế. Bọn Chi Mai ngồi chờ, vừa chú ý xem xét thấy mọi sự tổ chức ngăn nắp chu đáo không có sự hỗn độn, xấc láo gì cả.
Cứ cách vài phút lại có người ra lễ phép thưa gửi :
- Cảm phiền mấy vị chờ đợi. Quý vị cần dùng gì xin sai bảo, sẽ có người phục dịch ngay. Việc c
Vạn Diệu sơn trang là nơi xảy ra nhiều việc kỳ lạ nhất trên đời. Cô gái “cùi” thoạt tiên quá cảm động vì lòng tốt của mọi người, không muốn mọi người vì mình chữa bệnh mà hại lây đến hạnh phúc cả ngàn người khác.
Chữa một thân hình lở lói, da thịt “thúi nát” để trở nên một hình hài “lành mạnh” không phải là câu chuyện một sớm một chiều có thể làm xong ngay được.
Đó là một công việc đòi hỏi nhiều kiên trì, cố gắng và nhẫn nại. Phải mất đủ một trăm lẻ tám ngày, cô gái trầm mình trong nước thuốc cho da thịt rửa thúi tiêu tan đi, rồi mặt mũi thân thể bệnh nhân được bọc chất thuốc lá “hồi dương”, bị thôi miên vào một giấc ngủ lâu ngày trong địa huyệt.
Các luồng “tĩnh điện” trong “Trung Cung” giữa Bát quái đồ trong địa huyệt sẽ tập trung trong người nàng và làm sống dần lại các thớ thịt đã chết.
Như vậy, toàn thể khu vực Vạn Diệu sơn trang trù mật phải biến thành khu vực lặng lẽ bao quanh ngôi “cổ mộ” khổng lồ, không vật gì bén mảng tới khuấy động để làm đứt đoạn cuộc “cải tử hồi dương” của một thân thể nằm im bất động như một thi hài đã chết.
Mọi người bắt buộc phải tạm xa lánh sơn trang trong thời gian U Linh nữ chủ chữa bệnh. Nàng sẽ như xác chết ướp nằm ngủ trong lòng đất.
Nàng sẽ làm một cuộc “thoát xác” và các nhánh lá sẽ tạo nên một thân thể “hình người mới”. Cái vỏ “phong cùi” sẽ bong ra và khi toàn thân đã mọc một lần bì phu thì người chữa bệnh sẽ đến cho uống linh đan khiến U Linh nữ chủ hồi tỉnh lại.
Sau giấc ngủ mê man hơn một năm trời, U Linh nữ chủ sẽ “lột xác” biến thành một cô gái có bộ mặt đẹp đẽ như khuôn đúc chiếc mặt nạ bạc đeo trên mặt kia.
Sắc đẹp “hồi phục” của nàng sẽ đem lại sự sung sướng cho bản thân cô gái, nhưng chưa biết kết quả đạt được có đúng theo ý muốn hay không, ngay lúc khởi đầu đã đòi hỏi bọn người Mã phu nhân phải hy sinh mất công sức nhiều ngày trong ngôi mộ trong cỗ thi hài nằm.
Tiểu Bạch, Thanh Diện Thần Quân, Vị Hải công nương phải trở về Quảng Mục trường tại phủ Diên Bình và Trực Lệ để gầy dựng lại thế lực đã mất.
Nhất Tiếu và Thần Ma Mật Tăng đi chiếm lĩnh Ngũ Đài sơn để chấn chỉnh lại sơn môn theo chỉ hướng “hành thiện” cứu đời của Lữ Huệ thiền sư.
Lý Thanh Hoa bắt buộc phải ở lại bên cạnh Mã phu nhân để giúp bà thực hiện việc cải tử hồi sinh cho con gái Lão Thần Y, như vậy mới đúng nghĩa là trả ơn cứu mạng khi xưa của Lão Dị Nhân, người anh em cùng học với ông thánh nghề thuốc.
Việc tìm gặp Ngũ Độc Thiên Nhân để trao phong thư Lý Thanh Hoa hồi âm lại cho con người có “trăm bộ mặt”, có những hành động lập dị “vào thần ra quỷ”, tung hoành giữa hai chữ Thiện và Ác, giữa hai quốc gia Liêu và Tống, giữa hai hình thức cải trang lúc “nam” lúc “nữ”, làm Mã phu nhân vẫn không biết ủy thác cho ai phụ trách.
Bà liền ngỏ ý với chàng thanh niên tài giỏi tuyệt luân, nhưng lúc nào cũng buồn bã như người mất hồn mất trí vì mốt huyết hải sư cửu cũng có phần vì bị kẻ khác phỗng tay trên mất người yêu quý nhất đời cũng có.
Thất Tình Tú Sĩ đương buồn phiên nên sau khi thấy nói bà giao phó công việc tìm gặp Ngũ Độc Thiên Nhân thì vui sướng lãnh nhận ngay. Phen này chàng sẽ trả được mối thù tên hai mắt “xanh lè” kia đã ức hiếp chàng trong cuộc cờ đương “thắng” phải khẳng định mình bị “bại”.
Đồng thời, phen này tái xuất giang hồ, chàng được rảnh tay trở về Ngọc Hư quán, tìm lại tên sư huynh La Côn và sư đệ Vũ Bộ Dương để hạch tội.
Nhưng Mã phu nhân cũng không khỏi lo chàng một mình ra đi không khỏi có điều chi khuyết điểm lấy ai ám trợ. Nàng Chi Mai ngồi bên nghe nói vậy tức thời hăng hái tình nguyện xin đi theo để giúp đỡ.
“Bông hoa rừng” này mơ ước từ lâu được xuống Trung Nguyên để thăm cảnh vật nơi đế đô thành thị mà từ trước chỉ được nghe mọi người nói chuyện tán dương mà mắt chưa hề được mục kích. Chuyến đi này sẽ giúp nàng mở mang kiến thức, nhận định rõ ràng tính tình phong tục người Hán để tương lai có bước lên ngôi vị Miêu Cương động chủ không bỡ ngỡ trong việc xử thế và bảo tồn danh dự.
Nhưng chắc chắn chỉ có Lý Thanh Hoa là am hiểu thâm tâm cô gái.
Nàng “sơn nữ” đã buồn, từ khi biết rằng mối tình yêu của nàng đối với Lý thiếu hiệp chỉ hoàn toàn là ảo mộng! Nàng chẳng thể cùng chàng kết tâm sắt. Mối tình yêu bắt buộc phải đổi thành tình bạn của đôi anh em “kết nghĩa” không hơn không kém. Nàng Chi Mai cũng bị thất tình! Mối tình pha lẫn sự kính phục chưa đến nỗi sang mối tuyệt vọng, đau khổ sâu đậm như Cao Kỳ Nhất Phương ôm nặng trong tâm hồn từ mấy năm nay.
Mã phu nhân vui vẻ để nàng Chi Mai đi cùng với Cao thiếu hiệp. Khi hai người đã sửa soạn hành trang xong, lúc Cao Kỳ Nhất Phương dắt con tuấn mã Bạch Tuyết Long Câu ra khỏi sơn trang thì có tiếng người gọi theo :
- Hai vị hãy chờ đợi! Tôi cũng được phép đi với hai người!
Cao Kỳ Nhất Phương và nàng Chi Mai ngoảnh lại thấy Lãnh Diện Băng Tâm cũng đương tay xách thanh kiếm gỗ, tay xách khăn gói chạy theo.
Mọi người đưa tiễn phía sau.
Lý Thanh Hoa trao phong thư cho Cao Kỳ Nhất Phương ân cần dặn nghĩa đệ :
- Ta nhận thấy không phải chỉ có một mình hiền đệ là kẻ chạy theo “hoa hạnh phúc”. Vậy xin hiền đệ nhớ lời ta dặn, sau khi đã tìm đặng bông hoa hạnh phúc thì giúp cho những người đi theo hiền đệ sự vui sống trong tình thương yêu hơn là sống trong cô độc thất vọng và lạnh lùng.
Cao Kỳ Nhất Phương không hiểu câu nói của nghĩa huynh chỉ âm thầm tiếp nhận phong thư, thản nhiên trả lời :
- Chuyện đời có nói “Hoa mai nở hai lần”. Tôn huynh muốn chữa một cô gái lở lói thành một giai nhân để cô ấy am hiểu sự “sống và yêu”. Còn em làm sao mà có được hạnh phúc, tìm thấy một em Thiếu Cơ nguyên vẹn thứ hai trong đời em? Nhưng không hiểu anh nghĩ thế nào lại bắt em, ngoài sự trông nom cô gái “mán cóc”, ngây ngô về để đó lại còn đèo thêm thằng “mặt lạnh như tiền”, nửa sư nửa đao phủ. Em biết tính nết nó rồi đây thay đổi ra sao, nó sẽ là Thập Thiện Đan Tâm có lòng lành cứu chữa muôn dân hay rồi còn là đệ nhất Thất Sát Tinh giết người như ngóe?
Lý Thanh Hoa cười và nói rằng :
- Kẻ đi tu thanh Phật hay không là tùy ở người cầm kéo róc tóc cho hắn. Cao đệ đã dùng kiếm “thí phát” cho y, thành chân tâm hòa thượng hay sẽ thành tử tù cạo trọc, cái đó còn tùy ở tâm hắn và một phần tài năng “chuyển hồn” kẻ dữ hóa lành của Cao đệ!
- Em có phải là Bồ Tát đâu mà hiền huynh giao cho em trọng trách làm vậy?
- Bồ Tát thì còn có “giọt nước cành dương” cải hóa tâm tính con người. Hiền đệ không phải là Bồ Tát thì hiền đệ đóng vai ông “thầy giáo” dạy học trò biết tình yêu thương trong đạo lý và lẽ phải.
- Dạy ai thì dễ chứ làm sao mà dạy được thằng cha có bí pháp Chiêu Minh kiếm pháp, kiêu ngạo đầu óc đã thấm nhuần yêu tà từ muôn ngàn kiếp.
Lãnh Diện Băng Tâm thấy Cao Kỳ Nhất Phương từ chối nguây nguẩy không chịu mang hắn đi theo vì sợ hắn đổi thay tính làm điều quấy phá dọc đường thì vội nói lời cam quyết :
- Cao huynh không e ngại! Tiểu đệ vẫn giữ nguyên cái đầu trọc làm sư này! Nếu làm điều gì quấy phá, xin Cao huynh cứ chặt phăng cái đầu này đi em không tiếc! Em có nói dối thì có... có Chi Mai đây làm chứng.
Nàng Chi Mai nhìn Lãnh Diện Băng Tâm thấy đôi mắt chàng ta năn nỉ quá xá, cũng nói hộ :
- Người biết hối cải còn cao quý hơn là người chưa hề biết tội lỗi mình làm hoặc có kẻ ngoan cố lầm lỗi vẫn khăng khăng chối cãi không chịu nhận. Lãnh huynh là bậc kỳ tài đánh kiếm, đi theo bọn mình càng thêm vây cánh. Em làm chứng là Lãnh huynh sẽ xử sự đàng hoàng, không để điều chi thất thố khiến Cao huynh phải buồn phiền.
Tức thời, cả người đều lên ngựa ra đi. Mọi người đứng trông theo vẫy tay tiễn biệt. Bỗng Lý Thanh Hoa gọi với theo :
- Cao đệ! Hãy tạm nhận “lộ phí” riêng của ta kính tặng! Làm xong công việc thì về, đừng có giao du quá trớn để nhà mong!
Nói rồi chàng ném đến vút một “túi gấm nhỏ” nặng trĩu về phía Cao thiếu hiệp. Chàng tú sĩ vươn tay nhẹ nhàng đỡ lấy, cho vào trong bọc hành trang đeo sau lưng ngựa, miệng nói lớn :
- Cám ơn Lý đại huynh! Em sẽ về sớm hơn hạn định!
Tuy nhiên, chàng cũng nghĩ bụng: đại huynh ta cũng quá cẩn thận đâm ra lẩm cẩm. Hai người kia mang theo rất nhiều vàng bạc. Đi đường mang theo nhiều tiền là tối kỵ, không biết tại sao đại huynh ta lại không nghĩ như vậy, còn cho thêm kim ngân mục đích để làm gì?
Xa xa, ngọn Thất Chỉ sơn nhỏ dần, khuất sau phía chân trời. Cao Kỳ Nhất Phương từ trước tới nay đi xa lúc nào cũng có Nhất Tiếu ở bên. Tính tình Nhất Tiếu lỗ mãng, nóng nảy, nên khiến chàng tú sĩ phải thận trong, dè dặt từng ly từng chút.
Lần này xuất ngoại với Lãnh Diện Băng Tâm, tuy chưa hiểu rõ tâm tánh ra sao, nhưng qua trận đấu cờ tại rừng trái cây Điền gia trang dạo nọ, chàng nhận thấy hắn ta “đa sát” quá vì vậy nên không ưa thích, hơn nữa bộ mặt Lãnh Diện Băng Tâm cứ lạnh lùng, khinh khỉnh, thật khó thương vô cùng!
Nhưng bây giờ, ngắm lại thì thấy đầu hắn ta róc tóc nhẵn bóng. Đầu tóc không bù xù như trước, bao nhiêu vẻ hợm hĩnh, lì lợm đã thay thế bộ mặt trắng trẻo, ngoan ngoãn, muốn lấy lòng đồng bạn hơn trước.
Phá tan bầu không khí bất thông cảm giữa hai người, Thập Thiện Đan Tâm khơi chuyện trước :
- Nè, Cao huynh đừng giận tiểu đệ nữa! Tiểu đệ hoàn toàn khâm phục tài đánh cờ nhất thiên hạ của Cao huynh.
Nàng Chi Mai nói :
- Hai người đã đánh cờ với nhau thì là bạn thân với nhau rồi! Em thấy họ có thân nhau mới chân ngồi đầu cù cưa với nhau hàng giờ không thiết gì đến ai, chỉ biết quân cờ và bàn cờ thôi.
- Chi Mai ngây thơ lắm, tưởng bộ hai người ngồi vào bàn đánh cờ với nhau là họ thân tình với nhau lắm sao? Họ nghĩ mọi cách để thắng, còn ác liệt hơn là đánh nhau nữa đấy.
- Em cứ tưởng hễ giận nhau muốn đánh nhau, cứ nhìn thấy mặt là ghét muốn bỏ đi, còn ngồi với nhau cả giờ làm sao được?
Đan Tâm trả lời :
- Chi Mai thực thà không biết! Cao huynh nói đúng đấy! Cùng ngồi đánh cờ với nhau mà thực ra là muốn giết nhau. Trước kia, sư phụ tôi ở trong nhà ngục đánh cờ với tôi, người kể chuyện đánh cờ với ai kẻ đó bị thua thì cũng giết! Nếu kẻ đó thắng ta thì lại càng nên giết đi nữa!
- Nếu vậy là xấu! Chi Mai ở trong bàn thấy các người già, ông Lục ông Châu, họ đánh cờ uống rượu tri kỷ với nhau. Thắng thì vỗ tay cười, thua cũng vỗ tay cười, uống thêm rượu lăn ra ngủ khì... vui vẻ đúng là “cờ tiên rượu thánh” chứ có lối đánh cờ quỷ gì chỉ nghĩ cách vác cả bàn cờ rap hang nhau.
Cao Kỳ bật cười chỉ vào mặt Đan Tâm nói :
- Cô đâu có biết lúc tôi ngồi đấu cờ với tên ăn cướp này, tay lúc nào cũng phải nắm chặt chuôi thanh Song Nhạn Thiên Linh kiếm giấu trong cây dù. Nó lăm le chặt đầu tôi mấy lần trong cuộc cờ đấy!
Chi Mai nghe vậy la lớn :
- Dữ quá đa! Có đúng thiệt vậy chăng?
Đan Tâm chắp hai tay trước ngực :
- Mô Phật! Đúng như vậy! Đúng vậy! Lúc anh đưa ra những nước chiếu bí đệ chỉ muốn vung kiếm quạt cho anh một phát! Nhưng Chi Mai phải biết, bên các anh ấy cũng chẳng dại gì? Chị Tiểu Bạch, anh Nhất Tiếu cũng thủ thế cả rồi! Giá đệ có chọc được ảnh một phát thì ảnh cũng quạt lại một phát, ra gì!
Chi Mai nói :
- Thế là “bên tám lạng, bên thì nửa cân” phải không. Ở Trung Nguyên một cân bằng mười sáu lạng, mỗi lạng mười sáu chỉ, phải không?
- Em hỏi để làm gì?
- Để biết cách trả tiền cho đúng mức! Em nghe nói người Trung Nguyên gian ngoa lắm. Con người càng tính khôn thì lại càng xấu. Em đi chơi lần này cho biết chứ thực tình em không thích người Trung Nguyên.
- Ở đâu cũng có người xấu, cũng có người tốt. Đây, tên xấu nhất Trung Nguyên bây giờ lại cạo trọc đầu đương làm sư thời Phật, cưỡi ngựa đi bên em đó. Em có thương được hắn không? Nó thuộc loại... “xấu số dzách” đấy!
Chi Mai nhìn, ngắm rồi cười hoài :
- Từ hôm em săn sóc thuốc thang cho anh lành bệnh em không thấy một chút chỉ là xấu ở anh ấy hết, tâm tánh dễ thương. Chỉ có cái đầu trọc tếu là “xấu” làm mất vẻ “bô trai”. Giá anh để tóc nguyên vẹn như Cao huynh thì có lẽ...
Cao Kỳ gặng hỏi :
- Thì sao...
- Thì... thôi chẳng nói nữa, mắc cỡ. Để lúc khác em sẽ nói.
- Lúc khác là lúc nào?
- ... là lúc em vào chùa, em khấn xin với đức Phật!
Đan Tâm thở dài một cái :
- Em cứ ngập ngừng làm anh hết hồn. Anh thanh minh với em không phải là anh tự nguyện róc tóc rồi đi tu, mà là Cao huynh lấy kiếm gọt tóc của anh bắt anh phải đi tu đấy! Anh ấy là “Phật sống” của anh. Không cần phải vô chùa, em nghĩ thế nào về anh thì cứ nói thẳng với ảnh đó.
Cao Kỳ Nhất Phương hiểu ý, nói lảng sang chuyện khác :
- Thôi đường dài, cứ rong cương lỏng lẻo thế này thì vài năm nữa cũng chẳng tới thành Lâm An. Chúng ta nên đi nhanh để tới quán trọ trước khi trời đổ tối.
Thế là cả người tế ngựa vùn vụt chạy trên đường thiên lý. Đúng là ba kẻ “vui đời, yêu người”, tâm hồn khoáng đạt đi tìm hoa hạnh phúc.
Cao Kỳ Nhất Phương và Thập Thiện Đan Tâm rất cưng chiều nàng Chi Mai, biết sơn nữ lần đầu tiên nhập Trung Nguyên, nên không nói mà cùng đồng một ý, muốn đem cái hay, cái đẹp, cái tráng lệ nơi đô thị khoe khoang cùng cô ta.
Chi Mai cũng rất khôn ngoan. Nàng cố giữ gìn thái độ để hai chàng không nhận thấy sự ngờ nghệch của mình.
Sau hai ngày rong ruổi vó câu, phủ thành đầu tiên được đón tiếp ba người là Liêm Khê phủ, nhà trên mười ngàn nóc, dân đinh chục vạn dư. Tuy không phải là một trấn trù mật vào bậc nhất, nhưng đối với nàng Chi Mai xưa nay quen sống trong rừng xanh núi đỏ, nhà cửa đông đúc lắm cũng lơ thơ vài chục nhà sàn, không bằng một giáp tại nơi đây.
Cao Kỳ đã có ý đi gấp đường để có thể vô nội thành trước giờ Thân. Qua cổng thành, phố xá hiện ra, nhà cửa san sát liền nhau dãy dài. Cảnh náo nhiệt tưng bừng khác hẳn chốn sơn lâm làm “sơn nữ” dù khéo giữ bộ mặt thản nhiên cũng không khỏi láo liên đôi mắt.
Nàng cưỡi ngựa đi giữa, khép chặt cương cho sát chặt Cao Kỳ :
- Người ở đâu mà nhiều thế? Họ mặc hàng gì mà coi đẹp dữ. Họ giàu có quá xá. Tại sao làm những vòng vàng vòng bạc của họ bóng sáng đẹp hơn vòng vàng đeo nơi cổ chân em?
Cao Kỳ ghé tai nói nhỏ :
- Không phải toàn là vàng cả đâu! Họ đeo vàng giả đấy Chi Mai ạ! Họ làm gì có nhiều vàng khối như chúng ta lấy ở trong núi Bạch Hoa cương đem về!
- Các cô gái ở đây đẹp quá xá! Da họ trắng như bột lọc, má hồng, môi son đẹp dữ a!
- Chi Mai ơi! Họ tô son trát phấn để đánh lừa những chàng trẻ măng mới ra đời như con chim vành mo còn vàng lợi. Nếu cạo phấn lau chùi vết son đi thì em sẽ trông rõ nước da vàng ệch như người bị phù thương, đôi môi lợt lạt như kẻ chết trôi, không còn đẹp nữa đâu!
- Anh tả nghe ghê khiếp! Người Trung Nguyên kỳ quá nè!
Đan Tâm chép miệng :
- Thế mà khối kẻ biết vậy vẫn cứ đâm đầu vô! Trước khi trong số thiêu thân nhảy vào lửa đó phải có cả... “bần tăng” lúc nào cũng dẫn đầu hướng đạo.
- Chi Mai có thấy người ta bắt đầu ngắm nghía và trầm trồ khen ngợi vẻ đẹp thiên nhiên của Chi Mai không?
- Họ nói gì em đâu có hiểu!
- Họ nói, trông kìa hoa “phong lan” ở sơn cốc, trông kìa nước da khỏe mạnh của cô gái miền núi, của lạ rừng thiêng?
Chi Mai giương đôi mắt đen láy màu huyền nhìn Cao Kỳ như hỏi :
- Anh trọc đầu nói thiệt hay rỡn em!
Thấy Cao Kỳ gật đầu, nàng nhìn quanh, quả nhiên thấy đám đông chú mục nhìn mình. Không chút e thẹn, nàng ngửng mặt, khuôn mặt phẳng đẹp kiêu hãnh, lấy hai gót chân thúc bụng ngựa cho tiến bước.
Thực tình thì sơn nữ Chi Mai rất đẹp, người đứng hai bên vệ đường mỗi lúc một đông, đứng xem ba người như coi đám rước.
Đan Tâm (tức Lãnh Diện Băng Tâm) thấy vậy lấy làm chướng mắt, chỉ muốn rút kiếm ra nạt nộ và mắng những kẻ vô lễ đó một trận tơi bời :
- Chúng bay giương mắt ếch ngó cụ “cố nội” bay đấy ư?
Nhưng Cao tú sĩ giơ tay ngăn cản :
- Người ta ngắm nhìn mình thì mặc kệ người ta. Cho ngựa chạy nhanh tìm lữ điếm mà nghỉ ngơi có hơn là gây chuyện lôi thôi, mất thì giờ, vô tích sự?
Chàng rẽ ngựa sang phố xá có nhà cửa cao sang rộng rãi, tìm kiếm biển đề lữ quán sang trọng nhất.
Chàng thuê ba căn phòng rộng rãi, lịch sự ở chốn thị thành, đồng tiền có quyền năng sai khiến hơn hết thảy.
Thoạt tiên chỉ là một chú phổ kỵ hất hàm hỏi ba người cần dùng gì? Rồi đến người tài phú chạy ra hỏi han. Kế đến viên quản lý khách quán thân hành dẫn đi lựa chọn nơi ăn chốn ngủ. Dẫn tới phòng nào, Cao Kỳ cũng chê là bẩn thỉu, bê bối, chật hẹp.
Sau khi đặt lạng vàng vào tay viên quản lý, chàng nói vắn tắt :
- Quý tiệm không đủ điều kiện cao sang để “Quận chúa” tạm nghỉ! Cảm phiền cầm tạm ít tiền “nhậm xà” và cho biết lữ quán nào sang trọng xứng đáng hơn không?
Đồng tiền có năng lực đánh mạnh hơn thế lan truyền, viên quản lý được vàng cuống cuồng chạy gọi vị tài chủ. Vài phút sau đã thấy lão bụng phệ hấp tấp chạy ra, cúi rạp xuống nói :
- Kính chào Quận chúa, Quận chúa ở phương nào hạ giá giáng lâm mà “tệ chủ” không hay biết sớm thân nghênh tiếp, thực đáng tội chết. Nay có ngay đại phòng để Quận chúa dừng chân.
Thế rồi gia nhân rối rít, chạy ra, chạy vô, cả vợ tên chủ lữ quán cũng ra tiếp đón ba người vào khu vực quán xá dành riêng cho các thượng quan. Lẽ tất nhiên, chúng cho mướn phòng ngủ với một cái giá chỉ có những đại phú gia hoặc “thượng quan” đầu tỉnh mới có đủ tiền mướn nổi.
Trả tiền xong, bước vô phòng quả thấy trang hoàng đẹp đẽ khác thường. Tuy chẳng thể bằng cung điện nội thất triều đình, nhưng tất cả đều đã lạ mắt với nàng Chi Mai lắm rồi.
Ánh sáng mọi vật huy hoàng bóng lộn đã làm cô gái sống trong man rợ trở nên rụt rè và quê kệch.
Chính nàng cũng chẳng hiểu tại sao, ở nơi đây, lúc ban đầu mọi người tiếp đón lạnh nhạt, chỉ một chút vàng với tiếng “Quận chúa”, thì con người đã biến đổi từ thái độ làm bộ làm tịch của người chủ, tụt thẳng xuống thái độ của những tên nô dịch hèn hạ, sai bảo điều gì cứ vâng dạ cuống quýt lên.
Tất cả họ đều làm “tôi tớ” đồng tiền. Đồng tiền có quyền năng vô hạn.
Nhưng đó là vấn đề đã xưa hơn trái đất, và còn tồn tại như mái nhà nhọn chỉ lên trời, con chó bốn chân ngoe nguẩy cái đuôi khi được cho sực.
Lần đầu tiên, Chi Mai đặt mình nằm ngủ trên giường phủ ấm, nệm lụa lót bông nõn êm ái.
Thức ăn được mang vào tận phòng, khách dùng những món lạ vị ngon. Vì đi đường mệt nhọc nên cả ba ai ở phòng nấy, nghỉ ngơi rất sớm.
Trời bừng sáng lúc nào không hay, Cao Kỳ vươn vai ngồi dậy, vô tắm rửa thay quần áo.
Sau khi y phục gọn ghẽ chàng sang phòng Chi Mai gọi cửa xem nàng đã dậy chưa, nhưng chỉ thấy im lìm không có động tĩnh chi hết?
Lo ngại chàng sang phòng Đan Tâm thấy vẫn ngáy o o, cửa phòng quên không khóa, những lữ quán mắc tiền, sang trọng, vấn đề an ninh bảo đảm vẫn hơn mọi nơi khác. Đồ đạc không bị suy chuyển mất mát.
Cao Kỳ bẹo tai Đan Tâm nói rằng :
- Sư mô gì mà lười như... anh chàng đại lãn, mặt trời lên cao còn nằm trườn trên giường, mai sau phải vô chùa tụng kinh niệm Phật, thức khuya dậy sớm thì sao?
Đan Tâm mắt nhắm mắt mở trả lời :
- Em chắc “tu tâm” thì đặng chứ tu chùa khó đặng lắm! Nhưng cần gì, người ta thường nói “thứ nhất tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa” cơ mà. Làm thầy chùa, còn lâu mới thành Phật đặng! Bản tính lại ưa mau lẹ, gì cũng muốn làm tắt! Cho đến võ đấu, tới ba hiệp mà không chém rụng đầu đối thủ coi như là rồi!
- Chi Mai đã dậy chưa? Đưa nàng đi xem phủ thành, may sắm một bữa cho Chi Mai vui thích.
Cao Kỳ vòng ra phía ngoài thấy cửa song hé mở liền đứng ngoài nhòm vào, gọi nhỏ mấy tiếng “Chi Mai! Chi Mai!”. không thấy tiếng ai trả lời cả.
Chàng thất kinh không hiểu cô nàng sáng sớm đã một mình đi đâu? Đồ đạc, đoản kiếm, cây ná, giỏ tên và hành trang vẫn để y nguyên trên bàn lớn giữa phòng.
Thật là kỳ lạ! Đi đâu cũng phải nói qua cho chàng biết mới phải chứ! Hay là Chi Mai bị cường đạo... bắt cóc đem đi mất tích.
Tuy nhiên vốn tính tình hành động thận trong, Cao tú sĩ liền quay trở về phòng mình, giắt bảo kiếm và đi quan sát vòng quanh bên ngoài xem sao? Nơi đại khách quán lịch sự này vườn hoa rất rộng, có nhiều cây cổ thụ mọc để có bóng mát cho khách trọ.
Trong lúc chàng tìm tòi quanh quẩn dấu vết thì thấy có tiếng động sột soạt trên cao và có kẻ dùng vỏ cây nhắm người chàng ném tới. Theo phía vỏ cây bay lại, chàng ngước mắt trông lên thì thấy rõ ràng là Chi Mai đương nằm đánh đu trên cành cao chót vót. Nàng đã lấy thừng làm võng mắc vào hai cành cây leo lên ngủ ngoài trời như sơn nhân.
Chưa kịp hỏi han gì thì Chi Mai đã oang oang nói vọng từ trên xuống :
- Ngủ trong phòng khó thở quá, leo lên đây quang đãng, thoáng khí, ngủ ngon ghê!
Biết nói sao nữa, Cao Kỳ đành chỉ cười ruồi, gọi nàng xuống, bảo đi tắm gội rửa mặt thay y phục đi thăm phố phường.
Trong khi chờ đợi nàng Chi Mai thay đổi quần áo và sai người thuê kiệu để “Quận chúa” đi thăm phủ thành, Cao Kỳ thu nhặt tiền nong. Chàng chợt nhớ đến cái túi gấm Lý Thanh Hoa ném cho chàng lúc khởi hành vào phú chót.
Không ngờ chẳng mở túi nhỏ ra coi thì thôi, vừa mở ra xem thấy trong có một vật làm chàng ngây ngất cả tâm thần?
Số là trong túi gấm, không kể những viên kim cương mài dũa phát tia sáng lóng lánh lại còn có một chiếc mũ “bối tử” bằng lụa thiên thanh nhỏ bé mà trước đây người tình của chàng đã đội buổi thi ngựa đầu tiên. Chính chiếc mũ xinh đội xéo trên mái tóc và khuôn mặt người đẹp đã ban cho chàng một tiếng “sét” ái tình khiến chàng tan vỡ trái tim, đã bao năm tháng khôn bề hàn gắn.
Đột nhiên bữa nay “kỷ vật” của người yêu không biết từ đâu lại qua tay Lý Thanh Hoa rớt vào túi gấm này để chàng cầm lấy nâng niu, nhớ nhung nhung nhớ.
Đã bao năm, mùi lan hương vẫn chưa tàn phai. Ngửi mùi hương thơm tự chiếc mũ phảng phất tỏa lên tâm hồn chàng cũng bay cao vút chín tầng mây.
Biết bao câu hỏi vấn vương trong đầu có? Thế này là nghĩa lý gì? Hoàn Mỹ Thiếu Cơ tiểu thư hiện nay ở đâu? Ông cụ Mỹ Nhiệm Công còn sống hay đã chết? Hoàn Mỹ Thái Cơ, biểu tỷ của nàng bây giờ ra sao?
Bao nhiêu kỷ niệm những ngày xa xưa tái diễn trên màn trí nhớ một cách mơ hồ, không rõ nét.
Chi Mai và Đan Tâm, hai người đã vô tới phòng đứng cạnh chàng hồi nào mà chàng không hay?
- Trời! Chiếc mũ của cô nào mà vừa đẹp, vừa xinh như vậy?
Cao Kỳ Nhất Phương lúc đó trông rõ là một anh chàng trồng cây si hạng nặng, mặt cứ nghệt ra không sao trả lời đặng. Chàng lúng túng bỏ chiếc mũ vô túi gấm, trong lúc vội vàng thấy từ trong mũ rớt xuống đất một mảnh giấy nhỏ.
Trong giấy chỉ đề vỏn vẹn hàng chữ ngắn :
“Những hạt kim cương để làm xâu chuỗi kính tặng Hoàn Mỹ Thiếu Cơ tiểu thư Bình Giang hầu Lâm Hòa Trấn”.
Đọc xong, chàng lại càng bâng khuâng chẳng hiểu Lý Thanh Hoa muốn mách bảo chàng những điều gì? Không lẽ quay về Vạn Diệu sơn trang để hỏi lại cho rồi?
Đan Tâm thấy Cao tú sĩ mất hết vẻ tự nhiên, đoán biết chiếc mũ đàn bà con gái có liên can tới anh chàng “thất tình hạng nặng” này, không dám hỏi xía vô chuyện tư, chỉ ngâm nga :
- Âu yếm làm chi, khổ lắm ai ơi! Tu là cõi phúc, nên róc tóc đi tu cho yên một đời!
Tên tài chủ bụng phệ đã lễ phép vào vấn an và báo tin là kiệu và ngựa đã sẵn sàng ngoài sân.
Đan Tâm vẫn hát nghêu ngao tiếp theo :
- ... Muốn yên một đời, trong nhà không ngủ được thì trèo lên cây!
Chi Mai nắm tay định tặng cho “Tân hòa thượng” một đấm vào bả vai, nhưng hắn đã lạng người tránh né.
Cuộc đi thăm đó đây trong thành nội, Phủ Liêm Khê không làm nàng Chi Mai ngơ ngẩn. Người ngơ ngẩn nhất đám hôm đó lại là Cao Kỳ Nhất Phương. Anh chàng như người mất hồn, bộ điệu “mán xá” hơn ai hết! Đi vào giữa đám đông cứ tưởng đi chốn đông người, hết đụng người này lại xô nhằm người nọ, khiến Chi Mai phải lanh miệng xin lỗi hộ mấy lần.
Thực là trái ngược, Chi Mai hỏi han, mua bán, sắm sửa những vật nàng thích.
Khi trở về lữ quán, thay vì ai trở về phòng người nấy như tối trước, Chi Mai đòi đi xem hát vì nàng nghe nói ở Trung Nguyên có những rạp hát bội, con hát quần áo mũ măng, ca nhạc hát xướng hay lắm!
Thực tình, Cao Kỳ chỉ muốn rời Liêm Khê đi thẳng ngay đến Châu Hòa trấn, tìm hỏi đến dinh thực Bình Giang hầu xem biết là vị nào để hỏi thăm tin tức Thiếu Cơ và nguyên do cái mũ xinh xinh của nàng? Nhưng nói thẳng ra chỉ e không tiện, sợ hai người chế giễu, mà để trong bụng thì cứ thấy ngày giờ dài dằng dặc, ngổn ngang trăm nghìn mối sợi lòng thòng.
Chàng vờ lấy cớ bị nhức đầu nằm nhà không đi đâu hết, đặng chờ Đan Tâm nói với lão tài chủ cùng dẫn vợ con hắn, đưa Chi Mai xem rạp hát nào hay nhất Phủ Thành.
Tưởng nằm ở phòng, ngủ được chút nào chăng? Ai ngờ: Khạc chẳng ra cho, nuốt chẳng vào.
Chữ tình không biết nói làm sao?
Kết cục lại đành mở túi gấm lấy chiếc mũ cầm tay ngắm nghía mãi. Bất giác, chàng chợt ngủ lúc nào không biết, chiếc mũ úp trên ngực. Nửa đêm thức giấc, chợt nhớ tới Chi Mai không biết nàng xem hát đã về chưa?
Để yên tâm, chàng mở cửa phòng lần ra phía ngoài nhòm qua song cửa xem Chi Mai còn nằm ở trong hay đã mở cửa song ra ngoài vườn hoa leo lên ngọn cây cao ngủ khèo trên đó?
Quả nhiên thấy trong phòng còn đốt nến mà cửa song lại bỏ ngỏ không khép. Đêm đó anh sáng trăng. Chàng ra ngoài nhìn xem thiếu nữ đã “leo cây” chưa?
Sợi thừng kết làm võng còn đó mà bóng người không thấy đâu? Hay nàng đã tìm cành cây khác leo lên ngủ. Thực là khổ! Chàng thề nguyện nếu biết thế này thì bận sau đi đâu chỉ một mình để được tự do hành động theo ý muốn của mình, đằng này cứ bị bó buộc như bà già trông nom trẻ nít.
Sau khi tập trung nhỡn lực tìm hết nhành cây này tới cành cây nọ, không thấy tăm hơi bóng vía cô “mán cóc” ở đâu cả. Chàng tức mình, định bụng trở về phòng ngủ, mặc xác cô ta.
Thì đã thấy một bóng đen tay xách chiếc ná từ đầu tường hoa nhảy xuống, định thần trông rõ thì là... Chi Mai. Không hiểu nửa đêm không ngủ còn xách ná đi bắn ai trong đêm tối? Ở phủ thành làm gì có thú rừng? Hay Chi Mai đã nhằm mèo chó nuôi nhà người ta bắn chơi?
Phải hỏi cô ta mới được!
Dưới ánh trăng Chi Mai mặc bộ y phục mới mua hồi sớm. Đó là bộ đồ chẽn bằng vóc màu hồ thủy, y phục bó sát người để lộ những đường cong tuyệt đẹp, trông Chi Mai như một pho tượng nữ thần cử động...
Thấy nàng hiện ra trên bãi cỏ, từ trên nóc nhà cũng có một bóng đen khác nhảy xuống. Thấy thân pháp từ cao buông xuống nhẹ nhàng hơn chiếc lá rụng tỏ ra bóng lạ đó phải có bản lĩnh cao cường, Cao tú sĩ cả kinh để tay lên chuôi kiếm nhưng khi nhìn rõ mặt thì tưởng ai té ra là người cũng bọn Lãnh Diện Băng Tâm.
Chưa kịp hỏi lời nào, Lãnh Diện Băng Tâm đã trách móc trước :
- Thấy mất tích Chi Mai tôi đã tưởng việc gì đã xảy đến cho Chi Mai, đêm khuya không ngủ còn xách ná bắn ai vậy?
Người sơn nữ hồn nhiên đáp :
- “Em cứ tưởng chỉ có ở trên rừng mới có ma. Ở thành thị cũng có lắm mà! Nằm ngủ trên cây cao em nghe thấy từ xa có tiếng khóc nỉ non vọng lại. Tiếng khóc của người đàn bà rất ai oán. Em cứ tưởng những người sống ở đây, họ vui sướng lắm, không có ai đau khổ!
Tiếng khóc giữa đêm khuya thanh vắng làm em nghĩ đến những người bị “ma làm” ở trong buồng. Mà đúng như vậy! Có người đàn bà xõa tóc đi ra phía gốc cây xoan, lấy thừng làm thòng lọng treo cổ lên cành cây tự sát.
Người đàn bà đó bị mà “thần vòng” đến bắt đem đi.
Nếu mặc kệ thì người đàn bà sẽ chết! Em phải vô phòng lấy chiếc ná lắp một mũi tên, bắn cho đứt sợi dây thòng lòng thắt cổ. Người treo cổ rơi bịch xuống đất. Em tưởng họ sẽ tỉnh lại ma không bắt hồn họ đem đi nữa.
Không ngờ người đàn bà ấy lại khóc một hồi rồi lại buộc nối đầu dây và chui đầu vào thòng lọng một lần nữa.
Em phải sang tháo dây, gỡ nút cứu cho người đàn bà quyên sinh đó hồi tỉnh lại. Người đàn bà đó chắc bị mà làm “nặng” lắm nên khi hồi tỉnh lại chỉ khóc lóc và nói những gì em nghe không hiểu.
Em đành quay về định tìm Cao huynh hỏi xem có cách nào bảo họ đừng thắt cổ tự tử như thế. Chết như vậy lại thành mà, rồi con ma thắt cổ lại đi tìm một người khác quyến rũ người ta thắt cổ. Người Miêu, cả khi cả nhà bố mẹ con cái lần lượt theo nhau thắt cổ chết lần lần hết cả nhà!
“Cái ma” ấy nó độc lắm!”
Cao tú sĩ nghe Chi Mai nói vậy liền bảo nàng dẫn đi gặp người đàn bà khốn khổ đó hỏi đầu đuôi tại sao mà khóc lóc, đêm khuya ra gốc cây treo cổ tự vận?
Chi Mai dẫn hai chàng hiệp sĩ lại cuối tường đi vòng ra sau một rặng cây, vượt qua dãy nhà kho bỏ trống thì tới một sân cỏ rộng. Bên đống rơm cho lừa ngựa, một người đàn bà đầu tóc rũ rượi, phủ phục rên rỉ.
Chàng tiến lại gần, dùng lời nói ngọt ngào an ủi và hỏi nguyên do. Người đàn bà lau nước mắt và kể lể :
- Tôi là một góa phụ, quê ở An Huy chồng chết chỉ một đứa con trai nhỏ. Nhà nghèo không đủ ăn nên mới tìm lên đây sinh sống. Nhưng tưởng không nuôi được con thì tìm nơi giàu sang phú quý bán con cũng như là gởi gắm hài nhi vào được nơi ăn no, đỡ khổ mau nên người. Không phải tôi tham tiền mà bán con vào nhà giàu. Ai ngờ, sau khi nhận tiền ký kết giấy tờ xong mới biết là người ta bỏ tiền ra mua con tôi không phải để nuôi nấng nó nên người, mà là để đem nó làm vật hy sinh. Biết vậy tôi trả tiền, đòi lại con mà người ta không có nghe.
Chi Mai nghe người đàn bà nói rành mạch nỗi niềm, nàng tỏ vẻ ngạc nhiên hỏi Cao Kỳ rằng :
- Ở Trung Nguyên có chuyện mua trẻ con bằng tiền hả? Nhưng rồi đem “hy sinh”, có phải là đem đi tế thần sông, thần núi phải không?
“Hòa thượng” Đan Tâm xác định câu hỏi của Chi Mai :
- Ngày xưa, ở một vài địa phương, bọn phù thủy phương thuật có bày trò đem trẻ nít, đồng nam đồng nữ thọc huyết tế thần linh, để cầu đảo trời mưa khi hạn hán, hoặc cầu xin khỏi nạn động đất đổ nhà đổ cửa! Cũng có nơi chở đồng nam, đồng nữ ra giữa sống tế thần Hà Bá tránh nạn đắm đò, đắm thuyền, hoặc thủy lao trôi nhà cửa, ngập lụt ruộng nương điền sản. Nhưng bây giờ các mối dị đoan tín nhảm đó đã bị quan quân ngăn cấm không còn nữa.
Cao Kỳ nói theo :
- “Chắc từ ngày xảy ra câu chuyện: Có vị quan cai trị ở miền Giang Nam thấy dân chúng địa phương quá tin theo ông đồng, bà cốt nên mới thông lệ “cưới vợ” cho hà bá, mỗi năm bắt dân làng cung ứng một đồng nữ đem ra bờ sông tế thần sông thì đem “trầm hà” nói là rước xuống thủy cung làm vợ cho hà bá. Vị quan nọ muốn diệt trừ nạn tệ đoạn khốc hại đó, liền nói rằng :
- Phải cho “ông mai, bà mai” xuống báo tin cho Hà Bá hay trước là cô dâu sắp tới thủy cung.
Rồi truyền lính hầu tóm cổ ông đồng bà cốt quăng xuống sông. Thế là các tên chủ xướng chết “ngủm” rồi, viên quan nói :
- Chờ lâu không thấy ông mai, bà mai trở lên cho hay tin, vậy xin mời ông chủ hôn xuống xem sao?
Những kẻ a dua đề xướng ra việc tế lễ, lấy vợ cho thủy thần đều xanh xám mặt mày không ai muốn được chỉ định là kẻ chủ hôn. Giai thoại này đã làm cho việc dùng đồng nam đồng nữ làm con sinh trở nên mất hết ý nghĩa và không còn những sự làm chết mạng người một cách vô nghĩa lý nữa”.
Chi Mai hỏi :
- Nhưng tại sao hiện nay, theo lời người đàn bà vẫn còn việc mang con trẻ ra làm vật “hy sinh”. Vậy thì hy sinh cái gì? Tại sao bọn phù thủy được mọi người tin như thế?
Chàng thiếu hiệp đáp :
- Theo tôi biết thì dân chúng phần nhiều cầu an, nhẹ dạ cả tin và dễ bị lạm dụng. Theo cổ tục người Hán tin theo phong thủy, không muốn thân nhân chết mất xác. Bằng mọi cách phải thu thập lấy thi hài để đem chôn cất tử tế, có như vậy thì dòng họ làm ăn mới khá giả. Những kẻ bị chết trôi, chết chìm dưới sông, ai biết xác ở chỗ nào dưới đáy sông mà mò, vớt lên được. Bọn phù thủy bao giờ cũng tinh mà hơn. Chúng biết loại rùa hay ăn thịt thối xác rữa, chúng bỏ đói con rùa rồi lấy dây buộc vào lỗ lủng xiên cạnh mai rùa, rồi thả con vật đó xuống dòng sông. Con rùa tới chỗ thây ma chết đuối, dừng lại thì người ta cứ nhằm chỗ đó mà lặn xuống thì vớt đặng thây mà.
Như vậy, người nhà nạn nhân thu thập được thi hài kẻ xấu số.
Chỉ cần một việc kỳ lạ đầu tiên theo các điều hão huyền về sau cũng được tin theo. Nhà có con gái mà gả cho thủy thần lấy làm vợ thì chắc chắn cả nhà được thần phù hộ.
Còn gì “hách” bằng làm anh sui, chị sui với tiên thánh.
Còn gì “le” với thiên hạ trong làng bằng có con gái làm bà chúa dưới đáy thủy cung, có con rể là ông Hà Bá. Ai đi đò qua sông, quá giang qua bến mà không kính nể ông nhong bà nhong của vị thần khúc sông đó?
Từ chỗ lợi dụng, đưa một số người ngu ngốc lên mây xanh, rồi đem reo rắc sự khủng bố tinh thần, đe dọa bắt con gái nhà người ta mỗi năm một người gả cho Hà Bá thì nhà nào có con gái lớn lên mà được các ông đồng bà cốt chiếu cố, chẳng rét run lên bần bật.
Chi Mai nghe Cao Kỳ giảng giải, miệng há hốc ra, thán phục vô cùng. Nàng không ngờ anh chàng từ trước tới nay, lúc nào cũng buồn như “cú rũ” lại là một nhà triết học hiểu rộng, biết nhiều, uyên bác đến thế?
Nàng để cho chàng thiếu hiệp ngưng “thao thao bất tuyệt” rồi mới vào đề :
- Như vậy người đàn bà này có bị người ta mua đứa con bà đem vất xuống sông không?
Người đà bà lắc đầu.
- Vậy tại sao bà bảo người ta “hy sinh” đứa con trai nhỏ của bà?
- Câu chuyện này khó nói lắm! Ông võ sư ở Châu Hòa trấn...
Người đàn bà vừa nói tới đây thì đã thấy có hai người đàn ông xách đèn từ trong nhà kho bỏ trống đi ra. Người lực lưỡng đi trước lớn tiếng mắng rằng :
- Con mụ điên chỉ nói lảm nhảm. Quý vị quan nhân đừng nghe lời nói lăng nhăng của con mụ điên đó!
Người đàn bà có vẻ sợ hãi, ôm mặt khóc ròng và lẩm bẩm như van nài :
- Vâng tôi nói tầm bậy tầm bạ... xin các người đừng nghe... mặc kệ tôi, để tôi được thắt cổ chết đi cho rồi! Tôi không muốn sống nữa!
Hòa thượng Đan Tâm tức giận mắng lớn :
- Hai anh kia ở đâu xía vô làm cắt ngang câu chuyện của người ta! Điên hay không việc gì đến các anh?
Hai người đàn ông không để ý tới nhà sư trẻ tuổi, chỉ to tiếng mắng át người đàn bà :
- Chúng ta đã thương mi cô độc một mình, cho tạm trú nơi đây cho mi đủ ăn đủ uống đủ sống cho yên cái thân hèn hạ. Đã không biết điều lại còn cà kê dê ngỗng. Sớm mai sẽ tống khứ mi đi nơi khác, rồi thì mi muốn tự vận chết nơi đâu cũng được. Không ai thương tiếc, ngăn cấm làm gì đâu?
Cao tú sĩ trợn mắt hỏi :
- Hai người là ai, sao lại hắt hủi, dọa dẫm kẻ thế cô như vậy?
- Chúng tôi là người canh gác ban đêm khu vực chung quanh lữ quán. Các ông là khách không việc gì phải quan tâm đến người đàn bà ở đậu này. Xin mời các vị trở về phòng khách nghỉ ngơi đừng làm bận rộn đến kẻ khác.
Đan Tâm cười nhếch nửa miệng :
- Á! Vậy thì hai anh chỉ là người làm công trong lữ quán! Chắc các anh không biết chúng ta là kẻ bị làm bận rộn, nghe không? Chúng ta không làm bận rộn ai hết! Hai anh chưa đủ tư cách dạy khôn bọn ta, mau đi tìm chủ các anh lại cho hỏi đầu đuôi câu chuyện!
Tên cao lớn lực lưỡng xách chiếc đèn lồng hậm hực trả lời :
- Đúng các người là “thượng khách” của bản quán mới có quyền sai bảo chúng tôi. Chúng tôi không chối cãi. Để chúng tôi đi gọi chủ chúng tôi tới giải thích cho các người, nhưng tốt hơn hết là đừng nên đặt chân tới Châu Hòa trấn!
Y dằn giọng đe dọa. Cao thiếu hiệp sợ Đan Tâm nổi đóa, ra tay làm hư việc nên bảo hòa thượng rằng :
- Hiền đệ hành động phải lắm! Chúng ta nên nói chuyện với chủ hơn là nói với đày tớ! Chi Mai kéo người đàn bà khóc lóc đi theo về phòng.
Lát sau, chủ nhân lữ quán mắt nhắm mắt mở, tới hỏi đầu đuôi tự sự. Chàng thiếu hiệp kể lại cho hay. Kế đó chàng hỏi Chu Hòa Trấn ở cách phủ thành bao xa? Vị võ sư danh tính là gì? Có cách nào giúp đỡ người đàn bà lấy lại đứa con đã bán không?
Chủ lữ quán bụng phệ vừa ngáp vừa lắc đầu lia lịa.
- Xin các đại quan nhân và Quận chúa bỏ qua việc này đi thì hơn. Người lương thiện, ưa thích sự làm ăn yên ổn không ai dám nhắc tới tên Châu Hòa trấn chứ đừng nói là tìm hỏi đặt chân đến đó nữa!
- Tại sao vậy? Nơi đó là tổ giặc cướp, toàn những tên thành tích bất hảo tụ tập hay sao? Vì cớ chi người đàn bà bán con lại nói là bà ta sẽ bị hy sinh? Hy sinh tính mạng trẻ con để làm gì?
- Các đại quan nhân và Quận chúa ở xa mới đến không biết. Nơi đó không phải là sào huyệt của bọn cướp của giết người. Những ai vô tình mang trẻ nít tới trên đó, nếu không bị dụ dỗ đem bán đi thì trẻ cũng bị bắt cóc mang đi mất tích. Tôi không tin ở thời buổi này có ông ba bị chín quai, mười hai con mắt hay những con mụ chằng tinh ưa thích ăn thịt trẻ nít hôi tanh ngon lành gì? Tôi nghe phong phanh hình như có võ sư nào ở Châu Hòa trấn muốn dùng trẻ nít để giúp hắn ta ghép hạch để “cải lão hoàn đồng” người già hóa trẻ lại hay là dùng máu trẻ nít để luyện “Đồng Tử Âm Dương Chưởng Kiếm”, đúng không! Nếu không đủ số đồng nam đồng nữ từ tám tuổi tức những trẻ sanh từ năm Giáp Thìn trở xuống thì có lẽ các ông thầy võ đó sẽ xuống tận phủ thành Liêm Khê để tìm chọn trẻ nít bắt hoặc đem đi. Vậy, chẳng một người dân nào dám tố cáo. Và nếu có cáo giác, khiếu nại lên quan phủ thì cũng như không vì chính viên phủ quan cũng đã sợ hãi cho gia nhân đem tiểu công tử và tiểu thơ ẩn náu đi nơi khác để tránh khỏi tai họa. Dù biết chuyện tày trời xảy ra trong quản hạt, cũng đành làm ngơ để khỏi bị hỏi thăm sức khỏe. Tôi cũng đã mở lòng nhân đức cho người đàn bà khốn nạn mất con tạm trú ở đây, song không hiểu tại sao bả lại nghĩ đến chuyện tự vận.
Người ta trả giá cũng hùng hậu lắm. Năm chục lượng vàng một đầu trẻ. Chẳng hơn tại Hà Bắc người mẹ đem bán con đổi lấy đặng dăm “củ khoai lang” không đặng.
Người đàn bà đã trót bán con móc trong bao thắt lưng, lấy ra một gói giấy phòng năm chục lượng vàng đưa cho mọi người và nói rằng :
- Ai quý tiền hơn tình ruột thịt thì không biết, tôi xin trả vàng để đổi lấy lại con!
Chi Mai gạt tay bà bảo cất tiền đi :
- Yên tâm! Ta bảo hai hiền huynh của ta giúp lấy lại đứa con trả lại cho bà. Việc hoàn lại tiền nong chúng ta đảm trách. Nào Châu Hòa trấn ở đâu? Đi tới đó ngay lập tức!
Đan Tâm hỏi :
- Ủa, khởi hành ngay bây giờ ư? Không ngủ nữa sao? Tôi buồn ngủ lắm rồi. Để sáng mai đi sớm.
Nói rồi đưa mắt nhìn Cao Kỳ nhờ thiếu hiệp quyết định. Ai ngờ nghe thấy ba chữ Châu Hòa trấn, Cao thiếu hiệp cũng mong tới đó hơn ai hết. Chỉ tiếc là thiếu đôi cánh mọc trên vài để bay cho mau chóng hơn.
Chàng lặng lẽ quay lại ra lệnh cho viên tài chủ :
- Bảo người đóng yên cương và dắt ngựa cho chúng ta lên đường ngay đêm nay đi Châu Hòa trấn. Cho thêm một người dẫn đường càng hay. Bao nhiêu phí tổn ta thanh toán tức khắc.
Viên chủ quán liền chỉ định kẻ làm công xách đèn lồng làm hướng đạo viên dẫn đường cho các thương khách được chiều lòng.
Người đàn bà bán con không biết cưỡi ngựa, Chi Mai cho bà ngồi chung ngựa mình đi cho mau chóng.
Đan Tâm sợ làm phật ý Chi Mai đành lầm lì miễn cưỡng leo lên ngựa không nói năng gì cả.
Đoàn người ngựa đi nhanh trong tăm tối, trước còn theo quan lộ, sau rẽ sang con đường nhỏ đi hoài.
- Đường có xa không? Còn bao nhiêu dặm nữa?
Tên làm công cao lớn lực lưỡng hằn học trả lời :
- Ngựa kiệu đều bước như vầy đúng canh năm thì tới nơi!
- Dọc đường có yên ổn không?
Tên dẫn đường bật cười ha hả :
- Các ngươi sợ lắm nên hỏi như vậy, phải không? Cướp đường thì không vì có tôi đi đây, họ biết mặt rồi. Không gây chuyện cản trở. Nhưng bắt đầu nhìn thấy Châu Hòa trấn thì tôi không còn đảm bảo nữa!
- Tại sao vậy?
- Vì những người làm việc trong lữ quán quý vị vừa trọ mấy bữa qua, đều là những người “trung tín”. Tôi đã nhận tiền thuê làm kẻ hướng đạo, lẽ tất nhiên tôi phải có nhiệm vụ bảo toàn tính mạng và tiền của các người. Nhưng công việc đã ấn định rõ ràng là chỉ “đưa đường” các vị tới Châu Hòa trấn. Các vị nhìn thấy Châu Hòa trấn là coi như nhiệm vụ của tôi đã hoàn tất. Lúc đó kẻ cướp hay quân cường đạo có phanh thây quý vị muôn mảnh, lấy hết vàng bạc quý vị mang theo, chiếm đoạt ngựa của các vị đang cưỡi, những việc đó không có ăn nhằm gì đến kẻ ngu hèn này!
Đan Tâm đang lim dim hai mắt ngủ gà ngủ gật trên mình ngựa, bỗng tai chàng nghe thấy những từ “phanh thây”, “muôn mảnh”, “cướp tiền chiếm ngựa” thì tự nhiên tỉnh ngủ, hai mi mở choàng.
Chàng hất hàm hỏi :
- Cứ nghe mi nói, ta thấy mi là một người làm việc “trung tín”, phân minh vô cùng. Ta muốn hỏi mi hai điều, mi làm ơn trả lời ta rõ. Điều thứ nhất là nếu chúng ta nhờ mi bảo tiêu, tính mạng và tài sản thì mi sẽ lấy thêm bao nhiêu tiền công? Điều thứ hai là ta nhờ mi đi gọi đông kẻ cướp đến để đánh cướp chúng ta, mi đòi bao nhiêu tiền công?
Tên kia nghe nói giật mình ngần ngừ giây lát rồi mới nói :
- Sư ông hỏi điều gì mà kỳ lạ vậy? Điều thứ nhất là dù trả bao nhiêu tiền tôi cũng không thể bảo tiêu tính mạng quý vị tới Châu Hòa trấn. Điều thứ hai lại càng không thể được nữa vì luật lệ giang hồ ở Châu Hòa trấn khác với luật lệ tại nơi khác.
- Mi nói thế nào? Ta không hiểu?
- Dễ ợt có chi mà không hiểu. Rủi cho các vị là vì các vị quá siêng năng đối với việc người đàn bà mà quý vị không quen biết kẻ nào đặt chân tới khu vực trấn đó thì tính mạng và tàn sản thuộc quyền vị võ sư tại đó. Có bao nhiêu tiền của, lừa ngựa mang theo thì phải trao cho bọn đồ đệ của vị võ sư. Vô trong trấn kẻ nào khỏe có quyền sai bảo kẻ yếu chứ không như ở đây, kẻ có tiền sai bảo kẻ không có tiền. Như vậy làm sao tôi bảo tiêu tính mạng cho các vị? Làm sao tôi đi gọi kẻ cướp để bóc lột các vị? Luật lệ nơi đó cấm đoán hai người đánh một dù là đồng môn, đồng bạn cũng bị người trong trấn nghiêm trị. Quy tắc “một chọi một” được duy trì khắt khe hơn bất kỳ ở nơi nào khác từ trước tới nay và quy luật thứ hai “bất can thiệp” thì lại càng nghiêm ngặt hơn nữa. Thuận mua thì bán, thuận bán thì mua. Không có lệ bán xong tay lại còn đòi hoàn tiền đổi ý kiến như người đàn bà ngu dại này. Đã tuốt kiếm ra khỏi vỏ thì tử đấu, sống còn chết bỏ, không ai can thiệp. Cấm lấy số đông đánh ít.
Đan Tâm nghe chuyện, cơn ngủ bay đi, mắt tỉnh hơn sáo sậu :
- Đánh lén đâm sau lưng thì sao?
- Không được đánh lén đâm sau lưng. Kẻ nào tới Châu Hòa trấn mà mang theo ám khí bị cảnh cáo trước. Nhưng tôi đã nói là mọi người phải nạp hết tiền của, võ khí còn giấu giếm ám khí làm sao được? Còn nếu đâm lén sau lưng ám toán kẻ có võ công tài giỏi hơn mình, không diện đấu mà lại làm cái trò “chó đớp trộm” thì sẽ bị vứt vào chuồng nuôi lang sói đói cho chúng cắn xé ăn thịt.
- Nếu như vậy thì võ sư ở Châu Hòa trấn có tinh thần thượng võ lắm nhỉ? Anh đã gặp mặt ông ta lần nào chưa? Niên tuế ông ta bao nhiêu? Già hay trẻ?
- Câu hỏi khó trả lời vô cùng. Đến nơi sẽ biết: Tôi tài nghệ non nớt đứng vào hạng chót, làm sao có hân hạnh được diện kiến thầy dạy võ cá kình, cá voi được. Vả lại tôi đã nói luật lệ quy tắc trong giang hồ mỗi nơi mỗi khác. Thông thường nhập môn sau khi làm lễ “bái tổ, bái sư” thì kẻ đó làm thầy mình suốt đời. Một miếng võ mình đã học, người ta là thầy mình rồi. Nửa miếng võ người ta truyền thụ cho mình, người ta đã là sư mình rồi. Ở Châu Hòa trấn, thắng được làm thầy, thua thì làm trò. Đó là một định lệ tân kỳ và dễ hiểu, ai ai cũng chấp nhận như vậy cả.
Cao thiếu hiệp lắc đầu, tặc lưỡi :
- Như vậy là “võ sư, võ phụ” còn ra cái thể thống đếch gì nữa? Ông thầy dạy võ già thì phải yếu. Học trò trẻ thì khỏe. Như vậy học trò lại trở nên làm thầy, thầy lại đảo xuống làm trò coi sao tiện?
Kẻ dẫn đường hỏi vặn lại :
- Có gì mà không tiện? Bây giờ ông có nhiều tiền bạc thì ông làm chủ nhân, mướn tôi sai khiến tôi. Một mai kia, ông tiêu hết tiền, tôi có nhiều tiền bạc, ông tình nguyện làm mướn cho tôi, tôi bỏ tiền ra thuê ông. Ông có thấy sự việc “thay vị, đổi ngôi” như vậy là bất tiện không?
Hòa thượng Đan Tâm xoa gãi cái đầu trọc, nhe bộ răng trắng cười hì hì :
- Hay! Thằng cha này nói nghe xuôi tai, nghe được! Lý sự cứng, đánh võ bằng chân tay, đao kiếm thế nào tao chưa biết nhưng “đánh võ bằng mồm” của mày có hạng lắm! Như vậy thì chúng tao đặt chân tới Châu Hòa trấn, bọn ta biết thằng nào là võ sư “thầy”, thằng nào là võ sư “trò” mà hỏi thăm được.
Kẻ dẫn lộ thản nhiên đáp lại :
- Vì thế nên tôi mới nói với các ông, đến nơi thì biết. Hỏi bây giờ khó trả lời lắm! Luật lệ mỗi nơi mỗi khác. Không phải là “hắc” mà bảo luật lệ của lục lâm rừng xanh, rừng đỏ. Không phải là “bạch” mà bảo là quy tắc của chính đạo, quân tử mã thượng phong lưu.
Đan Tâm hỏi tiếp :
- Ta nhận xét thấy anh quen thuộc với luật lệ thổ nghi nơi đó? Như vậy anh tán thành hay phản đối?
Kẻ dẫn đường không trả lời.
Nàng Chi Mai cầm roi ngựa quất mạnh vào mông con tuấn mã cho chạy vọt lên trên mà rằng :
- Lý thuyết mãi, cù cưa nhức óc! Chúng ta nên phi nước đại cho chóng tới nơi. Nếu đánh nhau thằng được thì ỷ tài làm cha làm thầy thằng bị thua, như vậy không (...) thành sao được. Còn trong trường hợp bị thua ức nhưng phải nhịn, có phản đối trong bụng, nói ra nó đánh nữa thì sao? Anh làm công này cũng nói lăng nhăng, quấy quá cho xong việc. Bất kỳ ở đâu, người chủ chốt đề xướng ra luật lệ là người phải có thế lực mạnh. Không lẽ, đến Châu Hòa trấn, bọn ta gặp ai đánh người nấy cho tới khi đụng độ với thằng cứng cựa nhất mới tìm ra ai là vị võ sư đệ nhất nơi đó ư?
Mọi người đồng khen phải thúc ngựa chạy nhanh hơn tên bắn. Hết canh tư sang tới canh năm. Tên dẫn đường dừng ngựa trên một ngọn đồi cao. Từ phía xa văng vẳng có tiếng gà gáy sáng. Trông xuống dưới đồi thấy hiện ra quan lộ lớn chạy tới nẻo trường giang, trên mặt lộ người ngựa xe cộ đi như nước lũ về bến đò.
Hắn lấy tay chỉ một thị trấn lớn, nhà cửa san sát như bát úp gần ngọn sông và nói :
- Kia kìa, Châu Hòa trấn ở bên nớ! Từ giờ trở đi, nhiệm vụ đã chu toàn, tôi xin trở về phủ thành, các vị tự mình định liệu.
Nói rồi quay đầu ngựa ra roi chạy miết. Nhưng Đan Tâm đã túm lấy áo ngực, mắng nhiếc :
- Này anh làm công “bất trung tín”! Trước khi tha anh toàn mạng, cần nói để anh biết. Tại sao anh không chỉ đường cho chúng ta? Đường nào đường nhỏ xuyên rừng núi? Anh làm ta chạy ngựa ngày đêm thêm đói và mệt?
Nói rồi lấy tay vỗ khẽ vào bao đao của hắn đeo sau lưng mà rằng :
- Ta trông suốt qua cặp mắt anh thấu tới óc anh. Anh là một tên bất lương định tâm dụ chúng ta vào đường hẻm tìm gặp đồng bọn lâu la để chặn cướp bóc lột của chúng ta. Nhưng biết chúng ta thuộc hàng thứ dữ nên không dám, đúng không? Ta cho nén vàng này đem về lữ quán làm kỷ niệm.
Tên làm công vừa sợ vừa mừng tiếp lấy nén vàng. Lúc nhìn kỹ, mồ hôi nhỏ giọt vì thấy Đan Tâm kẹp hai ngón tay bóp bẹp thoi vàng y như bóp bẹp thỏi kẹo mạch nha.
- Tay ta quen gõ mõ, sọ đầu người chỉ dầy có sáu ly và không rắn bằng thoi vàng này. Vậy liệu nhớ kỹ và câm cái miệng!
Hắn cúi đầu vâng dạ rối rít, lạy tạ cáo lui. Chạy ngựa được trăm bước thấy thanh đao cắm trong vỏ phát tiếng lọc sọc lỏng lẻo, hắn vội rút ra xem thì bản đao đã bị hòa thượng vỗ đùa chơi gãy vụn làm nhiều mảnh, tên làm công choáng váng đầu óc cơ hồ muốn té xỉu ngã ngựa.
Bọn Chi Mai cho ngựa sải xuống dốc, leo lên quan lộ nhập bọn khách thương đông đảo đi ra mé sông.
Bờ sông là nơi phồn thịnh, trên bến dưới thuyền khách quá giang chen chúc nhau. Thuyền đò nào cũng chật ních. Nhưng trước khi xuống đò, ai nấy phải đi qua một đồn kiểm soát.
Đó là một tòa nhà rất rộng lớn. Bọn Chi Mai nhận xét thầy mọi người ra vô rất trật tự, không có quan quân canh gác, nhưng hình như ai cũng am hiểu luật lệ nơi đây.
Lúc vô thì ào ạt vào cùng một cổng, nhưng lúc ra lại ra sáu ngả khác nhau xuống bến đậu thuyền.
Càng vô trong sân tiếng nói ồn ào bớt hẳn đi, vô trong nhà thì nhường lại cho sự im lặng hoàn toàn.
Khách thương hồ với hàng hóa, đồ đạc thì chịu phần kiểm soát đi ra ngách kẻ buôn người bán. Thợ công nghệ theo đoàn ngũ công nghệ, chừng trông kỹ mới biết người nào cũng lãnh đính bài đeo nơi ngực mới được xuống đò vô Châu Hòa trấn.
Xét ra lời của lên làm công hướng đạo cũng không sai sự thật mấy chút.
Theo bảng hướng dẫn, bọn Chi Mai đi vô cửa khách lạ chưa từng tới Châu Hòa trấn bao giờ. Có lẽ vô sau “khách môn” ngoài bọn Chi Mai không thấy bóng vía một ai khác.
Bước chân vô căn phòng khách được tiếp đón rất niềm nở. Có người thư ký mang bút giấy lại biên chép những lời mình khai.
Nàng Chi Mai thì lấy tên là Bạch Phong Lan tiểu thư, Cao thiếu hiệp mang tên cũ là Cao Nhị Tiếu, nhà sư Đan Tâm giữ nguyên bộ tên Thập Thiện Đan Tâm hòa thượng, người đàn bà khai tên họ Lập.
Về phần lý do thì mỗi người nói phần lý do của chính mình :
- Lý do thứ nhất là xin hoàn lại đứa con cho Lập Thị.
- Lý do thứ hai là hỏi thăm dinh thự Bình Giang hầu.
- Lý do thứ ba xin bái yết vị võ sư Châu Hòa trấn.
Trong khi chờ đợi, có người hầu rót nước châm trà tử tế. Bọn Chi Mai ngồi chờ, vừa chú ý xem xét thấy mọi sự tổ chức ngăn nắp chu đáo không có sự hỗn độn, xấc láo gì cả.
Cứ cách vài phút lại có người ra lễ phép thưa gửi :
- Cảm phiền mấy vị chờ đợi. Quý vị cần dùng gì xin sai bảo, sẽ có người phục dịch ngay. Việc c
Tác giả :
Vũ Dương