Kí Ức Của Một Người Lính Trinh Sát Sư 307
Chương 71
MÙA XUÂN NĂM CANH THÂN 1980.
Trong cùng một đơn vị, có người là năm thứ ba ăn Tết cổ truyền trên đất bạn, có người là năm thứ hai như thế hệ lính 1978, và có người là lần đầu (năm 1979 nhận hai đợt quân, hầu hết là dân khu 5 như Quảng Ngãi, Ninh Hòa, Cam Ranh (Phú Khánh) Thuận Hải).
Trên đất bạn miền nhiệt đới chỉ có hai mùa, thì Tết của ta rơi vào mùa khô. Ai đã từng sống chắc hẳn hiểu cái khắc nghiệt của mùa khô vùng cực bắc Campuchia như thế nào. Rừng khộp trơ trọi lá, những đám cháy rừng từ tỉnh này kéo qua tỉnh khác, dưới chân rừng khộp loại cỏ tre cháy trụi, trơ lại gốc. Chỉ còn lại mầm xanh của cây lá giang và ngót rừng nơi những ụ mối ven đường. Ban đêm những cơn gió từ đất Thái thổi về lạnh buốt xương. Đàn ve rừng của xứ sở này cũng lắm cái hay. Chúng kêu thành ca: sáng, trưa, chiều và tối gần như chính xác.
Từ đỉnh đồi phía tây của chùa Preah Vihear phóng tầm mắt ra xa cả phía Cam và Thái là những khoảng trống, chỉ thỉnh thoảng thấy những chùm hoa màu đỏ của các loại hoa rừng, nhiều nhất là hoa lộc vừng. Người đi trong rừng sẽ bị phát hiện, nên mùa khô địch hầu như không hoạt động, do tầm nhìn của chùa Preah Vihear bao quát một khu vực rất rộng.
Trước Tết một tháng, nhân cơ hội sư đoàn đưa xe về đại tu định kì, mỗi tiểu đoàn cử anh Quân nhu về nước mua hàng Tết cho anh em. Mỗi đơn vị lập danh sách và gửi cho người đi mua. Từng cây kim sợi chỉ, cuốn sổ cũng được giải quyết thỏa đáng. (Quân nhu d1 là anh Kim lính 1977 dân Duy Xuyên, Quảng Nam).
Năm đó, khoảng hai mươi lăm tháng Chạp tôi được phân công dẫn một số anh em đi đón đoàn xe từ bên nước sang qua ngả Kongpong Thom. Từ Preah Vihear xuôi đường 12 qua Kulen, Rovieng về Congpong Thom. Khi tới địa bàn giáp ranh hai tỉnh, hai mặt trận 579 và 779 chúng tôi dừng tại một đơn vị của thành phố Hồ Chí Minh trong một khu rừng cao su để nghỉ trưa. Khi qua ngả ba đường 12 và 6, cách tỉnh lị Congpong Thom mấy chục cây số. Nhìn những cánh đồng lúa đang lên xanh, những đàn cò bay trắng cả cánh đồng rộng bao la, gợi lại trong lòng cảnh thanh bình ở quê nhà, không như Preah Vihear chỉ toàn là quạ đen…
Xe vượt qua chiếc cầu bắc qua sông Xen, quẹo phải chạy dọc theo bờ sông một đoạn và dừng lại dưới những hàng dừa dọc sông, nơi đóng quân của một đơn vị Hậu cần thuộc Quân đoàn 4. Phía bên kia sông là chợ đông đúc kẻ bán người mua.
Vùng Tây bắc ngả Seamreap, Battambang chiến sự chắc vẫn còn đánh nhau, xe cứu thương vẫn còn chạy qua thành phố về hướng phà Xicun để về Phnompenh. Thành phố vẫn còn hoang tàn chưa hồi phục, nhiều con phố vẫn còn trống người qua lại.
Lần đầu tiên tiếp xúc với dân quả là vất vả, cơ bản vẫn là tiếng Quốc tế “Trần – Ra - Hiệu.” (E95 không có một đơn vị nào đóng gần dân, làm công tác dân vận). Nhiều gian hàng ở chợ người bán dùng nhiều ngôn ngữ khác nhau như: Hoa, Anh và Pháp nên cũng có thể “ba xí ba tú” mua hàng. (Vẫn mua bằng tiền Việt Nam).
Trên đường về, gặp những anh em MT 779 đi tuần dọc đường, từ trên xe chúng tôi cũng ném cho anh em những gói thuốc APSARA và những bịch kẹo. Những chàng trai đất Việt còn trẻ măng, trên gương mặt vẫn còn những nụ cười vô tư. Nơi nào đó của miền Đông Nam Bộ những người mẹ đang ngóng chờ con của mình. Nhìn chung quần áo anh em dưới này có vẻ tươm tất hơn chúng tôi rất nhiều (cũng có thể anh em là lính mới?).
Xế chiều, đoàn xe ghé Kulen để tiếp xăng dầu và nghỉ đêm. Cuối thị xã Kulen là dòng sông Xen. Buổi chiều ra bờ sông, cả bộ đội ta và dân cùng tắm, đa phần là phụ nữ… anh nào cũng canh mánh… nhưng khi họ đứng lên chỉ một động tác xoay vòng thật khéo, tấm xà rông đã che kín không còn thấy gì…
Có một câu chuyện giờ nghĩ lại còn thấy tức cười. Khi ra chợ Kulen thấy có gạo nếp anh em ta định mua về làm cơm rượu. Tưởng chị này biết tiếng Việt, anh Cao tài vụ e95 nói chữ “gạo” chị ta trả lời “Ót miên.” Khi anh Cao chỉ vào thúng gạo thì chị ta mới nói “Việt Nam – Gộ.” Sau này khi đã quen thân (tên chị là Rin) chị mới nói cho biết có một anh bộ đội đoàn 5504 dạy chị nói tiếng Việt, có lẽ anh này là người Quảng Nam hay Quảng Ngãi, nên chị phát âm theo ông thầy của mình, nghe rất dễ thương.
Tết năm đó, có lẽ do tình hình bên nước còn khó khăn nhiều nên tiêu chuẩn Tết cũng rất hạn chế. Anh em nhờ có xe về nước gửi mua thêm nên cũng đón một cái Tết sung túc.
Là những “thầy tu” chính hiệu, hầu như những ngày tết anh em cũng không được đi đâu xa, vẫn chỉ xung quanh các đơn vị trên chùa, rất ít anh em được phép “xuống núi.”
Là đơn vị đi phối thuộc cùng e95, bộ phận trinh sát cũng được ưu tiên nhiều: Thịt trâu của d1, thịt heo của F bộ gửi lên và cả thịt heo của anh em trinh sát e95 biếu. Nên đến nửa tháng sau, chúng tôi vẫn còn thịt ram mặn trong nồi, thỉnh thoảng anh Phận c trưởng c4 d1 mang rượu qua… trao… đổi.
Những ngày tết qua đi nhanh chóng… và mùa mưa năm 1980 lại đến… bắt đầu có những người anh em ngã xuống trên hướng của d2 e95.
Tiếng súng đã nổ trên hướng núi Cụt và những trận đánh giằng co với địch ở đồi củ khoai 428. Trinh sát chúng tôi lại lên đường.
Trong cùng một đơn vị, có người là năm thứ ba ăn Tết cổ truyền trên đất bạn, có người là năm thứ hai như thế hệ lính 1978, và có người là lần đầu (năm 1979 nhận hai đợt quân, hầu hết là dân khu 5 như Quảng Ngãi, Ninh Hòa, Cam Ranh (Phú Khánh) Thuận Hải).
Trên đất bạn miền nhiệt đới chỉ có hai mùa, thì Tết của ta rơi vào mùa khô. Ai đã từng sống chắc hẳn hiểu cái khắc nghiệt của mùa khô vùng cực bắc Campuchia như thế nào. Rừng khộp trơ trọi lá, những đám cháy rừng từ tỉnh này kéo qua tỉnh khác, dưới chân rừng khộp loại cỏ tre cháy trụi, trơ lại gốc. Chỉ còn lại mầm xanh của cây lá giang và ngót rừng nơi những ụ mối ven đường. Ban đêm những cơn gió từ đất Thái thổi về lạnh buốt xương. Đàn ve rừng của xứ sở này cũng lắm cái hay. Chúng kêu thành ca: sáng, trưa, chiều và tối gần như chính xác.
Từ đỉnh đồi phía tây của chùa Preah Vihear phóng tầm mắt ra xa cả phía Cam và Thái là những khoảng trống, chỉ thỉnh thoảng thấy những chùm hoa màu đỏ của các loại hoa rừng, nhiều nhất là hoa lộc vừng. Người đi trong rừng sẽ bị phát hiện, nên mùa khô địch hầu như không hoạt động, do tầm nhìn của chùa Preah Vihear bao quát một khu vực rất rộng.
Trước Tết một tháng, nhân cơ hội sư đoàn đưa xe về đại tu định kì, mỗi tiểu đoàn cử anh Quân nhu về nước mua hàng Tết cho anh em. Mỗi đơn vị lập danh sách và gửi cho người đi mua. Từng cây kim sợi chỉ, cuốn sổ cũng được giải quyết thỏa đáng. (Quân nhu d1 là anh Kim lính 1977 dân Duy Xuyên, Quảng Nam).
Năm đó, khoảng hai mươi lăm tháng Chạp tôi được phân công dẫn một số anh em đi đón đoàn xe từ bên nước sang qua ngả Kongpong Thom. Từ Preah Vihear xuôi đường 12 qua Kulen, Rovieng về Congpong Thom. Khi tới địa bàn giáp ranh hai tỉnh, hai mặt trận 579 và 779 chúng tôi dừng tại một đơn vị của thành phố Hồ Chí Minh trong một khu rừng cao su để nghỉ trưa. Khi qua ngả ba đường 12 và 6, cách tỉnh lị Congpong Thom mấy chục cây số. Nhìn những cánh đồng lúa đang lên xanh, những đàn cò bay trắng cả cánh đồng rộng bao la, gợi lại trong lòng cảnh thanh bình ở quê nhà, không như Preah Vihear chỉ toàn là quạ đen…
Xe vượt qua chiếc cầu bắc qua sông Xen, quẹo phải chạy dọc theo bờ sông một đoạn và dừng lại dưới những hàng dừa dọc sông, nơi đóng quân của một đơn vị Hậu cần thuộc Quân đoàn 4. Phía bên kia sông là chợ đông đúc kẻ bán người mua.
Vùng Tây bắc ngả Seamreap, Battambang chiến sự chắc vẫn còn đánh nhau, xe cứu thương vẫn còn chạy qua thành phố về hướng phà Xicun để về Phnompenh. Thành phố vẫn còn hoang tàn chưa hồi phục, nhiều con phố vẫn còn trống người qua lại.
Lần đầu tiên tiếp xúc với dân quả là vất vả, cơ bản vẫn là tiếng Quốc tế “Trần – Ra - Hiệu.” (E95 không có một đơn vị nào đóng gần dân, làm công tác dân vận). Nhiều gian hàng ở chợ người bán dùng nhiều ngôn ngữ khác nhau như: Hoa, Anh và Pháp nên cũng có thể “ba xí ba tú” mua hàng. (Vẫn mua bằng tiền Việt Nam).
Trên đường về, gặp những anh em MT 779 đi tuần dọc đường, từ trên xe chúng tôi cũng ném cho anh em những gói thuốc APSARA và những bịch kẹo. Những chàng trai đất Việt còn trẻ măng, trên gương mặt vẫn còn những nụ cười vô tư. Nơi nào đó của miền Đông Nam Bộ những người mẹ đang ngóng chờ con của mình. Nhìn chung quần áo anh em dưới này có vẻ tươm tất hơn chúng tôi rất nhiều (cũng có thể anh em là lính mới?).
Xế chiều, đoàn xe ghé Kulen để tiếp xăng dầu và nghỉ đêm. Cuối thị xã Kulen là dòng sông Xen. Buổi chiều ra bờ sông, cả bộ đội ta và dân cùng tắm, đa phần là phụ nữ… anh nào cũng canh mánh… nhưng khi họ đứng lên chỉ một động tác xoay vòng thật khéo, tấm xà rông đã che kín không còn thấy gì…
Có một câu chuyện giờ nghĩ lại còn thấy tức cười. Khi ra chợ Kulen thấy có gạo nếp anh em ta định mua về làm cơm rượu. Tưởng chị này biết tiếng Việt, anh Cao tài vụ e95 nói chữ “gạo” chị ta trả lời “Ót miên.” Khi anh Cao chỉ vào thúng gạo thì chị ta mới nói “Việt Nam – Gộ.” Sau này khi đã quen thân (tên chị là Rin) chị mới nói cho biết có một anh bộ đội đoàn 5504 dạy chị nói tiếng Việt, có lẽ anh này là người Quảng Nam hay Quảng Ngãi, nên chị phát âm theo ông thầy của mình, nghe rất dễ thương.
Tết năm đó, có lẽ do tình hình bên nước còn khó khăn nhiều nên tiêu chuẩn Tết cũng rất hạn chế. Anh em nhờ có xe về nước gửi mua thêm nên cũng đón một cái Tết sung túc.
Là những “thầy tu” chính hiệu, hầu như những ngày tết anh em cũng không được đi đâu xa, vẫn chỉ xung quanh các đơn vị trên chùa, rất ít anh em được phép “xuống núi.”
Là đơn vị đi phối thuộc cùng e95, bộ phận trinh sát cũng được ưu tiên nhiều: Thịt trâu của d1, thịt heo của F bộ gửi lên và cả thịt heo của anh em trinh sát e95 biếu. Nên đến nửa tháng sau, chúng tôi vẫn còn thịt ram mặn trong nồi, thỉnh thoảng anh Phận c trưởng c4 d1 mang rượu qua… trao… đổi.
Những ngày tết qua đi nhanh chóng… và mùa mưa năm 1980 lại đến… bắt đầu có những người anh em ngã xuống trên hướng của d2 e95.
Tiếng súng đã nổ trên hướng núi Cụt và những trận đánh giằng co với địch ở đồi củ khoai 428. Trinh sát chúng tôi lại lên đường.
Tác giả :
Võ Văn Hà