Kí Ức Của Một Người Lính Trinh Sát Sư 307
Chương 60
ĐÓN XUÂN KỈ MÙI BÊN RẶNG NÚI DANGREK.
Thời gian đón tết Kỉ Mùi, tôi cũng không còn nhớ chính xác, chỉ biết rằng sau đêm nghe bác Tôn chúc tết cả tuần, thì xe Hậu cần mới đến nơi. Hoàn cảnh lúc ấy rất khó khăn, hầu hết các đơn vị đều đã cạn kiệt về lương thực, thực phẩm, gian nan nhất là tình trạng thiếu muối, cá chuồng khô là loại cá có nồng độ ướp muối cao, được nhà bếp luộc để lấy nước muối cho đơn vị, gạo cũng còn có ít phải ăn dè xẻn từng bữa.
Khi cùng anh em Đặc công 198 đánh chiếm chùa, tôi phát hiện ở bình độ 500 có một rẫy mì (sắn) của lính Pốt, trồng rải rác theo sườn núi, do đúng vào mùa khô tinh bột nhiều nên rất ngon, luộc lên bột bở ra màu trắng đục, nhìn rất là bắt mắt, anh em e95 phần lớn là dân Khu 5 nên cũng hạp khẩu loại lương thực này, chỉ tội cho các anh em Hà Nội chưa bao giờ thưởng thức, bước đầu cũng khó khăn cho dạ dày thích ứng, qua thời gian thì cũng “hội nhập kinh tế,” những lá mì non gần đọt cũng được anh em Quảng Ngãi chế biến thành món muối dưa, phụ vào bữa cơm cho có chất rau (lúc này chưa biết đào củ mài ăn đỡ đói, hái lá ngót rừng về nấu canh, hai món này do Chính ủy e95 Thiếu tá Tạ Như Quỳnh truyền nghề, khi ông lên thăm đơn vị.
Diện tích sắn trên đồi cũng không có nhiều, nên chúng tôi không thông báo cho các đơn vị biết, mỗi ngày B trinh sát chỉ lấy vài gùi B40, về luộc ăn kèm với cơm, thỉnh thoảng anh em đói thì nướng thêm, vì lính trinh sát suốt ngày trèo đèo lội suối mà đói thì đâu được, toàn là thanh niên đang độ tuổi lớn, sức ăn mạnh, khổ sở cho anh em bộ binh, lao động cực nhọc, ăn uống thiếu thốn trăm bề. Thấy cảnh anh em bộ binh bị sốt không thể ăn được cơm, chúng tôi bào mì nấu chung với thịt bò hộp loãng như soup, nên thời đó có giai thoại sốt không ăn cơm, thì có món soup Trinh sát, sau này do nhận nhiệm vụ đi xa dài ngày tôi mới “bàn giao kho lương thực” cho c1 d1 (chỉ có Anh Nguyễn Tiến Chăn, nay ở Lập Thạch – Vĩnh Phúc là chính trị viên c1 là người duy nhất biết rẫy mì này).
Thời gian này, Sư đoàn 307 là sư đoàn duy nhất có mặt từ bờ tây Mê Kông lên đến Preah Vihear, một địa bàn quá rộng và quá xa so với công tác hậu cần, và sau chiến dịch ta còn quá nhiều việc để làm, giúp nhân dân Campuchia ổn định cuộc sống. Từng đoàn người hành hương trở về quê hương, sau bao nhiêu năm xa xứ, theo lệnh tập trung của Pốt, tràn ngập các con đường cả ngày lẫn đêm, đói khát bệnh tật, bộ đội ta vẫn phải giúp họ. Trên lộ 12 từ thị trấn Sralau giáp biên giới Lào đến Trapeng, Phnom Thbeng qua Rovieng về Congpong Thom không lúc nào ngớt người đi. Phẩu của Sư đoàn vẫn chữa bệnh cho dân, những ca đẻ khó của dân, cũng được các bác sĩ giúp đỡ vượt cạn giữa thanh thiên bạch nhật… trên những miếng ván kê tạm giữa rừng, trong những ngôi nhà bỏ hoang dọc đường… tiếng khóc của sơ sinh… giọt nước mắt hạnh phúc của những bà mẹ… Nhiều y, bác sĩ chỉ kịp buộc sợi dây vào cổ tay bé sơ sinh để chúc lành, vừa kịp gật đầu làm cha đỡ đầu cho đứa bé, theo yêu cầu của người mẹ vượt cạn, dù rằng có những anh em chưa có mảnh tình nào vắt vai, chưa biết tỏ tình là gì, gửi lại trong lòng dân tình nhân ái của một “đội quân nhà Phật.”
Sau khi chiếm được chùa, bộ phận Trinh sát Sư đoàn cùng các đơn vị của e29 và e95 bám theo dãy Dangrek, làm công tác truy quét, xác định địa hình, chuẩn bị cho nhiệm vụ phòng thủ bảo vệ biên giới, máy bay Thái Lan vẫn hoạt động liên tục ngày đêm.
Khi anh em trở về đơn vị dưới chân chùa Preah Vihear, thì hàng Tết, lương thực, thực phẩm đã được cung cấp, nghe anh em nói lại, ta phải dùng cả xe tăng T54 để đi bảo vệ xe chở lương thực. Gạo mới gặt trắng tinh chở ngay ra chiến trường, đã nói lên hoàn cảnh khó khăn của đất nước (các anh em lính cũ bảo như vậy, vì bộ đội ăn gạo dự trữ thì mới ổn định an ninh lương thực như cách nói hiện nay) cùng với bắp xay, bo bo.
Tôi về f bộ để nhận quà Tết cho anh em, nói chung là cũng đủ các món để vui Tết: đường, sữa, thuốc lá, kẹo… khi ngang qua SCH Sư đoàn, thấy tôi khệ nệ mang hàng tết, Tư lệnh Sư đoàn Đại tá Phạm Bân kêu tôi lại, và cho hai gói thuốc lá thơm thủ đô (in hình chùa Một Cột) để làm quà cho anh em (sau này tôi được biết chính ông đã chỉ đạo cho bộ phận Hậu cần cấp gấp đôi tiêu chuẩn cho bộ phận Trinh sát.) Chính ủy Lê Lung cho thêm hai chai rượu chát.
Trên đường về, khi qua ngầm của đơn vị pháo 37 li vào giờ cơm trưa, anh em mời ở lại ăn cơm, có ít thịt heo rừng, tôi mang một chai rượu ra đãi anh em, cả bộ phận chốt ngầm hôm đó ai cũng vui hẳn lên.
Bữa cơm chiều, có chút thịt rừng của anh em pháo 37, cộng với li rượu chát ai cũng phấn khởi, thấy anh em trinh sát hô dô… dô… Thủ trưởng Giữa d trưởng d3, bưng chén cơm chạy sang, cũng làm một ngụm nhỏ, tất cả mọi người đều vui trong ngày mừng muộn năm mới. Trước khi đi hội ý trên d bộ d3, tôi phát cho anh em mỗi người điếu thuốc thơm, cả khu rừng như được bừng tỉnh với hương vị thơm ngát mùi thuốc lá thủ đô. Anh em trong miền Nam hầu như không chuộng thuốc miền Bắc, vì nó nhẹ không đủ độ ép phê, họ vẫn chuộng thuốc lá đen như Đà Lạt hay Hoa Mai hơn.
Anh Bảo c trưởng c10 (nổi danh là con sâu thuốc) khi ngồi vào bàn họp nói ngay “Ông nào có thuốc Bắc bỏ ra, đừng chơi xấu với anh em.” Khi cuộc giao ban kết thúc, anh Bảo lại một lần nữa khẳng định là có mùi thuốc miền Bắc, anh đoán ra ngay vì hậu cần đâu có cấp thuốc thơm cho đơn vị, quay sang tôi anh mỉm cười và bảo “Ông trinh sát! Đừng chơi xấu mà, ông mới về Sư bộ sáng nay, chắc o bế các thủ trưởng, điếu đóm với Hậu cần, chia sẻ cho anh em chút hương thơm quả ngọt…” Tôi móc gói thuốc trong túi áo ra, chia cho mỗi người một điếu, nhưng D trưởng bảo hút chung, dành lại vài điếu để nói chuyện phiếm với nhau tới khuya.
Máy bay Thái Lan vẫn thả pháo sáng liên tục, cả bầu trời sáng rực, ngồi dưới gốc cây bằng lăng cổ thụ khoảng năm, sáu người ôm, anh em nói chuyện tới khi hết phần đọc truyện đêm khuya của Đài TNVN, ban ngày các đơn vị vẫn công tác bình thường, có bộ phận tuần tra xa, bộ phận tuần tra gần, lo đào hầm hố công sự, và hầu như cũng không còn ai quan tâm gì đến những ngày Tết đầu tiên trong cuộc đời lính.
P/ S. Bài viết này kết thúc giai đoạn I “ Nhiệm vụ dân tộc.”
Giai đoạn II: “ Preah Vihear – Những năm tháng huyền thoại” Sư đoàn 307 và các đơn vị khác của QK5 như F2, F315, Đoàn 5504 tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng …thực hiện “Nghĩa vụ quốc tế” giúp bạn xây dựng và củng cố chính quyền tỉnh Preah Vihear, trong đó có những trận đánh mang tính chiến lược của MT 579.
Thời gian đón tết Kỉ Mùi, tôi cũng không còn nhớ chính xác, chỉ biết rằng sau đêm nghe bác Tôn chúc tết cả tuần, thì xe Hậu cần mới đến nơi. Hoàn cảnh lúc ấy rất khó khăn, hầu hết các đơn vị đều đã cạn kiệt về lương thực, thực phẩm, gian nan nhất là tình trạng thiếu muối, cá chuồng khô là loại cá có nồng độ ướp muối cao, được nhà bếp luộc để lấy nước muối cho đơn vị, gạo cũng còn có ít phải ăn dè xẻn từng bữa.
Khi cùng anh em Đặc công 198 đánh chiếm chùa, tôi phát hiện ở bình độ 500 có một rẫy mì (sắn) của lính Pốt, trồng rải rác theo sườn núi, do đúng vào mùa khô tinh bột nhiều nên rất ngon, luộc lên bột bở ra màu trắng đục, nhìn rất là bắt mắt, anh em e95 phần lớn là dân Khu 5 nên cũng hạp khẩu loại lương thực này, chỉ tội cho các anh em Hà Nội chưa bao giờ thưởng thức, bước đầu cũng khó khăn cho dạ dày thích ứng, qua thời gian thì cũng “hội nhập kinh tế,” những lá mì non gần đọt cũng được anh em Quảng Ngãi chế biến thành món muối dưa, phụ vào bữa cơm cho có chất rau (lúc này chưa biết đào củ mài ăn đỡ đói, hái lá ngót rừng về nấu canh, hai món này do Chính ủy e95 Thiếu tá Tạ Như Quỳnh truyền nghề, khi ông lên thăm đơn vị.
Diện tích sắn trên đồi cũng không có nhiều, nên chúng tôi không thông báo cho các đơn vị biết, mỗi ngày B trinh sát chỉ lấy vài gùi B40, về luộc ăn kèm với cơm, thỉnh thoảng anh em đói thì nướng thêm, vì lính trinh sát suốt ngày trèo đèo lội suối mà đói thì đâu được, toàn là thanh niên đang độ tuổi lớn, sức ăn mạnh, khổ sở cho anh em bộ binh, lao động cực nhọc, ăn uống thiếu thốn trăm bề. Thấy cảnh anh em bộ binh bị sốt không thể ăn được cơm, chúng tôi bào mì nấu chung với thịt bò hộp loãng như soup, nên thời đó có giai thoại sốt không ăn cơm, thì có món soup Trinh sát, sau này do nhận nhiệm vụ đi xa dài ngày tôi mới “bàn giao kho lương thực” cho c1 d1 (chỉ có Anh Nguyễn Tiến Chăn, nay ở Lập Thạch – Vĩnh Phúc là chính trị viên c1 là người duy nhất biết rẫy mì này).
Thời gian này, Sư đoàn 307 là sư đoàn duy nhất có mặt từ bờ tây Mê Kông lên đến Preah Vihear, một địa bàn quá rộng và quá xa so với công tác hậu cần, và sau chiến dịch ta còn quá nhiều việc để làm, giúp nhân dân Campuchia ổn định cuộc sống. Từng đoàn người hành hương trở về quê hương, sau bao nhiêu năm xa xứ, theo lệnh tập trung của Pốt, tràn ngập các con đường cả ngày lẫn đêm, đói khát bệnh tật, bộ đội ta vẫn phải giúp họ. Trên lộ 12 từ thị trấn Sralau giáp biên giới Lào đến Trapeng, Phnom Thbeng qua Rovieng về Congpong Thom không lúc nào ngớt người đi. Phẩu của Sư đoàn vẫn chữa bệnh cho dân, những ca đẻ khó của dân, cũng được các bác sĩ giúp đỡ vượt cạn giữa thanh thiên bạch nhật… trên những miếng ván kê tạm giữa rừng, trong những ngôi nhà bỏ hoang dọc đường… tiếng khóc của sơ sinh… giọt nước mắt hạnh phúc của những bà mẹ… Nhiều y, bác sĩ chỉ kịp buộc sợi dây vào cổ tay bé sơ sinh để chúc lành, vừa kịp gật đầu làm cha đỡ đầu cho đứa bé, theo yêu cầu của người mẹ vượt cạn, dù rằng có những anh em chưa có mảnh tình nào vắt vai, chưa biết tỏ tình là gì, gửi lại trong lòng dân tình nhân ái của một “đội quân nhà Phật.”
Sau khi chiếm được chùa, bộ phận Trinh sát Sư đoàn cùng các đơn vị của e29 và e95 bám theo dãy Dangrek, làm công tác truy quét, xác định địa hình, chuẩn bị cho nhiệm vụ phòng thủ bảo vệ biên giới, máy bay Thái Lan vẫn hoạt động liên tục ngày đêm.
Khi anh em trở về đơn vị dưới chân chùa Preah Vihear, thì hàng Tết, lương thực, thực phẩm đã được cung cấp, nghe anh em nói lại, ta phải dùng cả xe tăng T54 để đi bảo vệ xe chở lương thực. Gạo mới gặt trắng tinh chở ngay ra chiến trường, đã nói lên hoàn cảnh khó khăn của đất nước (các anh em lính cũ bảo như vậy, vì bộ đội ăn gạo dự trữ thì mới ổn định an ninh lương thực như cách nói hiện nay) cùng với bắp xay, bo bo.
Tôi về f bộ để nhận quà Tết cho anh em, nói chung là cũng đủ các món để vui Tết: đường, sữa, thuốc lá, kẹo… khi ngang qua SCH Sư đoàn, thấy tôi khệ nệ mang hàng tết, Tư lệnh Sư đoàn Đại tá Phạm Bân kêu tôi lại, và cho hai gói thuốc lá thơm thủ đô (in hình chùa Một Cột) để làm quà cho anh em (sau này tôi được biết chính ông đã chỉ đạo cho bộ phận Hậu cần cấp gấp đôi tiêu chuẩn cho bộ phận Trinh sát.) Chính ủy Lê Lung cho thêm hai chai rượu chát.
Trên đường về, khi qua ngầm của đơn vị pháo 37 li vào giờ cơm trưa, anh em mời ở lại ăn cơm, có ít thịt heo rừng, tôi mang một chai rượu ra đãi anh em, cả bộ phận chốt ngầm hôm đó ai cũng vui hẳn lên.
Bữa cơm chiều, có chút thịt rừng của anh em pháo 37, cộng với li rượu chát ai cũng phấn khởi, thấy anh em trinh sát hô dô… dô… Thủ trưởng Giữa d trưởng d3, bưng chén cơm chạy sang, cũng làm một ngụm nhỏ, tất cả mọi người đều vui trong ngày mừng muộn năm mới. Trước khi đi hội ý trên d bộ d3, tôi phát cho anh em mỗi người điếu thuốc thơm, cả khu rừng như được bừng tỉnh với hương vị thơm ngát mùi thuốc lá thủ đô. Anh em trong miền Nam hầu như không chuộng thuốc miền Bắc, vì nó nhẹ không đủ độ ép phê, họ vẫn chuộng thuốc lá đen như Đà Lạt hay Hoa Mai hơn.
Anh Bảo c trưởng c10 (nổi danh là con sâu thuốc) khi ngồi vào bàn họp nói ngay “Ông nào có thuốc Bắc bỏ ra, đừng chơi xấu với anh em.” Khi cuộc giao ban kết thúc, anh Bảo lại một lần nữa khẳng định là có mùi thuốc miền Bắc, anh đoán ra ngay vì hậu cần đâu có cấp thuốc thơm cho đơn vị, quay sang tôi anh mỉm cười và bảo “Ông trinh sát! Đừng chơi xấu mà, ông mới về Sư bộ sáng nay, chắc o bế các thủ trưởng, điếu đóm với Hậu cần, chia sẻ cho anh em chút hương thơm quả ngọt…” Tôi móc gói thuốc trong túi áo ra, chia cho mỗi người một điếu, nhưng D trưởng bảo hút chung, dành lại vài điếu để nói chuyện phiếm với nhau tới khuya.
Máy bay Thái Lan vẫn thả pháo sáng liên tục, cả bầu trời sáng rực, ngồi dưới gốc cây bằng lăng cổ thụ khoảng năm, sáu người ôm, anh em nói chuyện tới khi hết phần đọc truyện đêm khuya của Đài TNVN, ban ngày các đơn vị vẫn công tác bình thường, có bộ phận tuần tra xa, bộ phận tuần tra gần, lo đào hầm hố công sự, và hầu như cũng không còn ai quan tâm gì đến những ngày Tết đầu tiên trong cuộc đời lính.
P/ S. Bài viết này kết thúc giai đoạn I “ Nhiệm vụ dân tộc.”
Giai đoạn II: “ Preah Vihear – Những năm tháng huyền thoại” Sư đoàn 307 và các đơn vị khác của QK5 như F2, F315, Đoàn 5504 tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng …thực hiện “Nghĩa vụ quốc tế” giúp bạn xây dựng và củng cố chính quyền tỉnh Preah Vihear, trong đó có những trận đánh mang tính chiến lược của MT 579.
Tác giả :
Võ Văn Hà