Khoảng Cách Giữa Hai Ta
Chương 21 Mượn tiền trả máu
"Có chuyện gì buồn hả em?" My vừa chạy xe vừa hỏi, nét mặt của Ngọc như vậy đảm bảo là đang có chuyện buồn. Cô hỏi nhưng nhất định Ngọc không nói, chỉ nhè nhẹ dựa đầu vào vai cô cho cô chở đi ăn trưa. Nếu là Ngọc thường ngày cô bé thường hay cằn nhằn cô tốn tiền ăn tiệm, muốn tự tay nấu đồ ăn cho cô ăn, hôm nay chịu đi ăn cơm tiệm tức là đang chán nản, buồn bã đến độ chẳng muốn nấu cơm cho người yêu mình ăn.
"Dạ không."
"Em nói xạo với chị làm gì? Chị không phải người yêu của em hả?"
"Xin chị đó, đừng hỏi nữa." Ngọc ôm chặt My trong vòng tay, đầu cô dựa sát vào vai chị ấy. Cô không muốn chị ấy biết hoàn cảnh của gia đình mình, vì khi hai người yêu nhau, gia cảnh của chị ấy và cô đã có sự chênh lệch lớn, cô càng yêu My càng không muốn My thương hại mình.
Nhưng cô đã nhầm, khi cô hỏi bà Hường cũng bảo là không có gì cả, hai mẹ con ấy nhất định có vấn đề nhưng giấu cô. Cô dò hỏi cỡ nào cũng không ra, ra hiệu cho bà Hường biết cô có tiền cũng không được. Họ giấu ỉm vấn đề đi, điều này càng làm cô lo lắng hơn.
Ở một con hẻm nhỏ, ông Thuận ngồi nhấp chén rượu với bạn bè của mình, trên tay vẫn còn cầm một điếu thuốc cháy dở. Ông đang bận suy nghĩ xem mình có nên bỏ ra thêm một trăm ngàn đánh cờ nữa không, dù sao hôm nay cũng đã thua đậm rồi. Mấy ngày hôm nay ông có thiếu nợ cỡ nào bà vợ già ở nhà cũng trả được, vậy nên ông mạnh tay mượn hai mươi triệu, chơi từ từ cho đã. Bây giờ trong túi ông còn được hai triệu rưỡi, có thể chơi từ đây đến cuối tuần. Nếu thắng ông còn có thể lấy lại gấp đôi vốn.
"Dạo này con vợ tao nó có tiền, chắc chị nó gửi về cho nó. Nên tao đách sợ." Ông cười hà hà, mấy hôm nay nợ lớn nợ nhỏ gì vợ ông đều trả giúp. Ông nghĩ là chị hai của bà Hường len lén gửi tiền cho bà ấy, bà ấy không nói ông tự trữ làm của riêng.
Nhóm bạn ăn nhậu từ sáng đã bắt đầu uống rượu, đến trưa đã xỉn quắt cần câu. Ông Thuận đi loạng choạng về nhà, lúc định rẽ qua một hẻm nhỏ thì bị chặn lại. Thằng Bạc đứng trước mặt ông hung tợn, hình xăm chạy dọc hai bên tay đến đáng sợ. Ông từng nghe mọi người bàn tán rằng thằng Bạc thời trước còn ở trong nhóm của Dung Hà, ai ai cũng nể sợ. Hai năm trước đàn chị Dung Hà bị người của Năm Cam "xử" vì bất hợp tác, vậy nên thằng Bạc mới phải ra riêng tự kiếm kế sinh nhai.
Ông Thuận cảm thấy tỉnh ngủ hẳn, ông chắp hai tay trước ngực cầu xin, "Anh khuất cho em vài hôm nữa, có em trả liền. Con vợ em có là em trả anh ngay."
Thằng Bạc đâu phải người có thể chơi đùa, ông biết, nhưng ông vẫn liều mạng mượn tiền, giờ đây mới hối hận. Chị Dung Hà chết nhưng Năm Cam vẫn còn, thời thế của Sài Gòn vẫn chưa vào nếp, vẫn còn điểm loạn. Tuy những năm gần đây đang dần dần thành năm tận của Năm Cam, nhưng Năm Cam vẫn vùng vẫy lo lót tiền được. Vụ án gϊếŧ Dung Hà đã thành điểm chí mạng của Năm Cam, nhưng chính phủ vẫn chưa bắt được hắn. Thằng Bạc có muốn gϊếŧ ông rồi phi tang, chính phủ chắc cũng chẳng nhìn tới, nhân lúc mọi thứ vẫn còn chưa vào trật tự của chúng, hắn vẫn còn cho vay nặng lãi được.
"Đm, tụi mày chặt tay nó cho tao." Thằng Bạc bực dọc không muốn nghe giải thích nhiều, đàn em của hắn ngay lập tức ôm chặt ông Thuận lại, chặt đứt ngón tay út của ông gọn như đang gọt trái cà rốt. Ông Thuận trợn mắt nhìn ngón tay mình rớt xuống, sau đó cảm giác đau đớn mới tràn tới, ông hét thất thanh.
Thằng Bạc nắm chặt cằm của ông Thuận, cười khẩy, "Đừng trốn nợ của tao, đừng là thằng đầu tiên làm điều đấy nhá."
Ông Thuận sợ đến mặt cắt không còn một giọt máu. Thằng Bạc bỏ đi rồi ông mới trượt xuống đất, máu trên tay đổ ra như nước. Ông vội vã ôm cái tay đầy máu của mình ra ngoài bắt một chiếc xích lô đến bệnh viện. Còn vài đồng bạc cuối cùng lại nướng vào bệnh viện băng bó lại cái tay bị mất một ngón của ông.
Băng bó xong hết ông mới quay về nhà nằm thừ ở trên giường. Sao bà vợ nhà lại chưa đưa tiền cho ông? Một lát bà về ông phải hối bà đưa cho ông tiền ngay, xem ngón tay ông đã mất đi, vài ngày không có tiền nữa chắc đầu ông cũng rụng luôn mất!
Hai vợ chồng lại cãi nhau, lần này lại dữ tợn hơn cả, ông xô bà ngã đập đầu vào sàn chỉ vì bà nói, "Tôi không còn một xu, ông sống ông chết mặc ông."
Ông quậy cả nhà nát bươm cả lên, nhưng mấy ngày như thế cũng không làm tiền xuất ra. Mà ông còn nghe thằng Bạc đang chuẩn bị đến nhà mình thêm đợt nữa. Ông hết cách bèn đạp xe đạp ra chỗ mấy người bạn nhậu của mình mượn tiền. Đám bạn nhậu tưởng chừng thân thiết với ông, thấy ông gặp nạn liền lắc đầu nguây nguẩy, nói, "Làm đéo gì có tiền hả ba. Mày nghèo tao còn nghèo hơn, tao còn không có vợ đây này."
"Thằng Bạc nó chặt tay tao rồi, sắp tới không trả chắc nó gϊếŧ tao quá."
Thằng Minh hít một hơi thuốc thật sâu, giữ trong phổi một lúc rồi mới nhả khói ra. Ai đâu có tiền cho lão Thuận mượn, ông ấy là một người không có khả năng chi trả, ngay cả mượn thằng Bạc ông cũng không trả nổi, người không có số má như Minh làm sao dám chắc sẽ đòi lại được từng ấy tiền?
"Thật đó, không có tiền đâu." Minh phun khói ra tràn ngập, một làn khói trắng vấn vương lượn lờ trước mặt hai người.
Ông Thuận thở dài một hơi ngăn lại nỗi sợ hãi của mình, lần này ông chết chắc rồi!
"À. Bà Tú quận tám đang môi giới lấy chồng Đài Loan đó, con Ngọc nó dễ thương vậy, gả đi chắc cũng tầm ba chục đó."
Ở năm 2002, việc một người phụ nữ Việt Nam gả cho một người Đài Loan là chuyện diễn ra thường xuyên. Theo thống kê, riêng năm 2000 đã có 32.000 cô gái Việt Nam gả đi. Vào năm này việc môi giới được chính phủ nghiêm cấm rất gắt, hạn chế các cô gái Việt Nam gả sang nước ngoài. Các bài báo tung ra nói về cuộc sống khổ cực bên Đài Loan, bao nhiêu cô gái làm gái bên ấy, cốt cũng để cảnh tỉnh người dân của mình nhưng vô dụng. Con số cô dâu ngoại quốc càng lúc càng tăng cao, giá thị trường dành cho các cô dâu cũng tăng mạnh.
"Vậy hả? Làm sao tao liên hệ với bà Tú được. Con Ngọc tao nuôi cũng đẫy đà lắm rồi, gả chồng được rồi." Nghe đến đây ông cảm thấy được một tia sáng le lói trong đường hầm, ông mừng rơn như bắt được vàng.
Thằng Minh lục lọi trong trí nhớ địa chỉ của bà Tú nói cho ông Thuận, còn nói thêm, "Không chừng qua đó nó sướng, nó gửi tiền về cho ông xài. Đợt con Loan nó đi nó gửi tiền cho bà Lượm bả xây nhà lầu kia kìa, ông thấy không?"
"Có tiền trả là được rồi." Ông mừng rơn đứng lên đi về.