Giấy Sống
Chương 46: “bát Môn Liễu”
Bạch Thất gia giận rồi, Hoắc Thất thiếu chỉ đành dỗ dành.
Cái gì ngon, cái gì vui đều đưa cho cậu hết, còn mang cả một máy chiếu phim điện ảnh tới đây.
Mua mấy cuộn phim từ một người bạn ở công ty điện ảnh, sau đó chiếu phim ngay trong sân nhà họ Bạch.
Máy chiếu phim này phải dùng tay quay để chiếu, Hoắc Chấn Diệp chọn một người giấy, dạy nó mấy lần là nó đã thuộc, cứ thế đứng ở phía sau máy chậm rãi quay cần.
A Tú hình như đã quên sạch Hứa Ngạn Văn, mỗi lần chiếu phim cô đều mang chiếc ghế nhỏ ra ngồi ở sân, nhìn bóng người chiếu trên bức tường trắng.
Đôi mắt A Tú sáng lấp lánh, bọn họ đều mở miệng, bọn họ đều không phát ra âm thanh.
Đây là những bộ phim câm, nhưng mang cốt truyện đơn giản dễ hiểu.
A Tú xem rất chăm chú, cô nhìn thấy quần áo mà minh tinh trong phim đang mặc, chỉ chỉ lên bức tường trắng rồi lại chỉ vào Bạch Chuẩn, cô cũng muốn mặc quần áo như vậy.
Bạch Chuẩn ngồi trên xe lăn trúc, nhìn chằm chằm vào bóng người chuyển động trên tường.
Cũng không thể trách Hoắc Chấn Diệp được, là do cậu đối xử với A Tú giống như con người trước.
Nghĩ như vậy, cậu bèn quay qua nhìn bóng lưng A Tú.
Nữ minh tinh trong phim đang cau mày, ôm ngực diễn dáng vẻ đau thương.
A Tú vươn tay sờ mặt, trên mặt cô không có biểu cảm.
Cửa nhà họ Bạch vang lên mấy tiếng gõ, Hoắc Chấn Diệp đứng lên mở cửa.
Ngoài cửa có bảy tám người ăn mặc gọn gàng.
Người đi đầu là một ông lão, nhìn thấy Hoắc Chấn Diệp ra mở cửa thì có hơi ngạc nhiên, ông trầm giọng nói: “Thất gia có ở nhà không?”
Hoắc Chấn Diệp quay đầu nhìn Bạch Chuẩn, Bạch Chuẩn khẽ gật đầu.
“Có, mời ông vào.”
Mặc dù ông lão lớn tuổi, đầu tóc đã bạc trắng nhưng bước chân vững vàng, thong thả đi vào trong nhà chính.
Bảy tám người theo sau ông lão, ai cũng đứng rất thẳng.
Bạch Chuẩn nhìn thấy ông thì thoáng vẻ ngạc nhiên: “A Tú, dâng trà, mời Bát môn chủ ngồi.”
Bát Môn Liễu, hát hí khúc, thuyết thư trên đài cao.
Ông lão xua tay: “Thất gia khách sáo quá, ta đã lui về sau rồi, không thể gọi như vậy được nữa, sẽ phá vỡ quy củ.”
A Tú nhanh chóng bưng trà lên, còn lấy hạt dưa mà Hoắc Chấn Diệp mua bày ra giữa hai người, ông lão gật đầu với cô: “Cảm ơn A Tú cô nương.”
Ông ta khách sáo như vậy là do có chuyện muốn nhờ vả Bạch Chuẩn.
Bạch Chuẩn trước giờ cũng lười khách sáo với người khác, nói thẳng luôn: “Sở lão môn chủ đích thân tới đây một chuyến là có chuyện gì ư?”
Sở lão môn chủ cười khổ một iếng: “Biết Thất gia thích yên tĩnh, ta không có việc sẽ không làm phiền.” Ông nâng chén trà nhưng mãi không uống, chỉ thở dài, “Bát Môn đã mất một gánh hát.”
Hiện nay ba gánh hát nổi tiếng Cát Khánh, Nghĩa Khánh và Phong Khánh ở thượng hải đều là đồ đệ mà Sở lão gia tự tay dạy dỗ.
Mấy đồ đệ mỗi người vực dậy một gánh hát, ai cũng có rạp hát của mình.
Bởi vì cùng một sư phụ nên đã định ra một quy tắc là anh em có cơm cùng ăn, không được đánh nhau.
Hôm nay anh treo biển hát “Định Quân Sơn” thì tôi hát “Bạch Xà Truyền”, thể nào cũng có người xem, chiếm phân nửa giang sơn gánh hát ở Thượng Hải này.
“Mất một gánh hát ư?” Bạch Chuẩn đạy nắp chén trà, cau mày hỏi.
Hát hí, thuyết thư đều là nghề chuyên lăn lộn giang hồ kiếm sống, không nói vai võ sinh có võ thuật, vai đào võ cũng không dễ chọc, huống hồ không phải mất một người mà là mất hẳn một gánh hát.
Một gánh hát, trong nội bộ lại phân chia ra, ít nhất cũng phải hai mươi mấy người, cùng nhau mất tích luôn ư?
Da mặt Sở môn chủ rung rung: “Là tiểu đồ đệ của ta dẫn theo cả gánh hát tới nông thôn hát hí.
Hơn mười ngày rồi chưa thấy quay lại.
Ta cho người đi tìm thì người trong trấn nói,” Bàn tay cầm chén trà của Sở lão môn chủ run run, “Nói, chưa từng có gánh hát nào tới đây cả.”
Gánh hát có đi nhưng không có về, người ở trấn còn chẳng hề nghe thấy lấy một chút tiếng chiêng trống.
Bạch Chuẩn nghe vậy, nắp chén trà khẽ chạm vào thành chén: “Hát vở nào?”
Sở lão môn chủ gật đầu: “Minh Hí.”
Gánh hát diễn Thần Công Hí, hay Minh Hí trên sân khấu là chuyện thường ngày, việc này thường sẽ được trả rất hậu hĩnh.
Khi Thành Hoàng đi tuần, các môn phái đều sẽ góp phần diễn theo sau cho Thành Hoàng xem.
Còn về Minh Hí, một vài nhà giàu cũng sẽ có hát Minh Hí khi tổ chức tang lễ hay là cúng bái tổ tiên.
Bày một đài, dâng hoa quả, bên trên ca hí náo nhiệt, bên dưới im lặng không tiếng người, đều là hát cho người chết nghe.
Đồ đệ của Sở lão môn chủ kế thừa Bát Môn, cũng là người lão làng, đã diễn vở hí này không biết bao nhiêu lần, không thể không về được.
Sở lão môn chủ phái đồ đệ đi tìm, liên tiếp phái hai người, một người cũng đi luôn không về, một người trở về toi công, còn chọc phải xúi quẩy.
“Người trên trấn đó nói không có gánh hát tới, nhà giàu trên trấn cũng không có ai gọi gánh hát cả.
Ta thầm nghĩ lẽ nào chọc phải thứ gì đó rồi.”
Người đồ đệ đi rồi lại về bước lên trên: “Tôi đã hỏi thăm kỹ lưỡng, có một đôi vợ chồng hát rong nói từng nhìn thấy thuyền của gánh Cát Khánh đi sang bờ bên kia.”
Bởi vì là thuyền thuê, trên thuyền chật kín người, còn đặt rất nhiều nhạc cụ và trang phục diễn nên không còn chỗ cho đôi vợ chồng ấy, bọn họ phải đợi ngày hôm sau mới đi lên trấn Hưởng Thủy được.
“Ta muốn mời Thất gia giúp ta hỏi thăm những người này có còn sống không.” Sở lão môn chủ rút trong tay áo ra một tờ giấy, trên đó ghi ngày sinh tháng đẻ của mười mấy người.
Bạch Chuẩn cầm lấy nhìn, lập tức cau mày.
Trong số những người mất tích có mấy người họ Sở, còn có cả Bát môn chủ hiện giờ.
Tám môn phái lập môn chủ mới, Bạch Chuẩn và sư phụ cũng từng tới đó chúc mừng.
Khi Bạch Chuẩn kế thừa Thất Môn, những môn chủ này đều tặng lễ tổ chức yến tiệc.
Đây không phải chuyện nhỏ, Bát Môn không có môn chủ, thì bảy môn phái còn lại cũng nên giúp đỡ.
Sở lão môn chủ đã cầu tới tận cửa, một là không muốn làm lớn chuyện để mấy môn phái còn lại biết được, hai là chuyện này cũng chỉ có thể nhờ Bạch Chuẩn giúp.
Bạch Chuẩn mời Sở lão môn chủ vào phía trong.
Hoắc Chấn Diệp cũng đi vào theo, nhìn cậu dâng hương lập đàn, đốt ngày sinh tháng đẻ.
Hương dây còn chưa cháy hết, đốm lửa đã sắp tắt dần, nhưng quả thực vẫn còn sáng.
Sống chết chưa hay.
“Thất gia, nó có nghĩa gì?” Sở lão môn chủ vẻ mặt thân thiết, trong gánh hát đó trừ đệ tử thân truyền của ông còn có cả cháu ông nữa.
“Nửa sống nửa chết.”
Sở lão môn chủ sững người, nửa sống nửa chết? Nơi đó không có sơn tặc hay thủy tặc, chết là chết, sống là sống, tại sao lại nửa sống nửa chết?
Sở lão môn chủ mặt dày mày dạn cầu xin Bạch Chuẩn: “Xin Thất gia tới đó xem một lần.” Xác định là sống hay chết.
Sở lão môn chủ đã tới đây cầu xin, Bạch Chuẩn chỉ nhíu mày: “Được.”
Suýt chút nữa Sở lão môn chủ đã quỳ xuống với Bạch Chuẩn: “Thất gia chịu ra tay, Bát Môn ta nợ ân tình Thất gia, sau này chuyện của Thất gia chính là chuyện của Bát Môn.”
Bạch Chuẩn nhấc tay uống một ngụm trà, có qua có lại mới gọi là ân tình: “Sở lão môn chủ nhớ lấy câu này.”
Sở lão môn chủ nghiêm mặt gật đầu: “Bộ xương già của ta không còn dùng được thì vẫn còn đồ tử, đồ tôn, Thất gia có chuyện gì thì chỉ cẩn mở miệng.”
Nơi gánh hát Cát Khánh tới không hề xa, Sở lão môn chủ đẩy đồ đệ từng đi tới đó và thuận lợi trở về ra trước: “A Sinh tới dẫn đường cho Thất gia, còn mấy người này, Thất gia nhìn xem có thể mang theo ai thì mang theo người đó.”
Chẳng trách ông ta lại dẫn toàn võ sinh trẻ tuổi tới đây, thì ra là đã tính trước rồi.
Mặc dù Hoắc Chấn Diệp biết đây là chuyện của Bát môn, Bạch Chuẩn đi chuyến này khiến hắn rất đau lòng, nhưng hắn chỉ đứng đó không nói gì.
Bạch Chuẩn lắc đầu: “Một người là đủ rồi.” Càng đông càng loạn.
“Nói cho tôi có mấy người, mấy nam mấy nữ, đi mấy ngày, lên thuyền vào lúc nào.”
A Sinh đáp lời, hẹn ngày mai xuất phát.
Tiễn Sở lão môn chủ rời đi, Hoắc Chấn Diệp buồn rầu thu dọn đồ đạc: “Chuyện này nên báo cảnh sát trong Đồn, cần vớt xác thì cũng có đội tuần sông.”
Bạch Chuẩn chỉ huy hai người hầu giấy thu dọn hành lý hộ mình, ngẩng đầu lên nhìn Hoắc Chấn Diệp: “Mặc dù Liễu Đại là môn chủ của Tam Môn, nhưng gã khi sư diệt tổ, gieo gió gặt bão, cho dù không giúp cũng không ai dám nói gì.
Bát môn chủ vô duyên vô cớ mất tích, nếu như đã cầu cứu thì tất nhiên phải giúp.”
Không thể người ta đến chọc cột sống của sư phụ được.
Trước khi đi, Hoắc Chấn Diệp hỏi: “A Tú có theo chúng ta không?” Mặc dù A Tú khỏe, nhưng chưa trải sự đời, cũng không nắm bắt rõ tình huống, không thể để một cô gái đi mạo hiểm được.
Bạch Chuẩn nhíu mày, A Tú ở lại trong phòng này, có tượng Thành Hoàng trấn thủ thì thực sự sẽ không có trở ngại gì.
Khi cậu không có ở đây, cũng cần phải có A Tú canh chừng đàn trên lầu.
Bạch Chuẩn nghĩ vậy, ra lệnh cho A Tú: “Không được rời khỏi xóm Dư Khánh.”
A Tú đứng thẳng tắp, ánh mắt thoáng cái thất thần.
Lời này của Bạch Chuẩn khắc sâu vào trong đầu cô, sau đó ánh mắt dần khôi phục lại bình thường, cô ngoan ngoãn gật đầu.
Hoàng tước không nỡ rời hai con chim của nó, nhìn sẻ đầu đỏ lại nhìn giẻ cùi, cuối cùng nó vẫn vỗ cánh bay tới đậu trên vai Bạch Chuẩn, nó phải ra ngoài cùng với chủ nhân.
Bạch Chuẩn phải ra ngoài, cậu không chào hàng xóm nhưng Hoắc Chấn Diệp lại đi chào khắp một lượt, còn nói với mẹ Tiểu Yến: “A Tú ở nhà một mình, mong cô Ngô có thể trông non con bé.”
Sao mẹ Tiểu Yến có thể không đồng ý được chứ, trong lòng bà còn rất cảm kích A Tú: “Đương nhiên rồi, cậu Hoắc cứ yên tâm đi.”
Bạch Chuẩn ngồi trên xe đợi cũng sốt ruột, Hoắc Chấn Diệp vừa mới lên xe, cậu lập tức liếc anh: “Anh thật sự giống như một người cha ấy.”
Hoắc Chấn Diệp coi nó như một lời khen: “Đương nhiên rồi.” Anh còn cố ý tới bệnh viện tìm Hứa Ngạn Văn một lần.
A Tú rất xinh đẹp, lại ngây thơ không biết gì.
Bạch Chuẩn không chịu để cô em gái của mình đi cũng có thể hiểu được.
Hứa Ngạn Văn nghĩ tới Bạch Chuẩn không tiện đi lại, A Tú lại xinh đẹp đến vậy, hối hận thái độ gay gắt của mình.
Nhưng rõ ràng là A Tú đồng ý qua lại với anh ta, cô chỉ không hiểu qua lại là gì, nhưng anh ta có thể dạy cô mà.
Dạy cô đọc sách, dạy cô biết chữ, dạy cô hiểu được thế giới này không chỉ có nhà họ Bạch, chỉ có cái sân đó.
Hoắc Chấn Diệp ấn vai Hứa Ngạn Văn, hắn cảm thấy đối với A Tú, đi đá cầu với Tiểu Yến còn hấp dẫn hơn đi chơi với Hứa Ngạn Văn.
Mấy người lên xe tiến về trấn Hưởng Thủy, A Sinh đeo hành lý ngồi ở phía trước, ghế sau là chỗ của Thất gia.
Hoắc Chấn Diệp đã trải hai tấm thảm để Bạch Chuẩn thoải mái nằm lên đó.
Bọn họ xuất phát từ sáng sớm, khi hoàng hôn mới tới bờ sông bên ngoài trấn Hưởng Thủy.
Phải ngồi thuyền mới có thể vào trong trấn, xe chỉ đành dừng lại gần bến sông.
Từng khóm lau mùa thu nối tiếp nhau bên bờ sông, cành vẫn còn xanh nhưng đòng đã bạc trắng, gió thổi sóng bông nổi lên giống như một tầng tuyết dày trắng xóa.
Bởi vì đồng cỏ lau nhấp nhô mà đứng ở bên bờ sông này chỉ nhìn thấy loáng thoáng cổng đá ở đầu bên kia, bên trên mơ hồ khắc mấy chữ lớn.
Có thể nhìn rõ cả cổng đá, ngồi thuyền sang bờ bên kia cũng chỉ mất thời gian nửa chén trà, trong thời gian nửa chén trà thôi mà không thấy cả thuyền lẫn người đâu nữa ư?
Hoa lau có mùi thơm tự nhiên, sống ở gần nước, trong mùi hương ấy mang theo chút hơi ẩm.
Hoắc Chấn Diệp hít sâu một hơi, không ngửi thấy có mùi máu tanh.
Hắn lấy đồng tiền trong túi ra, nhìn quanh bờ sông một vòng nhưng không phát hiện ra gì hết.
Lúc A Sinh tới đây, sư phụ đã dặn dò cậu ta phải nghe lời và theo sát Bạch Thất gia, cậu ta bèn hỏi: “Thất gia, chúng ta ngồi thuyền hả?”
Xe lăn trúc của Bạch Chuẩn di chuyển trên đất không gặp trở ngại gì.
Cậu cầm cành trúc trong tay, chú hoàng tước nhỏ đậu trên vai, khẽ nhắm mắt lại: “Không vội, thuyền của chúng ta còn chưa tới.”
A Sinh nhìn mặt sông, rõ ràng bên bờ có một con thuyền đang đỗ và đã có khách ngồi phân nửa, bác lái thuyền đang rung chuông thúc giục khách lên thuyền.
Lần trước cậu ta cũng ngồi thuyền này sang trấn, tại sao Thất gia lại nói thuyền chưa tới chứ?
A Sinh giật thót mình, không dám nói gì, chỉ đành ngoan ngoãn theo sau Bạch Chuẩn.
Đợi khi bác lái thuyền rung lên hồi chuông thứ hai, con thuyền sắp phải xuất phát.
Một đôi vợ chồng hát rong vội vã lên thuyền, nhân thời gian ngồi thuyền còn ca hát đôi ba câu.
Người trên thuyền nhìn thấy vẫn còn có người đứng trên bờ, nhiệt tình vẫy tay với bọn họ: “Mau lên thuyền đi, vẫn còn chỗ trống này.”
Bạch Chuẩn ngồi yên không nhúc nhích.
Con thuyền rẽ nước đi mất, chỉ để lại dấu vết lục bình trên sông tách ra.
Mặt trời dần xuống, trên mặt sông không còn dấu vết con thuyền, giọng hát của đôi vợ chồng cũng theo nước xa dần.
Đúng vào lúc này, lại có một con thuyền nhỏ rẽ qua khóm lau trắng, lắc lư lại gần đây.
Trời còn chưa tối hẳn, đầu thuyền đã đốt hai ngọn đèn lồng, người lái thuyền cười mỉm vẫy tay với bọn họ: “Quan khách, có ngồi thuyền không?”
Bàn tay Hoắc Chấn Diệp khoác lên vai Bạch Chuẩn khẽ dùng lực, gió nhẹ lướt qua mặt nước mang tới một mùi tanh nhàn nhạt.
Lời tác giả:
Hoắc.
Người cha tốt.
Thất: Tôi coi lần này như một chuyến du lịch tình lữ.HẾT CHƯƠNG THỨ BỐN MƯƠI SÁU.