Duyên
Quyển 2 - Chương 1: Trên đá tam sinh - Trên đá Tam Sinh, duyên kiếp mấy đời
Mảnh hồn cũ tại đá Tam Sinh,
Ngâm gió thưởng trăng chớ luận bình.
Thẹn với cố nhân xa tới viếng,
Thân này tuy khác tính vẫn linh.
Đời sau kiếp trước thảy mênh mang,
Muốn kể nhân duyên sợ đoạn tràng.
Núi Việt sông Ngô tìm mấy lượt,
Lại quay thuyền thẳng hướng Cù Đường[1].
Khuyết danh
[1] Việt: vùng phía đông tỉnh Chiết Giang, thuộc nước Việt thời Chu ở Trung Quốc. Ngô: vùng nam Giang Tô, bắc Chiết Giang, thuộc nước Ngô thời Chu ở Trung Quốc. Khe Cù Đường, cùng với khe Vu và khe Tây Lăng, được gọi là "Trường Giang Tam hiệp", đó là những đoạn chảy qua vách núi dựng đứng hai bên của sông Dương Tử (Trường Giang), phong cảnh đẹp hùng vĩ và hiểm trở.
Dường như là đêm cuối của mùa thu, ngoài song trăng đã nhạt, cúc vừa chớm nở, khung cảnh đượm vẻ mỹ lệ mát lành khiến lòng người vừa êm đềm vừa thương cảm. Tôi nằm nhoài ra bàn sách bên song, nghe một khúc nhạc tên là "Trên đá Tam Sinh", mặc thời gian trôi qua ngoài cửa sổ, chỉ một sát na mà như trải qua mấy kiếp luân hồi. Tôi tin tưởng nhân của kiếp trước, tin rằng hết thảy gặp gỡ trong kiếp này, đều do ước hẹn từ kiếp trước. Tất cả những thứ "như đã từng quen" đều bởi kiếp trước sẵn có một mối nhân duyên không thể nào quên, nên kiếp này định sẵn là gặp lại. Hơn nữa, tất thảy những chia lìa còn vương vấn ở kiếp này, đều sẽ có một kiếp sau để nối lại duyên xưa.
Đá Tam Sinh, hòn đá ghi lại kiếp trước, kiếp này cùng kiếp sau, năm năm tháng tháng vẫn đứng bên cầu Nại Hà, dõi theo những kẻ uống canh Mạnh Bà, sắp sửa luân hồi chuyển thế chốn hồng trần. Đời này kiếp trước, nhân quả tình duyên của mỗi người được khắc rõ trên khối đá này, dù chúng ta đầu thai bao nhiêu lần, cũng đều có thể tìm được mảnh hồn ngày cũ tại đó. Đá Tam Sinh ghi nhớ từng dĩ vãng hữu tình, đồng thời có thể dự đoán mọi tương lai xa ngái. Nó ở bên cầu Nại Hà, nhìn vô vàn chúng sinh đi rồi đến, cũng sinh lòng cảm thán chẳng thể nói ra. Tình duyên nên kết thúc, nợ nần phải trả xong trên nhân thế, đều được một nét bút xóa sạch trước đá Tam Sinh.
Một bút xóa sạch, quyết tuyệt dường bao, kiên định dường bao, tựa hồ yêu hận tình thù quá khứ đều không còn dính dáng. Nhưng nào phải vậy, Phật dạy vạn vật đều có sinh tử, có nhân duyên ắt sẽ có quả báo, thiếu nợ nhất định phải đền bù, mất đi rồi khắc sẽ được lại. Giữa người và người, có duyên phận vạn đời bất diệt, có thể là tình nhân, có thể là thù địch, cũng có thể mãi mãi chỉ là người qua đường. Nhân duyên giống như một mũi tên nhọn, kẻ trúng tên sẽ đời đời kiếp kiếp mang theo vết thương mà luân hồi. Kẻ có duyên, có thể từ đáy mắt đối phương, thấy được nỗi bi thương của đôi bên kiếp trước, tình sâu ý nặng thế nào, khiến người canh cánh dường bao. Lần đầu tiên nghe nói tới đá Tam Sinh, cứ ngỡ là một chuyện tình đẹp đẽ, đôi nam nữ phàm trần nào đó, thề hẹn ba đời trước một khối đá. Họ đã yêu nhau từ kiếp trước, tình cờ gặp gỡ ở kiếp này, lại hẹn rằng kiếp sau tái ngộ. Vì lòng còn vương vấn, nên không dám tùy tiện đầu thai chuyển thế, chỉ e khói mây trong mộng sẽ che mờ đôi mắt. Sợ ngày nào đó đôi bên gặp lại, dung nhan xưa đã đổi tự bao giờ. Tuy nói nhân quả luân hồi nhưng kiếp người mênh mang, ai dám khẳng định đời này sẽ tìm được một tri kỷ duyên định ba đời? Duyên phận vô phương biện nhận thì nhiều lắm, thoạt đầu có lẽ đã động lòng, song kết cục lại thường khiến người ta dở cười dở khóc. Có lẽ chỉ gặp nhau trên cầu Nại Hà, mới sực tỉnh, hóa ra chúng ta quả thực có ngày xưa.
Mãi tới khi đọc được câu chuyện dưới đây, tôi mới biết đá Tam Sinh có liên quan tới một đoạn tiền duyên nhân quả khác. Lý Nguyên xuất thân gia đình giàu có, vì phụ thân qua đời trong loạn lạc, ngộ ra nhân thế vô thường, bèn đem quyên tất cả gia sản vào chùa rồi xuất gia tu hành. Ông và trụ trì Viên Trạch thiền sư tâm đầu ý hợp, cùng nhau luận bàn kinh sách, còn hẹn nhau ngao du núi Thanh Thành và Nga Mi ở Tứ Xuyên. Lý Nguyên muốn đi đường thủy, Viên Trạch lại muốn đi đường bộ, cuối cùng Viên Trạch nghe Lý Nguyên, theo đường thủy đến Tứ Xuyên. Thuyền qua Nam Phổ, trông thấy một phụ nữ lấy nước bên bờ, Viên Trạch buồn rầu rơi lệ, than rằng: "Không muốn đi đường thủy, chính sợ gặp bà ta." Bởi người phụ nữ này mang thai đã ba năm chưa sinh nở, mà số mệnh Viên Trạch đã định phải đầu thai làm con bà ta. Đến hoàng hôn, Viên Trạch qua đời, trước lúc lâm chung dặn Lý Nguyên ba ngày sau tới nhà người đàn bà kia, ông sẽ lấy một nụ cười làm chứng. Đêm Trung thu mười ba năm sau, hẹn Lý Nguyên đến bên ngoài chùa Thiên Trúc ở Hàng Châu, đôi bên sẽ gặp mặt. Ba ngày sau, đứa nhỏ trông thấy Lý Nguyên, quả nhiên mỉm cười. Mười ba năm sau, Lý Nguyên y hẹn tới chùa Thiên Trúc Hàng Châu, từ bên ngoài chùa nghe thấy cạnh bờ sông Cát Hồng vẳng lại tiếng mục đồng gõ sừng trâu mà hát: "Mảnh hồn cũ tại đá Tam Sinh,
Ngâm gió thưởng trăng chớ luận bình.
Thẹn với cố nhân xa tới viếng,
Thân này tuy khác tính vẫn linh."
Lý Nguyên nghe hát biết ngay mục đồng này chính là Viên Trạch kiếp trước, người xưa trong mộng, sau khi chuyển thế vẫn có thể trùng phùng. Tiếc rằng tình duyên có hạn, đợi chờ đằng đẵng chỉ đổi được một lần gặp gỡ ngắn ngủi. Họ không biết được lần gặp tới là khi nào, nhưng trên đá Tam Sinh, sớm đã ghi lại đời này kiếp trước.
Tôi đã vì lần trùng phùng cách thế này mà cảm động, lại vì cảm động mà mắt ướt. Đá Tam Sinh là nơi sắp xếp cho người có duyên gặp gỡ, nó vốn là một khối đá thiêng, hiểu thấu hết thảy duyên đến duyên đi trên đời. Chẳng cần chỉ trời thề thốt đời sau nhất định gặp nhau, chẳng cần quỳ rạp thật lâu, người bạn đợi chờ, một ngày nào đó sẽ ngẫu nhiên xuất hiện bên cạnh bạn. Ghi nhớ từng nụ cười trong đời, khắc sâu từng bóng lưng đi lướt qua, nhớ rõ tiếng thở dài u sầu trong từng đôi mắt. Bạn là đàn gấm, người ấy là tháng năm; bạn là nàng thơ, người ấy là chim nhạn.
Có lẽ những người từng trông thấy đá Tam Sinh, từ đó trở đi sẽ trân trọng hết thảy gặp gỡ trong đời, nâng niu từng khoảnh khắc hoa bừng nở. Bởi mỗi lần vuột qua, lại phải đợi thêm năm trăm năm nữa, năm trăm năm một độ luân hồi, năm trăm năm mới có một lần tao ngộ. Khi gặp được một người cam lòng ngoái lại vì ta, đừng hỏi là duyên hay kiếp, dù huy hoàng hôm nay có thành héo úa ngày mai, thì chung quy chúng ta cũng từng có cành sen diệu đế ấy. Bởi thế tôi luôn tin rằng, mỗi ngày đều có rất nhiều người đang đợi trong ngõ hẻm luân hồi, tỉ mỉ tìm kiếm thời gian đã mất. Mãi đến khi gặp được, mãi đến khi kiếm tìm xem có chăng một mối duyên khó giải trên đá Tam Sinh?
Thực ra chẳng cần soi gương, chúng ta cũng rõ đời người chỉ là tuồng kịch, nhưng lại cam nguyện vừa gặp mặt đã xiêu lòng. Rất nhiều ngày mây cao gió nhẹ, tôi thường nghĩ, chẳng rõ kiếp trước của mình rốt cuộc là gì? Là một con hát cô đơn, nên kiếp này mới diễn giải nỗi tịch mịch đến tận cùng trên sân khấu? Hay là một thiếu nữ thêu hoa ở Giang Nam, gửi gắm tình ái cả đời vào gấm đoạn? Là một thiếu phụ trên lầu, si dại đợi chờ người chồng đi xa mà hóa thành Hòn Vọng Phu? Hay là một đóa mai rụng, bị vó ngựa lộp cộp khơi dậy cả trời thở than? Vận mệnh sớm đã sắp sẵn hết thảy, đoạn văn khắc trên đá Tam Sinh, chẳng qua chỉ để giải đáp nghi vấn của thế gian mà thôi. Phàm đã định sẵn, thì gặp gỡ chỉ là việc sớm muộn, khi bạn trúng tên của nhân gieo kiếp trước, thì chẳng cách nào tùy tiện tới lui được nữa. Nếu thật sự có ngày trùng phùng, hy vọng xiết bao sẽ hoàn thành mối duyên định sẵn trên giao lộ rụng đầy lá đỏ. Người mặc áo xanh tay dài, phong thái nhanh nhẹn, tôi vận sườn xám, tóc xõa ngang vai. Chẳng cần nói năng, chỉ một nụ cười bình thản, đủ hiểu rằng người là Đàn Lang[1] trong mộng của tôi, tôi là Thu Hương kiếp trước của người. Bất luận khởi đầu hoa lệ hay lầm lỡ, chúng ta đều phải đem lòng cảm kích, men theo con đường mòn rực lá rụng mà đi tiếp, làm một đôi vợ chồng bình phàm nhất trên đời.
[1] "Truyện Phan Nhạc trong Tấn Thư" và "Dung Chỉ trong Thế Thuyết Tân Ngữ" chép rằng: Phan Nhạc (tức Phan An) đời Tấn dung mạo đẹp đẽ, lúc ngồi xe đi trên đường phố ở Lạc Dương, chị em phụ nữ hâm mộ phong độ dáng vẻ của chàng, nắm tay nhau vây quanh, ném hoa quả đầy xe. Phan Nhạc nhũ danh là Đàn Nô, nên về sau "Đàn Lang" trở thành xưng hô của phụ nữ đối với chồng hoặc người đàn ông mình ái mộ.
Nếu có một ngày, đến bên cầu Nại Hà, trước khi uống chén canh Mạnh Bà, người hãy nhớ nhìn qua đá Tam Sinh, đã ghi khắc tình duyên đời thứ mấy của chúng ta. Người có biết rằng, đời đầu tiên, để kiếp sau lại được gặp gỡ, tôi đã nhảy xuống sông Quên, chờ đợi người, ngàn năm lại ngàn năm.
Ngâm gió thưởng trăng chớ luận bình.
Thẹn với cố nhân xa tới viếng,
Thân này tuy khác tính vẫn linh.
Đời sau kiếp trước thảy mênh mang,
Muốn kể nhân duyên sợ đoạn tràng.
Núi Việt sông Ngô tìm mấy lượt,
Lại quay thuyền thẳng hướng Cù Đường[1].
Khuyết danh
[1] Việt: vùng phía đông tỉnh Chiết Giang, thuộc nước Việt thời Chu ở Trung Quốc. Ngô: vùng nam Giang Tô, bắc Chiết Giang, thuộc nước Ngô thời Chu ở Trung Quốc. Khe Cù Đường, cùng với khe Vu và khe Tây Lăng, được gọi là "Trường Giang Tam hiệp", đó là những đoạn chảy qua vách núi dựng đứng hai bên của sông Dương Tử (Trường Giang), phong cảnh đẹp hùng vĩ và hiểm trở.
Dường như là đêm cuối của mùa thu, ngoài song trăng đã nhạt, cúc vừa chớm nở, khung cảnh đượm vẻ mỹ lệ mát lành khiến lòng người vừa êm đềm vừa thương cảm. Tôi nằm nhoài ra bàn sách bên song, nghe một khúc nhạc tên là "Trên đá Tam Sinh", mặc thời gian trôi qua ngoài cửa sổ, chỉ một sát na mà như trải qua mấy kiếp luân hồi. Tôi tin tưởng nhân của kiếp trước, tin rằng hết thảy gặp gỡ trong kiếp này, đều do ước hẹn từ kiếp trước. Tất cả những thứ "như đã từng quen" đều bởi kiếp trước sẵn có một mối nhân duyên không thể nào quên, nên kiếp này định sẵn là gặp lại. Hơn nữa, tất thảy những chia lìa còn vương vấn ở kiếp này, đều sẽ có một kiếp sau để nối lại duyên xưa.
Đá Tam Sinh, hòn đá ghi lại kiếp trước, kiếp này cùng kiếp sau, năm năm tháng tháng vẫn đứng bên cầu Nại Hà, dõi theo những kẻ uống canh Mạnh Bà, sắp sửa luân hồi chuyển thế chốn hồng trần. Đời này kiếp trước, nhân quả tình duyên của mỗi người được khắc rõ trên khối đá này, dù chúng ta đầu thai bao nhiêu lần, cũng đều có thể tìm được mảnh hồn ngày cũ tại đó. Đá Tam Sinh ghi nhớ từng dĩ vãng hữu tình, đồng thời có thể dự đoán mọi tương lai xa ngái. Nó ở bên cầu Nại Hà, nhìn vô vàn chúng sinh đi rồi đến, cũng sinh lòng cảm thán chẳng thể nói ra. Tình duyên nên kết thúc, nợ nần phải trả xong trên nhân thế, đều được một nét bút xóa sạch trước đá Tam Sinh.
Một bút xóa sạch, quyết tuyệt dường bao, kiên định dường bao, tựa hồ yêu hận tình thù quá khứ đều không còn dính dáng. Nhưng nào phải vậy, Phật dạy vạn vật đều có sinh tử, có nhân duyên ắt sẽ có quả báo, thiếu nợ nhất định phải đền bù, mất đi rồi khắc sẽ được lại. Giữa người và người, có duyên phận vạn đời bất diệt, có thể là tình nhân, có thể là thù địch, cũng có thể mãi mãi chỉ là người qua đường. Nhân duyên giống như một mũi tên nhọn, kẻ trúng tên sẽ đời đời kiếp kiếp mang theo vết thương mà luân hồi. Kẻ có duyên, có thể từ đáy mắt đối phương, thấy được nỗi bi thương của đôi bên kiếp trước, tình sâu ý nặng thế nào, khiến người canh cánh dường bao. Lần đầu tiên nghe nói tới đá Tam Sinh, cứ ngỡ là một chuyện tình đẹp đẽ, đôi nam nữ phàm trần nào đó, thề hẹn ba đời trước một khối đá. Họ đã yêu nhau từ kiếp trước, tình cờ gặp gỡ ở kiếp này, lại hẹn rằng kiếp sau tái ngộ. Vì lòng còn vương vấn, nên không dám tùy tiện đầu thai chuyển thế, chỉ e khói mây trong mộng sẽ che mờ đôi mắt. Sợ ngày nào đó đôi bên gặp lại, dung nhan xưa đã đổi tự bao giờ. Tuy nói nhân quả luân hồi nhưng kiếp người mênh mang, ai dám khẳng định đời này sẽ tìm được một tri kỷ duyên định ba đời? Duyên phận vô phương biện nhận thì nhiều lắm, thoạt đầu có lẽ đã động lòng, song kết cục lại thường khiến người ta dở cười dở khóc. Có lẽ chỉ gặp nhau trên cầu Nại Hà, mới sực tỉnh, hóa ra chúng ta quả thực có ngày xưa.
Mãi tới khi đọc được câu chuyện dưới đây, tôi mới biết đá Tam Sinh có liên quan tới một đoạn tiền duyên nhân quả khác. Lý Nguyên xuất thân gia đình giàu có, vì phụ thân qua đời trong loạn lạc, ngộ ra nhân thế vô thường, bèn đem quyên tất cả gia sản vào chùa rồi xuất gia tu hành. Ông và trụ trì Viên Trạch thiền sư tâm đầu ý hợp, cùng nhau luận bàn kinh sách, còn hẹn nhau ngao du núi Thanh Thành và Nga Mi ở Tứ Xuyên. Lý Nguyên muốn đi đường thủy, Viên Trạch lại muốn đi đường bộ, cuối cùng Viên Trạch nghe Lý Nguyên, theo đường thủy đến Tứ Xuyên. Thuyền qua Nam Phổ, trông thấy một phụ nữ lấy nước bên bờ, Viên Trạch buồn rầu rơi lệ, than rằng: "Không muốn đi đường thủy, chính sợ gặp bà ta." Bởi người phụ nữ này mang thai đã ba năm chưa sinh nở, mà số mệnh Viên Trạch đã định phải đầu thai làm con bà ta. Đến hoàng hôn, Viên Trạch qua đời, trước lúc lâm chung dặn Lý Nguyên ba ngày sau tới nhà người đàn bà kia, ông sẽ lấy một nụ cười làm chứng. Đêm Trung thu mười ba năm sau, hẹn Lý Nguyên đến bên ngoài chùa Thiên Trúc ở Hàng Châu, đôi bên sẽ gặp mặt. Ba ngày sau, đứa nhỏ trông thấy Lý Nguyên, quả nhiên mỉm cười. Mười ba năm sau, Lý Nguyên y hẹn tới chùa Thiên Trúc Hàng Châu, từ bên ngoài chùa nghe thấy cạnh bờ sông Cát Hồng vẳng lại tiếng mục đồng gõ sừng trâu mà hát: "Mảnh hồn cũ tại đá Tam Sinh,
Ngâm gió thưởng trăng chớ luận bình.
Thẹn với cố nhân xa tới viếng,
Thân này tuy khác tính vẫn linh."
Lý Nguyên nghe hát biết ngay mục đồng này chính là Viên Trạch kiếp trước, người xưa trong mộng, sau khi chuyển thế vẫn có thể trùng phùng. Tiếc rằng tình duyên có hạn, đợi chờ đằng đẵng chỉ đổi được một lần gặp gỡ ngắn ngủi. Họ không biết được lần gặp tới là khi nào, nhưng trên đá Tam Sinh, sớm đã ghi lại đời này kiếp trước.
Tôi đã vì lần trùng phùng cách thế này mà cảm động, lại vì cảm động mà mắt ướt. Đá Tam Sinh là nơi sắp xếp cho người có duyên gặp gỡ, nó vốn là một khối đá thiêng, hiểu thấu hết thảy duyên đến duyên đi trên đời. Chẳng cần chỉ trời thề thốt đời sau nhất định gặp nhau, chẳng cần quỳ rạp thật lâu, người bạn đợi chờ, một ngày nào đó sẽ ngẫu nhiên xuất hiện bên cạnh bạn. Ghi nhớ từng nụ cười trong đời, khắc sâu từng bóng lưng đi lướt qua, nhớ rõ tiếng thở dài u sầu trong từng đôi mắt. Bạn là đàn gấm, người ấy là tháng năm; bạn là nàng thơ, người ấy là chim nhạn.
Có lẽ những người từng trông thấy đá Tam Sinh, từ đó trở đi sẽ trân trọng hết thảy gặp gỡ trong đời, nâng niu từng khoảnh khắc hoa bừng nở. Bởi mỗi lần vuột qua, lại phải đợi thêm năm trăm năm nữa, năm trăm năm một độ luân hồi, năm trăm năm mới có một lần tao ngộ. Khi gặp được một người cam lòng ngoái lại vì ta, đừng hỏi là duyên hay kiếp, dù huy hoàng hôm nay có thành héo úa ngày mai, thì chung quy chúng ta cũng từng có cành sen diệu đế ấy. Bởi thế tôi luôn tin rằng, mỗi ngày đều có rất nhiều người đang đợi trong ngõ hẻm luân hồi, tỉ mỉ tìm kiếm thời gian đã mất. Mãi đến khi gặp được, mãi đến khi kiếm tìm xem có chăng một mối duyên khó giải trên đá Tam Sinh?
Thực ra chẳng cần soi gương, chúng ta cũng rõ đời người chỉ là tuồng kịch, nhưng lại cam nguyện vừa gặp mặt đã xiêu lòng. Rất nhiều ngày mây cao gió nhẹ, tôi thường nghĩ, chẳng rõ kiếp trước của mình rốt cuộc là gì? Là một con hát cô đơn, nên kiếp này mới diễn giải nỗi tịch mịch đến tận cùng trên sân khấu? Hay là một thiếu nữ thêu hoa ở Giang Nam, gửi gắm tình ái cả đời vào gấm đoạn? Là một thiếu phụ trên lầu, si dại đợi chờ người chồng đi xa mà hóa thành Hòn Vọng Phu? Hay là một đóa mai rụng, bị vó ngựa lộp cộp khơi dậy cả trời thở than? Vận mệnh sớm đã sắp sẵn hết thảy, đoạn văn khắc trên đá Tam Sinh, chẳng qua chỉ để giải đáp nghi vấn của thế gian mà thôi. Phàm đã định sẵn, thì gặp gỡ chỉ là việc sớm muộn, khi bạn trúng tên của nhân gieo kiếp trước, thì chẳng cách nào tùy tiện tới lui được nữa. Nếu thật sự có ngày trùng phùng, hy vọng xiết bao sẽ hoàn thành mối duyên định sẵn trên giao lộ rụng đầy lá đỏ. Người mặc áo xanh tay dài, phong thái nhanh nhẹn, tôi vận sườn xám, tóc xõa ngang vai. Chẳng cần nói năng, chỉ một nụ cười bình thản, đủ hiểu rằng người là Đàn Lang[1] trong mộng của tôi, tôi là Thu Hương kiếp trước của người. Bất luận khởi đầu hoa lệ hay lầm lỡ, chúng ta đều phải đem lòng cảm kích, men theo con đường mòn rực lá rụng mà đi tiếp, làm một đôi vợ chồng bình phàm nhất trên đời.
[1] "Truyện Phan Nhạc trong Tấn Thư" và "Dung Chỉ trong Thế Thuyết Tân Ngữ" chép rằng: Phan Nhạc (tức Phan An) đời Tấn dung mạo đẹp đẽ, lúc ngồi xe đi trên đường phố ở Lạc Dương, chị em phụ nữ hâm mộ phong độ dáng vẻ của chàng, nắm tay nhau vây quanh, ném hoa quả đầy xe. Phan Nhạc nhũ danh là Đàn Nô, nên về sau "Đàn Lang" trở thành xưng hô của phụ nữ đối với chồng hoặc người đàn ông mình ái mộ.
Nếu có một ngày, đến bên cầu Nại Hà, trước khi uống chén canh Mạnh Bà, người hãy nhớ nhìn qua đá Tam Sinh, đã ghi khắc tình duyên đời thứ mấy của chúng ta. Người có biết rằng, đời đầu tiên, để kiếp sau lại được gặp gỡ, tôi đã nhảy xuống sông Quên, chờ đợi người, ngàn năm lại ngàn năm.
Tác giả :
Bạch Lạc Mai