Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc
Chương 70 Kim lăng thất thủ
Kim Lăng Thành.
Thần Thánh Đế quốc tập trung 30 vạn quân chuẩn bị công chiếm Kim Lăng Thành. Sau khi bị bao vây gần 1 năm, quân dân trong thành cả tinh lực và sức lực đều suy sụp nghiêm trọng. Một bầu không khí bi quan bao trùm từ Hoàng cung cho đến các phố phường.
Ngày 25 tháng 3, Triệu Phong đích thân chỉ huy việc công thành, 30 vạn đại quân chia thành 3 đạo, dàn ra trước các cửa đông, nam và tây, chỉ để lại cửa bắc. Đó là chiến thuật ‘vây tam khuyết nhất’ rất quen thuộc. Ở mỗi cửa thành có 10 vạn quân, 2.000 khẩu thần công (mỗi sư 1 vạn người thì có 200 khẩu thần công cỡ nhỏ, có bánh xe để kéo đi) đã chuẩn bị sẵn sàng, chỉ còn chờ lệnh công thành.
Đầu giờ Mão, Triệu Phong truyền lệnh công thành. Cả 6.000 khẩu thần công đồng loạt khai hỏa. Ánh lửa đạn rực hồng cả nửa bầu trời. Tiếng pháo nổ vang trời uy hiếp tinh thần của quân dân trong thành. Một phần ba số thần công sử dụng đạn sắt đặc nhắm bắn vào cổng thành, trong khi đó hai phần ba còn lại sử dụng khai hoa đạn rải lên đầu quân dân bên trong. Khu vực từ tường thành kéo dài vào bên trong hơn trăm bước bị biến thành khu vực tử vong. Không có một sinh vật nào có thể sống sót ở đấy.
Chỉ sau 6 loạt đạn, cổng thành đã bị phá. Các khẩu thần công được đẩy lên phía trước, rải đạn mở đường tiến quân. Các đạo quân cũng lần lượt tiến vào trong thành. Quan quân vừa tiến vào thành vừa hô lớn :
- Đầu hàng khỏi chết, kháng cự diệt môn.
Đương nhiên là hô bằng tiếng Hán. Trong thời gian vây thành, bọn Triệu Phong cho quân sĩ học thuộc câu này, và nay đã có cơ hội mang ra sử dụng. Quan quân tiến vào thành tương đối thuận lợi. Phần lớn quân Minh không có lòng nào kháng cự mà đua nhau chạy ra cửa bắc tìm đường đào tẩu. Rất nhiều phú hộ trong thành cũng dắt nhau tháo chạy. Bọn họ đã sớm biết rằng quân đội Thần Thánh Đế quốc chỉ tha cho dân nghèo. Còn phú hộ với quan lại đều bị tịch thu toàn bộ tài sản. Có lý do hẳn hoi ! Quan lại làm việc cho Minh triều, là kẻ địch, cần nghiêm trị; phú hộ đều ít nhiều có quan hệ với quan lại, tức là cũng có quan hệ ‘thân mật’ với Minh triều, cũng là kẻ địch và cũng cần trừng phạt. Bọn họ không muốn sống cuộc sống nghèo khổ nên mới liều mạng gom góp tài sản bỏ trốn. Trong khi đó thì bình dân bách tính ai nấy ở yên trong nhà, chờ cơn binh lửa đi qua.
Cuối cùng, có khoảng 3 vạn quân Minh hạ vũ khí đầu hàng, hơn 6 vạn quân Minh, trong đó có 1 vạn Cấm quân bảo hộ Thái tử Giám quốc cùng các quan viên chạy ra cửa bắc tìm đường tẩu thoát. Ngoài ra còn có hơn 10 vạn phú hào và gia quyến dắt dìu nhau tháo chạy. Mười mấy vạn người cùng ùa ra khỏi thành, quang cảnh hỗn loạn vô cùng.
Triệu Phong để lại 6 vạn quân bình định Kim Lăng Thành, truy quét tàn dư Minh triều trong thành; phái 12 vạn quân truy sát quân Minh đào tẩu, do Lý Ngân thống lĩnh; và cử ra 12 vạn quân truy sát phú hào bỏ trốn, do Đinh An Bình thân tự chỉ huy. Quân chia ba lộ cùng hành động.
Nói về đạo quân trong thành, sau mấy canh giờ lùng sục, giải quyết toàn bộ các nơi đề kháng, chiếm lĩnh các nha môn, Hoàng cung, và phủ đệ của quan viên Minh triều, Triệu Phong cho niêm phong tất cả. Theo quan niệm của bọn Triệu Phong, phong thủy của thành Kim Lăng không tốt, do vậy bọn họ không có ý định đóng đại bản doanh trong thành. Đối với Triệu Phong, đóng đại bản doanh ở Trường Hưng Thành, Sùng Minh đảo tốt hơn nhiều. Nơi đó xây dựng theo kiểu Gia Định Thành, tiện nghi đầy đủ, vật chất phong phú, hưởng thụ cuộc sống tốt hơn, và đặc biệt là cũng an toàn hơn.
Đạo quân của Đinh An Bình đuổi theo đám phú hộ bỏ trốn, nhanh chóng đuổi kịp. Bọn phú hộ mang vác nặng nề, sức lực lại không thể nào bằng được quân đội, do đó chẳng bao lâu là bị bao vây. Bọn phú hộ mặc dù chia thành nhiều nhóm, chạy về nhiều hướng khác nhau. Nhưng quan quân đông hơn, cũng chia thành nhiều đội, tỏa ra bao vây tất cả. Chỉ mất hơn một ngày là toàn bộ đều bị bắt trở lại. Đinh An Bình cho tịch thu tất cả tài sản bọn họ mang theo, và áp giải bọn họ ra giam giữ Trường Hưng Thành, chờ đưa về phương nam. Trong văn án, Đinh An Bình xem bọn họ giống như quan lại Minh triều bị bắt, tức là tù phạm. Đã có thánh chỉ từ Gia Định Thành đưa đến, tất cả tù phạm loại này sẽ được chuyển giao cho Thương vụ bộ, đưa sang Âu châu bán làm nô lệ. Âu châu hơn 50 năm trước vừa trải qua trận đại dịch ‘Cái chết Đen’, dân số giảm gần một nửa, rất cần nhân lực bổ sung, đặc biệt là nô lệ làm các công việc nặng nhọc (các tài liệu ghi lại cho biết Âu châu mất đến 150 năm mới khôi phục lại quy mô dân số bằng với trước đại dịch).
Sau khi tấn công Minh triều, ban đầu Giang Phong chỉ cho bắt tù binh làm khổ công, nhưng rồi số khổ công có nguồn gốc Hán tộc này gây ra nhiều chuyện thị phi tại nơi trú đóng, đặc biệt là tầng lớp quan lại của Minh triều vốn chịu ảnh hưởng sâu sắc của nho học, xem Hán tộc là Thiên triều thượng quốc, các nước khác đều là phiên bang, hoặc man di mọi rợ. Giang Phong rất không hài lòng, hậu quả đương nhiên nghiêm trọng. Một đạo thánh chỉ đã quyết định số phận của số ‘điêu dân’ đó, tất cả đều bị biến thành nô lệ, bán sang Âu châu. Và từ lúc đó về sau, tất cả quan lại của Minh triều cùng với tầng lớp nho gia, sĩ tử đều bị biến thành nô lệ hết. Những kẻ này chính là những kẻ được hưởng đặc quyền đặc lợi trong xã hội Minh triều (quan lại thì khỏi phải nói, còn nho sĩ chỉ cần đỗ Tú Tài là được miễn toàn bộ lao dịch thuế khóa, đỗ đạt cao thì dù không làm quan cũng được hưởng bổng lộc, tạo nên gánh nặng cho xã hội).
Còn đạo quân của Lý Ngân truy sát tàn dư quân Minh, chỉ đuổi sát theo phía sau và tiêu diệt những kẻ chậm chân chứ không tràn lên giao chiến. Dụng 12 vạn tấn công 6 vạn địch quân, tuy cũng có thể thắng được, nhưng tất nhiên cũng phải chịu thiệt hại không nhỏ. Bọn họ chỉ đuổi theo, ngăn chặn các đường phía nam, bức quân Minh chạy men theo Trường Giang về phía tây (quân Minh không chạy về phía đông, bởi bọn họ không thể chạy ra biển).
Đinh An Bình sau khi giải quyết xong đám phú hộ đào tẩu thì cũng suất quân đuổi theo hỗ trợ đạo quân của Lý Ngân. Đinh An Bình là Hải quân bộ bộ trưởng, nên khi đuổi theo chọn ngay đường thủy, sử dụng các hạm thuyền của Bắc Dương Hạm đội vận chuyển quân đội đi về phía thượng lưu, đổ bộ xuống chặn đường tàn dư quân Minh. Khi quân Minh chạy đến được Vu Hồ thì bị chặn đứng. Đầu tiên là một trận pháo kích dội xuống đầu quân Minh, 1.200 khẩu thần công bắn ra Khai hoa đạn, biến thành hàng chục vạn mảnh sắt nhọn như tên, bén như dao, giống như nhà nông cắt lúa mà cắt lấy sinh mạng quân Minh, khiến quân Minh ngã xuống từng phiến từng phiến lớn. Sau đó, 24 vạn đại quân hợp vây, tiêu diệt tàn dư còn lại. Trận này, quân Minh thương tàn hơn 4 vạn, tử trận hơn 1 vạn, chỉ còn lại chưa đến 5 nghìn bị bắt. Thái tử Giám quốc Chu Cao Thức tự sát, rất nhiều đại thần cũng tự sát theo.
Đinh An Bình có thân phận địa vị cao nhất ở đây, nên sinh sát đại quyền, chiến hậu xử lý, an bài tù binh, Lý Ngân nhường hết cho y định đoạt. Đinh An Bình chỉ giữ lại số tù binh chưa bị thương tật, còn hơn 4 vạn thương tàn binh bị đuổi về phương bắc, để tạo thêm gánh nặng cho Minh triều. Bọn họ đã bị thương tật tàn phế, chắc chắn không thể tham quân ra trận được nữa. Ngoài ra, hơn vạn thi thể trận vong cũng bị đưa xuống hạm thuyền vận chuyển về vùng Hà Bắc, rồi ném xuống các ao hồ sông suối dọc theo Hoàng Hà. Hoài Thủy chiến dịch đã tạo cho bọn Đinh An Bình rất nhiều ý tưởng.
Ba ngày sau khi Kim Lăng Thành bị công chiếm, 30 vạn đại quân của Thần Thánh Đế quốc tề tụ về đây. Toàn bộ dân chúng trong thành đều bị tập hợp lại, rồi phân chia thành 2 nhóm : lương dân và nghịch dân. Hơn 100 vạn cư dân của Kim Lăng thì có hơn 60 vạn nguyện ý quy thuận tân triều (bởi bọn họ đã nhìn thấy tương lai mờ mịt của Đại Minh), còn lại gần 40 vạn vẫn hướng về phương bắc. Nhưng lần này Minh triều đã thảm bại, quốc lực suy kiệt, bọn Đinh An Bình không có ý định cung cấp miễn phí cho Minh triều mấy chục vạn ‘tân binh’ nữa. Do đó, Đinh An Bình vỗ án quyết định, và Thương vụ bộ có thêm gần 40 vạn tân nô lệ.
Kim Lăng Thành dù sao cũng là kinh đô của Minh triều trong suốt 50 năm nay, kim ngân tài bảo tụ tập ở đây vô số. Mặc dù kho tàng trong Hoàng cung sau mấy phen chiến loạn đã không còn nhiều nữa, nhưng Kim Lăng có rất nhiều phú hộ, tài sản tịch thu được nhiều vô số. Bọn Đinh An Binh chỉ mất 1 ngày để chiếm lĩnh Kim Lăng, nhưng phải mất cả tháng để xử lý chiến quả.