Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc
Chương 13 Đông dương hải đồ
Lại nói, đi theo vào hậu viện, bọn Cát Ti, Quảng Tế Pháp sư, Triệu Phong đều không hiểu Giang Phong định cho bọn họ xem thứ gì, chứ nếu chỉ nói chuyện thì không nhất thiết phải vào hậu viện làm chi. Hậu viện, hay còn gọi là mật viện, là nơi Giang Phong làm việc, nơi sẽ đề ra những quyết sách trọng đại, cũng là nơi lưu giữ những tài liệu quan trọng nhất.
Vào trong hậu viện, cả ba đều nhìn bức địa đồ treo trên tường, chấn kinh không ít. Lần đầu tiên, bọn họ nhìn thấy một bức địa đồ rõ ràng đến thế. Trên địa đồ có đề : ‘Đông Dương Hải Đồ’.
Bức địa đồ này, Giang Phong đã dựa theo ký ức mà vẽ lại bản đồ khu vực Đông Á, trên từ Triều Tiên, Nhật Bản, dưới đến Mã Lai, Java, đông đến Phi Luật Tân, tây đến Xiêm La, Ai Lao. Mặc dù năng khiếu vẽ vời của Giang Phong không tốt lắm, nhưng so với năng lực vẽ bản đồ thời ấy cũng rõ ràng chi tiết hơn nhiều, chỉ có tỷ lệ là không được đảm bảo, chỉ có thể đại khái biểu thị phương hướng. Dù sao Giang Phong cũng chỉ vẽ lại theo ký ức kia mà.
Giang Phong chỉ bức địa đồ, nói :
- Đó là do ta vẽ lại theo ký ức, chỉ đại khái biểu thị phương hướng; còn khoảng cách, địa hình, phương vật cần các ngươi điều tra thêm.
Đoạn quay sang hỏi Cát Ti :
- Đảo Đài Loan ngoài khơi Phúc Kiến ngươi biết rõ chứ ?
Cát Ti cung kính nói :
- Hồi bẩm đại nhân. Thuộc hạ thường đi qua đó, cũng khá rõ.
Giang Phong chỉ vào vị trí đảo Đài Loan trên bản đồ, nói :
- Từ đảo Đài Loan đi về phía đông bắc có một dãy đảo nhỏ, gọi là Lưu Cầu, nơi đó có vương quốc Lưu Cầu cai trị. Tiếp tục men theo nhóm đảo nhỏ này là đến Đông Doanh. Còn từ Đài Loan xuôi về phía nam cũng có 1 nhóm đảo nhỏ, men theo nó sẽ đến Lã Tống. Trước mắt, ta cần các ngươi khảo sát địa hình và cư dân của Lã Tống. Nghe nói nơi đó hiện giờ chưa có quốc gia, chỉ có các bộ lạc độc lập nhau.
(chú 1 : Lưu Cầu xưa là 1 vương quốc độc lập; năm 1872, Nhật Bản chiếm Lưu Cầu, biến thành 1 phiên của mình, gọi là phiên Okinawa, đến năm 1879 thì trở thành 1 tỉnh; sau chiến tranh thế giới thứ 2 trở thành vùng ủy trị của Mỹ, người Nhật muốn sang đó phải có visa; đến năm 1972 mới được sát nhập trở lại Nhật Bản).
(chú 2 : Lã Tống là đảo Luzong của Philippin, Luzong là phiên âm ra latinh của tên gọi Lã Tống, giống như Hongkong – Hương Cảng, Shanghai – Thượng Hải ở bên Tàu, Singoa – Thuận Hóa ở Việt Nam).
Cát Ti mắt nhìn bản đồ, ánh mắt sáng lên, hỏi :
- Ý đại nhân là chúng ta sẽ mở mang khai phá nơi đó.
Giang Phong mỉm cười nói :
- Nơi đó tuy là đảo, nhưng trồng lương thực cũng rất tốt. Lại cách xa đất liền. Sắp tới chiến hỏa từ phương bắc sẽ lan đến phương nam, thiên hạ loạn lạc, đó sẽ là nơi phát triển tốt nhất.
Chỉ vào địa đồ, Giang Phong lại nói tiếp :
- Từ Lã Tống đi men theo các đảo về phía tây nam là Mã Lai, tiếp nữa là Chà Và. Giữa Mã Lai và Chà Và có một eo biển hẹp thông sang nam Thiên Trúc. Nếu có cơ hội, các ngươi điều tra khu vực này cho ta.
Cát Ti cung kính tuân mệnh, ánh mắt hướng về Giang Phong càng thêm sùng bái. Gã tin chắc rằng kể cả các thương nhân nhiều kinh nghiệm nhất cũng không thể biết rõ địa hình địa mạo như Giang Phong. Và rồi một ý niệm tự nhiên sản sinh : “đại nhân là thần linh, đại nhân không gì là không biết”. Từ đó, lòng sùng bái chuyển hóa thành sự trung thành.
Giang Phong bảo Cát Ti :
- Ngươi hãy lo tổ chức các thương đoàn, sớm tiến hành việc đó. Ta mong có kết quả thật sớm. Chúng ta chỉ có thể hành động khi công việc của ngươi hoàn thành.
Cát Ti thấy mình được giao nhiệm vụ quan trọng, lòng rất hứng khởi, vâng dạ lui ra. Còn lại Quảng Tế Pháp sư và Triệu Phong, Giang Phong mỉm cười hỏi :
- Nhìn địa đồ, hai ngươi có cảm tưởng gì ?
Quảng Tế Pháp sư hỏi :
- Đại nhân. Ở Lã Tống, ngoài việc có thể trồng lương thực, còn có gì khác nữa không ạ ?
Giang Phong mỉm cười nói :
- Nhiều khoáng sản, nhiều gỗ quý, nhiều người. Một mảnh đất rất tốt để phát triển.
Quảng Tế Pháp sư hỏi :
- Đại nhân. Nhiệm vụ của bọn thuộc hạ là gì ạ ?
Nhìn Triệu Phong chỉ đứng yên lặng một bên, thái độ nghiêm trang, Giang Phong thầm hài lòng. Gã này dòng dõi tướng gia, bản tính cẩn trọng, ít nói, hành sự trung quy trung củ, rất hợp ý Giang Phong, do đó mới được cất nhắc làm thống lĩnh lực lượng quân sự của Tư Dung hành doanh. Dưới trướng Giang Phong hiện tại có ba lực lượng quân sự chính : ngoại quân, nội quân và cấm vệ quân. Ngoại quân là những lực lượng bảo vệ bên ngoài, như quân đội của Lý Ngân ở Hải Vân Quan, quân đội của Phạm Thế Căng ở Hóa Châu, quân đội của Phạm Đống Cao ở Kiềm Châu, …; tổng quân số ước khoảng 5.000 người. Nội quân là lực lượng bảo vệ Tư Dung hành doanh, nhân số chỉ có 500 người, do Triệu Phong thống lĩnh. Cấm vệ quân là lực lượng bảo vệ Giang Phong, nhân số chỉ có 100 người, là lực lượng tinh nhuệ nhất, do Đinh An Bình thống lĩnh; họ Đinh cũng có thân thế giống như Đào Anh, cha tử trận trong lần đánh nhau với quân Chiêm lúc trước, mẹ con theo Giang Phong đến Thánh sơn làm việc. Những người như Đào Anh, Đinh An Bình rất được Giang Phong trọng dụng. Với lực lượng quân sự như vậy, chỉ cần kiến thiết xong hải quân, với phía bắc là đèo Ngang, phía nam là đèo Hải Vân, Giang Phong tin chắc rằng có thể giữ vững được vùng này nếu tương lai xảy ra chiến tranh. Đương nhiên, điều kiện tiên quyết là phải tích trữ đầy đủ lương thực, vũ khí.
Giang Phong hỏi Triệu Phong :
- Ngươi có ý kiến gì không ?
Triệu Phong suy nghĩ một lúc, rồi nói :
- Có phải đại nhân muốn tiểu tướng huấn luyện sĩ binh để ra chiếm lĩnh các vùng đó ?
Giang Phong mỉm cười nói :
- Đúng lắm. Sắp tới nội quân sẽ tăng quân số, lấy từ ngoại quân sung vào nội quân. Sau đó Quảng Tế sẽ mộ binh ở miền ngoài vào bổ sung cho ngoại quân. Quân đội của chúng ta huấn luyện thường xuyên, lại hay lên rừng săn bắn mãnh thú, khả năng chiến đấu có thể tin tưởng được. Chỉ cần huấn luyện thêm về thủy tính là có thể xuất chinh. Trước mắt, ngươi hãy huấn luyện lực lượng hiện tại, để sau này có thể đảm nhiệm các cương vị hạ cấp quân quan.
Về quân chế thì nhà Trần không có số nhất định. Có những đạo quân thì lấy 5 người làm 1 ngũ, 5 ngũ làm 1 đô, 30 đô làm 1 quân. Cũng có những đạo quân thì lấy 5 người làm 1 ngũ, 10 người làm 1 đô. Sau khi Hồ Quý Ly lên ngôi thì cải quân chế, nam bắc phân ra làm 12 vệ, đông tây phân ra 8 vệ. Mỗi vệ có 18 đội, mỗi đội có 18 người. Đại quân thì có 30 đội, trung quân thì có 20 đội. Mỗi doanh có 15 đội, mỗi đoàn có 10 đội. Còn những cấm vệ, thì chỉ có 5 đội, có một người đại tướng thống lĩnh cả.
Giang Phong thấy cách tổ chức như thế phiền phức quá, nên cứ 10 người làm 1 đội, đặt đội trưởng; 10 đội làm 1 đoàn, đặt đoàn trưởng; 10 đoàn làm 1 vệ, đặt vệ úy; 10 vệ làm 1 sư, đặt hiệu úy. Từ vệ úy trở lên đều gọi là tướng quân. Tuy nhiên, hiện tại quân số ít, những đội quân 500 người cũng được xem là 1 vệ, đặt thiếu vệ úy. Tương tự, những đội quân 2, 3 nghìn người thì đặt thiếu hiệu úy thống lĩnh. Triệu Phong chính là thiếu vệ úy.
Quảng Tế Pháp sư thấy cả Triệu Phong cũng đã có việc để làm, vội hỏi :
- Đại nhân. Thế còn thuộc hạ sẽ làm gì ạ ?
Giang Phong mỉm cười nói :
- Ngươi có hai việc quan trọng để làm. Do đó mật ty cũng phải tăng nhân số. Thứ nhất, chú ý Hồ Nguyên Trừng, điều tra những kẻ thân cận với gã. Nghe nói gã này giỏi về hỏa dược và thiết kế các loại thần công đại pháo. Tiếp cận gã thì khó, nhưng tiếp cận đám thủ hạ của gã chắc sẽ dễ dàng hơn. Chủ yếu điều tra thân thế, gia đình của bọn họ. Thứ hai, cử người sang Tàu điều tra về những thợ đóng thuyền giỏi, đặc biệt là Thuyền trường ở Tuyền Châu. Cũng điều tra như đám thủ hạ của Hồ Nguyên Trừng. Nhân tiện chú ý động tĩnh ở những nơi đó.
Quảng Tế Pháp sư hỏi :
- Phải chăng đại nhân định chiêu mộ bọn họ về làm việc cho chúng ta ?
Giang Phong khẽ cười hỏi lại :
- Nếu như bọn họ không theo thì sao ?
Quảng Tế Pháp sư ngẫm nghĩ giây lát, rồi đáp :
- Vậy thì chúng ta phải chịu khó ‘thỉnh’ bọn họ vậy.
Giang Phong gật đầu nói :
- Bọn họ vẫn có thể vì nguyên do gì đó mà mất tích phải không nào ?
Quảng Tế Pháp sư gật đầu khen phải. Giang Phong lại nói :
- Bảo Thế Căng gửi thư về triều, lấy lý do thông thạo địa hình, xin lĩnh đạo Bộ quân nếu như triều đình định chinh phạt Chiêm Thành lần nữa.
Quảng Tế Pháp sư cau mày hỏi :
- Phạm tướng quân thế lực quá lớn rồi, lẽ nào triều đình chịu để cho cầm quân ?
Giang Phong mỉm cười nói :
- Không vấn đề gì đâu. Bởi ở vị trí đó không ai thích hợp hơn Thế Căng. Hơn nữa, đạo Bộ quân chỉ là phụ trợ, hoàn toàn phụ thuộc vào đạo thủy quân. Cứ xem tình hình của gã Trần Tùng thì biết.
Quảng Tế Pháp sư vâng dạ. Không còn việc gì nữa, lão cùng Triệu Phong cáo lui, đi lo việc của mình.