Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc
Chương 12 Tư dung hành doanh (3)
Lại nói, khi nghe báo Đào Anh đã trở về, bọn Giang Phong liền vội trở về Thái An Đại Viện, nơi Giang Phong ở và làm việc, nằm ngay chính giữa hành doanh. Giang Phong sống ở đó, ngay bên cạnh là khu trang viện của chúng thủ hạ, là trung tâm của cả hành doanh, được cư dân gọi là ‘quan lại khu’. Bọn Quảng Tế Pháp sư tuy chỉ là thủ hạ của Giang Phong, không phải quan chức của triều đình, nhưng trong mắt dân chúng không có gì phân biệt cả. Có khác chăng là bọn họ đối xử với dân chúng tốt hơn mà thôi.
Vào trong đại sảnh, thấy Đào Anh mãn diện phong trần, Giang Phong nói :
- Ngươi cũng không cần vất vả quá như thế. Ta chỉ phái ngươi đi theo nắm bắt tình hình thôi, không cần quá khẩn trương. Tin tức biết sớm hay muộn thì cũng vậy cả mà.
Đào Anh vội nói :
- Làm việc cho đại nhân. Thuộc hạ phải tận tâm tận lực.
Giang Phong mỉm cười nói :
- Thôi được rồi. Chuyện thế nào ?
Đào Anh nói :
- Hồi bẩm đại nhân. Trần Đô tướng dẫn quân đi đường núi vào đất Chiêm, nhưng đi cách thủy quân quá xa, hai bên không tiếp ứng được nhau, thành ra bộ quân thiếu lương, phải rút về.
Quảng Tế Pháp sư lắc đầu nói :
- Cơ hội tốt như thế, bỏ qua thật đáng tiếc.
Giang Phong nói :
- Quý Ly muốn giương uy với thiên hạ, bị gã làm hỏng việc, thế nào cũng tức giận. Gã Trần Tùng khó tránh khỏi trọng phạt, nhưng có lẽ không đến nỗi chém đầu.
Quảng Tế Pháp sư ngạc nhiên hỏi :
- Tại sao vậy ạ ?
Giang Phong nói :
- Tội của gã so với Đỗ Tử Bình trước kia còn nhẹ hơn nhiều, ít ra chỉ lỡ việc quân, không đến nỗi hao binh tổn tướng. Hơn nữa đang lúc cần dùng người.
Nói đoạn, Giang Phong bảo Đào Anh về nghỉ ngơi. Gã thật sự đã mệt mỏi lắm rồi. Giang Phong tỏ ra quan tâm thủ hạ như thế, khiến cho chúng thủ hạ cảm động vô cùng. Giang Phong không có khí thế ‘quân lâm thiên hạ’, đứng trên cao ‘phủ thị chúng sinh’, mà thái độ lúc nào cũng hòa nhã, chỉ cần không mất phần oai nghiêm là được. Có thể cách biệt quần chúng, nhưng không thể cách biệt thủ hạ. Đào Anh cáo lui rồi, Quảng Tế Pháp sư hỏi :
- Đại nhân có chủ ý gì không ạ ?
Giang Phong nói :
- Lúc này không có chiến tranh với Chiêm Thành là tốt nhất. Lý Ngân thế nào rồi ?
Quảng Tế Pháp sư nói :
- Hồi đại nhân. Gã vẫn trấn thủ ở Hải Vân Quan. Nơi đó địa thế hiểm yếu. Chỉ cần đóng giữ 1.000 quân ở đó, tin chắc quân Chiêm dù kéo đến 10 vạn cũng không qua được.
Lý Ngân là tướng của Hóa Châu, được cử vào trấn giữ Hải Vân Quan, đúng ra gã ở dưới quyền quản hạt của Phạm Thế Căng, nhưng do nơi đây rất gần Hải Vân Quan, nên cuối cùng gã biến thành thuộc tướng của Giang Phong, trực tiếp nhận lệnh từ Tư Dung hành doanh. Ngay cả Phạm Thế Căng còn phải nghe lệnh Giang Phong, nên gã nhận thấy việc đó cũng bình thường, vui vẻ nhận mệnh. Hải Vân Quan có thể mệnh danh ‘Thiên hạ đệ nhất hùng quan’ đủ thấy địa thế hiểm yếu vô cùng. Giang Phong chưa từng đến đó, nhưng cũng biết nơi đó đường núi nhỏ hẹp, xe đi chẳng lọt, ngựa bước khó khăn. Vì thế mà đại quân nam chinh cứ phải dùng thuyền tải lương. Và gã Bộ quân Đô tướng Trần Tùng mới vì đi xa thủy quân, thiếu lương thực mà phải rút về, làm lỡ chiến cơ.
Giang Phong ngẫm nghĩ một lúc, nói :
- Mặt bộ thì ổn rồi. Chỉ lo mặt biển. Nếu quân Chiêm đi thuyền ra tập kích, có thể gây phiền phức cho chúng ta.
Quảng Tế Pháp sư hỏi :
- Ý đại nhân là chúng ta nên tổ chức thủy quân ?
Giang Phong nói :
- Bảo Cát Ti tăng cường liên hệ với bắc phương, tranh thủ ‘mua’ lại càng nhiều chiến thuyền càng tốt. Tối thiểu phải có được 10 chiếc chiến thuyền, tổ chức thành hạm đội phòng thủ mặt biển.
Quảng Tế Pháp sư nhớ đến các chiến thuyền khổng lồ nhìn thấy hôm trước, gật đầu lia lịa, nói :
- Vâng ạ. Có được hạm đội như thế, chúng ta có thể khống chế được mặt biển, uy hiếp thủy quân của Chiêm Thành.
Giang Phong khẽ mỉm cười, ý đồ của Giang Phong không chỉ có thế, nhưng nói ra lúc này thì quá sớm. Có lẽ phải một, hai năm nữa mới có thể tiến hành. Thời cơ chưa đến. Ngẫm nghĩ một hồi, Giang Phong lại nói :
- Còn hai việc nữa. Thứ nhất, bằng mọi cách tận khả năng thu gom lương thực, càng nhiều càng tốt. Ta muốn đến sang năm có thể tích trữ được tối thiểu 10 vạn thạch lương. Việc này giao cho các thương đoàn lo liệu.
Quảng Tế Pháp sư giật mình, hỏi :
- Đại nhân. Cần nhiều lương thực như thế làm gì ạ ? Ngay cả đại quân chinh phạt Chiêm Thành cũng chỉ dùng đến tối đa 5 vạn thạch lương.
Giang Phong mỉm cười nói :
- Tạm trữ lại đấy, sau này có việc phải dùng. Còn việc thứ hai là chiêu mộ quân đội. Tối thiểu là 5.000 người. Nếu được 1 vạn thì càng tốt.
Quảng Tế Pháp sư cả kinh, nhưng thần sắc khôi phục rất nhanh, hưng phấn hỏi :
- Đại nhân định cử sự ?
Giang Phong mỉm cười nói :
- Cũng đã đến lúc rồi.
Quảng Tế Pháp sư lại hỏi :
- Nhưng 1 vạn có ít quá không ạ ?
Giang Phong nói :
- Không ít đâu, 1 vạn đủ rồi. Nhiều quá khó giữ bí mật. Còn sau này muốn tăng quân, chỉ cần có nhiều ngân lượng, muốn bao nhiêu cũng có.
Giang Phong không định đánh nhau với nhà Hồ, bởi Minh triều luôn lăm le dòm ngó phương nam, thay nhà Hồ rồi lại phải đứng giữa nơi nước sôi lửa bỏng hay sao. Ngay cả Hồ Quý Ly cũng biết sớm muộn gì Minh triều cũng đánh Đại Việt, nên vẫn đang khẩn trương tích trữ lương thảo, thu góp quân đội đấy thôi. Đánh Chiêm Thành chẳng qua là để luyện binh và lập uy mà thôi. Và Giang Phong cũng chưa định đánh Chiêm Thành, bởi lúc này có đánh được cũng khó giữ được. Quảng Tế Pháp sư hoan hỉ nói :
- Vâng ạ. Thuộc hạ sẽ bảo bọn nhỏ lo liệu ngay. Thuộc hạ chờ ngày này lâu lắm rồi.
Giang Phong cười nói :
- Vẫn còn sớm mà. Lúc này chỉ mới chuẩn bị.
Quảng Tế Pháp sư vâng dạ, cáo lui, đi thu xếp mọi chuyện. Giang Phong gọi lại bảo thêm :
- Gọi Cát Ti và Triệu Phong đến đây.
Quảng Tế Pháp sư vâng dạ, đi thu xếp mọi sự. Tất cả mệnh lệnh Giang Phong ban ra, lão đều chấp hành triệt để, xử lý rất nhanh. Mặc dù lão chỉ là người truyền lệnh, nhưng còn kiêm thêm giám sát việc thực hiện, bởi lão phụ trách quản lý lực lượng đặc biệt của Giang Phong, chuyên giám sát công việc, điều tra tin tức, do thám tình báo, … Lão là người theo Giang Phong sớm nhất, được Giang Phong tin tưởng nhất, nên ngoài việc quản lý chính sự còn kiêm quản thêm việc đó.
Hồi lâu sau, Quảng Tế Pháp sư dẫn theo Cát Ti và Triệu Phong đến nơi. Cát Ti là người Chiêm, từng theo chủ nhân là thương buôn đi buôn bán khắp nơi, sau bị bắt rồi theo Giang Phong, và trở thành đại thương nhân; giờ đây gã đã đem cả vợ con đến Tư Dung hành doanh sinh sống trong trang viện rộng lớn của mình. Còn Triệu Phong là hậu duệ của Triệu Trung, tướng nhà Tống sang Đại Việt xin tùng chinh khi nhà Tống bị nhà Nguyên diệt, đã từng theo Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật đánh trận Hàm Tử, phá quân Toa Đô. Quảng Tế Pháp sư lại là người Mường. Trong số thủ hạ của Giang Phong, Việt Chiêm Hán Mường đều có cả, Giang Phong không kỳ thị ai.
Bảo mọi người an tọa, Giang Phong hỏi :
- Cát Ti, nếu muốn mua thêm chiến thuyền, có vấn đề gì không ?
Cát Ti ngẫm nghĩ một lúc, rồi đáp :
- Hồi bẩm đại nhân. Chiến thuyền thì muốn bao nhiêu cũng có. Nhưng lương thuyền và tọa thuyền không có nhiều, muốn có thêm thì phải liên hệ với thủy sư ở mạn Sơn Đông, Giang Tô, phải mất nhiều công sức và thời gian hơn.
Giang Phong hỏi :
- Không có nhiều là được bao nhiêu, chi phí thế nào ?
Cát Ti nói :
- Hồi bẩm đại nhân, mỗi loại chỉ khoảng chục chiếc trở lại thôi. Giá rất rẻ. Lúc trước chúng ta tốn nhiều tiền là vì phải liên hệ làm quen, tạo lập quan hệ. Ngày nay song phương đã hợp tác rồi, nên giá cả rất rõ ràng. Chiến thuyền 1 vạn lượng bạc, tọa thuyền 2 vạn lượng, lương thuyền 3 vạn lượng. Nghe nói sắp tới còn có thể thanh lý một chiếc mã thuyền, có 8 cột buồm, dài 74 trượng Tàu, rộng 30 trượng Tàu, giá 5 vạn lượng.
Giang Phong nói :
- Tốt lắm. Có thể mua được bao nhiêu thì mua hết. Chúng ta cần. À. Các ngươi có đến Đông Doanh lần nào chưa ?
Cát Ti đáp :
- Hồi bẩm đại nhân. Thuộc hạ chỉ mới nghe nói đến, nhưng chưa đến đó lần nào. Nghe nói xứ đó còn nghèo khổ lắm.
Giang Phong mỉm cười nói :
- Xứ đó vật chất còn thiếu thốn, nhưng đặc biệt đồng và vàng có rất nhiều. Ngươi có thể mang hương liệu, ngà voi, tơ lụa, trà sang đó đổi lấy vàng mang về.
Cát Ti ngập ngừng nói :
- Dạ. Bọn thuộc hạ không ai thông thạo tuyến đường đó, có lẽ cần phải tuyển thêm người.
Giang Phong đứng dậy, bảo :
- Các ngươi theo ta vào đây.
Nói đoạn đi vào trong hậu viện. Bọn Cát Ti, Quảng Tế Pháp sư, Triệu Phong tuy không hiểu có chuyện gì, nhưng cũng vội vã đi theo.