Đôn Kihôtê - Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra
Chương 11
ĐÔN KIHÔTÊ VỚI NHỮNG NGƯỜI CHĂN DÊ
Đôn Kihôtê được những người chăn dê đón tiếp rất niềm nở. Xantrô, sau khi thu xếp chỗ nghỉ tươm tất cho Rôxinantê và con lừa của mình, sán ngay đến bên một cái nồi trong có những miếng thịt dê thơm phức, lăm le muốn biết món đó đã chín chưa để còn chuyển nó từ nồi vào dạ dày. Nhưng bác không phải mất công tìm hiểu lâu vì những người chăn dê đã bắc nồi, trải những tấm da dê xuống đất, nhanh nhẹn bày thức ăn, rồi khẩn khoản mời hai người cùng dự. Họ lấy một cái hòm con lật ngược lên, rồi với những nghi lễ cục mịch, mời Đôn Kihôtê ngồi, còn cả bọn sáu người ngồi xệp xuống đất xung quanh những tấm da dê. Xantrô Panxa đứng bên cạnh chủ, tay cầm một cái cốc bằng sừng dê để hầu rượu. Thấy bác không dám ngồi ăn, Đôn Kihôtê nói:
- Xantrô, để anh thấy rằng nghề hiệp sĩ giang hồ cao quý, và những ai có ít nhiều tham gia vào nghề này cũng dễ được hiển vinh và được người đời quý trọng, ta muốn anh ngồi bên cạnh ta cùng ăn với những con người chân chính này; ta muốn anh với chủ anh là một; ta cho anh ăn chung đĩa, uống chung cốc với ta. Có thể nói rằng trong nghề hiệp sĩ giang hồ cũng như trong tình yêu, không có sự phân biệt.
- Xin đa tạ ngài, Xantrô đáp, nhưng cũng xin thưa lại rằng: chỉ cần có thức ăn tốt, tôi đứng ăn một mình còn ngon hơn ngồi cùng bàn với hoàng đế. Hơn thế nữa, thật thà mà nói, dù chỉ có một mẩu bánh với một củ hành nhưng được ngồi một chỗ tự do thoải mái còn hơn mâm cao cỗ đầy nhưng phải nhai nhỏ nhẻ, nhấp từng ngụm nhỏ, luôn luôn chùi mép, muốn hắt hơi không dám hắt hơi, muốn ngáp không được ngáp, hoặc không được làm những điều chỉ có thể làm khi vắng vẻ tự do. Bởi vậy, thưa ông chủ, về phần vinh dự ngài dành cho vì tôi có tham gia vào cái nghề hiệp sĩ giang hồ và đi làm giám mã hầu ngài, xin hãy biến nó thành những vật có ích hơn cho tôi. Tôi không dám chê phần vinh dự ngài dành cho, nhưng suốt đời tôi sẽ không nhận đâu.
- Dù thế nào anh cũng phải ngồi xuống đây vì rằng người nào tự hạ mình xuống, Chúa sẽ nâng họ lên.
Rồi Đôn Kihôtê nắm cánh tay Xantrô Panxa, bắt ngồi xuống bên cạnh.
Trước ngôn ngữ của bác giám mã và hiệp sĩ giang hồ, mấy bác chăn dê chẳng hiểu gì hết. Họ lặng yên vừa ăn, vừa nhìn hai người khách nhai ngấu nghiến một cách ngon lành những miếng thịt to bằng nắm tay. Sau món thịt dê, chủ mang ra món hạt dẻ rừng cùng một miếng phó-mát rắn như đá. Trong khi đó, cái cốc rượu bằng sừng không đứng yên một chỗ; nó cứ chạy vòng quanh mâm (lúc đầy, lúc vơi, giống như cái gầu tát nước), và chỉ trong chốc lát, một trong hai cái bao đựng rượu bằng da dê đã cạn. Sau khi đã thỏa mãn cái dạ dày, Đôn Kihôtê bốc một nắm hạt dẻ đưa lên nhìn chăm chú, rồi nói:
- Ôi thời đại hạnh phúc và những thế kỷ hạnh phúc đã qua mà người xưa gọi là thời đại hoàng kim! Người ta gọi như vậy không phải vì thời đó dễ kiếm được vàng - một của hiếm trong thời đại thiết khí ngày nay - mà vì rằng khi đó mọi người không biết tới những chữ của anh, của tôi. Thời kỳ thần tiên ấy, muôn sự đều là của chung: muốn có cái ăn, người ta chỉ cần với tay lên những cành sồi to là có ngay những trái quả thơm ngon. Những dòng suối mát và những con sông đầy phè là một nguồn nước dồi dào vừa trong vừa ngọt. Những con ong chăm chỉ khéo léo làm tổ trong khe đá, hốc cây và cho con người một cách vô tư những dòng mật thơm ngon, kết quả của một sự lao động rất tinh vi. Những cây sồi điển điển dũng cảm sẵn sàng tự lột mình, cung cấp cho con người những tấm vỏ cây nhẹ để lợp nhà, những cái nhà dựng trên cột gỗ sơ sài, cốt sao che được nắng mưa. Thời ấy, người ta sống thanh bình, thân ái hòa hợp. Chiếc lưỡi cày nặng nề không dám tự tiện sục sâu vào lòng đất; chính trái đất đã hiến cho con người những khoảnh màu mỡ, bao la, khiến cho họ được ấm no, hạnh phúc. Thời ấy, trong các thung lũng, trên những quả đồi, có những cô gái chăn cừu mộc mạc, xinh đẹp, đầu trần, tóc tết đuôi sam; họ ăn vận giản dị, vừa đủ để che thân, theo đúng phong hóa vẫn có từ xưa, khác hẳn cách trang sức ngày nay chỉ ưa dùng màu huyết dụ và làm khổ những hàng tơ lụa. Đồ trang sức của họ bằng lá ngưu bàng và lá trường xuân đằng; và trông họ cũng lộng lẫy, duyên dáng như những mệnh phụ đời nay trong những bộ y phục đắt tiền, cầu kỳ mà người ta đã tốn công phát minh ra. Tình yêu xuất phát tự đáy lòng, chân thật và đơn giản, chẳng cần tô điểm bằng những lời hoa mỹ, uốn **. Thời đó, thật giả, vàng thau không lẫn lộn. Công lý được hiểu theo đúng nghĩa của nó, không bị sự thiên vị hay tư lợi chi phối, lũng đoạn như ngày nay. Quan tòa không phải buộc tội ai cả vì không có việc để xét và cũng chẳng có ai để xử. Như đã nói, những cô thiếu nữ trong trắng, sống lẻ loi, không lo bị ai cám dỗ, và nếu họ có sa ngã là tại họ mà thôi. Ở thời đại đáng ghét này của chúng ta, không một cô gái nào được sống yên ổn dù họ ở nơi kín cổng cao tường, vì rằng qua những khe hở và bằng không khí, những nọc độc của tình yêu sẽ lọt được vào, và thế là mọi sự đều đảo lộn. Thói đời ngày càng đen bạc, và để giữ được trật tự xã hội, về sau này người ta đã lập ra hiệp sĩ đạo để bênh vực những cô thiếu nữ, che chở những bà quả phụ, cứu vớt những em bé mồ côi và những kẻ khốn cùng. Anh em chăn dê, tôi cũng là một hiệp sĩ, và tôi xin cảm ơn anh em đã ân cần tiếp đãi tôi và giám mã của tôi. Theo lẽ tự nhiên, mọi người đều phải ưu đãi các hiệp sĩ giang hồ; anh em ở đây tuy không biết điều đó nhưng đã đón tiếp tôi và thết cơm rượu tử tế, cho nên tôi phải hết lòng cảm tạ anh em.
Sở dĩ chàng hiệp sĩ của chúng ta đọc một bài diễn văn dài như vậy (ta cũng sẵn sàng miễn thứ cho chàng) vì món hạt dẻ rừng trong bữa ăn đã nhắc nhở chàng thời đại hoàng kim xưa khiến chàng tuôn ra một tràng lý luận chẳng bổ ích gì cho các bác chăn dê cả. Họ lặng yên ngồi nghe, lấy làm ngạc nhiên lắm. Xantrô Panxa cũng ngồi một chỗ nhai hạt dẻ, chốc chốc lại tới thăm cái bao đựng rượu thứ hai treo trên một cây sồi để giữ cho rượu được lạnh.
Thấy Đôn Kihôtê đã nói xong - bài diễn văn của chàng còn dài hơn cả một bữa ăn - một bác chăn dê lên tiếng:
- Thưa ngài hiệp sĩ giang hồ, để ngài thấy rõ hơn rằng chúng tôi đã thết đãi ngài với tất cả tấm thịnh tình và để làm vui lòng ngài, một người anh em chúng tôi sắp tới đây bây giờ sẽ hát hầu ngài một bài. Anh này còn trẻ, tài hoa và tình tứ lắm; đặc biệt là anh ta biết đọc, biết viết và kéo nhị thì không ai bằng.
Bác chăn dê vừa dứt lời đã thấy có tiếng nhị vẳng lại và lát sau hiện ra người kéo đàn. Đó là một chàng thanh niên trạc hai mươi tuổi, nom rất xinh trai. Mọi người hỏi anh đã ăn uống gì chưa, anh đáp ăn rồi; bác chăn dê bèn bảo:
- Nếu vậy, Antôniô hãy hát cho chúng tôi nghe để quý khách đây thấy rằng ở chốn sơn lâm này cũng có kẻ biết ca nhạc. Tôi vừa giới thiệu với ngài khách đây về tài năng của anh, vậy anh hãy trổ tài để chứng minh lời nói của tôi. Nào, ngồi xuống đây hát cho chúng tôi nghe bài hát ca ngợi mối tình của anh do chú anh soạn ra; dân làng thích bài ấy lắm.
- Xin vui lòng, chàng thanh niên đáp, không để mọi người phải yêu cầu thêm; anh ngồi lên thân một cây sồi cụt ngọn, so lại dây đàn, rồi với một vẻ rất duyên dáng, hát lên rằng:
"Ôlaia, ta biết em không từ chối
Dù em không hề bảo em yêu
Dù cả đôi mắt em không nói
Ngôn từ im lặng của tình yêu.
Vì ta đinh ninh em đã hiểu
Ta đặt niềm tin tưởng vào em
Có bao giờ ai đang tâm hắt hủi
Khi đôi lứa đã thấu nỗi lòng nhau.
Nhưng sao đôi phen ta cảm thấy
Ôlaia, em lạnh nhạt thờ ơ
Tâm hồn em phải chăng đá tảng
Hay tim em băng giá tự bao giờ?
Nhưng ngay trong những lời em trách móc
Những phút giây em hờ hững lánh xa
Một tia lửa vẫn nhen lên rực cháy
Thổi bùng niềm hy vọng của lòng ta.
Ta luôn giữ đức tin bền vững
Dù sự đời thành bại, buồn vui
Nhưng giờ đây bỗng nhiên ta cảm thấy
Niềm tin kia ai đã phụ rồi.
Em ơi, nếu tình yêu là phong nhã
Như với ta em bày tỏ tháng ngày
Niềm hy vọng sẽ thành sự thật
Sự thật ta hằng mơ tưởng bấy nay.
Nếu những cử chỉ ân cần trìu mến
Đủ diệu kỳ để chinh phục lòng ai
Ta vững tin em không lạnh nhạt
Những phút giây ta chăm chú đón mời.
Ta há chẳng muốn đẹp lòng người đẹp
Ngày lại ngày ta nào có tiếc công
Y phục xênh xang chỉnh tề như đi hội
Ôlaia, em có biết cho không?
Tình yêu với hào hoa phong nhã
Thường sánh vai trên một con đường
Ta vẫn dằn lòng mỗi lần gặp mặt
Giữ cho mình ý nhị, nghiêm trang.
Vì em, ta lánh nơi dạ hội
Ta không hát lại những bài ca
Mà những lúc đêm khuya trời rạng
Em vẫn thường nghe vọng nơi xa.
Kể sao hết những lời ca ngợi
Dành cho em, người thiếu nữ đẹp xinh
Những lời ca chân thành nồng nhiệt
Đã khiến bao cô gái bất bình
Vì ta ngợi ca em nhiều quá
Têrêxa có lần giễu cợt ta:
"Ai kia tưởng yêu thần sắc đẹp
Nào ngờ ôm bóng quỷ dạ xoa
Con quỷ đeo đầy mình trang sức
Độn tóc xanh cho trẻ cho xinh
Bằng cái vỏ bề ngoài dối giả
Quyến rũ bao nhiêu gã si tình"
Ta đối lại, Têrêxa tức giận
Gọi anh ra sinh sự với ta
Y thách thức ta, và em biết
Có chuyện không lành đã xảy ra.
Ta yêu em bằng mối tình chân chính
Không mảy may vì mục đích tầm thường
Không mảy may nhỏ nhen lợi dụng
Tình của ta trong sáng như gương.
Giáo hội dệt những sợi dây bền chặt
Dây lụa dây tơ óng nuột dịu mềm
Hãy đưa tay để dây kia trói buộc
Đôi lứa mình chung sống bách niên.
Bằng không ta xin thề cùng Chúa
Chúa muôn loài chứng giám lời nguyền
Ta sẽ rời khỏi nơi đây rừng rú
Làm tôi Người mãi mãi, đấng linh thiêng".
Chàng chăn dê hát xong, Đôn Kihôtê yêu cầu hát nữa nhưng Xantrô không tán thành vì bác thích đi ngủ hơn nghe hát. Bác nói với chủ:
- Xin ngài hãy đi kiếm chỗ ngủ đêm nay thì hơn; các bác đây đã phải làm việc cả ngày cho nên họ không thể thức suốt đêm để ca hát được.
- Này Xantrô, ta biết tỏng đi rồi; chẳng qua anh thăm hỏi bao rượu quá nhiều nên bây giờ cần ngủ hơn nghe âm nhạc đó thôi.
- Ơn nhờ Thượng đế, cái bao rượu đó là bạn thân của tất cả chúng ta ở đây.
- Ta không chối cãi, nhưng nếu anh muốn ngủ thì cứ việc đi kiếm chỗ. Những người làm cái nghề của ta thức nhiều hơn ngủ. Trước đó, hãy băng bó cái tai cho ta đã vì nó làm ta đau đớn quá chừng.
Xantrô định đi lấy thuốc thì một bác chăn dê nhìn thấy vết thương bèn ngăn lại, bảo rằng bác có một môn thuốc đắp vào khỏi liền. Bác đi hái một nắm lá mê điệt - lá này mọc rất nhiều ở đây - bỏ vào mồm nhai, trộn thêm chút muối, đắp vào cái tai đau của Đôn Kihôtê rồi băng lại tử tế. Bác cam đoan không cần phải dùng một thứ thuốc nào khác nữa, và quả nhiên như vậy.
Đôn Kihôtê được những người chăn dê đón tiếp rất niềm nở. Xantrô, sau khi thu xếp chỗ nghỉ tươm tất cho Rôxinantê và con lừa của mình, sán ngay đến bên một cái nồi trong có những miếng thịt dê thơm phức, lăm le muốn biết món đó đã chín chưa để còn chuyển nó từ nồi vào dạ dày. Nhưng bác không phải mất công tìm hiểu lâu vì những người chăn dê đã bắc nồi, trải những tấm da dê xuống đất, nhanh nhẹn bày thức ăn, rồi khẩn khoản mời hai người cùng dự. Họ lấy một cái hòm con lật ngược lên, rồi với những nghi lễ cục mịch, mời Đôn Kihôtê ngồi, còn cả bọn sáu người ngồi xệp xuống đất xung quanh những tấm da dê. Xantrô Panxa đứng bên cạnh chủ, tay cầm một cái cốc bằng sừng dê để hầu rượu. Thấy bác không dám ngồi ăn, Đôn Kihôtê nói:
- Xantrô, để anh thấy rằng nghề hiệp sĩ giang hồ cao quý, và những ai có ít nhiều tham gia vào nghề này cũng dễ được hiển vinh và được người đời quý trọng, ta muốn anh ngồi bên cạnh ta cùng ăn với những con người chân chính này; ta muốn anh với chủ anh là một; ta cho anh ăn chung đĩa, uống chung cốc với ta. Có thể nói rằng trong nghề hiệp sĩ giang hồ cũng như trong tình yêu, không có sự phân biệt.
- Xin đa tạ ngài, Xantrô đáp, nhưng cũng xin thưa lại rằng: chỉ cần có thức ăn tốt, tôi đứng ăn một mình còn ngon hơn ngồi cùng bàn với hoàng đế. Hơn thế nữa, thật thà mà nói, dù chỉ có một mẩu bánh với một củ hành nhưng được ngồi một chỗ tự do thoải mái còn hơn mâm cao cỗ đầy nhưng phải nhai nhỏ nhẻ, nhấp từng ngụm nhỏ, luôn luôn chùi mép, muốn hắt hơi không dám hắt hơi, muốn ngáp không được ngáp, hoặc không được làm những điều chỉ có thể làm khi vắng vẻ tự do. Bởi vậy, thưa ông chủ, về phần vinh dự ngài dành cho vì tôi có tham gia vào cái nghề hiệp sĩ giang hồ và đi làm giám mã hầu ngài, xin hãy biến nó thành những vật có ích hơn cho tôi. Tôi không dám chê phần vinh dự ngài dành cho, nhưng suốt đời tôi sẽ không nhận đâu.
- Dù thế nào anh cũng phải ngồi xuống đây vì rằng người nào tự hạ mình xuống, Chúa sẽ nâng họ lên.
Rồi Đôn Kihôtê nắm cánh tay Xantrô Panxa, bắt ngồi xuống bên cạnh.
Trước ngôn ngữ của bác giám mã và hiệp sĩ giang hồ, mấy bác chăn dê chẳng hiểu gì hết. Họ lặng yên vừa ăn, vừa nhìn hai người khách nhai ngấu nghiến một cách ngon lành những miếng thịt to bằng nắm tay. Sau món thịt dê, chủ mang ra món hạt dẻ rừng cùng một miếng phó-mát rắn như đá. Trong khi đó, cái cốc rượu bằng sừng không đứng yên một chỗ; nó cứ chạy vòng quanh mâm (lúc đầy, lúc vơi, giống như cái gầu tát nước), và chỉ trong chốc lát, một trong hai cái bao đựng rượu bằng da dê đã cạn. Sau khi đã thỏa mãn cái dạ dày, Đôn Kihôtê bốc một nắm hạt dẻ đưa lên nhìn chăm chú, rồi nói:
- Ôi thời đại hạnh phúc và những thế kỷ hạnh phúc đã qua mà người xưa gọi là thời đại hoàng kim! Người ta gọi như vậy không phải vì thời đó dễ kiếm được vàng - một của hiếm trong thời đại thiết khí ngày nay - mà vì rằng khi đó mọi người không biết tới những chữ của anh, của tôi. Thời kỳ thần tiên ấy, muôn sự đều là của chung: muốn có cái ăn, người ta chỉ cần với tay lên những cành sồi to là có ngay những trái quả thơm ngon. Những dòng suối mát và những con sông đầy phè là một nguồn nước dồi dào vừa trong vừa ngọt. Những con ong chăm chỉ khéo léo làm tổ trong khe đá, hốc cây và cho con người một cách vô tư những dòng mật thơm ngon, kết quả của một sự lao động rất tinh vi. Những cây sồi điển điển dũng cảm sẵn sàng tự lột mình, cung cấp cho con người những tấm vỏ cây nhẹ để lợp nhà, những cái nhà dựng trên cột gỗ sơ sài, cốt sao che được nắng mưa. Thời ấy, người ta sống thanh bình, thân ái hòa hợp. Chiếc lưỡi cày nặng nề không dám tự tiện sục sâu vào lòng đất; chính trái đất đã hiến cho con người những khoảnh màu mỡ, bao la, khiến cho họ được ấm no, hạnh phúc. Thời ấy, trong các thung lũng, trên những quả đồi, có những cô gái chăn cừu mộc mạc, xinh đẹp, đầu trần, tóc tết đuôi sam; họ ăn vận giản dị, vừa đủ để che thân, theo đúng phong hóa vẫn có từ xưa, khác hẳn cách trang sức ngày nay chỉ ưa dùng màu huyết dụ và làm khổ những hàng tơ lụa. Đồ trang sức của họ bằng lá ngưu bàng và lá trường xuân đằng; và trông họ cũng lộng lẫy, duyên dáng như những mệnh phụ đời nay trong những bộ y phục đắt tiền, cầu kỳ mà người ta đã tốn công phát minh ra. Tình yêu xuất phát tự đáy lòng, chân thật và đơn giản, chẳng cần tô điểm bằng những lời hoa mỹ, uốn **. Thời đó, thật giả, vàng thau không lẫn lộn. Công lý được hiểu theo đúng nghĩa của nó, không bị sự thiên vị hay tư lợi chi phối, lũng đoạn như ngày nay. Quan tòa không phải buộc tội ai cả vì không có việc để xét và cũng chẳng có ai để xử. Như đã nói, những cô thiếu nữ trong trắng, sống lẻ loi, không lo bị ai cám dỗ, và nếu họ có sa ngã là tại họ mà thôi. Ở thời đại đáng ghét này của chúng ta, không một cô gái nào được sống yên ổn dù họ ở nơi kín cổng cao tường, vì rằng qua những khe hở và bằng không khí, những nọc độc của tình yêu sẽ lọt được vào, và thế là mọi sự đều đảo lộn. Thói đời ngày càng đen bạc, và để giữ được trật tự xã hội, về sau này người ta đã lập ra hiệp sĩ đạo để bênh vực những cô thiếu nữ, che chở những bà quả phụ, cứu vớt những em bé mồ côi và những kẻ khốn cùng. Anh em chăn dê, tôi cũng là một hiệp sĩ, và tôi xin cảm ơn anh em đã ân cần tiếp đãi tôi và giám mã của tôi. Theo lẽ tự nhiên, mọi người đều phải ưu đãi các hiệp sĩ giang hồ; anh em ở đây tuy không biết điều đó nhưng đã đón tiếp tôi và thết cơm rượu tử tế, cho nên tôi phải hết lòng cảm tạ anh em.
Sở dĩ chàng hiệp sĩ của chúng ta đọc một bài diễn văn dài như vậy (ta cũng sẵn sàng miễn thứ cho chàng) vì món hạt dẻ rừng trong bữa ăn đã nhắc nhở chàng thời đại hoàng kim xưa khiến chàng tuôn ra một tràng lý luận chẳng bổ ích gì cho các bác chăn dê cả. Họ lặng yên ngồi nghe, lấy làm ngạc nhiên lắm. Xantrô Panxa cũng ngồi một chỗ nhai hạt dẻ, chốc chốc lại tới thăm cái bao đựng rượu thứ hai treo trên một cây sồi để giữ cho rượu được lạnh.
Thấy Đôn Kihôtê đã nói xong - bài diễn văn của chàng còn dài hơn cả một bữa ăn - một bác chăn dê lên tiếng:
- Thưa ngài hiệp sĩ giang hồ, để ngài thấy rõ hơn rằng chúng tôi đã thết đãi ngài với tất cả tấm thịnh tình và để làm vui lòng ngài, một người anh em chúng tôi sắp tới đây bây giờ sẽ hát hầu ngài một bài. Anh này còn trẻ, tài hoa và tình tứ lắm; đặc biệt là anh ta biết đọc, biết viết và kéo nhị thì không ai bằng.
Bác chăn dê vừa dứt lời đã thấy có tiếng nhị vẳng lại và lát sau hiện ra người kéo đàn. Đó là một chàng thanh niên trạc hai mươi tuổi, nom rất xinh trai. Mọi người hỏi anh đã ăn uống gì chưa, anh đáp ăn rồi; bác chăn dê bèn bảo:
- Nếu vậy, Antôniô hãy hát cho chúng tôi nghe để quý khách đây thấy rằng ở chốn sơn lâm này cũng có kẻ biết ca nhạc. Tôi vừa giới thiệu với ngài khách đây về tài năng của anh, vậy anh hãy trổ tài để chứng minh lời nói của tôi. Nào, ngồi xuống đây hát cho chúng tôi nghe bài hát ca ngợi mối tình của anh do chú anh soạn ra; dân làng thích bài ấy lắm.
- Xin vui lòng, chàng thanh niên đáp, không để mọi người phải yêu cầu thêm; anh ngồi lên thân một cây sồi cụt ngọn, so lại dây đàn, rồi với một vẻ rất duyên dáng, hát lên rằng:
"Ôlaia, ta biết em không từ chối
Dù em không hề bảo em yêu
Dù cả đôi mắt em không nói
Ngôn từ im lặng của tình yêu.
Vì ta đinh ninh em đã hiểu
Ta đặt niềm tin tưởng vào em
Có bao giờ ai đang tâm hắt hủi
Khi đôi lứa đã thấu nỗi lòng nhau.
Nhưng sao đôi phen ta cảm thấy
Ôlaia, em lạnh nhạt thờ ơ
Tâm hồn em phải chăng đá tảng
Hay tim em băng giá tự bao giờ?
Nhưng ngay trong những lời em trách móc
Những phút giây em hờ hững lánh xa
Một tia lửa vẫn nhen lên rực cháy
Thổi bùng niềm hy vọng của lòng ta.
Ta luôn giữ đức tin bền vững
Dù sự đời thành bại, buồn vui
Nhưng giờ đây bỗng nhiên ta cảm thấy
Niềm tin kia ai đã phụ rồi.
Em ơi, nếu tình yêu là phong nhã
Như với ta em bày tỏ tháng ngày
Niềm hy vọng sẽ thành sự thật
Sự thật ta hằng mơ tưởng bấy nay.
Nếu những cử chỉ ân cần trìu mến
Đủ diệu kỳ để chinh phục lòng ai
Ta vững tin em không lạnh nhạt
Những phút giây ta chăm chú đón mời.
Ta há chẳng muốn đẹp lòng người đẹp
Ngày lại ngày ta nào có tiếc công
Y phục xênh xang chỉnh tề như đi hội
Ôlaia, em có biết cho không?
Tình yêu với hào hoa phong nhã
Thường sánh vai trên một con đường
Ta vẫn dằn lòng mỗi lần gặp mặt
Giữ cho mình ý nhị, nghiêm trang.
Vì em, ta lánh nơi dạ hội
Ta không hát lại những bài ca
Mà những lúc đêm khuya trời rạng
Em vẫn thường nghe vọng nơi xa.
Kể sao hết những lời ca ngợi
Dành cho em, người thiếu nữ đẹp xinh
Những lời ca chân thành nồng nhiệt
Đã khiến bao cô gái bất bình
Vì ta ngợi ca em nhiều quá
Têrêxa có lần giễu cợt ta:
"Ai kia tưởng yêu thần sắc đẹp
Nào ngờ ôm bóng quỷ dạ xoa
Con quỷ đeo đầy mình trang sức
Độn tóc xanh cho trẻ cho xinh
Bằng cái vỏ bề ngoài dối giả
Quyến rũ bao nhiêu gã si tình"
Ta đối lại, Têrêxa tức giận
Gọi anh ra sinh sự với ta
Y thách thức ta, và em biết
Có chuyện không lành đã xảy ra.
Ta yêu em bằng mối tình chân chính
Không mảy may vì mục đích tầm thường
Không mảy may nhỏ nhen lợi dụng
Tình của ta trong sáng như gương.
Giáo hội dệt những sợi dây bền chặt
Dây lụa dây tơ óng nuột dịu mềm
Hãy đưa tay để dây kia trói buộc
Đôi lứa mình chung sống bách niên.
Bằng không ta xin thề cùng Chúa
Chúa muôn loài chứng giám lời nguyền
Ta sẽ rời khỏi nơi đây rừng rú
Làm tôi Người mãi mãi, đấng linh thiêng".
Chàng chăn dê hát xong, Đôn Kihôtê yêu cầu hát nữa nhưng Xantrô không tán thành vì bác thích đi ngủ hơn nghe hát. Bác nói với chủ:
- Xin ngài hãy đi kiếm chỗ ngủ đêm nay thì hơn; các bác đây đã phải làm việc cả ngày cho nên họ không thể thức suốt đêm để ca hát được.
- Này Xantrô, ta biết tỏng đi rồi; chẳng qua anh thăm hỏi bao rượu quá nhiều nên bây giờ cần ngủ hơn nghe âm nhạc đó thôi.
- Ơn nhờ Thượng đế, cái bao rượu đó là bạn thân của tất cả chúng ta ở đây.
- Ta không chối cãi, nhưng nếu anh muốn ngủ thì cứ việc đi kiếm chỗ. Những người làm cái nghề của ta thức nhiều hơn ngủ. Trước đó, hãy băng bó cái tai cho ta đã vì nó làm ta đau đớn quá chừng.
Xantrô định đi lấy thuốc thì một bác chăn dê nhìn thấy vết thương bèn ngăn lại, bảo rằng bác có một môn thuốc đắp vào khỏi liền. Bác đi hái một nắm lá mê điệt - lá này mọc rất nhiều ở đây - bỏ vào mồm nhai, trộn thêm chút muối, đắp vào cái tai đau của Đôn Kihôtê rồi băng lại tử tế. Bác cam đoan không cần phải dùng một thứ thuốc nào khác nữa, và quả nhiên như vậy.
Tác giả :
Miguel De Cervantes