Dám Kháng Chỉ? Chém!
Chương 6: Trấn áp bằng vũ lực và dụ dỗ
Nghe nói xưa nay nữ nhân trong hậu cung khi đấu đá nhau nghĩ ra những chiêu rất sáng tạo, sửa cũ thành mới. Từ khi quận chúa Ngọc Tranh tới, đã giúp kẻ kiến thức nông cạn là ta được mở rộng tầm mắt.
Tần Ngọc Tranh xuất thân từ hoàng tộc, Duệ Vương phủ có thể so với một tiểu hậu cung, nàng ta thường ngày nghe quen tai, nhìn quen mắt, tinh thông lĩnh vực này, đánh đến khi ta thảm hại mới cho về.
Tuyệt chiêu số một: Vừa ăn cắp vừa la làng.
Ngày hôm sau, nàng ta xắn tay áo mình ngay trước mặt Yến Bình, chỉ vào mấy vết roi nhìn thấy mà đau lòng trên cổ tay trắng bóc kia, đau đớn kể lể hành vi ác độc của ta.
“Yến lang, chàng nhất định phải đòi lại công bằng cho thiếp. Hôm qua thiếp đợi Yến tiểu lang trước cổng nhà hắn cả ngày, khó khăn lắm mới gặp được, chỉ xin hắn lúc đi chơi cùng chàng có thể đưa thiếp theo, nào ngờ… nào ngờ hắn cho người quất roi…” Để thể hiện sự thương tâm tột cùng, những giọt nước mắt thỏa đáng cùng bờ vai khẽ run lên như không chịu nỗi áp lực chính là vũ khí thiết yếu.
Ta ngây người ngay tức khắc.
Đây gọi là làm sai còn đổ thừa, tuyết rơi giữa tháng Sáu [1], đổi trắng thay đen, hàm oan khó giải đó ư?
[1] Câu “Tuyết rơi giữa tháng Sáu” bắt nguồn từ truyện “Nỗi oan Đậu Nga”, là vở tạp kịch do Quan Hán Khanh soạn sau năm 1291, nội dung kể về một người đàn bà bình thường chết oan, khiến trời đất cũng phải rung động, phán ánh tinh thần phản kháng quyết liệt của nông dân đối với ách thống trị nhà Nguyên. Trong vở kịch, khi nàng Đậu Nga bị hàm oan, trước khi hết, nàng đã thề rằng: Tuyết sẽ rơi giữa tháng Sáu, che phủ cho xác nàng, địa phương đó sẽ hạn hán ba năm liền. Sau khi nàng chết, từng lời thề được ứng nghiệm.
Ta chính là ví dụ sinh động của hiện thực tàn khốc đây này!
Nếu ta dùng cùng một thủ đoạn, lúc này vén tay áo cho Yến Bình nhìn vết thương trên cánh tay mình, hắn nhất định sẽ tưởng rằng vết thương này do cha ta đánh đòn.
Dù sao sở thích của Nhiếp chính vương đại nhân ngoài việc uống rượu với Binh bộ lão Thượng thư ra, còn lại chính là ném then cài cửa, tiện thể tẩn luôn con trai duy nhất của mình…
Khắp triều ai ai cũng biết.
Trong cuộc chiến với tình địch, nữ nhân ra tay bất ngờ, tàn nhẫn với bản thân một chút, có lúc lại là pháp bảo vô song để chiến thắng!
Về mặt này, đại diện xuất sắc nhất thời xưa có nữ Hoàng đế vĩ đại – người đã bóp chết con gái ruột của mình – Võ Tắc Thiên, gần đây lại có quận chúa Ngọc Tranh của Duệ Vương phủ.
Ta trơ mắt nhìn Yến Bình dịu dàng kéo tay áo nàng ta xuống, ánh nhìn mềm mại tựa nước chảy dịu êm, rồi hắn quay đầu liếc ta bằng đôi mắt băng giá như ngày đông, trách ta không biết thương hoa tiếc ngọc.
Ta không làm nổi chuyện chẳng thương hoa tiếc ngọc này, việc ta muốn nhất là được thương hoa, được tiếc ngọc ấy. Hiềm một nỗi, xưa nay chẳng ai cho ta cơ hội.
Yến Bình chưa cần quở trách, ta đã hận không thể tự sát luôn cho rồi. Nhưng nghĩ đến cha trăm năm sau không ai cung phụng hương khói, ta đành tiếp tục nhẫn nhịn.
Tuyệt chiêu số hai: Dệt hoa trên gấm.
Ai ai cũng biết ta là nam nhân.
Nam nhân đương nhiên phải bộc trực hào phóng rồi.
Từ xưa đến nay, để có thể sắm vai nam nhân giống thật một chút, ta đã quen học theo cha, có lúc ta lén theo sau, im lặng mô phỏng hành động của ông, bị bác Đồng nhìn thấy rồi cứ cười mãi không thôi.
Sau này có một lần bác nói: “Tiểu lang, nếu trên mặt cháu thêm chút râu như lão gia, khoác thêm áo choàng của lão gia, thì đúng là giống ông ấy như hai giọt nước.”
Khi đó ta đang học theo cha ném then cửa, trong lúc xúc động, ta bắt chước động tác quen thuộc của cha liền rút then cài cửa, chưa kịp nhìn rõ đã ném ngay ra ngoài.
Chỉ nghe thấy một tiếng kêu thảm thiết, thôi xong, ta thò đầu ra nhìn thử… then cửa đập trúng ngay cha ta vừa triều về nhà.
Ông đã quen quăng then cài, lúc này khi vai trò đột ngột thay đổi, phản ứng có chút chậm chạp, bị thứ này đập vào trán liền nổi ngay cục u bự chảng.
… Chẹp, cha vẫn phải luyện phản ứng nhanh nhạy dài dài.
Sau đó đương nhiên là ta lại bị đánh một trận nên thân.
Bởi vậy, trừ việc hận không thể tìm một người chèn ép áp đặt, ra sức bắt nạt một phen ra, những thứ còn lại ta học được từ cha chính là chủ nghĩa độc tài: Trấn áp bằng vũ lực. Còn về chiêu lôi kéo dụ dỗ gì đó… nghe nói ông thường sử dụng với kẻ thù chính trị trên triều đường, dù sao thì ông cũng chưa từng dùng với ta nên hiện tại ta vẫn chưa học được.
Còn Yến Bình rõ ràng không thích hợp với việc trấn áp bằng vũ lực.
Vẫn là Tần Ngọc Tranh giúp ta lần đầu biết rằng lô kéo dụ dỗ cũng có nhiều phong cách đa dạng. Quá trình ngoạn mục ấy bắt đầu từ việc lo chu đáo mọi mặt, khiến nam nhân phải giao nộp vũ khí đầu hàng trước sự dịu dàng, chấp nhận thất bại hoàn toàn và chôn thân nửa đời còn lại với nàng. Nếu như Tần Ngọc Tranh không phải tình địch, ta chắc chắn sẽ nhiệt liệt tán thưởng.
Từ sau vụ nàng ta khóc lóc kể lể hôm đó, mười lần đi chơi thì tám chín lần có bóng dáng nàng ta.
Ngày mưa, nàng ta sẽ mang theo một chiếc áo khoác tự tay mình may cho Yến Bình.
Ngày nắng, nàng ta sẽ mang theo một chung đựng canh ngân nhĩ hạnh nhân thanh hỏa nhuận phế cho Yến Bình.
…
Ta thất bại liên tiếp, hận không thể hóa thân thành nữ tử dịu dàng thùy mị, đi theo chăm sóc Yến Bình như thế kia.
Kỳ thực, thời niên thiếu, người mà ta muốn trở thành nhất không phải bản thân ta, mà là tình địch của ta – Tần Ngọc Tranh, nói ra thực khiến người khác khó mà tin nổi.
Ta còn chưa kịp nghĩ kế phản kích, thông tin ta tranh giành nam nhân với Tần Ngọc Tranh đã ầm ĩ đến nỗi khắp triều ai ai cũng biết.
Cha ta nổi trận lôi đình.
Bây giờ ông quyền cao chức trọng, chuyện chính sự nhiều vô kể, chẳng dễ dàng gì mới dành ra được chút thời gian về nhà, nhưng khi ấy đã là cuối ngày, nhà nhà đốt lửa lên đèn.
Hôm nay vừa hay Tần Ngọc Tranh mệt mỏi trong người phải ở trong phủ tĩnh dưỡng. ta cảm thấy đây đúng là cơ hội tốt trời ban, liền hẹn Yến Bình đi chơi đêm ở Đông hồ, không ngờ lại bị cha chặn trước cửa, hét ầm lên “Nghịch tử, ngươi đi đâu?” Dọa ta sợ hết hồn.
Ta nhìn thấy gương mặt tái nhợt của ông từ trong ánh đèn, lê bước qua cười nịnh nọt dìu ông: “Là con thấy trời tối rồi nên ra cổng đợi cha ấy mà.”
“Cái đồ lẻo mép!” Ông hừ lạnh một tiếng, đẩy tar a, sải bước tiến vào, “Ta trông ngươi chẳng có vẻ gì là đón ta hết mà đi đón thằng tiểu tử họ Yến kìa!”
Bước chân ta bỗng sững lại.
Từ khi cha làm Nhiếp chính vương, dặn đi dặn lại ta phải tránh xa Yến Bình một chút.
Ngay cả bác Đồng cũng khuyên nhủ hết nước hết cái: “Tiểu lang, cha con nhà họ Yến, lớn là lão hồ ly, bé là tiểu hồ ly, đứa nhỏ không có mắt nhìn người như cháu tốt nhất nên tránh xa một chút.”
Trước giờ ta không can hệ đến chuyện tranh quyền trục lợi trong triều, câu nói của bác Đồng ta nghe tai này ra tai kia. Nhưng hình như hôm nay cha rất tức giận, ta đâu dám nhiều lời. Ông véo tai ta lôi vào nhà, lại quát tháo lệnh cho An Thanh trông cửa phủ cẩn thận, định tiến công không cho địch lối thoát.
… Ta biết, khi xuân đến hoa nở thi thoảng sẽ có trận mưa đá, giữa mùa hạ trăm hoa đua sắc đôi lúc cũng có cơn mưa rào. Mặc dù bây giờ ta và Yến Bình vẫn chưa có chuyện đôi bên tương ái, thề non hẹn biển, dù cha ta kiên quyết đứng về phe ác, tay cầm then cửa chặn đánh một trận tơi bời trong sân, ta cũng chỉ coi đó là thử thách nho nhỏ trên con đường tình duyên của mình, chỉ cần cắn rơm cắn cỏ chịu đựng rồi mọi thứ sẽ qua.
Đêm hôm đó đến khi ta vác nổi cơ thể đầy vết thương trèo tường ra ngoài, đến được Đông hồ đã là giờ Hợi[2].
[2] Giờ Hợi: Khoảng từ 9 đến 11 giờ đêm.
Ta tưởng rằng, Yến Bình sớm đã rời khỏi, tuy trong lòng vô cùng thất vọng, nhưng nếu hôm nay không thể đến đó một chuyến, cả đêm ta sẽ khó ngủ nổi.
Vài chiếc thuyền hoa nhẹ nhàng cập bến trên mặt nước Đông hồ, đèn đuốc đã tắt cả, ta thất thần ngồi bên bờ, cảm giác chỗ bị đánh sau lưng nhói lên đau xót, nhưng tất cả đều không bì được với nỗi đau đớn và sự mất mát trong lòng.
Đương lúc ta ăn năn hối cải, xa xa một con thuyền nhỏ lặng lẽ rẽ nước tiến tới, trên thuyền ánh đèn mờ ảo, nhưng dù thế nào ta cũng không thể nhận nhầm nam tử cầm mái chèo ở đầu thuyền.
Ta ngẩn người ngồi bên bờ, kinh ngạc há hốc miệng… Yến Bình vẫn chưa rời đi mà ở Đông hồ đợi ta cả tối… Cảm giác vui mừng khôn xiết này không kém gì một hôm nào đó Tiểu Hoàng ngủ dậy, đầu óc mơ màng, hạ thánh chỉ ban hôn cho ta, tân lang đương nhiên là Yến Bình.
Ước nguyện được đền đáp sau khi kiềm nén quá lâu, ta mừng đến nỗi suýt trào nước mắt!
Đến lúc ngồi lên thuyền nhỏ, ta vẫn có chút choáng váng, vừa rồi hắn không tránh né ta như ngày thường, vươn tay đỡ ta lên… ta lén thu bàn tay vừa được hắn nắm ra sau lưng, dùng tay nhẹ nhàng vuốt ve chỗ hắn chạm vào, làm vậy hệt như ta đang được vuốt ve bàn tay hắn… Sự ấp áp khi da thịt kề sát nhau khiến toàn thân ta nóng bừng, hai má như có lửa đốt, nhưng sự vui thích trong lòng lại tràn ra từng đợt, dù thế nào cũng không ngăn nổi.
Ta chẳng có dũng khí nhìn thẳng vào mắt hắn, mượn cớ quan sát xung quanh để che dấu gương mắt ửng đỏ của mình.
Trên thuyền, rượu và đồ nhắm đều đủ cả, bốn bề lăng thinh, gió mát đêm hè chầm chậm thổi qua. Ta dần dần tỉnh táo, cảm thấy đêm dài miên man, cơ hội hiếm có, nếu cứ tiếp tục ngẩn ngơ thì sẽ lãng phí buổi đêm tuyệt vời như thế này. Ta bạo gan nài hắn gảy một khúc Phượng Cầu Hoàng cho ta nghe, hắn có hơi nhăn nhó nhưng chỉ trong chốc lát, vẫn dịch đàn qua bắt đầu tấu nhạc…
Ta ngây dại nhìn hắn, thời gian như ngừng trôi, cả thế gian chỉ có tiếng đàn của hắn, giữa hai chúng ta… xưa nay chưa từng có giây phút nào êm đềm thanh thản, vui vẻ thoải mái giống vậy.
Ngón tay thon dài của hắn lướt trên dây đàn, ánh mắt chất chứa ý cười, không hiểu tại sao trong lúc đầu óc mơ màng, ta lại tiến đến gần Yến Bình, đặt một nụ hôn lên môi hắn. Tiếng đàn lập tức ngưng bặt.
Hôn xong ta liền ân hận muốn chết…
Ba năm trước ta mười bốn tuổi, ngay giữa phố đông người… từng cưỡng hôn hắn.
Ba năm sau ta mười bảy tuổi, khi hắn không phòng bị… lại lén hôn hắn.
Kết cục thể nào cũng như những lần trước, có lẽ hắn sẽ đạp ta một cước rơi xuống nước ngay lập tức… Ta cúi đầu, đợi hắn vung chân, chuẩn bị thi triển khả năng thần tốc đúc kết suốt mấy năm luyện võ thêm lần nữa.
Nhưng hắn chẳng động chân.
Từ trên đỉnh đầu, một tiếng cười khẽ vọng tới, cằm ta bị nhấc lên, khiến ta phải ngẩng đầu nhìn. Dưới ánh trăng, dường như những vì sao ngợp trời đều lắng đọng trong đôi mắt kia, sáng lấp lánh lạ thường. Bao yêu thương nồng nàn đều hiện lên từ đôi mắt ấy… Hắn cúi người, kèm theo ánh nhìn từ trên cao chiếu xuống khó lòng chống cự, rồi nhẹ nhàng ngậm lấy môi ta.
Tiếng nổ ầm ầm vang lên trong đầu, ta chỉ cảm giác toàn thân khẽ run lên, tay chân tê dại không còn chút sức lực, niềm vui sướng tột độ tấn công vào đại não, khoảnh khắc đó, ta nguyện chết vì hắn…
Vết thương trên lưng sớm đã không còn đau nữa, bỏ lại đằng sau tiếng gầm thét tức giận của cha, đây là giây phút ngọt ngào đến nỗi con tim người ta phải run rẩy, là kết quả sau mười năm chờ đợi của ta. Ta nhìn hắn trưởng thành từng chút một, trông ngóng từ phía xa, mỗi ngày đếu cầu nguyện tương lai sau này sẽ được cùng hắn chia ngọt sẽ bùi, nguyện dâng mạng sống này cho hắn, nguyện cả đời cúi rạp dưới chân cho hắn sai khiến… chỉ để đổi lại một nụ cười.
Đêm nay có lẽ nhân gian đều đã ngủ say, chư vị thần tiên bèn hạ phàm, nghe thấu nguyện vọng nhỏ bé này, nên giây phút ấy đã giúp ta thỏa lòng.
Yến Bình nói: “Tiểu Dật, Nhiếp chính vương có ở thích gì đặc biệt không?”
Đôi mắt ta sáng ngời, trong lòng vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ, lén nắm chặt tay: Lẽ nào nhanh như vậy mà hắn đã hiểu câu “ái ốc cập ô”[3] rồi sao?
[3] Ái ốc cập ô: Thương người yêu mà thương luôn cả ngôi nhà, lẫn con quạ làm tổ trên đó.
Ấy chết, cha không phải con quạ ăn nhờ ở đậu nhà ta.
“… Ngươi cũng biết cha ta và Nhiếp chính vương xưa nay chính kiến không hợp, nhưng gần đây Đại Tề đang có mưu đồ thôn tính thiên hạ, Đại Trần gặp nhiều khó khăn, cha ta muốn nối lại quan hệ với Nhiếp chính vương, ông đã suy nghĩ rất lâu nhưng vẫn chưa biết nên tặng quà gì mới có thể biểu lộ tâm ý.”
Mặt ta méo xệch, thực mất công hớn hở trong lòng!
“Trong kinh thành ai ai cũng biết, cha ta thích uống rượu và ăn cay.” Đúng vậy, vừa uống rượu vừa trò chuyện để nối lại quan hệ chẳng phải là thích hợp nhất đó sao?
Yến Bình nhíu mày, cười gượng nói: “Đừng bảo cha ta phải xách một giỏ ớt đem đến Nhiếp chính vương phủ làm quà chứ? Hay xách hai vò rượu? Như thế cũng mất mặt lắm. Ông chỉ thích trịnh trọng, tốt nhất là mấy thứ như kiểu vàng bạc châu báu ấy.”
Ta hận không thể giơ tay xoa giãn chỗ lông mày đang cau lại của hắn. Có điều dù ban nãy ta từng động chạm thân mật với hắn, bây giờ cũng không dám vượt quá giới hạn, đành ngồi ngay ngắn tại chỗ.
Hắn nhiệt tình dẫn dắt ta: “Nhiếp chính vương có thích cái đó không? Ví dụ trong thư phòng có gì mà thường ngày Nhiếp chính vương hay ngắm? Nó ra sao? Hoặc như vật gì đó đáng giá? Có đặt cùng với ấn tướng không?”
Ta bắt đầu bối rối, hận không thể lập tức về phủ nắm cổ áo cha bắt ông thích vàng bạc châu báu ngay tức khắc.
Cha ta rất mực thanh liêm, kẻ hầu người hạ trong nhà tính ra chưa quá bốn, năm người. Ta không rõ bên ngoài thế nào chứ những chuyện vụn vặt như thay quần áo, rửa mặt chải đầu ta vẫn phải tự mình động tay, chỉ mỗi việc dọn dẹp là có lão ma ma lo liệu. Nghe nói bà là vợ của tướng sĩ tử trận năm xưa dưới quyền cha, nên ta thực không dám nổi nóng sai khiến, bằng không sẽ bị cây gậy bự chảng hỏi thăm.
Hơn nữa, cha ta cũng có tật xấu không thể chấp nhận được, mỗi năm bổng lộc được phát xuống, ông toàn mua lương thực về tàng trữ dưới hầm theo thói quen, sang năm sau những thứ cũ mèm ấy chỉ còn cách mang ra ủ rượu.
Bác Đồng nói, tật xấu đó là do hồi trẻ cha ta bị đói đến phát sợ mà thành.
Quả thực ta không thể nói ra tật xấu chẳng mấy hay ho này, Yến thừa tướng mà đem mấy tạ gạo đến tặng tỏ thành ý hữu hảo thì ngại lắm.
Vậy mới nói, biếu xén đúng là việc hại não. Nói thì tưởng lấy lòng người khác là dễ, nhưng làm thật lại chẳng dễ chút nào.
Còn ấn tướng tuy là cục vàng có giá trị thật đấy, nhưng bởi không thể đổi lấy lúa gạo nên trước nay cha ta tiện tay vứt nó trong ngăn thứ hai bên trái bàn dài ở thư phòng, chẳng ai thèm hỏi đến.
Ta nhìn thấy chính mình đang rụt cổ lại từ trong đôi mắt dần lộ vẻ thất vọng của Yến Bình.
“Ta… để khi nào về ta vào thư phòng của cha xem thử coi sao…”
Giữa màn đêm, nét mặt Yến Bình cũng đã giãn ra, ta thở dài một hơi, quyết định về nhà tìm kĩ một lượt từng ngóc ngách, nhất định phải đào cho ra châu báu.
Nhưng sang ngày hôm sau, ta còn chưa kịp lục lọi thư phòng, cha ta đã được Ngự Lân quân khiêng từ trong cung về nhà.
Ngự y chạy qua chạy lại mấy lượt, Thái hậu ban thưởng không ngớt, cha ta sắc mặt xanh sao ngồi tựa trên giường, bác Đồng lo lắng đứng ở cửa tiếp đón khách đến thăm bệnh đông nườm nượp.
Yến bá bán dẫn theo Yến Bình đến rồi lại đi.
Lòng ta xúc động khó kiềm nén: Yến bá bá đang muốn nối lại quan hệ với cha ta đó sao?
Chỉ cần sau khi quan hệ giữa hai người trở nên tốt đẹp rồi cứ thể thuận nước đẩy thuyền bàn tiếp chuyện hôn sự…
Thế nên lúc ta mang thuốc tới, bước chân uyển chuyển hơn hẳn mọi ngày, cũng bởi muốn cùng ông bàn chút chuyện riêng liên quan đến hôn sự. Sợ bác Đồng nghe được sẽ cười ta, nên ta tiện tay cài cửa lại. Chăm ông uống thuốc xong, ta nhoài người đến bên cạnh, chỉ mong chờ ông có gì muốn nói với mình.
Cha tức cười ấn trán ta: “Cái con khỉ này cả ngày ở ngoài gây rối, hiếm lắm mới yên tĩnh cạnh ta như thế này. Chẳng nhẽ cứ bắt ta phải ốm thêm mấy lần ngươi mới ngoan ngoãn ở bên?”
Ta húc đầu vào bụng ông, thấy nó mềm mại đến lạ lùng. Ông đẩy đầu ta qua một bên: “Lớn tướng rồi còn chơi cái trò này?” Đây là trò hồi nhỏ ta thường chơi cùng cha, ta ra sức húc, còn ông lúc nào cũng cười vang vui vẻ. Hôm nay tình hình rối ren, vừa hay chưa thắt mũ mão, thật tiện chơi trò này.
Ta thấy tâm trạng cha khá tốt, bèn giả vờ hỏi bâng quơ: “Hình như ban nãy Yến bá bá và Yến Bình có tới?”
Trên gương mặt cha, nụ cười còn chưa kịp tắt đã đông cứng lại. Nhưng lần này ông không nổi giận, chỉ chậm rãi xoa đầu ta, than thở: “Cái đứa dại dột này, sao ta lại có thể sinh ra đứa con khờ như ngươi chứ? Đã khờ lại còn bướng, quả là giống ta y đúc. Từ nay về sau, ngươi đừng nhớ nhung tiểu tử họ Yến nữa, cũng đừng gặp nó, cứ coi như… trên thế gian này không có nó đi.”
Ta sốt sắng gào lên: “Làm vậy sao được? Tối qua Yến Bình còn nói, Yến bá bá còn muốn nối lại quan hệ với cha, bảo con nghĩ kĩ giúp xem tặng cha quà gì kìa! Chỉ cần hai người nối lại quan hệ, con và hắn… con và hắn…”
Cha bàng hoàng: “Tối qua… Ngươi không ngoan ngoãn ở trong phòng lại ở cùng tiểu tử họ Yến ư?”
Lỡ kể ra mất rồi, có chống chế cũng vô dụng, ta đành gật đầu, chân đã chuẩn bị tư thế chuồn đi.
“Nó… nó đã làm gì ngươi?” Giọng nói của cha trầm hẳn xuống, kèm theo sức ép.
Ta sợ hãi run cầm cập, lỡ miệng kể sự thật: “Hắn… hắn hôn con… hắn… sau này con có thể gả cho hắn…”
Cha trợn trừng mắt, gân xanh hằn trên trán, thờ phì phò chỉ vào ta. Ta co rúm lại, không dám tiến cũng không dám lùi, chỉ nghe thấy cha quát tháo: “Thằng khốn, chưa ăn đòn là chưa tỉnh ngộ phải không?” Chẳng hiểu ông rút cây gậy từ đâu ra, giơ lên rõ cao, ta đang run rẩy ôm đầu chuẩn bị tâm lý ăn đòn, nhưng bỗng nghe thấy một tiếng “phụt”, rồi một dòng máu tanh bắn về phía ta, rất nhiều máu phun lên đầu, lên mặt. Ta sợ hãi ngẩng lên nhìn, cây gậy rơi xuống sàn gạch xanh phát ra tiếng “lộc cộc”, trên cằm, trên râu và vạt áo cha vấy đầy máu…
Mặt ông xám ngoét, ta sợ hãi hồn bay phách tán, ruột gan rối bời, vội lao lên trước xin ông tha thứ: “Cha, cha, đừng giận nữa, con không lấy Yến Bình, kiếp này con sẽ không lấy hắn, sau này con và hắn chỉ là người dưng.. là người dưng cả đời…”
Cha mệt mỏi nhắm chặt mắt, rồi lại giơ tay xoa đầu ta, trìu mến hiếm thấy: “Ngoan, sao con không hiểu chứ… Yến Dục nham hiểm khó lường, tính trăm phương ngàn kế để có được thiên hạ Đại Trần. Dù… dù con có mang thân phận nữ nhi, thì suốt kiếp cũng bị trói buộc trong hậu cung. Cha cả đời không chịu thua kém ai, sao có thể cho phép… con gái mình chết già trong cung, chỉ mong con trai hắn thỉnh thoảng đến sủng hạnh? Cha cho con học văn trị, luyên võ công… lẽ nào để con dùng nó đi lấy lòng một nam nhân?”
Ta lắc lắc đầu, rưng rưng nước mắt đáp: “Là cha muốn con gái có thể đứng vững giữa loạn thế, không sợ hãi, không bị ức hiếp, không chịu khuất phục trước bất cứ ai…”
Ông mỉm cười gật đầu, lấy tay lau vết máu trên mặt ta: “Ngoan, coi như con hiểu được nỗi khổ tâm của người làm cha này…” Chưa nói dứt lời, ông đã ngã về phía sau.
Ta với tay kéo ông, cơ thể nặng nề của ông nhào về trước, ta gào lên: “Chaaaaa…”
… Hai mắt ông nhắm nghiền, hơi thở đã tắt…
Ta đưa tay lau vết máu trên cằm ông, càng lau lại càng nhiều, lệ nhòe trong mắt, từng giọt lớn rơi lên cằm, lên mặt, lên râu ông… vết máu kia sau cùng chẳng thể lau sạch…
Ngoài cửa có người ra sức đập, ta ôm chặt cha, cảm nhận cơ thể ông đang lạnh dần từng chút một, nỗi đau bất lực bỗng trào lên. Tuy ông luôn nghiêm khắc, dùng đòn roi để dạy bảo, nhưng xưa nay ta chưa từng thấy bầu trời u ám giống bây giờ, như thể nó đang đổ sụp xuống, chèn ép khiến ta ngay cả khi hít thở cũng đau đớn vô cùng…
“Rầm”, cửa bật mở, then cài gãy nát văng xuống đất, nghe tiếng gió thổi đằng sau, ta vẫn ngồi đó làm ngơ tất cả, có người vỗ mạnh lên lưng ta một cái, tiếp đó nghe thấy tiếng bác Đồng la hét: “Tiểu lang… Lão gia…”
Có người giành lấy cha từ trong lòng ta, ta giữ chặt cha, sống chết không chịu buông tay… Ông là chỗ dựa duy nhất của ta trên thế gian này… Sao ta có thể… sao ta có thể khiến ông giận dữ đến nông nỗi ấy?
Bác Đồng ta sức lay ta: “Tiểu lang, lão gia đã qua đời rồi… để bác thay lão gia sửa sang một chút nhé? Không thể để lão gia nhập liệm mà người đầy máu thế này được?”
Ta ngỡ ngàng cúi đầu nhìn cha đang nhắm nghiền mắt trong lòng, trước giờ ông thường nổi nóng với ta, rõ ràng bên ngoài ông là người hết sức ôn hòa nhã nhặn, sao cứ về nhà lại hung bạo như vậy?
Ta vuốt ve gương mặt của ông, mỉm cười thì thầm: “Cha, bây giờ cha không mắng con nữa ư? Nếu cha không chịu tỉnh lại, con sẽ đi tìm Yến Bình ngay lập tức, nói với hắn con là nữ nhi, con muốn lấy hắn… Cha có tỉnh lại không… Cha mau tỉnh lại đi!”
Có lẽ ông không tin ta dám làm chuyện đại nghịch bất đạo đến thế, nên không hề nhúc nhích. Ta bất thình lình giao ông cho bác Đồng, “Cha, con phải đi tìm Yến Bình thật đây…” Rồi quay người xông ra cửa…
Trời mưa như trút nước, tiếng gào của bác Đồng và An Thanh vang bên tai: “Tiểu lang…” Trong chớp mắt, tất cả mọi thứ đã bị ngăn cách sau màn mưa…
Lúc ta đến Yến phủ, cặp đèn lưu ly bát giác trước cổng đang tỏa ra quầng sáng nhàn nhạt, dường như nơi đây khác xa so với thế giới ta đang sống. Nhưng ta mù quáng lắm, hồi bé cứ vương tay khăng khăng đòi nắm chặt tay hắn… để rồi lần nào cũng bị hắn vùng ra…
Ta phân vân tính thầm trong bụng, ta nên nắm chặt tay hắn chẳng hề kiêng dè, để cha tức quá phải chồm dậy cầm gậy đuổi đánh, hay nên bước vào đoạn tuyệt quan hệ với hắn, từ giây phút này cả đời không qua lại với nhau…
Chắc là ông trời đã ung dung sắp đặt kết cục này từ trước, ta đang đứng do dự giữa trời mưa gió, một đôi nam nữ bước lại gần từ phía xa, cùng cầm một chiếc ô. Dù cách xa như vậy, ta nghĩ mình vẫn có thể tưởng tượng ra dung mạo anh tuấn của nam tử dưới tán ô ấy… Một tay hắn đang vòng qua eo nữ tử bên cạnh, tuy trời mưa không ngớt, nhưng hai người họ vẫn rảo bước chân, dẫu y phục đã bị mưa thấm ướt, khoảnh khắc ngọt ngào kia vẫn chẳng thể tản đi.
Hai người họ đến bên ta, ta nghe thấy Tần Ngọc Tranh mắng yêu: “Yến lang…” Ngay lúc đó, ta chỉ mong mình đã chết từ lâu rồi… để không đặt chân đến nơi này, để chưa từng quen con người này…
Chiếc ô kia dừng trước mặt ta, nam tử dưới ô vẫn đẹp như tranh vẽ giống hệt như trước đây, nhưng đôi mắt nhìn ta lại xa cách lạ lẫm… Ngày xưa cha từng cười nửa đùa nửa thật với ta: “Trong chiến tranh chính trị, khi cần thiết thì mỹ nam kế cũng là kế, thằng nhóc ngươi phải cẩn thận.”
Thứ gì đó trong ta vỡ nát, rơi xuống từng mảng, đến nỗi ta chỉ có thể cố gắng nở nụ cười gượng gạo: “Tình cờ quá… Ta tới đây…”
Ta tới đây làm gì?
Ta dọ dự nhìn quanh, chẳng biết phải đi đâu…
Tần Ngọc Tranh “hừ” một tiếng lạnh lùng, thét lên trước tiên: “An tiểu lang, ngươi cũng quá vô liêm sỉ rồi đó! Ở Đại Trần ai cũng biết Yến lang không hề đồng tính, ngươi si mê chàng như điên như dại thế này, cứ phải hủy hoại danh tiếng của chàng ngươi mới vui sao? Ngươi tưởng ai cũng mặt dày như mình chắc?”
Ta ngỡ ngàng nhìn đôi môi anh đào đóng mở liên tục của nàng ta, khuôn miệng rất đẹp, mang màu sắc cám dỗ khó tả, nhưng lời lẽ thốt ra lại vô cùng ác độc.
Thiếu niên bên cạnh nàng ta khẽ nhướn mày, chưa quá một ngày một đêm mà gương mặt đẹp tựa như tranh kia đã xa lạ đến thế. Tay hắn vẫn ôm chặt eo Tần Ngọc Tranh, hẳn đã quyết định dửng dưng đứng nhìn.
“… Ngươi đúng là được cha ngươi truyền lại bí kíp trơ tráo…”
Đồng tử ta đột nhiên co lại, tư tưởng bạo lực bỗng xuất hiện. Ta chẳng thèm suy nghĩ, vung mạnh một cái tát. Tiếng “bốp” vang lên, trên mặt Tần Ngọc Tranh đã in hằn năm ngón tay. Nàng ta gào khóc quay đầu tìm viện binh: “Yến lang, tên này dám đánh thiếp… Chàng phải giúp thiếp dạy cho hắn một bài học!”
Nam tử lặng lẽ đưa ô cho thiếu nữ, còn mình tiến lên trước hai bước, gương mặt liền bị nước mưa làm ướt, tạo nên vẻ tao nhã tựa hồ bức tranh phong thủy. Đôi môi mỏng của hắn hơi nhếch lên, nhỏ tiếng thốt ra mấy chữ, nhưng trong nháy mắt chúng đã biến thành những chiếc gai sắc nhọn đâm vào tim ta, khiến ta đau đớn tột cùng, vậy mà trông bề ngoài ta vẫn thờ ơ tĩnh lặng.
Hắn nói: “An Dật, hôm nay cha ngươi đã không thể xuống khỏi giường, trước mắt dù cầm hổ phù đi chăng nữa cũng khó có thể ra khỏi phủ xử lí công chuyện. Sau này ngươi cũng khỏi cần đến tìm ta, mọi người đều là quan cùng triều, giữ lại cho đôi bên chút thể diện được chứ?”
Ta muốn tiêu hóa mấy chữ này nhưng sao thật khó nhọc, chỉ thấy mơ hồ quá. Khung cảnh ngọt ngào trên chiếc thuyền nhỏ trôi giữa Đông hồ kia dường như chỉ là một giấc mộng hư ảo, cơn mưa lúc này ào ào trút xuống, chẳng thể nào tránh né hiện thực lạnh lẽo tàn khốc này.
Hắn yên lặng nhìn ta, lông mày hơi cau lại, nghiêng đầu nghĩ ngợi, trong đôi mắt dịu dàng dần ngập tràn ý cười: “Ngươi sống chết bám trụ tại đây không chịu đi, có phải muốn được trả lại một cái tát kia?” Nói rồi hắn vung tay, chậm rãi mà mạnh mẽ, một cú đấm hướng thẳng lồng ngực ta…
Ta không trốn tránh, hiên ngang nhận một đấm của hắn, mùi máu tanh lợm cổ họng rồi bỗng phun ra ngoài, chốc lát đã nhuộm đỏ cả áo hắn.
Vẻ ngạc nhiên hiện trên gương mặt hắn, không biết hắn bất ngờ vì sự chậm chạp của ta hay vì ta không trốn tránh. Bao nhiêu năm trôi qua, thiếu niên mạnh mẽ kiêu ngạo trước mặt ta đây đã từng là đứa trẻ gầy yếu, hồi nhỏ thường bị ta đuổi theo sau gào thét: “Vợ ta ơi…”
Không biết là ta bị ma nhập hay bị trúng tà, chỉ hận không thể moi trái tim này ra cho hắn. Bây giờ nghiệt duyên này cũng coi như đã đến hồi kết. Ta gượng cười, mưa tạt đỉnh đầu, dù mưa hay nước mắt tuôn trào như thác, giây phút này cũng không thể nhìn ra ta có gì thảm hại hay thất thố.
“Vợ ơi, giờ ta phải đi đây…”
Từ đầu đến cuối ta vẫn thấy cách gọi này thật hay… Dường như thời gian bỗng quay về thuở nhỏ, khi hắn không có sức phản kháng, bị ta lôi đi xềnh xệch… khi mà hắn cắn môi, tủi thân đến nỗi nước mắt chực trào nhưng không dám cãi, chỉ cần ta nắm tay lắc lư trước mặt hắn, hắn sẽ ngoan ngoãn nghe lời.
Tần Ngọc Tranh cầm ô tiến tới, tức giận gọi: “An tiêu lang, ngươi lầm bẩm gì thế?”
Ta mỉm cười, lần này thật sự chẳng còn vương vấn gì nữa, ta vẫy tay từ biệt. Trong ánh mắt đăm chiêu của hắn, ta quay đầu rời khỏi Yến phủ.
Mưa giăng kín trời, mình ta lặng bước.
Tang sự của cha tiết kiệm tối đa.
Lúc còn sống ông đã không thích xa xỉ, sau khi chết đương nhiên càng không cần phô trương.
Người đến chia buồn không nhiều, người đi trà lạnh chẳng phải chuyện hiếm thấy trên thế gian.
Nhưng Yến Dục có đến một lần.
Hắn thắp ba nén hương trước linh cửu của cha, dài giọng than thở, ôm quan tài chực khóc, nhưng bị ta bật cười xen ngang.
“Yến bá bá, thôi bá bá đừng đau khổ nữa, cha cháu đang làm biếng nên mới trốn lên cõi tiên đó mà. Hiện tại mười vạn đại quân áp sát Đại Tề, chiến tranh sắp nổ ra. Tuy bá bá đã từng này tuổi rồi, nhưng cũng vẫn phải chỉ huy chiến trận thì cha cháu mới được ngủ thêm một lát…”
Có lẽ lão thấy ta chẳng nhỏ một giọt lệ, vẻ mặt còn hết sức quái lại, nên sau cùng lại thở dài một tiếng: “Thằng bé này…” Nhưng không thể trách ta bất hiếu, đành quay người đi.
Ta ngày đêm trông coi linh cữu của cha, tựa đầu lên quan tài lạnh lẽo. Khoảng cách gần như vậy, cha vẫn chẳng thèm để ý ta, kiên quyết chìm vào giấc ngủ.
Một hôm trong lúc mơ màng, ma xui quỷ khiến thế nào ta lại mò thấy con dao nhỏ tùy thân của mình, liền đâm một nhát lên đùi. Ban đầu còn thấy đau, nhưng rất nhanh sau đó, nỗi đau trong lòng dường như đã chôn vùi nỗi đau thể xác, ta chỉ ngây người quan sát vệt màu son kia dần thấm nhòe, đỏ đến rùng mình, giống hệt màu sắc trên gương mặt đẫm máu của cha…
Ta nghe thấy giọng nói già nua của bác Đồng vọng vào từ ngoài màn hiếu[4]: “Lão gia phải đi bây giờ, tiểu lang tính sao?”
[4] Màn hiếu: Màn treo trước cửa linh cữu.
An Thanh có phần bất bình: “Cả đời lão gia nâng niu tiểu lang trong tay, nào ngờ đến giây phút cuối cùng bị tiểu lang làm cho tức chết. Vậy mà tiểu lang lòng dạ sắt đá, chưa từng nhỏ lấy một giọt nước mắt, thật là bất hiếu!”
Bác Đồng khẽ thờ dài: “An Thanh, ngươi không hiểu chuyện. Lão gia vốn biết triều đình thối nát, ông chỉ thích tiểu lang cứ tươi cười vô tư thế này chứ không muốn đầy con mình vào đống bùn nhơ kia…”
Ta cảm thấy trái tim mình như bị một bàn tay siết chặt, làm ta không thở nổi, dường như chỉ có con dao nhỏ không ngừng đâm xuyên chân cùng màu đỏ bắn tóe trong chớp mắt kia mới có thể xoa dịu sự bức bối này…
An Thanh ấm ức giải thích: “Vấn đề này không phải tiểu lang không muốn tham gia mà là không thể tham gia… Hai hôm trước chẳng phải còn có người đến cầu kiến tiểu lang, nói rằng cần đón thiếu chủ đi chủ trì đại cục… Cháu không hiểu sao bác Đồng phải ngăn lại? Để tiểu lang kế thừa vị trí của lão gia, lấy lại danh tiếng gia tộc, như vậy có gì không tốt?”
Bác Đồng tỏ vẻ yếu ớt. Mấy ngày nay ta mệt mỏi vô cùng, quả thật chưa nghe thấy ông bẩm báo chuyện này.
“Ngươi thì hiểu cái gì? Đến đón thiếu chủ đi có mấy người là thành tâm giúp đỡ? Chẳng phải muốn đẩy con rối chủ nhân lên trước, còn tương lai tự mình dễ bề xưng vương đó sao… An Thanh, nếu ngươi muốn lập chút công danh, ta không cản ngươi. Giờ lão gia đi rồi, ngươi cũng mau tìm đường tiến thân. Nhưng tiểu lang thì không được, tiểu lang chỉ cần bình yên sống qua ngày là đủ rồi, đây là hy vọng của lão gia…”
Ta cắn chặt môi, dòng máu tanh luồn qua kẽ răng… Cha, có phải con chỉ cần ngoan ngoãn nghe lời, bình yên sống trên cõi đời này thì cha cũng sẽ bớt giận con hơn không? Bớt giận rồi cha sẽ dần dần tha thứ cho con?”
Ta đập đầu từng hồi lên quan tài, hối hận vô cùng nhưng chẳng thể nói cùng ai.
Tặng phẩm từ thái hậu lũ lượt đến như nước, đồ tùy táng rất nhiều, có lẽ do của cải cám dỗ nên mấy ngày quan tài đặt trong nhà đã thu hút bốn năm lượt hắc y nhân.
Hằng đêm ta sai người đốt đèn sáng trưng, cùng bác Đồng trông coi linh cữu, mặc kệ tiếng vang vọng tới từ sân sau thư phòng. Thỉnh thoảng ra ngoài đi vệ sinh còn chạm mặt với hắc y huynh, ta gật đầu: “Huynh đài cứ tự nhiên.” Rồi quay người đi thẳng vào nhà vệ sinh.
Tặng phẩm được trịnh trọng bày trong thư phòng cha, chẳng phân rõ ai trông nom.
Sau bốn năm đêm quấy nhiễu, những tặng phẩm kia lại không thiếu mất một món, huynh đệ hắc y lật tung khắp nhà hình như không phải vì tiền bạc, cũng chẳng hiểu họ đang tìm gì. Chuyện này truyền ra ngoài, Thái hậu liền phái Cấm vệ quân đến, phụng chỉ bảo vệ An phủ.
Ta cẩn trọng đa tạ long ân của Thái hậu, nghênh đón đám Cấm vệ quân hở ra là đấm với đá.
Cha ta xưa nay nổi tiếng thanh liêm, nhưng Cấm vệ quân chắc đã nhìn quen những bộ mặt ra vẻ đạo mạo ngợp trong đống gấm vóc, nên không chịu tin cha ta là người ngay thẳng chính trực, bèn lật tung từng gian phòng, đào xới những ba thước đất. Tôi tớ trong phủ tức giận nhưng không dám nói, bị bác Đồng bắt ở linh đường lo liệu tang sự, tuyệt đối không được bén mảng đến sân sau.
Trong lúc hỗn loạn thế này, ta vẫn thản nhiên đi qua trước mặt họ, mấy người đó đều dừng tay, ngơ ngác nhìn nhau rồi quay sang nhìn ta.
Ta đi thẳng vào phòng tìm băng vải, mặc dù đồ tang rất rộng, nhưng nếu bác Đồng phát hiện ra vết máu trên chân chắc ta không tránh khỏi bị mắng một trận nên thân.
Ta lịch sự gật đầu với họ: “Phủ ta sơ sài, tiếp đãi chưa được chu đáo. Nếu các vị khát, có thể tự xuống bếp tìm bát nước uống, trong nhà người hầu tuổi cao sức yếu, xin thứ lỗi.”
Đám Cấm vệ quân ngạc nhiên đến nỗi làm rơi thuổng sắt trong tay, tiếng rơi leng keng văng vẳng bên tai.
Cha xem, giờ con đã biết an phận thủ thường, nghe theo lời cha, ngay cả người ngoài lật tường xới đất con cũng chẳng màng, chỉ mong được sống bình yên…
Phòng ngủ của ta cũng không thể thoát khỏi chuyện này, đồ đạc bị xáo trộn lung tung, may thay mọi thứ vẫn còn đó. Ta lục tìm một ít vải trắng, băng cẩn thận vết thương trên chân, ôm đầu đang choáng váng đi sang phòng bên cạnh.
Bên cạnh chính là phòng ngủ của cha. Ta bước vào, đầu ta đau nhức như thể bị ai đó giáng một đòn. Căn phòng bị lục tung hoàn toàn thay đổi, sàn gạch bị cạy lên, không biết những người này đang tìm thứ gì, mấy ngày nay trong nhà chẳng hề thiếu đồ đáng tiền, ngay cả tặng phẩm Thái hậu ban chất đống trong thư phòng cũng không thiếu một thứ. Ta rất nghi ngờ có khả năng cha ta đang giữ bảo vật vô giá, bởi vậy mới khơi dậy lòng tham từ khắp nơi.
Ta đi lại trong phòng, giữa đóng gạch đất cùng quần áo đồ dùng hỗn loạn, ta nhìn thấy một vật nhỏ màu đỏ trông khá quen mắt. Ta cúi người nhặt, là một con cá bé làm bằng gỗ, bên trên đan nút dây hình song ngư, giống món trang sức ta mang ở thắt lưng hồi nhỏ.
Ta nghĩ rất lâu mới nhớ ra, đây là thứ cha tự tay làm cho ta khi ta còn bé tí. Con cá gỗ nhỏ này do chính ông mài giũa, rồi lấy thuốc nhuộm nhuộm màu từng chút cho nó, ngay cả nút dây song ngư vặn vẹo cũng do ông bện từ đầu đến cuối. Hồi đó ta vô cùng nâng niu nó, ngày nào cũng giữ khư khư bên mình để ngắm nghía, đến khi nó phai màu còn ta có đồ chơi mới, ta mới chịu rời, tiện tay quăng sang bên cạnh.
Cũng không biết cha ta đã cất nó vào phòng từ lúc nào, hơn nữa màu sắc rất tươi đẹp, chắc sau đó cũng đã nhuộm mới lại.
Thì ra ta sống thật tùy tiện, không hiểu ta đã vứt bỏ bảo bối quý giá này từ khi nào, cho đến khi được đám người kia vô tình tìm ra trong phòng cha…
Từng giọt nước mắt nặng trĩu tuôn trào, rơi xuống con cá gỗ nhỏ, bàn tay ta lập tức bị nhuộm hồng một mảng… Ta nắm chặt cá gỗ nhỏ, hệt như đang nắm giữ vật báu cuối cùng, hận không thể nhét nó vào tim, đề bù đắp lỗ hổng đã bị khoét sâu nơi đó…
Vào đêm đóng nắm quan tài cha, trong phủ hết sức yên tĩnh.
Lúc hành lễ, kị đi lại trong phủ.
Bác Đồng bê một cái tráp mở ra trước mặt ta, “Tiểu lang, thứ này của lão gia bác không biết xử lí thế nào.”
Ta thò đầu xem thử, là một viên ngọc đen to bằng bàn tay, nhưng lại khuyết nửa phần bên, hình dạng có chút kì quái, nắm trong tay nặng trịch. Bỗng ta chợt hiểu ra, những người kia đào ba thước đất, không phải để tìm thứ này hay sao?
“Vật này là của cha?”
Bác Đồng do dự một lát rồi gật đầu.
Ta ôm lấy cả cái tráp, “Nếu vậy, không bằng nhập táng theo cha luôn!” Rồi quay người nhẹ nhàng đặt nó bên chân ông, ngắm ông ngủ yên lần cuối, từ từ đậy nắp quan tài lại.
Bác Đồng tròn mắt nhìn ta: “Tiểu lang… Tiểu lang…”
Ta khó hiểu hỏi: “Ngọc đen không được nhập táng? Có quy định này sao?”
Bác Đồng bật cười khanh khách, nét mặt cổ quái khó tả: “Được! Được! Cứ theo tiểu lang, thứ này chôn theo cũng tốt! Tất cả do tiểu lang quyết định!” Dù bác đang cười, nhưng hai hàng lệ vẫn chậm rãi lăn xuống theo đôi gò má già nua.
Ta hợp sức cùng bác đậy nắp quan tài lại, ngày hôm sau đưa cha đi chôn cất, mọi chuyện đều diễn ra suôn sẻ.
Ba ngày sau, ta vào cung tạ ân.
Thái hậu ở Di Ninh điện, dáng vẻ đau khổ hết sức, bi đát hệt như cha bà chết, khiến ta vô cùng khó xử, nghĩ bụng may mà sớm đưa cha đi chôn cất, nếu Thái hậu tới túc trực bên linh cữu cùng ta, có khi mọi người lại tưởng hai người có tình thân huyết thống gì nữa đấy.
Ta vốn cho rằng, ngày cha ta được đưa về nhà, có lẽ bà đã gây “chuyện ngoài ý muốn”. Nhưng bây giờ bà khóc lóc đau thương thế này, mấy lần nghẹn ngào nói không nên lời, ta lại cảm thấy mình đúng là lòng dạ tiểu nhân. Nghe bà hồi tưởng lại ân tình năm đó cha cùng Tiên đế đồng cam cộng khổ như thế nào như thế nào, hẵng còn khỏe mạnh đã vội ra đi gì gì đó… Ta chống cằm mãi chẳng ngủ được, chỉ cảm thấy đầu đau như búa bổ.
Nữ nhân khóc lóc quả nhiên nguy hiểm!
May mà Tiểu Hoàng vẫn vậy, thấy ta đến liền cuống quýt mang rất nhiều điểm tâm tới, chỉ vào mắt ta, khó hiểu hỏi: “Tiểu Dật, nhẽ ra mắt ngươi phải sưng phồng như quả đào, không dám gặp người khác chứ nhỉ?”
Ta trợn mắt lườm nó, “Hoàng thượng, chỉ nữ nhân mới vậy mà?” Rồi nhón miếng bánh đậu đỏ bỏ vào miệng.
Nó cũng không đến nỗi ngốc lắm, nhìn chằm chằm ta hồi lâu, mặt mày ủ rũ như mất cha.
Ban nãy ở Di Ninh điện an ủi Thái hậu mệt phờ người, bây giờ cũng chẳng còn sức dỗ dành nó, ăn điểm tâm một lúc, bụng đã tạm no, ta mới nói vào mục đích chính: “Hoàng thượng, thần muốn tới Tuy thành đi lính.”
Tiểu Hoàng kinh ngạc đến rơi cả hàm.
“Tiểu Dật, Nhiếp chính vương mất rồi hẳn ngươi phải đau lòng lắm. Lúc phụ hoàng qua đời ta cũng rất buồn. Nhưng mẫu hậu đã nói, phải sắp xếp ổn thỏa cho ngươi, ngươi xem thích vị trí nào trong lục bộ[5] thì cứ nói, còn đánh trận thì thôi nhé?” Nó quay đầu liếc nhìn ra cửa, thấy đám cung nhân không có ở đây, mới ghé tai ta nói: “Nghe đâu tên Thái tử Đại Tề kia rất lợi hại, hay ngươi đừng đi Tuy thành nữa.”
[5] Lục bộ: Là cơ cấu triều chính trong xã hội phong kiến, phân thành: lại, hộ, lễ binh, hình, công.
Bác Đồng nghe thấy ta đòi đi Tuy thành, chỉ thiếu nước ôm tay ta gào khóc.
“Tiểu lang, nếu cháu đã muốn đi Tuy thành đánh trận… vậy… vậy… sao còn chôn thứ kia…”
Ta chẳng có hứng thú gì với thứ bác Đồng nói đến, nhưng gần đây Đại Tề cũng đã quét sạch tiểu quốc thuộc địa ở phương Bắc, bày trận thế tranh giành thiên hạ với Đại Trần.
Ta thờ ơ nói: “Cha cháu hẳn cũng muốn xả thân vì nước nếu quân Đại Tề đánh tới phải không?” Cha là người rắn rỏi cương trực, thà chết vinh còn hơn sống nhục.
Bác Đồng ngơ ngác nhìn ta, “Sao cháu biết?” Có điều sau mấy hôm, trên mặt ông như già thêm mười tuổi, phản xạ cũng chậm chạp hơn rất nhiều.
Ta ngửa đầu nhìn trời, mây đen vân vũ, e rằng một trận mưa bão sắp ập tới.
Còn chuyện gì ta chưa biết chăng?
Nửa tháng sau, ta mang thánh chỉ đến quân doanh ở Tuy thành, giữ chức Hiệu úy bát phẩm.
Để khiến người cố chấp như bác Đồng bằng lòng, ta theo bác tới thăm người nhà của những thái y từng xem bệnh cho cha, họ đã biến mất cùng với mạch án[6]. Có một đứa trẻ nhà thái y họ Trương mắt đỏ ngầu gầm lên giận dữ với ta: “Đều tại ngươi hại chết cha ta!” nhưng bị huynh trưởng của nó tát ngã xuống đống bùn đất.
[6] Mạch án: Sổ sách ghi chép khi bắt mạch.
Người huynh trưởng vừa ra tay và tiểu đệ ngã trong đống bùn đất có ánh mắt bi thương tuyệt vọng giống hệt nhau.
Bác Đồng dắt ta đang kinh hồn bạt vía rời khỏi nhà Trương thái y.
Về đến phủ, bác thay ta thu dọn hành lí, chiến mã, rồi đưa ta đến doanh trại.
Ta nghe bác lẩm bẩm mãi: “Có khi ở trong doanh trại lại an toàn hơn một chút cũng nên.” Bác xoa đầu ta, dặn dò ta giống như hồi ta còn được đưa vào cung làm thư đồng: “Tiểu lang, bản thân cháu phải cận thận, coi chừng mọi chuyện, nha!”
Thượng quan trực thuộc của ta – Hoàng Giới tướng quân doanh trại phía Tây Tuy thành – đang vung bàn tay to như cái quạt, ra sức vỗ hai phát lên vai ta, phấn khởi nói: “Nhiếp chính vương một đời anh dũng, đúng là hổ phụ sinh hổ tử! Nay vận nước gian nguy, quả đúng là cơ hội để thế hệ sau tận trung báo quốc!”
… Nửa bên vai ta đã tê rần rồi.
Nghe nói hắn khỏe như trâu mộng, sức nâng nghìn cân!
Hắn khen ngợi xong xuôi rồi đi xa tít, ta lảo đảo suýt ngã ngửa, hai thanh niên cao lớn xông tới từ phía sau, mỗi người một bên nâng ta dậy như nâng con cún, nhìn ta cười ha ha.
Ta tựa vào người gã thanh niên nét mặt cương nghị, nghiến răng nói với gã, bộ dạng hung dữ: “Cười cái gì mà cười?”
Mấy tên đó ôm bụng cười thỏa thích mới vỗ ta mấy phát: “An tiểu tướng quân, Hoàng tướng quân vốn thích dùng đôi bàn tay gang thép kia để thử người mới đến. Lần trước có Hiệu Úy Cửu phẩm bị tướng quân vỗ cho hãi luôn, tè ra quần ngay tại chỗ, chán nản phắn về kinh thành. Nghe đâu hắn là cháu họ xa bên nhà ngoại của Thái hậu.”
Tướng sĩ quần là áo lượt nơi kinh thành và tướng sĩ bần hàn trong quân doanh luôn tồn tại những khoảng cách cần phải vượt qua.
“Phù…” Cái tên số phận bất hạnh kia giúp ta bình tĩnh trở lại.
Ta cũng vui vẻ nói: “Gọi ta là An tiểu lang là được rồi.” An tiểu tướng quân là danh xưng nhờ núp bóng cha ta, ta không thể nhận.
Nam tử đang đỡ ta là Triệu Dũng, còn người dáng cao gầy lúc này đang cười như khỉ tên Tô Nhân.
Định viễn tướng quân Hoàng Giới tính tình cương trực, đối xử bình đẳng với quan binh ta đầu quân dưới trướng ông, lại thêm sự kìm kẹp của Triệu Dũng và Tô Nhân, ngày nào cũng mệt rã rời. Hằng sáng dậy thao luyện, nghe Hoàng Giới tướng quân dõng dạc hô tổng động viên trước trận chiến trong thao trường, từng người xung quanh cũng hô vang theo, nhiệt huyết dâng tràn. Những gã này hệt như mãnh hổ xổng chuồng nhào về phía quân lính Đại Tề, lời tổng động viên quả là biết cổ vũ lòng người.
Cơm nước trong quân doanh chẳng ngon lành gì, bữa nào cũng là gạo lứt, thỉnh thoảng nhìn thấy trong thức ăn có miếng thịt to, vừa nhấc đũa gắp là lại bắt đầu cuộc chiến giành đồ ăn.
Hôm mới đến, ta vẫn còn dặt dè, bị Triệu Dũng kéo ra ngồi cùng bọn họ. Đến khi đầu bếp bưng chậu thức ăn lên, ta còn chưa kịp hiểu ra, sáu đôi đũa đã lập tức gắp lấy thịt. Ta mới và một miếng cơm, chậu thức ăn đã chỉ còn rau xanh, chẳng thấy bóng dáng miếng thịt nào nữa.
Ở vào hoàn cảnh này, làm sao ta phấn chấn cho nổi?
Về mặt cướp thức ăn, ngay cả Binh bộ Thượng thư lão đại nhân và cha ta còn chẳng nhượng bộ, sao lại không tranh cướp được với đám người này?
Sang bữa cơm thứ hai, họ chưa kịp trở tay, ta đã gắp hai miếng thịt bỏ vào miệng.
Tô Nhân trợn mắt nhìn ta: “An tiểu lang là công tử cao sang quyền quý mà cướp thịt với con em thân phận bần hàn như bọn ta, có phải muốn đánh một trận không hả?”
Khi thịt ở ngay trước mặt như thế này, chắc mẹ ruột cũng chẳng màng ấy?
Những người khác trên bàn thức ăn cũng gào loạn lên, ta cười hô hố, đập rầm rầm lên bàn: “Đánh thì đánh, ai sợ ai!”
Một đám người cơm chẳng buồn ăn, thịt chẳng buồn cướp, lũ lượt kéo đến thao trường.
Tô Nhân thi triểu tư thế, do dự một lát: “An tiểu lang, hay là thôi vậy? Nhỡ ngươi đánh thua rồi khóc nhè quay về kinh thành, xin tiểu Hoàng đế làm chủ chuyện này, vậy thì ta thảm rồi. Nghe nói ngươi còn là thư đồng của tiểu Hoàng đế nữa!”
Ta cười hô hố, “Tô đại ca, sao huynh nói nhiều lời thừa vậy?” Rồi nhào lên trước đấm vào bụng hắn.
Tô Nhân giờ mới đấu nghiêm túc, chân đá lên cùng lúc ta đấm ra. Mặc dù ta được người khác dạy võ công, nhưng không có kinh nghiệm ứng chiến, Tô Nhân tuy chiêu thức không nhiều nhưng chiêu nào cũng hiểm, sau mấy lần ta đã học hỏi được không ít. Triệu Dũng đang quan sát liền gào to: “An tiểu lang, hạ đo ván Tô Nhân đi!”
Bên cạnh lại có người cổ vũ cho Tô Nhân: “Tô đại ca, đánh ngã tên tiểu tử ẻo lả huênh hoang đến từ kinh thành này đi!”
Khung cảnh hỗn loạn vô cùng náo nhiệt.
Trận đấu diến ra suốt một canh giờ, phút cuối ta và Tô Nhân cũng ngã gục xuống đống bùn đất giữa thao trường.
“Đa tạ Tô Nhân đại ca đã chỉ giáo.” Ta cười tươi rói trước ánh mắt sáng ngời của hắn.
Hắn lườm ta: “Ai rảnh rỗi mà chỉ giáo cho ngươi?! Dám cướp thịt với ta, cứ chuẩn bị tinh thần giao chiến hằng ngày đi!” Ta cung tay hành lễ: “Ta đâu dám trái lời!” Cả hai bắt gặp ánh mắt nhau, không nhịn được lập tức cười ha ha.
Tuy thành là nơi giao giữa Nam và Bắc, nằm xuống nhìn lên, trời cao bao la, trong xanh bát ngát, bên tai toàn là âm thanh hỗn loạn, ta lần tìm trái tim đang đập dữ dội trong lồng ngực mình.
Thì ra, nó vẫn bình yên.
Có người nói: “Triệu đại ca, hóa ra tên ẻo lả này cũng có chút bản lĩnh đấy nhỉ, mạnh hơn nhiều so với lũ huênh hoang kia.”
Triệu Dũng dương dương tự đắc: “Nếu không sao ta chịu cho hắn ngồi ăn cơm cùng bàn với chúng ta?”
Có người bất mãn: “Tên này gắp nhanh lắm, lần sau ăn cơm phải chú ý một chút, đứng có để hắn một mình ăn hết thịt!”
Tô Nhân bò dậy kéo ta: “An tiểu lang mau đứng dậy, mau đứng dậy, đừng nằm ỳ trên đất nữa, mới đánh có một trận làm gì mà mệt đến thế?”
Ta vùng vằng sống chết không chịu dậy, cuôi cùng Tô Nhân và Triệu Dũng đành phải lôi ta lên. Hình như nửa người ta tựa lên người Triệu Dũng, Tô Nhân trông thấy ngứa bụng bèn trợn mắt với ta: “Cái bộ dạng kia mà dám ngày nào cũng đánh với ta hả?”
Ta ngắc ngoải tựa lên người Triệu Dũng, cứ thế về doanh trại, tiện thể lườm Tô Nhân: “Không biết người ta thân thể cành vàng lá ngọc hả?”
Câu nói khiến đám thanh niên lại được một tràng cười như nắc nẻ.
“Ngươi có phải đàn bà đâu! Cá gì mà cành vàng lá ngọc! Rèn luyện dần là vạm vỡ ngay.”
“Tô đại cả, việc rèn luyện tên tiểu tử này giao cả cho huynh đó!”
Mấy người thật quá đáng, tự quyết định chẳng cần ta đồng ý! Ta lén xoa tay, tự nhủ bữa ăn sau phải cho mấy tên này sáng mắt.
Đang cười đùa hớn hở, người trước mắt dừng lại hành lễ: “Hoàng tướng quân!” Nửa bên vai ta lập tức tê dại theo phản xạ.
Bàn tay to như quạt hương bồ của Hoàng Giới tướng quân để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc trong lòng người khác.
Triệu Dũng cười hi hí bên tai ta: “Thì ra ngươi sợ bàn tay sắt bự chảng của tướng quân à…” Ta ngẩng đầu cười đáp lại: “Lẽ nào ngươi không sợ?” Lọt vào tầm mắt ta là một người đứng bên cạnh Hoàng Giới đang nhìn qua đây, dáng vẻ anh tuấn hết sức quen thuộc.
Ta cảm thấy Tuy huyện suy cho cùng vẫn là đất Bắc, ánh sáng nơi đây quá chói chang, làm mắt người ta đau nhức.
Vài người trước mắt hành lễ: “Yến tướng quân!”
Ta lập tức khom người theo Triệu Dũng: “Yến tướng quân!”
Hoàng tướng quân trông bộ dạng này của ta, bật cười: “An hiệu úy, bị đánh rồi ư?”
Ta nhìn thấy mình vẫn còn cách mấy bước trước bàn tay bự chảng định vỗ xuống của hắn, cười thản nhiên: “Rèn luyện, rèn luyện ấy mà.”
Bàn tay hắn cuối cùng đã hạ xuống vai Tô Nhân đang ở gần nhất.
Tô Nhân lảo đảo lùi một bước về sau, đám người bọn ta cười hí hửng trên nỗi đau của kẻ khác, Hoàng tướng quân cũng rất vui vẻ, cùng Yến tướng quân tiếp tục tiến vào trong doanh trại.
Họ đi qua được năm sáu bước, Tô Nhân quay đầu chế nhạo ta: “An tiểu lang, biết vị Yến tướng quân kia không? Tuổi trẻ đầy triển vọng, thân thủ bất phàm, mạnh hơn ngươi nhiều á!”
Ta cười, chế nhạo lại: “Thì đó! Tuy ta chỉ mới nghe danh Yến tướng quân, chưa có duyên gặp gỡ, nhưng nghe nói hình như Yến tướng quân còn ít tuổi hơn Tô đại ca, thế mà võ công còn mạnh hơn Tô đại ca nhiều!”
“Thằng oắt này!” Tô Nhân gõ một cái lên đầu ta.
Có người ngập ngừng nói: “An tiểu lang, nói ngươi đừng giận. Sao ta nghe đâu bảo ngươi si mê Yến tướng quân, trong kinh thành mọi người đều biết?”
“Tin đồn trong kinh thành nhiều vô số kể, từ đầu làng đến cuối xóm, tin nhảm kia thay đổi muôn hình vạn trạng thế ngươi cũng tin à?” Ta nhào về phía hắn, mặt không biến sắc: “Vương đại ca, huynh nói ta đồng tính ư? Hay là hai chúng ta thử yêu nhau xem?”
“Biến biến biến!” Người đó cười vang né khỏi ta, gào lên cầu cứu: “Triệu Dũng, Triệu Dũng, còn không mau tới quản lý con khỉ nhà huynh đi!”
Ta đắc ý cười ha hả, bị Triệu Dũng nắm cổ áo lôi lại từ đằng sau, đành ngoan ngoãn đi sát bên hắn.
Bây giờ ta lại thích bị người khác quản lý.
Giữa những âm thanh ồn ào, từ phái xa xa, ta nghe thấy giọng nói lo lắng của Hoàng tướng quân: “Yến tướng quân, có chuyện gì vậy?”
“À… ừm… không có gì…”
Giọng hắn như gió thổi qua tai, và ta chẳng còn bận lòng thêm nữa.
Sau khi ta làm mưa làm gió trong doanh trại, đánh nhau suốt hai tháng trời với Tô Nhân ở thao trường, có thể cướp liên tiếp năm sáu miếng thịt trên bàn ăn, Đại Tề cuối cùng cũng đã không kìm chế nổi, bắt đầu tấn công phía bắc và cổng phía Tây của Tuy thành.
Nơi ta đóng quân vừa khéo tại cổng thành phía Tây. Hôm đó trời thu trong xanh, Hoàng tướng quân dẫn quan binh chúng ta đến cổng thành theo dõi trận chiến, chỉ thấy màu giáp nổi bật của quân Đại Tề, cờ bay phất phới, trên cờ soái giữa trận có thêu chữ Vũ to đùng, sắc mặt Hoàng tướng quân lập tức đông cứng.
“Vũ tướng quân này vừa đầu quân dưới trướng Thái tử Đại Tề, nghe nói khi tiến công những tiểu quốc kia, hắn bách chiến bách thắng, là kẻ địch mạnh không thể xem thường.”
Khi ấy, chiến tranh còn chưa nổ ra trên diện rộng, chúng ta đều mang thái độ lạc quan đối với trận chiến này. Không ngờ rằng nửa tháng sau, Hoàng tướng quân cùng quân sĩ dưới trướng hắn – những huynh đệ dễ mến, thân thiết với ta như thể tay chân, và cả ta đều bị Phượng Triều Văn bắt làm tù binh.
Trong trận Hoàng Hà cốc năm đó, lúc ta, Triệu Dũng và đám Tô Nhân rơi vào bước đường cùng, có quá nhiều việc không giải thích nổi, nhưng nay nhớ lại, Hoàng Giới tướng quân trung thành cương trực chẳng qua chỉ là vật hy sinh chính trị, chịu số phận vong mạng nơi đất khách quê người.
Chiến tranh vừa nổi ra, Yến Dục đã vội vã cầm thánh chỉ từ kinh thành tới đây chủ trì đại cục, tập hợp dưới trướng những tướng lĩnh được phân phòng thủ bốn cửa Tuy thành, đồng thời thể hiện sự xem trọng và khen ngợi Hoàng tướng quân.
Hoàng tướng quân vốn là một nam tử hán nhiệt huyết đầy trách nhiệm, chỉ mong lập tức vì đất nước mà anh dũng hy sinh không tiếc xương máu. Sau này ở trong trướng soái Phượng Triều Văn, mỗi lần bắt gặp hắn khen ngợi lòng trung dũng của thuộc hạ, ta lại thấy có phần thông cảm với kẻ kia, cảm giác Phượng Triều Văn chất đầy dã tâm, ý tại ngôn ngoại là: Bề tôi trung dũng, đi chết
Tần Ngọc Tranh xuất thân từ hoàng tộc, Duệ Vương phủ có thể so với một tiểu hậu cung, nàng ta thường ngày nghe quen tai, nhìn quen mắt, tinh thông lĩnh vực này, đánh đến khi ta thảm hại mới cho về.
Tuyệt chiêu số một: Vừa ăn cắp vừa la làng.
Ngày hôm sau, nàng ta xắn tay áo mình ngay trước mặt Yến Bình, chỉ vào mấy vết roi nhìn thấy mà đau lòng trên cổ tay trắng bóc kia, đau đớn kể lể hành vi ác độc của ta.
“Yến lang, chàng nhất định phải đòi lại công bằng cho thiếp. Hôm qua thiếp đợi Yến tiểu lang trước cổng nhà hắn cả ngày, khó khăn lắm mới gặp được, chỉ xin hắn lúc đi chơi cùng chàng có thể đưa thiếp theo, nào ngờ… nào ngờ hắn cho người quất roi…” Để thể hiện sự thương tâm tột cùng, những giọt nước mắt thỏa đáng cùng bờ vai khẽ run lên như không chịu nỗi áp lực chính là vũ khí thiết yếu.
Ta ngây người ngay tức khắc.
Đây gọi là làm sai còn đổ thừa, tuyết rơi giữa tháng Sáu [1], đổi trắng thay đen, hàm oan khó giải đó ư?
[1] Câu “Tuyết rơi giữa tháng Sáu” bắt nguồn từ truyện “Nỗi oan Đậu Nga”, là vở tạp kịch do Quan Hán Khanh soạn sau năm 1291, nội dung kể về một người đàn bà bình thường chết oan, khiến trời đất cũng phải rung động, phán ánh tinh thần phản kháng quyết liệt của nông dân đối với ách thống trị nhà Nguyên. Trong vở kịch, khi nàng Đậu Nga bị hàm oan, trước khi hết, nàng đã thề rằng: Tuyết sẽ rơi giữa tháng Sáu, che phủ cho xác nàng, địa phương đó sẽ hạn hán ba năm liền. Sau khi nàng chết, từng lời thề được ứng nghiệm.
Ta chính là ví dụ sinh động của hiện thực tàn khốc đây này!
Nếu ta dùng cùng một thủ đoạn, lúc này vén tay áo cho Yến Bình nhìn vết thương trên cánh tay mình, hắn nhất định sẽ tưởng rằng vết thương này do cha ta đánh đòn.
Dù sao sở thích của Nhiếp chính vương đại nhân ngoài việc uống rượu với Binh bộ lão Thượng thư ra, còn lại chính là ném then cài cửa, tiện thể tẩn luôn con trai duy nhất của mình…
Khắp triều ai ai cũng biết.
Trong cuộc chiến với tình địch, nữ nhân ra tay bất ngờ, tàn nhẫn với bản thân một chút, có lúc lại là pháp bảo vô song để chiến thắng!
Về mặt này, đại diện xuất sắc nhất thời xưa có nữ Hoàng đế vĩ đại – người đã bóp chết con gái ruột của mình – Võ Tắc Thiên, gần đây lại có quận chúa Ngọc Tranh của Duệ Vương phủ.
Ta trơ mắt nhìn Yến Bình dịu dàng kéo tay áo nàng ta xuống, ánh nhìn mềm mại tựa nước chảy dịu êm, rồi hắn quay đầu liếc ta bằng đôi mắt băng giá như ngày đông, trách ta không biết thương hoa tiếc ngọc.
Ta không làm nổi chuyện chẳng thương hoa tiếc ngọc này, việc ta muốn nhất là được thương hoa, được tiếc ngọc ấy. Hiềm một nỗi, xưa nay chẳng ai cho ta cơ hội.
Yến Bình chưa cần quở trách, ta đã hận không thể tự sát luôn cho rồi. Nhưng nghĩ đến cha trăm năm sau không ai cung phụng hương khói, ta đành tiếp tục nhẫn nhịn.
Tuyệt chiêu số hai: Dệt hoa trên gấm.
Ai ai cũng biết ta là nam nhân.
Nam nhân đương nhiên phải bộc trực hào phóng rồi.
Từ xưa đến nay, để có thể sắm vai nam nhân giống thật một chút, ta đã quen học theo cha, có lúc ta lén theo sau, im lặng mô phỏng hành động của ông, bị bác Đồng nhìn thấy rồi cứ cười mãi không thôi.
Sau này có một lần bác nói: “Tiểu lang, nếu trên mặt cháu thêm chút râu như lão gia, khoác thêm áo choàng của lão gia, thì đúng là giống ông ấy như hai giọt nước.”
Khi đó ta đang học theo cha ném then cửa, trong lúc xúc động, ta bắt chước động tác quen thuộc của cha liền rút then cài cửa, chưa kịp nhìn rõ đã ném ngay ra ngoài.
Chỉ nghe thấy một tiếng kêu thảm thiết, thôi xong, ta thò đầu ra nhìn thử… then cửa đập trúng ngay cha ta vừa triều về nhà.
Ông đã quen quăng then cài, lúc này khi vai trò đột ngột thay đổi, phản ứng có chút chậm chạp, bị thứ này đập vào trán liền nổi ngay cục u bự chảng.
… Chẹp, cha vẫn phải luyện phản ứng nhanh nhạy dài dài.
Sau đó đương nhiên là ta lại bị đánh một trận nên thân.
Bởi vậy, trừ việc hận không thể tìm một người chèn ép áp đặt, ra sức bắt nạt một phen ra, những thứ còn lại ta học được từ cha chính là chủ nghĩa độc tài: Trấn áp bằng vũ lực. Còn về chiêu lôi kéo dụ dỗ gì đó… nghe nói ông thường sử dụng với kẻ thù chính trị trên triều đường, dù sao thì ông cũng chưa từng dùng với ta nên hiện tại ta vẫn chưa học được.
Còn Yến Bình rõ ràng không thích hợp với việc trấn áp bằng vũ lực.
Vẫn là Tần Ngọc Tranh giúp ta lần đầu biết rằng lô kéo dụ dỗ cũng có nhiều phong cách đa dạng. Quá trình ngoạn mục ấy bắt đầu từ việc lo chu đáo mọi mặt, khiến nam nhân phải giao nộp vũ khí đầu hàng trước sự dịu dàng, chấp nhận thất bại hoàn toàn và chôn thân nửa đời còn lại với nàng. Nếu như Tần Ngọc Tranh không phải tình địch, ta chắc chắn sẽ nhiệt liệt tán thưởng.
Từ sau vụ nàng ta khóc lóc kể lể hôm đó, mười lần đi chơi thì tám chín lần có bóng dáng nàng ta.
Ngày mưa, nàng ta sẽ mang theo một chiếc áo khoác tự tay mình may cho Yến Bình.
Ngày nắng, nàng ta sẽ mang theo một chung đựng canh ngân nhĩ hạnh nhân thanh hỏa nhuận phế cho Yến Bình.
…
Ta thất bại liên tiếp, hận không thể hóa thân thành nữ tử dịu dàng thùy mị, đi theo chăm sóc Yến Bình như thế kia.
Kỳ thực, thời niên thiếu, người mà ta muốn trở thành nhất không phải bản thân ta, mà là tình địch của ta – Tần Ngọc Tranh, nói ra thực khiến người khác khó mà tin nổi.
Ta còn chưa kịp nghĩ kế phản kích, thông tin ta tranh giành nam nhân với Tần Ngọc Tranh đã ầm ĩ đến nỗi khắp triều ai ai cũng biết.
Cha ta nổi trận lôi đình.
Bây giờ ông quyền cao chức trọng, chuyện chính sự nhiều vô kể, chẳng dễ dàng gì mới dành ra được chút thời gian về nhà, nhưng khi ấy đã là cuối ngày, nhà nhà đốt lửa lên đèn.
Hôm nay vừa hay Tần Ngọc Tranh mệt mỏi trong người phải ở trong phủ tĩnh dưỡng. ta cảm thấy đây đúng là cơ hội tốt trời ban, liền hẹn Yến Bình đi chơi đêm ở Đông hồ, không ngờ lại bị cha chặn trước cửa, hét ầm lên “Nghịch tử, ngươi đi đâu?” Dọa ta sợ hết hồn.
Ta nhìn thấy gương mặt tái nhợt của ông từ trong ánh đèn, lê bước qua cười nịnh nọt dìu ông: “Là con thấy trời tối rồi nên ra cổng đợi cha ấy mà.”
“Cái đồ lẻo mép!” Ông hừ lạnh một tiếng, đẩy tar a, sải bước tiến vào, “Ta trông ngươi chẳng có vẻ gì là đón ta hết mà đi đón thằng tiểu tử họ Yến kìa!”
Bước chân ta bỗng sững lại.
Từ khi cha làm Nhiếp chính vương, dặn đi dặn lại ta phải tránh xa Yến Bình một chút.
Ngay cả bác Đồng cũng khuyên nhủ hết nước hết cái: “Tiểu lang, cha con nhà họ Yến, lớn là lão hồ ly, bé là tiểu hồ ly, đứa nhỏ không có mắt nhìn người như cháu tốt nhất nên tránh xa một chút.”
Trước giờ ta không can hệ đến chuyện tranh quyền trục lợi trong triều, câu nói của bác Đồng ta nghe tai này ra tai kia. Nhưng hình như hôm nay cha rất tức giận, ta đâu dám nhiều lời. Ông véo tai ta lôi vào nhà, lại quát tháo lệnh cho An Thanh trông cửa phủ cẩn thận, định tiến công không cho địch lối thoát.
… Ta biết, khi xuân đến hoa nở thi thoảng sẽ có trận mưa đá, giữa mùa hạ trăm hoa đua sắc đôi lúc cũng có cơn mưa rào. Mặc dù bây giờ ta và Yến Bình vẫn chưa có chuyện đôi bên tương ái, thề non hẹn biển, dù cha ta kiên quyết đứng về phe ác, tay cầm then cửa chặn đánh một trận tơi bời trong sân, ta cũng chỉ coi đó là thử thách nho nhỏ trên con đường tình duyên của mình, chỉ cần cắn rơm cắn cỏ chịu đựng rồi mọi thứ sẽ qua.
Đêm hôm đó đến khi ta vác nổi cơ thể đầy vết thương trèo tường ra ngoài, đến được Đông hồ đã là giờ Hợi[2].
[2] Giờ Hợi: Khoảng từ 9 đến 11 giờ đêm.
Ta tưởng rằng, Yến Bình sớm đã rời khỏi, tuy trong lòng vô cùng thất vọng, nhưng nếu hôm nay không thể đến đó một chuyến, cả đêm ta sẽ khó ngủ nổi.
Vài chiếc thuyền hoa nhẹ nhàng cập bến trên mặt nước Đông hồ, đèn đuốc đã tắt cả, ta thất thần ngồi bên bờ, cảm giác chỗ bị đánh sau lưng nhói lên đau xót, nhưng tất cả đều không bì được với nỗi đau đớn và sự mất mát trong lòng.
Đương lúc ta ăn năn hối cải, xa xa một con thuyền nhỏ lặng lẽ rẽ nước tiến tới, trên thuyền ánh đèn mờ ảo, nhưng dù thế nào ta cũng không thể nhận nhầm nam tử cầm mái chèo ở đầu thuyền.
Ta ngẩn người ngồi bên bờ, kinh ngạc há hốc miệng… Yến Bình vẫn chưa rời đi mà ở Đông hồ đợi ta cả tối… Cảm giác vui mừng khôn xiết này không kém gì một hôm nào đó Tiểu Hoàng ngủ dậy, đầu óc mơ màng, hạ thánh chỉ ban hôn cho ta, tân lang đương nhiên là Yến Bình.
Ước nguyện được đền đáp sau khi kiềm nén quá lâu, ta mừng đến nỗi suýt trào nước mắt!
Đến lúc ngồi lên thuyền nhỏ, ta vẫn có chút choáng váng, vừa rồi hắn không tránh né ta như ngày thường, vươn tay đỡ ta lên… ta lén thu bàn tay vừa được hắn nắm ra sau lưng, dùng tay nhẹ nhàng vuốt ve chỗ hắn chạm vào, làm vậy hệt như ta đang được vuốt ve bàn tay hắn… Sự ấp áp khi da thịt kề sát nhau khiến toàn thân ta nóng bừng, hai má như có lửa đốt, nhưng sự vui thích trong lòng lại tràn ra từng đợt, dù thế nào cũng không ngăn nổi.
Ta chẳng có dũng khí nhìn thẳng vào mắt hắn, mượn cớ quan sát xung quanh để che dấu gương mắt ửng đỏ của mình.
Trên thuyền, rượu và đồ nhắm đều đủ cả, bốn bề lăng thinh, gió mát đêm hè chầm chậm thổi qua. Ta dần dần tỉnh táo, cảm thấy đêm dài miên man, cơ hội hiếm có, nếu cứ tiếp tục ngẩn ngơ thì sẽ lãng phí buổi đêm tuyệt vời như thế này. Ta bạo gan nài hắn gảy một khúc Phượng Cầu Hoàng cho ta nghe, hắn có hơi nhăn nhó nhưng chỉ trong chốc lát, vẫn dịch đàn qua bắt đầu tấu nhạc…
Ta ngây dại nhìn hắn, thời gian như ngừng trôi, cả thế gian chỉ có tiếng đàn của hắn, giữa hai chúng ta… xưa nay chưa từng có giây phút nào êm đềm thanh thản, vui vẻ thoải mái giống vậy.
Ngón tay thon dài của hắn lướt trên dây đàn, ánh mắt chất chứa ý cười, không hiểu tại sao trong lúc đầu óc mơ màng, ta lại tiến đến gần Yến Bình, đặt một nụ hôn lên môi hắn. Tiếng đàn lập tức ngưng bặt.
Hôn xong ta liền ân hận muốn chết…
Ba năm trước ta mười bốn tuổi, ngay giữa phố đông người… từng cưỡng hôn hắn.
Ba năm sau ta mười bảy tuổi, khi hắn không phòng bị… lại lén hôn hắn.
Kết cục thể nào cũng như những lần trước, có lẽ hắn sẽ đạp ta một cước rơi xuống nước ngay lập tức… Ta cúi đầu, đợi hắn vung chân, chuẩn bị thi triển khả năng thần tốc đúc kết suốt mấy năm luyện võ thêm lần nữa.
Nhưng hắn chẳng động chân.
Từ trên đỉnh đầu, một tiếng cười khẽ vọng tới, cằm ta bị nhấc lên, khiến ta phải ngẩng đầu nhìn. Dưới ánh trăng, dường như những vì sao ngợp trời đều lắng đọng trong đôi mắt kia, sáng lấp lánh lạ thường. Bao yêu thương nồng nàn đều hiện lên từ đôi mắt ấy… Hắn cúi người, kèm theo ánh nhìn từ trên cao chiếu xuống khó lòng chống cự, rồi nhẹ nhàng ngậm lấy môi ta.
Tiếng nổ ầm ầm vang lên trong đầu, ta chỉ cảm giác toàn thân khẽ run lên, tay chân tê dại không còn chút sức lực, niềm vui sướng tột độ tấn công vào đại não, khoảnh khắc đó, ta nguyện chết vì hắn…
Vết thương trên lưng sớm đã không còn đau nữa, bỏ lại đằng sau tiếng gầm thét tức giận của cha, đây là giây phút ngọt ngào đến nỗi con tim người ta phải run rẩy, là kết quả sau mười năm chờ đợi của ta. Ta nhìn hắn trưởng thành từng chút một, trông ngóng từ phía xa, mỗi ngày đếu cầu nguyện tương lai sau này sẽ được cùng hắn chia ngọt sẽ bùi, nguyện dâng mạng sống này cho hắn, nguyện cả đời cúi rạp dưới chân cho hắn sai khiến… chỉ để đổi lại một nụ cười.
Đêm nay có lẽ nhân gian đều đã ngủ say, chư vị thần tiên bèn hạ phàm, nghe thấu nguyện vọng nhỏ bé này, nên giây phút ấy đã giúp ta thỏa lòng.
Yến Bình nói: “Tiểu Dật, Nhiếp chính vương có ở thích gì đặc biệt không?”
Đôi mắt ta sáng ngời, trong lòng vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ, lén nắm chặt tay: Lẽ nào nhanh như vậy mà hắn đã hiểu câu “ái ốc cập ô”[3] rồi sao?
[3] Ái ốc cập ô: Thương người yêu mà thương luôn cả ngôi nhà, lẫn con quạ làm tổ trên đó.
Ấy chết, cha không phải con quạ ăn nhờ ở đậu nhà ta.
“… Ngươi cũng biết cha ta và Nhiếp chính vương xưa nay chính kiến không hợp, nhưng gần đây Đại Tề đang có mưu đồ thôn tính thiên hạ, Đại Trần gặp nhiều khó khăn, cha ta muốn nối lại quan hệ với Nhiếp chính vương, ông đã suy nghĩ rất lâu nhưng vẫn chưa biết nên tặng quà gì mới có thể biểu lộ tâm ý.”
Mặt ta méo xệch, thực mất công hớn hở trong lòng!
“Trong kinh thành ai ai cũng biết, cha ta thích uống rượu và ăn cay.” Đúng vậy, vừa uống rượu vừa trò chuyện để nối lại quan hệ chẳng phải là thích hợp nhất đó sao?
Yến Bình nhíu mày, cười gượng nói: “Đừng bảo cha ta phải xách một giỏ ớt đem đến Nhiếp chính vương phủ làm quà chứ? Hay xách hai vò rượu? Như thế cũng mất mặt lắm. Ông chỉ thích trịnh trọng, tốt nhất là mấy thứ như kiểu vàng bạc châu báu ấy.”
Ta hận không thể giơ tay xoa giãn chỗ lông mày đang cau lại của hắn. Có điều dù ban nãy ta từng động chạm thân mật với hắn, bây giờ cũng không dám vượt quá giới hạn, đành ngồi ngay ngắn tại chỗ.
Hắn nhiệt tình dẫn dắt ta: “Nhiếp chính vương có thích cái đó không? Ví dụ trong thư phòng có gì mà thường ngày Nhiếp chính vương hay ngắm? Nó ra sao? Hoặc như vật gì đó đáng giá? Có đặt cùng với ấn tướng không?”
Ta bắt đầu bối rối, hận không thể lập tức về phủ nắm cổ áo cha bắt ông thích vàng bạc châu báu ngay tức khắc.
Cha ta rất mực thanh liêm, kẻ hầu người hạ trong nhà tính ra chưa quá bốn, năm người. Ta không rõ bên ngoài thế nào chứ những chuyện vụn vặt như thay quần áo, rửa mặt chải đầu ta vẫn phải tự mình động tay, chỉ mỗi việc dọn dẹp là có lão ma ma lo liệu. Nghe nói bà là vợ của tướng sĩ tử trận năm xưa dưới quyền cha, nên ta thực không dám nổi nóng sai khiến, bằng không sẽ bị cây gậy bự chảng hỏi thăm.
Hơn nữa, cha ta cũng có tật xấu không thể chấp nhận được, mỗi năm bổng lộc được phát xuống, ông toàn mua lương thực về tàng trữ dưới hầm theo thói quen, sang năm sau những thứ cũ mèm ấy chỉ còn cách mang ra ủ rượu.
Bác Đồng nói, tật xấu đó là do hồi trẻ cha ta bị đói đến phát sợ mà thành.
Quả thực ta không thể nói ra tật xấu chẳng mấy hay ho này, Yến thừa tướng mà đem mấy tạ gạo đến tặng tỏ thành ý hữu hảo thì ngại lắm.
Vậy mới nói, biếu xén đúng là việc hại não. Nói thì tưởng lấy lòng người khác là dễ, nhưng làm thật lại chẳng dễ chút nào.
Còn ấn tướng tuy là cục vàng có giá trị thật đấy, nhưng bởi không thể đổi lấy lúa gạo nên trước nay cha ta tiện tay vứt nó trong ngăn thứ hai bên trái bàn dài ở thư phòng, chẳng ai thèm hỏi đến.
Ta nhìn thấy chính mình đang rụt cổ lại từ trong đôi mắt dần lộ vẻ thất vọng của Yến Bình.
“Ta… để khi nào về ta vào thư phòng của cha xem thử coi sao…”
Giữa màn đêm, nét mặt Yến Bình cũng đã giãn ra, ta thở dài một hơi, quyết định về nhà tìm kĩ một lượt từng ngóc ngách, nhất định phải đào cho ra châu báu.
Nhưng sang ngày hôm sau, ta còn chưa kịp lục lọi thư phòng, cha ta đã được Ngự Lân quân khiêng từ trong cung về nhà.
Ngự y chạy qua chạy lại mấy lượt, Thái hậu ban thưởng không ngớt, cha ta sắc mặt xanh sao ngồi tựa trên giường, bác Đồng lo lắng đứng ở cửa tiếp đón khách đến thăm bệnh đông nườm nượp.
Yến bá bán dẫn theo Yến Bình đến rồi lại đi.
Lòng ta xúc động khó kiềm nén: Yến bá bá đang muốn nối lại quan hệ với cha ta đó sao?
Chỉ cần sau khi quan hệ giữa hai người trở nên tốt đẹp rồi cứ thể thuận nước đẩy thuyền bàn tiếp chuyện hôn sự…
Thế nên lúc ta mang thuốc tới, bước chân uyển chuyển hơn hẳn mọi ngày, cũng bởi muốn cùng ông bàn chút chuyện riêng liên quan đến hôn sự. Sợ bác Đồng nghe được sẽ cười ta, nên ta tiện tay cài cửa lại. Chăm ông uống thuốc xong, ta nhoài người đến bên cạnh, chỉ mong chờ ông có gì muốn nói với mình.
Cha tức cười ấn trán ta: “Cái con khỉ này cả ngày ở ngoài gây rối, hiếm lắm mới yên tĩnh cạnh ta như thế này. Chẳng nhẽ cứ bắt ta phải ốm thêm mấy lần ngươi mới ngoan ngoãn ở bên?”
Ta húc đầu vào bụng ông, thấy nó mềm mại đến lạ lùng. Ông đẩy đầu ta qua một bên: “Lớn tướng rồi còn chơi cái trò này?” Đây là trò hồi nhỏ ta thường chơi cùng cha, ta ra sức húc, còn ông lúc nào cũng cười vang vui vẻ. Hôm nay tình hình rối ren, vừa hay chưa thắt mũ mão, thật tiện chơi trò này.
Ta thấy tâm trạng cha khá tốt, bèn giả vờ hỏi bâng quơ: “Hình như ban nãy Yến bá bá và Yến Bình có tới?”
Trên gương mặt cha, nụ cười còn chưa kịp tắt đã đông cứng lại. Nhưng lần này ông không nổi giận, chỉ chậm rãi xoa đầu ta, than thở: “Cái đứa dại dột này, sao ta lại có thể sinh ra đứa con khờ như ngươi chứ? Đã khờ lại còn bướng, quả là giống ta y đúc. Từ nay về sau, ngươi đừng nhớ nhung tiểu tử họ Yến nữa, cũng đừng gặp nó, cứ coi như… trên thế gian này không có nó đi.”
Ta sốt sắng gào lên: “Làm vậy sao được? Tối qua Yến Bình còn nói, Yến bá bá còn muốn nối lại quan hệ với cha, bảo con nghĩ kĩ giúp xem tặng cha quà gì kìa! Chỉ cần hai người nối lại quan hệ, con và hắn… con và hắn…”
Cha bàng hoàng: “Tối qua… Ngươi không ngoan ngoãn ở trong phòng lại ở cùng tiểu tử họ Yến ư?”
Lỡ kể ra mất rồi, có chống chế cũng vô dụng, ta đành gật đầu, chân đã chuẩn bị tư thế chuồn đi.
“Nó… nó đã làm gì ngươi?” Giọng nói của cha trầm hẳn xuống, kèm theo sức ép.
Ta sợ hãi run cầm cập, lỡ miệng kể sự thật: “Hắn… hắn hôn con… hắn… sau này con có thể gả cho hắn…”
Cha trợn trừng mắt, gân xanh hằn trên trán, thờ phì phò chỉ vào ta. Ta co rúm lại, không dám tiến cũng không dám lùi, chỉ nghe thấy cha quát tháo: “Thằng khốn, chưa ăn đòn là chưa tỉnh ngộ phải không?” Chẳng hiểu ông rút cây gậy từ đâu ra, giơ lên rõ cao, ta đang run rẩy ôm đầu chuẩn bị tâm lý ăn đòn, nhưng bỗng nghe thấy một tiếng “phụt”, rồi một dòng máu tanh bắn về phía ta, rất nhiều máu phun lên đầu, lên mặt. Ta sợ hãi ngẩng lên nhìn, cây gậy rơi xuống sàn gạch xanh phát ra tiếng “lộc cộc”, trên cằm, trên râu và vạt áo cha vấy đầy máu…
Mặt ông xám ngoét, ta sợ hãi hồn bay phách tán, ruột gan rối bời, vội lao lên trước xin ông tha thứ: “Cha, cha, đừng giận nữa, con không lấy Yến Bình, kiếp này con sẽ không lấy hắn, sau này con và hắn chỉ là người dưng.. là người dưng cả đời…”
Cha mệt mỏi nhắm chặt mắt, rồi lại giơ tay xoa đầu ta, trìu mến hiếm thấy: “Ngoan, sao con không hiểu chứ… Yến Dục nham hiểm khó lường, tính trăm phương ngàn kế để có được thiên hạ Đại Trần. Dù… dù con có mang thân phận nữ nhi, thì suốt kiếp cũng bị trói buộc trong hậu cung. Cha cả đời không chịu thua kém ai, sao có thể cho phép… con gái mình chết già trong cung, chỉ mong con trai hắn thỉnh thoảng đến sủng hạnh? Cha cho con học văn trị, luyên võ công… lẽ nào để con dùng nó đi lấy lòng một nam nhân?”
Ta lắc lắc đầu, rưng rưng nước mắt đáp: “Là cha muốn con gái có thể đứng vững giữa loạn thế, không sợ hãi, không bị ức hiếp, không chịu khuất phục trước bất cứ ai…”
Ông mỉm cười gật đầu, lấy tay lau vết máu trên mặt ta: “Ngoan, coi như con hiểu được nỗi khổ tâm của người làm cha này…” Chưa nói dứt lời, ông đã ngã về phía sau.
Ta với tay kéo ông, cơ thể nặng nề của ông nhào về trước, ta gào lên: “Chaaaaa…”
… Hai mắt ông nhắm nghiền, hơi thở đã tắt…
Ta đưa tay lau vết máu trên cằm ông, càng lau lại càng nhiều, lệ nhòe trong mắt, từng giọt lớn rơi lên cằm, lên mặt, lên râu ông… vết máu kia sau cùng chẳng thể lau sạch…
Ngoài cửa có người ra sức đập, ta ôm chặt cha, cảm nhận cơ thể ông đang lạnh dần từng chút một, nỗi đau bất lực bỗng trào lên. Tuy ông luôn nghiêm khắc, dùng đòn roi để dạy bảo, nhưng xưa nay ta chưa từng thấy bầu trời u ám giống bây giờ, như thể nó đang đổ sụp xuống, chèn ép khiến ta ngay cả khi hít thở cũng đau đớn vô cùng…
“Rầm”, cửa bật mở, then cài gãy nát văng xuống đất, nghe tiếng gió thổi đằng sau, ta vẫn ngồi đó làm ngơ tất cả, có người vỗ mạnh lên lưng ta một cái, tiếp đó nghe thấy tiếng bác Đồng la hét: “Tiểu lang… Lão gia…”
Có người giành lấy cha từ trong lòng ta, ta giữ chặt cha, sống chết không chịu buông tay… Ông là chỗ dựa duy nhất của ta trên thế gian này… Sao ta có thể… sao ta có thể khiến ông giận dữ đến nông nỗi ấy?
Bác Đồng ta sức lay ta: “Tiểu lang, lão gia đã qua đời rồi… để bác thay lão gia sửa sang một chút nhé? Không thể để lão gia nhập liệm mà người đầy máu thế này được?”
Ta ngỡ ngàng cúi đầu nhìn cha đang nhắm nghiền mắt trong lòng, trước giờ ông thường nổi nóng với ta, rõ ràng bên ngoài ông là người hết sức ôn hòa nhã nhặn, sao cứ về nhà lại hung bạo như vậy?
Ta vuốt ve gương mặt của ông, mỉm cười thì thầm: “Cha, bây giờ cha không mắng con nữa ư? Nếu cha không chịu tỉnh lại, con sẽ đi tìm Yến Bình ngay lập tức, nói với hắn con là nữ nhi, con muốn lấy hắn… Cha có tỉnh lại không… Cha mau tỉnh lại đi!”
Có lẽ ông không tin ta dám làm chuyện đại nghịch bất đạo đến thế, nên không hề nhúc nhích. Ta bất thình lình giao ông cho bác Đồng, “Cha, con phải đi tìm Yến Bình thật đây…” Rồi quay người xông ra cửa…
Trời mưa như trút nước, tiếng gào của bác Đồng và An Thanh vang bên tai: “Tiểu lang…” Trong chớp mắt, tất cả mọi thứ đã bị ngăn cách sau màn mưa…
Lúc ta đến Yến phủ, cặp đèn lưu ly bát giác trước cổng đang tỏa ra quầng sáng nhàn nhạt, dường như nơi đây khác xa so với thế giới ta đang sống. Nhưng ta mù quáng lắm, hồi bé cứ vương tay khăng khăng đòi nắm chặt tay hắn… để rồi lần nào cũng bị hắn vùng ra…
Ta phân vân tính thầm trong bụng, ta nên nắm chặt tay hắn chẳng hề kiêng dè, để cha tức quá phải chồm dậy cầm gậy đuổi đánh, hay nên bước vào đoạn tuyệt quan hệ với hắn, từ giây phút này cả đời không qua lại với nhau…
Chắc là ông trời đã ung dung sắp đặt kết cục này từ trước, ta đang đứng do dự giữa trời mưa gió, một đôi nam nữ bước lại gần từ phía xa, cùng cầm một chiếc ô. Dù cách xa như vậy, ta nghĩ mình vẫn có thể tưởng tượng ra dung mạo anh tuấn của nam tử dưới tán ô ấy… Một tay hắn đang vòng qua eo nữ tử bên cạnh, tuy trời mưa không ngớt, nhưng hai người họ vẫn rảo bước chân, dẫu y phục đã bị mưa thấm ướt, khoảnh khắc ngọt ngào kia vẫn chẳng thể tản đi.
Hai người họ đến bên ta, ta nghe thấy Tần Ngọc Tranh mắng yêu: “Yến lang…” Ngay lúc đó, ta chỉ mong mình đã chết từ lâu rồi… để không đặt chân đến nơi này, để chưa từng quen con người này…
Chiếc ô kia dừng trước mặt ta, nam tử dưới ô vẫn đẹp như tranh vẽ giống hệt như trước đây, nhưng đôi mắt nhìn ta lại xa cách lạ lẫm… Ngày xưa cha từng cười nửa đùa nửa thật với ta: “Trong chiến tranh chính trị, khi cần thiết thì mỹ nam kế cũng là kế, thằng nhóc ngươi phải cẩn thận.”
Thứ gì đó trong ta vỡ nát, rơi xuống từng mảng, đến nỗi ta chỉ có thể cố gắng nở nụ cười gượng gạo: “Tình cờ quá… Ta tới đây…”
Ta tới đây làm gì?
Ta dọ dự nhìn quanh, chẳng biết phải đi đâu…
Tần Ngọc Tranh “hừ” một tiếng lạnh lùng, thét lên trước tiên: “An tiểu lang, ngươi cũng quá vô liêm sỉ rồi đó! Ở Đại Trần ai cũng biết Yến lang không hề đồng tính, ngươi si mê chàng như điên như dại thế này, cứ phải hủy hoại danh tiếng của chàng ngươi mới vui sao? Ngươi tưởng ai cũng mặt dày như mình chắc?”
Ta ngỡ ngàng nhìn đôi môi anh đào đóng mở liên tục của nàng ta, khuôn miệng rất đẹp, mang màu sắc cám dỗ khó tả, nhưng lời lẽ thốt ra lại vô cùng ác độc.
Thiếu niên bên cạnh nàng ta khẽ nhướn mày, chưa quá một ngày một đêm mà gương mặt đẹp tựa như tranh kia đã xa lạ đến thế. Tay hắn vẫn ôm chặt eo Tần Ngọc Tranh, hẳn đã quyết định dửng dưng đứng nhìn.
“… Ngươi đúng là được cha ngươi truyền lại bí kíp trơ tráo…”
Đồng tử ta đột nhiên co lại, tư tưởng bạo lực bỗng xuất hiện. Ta chẳng thèm suy nghĩ, vung mạnh một cái tát. Tiếng “bốp” vang lên, trên mặt Tần Ngọc Tranh đã in hằn năm ngón tay. Nàng ta gào khóc quay đầu tìm viện binh: “Yến lang, tên này dám đánh thiếp… Chàng phải giúp thiếp dạy cho hắn một bài học!”
Nam tử lặng lẽ đưa ô cho thiếu nữ, còn mình tiến lên trước hai bước, gương mặt liền bị nước mưa làm ướt, tạo nên vẻ tao nhã tựa hồ bức tranh phong thủy. Đôi môi mỏng của hắn hơi nhếch lên, nhỏ tiếng thốt ra mấy chữ, nhưng trong nháy mắt chúng đã biến thành những chiếc gai sắc nhọn đâm vào tim ta, khiến ta đau đớn tột cùng, vậy mà trông bề ngoài ta vẫn thờ ơ tĩnh lặng.
Hắn nói: “An Dật, hôm nay cha ngươi đã không thể xuống khỏi giường, trước mắt dù cầm hổ phù đi chăng nữa cũng khó có thể ra khỏi phủ xử lí công chuyện. Sau này ngươi cũng khỏi cần đến tìm ta, mọi người đều là quan cùng triều, giữ lại cho đôi bên chút thể diện được chứ?”
Ta muốn tiêu hóa mấy chữ này nhưng sao thật khó nhọc, chỉ thấy mơ hồ quá. Khung cảnh ngọt ngào trên chiếc thuyền nhỏ trôi giữa Đông hồ kia dường như chỉ là một giấc mộng hư ảo, cơn mưa lúc này ào ào trút xuống, chẳng thể nào tránh né hiện thực lạnh lẽo tàn khốc này.
Hắn yên lặng nhìn ta, lông mày hơi cau lại, nghiêng đầu nghĩ ngợi, trong đôi mắt dịu dàng dần ngập tràn ý cười: “Ngươi sống chết bám trụ tại đây không chịu đi, có phải muốn được trả lại một cái tát kia?” Nói rồi hắn vung tay, chậm rãi mà mạnh mẽ, một cú đấm hướng thẳng lồng ngực ta…
Ta không trốn tránh, hiên ngang nhận một đấm của hắn, mùi máu tanh lợm cổ họng rồi bỗng phun ra ngoài, chốc lát đã nhuộm đỏ cả áo hắn.
Vẻ ngạc nhiên hiện trên gương mặt hắn, không biết hắn bất ngờ vì sự chậm chạp của ta hay vì ta không trốn tránh. Bao nhiêu năm trôi qua, thiếu niên mạnh mẽ kiêu ngạo trước mặt ta đây đã từng là đứa trẻ gầy yếu, hồi nhỏ thường bị ta đuổi theo sau gào thét: “Vợ ta ơi…”
Không biết là ta bị ma nhập hay bị trúng tà, chỉ hận không thể moi trái tim này ra cho hắn. Bây giờ nghiệt duyên này cũng coi như đã đến hồi kết. Ta gượng cười, mưa tạt đỉnh đầu, dù mưa hay nước mắt tuôn trào như thác, giây phút này cũng không thể nhìn ra ta có gì thảm hại hay thất thố.
“Vợ ơi, giờ ta phải đi đây…”
Từ đầu đến cuối ta vẫn thấy cách gọi này thật hay… Dường như thời gian bỗng quay về thuở nhỏ, khi hắn không có sức phản kháng, bị ta lôi đi xềnh xệch… khi mà hắn cắn môi, tủi thân đến nỗi nước mắt chực trào nhưng không dám cãi, chỉ cần ta nắm tay lắc lư trước mặt hắn, hắn sẽ ngoan ngoãn nghe lời.
Tần Ngọc Tranh cầm ô tiến tới, tức giận gọi: “An tiêu lang, ngươi lầm bẩm gì thế?”
Ta mỉm cười, lần này thật sự chẳng còn vương vấn gì nữa, ta vẫy tay từ biệt. Trong ánh mắt đăm chiêu của hắn, ta quay đầu rời khỏi Yến phủ.
Mưa giăng kín trời, mình ta lặng bước.
Tang sự của cha tiết kiệm tối đa.
Lúc còn sống ông đã không thích xa xỉ, sau khi chết đương nhiên càng không cần phô trương.
Người đến chia buồn không nhiều, người đi trà lạnh chẳng phải chuyện hiếm thấy trên thế gian.
Nhưng Yến Dục có đến một lần.
Hắn thắp ba nén hương trước linh cửu của cha, dài giọng than thở, ôm quan tài chực khóc, nhưng bị ta bật cười xen ngang.
“Yến bá bá, thôi bá bá đừng đau khổ nữa, cha cháu đang làm biếng nên mới trốn lên cõi tiên đó mà. Hiện tại mười vạn đại quân áp sát Đại Tề, chiến tranh sắp nổ ra. Tuy bá bá đã từng này tuổi rồi, nhưng cũng vẫn phải chỉ huy chiến trận thì cha cháu mới được ngủ thêm một lát…”
Có lẽ lão thấy ta chẳng nhỏ một giọt lệ, vẻ mặt còn hết sức quái lại, nên sau cùng lại thở dài một tiếng: “Thằng bé này…” Nhưng không thể trách ta bất hiếu, đành quay người đi.
Ta ngày đêm trông coi linh cữu của cha, tựa đầu lên quan tài lạnh lẽo. Khoảng cách gần như vậy, cha vẫn chẳng thèm để ý ta, kiên quyết chìm vào giấc ngủ.
Một hôm trong lúc mơ màng, ma xui quỷ khiến thế nào ta lại mò thấy con dao nhỏ tùy thân của mình, liền đâm một nhát lên đùi. Ban đầu còn thấy đau, nhưng rất nhanh sau đó, nỗi đau trong lòng dường như đã chôn vùi nỗi đau thể xác, ta chỉ ngây người quan sát vệt màu son kia dần thấm nhòe, đỏ đến rùng mình, giống hệt màu sắc trên gương mặt đẫm máu của cha…
Ta nghe thấy giọng nói già nua của bác Đồng vọng vào từ ngoài màn hiếu[4]: “Lão gia phải đi bây giờ, tiểu lang tính sao?”
[4] Màn hiếu: Màn treo trước cửa linh cữu.
An Thanh có phần bất bình: “Cả đời lão gia nâng niu tiểu lang trong tay, nào ngờ đến giây phút cuối cùng bị tiểu lang làm cho tức chết. Vậy mà tiểu lang lòng dạ sắt đá, chưa từng nhỏ lấy một giọt nước mắt, thật là bất hiếu!”
Bác Đồng khẽ thờ dài: “An Thanh, ngươi không hiểu chuyện. Lão gia vốn biết triều đình thối nát, ông chỉ thích tiểu lang cứ tươi cười vô tư thế này chứ không muốn đầy con mình vào đống bùn nhơ kia…”
Ta cảm thấy trái tim mình như bị một bàn tay siết chặt, làm ta không thở nổi, dường như chỉ có con dao nhỏ không ngừng đâm xuyên chân cùng màu đỏ bắn tóe trong chớp mắt kia mới có thể xoa dịu sự bức bối này…
An Thanh ấm ức giải thích: “Vấn đề này không phải tiểu lang không muốn tham gia mà là không thể tham gia… Hai hôm trước chẳng phải còn có người đến cầu kiến tiểu lang, nói rằng cần đón thiếu chủ đi chủ trì đại cục… Cháu không hiểu sao bác Đồng phải ngăn lại? Để tiểu lang kế thừa vị trí của lão gia, lấy lại danh tiếng gia tộc, như vậy có gì không tốt?”
Bác Đồng tỏ vẻ yếu ớt. Mấy ngày nay ta mệt mỏi vô cùng, quả thật chưa nghe thấy ông bẩm báo chuyện này.
“Ngươi thì hiểu cái gì? Đến đón thiếu chủ đi có mấy người là thành tâm giúp đỡ? Chẳng phải muốn đẩy con rối chủ nhân lên trước, còn tương lai tự mình dễ bề xưng vương đó sao… An Thanh, nếu ngươi muốn lập chút công danh, ta không cản ngươi. Giờ lão gia đi rồi, ngươi cũng mau tìm đường tiến thân. Nhưng tiểu lang thì không được, tiểu lang chỉ cần bình yên sống qua ngày là đủ rồi, đây là hy vọng của lão gia…”
Ta cắn chặt môi, dòng máu tanh luồn qua kẽ răng… Cha, có phải con chỉ cần ngoan ngoãn nghe lời, bình yên sống trên cõi đời này thì cha cũng sẽ bớt giận con hơn không? Bớt giận rồi cha sẽ dần dần tha thứ cho con?”
Ta đập đầu từng hồi lên quan tài, hối hận vô cùng nhưng chẳng thể nói cùng ai.
Tặng phẩm từ thái hậu lũ lượt đến như nước, đồ tùy táng rất nhiều, có lẽ do của cải cám dỗ nên mấy ngày quan tài đặt trong nhà đã thu hút bốn năm lượt hắc y nhân.
Hằng đêm ta sai người đốt đèn sáng trưng, cùng bác Đồng trông coi linh cữu, mặc kệ tiếng vang vọng tới từ sân sau thư phòng. Thỉnh thoảng ra ngoài đi vệ sinh còn chạm mặt với hắc y huynh, ta gật đầu: “Huynh đài cứ tự nhiên.” Rồi quay người đi thẳng vào nhà vệ sinh.
Tặng phẩm được trịnh trọng bày trong thư phòng cha, chẳng phân rõ ai trông nom.
Sau bốn năm đêm quấy nhiễu, những tặng phẩm kia lại không thiếu mất một món, huynh đệ hắc y lật tung khắp nhà hình như không phải vì tiền bạc, cũng chẳng hiểu họ đang tìm gì. Chuyện này truyền ra ngoài, Thái hậu liền phái Cấm vệ quân đến, phụng chỉ bảo vệ An phủ.
Ta cẩn trọng đa tạ long ân của Thái hậu, nghênh đón đám Cấm vệ quân hở ra là đấm với đá.
Cha ta xưa nay nổi tiếng thanh liêm, nhưng Cấm vệ quân chắc đã nhìn quen những bộ mặt ra vẻ đạo mạo ngợp trong đống gấm vóc, nên không chịu tin cha ta là người ngay thẳng chính trực, bèn lật tung từng gian phòng, đào xới những ba thước đất. Tôi tớ trong phủ tức giận nhưng không dám nói, bị bác Đồng bắt ở linh đường lo liệu tang sự, tuyệt đối không được bén mảng đến sân sau.
Trong lúc hỗn loạn thế này, ta vẫn thản nhiên đi qua trước mặt họ, mấy người đó đều dừng tay, ngơ ngác nhìn nhau rồi quay sang nhìn ta.
Ta đi thẳng vào phòng tìm băng vải, mặc dù đồ tang rất rộng, nhưng nếu bác Đồng phát hiện ra vết máu trên chân chắc ta không tránh khỏi bị mắng một trận nên thân.
Ta lịch sự gật đầu với họ: “Phủ ta sơ sài, tiếp đãi chưa được chu đáo. Nếu các vị khát, có thể tự xuống bếp tìm bát nước uống, trong nhà người hầu tuổi cao sức yếu, xin thứ lỗi.”
Đám Cấm vệ quân ngạc nhiên đến nỗi làm rơi thuổng sắt trong tay, tiếng rơi leng keng văng vẳng bên tai.
Cha xem, giờ con đã biết an phận thủ thường, nghe theo lời cha, ngay cả người ngoài lật tường xới đất con cũng chẳng màng, chỉ mong được sống bình yên…
Phòng ngủ của ta cũng không thể thoát khỏi chuyện này, đồ đạc bị xáo trộn lung tung, may thay mọi thứ vẫn còn đó. Ta lục tìm một ít vải trắng, băng cẩn thận vết thương trên chân, ôm đầu đang choáng váng đi sang phòng bên cạnh.
Bên cạnh chính là phòng ngủ của cha. Ta bước vào, đầu ta đau nhức như thể bị ai đó giáng một đòn. Căn phòng bị lục tung hoàn toàn thay đổi, sàn gạch bị cạy lên, không biết những người này đang tìm thứ gì, mấy ngày nay trong nhà chẳng hề thiếu đồ đáng tiền, ngay cả tặng phẩm Thái hậu ban chất đống trong thư phòng cũng không thiếu một thứ. Ta rất nghi ngờ có khả năng cha ta đang giữ bảo vật vô giá, bởi vậy mới khơi dậy lòng tham từ khắp nơi.
Ta đi lại trong phòng, giữa đóng gạch đất cùng quần áo đồ dùng hỗn loạn, ta nhìn thấy một vật nhỏ màu đỏ trông khá quen mắt. Ta cúi người nhặt, là một con cá bé làm bằng gỗ, bên trên đan nút dây hình song ngư, giống món trang sức ta mang ở thắt lưng hồi nhỏ.
Ta nghĩ rất lâu mới nhớ ra, đây là thứ cha tự tay làm cho ta khi ta còn bé tí. Con cá gỗ nhỏ này do chính ông mài giũa, rồi lấy thuốc nhuộm nhuộm màu từng chút cho nó, ngay cả nút dây song ngư vặn vẹo cũng do ông bện từ đầu đến cuối. Hồi đó ta vô cùng nâng niu nó, ngày nào cũng giữ khư khư bên mình để ngắm nghía, đến khi nó phai màu còn ta có đồ chơi mới, ta mới chịu rời, tiện tay quăng sang bên cạnh.
Cũng không biết cha ta đã cất nó vào phòng từ lúc nào, hơn nữa màu sắc rất tươi đẹp, chắc sau đó cũng đã nhuộm mới lại.
Thì ra ta sống thật tùy tiện, không hiểu ta đã vứt bỏ bảo bối quý giá này từ khi nào, cho đến khi được đám người kia vô tình tìm ra trong phòng cha…
Từng giọt nước mắt nặng trĩu tuôn trào, rơi xuống con cá gỗ nhỏ, bàn tay ta lập tức bị nhuộm hồng một mảng… Ta nắm chặt cá gỗ nhỏ, hệt như đang nắm giữ vật báu cuối cùng, hận không thể nhét nó vào tim, đề bù đắp lỗ hổng đã bị khoét sâu nơi đó…
Vào đêm đóng nắm quan tài cha, trong phủ hết sức yên tĩnh.
Lúc hành lễ, kị đi lại trong phủ.
Bác Đồng bê một cái tráp mở ra trước mặt ta, “Tiểu lang, thứ này của lão gia bác không biết xử lí thế nào.”
Ta thò đầu xem thử, là một viên ngọc đen to bằng bàn tay, nhưng lại khuyết nửa phần bên, hình dạng có chút kì quái, nắm trong tay nặng trịch. Bỗng ta chợt hiểu ra, những người kia đào ba thước đất, không phải để tìm thứ này hay sao?
“Vật này là của cha?”
Bác Đồng do dự một lát rồi gật đầu.
Ta ôm lấy cả cái tráp, “Nếu vậy, không bằng nhập táng theo cha luôn!” Rồi quay người nhẹ nhàng đặt nó bên chân ông, ngắm ông ngủ yên lần cuối, từ từ đậy nắp quan tài lại.
Bác Đồng tròn mắt nhìn ta: “Tiểu lang… Tiểu lang…”
Ta khó hiểu hỏi: “Ngọc đen không được nhập táng? Có quy định này sao?”
Bác Đồng bật cười khanh khách, nét mặt cổ quái khó tả: “Được! Được! Cứ theo tiểu lang, thứ này chôn theo cũng tốt! Tất cả do tiểu lang quyết định!” Dù bác đang cười, nhưng hai hàng lệ vẫn chậm rãi lăn xuống theo đôi gò má già nua.
Ta hợp sức cùng bác đậy nắp quan tài lại, ngày hôm sau đưa cha đi chôn cất, mọi chuyện đều diễn ra suôn sẻ.
Ba ngày sau, ta vào cung tạ ân.
Thái hậu ở Di Ninh điện, dáng vẻ đau khổ hết sức, bi đát hệt như cha bà chết, khiến ta vô cùng khó xử, nghĩ bụng may mà sớm đưa cha đi chôn cất, nếu Thái hậu tới túc trực bên linh cữu cùng ta, có khi mọi người lại tưởng hai người có tình thân huyết thống gì nữa đấy.
Ta vốn cho rằng, ngày cha ta được đưa về nhà, có lẽ bà đã gây “chuyện ngoài ý muốn”. Nhưng bây giờ bà khóc lóc đau thương thế này, mấy lần nghẹn ngào nói không nên lời, ta lại cảm thấy mình đúng là lòng dạ tiểu nhân. Nghe bà hồi tưởng lại ân tình năm đó cha cùng Tiên đế đồng cam cộng khổ như thế nào như thế nào, hẵng còn khỏe mạnh đã vội ra đi gì gì đó… Ta chống cằm mãi chẳng ngủ được, chỉ cảm thấy đầu đau như búa bổ.
Nữ nhân khóc lóc quả nhiên nguy hiểm!
May mà Tiểu Hoàng vẫn vậy, thấy ta đến liền cuống quýt mang rất nhiều điểm tâm tới, chỉ vào mắt ta, khó hiểu hỏi: “Tiểu Dật, nhẽ ra mắt ngươi phải sưng phồng như quả đào, không dám gặp người khác chứ nhỉ?”
Ta trợn mắt lườm nó, “Hoàng thượng, chỉ nữ nhân mới vậy mà?” Rồi nhón miếng bánh đậu đỏ bỏ vào miệng.
Nó cũng không đến nỗi ngốc lắm, nhìn chằm chằm ta hồi lâu, mặt mày ủ rũ như mất cha.
Ban nãy ở Di Ninh điện an ủi Thái hậu mệt phờ người, bây giờ cũng chẳng còn sức dỗ dành nó, ăn điểm tâm một lúc, bụng đã tạm no, ta mới nói vào mục đích chính: “Hoàng thượng, thần muốn tới Tuy thành đi lính.”
Tiểu Hoàng kinh ngạc đến rơi cả hàm.
“Tiểu Dật, Nhiếp chính vương mất rồi hẳn ngươi phải đau lòng lắm. Lúc phụ hoàng qua đời ta cũng rất buồn. Nhưng mẫu hậu đã nói, phải sắp xếp ổn thỏa cho ngươi, ngươi xem thích vị trí nào trong lục bộ[5] thì cứ nói, còn đánh trận thì thôi nhé?” Nó quay đầu liếc nhìn ra cửa, thấy đám cung nhân không có ở đây, mới ghé tai ta nói: “Nghe đâu tên Thái tử Đại Tề kia rất lợi hại, hay ngươi đừng đi Tuy thành nữa.”
[5] Lục bộ: Là cơ cấu triều chính trong xã hội phong kiến, phân thành: lại, hộ, lễ binh, hình, công.
Bác Đồng nghe thấy ta đòi đi Tuy thành, chỉ thiếu nước ôm tay ta gào khóc.
“Tiểu lang, nếu cháu đã muốn đi Tuy thành đánh trận… vậy… vậy… sao còn chôn thứ kia…”
Ta chẳng có hứng thú gì với thứ bác Đồng nói đến, nhưng gần đây Đại Tề cũng đã quét sạch tiểu quốc thuộc địa ở phương Bắc, bày trận thế tranh giành thiên hạ với Đại Trần.
Ta thờ ơ nói: “Cha cháu hẳn cũng muốn xả thân vì nước nếu quân Đại Tề đánh tới phải không?” Cha là người rắn rỏi cương trực, thà chết vinh còn hơn sống nhục.
Bác Đồng ngơ ngác nhìn ta, “Sao cháu biết?” Có điều sau mấy hôm, trên mặt ông như già thêm mười tuổi, phản xạ cũng chậm chạp hơn rất nhiều.
Ta ngửa đầu nhìn trời, mây đen vân vũ, e rằng một trận mưa bão sắp ập tới.
Còn chuyện gì ta chưa biết chăng?
Nửa tháng sau, ta mang thánh chỉ đến quân doanh ở Tuy thành, giữ chức Hiệu úy bát phẩm.
Để khiến người cố chấp như bác Đồng bằng lòng, ta theo bác tới thăm người nhà của những thái y từng xem bệnh cho cha, họ đã biến mất cùng với mạch án[6]. Có một đứa trẻ nhà thái y họ Trương mắt đỏ ngầu gầm lên giận dữ với ta: “Đều tại ngươi hại chết cha ta!” nhưng bị huynh trưởng của nó tát ngã xuống đống bùn đất.
[6] Mạch án: Sổ sách ghi chép khi bắt mạch.
Người huynh trưởng vừa ra tay và tiểu đệ ngã trong đống bùn đất có ánh mắt bi thương tuyệt vọng giống hệt nhau.
Bác Đồng dắt ta đang kinh hồn bạt vía rời khỏi nhà Trương thái y.
Về đến phủ, bác thay ta thu dọn hành lí, chiến mã, rồi đưa ta đến doanh trại.
Ta nghe bác lẩm bẩm mãi: “Có khi ở trong doanh trại lại an toàn hơn một chút cũng nên.” Bác xoa đầu ta, dặn dò ta giống như hồi ta còn được đưa vào cung làm thư đồng: “Tiểu lang, bản thân cháu phải cận thận, coi chừng mọi chuyện, nha!”
Thượng quan trực thuộc của ta – Hoàng Giới tướng quân doanh trại phía Tây Tuy thành – đang vung bàn tay to như cái quạt, ra sức vỗ hai phát lên vai ta, phấn khởi nói: “Nhiếp chính vương một đời anh dũng, đúng là hổ phụ sinh hổ tử! Nay vận nước gian nguy, quả đúng là cơ hội để thế hệ sau tận trung báo quốc!”
… Nửa bên vai ta đã tê rần rồi.
Nghe nói hắn khỏe như trâu mộng, sức nâng nghìn cân!
Hắn khen ngợi xong xuôi rồi đi xa tít, ta lảo đảo suýt ngã ngửa, hai thanh niên cao lớn xông tới từ phía sau, mỗi người một bên nâng ta dậy như nâng con cún, nhìn ta cười ha ha.
Ta tựa vào người gã thanh niên nét mặt cương nghị, nghiến răng nói với gã, bộ dạng hung dữ: “Cười cái gì mà cười?”
Mấy tên đó ôm bụng cười thỏa thích mới vỗ ta mấy phát: “An tiểu tướng quân, Hoàng tướng quân vốn thích dùng đôi bàn tay gang thép kia để thử người mới đến. Lần trước có Hiệu Úy Cửu phẩm bị tướng quân vỗ cho hãi luôn, tè ra quần ngay tại chỗ, chán nản phắn về kinh thành. Nghe đâu hắn là cháu họ xa bên nhà ngoại của Thái hậu.”
Tướng sĩ quần là áo lượt nơi kinh thành và tướng sĩ bần hàn trong quân doanh luôn tồn tại những khoảng cách cần phải vượt qua.
“Phù…” Cái tên số phận bất hạnh kia giúp ta bình tĩnh trở lại.
Ta cũng vui vẻ nói: “Gọi ta là An tiểu lang là được rồi.” An tiểu tướng quân là danh xưng nhờ núp bóng cha ta, ta không thể nhận.
Nam tử đang đỡ ta là Triệu Dũng, còn người dáng cao gầy lúc này đang cười như khỉ tên Tô Nhân.
Định viễn tướng quân Hoàng Giới tính tình cương trực, đối xử bình đẳng với quan binh ta đầu quân dưới trướng ông, lại thêm sự kìm kẹp của Triệu Dũng và Tô Nhân, ngày nào cũng mệt rã rời. Hằng sáng dậy thao luyện, nghe Hoàng Giới tướng quân dõng dạc hô tổng động viên trước trận chiến trong thao trường, từng người xung quanh cũng hô vang theo, nhiệt huyết dâng tràn. Những gã này hệt như mãnh hổ xổng chuồng nhào về phía quân lính Đại Tề, lời tổng động viên quả là biết cổ vũ lòng người.
Cơm nước trong quân doanh chẳng ngon lành gì, bữa nào cũng là gạo lứt, thỉnh thoảng nhìn thấy trong thức ăn có miếng thịt to, vừa nhấc đũa gắp là lại bắt đầu cuộc chiến giành đồ ăn.
Hôm mới đến, ta vẫn còn dặt dè, bị Triệu Dũng kéo ra ngồi cùng bọn họ. Đến khi đầu bếp bưng chậu thức ăn lên, ta còn chưa kịp hiểu ra, sáu đôi đũa đã lập tức gắp lấy thịt. Ta mới và một miếng cơm, chậu thức ăn đã chỉ còn rau xanh, chẳng thấy bóng dáng miếng thịt nào nữa.
Ở vào hoàn cảnh này, làm sao ta phấn chấn cho nổi?
Về mặt cướp thức ăn, ngay cả Binh bộ Thượng thư lão đại nhân và cha ta còn chẳng nhượng bộ, sao lại không tranh cướp được với đám người này?
Sang bữa cơm thứ hai, họ chưa kịp trở tay, ta đã gắp hai miếng thịt bỏ vào miệng.
Tô Nhân trợn mắt nhìn ta: “An tiểu lang là công tử cao sang quyền quý mà cướp thịt với con em thân phận bần hàn như bọn ta, có phải muốn đánh một trận không hả?”
Khi thịt ở ngay trước mặt như thế này, chắc mẹ ruột cũng chẳng màng ấy?
Những người khác trên bàn thức ăn cũng gào loạn lên, ta cười hô hố, đập rầm rầm lên bàn: “Đánh thì đánh, ai sợ ai!”
Một đám người cơm chẳng buồn ăn, thịt chẳng buồn cướp, lũ lượt kéo đến thao trường.
Tô Nhân thi triểu tư thế, do dự một lát: “An tiểu lang, hay là thôi vậy? Nhỡ ngươi đánh thua rồi khóc nhè quay về kinh thành, xin tiểu Hoàng đế làm chủ chuyện này, vậy thì ta thảm rồi. Nghe nói ngươi còn là thư đồng của tiểu Hoàng đế nữa!”
Ta cười hô hố, “Tô đại ca, sao huynh nói nhiều lời thừa vậy?” Rồi nhào lên trước đấm vào bụng hắn.
Tô Nhân giờ mới đấu nghiêm túc, chân đá lên cùng lúc ta đấm ra. Mặc dù ta được người khác dạy võ công, nhưng không có kinh nghiệm ứng chiến, Tô Nhân tuy chiêu thức không nhiều nhưng chiêu nào cũng hiểm, sau mấy lần ta đã học hỏi được không ít. Triệu Dũng đang quan sát liền gào to: “An tiểu lang, hạ đo ván Tô Nhân đi!”
Bên cạnh lại có người cổ vũ cho Tô Nhân: “Tô đại ca, đánh ngã tên tiểu tử ẻo lả huênh hoang đến từ kinh thành này đi!”
Khung cảnh hỗn loạn vô cùng náo nhiệt.
Trận đấu diến ra suốt một canh giờ, phút cuối ta và Tô Nhân cũng ngã gục xuống đống bùn đất giữa thao trường.
“Đa tạ Tô Nhân đại ca đã chỉ giáo.” Ta cười tươi rói trước ánh mắt sáng ngời của hắn.
Hắn lườm ta: “Ai rảnh rỗi mà chỉ giáo cho ngươi?! Dám cướp thịt với ta, cứ chuẩn bị tinh thần giao chiến hằng ngày đi!” Ta cung tay hành lễ: “Ta đâu dám trái lời!” Cả hai bắt gặp ánh mắt nhau, không nhịn được lập tức cười ha ha.
Tuy thành là nơi giao giữa Nam và Bắc, nằm xuống nhìn lên, trời cao bao la, trong xanh bát ngát, bên tai toàn là âm thanh hỗn loạn, ta lần tìm trái tim đang đập dữ dội trong lồng ngực mình.
Thì ra, nó vẫn bình yên.
Có người nói: “Triệu đại ca, hóa ra tên ẻo lả này cũng có chút bản lĩnh đấy nhỉ, mạnh hơn nhiều so với lũ huênh hoang kia.”
Triệu Dũng dương dương tự đắc: “Nếu không sao ta chịu cho hắn ngồi ăn cơm cùng bàn với chúng ta?”
Có người bất mãn: “Tên này gắp nhanh lắm, lần sau ăn cơm phải chú ý một chút, đứng có để hắn một mình ăn hết thịt!”
Tô Nhân bò dậy kéo ta: “An tiểu lang mau đứng dậy, mau đứng dậy, đừng nằm ỳ trên đất nữa, mới đánh có một trận làm gì mà mệt đến thế?”
Ta vùng vằng sống chết không chịu dậy, cuôi cùng Tô Nhân và Triệu Dũng đành phải lôi ta lên. Hình như nửa người ta tựa lên người Triệu Dũng, Tô Nhân trông thấy ngứa bụng bèn trợn mắt với ta: “Cái bộ dạng kia mà dám ngày nào cũng đánh với ta hả?”
Ta ngắc ngoải tựa lên người Triệu Dũng, cứ thế về doanh trại, tiện thể lườm Tô Nhân: “Không biết người ta thân thể cành vàng lá ngọc hả?”
Câu nói khiến đám thanh niên lại được một tràng cười như nắc nẻ.
“Ngươi có phải đàn bà đâu! Cá gì mà cành vàng lá ngọc! Rèn luyện dần là vạm vỡ ngay.”
“Tô đại cả, việc rèn luyện tên tiểu tử này giao cả cho huynh đó!”
Mấy người thật quá đáng, tự quyết định chẳng cần ta đồng ý! Ta lén xoa tay, tự nhủ bữa ăn sau phải cho mấy tên này sáng mắt.
Đang cười đùa hớn hở, người trước mắt dừng lại hành lễ: “Hoàng tướng quân!” Nửa bên vai ta lập tức tê dại theo phản xạ.
Bàn tay to như quạt hương bồ của Hoàng Giới tướng quân để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc trong lòng người khác.
Triệu Dũng cười hi hí bên tai ta: “Thì ra ngươi sợ bàn tay sắt bự chảng của tướng quân à…” Ta ngẩng đầu cười đáp lại: “Lẽ nào ngươi không sợ?” Lọt vào tầm mắt ta là một người đứng bên cạnh Hoàng Giới đang nhìn qua đây, dáng vẻ anh tuấn hết sức quen thuộc.
Ta cảm thấy Tuy huyện suy cho cùng vẫn là đất Bắc, ánh sáng nơi đây quá chói chang, làm mắt người ta đau nhức.
Vài người trước mắt hành lễ: “Yến tướng quân!”
Ta lập tức khom người theo Triệu Dũng: “Yến tướng quân!”
Hoàng tướng quân trông bộ dạng này của ta, bật cười: “An hiệu úy, bị đánh rồi ư?”
Ta nhìn thấy mình vẫn còn cách mấy bước trước bàn tay bự chảng định vỗ xuống của hắn, cười thản nhiên: “Rèn luyện, rèn luyện ấy mà.”
Bàn tay hắn cuối cùng đã hạ xuống vai Tô Nhân đang ở gần nhất.
Tô Nhân lảo đảo lùi một bước về sau, đám người bọn ta cười hí hửng trên nỗi đau của kẻ khác, Hoàng tướng quân cũng rất vui vẻ, cùng Yến tướng quân tiếp tục tiến vào trong doanh trại.
Họ đi qua được năm sáu bước, Tô Nhân quay đầu chế nhạo ta: “An tiểu lang, biết vị Yến tướng quân kia không? Tuổi trẻ đầy triển vọng, thân thủ bất phàm, mạnh hơn ngươi nhiều á!”
Ta cười, chế nhạo lại: “Thì đó! Tuy ta chỉ mới nghe danh Yến tướng quân, chưa có duyên gặp gỡ, nhưng nghe nói hình như Yến tướng quân còn ít tuổi hơn Tô đại ca, thế mà võ công còn mạnh hơn Tô đại ca nhiều!”
“Thằng oắt này!” Tô Nhân gõ một cái lên đầu ta.
Có người ngập ngừng nói: “An tiểu lang, nói ngươi đừng giận. Sao ta nghe đâu bảo ngươi si mê Yến tướng quân, trong kinh thành mọi người đều biết?”
“Tin đồn trong kinh thành nhiều vô số kể, từ đầu làng đến cuối xóm, tin nhảm kia thay đổi muôn hình vạn trạng thế ngươi cũng tin à?” Ta nhào về phía hắn, mặt không biến sắc: “Vương đại ca, huynh nói ta đồng tính ư? Hay là hai chúng ta thử yêu nhau xem?”
“Biến biến biến!” Người đó cười vang né khỏi ta, gào lên cầu cứu: “Triệu Dũng, Triệu Dũng, còn không mau tới quản lý con khỉ nhà huynh đi!”
Ta đắc ý cười ha hả, bị Triệu Dũng nắm cổ áo lôi lại từ đằng sau, đành ngoan ngoãn đi sát bên hắn.
Bây giờ ta lại thích bị người khác quản lý.
Giữa những âm thanh ồn ào, từ phái xa xa, ta nghe thấy giọng nói lo lắng của Hoàng tướng quân: “Yến tướng quân, có chuyện gì vậy?”
“À… ừm… không có gì…”
Giọng hắn như gió thổi qua tai, và ta chẳng còn bận lòng thêm nữa.
Sau khi ta làm mưa làm gió trong doanh trại, đánh nhau suốt hai tháng trời với Tô Nhân ở thao trường, có thể cướp liên tiếp năm sáu miếng thịt trên bàn ăn, Đại Tề cuối cùng cũng đã không kìm chế nổi, bắt đầu tấn công phía bắc và cổng phía Tây của Tuy thành.
Nơi ta đóng quân vừa khéo tại cổng thành phía Tây. Hôm đó trời thu trong xanh, Hoàng tướng quân dẫn quan binh chúng ta đến cổng thành theo dõi trận chiến, chỉ thấy màu giáp nổi bật của quân Đại Tề, cờ bay phất phới, trên cờ soái giữa trận có thêu chữ Vũ to đùng, sắc mặt Hoàng tướng quân lập tức đông cứng.
“Vũ tướng quân này vừa đầu quân dưới trướng Thái tử Đại Tề, nghe nói khi tiến công những tiểu quốc kia, hắn bách chiến bách thắng, là kẻ địch mạnh không thể xem thường.”
Khi ấy, chiến tranh còn chưa nổ ra trên diện rộng, chúng ta đều mang thái độ lạc quan đối với trận chiến này. Không ngờ rằng nửa tháng sau, Hoàng tướng quân cùng quân sĩ dưới trướng hắn – những huynh đệ dễ mến, thân thiết với ta như thể tay chân, và cả ta đều bị Phượng Triều Văn bắt làm tù binh.
Trong trận Hoàng Hà cốc năm đó, lúc ta, Triệu Dũng và đám Tô Nhân rơi vào bước đường cùng, có quá nhiều việc không giải thích nổi, nhưng nay nhớ lại, Hoàng Giới tướng quân trung thành cương trực chẳng qua chỉ là vật hy sinh chính trị, chịu số phận vong mạng nơi đất khách quê người.
Chiến tranh vừa nổi ra, Yến Dục đã vội vã cầm thánh chỉ từ kinh thành tới đây chủ trì đại cục, tập hợp dưới trướng những tướng lĩnh được phân phòng thủ bốn cửa Tuy thành, đồng thời thể hiện sự xem trọng và khen ngợi Hoàng tướng quân.
Hoàng tướng quân vốn là một nam tử hán nhiệt huyết đầy trách nhiệm, chỉ mong lập tức vì đất nước mà anh dũng hy sinh không tiếc xương máu. Sau này ở trong trướng soái Phượng Triều Văn, mỗi lần bắt gặp hắn khen ngợi lòng trung dũng của thuộc hạ, ta lại thấy có phần thông cảm với kẻ kia, cảm giác Phượng Triều Văn chất đầy dã tâm, ý tại ngôn ngoại là: Bề tôi trung dũng, đi chết
Tác giả :
Lam Ngã Thảo