Cuộc Gọi Từ Thiên Thần
Chương 12: Alice
“Chuyện xảy ra giữa mùa hè phóng túng và điên rồ ấy. Bấy giờ Frankie mười hai tuổi. Cô bé không thuộc về bất cứ câu lạc bộ nào hay bất cứ cái gì trên đời. Cô bé đã trở thành một cá thể không liên hệ, cứ vật vờ quanh những cánh cửa, và cô bé thấy sợ.”
Carson McCULLERS
Ba năm về trước
Ngày 8 tháng Mười hai 2008
Sở Cảnh sát Cheatam, Đông Bắc Manchester
Madeline cao giọng:
- Chị phải giải thích cho tôi rõ hơn về chuyện này vì tôi vẫn chưa hiểu nổi. Tại sao chị lại đợi đến TÁM NGÀY rồi mới trình báo việc con gái mình mất tích?
Ngồi trước mặt cô, nước da tái xanh và mớ tóc dính bết, Erin Dixon đang vặn vẹo người trên ghế. Đứng ngồi không yên, run lẩy bẩy, chị ta hấp hấy mắt và vặn xoắn chiếc cốc nhựa đựng cà phê trong tay.
- Khốn nạn thật, cô biết lũ trẻ thế nào rồi đấy! Chúng đến rồi chúng lại đi. Vả lại tôi đã nói với cô rồi còn gì: Alice vẫn luôn tự lập như thế, con bé luôn tự mình xoay xở lấy, nó…
- Nhưng cô bé chỉ mới MƯỜI BỐN TUỔI! Madeline lạnh lùng cắt ngang.
Erin lắc đầu rồi đòi ra ngoài để hút một điếu thuốc.
- Không được! Nữ thanh tra dứt khoát.
Cô nheo mắt rồi im lặng. người phụ nữ cô đang lấy cung khoảng ba mươi tuổi (cùng độ tuổi cô), nhưng chị ta khuyết nhiều răng và gương mặt chị ta, bị thứ ánh sáng lạnh lẽo của đèn trần rọi thẳng vào, đã bị nỗi mệt mỏi và những vết tấy đỏ tàn phá.
Một tiếng đồng hồ vừa qua trong sở cảnh sát, Erin đã trải qua mọi trạng thái xúc cảm: đầu tiên là đầm đìa nước mắt khi trình báo vụ mất tích của cô con gái, rồi càng lúc càng hằn học và giận dữ khi thấy cuộc xét hỏi cứ kéo dài mãi, và chị ta tỏ ra không đủ khả năng nói liên tiếp hai câu liền mạch để giải thích tại sao lại để đến một tuần mới quyết định báo cảnh sát.
- Thế còn bố cô bé, anh ta nghĩ sao về chuyện này?
Erin nhún vai.
- Anh ta biến mất lâu lắm rồi… Nói cho đúng ra, tôi thậm chí không chắc chắn về danh tính của anh ta. Thời đó tôi cứ ngủ lang tứ tung mà chẳng dùng biện pháp phòng ngừa nào hết…
Madeline đột nhiên cảm thấy phẫn nộ. Cô đã làm việc tại đội phòng chống ma túy năm năm trời và đã thuộc nằm lòng thái độ này: sự bồn chồn, ánh nhìn khó nắm bắt là những dấu hiệu rõ ràng của một cơn vật ma túy. Những vết quanh môi Erin là vết bỏng do một chiếc tẩu bằng thủy tinh chịu lửa để lại. Bà Dixon là con nghiện ma túy. Chấm hết.
- Được rồi, chúng ta đi thôi Jim! Madeline quyết định rồi vớ lấy chiếc áo khoác ngắn cùng vũ khí của mình.
Trong khi cô rẽ qua văn phòng thượng cấp, đồng đội của cô áp giải Erin ra bãi đỗ xe rồi châm cho chị ta một điếu thuốc.
Bấy giờ đã là mười giờ sáng, nhưng bầu trời vẫn giăng kín mây đen khiến người ta có cảm tưởng là ngày sẽ không bao giờ lên.
- Ta đã nhận được câu trả lời từ hệ thống cấp cứu trung tâm, Jim thông báo sau khi kết thúc cuộc gọi từ điện thoại di động. Các bệnh viện không lưu hồ sơ bệnh án nào mang tên Alice Dixon cả.
- Tôi đã đoán chắc rồi mà, Madeline đáp rồi cài số xe.
Chiếc Ford Focus thình lình trượt đi trên mặt đường sũng nước. Bật đèn hiệu và hú còi, chiếc xe lao nhanh về khu phố phía Bắc. Tay trái giữ vô lăng, tay phải túm chặt radio, nữ thanh tra tiến hành phối hợp các biện pháp đầu tiên: gửi ảnh Alice tới tất cả các sở cảnh sát trên toàn Vương quốc Anh, gửi thông cáo về vụ mất tích của cô bé tới báo giấy và báo hình, yêu cầu huy động khẩn cấp một nhóm cảnh sát pháp y…
- Đi chầm chậm thôi, cô sẽ khiến chúng ta tiêu đời đấy! Jim phàn nàn trong khi Madeline vừa lái xe chờm lên vỉa hè đầy nguy hiểm.
- Anh không thấy là chúng ta đã mất quá nhiều thời gian rồi sao?
- Thì bởi vậy, chúng ta xuất phát chưa tới mười phút cơ mà…
- Anh đúng là đại ngốc!
Hai cảnh sát tới ngã tư trong một khu phố bình dân. Với những dãy nhà xây bằng gạch đỏ trải dài đến hút tầm mắt, Cheatam Bridge là ví dụ điển hình cho vùng ngoại ô công nghiệp cũ thảm thê. Những năm gần đây, các thành viên Công đảng rót nhiều tiền để tân trang những khu phố ở phía Đông Bắc, nhưng Cheatam Bridge đã không tận dụng được nhiều từ mối lợi này. Vì nhiều ngôi nhà được sử dụng vào mục đích khác nên phần lớn các khu vườn đều bị bỏ hoang, và cơn khủng hoảng đang bóp nghẹt nền kinh tế Anh cũng khiến cho tình hình chẳng được cải thiện gì hơn.
Đến khu vực này còn chẳng được xếp thứ hạng cao trong các sách hướng dẫn về du lịch thì còn nói gì đến Farm Hill Road, khu nhà nơi mẹ Alice sống? Đó đích thị là một xó xỉnh khốn cùng bị nạn tội phạm hoành hành. Madeline và Jim theo bước Erin Dixon vào một dãy nhà tồi tàn đổ nát nơi những kẻ vô gia cư, đĩ điếm và bán ma túy độc chiếm.
Vừa bước vào căn nhà xập xệ, Madeline đã cảm thấy lợm giọng. Phòng khách trông thảm thê gớm ghiếc: đệm trải luôn xuống sàn, các khung cửa sổ ken đầy bìa các tông, và những mẫu ván gỗ, trong phòng phảng phất mùi thức ăn thiu… Rõ ràng là Erin bố trí căn hộ của mình thành “ổ chích hút” để vét chút tiền của những con nghiện ghé qua nơi này. Ngay cả khi đã tính đến khả năng cảnh sát tìm đến nhà mình, ả cũng không buồn xóa dấu vết: một chiếc tẩu được chế thủ công từ lon bia vẫn nằm lăn lóc trên bậu cửa sổ cạnh vài chai bia rỗng và một chiếc gạt tàn đựng điếu cần sa đã hút hết ba phần tư.
Madeline và Jim nhìn nhau e ngại: căn cứ vào số lượng những kẻ quái đản đã qua lại nơi này, công việc điều tra sẽ không hề đơn giản. Họ lên gác, đẩy cánh cửa dẫn vào phòng riêng của Alice và…
Nơi này thật lạc lõng so với phần còn lại của căn nhà. Căn phòng bài trí giản dị và ngăn nắp với một bàn viết, các giá sách và sách vở. Nhờ có sáp thơm, không khí phảng phất mùi hương vani và cây đuôi diều dễ chịu…
Một thế giới khác…
Madeline ngước mắt nhìn chăm chú các mặt tường của căn phòng nhỏ được trang trí bằng những tấm vé và chương trình biểu diễn mà Alice đã xem: những vở nhạc kịch - Carmen và Don Giovanni tại Nhà hát Lowry -, một vở kịch - Vườn thú thủy tinh tại Playhouse -, một vở ba lê - Romeo và Juliette tại sân khấu của BBC Phiharmonic Orchestra.
- Cô bé này là người ngoài hành tinh hay sao? Jim hỏi.
- Phải đấy, Erin lẩm bẩm. Nó… Nó lúc nào cũng vậy: lúc nào cũng vùi đầu vào sách vở, vẽ vời rồi nhạc nhẽo… Tôi cứ tự hỏi con bé lấy ở đâu ra mấy cái thói đó.
Dù sao thì cũng không phải thừa hưởng từ bà, Madeline nghĩ bụng.
Nữ thanh tra như bị thôi miên trước cảnh tượng đang nhìn thấy. Hai bức tranh chép nằm ở hai mép bàn đối diện nhau: một bức Tự họa của Picasso vẽ trong thời kỳ xanh và bức Then trứ danh của Jean Honoré Fragonard.
Jim nhìn những tựa sách trên giá: toàn tiểu thuyết kinh điển và kịch.
- Cô biết nhiều bé gái ở Cheatam Bridge đọc Anh em nhà Karamazov và Những mối quan hệ nguy hiểm không? Anh hỏi khi vừa liếc thấy hai cuốn sách.
- Ít ra thì tôi cũng biết một đứa như thế, Madeline đáp với vẻ lơ đễnh.
- Ai thế?
- Chính tôi…
Cô gạt ký ức đó ra khỏi tâm trí. Những vết thương thời thơ ấu vẫn còn nhức nhối và hôm nay không phải là ngày để động lòng thương cho số phận của cô.
Cô xỏ một đôi găng cao su, mở hết các ngăn kéo ra rồi lục soát toàn bộ căn phòng.
Trong tủ âm tường, Madeline tìm thấy khoảng chục gói bánh quy cacao nhân vani – loại nhãn hiệu Oreo – cùng với những chai nhựa nhỏ đựng sữa dâu hiệu Nesquik.
- Con bé hầu như chỉ sống bằng món bánh quy chấm sữa, mẹ Alice giải thích.
Alice đã “ra đi” mà không mang theo bất cứ thứ gì: cây đàn vĩ cầm để trên giường, máy tính cá nhân – một chiếc Mac kiểu vỏ sò đời cũ – chễm chệ trên bàn học, còn cuốn nhật ký của cô bé được giấu ở chân giường. Madeline tò mò mở cuốn sổ ra và phát hiện một tờ 50 bảng gập tư gài trong bìa sổ.
Một tia độc địa lóe lên trong mắt Erin. Rõ ràng chị ta đang tự trách mình vì đã không nhanh trí lục lọi căn phòng trước cảnh sát.
Điềm xấu, Madeline tự nhủ. Nếu bỏ nhà ra đi, cô bé sẽ không bỏ lại một khoản tiền như thế này. Đội cảnh sát pháp y cô triệu tập vừa đến. Cô yêu cầu họ khám xét kỹ lưỡng toàn bộ căn nhà. Với panh, dao mổ và dụng cụ đục tường, các kỹ thuật viên thu thập số lượng lớn các mẫu vật rồi lần lượt bỏ vào các ống bịt kín. Trong khi người của cô xử lý những vật chứng quan trọng, Madeline mở một kẹp hồ sơ trong đó cô bé cất giữ một số bài tập ở trường: điểm số đều đoạt loại xuất sắc và lời phê của giáo viên đều mang tính ngợi khen.
Alice đã tự xây dựng cho mình một thành trì văn hóa để chạy trốn cuộc sống thường nhật nhớp nhúa. Học vấn và tri thức như những khiên chắn cô tự xây dựng để tự bảo vệ mình trước bạo lực, nỗi sợ hãi và sự tầm thường…
Năm chiếc xe cảnh sát hiện đang đỗ ở Farm Hill Road. Madeline trao đổi vài lời với trưởng nhóm cảnh sát pháp y, ông đảm bảo với cô rằng đã tìm ra đủ tóc trên lược của Alice để thu được những mẫu ADN chất lượng tốt.
Cô dựa người lên nắp ca pô xe , châm một điếu thuốc, mắt đăm đăm nhìn bức ảnh chụp Alice. Đó là một cô bé xinh xắn, cao ráo và mảnh mai, trông già trước tuổi. Gương mặt cô bé trắng muốt, càng trắng hơn với những vết tàn nhang lấm chấm để lộ gốc gác Ailen. Cô bé có đôi mắt hình quả hạnh màu lục xám gợi nhớ các bức chân dung của Modigliani. Trong đôi mắt ấy người ta đã có thể đọc thấy nỗi chán chường vô hạn cũng như lộ rõ niềm mong muốn được che giấu đi vẻ đẹp của mình vì biết rằng trong môi trường cô bé lớn lên, nó sẽ đem tới cho cô nhiều rắc rối hơn là niềm vui sướng.
Biết hy vọng gì ở tương lai khi hoàn cảnh xuất thân trong cuộc sống đã khó khăn đến thế? Làm thế nào để người ta có thể lớn lên dưới đáy cùng xã hội, giữa những con nghiện ma túy và những kẻ bại não mà chính mình không trở nên hơi điên khùng được chứ?
Có lẽ nào rốt cuộc em đã bỏ nhà đi? Madeline thầm hỏi Alice. Có lẽ nào em đã rời bỏ khu phố thối nát nơi người ta chỉ gặp toàn những kẻ thân tàn ma dại này? Có lẽ nào em muốn chạy trốn người mẹ kém cỏi thậm chí còn không thể nói cho em biết bố em là ai?
Nhưng Madeline không tin vào kịch bản này. Alice có vẻ là một cô bé thông minh và chỉn chu. Rời khỏi khu phố này ư? Đồng ý. Nhưng để đi đâu? Với ai? Và làm gì kia chứ?
Cô dùng đầu mẩu thuốc hút gần hết để châm một điếu mới.
Phòng riêng của Alice đã làm sống lại những ký ức về chuyện của chính cô. Như 99% những đứa trẻ lớn lên trong khu phố, Madeline từng có một tuổi thơ hỗn loạn giữa một bà mẹ mắc chứng trầm cảm và một ông bố nghiện rượu. Đến tuổi thiếu niên, cô đã thề với bản thân sẽ chạy trốn khỏi thảm họa nhân đạo này, sẽ đi tìm vận may ở những nơi khác. Giấc mơ lớn của cô là một ngày nào đó được sống tại Paris! Cô là một học sinh giỏi đã thi đỗ các kỳ thi luật, rồi thực tế của khu phố lại đeo đuổi cô và cô gia nhập ngành cảnh sát, lên lon nhanh chóng nhưng vẫn chôn chân trong cảnh sắc u ám và buồn tẻ của Cheatam Bridge.
Cô không than phiền về số phận, ngược lại là khác. Công việc khiến cô vui bởi nó mang một ý nghĩa: kiềm chế tội phạm, giúp các gia đình có thể để tang khi tìm ra những kẻ đã giết hại người thân của họ, đôi khi là cứu những sinh mạng. Dĩ nhiên, chuyện đó không phải ngày nào cũng dễ dàng. Ở đây cũng như bất cứ nơi nào khác, cảnh sát luôn phải đối diện với một nỗi day dứt sâu kín. Không chỉ là chuyện họ không còn cảm thấy được tôn trọng nữa, mà còn là chuyện cương vị cảnh sát khiến họ phải hứng chịu những lời lăng mạ và đe dọa. Đó là một thực tế chung, nhưng người ta có thể cảm nhận nó rõ rệt hơn nữa trong một khu phố như Cheatam Bridge. Các đồng nghiệp nhận công tác tại đây đều tránh tiết lộ nghề nghiệp của mình với hàng xóm láng giềng và dặn con cái tuân thủ nguyên tắc đó khi tới trường. Mọi người hết sức yêu quý cảnh sát trong các bộ phim truyền hình dài tập nhưng lại xỉ vả những cảnh sát làm việc trong khu phố nơi mình sinh sống… Vậy nên cần phải kìm nén một cơn trầm cảm thường nhật, chịu đựng thái độ thù nghịch của dân chúng, thái độ thờ ơ của cấp trên. Chấp nhận nhìn thấy ô tô của mình bị chọi đá và bằng lòng với những trang thiết bị cổ lỗ sĩ: nhiều ô tô công vụ thậm chí không có hệ thống radio, một vài chiếc máy tính vẫn chạy hệ điều hành Pentium II…
Thi thoảng chuyện đó thật khó mà chịu đựng được. Bạn bắt đầu cảm thấy, với riêng bạn, tính phi lý của các tai nạn chết người, nỗi thống khổ của những phụ nữ bị bạo hành, nỗi khiếp sợ của những đứa trẻ bị lạm dụng, nỗi đau của gia đình các nạn nhân.
Ngày càng phiền muộn và sống trong căng thẳng, một vài người rốt cuộc đã suy sụp. Vừa năm ngoái, một cảnh sát trong đội của cô vô cớ nổi cáu rồi bắn hạ một tay anh chị hạng xoàng trong lúc hỏi cung hắn; mới cách đây sáu tháng, một nữ thực tập viên trẻ tuổi đã dùng súng công vụ tự tử ngay trong sở cảnh sát.
Trái ngược với nhiều đồng nghiệp, Madeline không vỡ mộng cũng chẳng suy sụp. Cô tình nguyện ở lại trong khu phố “khó nhằn” này để lên lon nhanh hơn. Số cảnh sát viên kỳ cựu cũng như các tân binh mới ra trường trụ lại ở đây không nhiều. Điều này mở ra những triển vọng nghề nghiệp… Nhờ vậy theo năm tháng, cô đã có được một vị trí riêng cũng như quyền hạn nào đó cho phép cô điều tra những vụ “thú vị” nhất, cũng là những vụ thương tâm và đẫm máu nhất.
- Cô bé không cố tình bỏ đi đâu, phải không? Jim hỏi khi ra gặp cô.
- Không, nếu là bỏ nhà đi thì ta đã tìm ra cô bé rồi, và cô bé sẽ không bỏ lại tờ 50 bảng kia đâu.
- Với những gì Erin có trong tài khoản ngân hàng, tôi nghĩ ta cũng có thể loại trừ khả năng đây là một vụ bắt cóc đòi tiền chuộc.
- Dĩ nhiên rồi, cô tán thành, nhưng dẫu sao ta vẫn sẽ điều tra lũ nghiện xung quanh cô bé: với loại người đó thì đây có thể là một vụ trả thù hoặc bắt cóc đe dọa lắm chứ.
- Ta sẽ tìm ra cô bé, Jim khẳng định như để tự thuyết phục mình.
Họ không phải đang ở đất Mỹ, cũng không phải trong một cuốn tiểu thuyết trinh thám: Ở nước Anh ngày nay, rất hiếm gặp những vụ trẻ vị thành niên mất tích không được giải quyết thấu đáo.
Hai năm trước, Madeline và Jim đã giám sát cuộc điều tra một bé trai mất tích do bị bắt cóc khi đang chơi trong vườn nhà. Báo động được truyền đi lập tức: Người ta đã cho triển khai rất nhiều các biện pháp tìm kiếm trong khoảng thời gian rất ngắn. Chỉ sau vài giờ, nhờ dấu hiệu nhận dạng ô tô, kẻ bắt cóc đã bị bắt giữ rồi nhận tội. Trước khi đêm xuống, người ta đã tìm ra cậu bé bị trói trong một túp lều, vẫn còn sống và hoàn toàn khỏe mạnh.
Khi hồi tưởng lại tình tiết cho thấy việc phản ứng ngay tức thì có tầm quan trọng thế nào, Madeline để cho cơn giận mặc sức bùng nổ:
- Đồ khốn, đồ ngu xuẩn! Cô nổi khùng, thụi một cú lên nắp ca pô chiếc Focus. Chờ tám ngày trời trôi qua mới đến trình báo việc con gái mất tích! Đích thân tôi sẽ tống ả ta vào tù!
Trong bất kỳ vụ mất tích nào, khoảng thời gian bốn mươi tám giờ đầu tiên cũng mang tính quyết định. Nếu quá thời hạn này mà vẫn chưa tìm ra đối tượng mất tích thì nhiều khả năng người ta sẽ không bao giờ tìm ra họ.
- Bình tĩnh nào! Jim bảo rồi đi ra xa. Tôi đã lấy số điện thoại di động của Alice. Để xem ta có thể lần theo các cuộc gọi của cô bé không.
Madeline nhìn tấm ảnh lần nữa, họng cô nghẹn lại. Cô nhìn Alice như nhìn một người em gái, thậm chí là một đứa con… Giống như Erin, cô cũng có thể mang thai ngoài ý muốn khi mới mười bảy tuổi với một thằng du côn trong khu phố lắm chứ, vào một tối thứ Bảy trên đường rời hộp đêm về nhà trên băng ghế sau của một chiếc Rover 200.
Em đang ở đâu vậy? cô thì thầm hỏi Alice.
Chuyện này hiếm khi xảy ra với cô, cô cảm thấy bị ám ảnh bởi một niềm tin không gì lay chuyển nổi: Alice còn sống. Nhưng ngay cả khi đúng như vậy thì Madeline cũng không hề nuôi ảo tưởng nào cả. Cô bé sẽ không được ở một nơi thoải mái. Đúng hơn là hẳn đang ở trong một căn hầm tối tăm ẩm ướt của một gã biến thái hoặc giữa nanh vuốt một tay mafia chuyên buôn bán phụ nữ trẻ và dắt gái.
Dù thế nào chăng nữa, có một điều chắc chắn.
Cô bé hẳn là đang sợ.
Sợ kinh khủng.
Carson McCULLERS
Ba năm về trước
Ngày 8 tháng Mười hai 2008
Sở Cảnh sát Cheatam, Đông Bắc Manchester
Madeline cao giọng:
- Chị phải giải thích cho tôi rõ hơn về chuyện này vì tôi vẫn chưa hiểu nổi. Tại sao chị lại đợi đến TÁM NGÀY rồi mới trình báo việc con gái mình mất tích?
Ngồi trước mặt cô, nước da tái xanh và mớ tóc dính bết, Erin Dixon đang vặn vẹo người trên ghế. Đứng ngồi không yên, run lẩy bẩy, chị ta hấp hấy mắt và vặn xoắn chiếc cốc nhựa đựng cà phê trong tay.
- Khốn nạn thật, cô biết lũ trẻ thế nào rồi đấy! Chúng đến rồi chúng lại đi. Vả lại tôi đã nói với cô rồi còn gì: Alice vẫn luôn tự lập như thế, con bé luôn tự mình xoay xở lấy, nó…
- Nhưng cô bé chỉ mới MƯỜI BỐN TUỔI! Madeline lạnh lùng cắt ngang.
Erin lắc đầu rồi đòi ra ngoài để hút một điếu thuốc.
- Không được! Nữ thanh tra dứt khoát.
Cô nheo mắt rồi im lặng. người phụ nữ cô đang lấy cung khoảng ba mươi tuổi (cùng độ tuổi cô), nhưng chị ta khuyết nhiều răng và gương mặt chị ta, bị thứ ánh sáng lạnh lẽo của đèn trần rọi thẳng vào, đã bị nỗi mệt mỏi và những vết tấy đỏ tàn phá.
Một tiếng đồng hồ vừa qua trong sở cảnh sát, Erin đã trải qua mọi trạng thái xúc cảm: đầu tiên là đầm đìa nước mắt khi trình báo vụ mất tích của cô con gái, rồi càng lúc càng hằn học và giận dữ khi thấy cuộc xét hỏi cứ kéo dài mãi, và chị ta tỏ ra không đủ khả năng nói liên tiếp hai câu liền mạch để giải thích tại sao lại để đến một tuần mới quyết định báo cảnh sát.
- Thế còn bố cô bé, anh ta nghĩ sao về chuyện này?
Erin nhún vai.
- Anh ta biến mất lâu lắm rồi… Nói cho đúng ra, tôi thậm chí không chắc chắn về danh tính của anh ta. Thời đó tôi cứ ngủ lang tứ tung mà chẳng dùng biện pháp phòng ngừa nào hết…
Madeline đột nhiên cảm thấy phẫn nộ. Cô đã làm việc tại đội phòng chống ma túy năm năm trời và đã thuộc nằm lòng thái độ này: sự bồn chồn, ánh nhìn khó nắm bắt là những dấu hiệu rõ ràng của một cơn vật ma túy. Những vết quanh môi Erin là vết bỏng do một chiếc tẩu bằng thủy tinh chịu lửa để lại. Bà Dixon là con nghiện ma túy. Chấm hết.
- Được rồi, chúng ta đi thôi Jim! Madeline quyết định rồi vớ lấy chiếc áo khoác ngắn cùng vũ khí của mình.
Trong khi cô rẽ qua văn phòng thượng cấp, đồng đội của cô áp giải Erin ra bãi đỗ xe rồi châm cho chị ta một điếu thuốc.
Bấy giờ đã là mười giờ sáng, nhưng bầu trời vẫn giăng kín mây đen khiến người ta có cảm tưởng là ngày sẽ không bao giờ lên.
- Ta đã nhận được câu trả lời từ hệ thống cấp cứu trung tâm, Jim thông báo sau khi kết thúc cuộc gọi từ điện thoại di động. Các bệnh viện không lưu hồ sơ bệnh án nào mang tên Alice Dixon cả.
- Tôi đã đoán chắc rồi mà, Madeline đáp rồi cài số xe.
Chiếc Ford Focus thình lình trượt đi trên mặt đường sũng nước. Bật đèn hiệu và hú còi, chiếc xe lao nhanh về khu phố phía Bắc. Tay trái giữ vô lăng, tay phải túm chặt radio, nữ thanh tra tiến hành phối hợp các biện pháp đầu tiên: gửi ảnh Alice tới tất cả các sở cảnh sát trên toàn Vương quốc Anh, gửi thông cáo về vụ mất tích của cô bé tới báo giấy và báo hình, yêu cầu huy động khẩn cấp một nhóm cảnh sát pháp y…
- Đi chầm chậm thôi, cô sẽ khiến chúng ta tiêu đời đấy! Jim phàn nàn trong khi Madeline vừa lái xe chờm lên vỉa hè đầy nguy hiểm.
- Anh không thấy là chúng ta đã mất quá nhiều thời gian rồi sao?
- Thì bởi vậy, chúng ta xuất phát chưa tới mười phút cơ mà…
- Anh đúng là đại ngốc!
Hai cảnh sát tới ngã tư trong một khu phố bình dân. Với những dãy nhà xây bằng gạch đỏ trải dài đến hút tầm mắt, Cheatam Bridge là ví dụ điển hình cho vùng ngoại ô công nghiệp cũ thảm thê. Những năm gần đây, các thành viên Công đảng rót nhiều tiền để tân trang những khu phố ở phía Đông Bắc, nhưng Cheatam Bridge đã không tận dụng được nhiều từ mối lợi này. Vì nhiều ngôi nhà được sử dụng vào mục đích khác nên phần lớn các khu vườn đều bị bỏ hoang, và cơn khủng hoảng đang bóp nghẹt nền kinh tế Anh cũng khiến cho tình hình chẳng được cải thiện gì hơn.
Đến khu vực này còn chẳng được xếp thứ hạng cao trong các sách hướng dẫn về du lịch thì còn nói gì đến Farm Hill Road, khu nhà nơi mẹ Alice sống? Đó đích thị là một xó xỉnh khốn cùng bị nạn tội phạm hoành hành. Madeline và Jim theo bước Erin Dixon vào một dãy nhà tồi tàn đổ nát nơi những kẻ vô gia cư, đĩ điếm và bán ma túy độc chiếm.
Vừa bước vào căn nhà xập xệ, Madeline đã cảm thấy lợm giọng. Phòng khách trông thảm thê gớm ghiếc: đệm trải luôn xuống sàn, các khung cửa sổ ken đầy bìa các tông, và những mẫu ván gỗ, trong phòng phảng phất mùi thức ăn thiu… Rõ ràng là Erin bố trí căn hộ của mình thành “ổ chích hút” để vét chút tiền của những con nghiện ghé qua nơi này. Ngay cả khi đã tính đến khả năng cảnh sát tìm đến nhà mình, ả cũng không buồn xóa dấu vết: một chiếc tẩu được chế thủ công từ lon bia vẫn nằm lăn lóc trên bậu cửa sổ cạnh vài chai bia rỗng và một chiếc gạt tàn đựng điếu cần sa đã hút hết ba phần tư.
Madeline và Jim nhìn nhau e ngại: căn cứ vào số lượng những kẻ quái đản đã qua lại nơi này, công việc điều tra sẽ không hề đơn giản. Họ lên gác, đẩy cánh cửa dẫn vào phòng riêng của Alice và…
Nơi này thật lạc lõng so với phần còn lại của căn nhà. Căn phòng bài trí giản dị và ngăn nắp với một bàn viết, các giá sách và sách vở. Nhờ có sáp thơm, không khí phảng phất mùi hương vani và cây đuôi diều dễ chịu…
Một thế giới khác…
Madeline ngước mắt nhìn chăm chú các mặt tường của căn phòng nhỏ được trang trí bằng những tấm vé và chương trình biểu diễn mà Alice đã xem: những vở nhạc kịch - Carmen và Don Giovanni tại Nhà hát Lowry -, một vở kịch - Vườn thú thủy tinh tại Playhouse -, một vở ba lê - Romeo và Juliette tại sân khấu của BBC Phiharmonic Orchestra.
- Cô bé này là người ngoài hành tinh hay sao? Jim hỏi.
- Phải đấy, Erin lẩm bẩm. Nó… Nó lúc nào cũng vậy: lúc nào cũng vùi đầu vào sách vở, vẽ vời rồi nhạc nhẽo… Tôi cứ tự hỏi con bé lấy ở đâu ra mấy cái thói đó.
Dù sao thì cũng không phải thừa hưởng từ bà, Madeline nghĩ bụng.
Nữ thanh tra như bị thôi miên trước cảnh tượng đang nhìn thấy. Hai bức tranh chép nằm ở hai mép bàn đối diện nhau: một bức Tự họa của Picasso vẽ trong thời kỳ xanh và bức Then trứ danh của Jean Honoré Fragonard.
Jim nhìn những tựa sách trên giá: toàn tiểu thuyết kinh điển và kịch.
- Cô biết nhiều bé gái ở Cheatam Bridge đọc Anh em nhà Karamazov và Những mối quan hệ nguy hiểm không? Anh hỏi khi vừa liếc thấy hai cuốn sách.
- Ít ra thì tôi cũng biết một đứa như thế, Madeline đáp với vẻ lơ đễnh.
- Ai thế?
- Chính tôi…
Cô gạt ký ức đó ra khỏi tâm trí. Những vết thương thời thơ ấu vẫn còn nhức nhối và hôm nay không phải là ngày để động lòng thương cho số phận của cô.
Cô xỏ một đôi găng cao su, mở hết các ngăn kéo ra rồi lục soát toàn bộ căn phòng.
Trong tủ âm tường, Madeline tìm thấy khoảng chục gói bánh quy cacao nhân vani – loại nhãn hiệu Oreo – cùng với những chai nhựa nhỏ đựng sữa dâu hiệu Nesquik.
- Con bé hầu như chỉ sống bằng món bánh quy chấm sữa, mẹ Alice giải thích.
Alice đã “ra đi” mà không mang theo bất cứ thứ gì: cây đàn vĩ cầm để trên giường, máy tính cá nhân – một chiếc Mac kiểu vỏ sò đời cũ – chễm chệ trên bàn học, còn cuốn nhật ký của cô bé được giấu ở chân giường. Madeline tò mò mở cuốn sổ ra và phát hiện một tờ 50 bảng gập tư gài trong bìa sổ.
Một tia độc địa lóe lên trong mắt Erin. Rõ ràng chị ta đang tự trách mình vì đã không nhanh trí lục lọi căn phòng trước cảnh sát.
Điềm xấu, Madeline tự nhủ. Nếu bỏ nhà ra đi, cô bé sẽ không bỏ lại một khoản tiền như thế này. Đội cảnh sát pháp y cô triệu tập vừa đến. Cô yêu cầu họ khám xét kỹ lưỡng toàn bộ căn nhà. Với panh, dao mổ và dụng cụ đục tường, các kỹ thuật viên thu thập số lượng lớn các mẫu vật rồi lần lượt bỏ vào các ống bịt kín. Trong khi người của cô xử lý những vật chứng quan trọng, Madeline mở một kẹp hồ sơ trong đó cô bé cất giữ một số bài tập ở trường: điểm số đều đoạt loại xuất sắc và lời phê của giáo viên đều mang tính ngợi khen.
Alice đã tự xây dựng cho mình một thành trì văn hóa để chạy trốn cuộc sống thường nhật nhớp nhúa. Học vấn và tri thức như những khiên chắn cô tự xây dựng để tự bảo vệ mình trước bạo lực, nỗi sợ hãi và sự tầm thường…
Năm chiếc xe cảnh sát hiện đang đỗ ở Farm Hill Road. Madeline trao đổi vài lời với trưởng nhóm cảnh sát pháp y, ông đảm bảo với cô rằng đã tìm ra đủ tóc trên lược của Alice để thu được những mẫu ADN chất lượng tốt.
Cô dựa người lên nắp ca pô xe , châm một điếu thuốc, mắt đăm đăm nhìn bức ảnh chụp Alice. Đó là một cô bé xinh xắn, cao ráo và mảnh mai, trông già trước tuổi. Gương mặt cô bé trắng muốt, càng trắng hơn với những vết tàn nhang lấm chấm để lộ gốc gác Ailen. Cô bé có đôi mắt hình quả hạnh màu lục xám gợi nhớ các bức chân dung của Modigliani. Trong đôi mắt ấy người ta đã có thể đọc thấy nỗi chán chường vô hạn cũng như lộ rõ niềm mong muốn được che giấu đi vẻ đẹp của mình vì biết rằng trong môi trường cô bé lớn lên, nó sẽ đem tới cho cô nhiều rắc rối hơn là niềm vui sướng.
Biết hy vọng gì ở tương lai khi hoàn cảnh xuất thân trong cuộc sống đã khó khăn đến thế? Làm thế nào để người ta có thể lớn lên dưới đáy cùng xã hội, giữa những con nghiện ma túy và những kẻ bại não mà chính mình không trở nên hơi điên khùng được chứ?
Có lẽ nào rốt cuộc em đã bỏ nhà đi? Madeline thầm hỏi Alice. Có lẽ nào em đã rời bỏ khu phố thối nát nơi người ta chỉ gặp toàn những kẻ thân tàn ma dại này? Có lẽ nào em muốn chạy trốn người mẹ kém cỏi thậm chí còn không thể nói cho em biết bố em là ai?
Nhưng Madeline không tin vào kịch bản này. Alice có vẻ là một cô bé thông minh và chỉn chu. Rời khỏi khu phố này ư? Đồng ý. Nhưng để đi đâu? Với ai? Và làm gì kia chứ?
Cô dùng đầu mẩu thuốc hút gần hết để châm một điếu mới.
Phòng riêng của Alice đã làm sống lại những ký ức về chuyện của chính cô. Như 99% những đứa trẻ lớn lên trong khu phố, Madeline từng có một tuổi thơ hỗn loạn giữa một bà mẹ mắc chứng trầm cảm và một ông bố nghiện rượu. Đến tuổi thiếu niên, cô đã thề với bản thân sẽ chạy trốn khỏi thảm họa nhân đạo này, sẽ đi tìm vận may ở những nơi khác. Giấc mơ lớn của cô là một ngày nào đó được sống tại Paris! Cô là một học sinh giỏi đã thi đỗ các kỳ thi luật, rồi thực tế của khu phố lại đeo đuổi cô và cô gia nhập ngành cảnh sát, lên lon nhanh chóng nhưng vẫn chôn chân trong cảnh sắc u ám và buồn tẻ của Cheatam Bridge.
Cô không than phiền về số phận, ngược lại là khác. Công việc khiến cô vui bởi nó mang một ý nghĩa: kiềm chế tội phạm, giúp các gia đình có thể để tang khi tìm ra những kẻ đã giết hại người thân của họ, đôi khi là cứu những sinh mạng. Dĩ nhiên, chuyện đó không phải ngày nào cũng dễ dàng. Ở đây cũng như bất cứ nơi nào khác, cảnh sát luôn phải đối diện với một nỗi day dứt sâu kín. Không chỉ là chuyện họ không còn cảm thấy được tôn trọng nữa, mà còn là chuyện cương vị cảnh sát khiến họ phải hứng chịu những lời lăng mạ và đe dọa. Đó là một thực tế chung, nhưng người ta có thể cảm nhận nó rõ rệt hơn nữa trong một khu phố như Cheatam Bridge. Các đồng nghiệp nhận công tác tại đây đều tránh tiết lộ nghề nghiệp của mình với hàng xóm láng giềng và dặn con cái tuân thủ nguyên tắc đó khi tới trường. Mọi người hết sức yêu quý cảnh sát trong các bộ phim truyền hình dài tập nhưng lại xỉ vả những cảnh sát làm việc trong khu phố nơi mình sinh sống… Vậy nên cần phải kìm nén một cơn trầm cảm thường nhật, chịu đựng thái độ thù nghịch của dân chúng, thái độ thờ ơ của cấp trên. Chấp nhận nhìn thấy ô tô của mình bị chọi đá và bằng lòng với những trang thiết bị cổ lỗ sĩ: nhiều ô tô công vụ thậm chí không có hệ thống radio, một vài chiếc máy tính vẫn chạy hệ điều hành Pentium II…
Thi thoảng chuyện đó thật khó mà chịu đựng được. Bạn bắt đầu cảm thấy, với riêng bạn, tính phi lý của các tai nạn chết người, nỗi thống khổ của những phụ nữ bị bạo hành, nỗi khiếp sợ của những đứa trẻ bị lạm dụng, nỗi đau của gia đình các nạn nhân.
Ngày càng phiền muộn và sống trong căng thẳng, một vài người rốt cuộc đã suy sụp. Vừa năm ngoái, một cảnh sát trong đội của cô vô cớ nổi cáu rồi bắn hạ một tay anh chị hạng xoàng trong lúc hỏi cung hắn; mới cách đây sáu tháng, một nữ thực tập viên trẻ tuổi đã dùng súng công vụ tự tử ngay trong sở cảnh sát.
Trái ngược với nhiều đồng nghiệp, Madeline không vỡ mộng cũng chẳng suy sụp. Cô tình nguyện ở lại trong khu phố “khó nhằn” này để lên lon nhanh hơn. Số cảnh sát viên kỳ cựu cũng như các tân binh mới ra trường trụ lại ở đây không nhiều. Điều này mở ra những triển vọng nghề nghiệp… Nhờ vậy theo năm tháng, cô đã có được một vị trí riêng cũng như quyền hạn nào đó cho phép cô điều tra những vụ “thú vị” nhất, cũng là những vụ thương tâm và đẫm máu nhất.
- Cô bé không cố tình bỏ đi đâu, phải không? Jim hỏi khi ra gặp cô.
- Không, nếu là bỏ nhà đi thì ta đã tìm ra cô bé rồi, và cô bé sẽ không bỏ lại tờ 50 bảng kia đâu.
- Với những gì Erin có trong tài khoản ngân hàng, tôi nghĩ ta cũng có thể loại trừ khả năng đây là một vụ bắt cóc đòi tiền chuộc.
- Dĩ nhiên rồi, cô tán thành, nhưng dẫu sao ta vẫn sẽ điều tra lũ nghiện xung quanh cô bé: với loại người đó thì đây có thể là một vụ trả thù hoặc bắt cóc đe dọa lắm chứ.
- Ta sẽ tìm ra cô bé, Jim khẳng định như để tự thuyết phục mình.
Họ không phải đang ở đất Mỹ, cũng không phải trong một cuốn tiểu thuyết trinh thám: Ở nước Anh ngày nay, rất hiếm gặp những vụ trẻ vị thành niên mất tích không được giải quyết thấu đáo.
Hai năm trước, Madeline và Jim đã giám sát cuộc điều tra một bé trai mất tích do bị bắt cóc khi đang chơi trong vườn nhà. Báo động được truyền đi lập tức: Người ta đã cho triển khai rất nhiều các biện pháp tìm kiếm trong khoảng thời gian rất ngắn. Chỉ sau vài giờ, nhờ dấu hiệu nhận dạng ô tô, kẻ bắt cóc đã bị bắt giữ rồi nhận tội. Trước khi đêm xuống, người ta đã tìm ra cậu bé bị trói trong một túp lều, vẫn còn sống và hoàn toàn khỏe mạnh.
Khi hồi tưởng lại tình tiết cho thấy việc phản ứng ngay tức thì có tầm quan trọng thế nào, Madeline để cho cơn giận mặc sức bùng nổ:
- Đồ khốn, đồ ngu xuẩn! Cô nổi khùng, thụi một cú lên nắp ca pô chiếc Focus. Chờ tám ngày trời trôi qua mới đến trình báo việc con gái mất tích! Đích thân tôi sẽ tống ả ta vào tù!
Trong bất kỳ vụ mất tích nào, khoảng thời gian bốn mươi tám giờ đầu tiên cũng mang tính quyết định. Nếu quá thời hạn này mà vẫn chưa tìm ra đối tượng mất tích thì nhiều khả năng người ta sẽ không bao giờ tìm ra họ.
- Bình tĩnh nào! Jim bảo rồi đi ra xa. Tôi đã lấy số điện thoại di động của Alice. Để xem ta có thể lần theo các cuộc gọi của cô bé không.
Madeline nhìn tấm ảnh lần nữa, họng cô nghẹn lại. Cô nhìn Alice như nhìn một người em gái, thậm chí là một đứa con… Giống như Erin, cô cũng có thể mang thai ngoài ý muốn khi mới mười bảy tuổi với một thằng du côn trong khu phố lắm chứ, vào một tối thứ Bảy trên đường rời hộp đêm về nhà trên băng ghế sau của một chiếc Rover 200.
Em đang ở đâu vậy? cô thì thầm hỏi Alice.
Chuyện này hiếm khi xảy ra với cô, cô cảm thấy bị ám ảnh bởi một niềm tin không gì lay chuyển nổi: Alice còn sống. Nhưng ngay cả khi đúng như vậy thì Madeline cũng không hề nuôi ảo tưởng nào cả. Cô bé sẽ không được ở một nơi thoải mái. Đúng hơn là hẳn đang ở trong một căn hầm tối tăm ẩm ướt của một gã biến thái hoặc giữa nanh vuốt một tay mafia chuyên buôn bán phụ nữ trẻ và dắt gái.
Dù thế nào chăng nữa, có một điều chắc chắn.
Cô bé hẳn là đang sợ.
Sợ kinh khủng.
Tác giả :
Guillaume Musso