Cuộc Đời Của Pi
Chương 15
Tôi đang ngồi trong một quán cà phê nội thành, ngay sau đó, và suy nghĩ. Tôi vừa qua gần trọn buổi chiều với anh. Sau những lần tiếp chuyện anh, lúc nào tôi cũng thấy ngán ngẩm với ý thức bằng lòng ỉu xìu vốn đã thành đặc trưng của đời mình. Những từ gì anh dùng đã khiến tôi giật mình ấy nhỉ? A, đây rồi: “những thực tế khô khan và không có men nở,” “câu chuyện hay hơn,” Tôi lấy giấy bút ra và viết:
Những lời đầy ý thức thần thánh: niềm vui trong đạo đức, cảm giác được nâng cao kéo dài, nỗi sướng, niềm vui; một cuộc thức tỉnh của ý thức đạo đức, làm cho ta đột nhiên thấy rằng đó là điều quan trọng hơn nhiều so với việc hiểu biết được mọi vật; một cuộc xếp đặt lại vũ trụ theo những nguyên lý đạo đức chứ không phải tri thức; một giác ngộ rằng cái nguyên tắc nền tảng của sinh tồn là cái mà ta gọi là tình yêu, nó hoạt động và hiển lộ có đôi khi không rõ ràng, rành mạch, cũng không lập tức, chứ đừng nói gì đến việc không thể tránh khỏi.
Tôi ngừng viết, còn sự im lặng của Thượng đế thì sao? Tôi suy đi nghĩ lại. Rồi viết tiếp:
Một trí tuệ nhưng phải được thấm nhuần với một cảm thức đáng tin về sự hiện diện và về một mục đích tối hậu.
Tôi có thể hoàn toàn tưởng tượng được những lời cuối cùng của một người vô thần: “Trắng quá! Trắng lắm! Ôi… tình yêu! Thượng đế của tôi!” Và sau đó là bước nhảy theo lòng tin vào cõi chết. Trong khi đó với một người hoài nghi, nếu người đó vẫn còn trung thực với bản chất hoài nghi của mình, nếu anh ta vẫn bám chặt lấy cái thực tế khô ran và không có men nở kia, sẽ có giải thích về quầng sáng đang bao bọc mình lúc đó như sau: “Có khả năng đây là hiện tượng thiếu hụt oxy trong não bộ,” và thế là cho đến chết vẫn thiếu trí tưởng tượng và lỡ mất câu chuyện hay hơn.
Than ôi, cái ý thức cộng đồng do có cùng một lòng tin mang lại cho con người đã gây rắc rối cho cho tôi. Chẳng chóng thì chầy, những việc tín ngưỡng của tôi đã bị người ta chú ý. Đầu tiên là người người không lấy đó làm điều mà chỉ thấy buồn cười vô hại. Nhưng sau thì đến những người coi đó là hệ trọng và chẳng thấy buồn cười chút nào.
Thầy cả Cơ đốc hỏi: “Con trai ông bà làm gì ở đền thờ Hinđu vậy?”
Thầy cả Hồi giáo hỏi: “Người ta thấy con trai ông bà làm dấu thánh giá trong nhà thờ đấy.”
Thầy cả Hinđu nói: “Con trai ông bà đã theo Hồi giáo rồi.”
Đúng vậy, cha mẹ tôi đã bắt buộc phải biết tất cả những điều đó, với một chút ngạc nhiên buồn cười. Trước đấy cha mẹ có biết gì đâu. Không biết là tôi đã đang thực hành cả đạo Hinđu, Cơ đốc, và đạo Hồi. Bọn choai choai đứa nào chả giấu bố mẹ một vài điều bí mật, có phải không nào? Bọn mười sáu tuổi đứa nào cũng có bí mật hết, tất cả, chẳng chừa đứa nào. Nhưng số phận đã quyết định là cha mẹ tôi, tôi, với ba nhà thông thái kia, như tôi gọi họ từ đó về sau, một ngày nào đấy sẽ phải gặp nhau tại hành lang ngoài trời Goubert Salai bên bờ biển và điều bí mật của tôi sẽ phải bị phanh phui. Đó là một chiều Chủ nhật nóng bức nhưng hây hẩy gió và tuyệt đẹp, vịnh Bengal lấp lánh dưới bầu trời xanh biếc, đám thị dân đua nhau đi tản bộ. Trẻ con la hét và cười nói ầm ĩ. Bóng bay sặc sỡ lơ lửng trong không trung. Các hàng kem bán chạy như tôm tươi. Tại sao lại nói chuyện công việc vào một ngày như vậy, tôi tự hỏi. Sao mọi người không cứ chỉ đi dạo, gật đầu chào nhau và mỉm cười. Nhưng không kịp nữa rồi. Chúng tôi sắp phải gặp không phải chỉ một nhà thông thái mà là cả ba, mà không phải lần lượt từng ông mà cùng một lúc, và người nào cũng đã nghĩ rằng đó là cơ hội gặp được nhân vật nổi tiếng của Pondicherry, vị giám đốc vườn thú, cha đẻ của đứa con nhiệt thành mẫu mực. Lúc tôi thấy vị thứ nhất, tôi mỉm cười. Đến khi thấy vị thứ ba, nụ cười của tôi đông cứng lại thành cái mặt nạ hãi hùng. Khi đã rõ là cả ba vị sẽ cùng xúm lại vì chúng tôi, tim tôi nhảy thót lên một cái và bắt đầu chìm xuống rất thấp.
Các vị thông thái có vẻ khó chịu khi nhận ra rằng tất cả họ đều đã chỉ được một đối tượng mời đến gặp mà thôi. Chắc hẳn mỗi vị đã tưởng rằng chỉ có mình mới là người được mời đến về việc giáo hội, còn những người khác thì chắc chỉ tình cờ có mặt và đã xen vào chuyện này một cách không có ý từ gì cả. Những cái liếc khó chịu đan nhau chan chát.
Cha mẹ tôi có vẻ lúng túng vì cảm thấy không còn được thoải mái theo ý họ trước sự có mặt của ba giáo đồ lạ hoắc đang mỉm cười ngượng nghịu. Phải nói ngay rằng gia đình tôi không có tí tinh thần chính giáo nào. Cha coi mình là một phần của nước Ấn Độ Mới - giầu có, hiện đại và thông tục như một cái kem que. Cha không có tí tín ngưỡng nào trong xương cả. Cha là một người làm ăn, businessman, mà phải viết là busynessman mới đúng với ông, vì ông là một nhà chuyên môn thực tế và cần mẫn, lo chuyện giao phối cho nội bộ cho sư tử nhiều hơn bất cứ một vấn đề hiện sinh hoặc đạo đức cao vời nào. Đúng là cha có mời giáo sĩ đến ban phước cho tất cả những thú vật mới đem về vườn thú và có hai cái miếu nhỏ trong vườn, một thờ thần Ganesha và cái kia thờ thần Hanuman, những vị thần có chiều hướng có thể ban phước cho một ông giám đốc vườn thú, vì một thần thì có đầu voi còn thần kia thì mang đầu khỉ, nhưng cha tính đó là vì lợi ích của công việc kinh doanh chứ không phải vì linh hồn mình, là việc lấy lòng người xem chứ không phải để cứu rỗi bản ngã của ông. Nỗi khắc khoải tâm linh là hoàn toàn xa lạ với cha; chỉ có những khắc khoải tài chính mới làm rung động được con người cha. “Một vụ dịch bệnh thôi,” cha thường nói, “là chúng ta sẽ chỉ có đi đập đá rải đường mà kiếm miếng ăn.” Mẹ thì giữ mồm giữ miệng, ngán ngẩm và trung lập trong vấn đề này. Một nền giáo dưỡng Hinđu và một nhà trường Cơ đốc dòng Baptist đã chính xác triệt tiêu nhau trong vấn đề tín ngưỡng và biến mẹ thành người không ngoan đạo một cách bình thản. Tôi ngờ rằng mẹ đã đoán thấy tôi có khuynh hướng khác trong việc này, và mẹ không bao giờ nói gì khi hồi nhỏ tôi say mê ngốn ngấu cả cuốn truyện tranh Ramayana và Mahabharata(1) cũng như những cuốn Thánh kinh có minh họa cho trẻ em và các sách thần thánh khác. Bản thân mẹ là người đọc rộng. Mẹ vui lòng thấy tôi gí mũi vào sách, bất kỳ là sách gì, miễn không bậy bạ. Còn với anh Ravi, nếu thần Krishna đã cầm một cái chày bóng chứ không phải cây sáo, nếu đấng Christ trông giản dị và giống một anh trọng tài, nếu nhà tiên tri Mohammad, xin ngài yên nghỉ, đã cho thấy có chút năng khiếu về môn bóng lăn, có thể anh đã ngước một mắt của mình lên, và cũng vì thế anh đã suốt đời mê ngủ.
Sau những tiếng chào xã giao là một sự im lặng ngượng nghịu. Thầy cả Cơ đốc phá vỡ sự im lặng đó khi ông lên tiếng, giọng tự hào, “Piscine là một cậu bé Cơ đốc ngoan ngoãn. Tôi hy vọng sắp tới cậu sẽ tham gia dàn đồng ca của chúng tôi.”
Cha mẹ tôi, thầy cả Hinđu và thầy cả đạo Hồi có vẻ ngạc nhiên.
“Chắc là ông nhầm rồi, cậu ấy là một tín đồ Hồi giáo tốt lành. Thứ Sáu nào cậu cũng đến cầu nguyện và kiến thức về kinh Koran của cậu đang tấn tới rõ rệt.” Đó là lời thầy cả đạo Hồi.
Thầy cả Hinđu lên tiếng. “Cả hai vị đều nhầm cả rồi. Cậu ấy là một người Hinđu tốt. Lần nào tôi cũng thấy cậu ấy trong đền thờ để chịu lễ lộc thánh và làm lễ puja.”
Cha mẹ tôi, thầy cả Cơ đốc và thầy cả đạo Hồi có vẻ thất thần.
“Không có nhầm lẫn gì cả,” thầy cả Cơ đốc nói, “tôi biết cậu bé này mà. Cậu ấy là Piscine Molitor Patel và cậu ấy là tín đồ Cơ đốc.”
“Tôi cũng biết cậu ấy, và tôi xin nói rằng cậu là một người Hồi giáo,” thầy cả đạo Hồi khăng khăng.
“Vô lý! Thầy cả Hinđu kêu lên. “Piscine sinh ra là người Hinđu, sống như một người Hinđu và sẽ chết là một người Hinđu!”
Ba nhà thông thái nhìn chòng chọc vào nhau, nín thở và kinh ngạc.
Lạy Chúa tôi, xin đừng để họ nhìn sang con, tôi thì thầm trong linh hồn mình.
Mọi cặp mắt đổ dồn vào tôi.
“Này Piscine, điều đó có thể là sự thực chăng?” Thầy cả đạo Hồi khẩn thiết. “Hinđu và Cơ đốc giáo là những người thờ thần tượng. Họ có nhiều thần thánh.”
“Còn người Hồi giáo thì có nhiều vợ.” Thầy cả Hinđu đốp lại.
Thầy cả Cơ đốc nhìn cả hai một cách dò hỏi. “Piscine,” thầy gần như thì thầm, “sự cứu rỗi chỉ có ở Jesus mà thôi.”
“Nói xạo! Người Cơ đốc không biết gì về tôn giáo cả,” thầy cả Hinđu nói.
“Thế Thượng đế của tôn giáo các vị thì ở đâu?” Thầy cả Cơ đốc vặc lại. “Các vị không có đến một phép lạ để cho người ta thấy. Tôn giáo gì lạ vậy, không có đến cả phép lạ nữa?”
“Nó không phải là một rạp xiếc với những người chết lúc nào cũng nhảy ra khỏi mồ, thế đấy! Người Hồi giáo chúng tôi gắn bó với phép lạ nguyên thuỷ của sinh tồn. Chim bay, mưa rơi, mùa màng tươi tốt – đó cũng đủ là những phép lạ của chúng tôi rồi.”
“Lông chim và mưa móc đều hay cả đấy, nhưng chúng tôi muốn biết chắc rằng Thượng đế thực sự ở bên chúng tôi.”
“Có phải vậy chăng? Có phải các vị thực lòng mong Thượng đế ở bên mình chăng? Quý vị đã tìm cách giết chết ngài! Quý vị đóng đanh ngài lên cây thập tự bằng những cái đinh to gộc. Đãi một nhà tiên tri như thế có phải là văn minh chăng? Tiên tri Mohammad – xin ngài được yên nghỉ - đã đem cho chúng tôi lời Thượng đế mà không cần đến tất cả những cái phi lý nhục nhã kia và đã qua đời khi trọn vẹn tuổi đời.”
“Lời Thượng đế ư? Cho cái anh buôn mù chữ ấy của quý vị ở giữa sa mạc hoang vu ấy ư? Đó chỉ là những lắp bắp trong cơn động kinh do lạc đà lắc lư nhiều quá mà thôi, nào phải những phát lộ thần thánh gì. Hoặc nếu không thì cũng chỉ vì mặt trời đã rán chín bộ óc của ông ta!”
“Nếu nhà tiên tri – “pi-bi-yu-ết-trờ(2) – còn sống, ngài sẽ có những lời được dành riêng cho ông, thầy cả đạo Hồi đáp lời, cặp mắt nhíu lại một cách đe dọa.
“Ô hô, ông ta chết rồi! Đấng Christ thì còn sống, còn ngài “pi-bi-yu-ết-trờ” của quý vị thì chết rồi, chết rồi, chết rồi!”
Thầy cả Hinđu ngắt lời hai vị kia một cách im ắng. Dùng tiếng Tamil, ông nói, “Vấn đền thực sự ở đây là, tại sao Piscine lại phải mất thì giờ chơi bời với những tôn giáo ngoại lai chứ?”
Mắt của hai thầy cả Cơ đốc và Hồi giáo như đang nhảy bật ra khỏi tròng. Cả hai vị đều là người Tamil bản địa.
“Thượng đế chỉ là một cho tất cả,” thầy cả Cơ đốc lắp bắp.
Thầy cả đạo Hồi hối hả gật đầu. “Chỉ có một Thượng đế mà thôi.”
“Và với Thượng đế của họ, người Hồi giáo không lúc nào ngớt gây chuyện rắc rối và bạo loạn. Đạo Hồi tồi tệ đến thế nào thì đã được chứng tỏ ở sự thiếu văn minh của người Hồi giáo,” thầy cả Hinđu tuyên bố.
“Thế còn chế độ đẳng cấp và nô lệ thì sao,” thầy cả đạo Hồi không chịu lép. “Người Hinđu bắt người làm nô lệ và thờ phụng những con búp bê áo quần sặc sỡ.”
“Họ là nhân tình của những con bê vàng. Họ quỳ lạy những con bò cái,” thầy cả Cơ đốc hùa theo.
“Còn người Cơ đốc thì quỳ mọp trước một người da trắng! Họ là tay sai của một Thượng đế ngoại lai. Là cơn ác mộng của tất cả những ai không phải da trắng!”
“Và họ ăn thịt lợn và cả ăn thịt người,” thầy cả đạo Hồi nói thêm vào cho nặng cân hơn.
“Điều quan trọng ở đây là,” thầy cả Cơ đốc lên tiếng với một vẻ giận dữ lạnh lùng, “cậu Piscine có muốn theo đuổi tín ngưỡng thật sự hay không – hay là những huyền thoại trong những tập truyện tranh biếm họa.”
“Thượng đế hay - là tượng gỗ,” thầy cả đạo Hồi đế theo, giọng nghiêm trang.
“Những vị thần của chúng ta – hay đám thánh thần thuộc địa,” thầy cả Hinđu rít giọng.
Khó phân biệt được lúc ấy mặt ai bừng bừng sát khí hơn. Trông họ có vẻ như sắp nổ tung lên cả.
Cha giơ hai tay lên trời. “Thưa quý vị, thưa quý vị, xin quý vị làm ơn! Cha nói xen vào. “Tôi mong quý vị nhớ đến quyền tự do hành đạo của nước chúng ta.”
Ba gương mặt tông đồ quay sang cả cha.
“Vâng! Hành một đạo thôi - động từ số ít ạ(3)!” Ba vị thông thái đồng thanh kêu lớn. Ba ngón tay trỏ, như những dấu chính tả, bật dậy đứng nghiêm trong không trung để chứng tỏ quan điểm ấy.
Họ không hài lòng với hiệu qủa đồng thanh không chủ đích ấy hoặc với những dáng điệu nhất trí không ghìm lại được của mình. Họ vội vàng bỏ tay xuống, và mỗi người thở dài rền rĩ theo cách riêng của mình. Cha với mẹ chỉ biết nhìn, chẳng biết nói gì.
Thầy cả Hinđu nói trước. “Thưa ông Patel, lòng ngoan đạo của cậu Piscine thật đáng khâm phục. Trong thời buổi nhiễu nhương này, thật may có một cậu thiếu niên tha thiết đến Thượng đế đến vậy. Tất cả chúng tôi đều nhất trí về điểm này.” Thầy cả đạo Hồi và thầy cả Cơ đốc gật đầu. “Nhưng cậu ấy không thể là một người Hinđu, một người Cơ đốc, và một người Hồi giáo. Không thể thế được. Cậu ấy phải lựa chọn.”
“Tôi nghĩ đó không phải là một tội lỗi, nhưng có lẽ quý vị có lý.” Cha đáp lời.
Cả ba vị thì thầm đồng tình và cùng ngước nhìn lên trời, cũng giống như cha lúc đó, chắc vì họ cảm thấy nhất định sẽ có một quyết định. Mẹ nhìn sang tôi.
Một sự im ắng đè nặng lên hai vai tôi.
“Này, Piscine?” Mẹ huých nhẹ vào tôi. “Con cảm thấy thế nào về việc này?”
“Bác Gandhi có dạy rằng mọi tín ngưỡng đến là chân lí. Con chỉ mong được yêu thương Thượng đế mà thôi,” tôi nói ngập ngừng, cúi gằm, đỏ hết cả mặt.
Sự lúng túng của tôi lây sang mọi người. Chẳng ai nói gì. Ngẫu nhiên chúng tôi ngồi không xa bức tượng Gandhi trong đoạn hành lang đó. Cây gậy chống trong tay, nụ cười dí dỏm trên môi, một ánh lấp lánh trong đôi mắt, vị Mahatma ấy bước đi. Tôi tưởng tượng viễn vông rằng ông đã nghe hết cuộc đối thoại của chúng tôi, nhưng ông quan tâm hơn cả đến những gì đang diễn ra trong lòng tôi. Cha đặng hắng rồi nói nhỏ như chỉ mình ông nghe, “Có lẽ đó là điều tất cả chúng ta đều đang cố gắng thực hiện – yêu thương Thượng đế.”
Tôi nghĩ thật là buồn cười là ông đã nói thế, cha tôi, người chưa từng đặt chân vào một ngôi đền nào với ý định nghiêm chỉnh kể từ thủa tôi bắt đầu biết nhớ. Nhưng có vẻ câu nói ấy đã giải quyết được mọi chuyện. Không thể trách mắng một thằng bé chỉ muốn yêu thương Thượng đế. Ba vị thông thái rút lui với những nụ cười cứng đơ đầy vẻ hờn dỗi.
Cha nhìn tôi một giây, như thể định nói gì, song rồi nghĩ lại và hỏi, “Có ai muốn ăn kem không nào?” Rồi cha đi luôn ra chỗ quầy kem trước khi chúng tôi kịp trả lời. Mẹ nhìn tôi chăm chú một lúc lâu hơn, vẻ mặt mẹ vừa dịu dàng, vừa bối rối.
Đó là bước nhập môn của tôi vào cuộc đối thoại liên tín ngưỡng. Cha mua ba cái kem có nhân kẹp. Chúng tôi ăn những cái kem ấy trong một sự im lặng bất thường khi tiếp tục cuộc dạo chơi Chủ nhật của mình.
Ghi chú:
(1) Ramayana và Mahabharata là hai trường ca vĩ đại của tín ngưỡng Hinđu. (ND)
(2) Nguyên bản là p.b.u.h, những âm tắt của câu cửa miệng của người Hồi giáo mỗi khi nhắc đến Mohammand: peace be upon him, nghĩa là “Xin ngài được yên nghỉ”. Chúng tôi nghĩ cách dịch tốt nhất là dùng các âm chữ cái như khi nhân vật nói ra bốn chữ này, là “pi-bi-yu-ết-trờ”, để giữ được phần nào cái hài của câu chuyện. (ND)
(3) Tôi nghĩ ở đây tác giả, hay người dịch đã nhầm, danh từ số ít mới hợp lý.
Những lời đầy ý thức thần thánh: niềm vui trong đạo đức, cảm giác được nâng cao kéo dài, nỗi sướng, niềm vui; một cuộc thức tỉnh của ý thức đạo đức, làm cho ta đột nhiên thấy rằng đó là điều quan trọng hơn nhiều so với việc hiểu biết được mọi vật; một cuộc xếp đặt lại vũ trụ theo những nguyên lý đạo đức chứ không phải tri thức; một giác ngộ rằng cái nguyên tắc nền tảng của sinh tồn là cái mà ta gọi là tình yêu, nó hoạt động và hiển lộ có đôi khi không rõ ràng, rành mạch, cũng không lập tức, chứ đừng nói gì đến việc không thể tránh khỏi.
Tôi ngừng viết, còn sự im lặng của Thượng đế thì sao? Tôi suy đi nghĩ lại. Rồi viết tiếp:
Một trí tuệ nhưng phải được thấm nhuần với một cảm thức đáng tin về sự hiện diện và về một mục đích tối hậu.
Tôi có thể hoàn toàn tưởng tượng được những lời cuối cùng của một người vô thần: “Trắng quá! Trắng lắm! Ôi… tình yêu! Thượng đế của tôi!” Và sau đó là bước nhảy theo lòng tin vào cõi chết. Trong khi đó với một người hoài nghi, nếu người đó vẫn còn trung thực với bản chất hoài nghi của mình, nếu anh ta vẫn bám chặt lấy cái thực tế khô ran và không có men nở kia, sẽ có giải thích về quầng sáng đang bao bọc mình lúc đó như sau: “Có khả năng đây là hiện tượng thiếu hụt oxy trong não bộ,” và thế là cho đến chết vẫn thiếu trí tưởng tượng và lỡ mất câu chuyện hay hơn.
Than ôi, cái ý thức cộng đồng do có cùng một lòng tin mang lại cho con người đã gây rắc rối cho cho tôi. Chẳng chóng thì chầy, những việc tín ngưỡng của tôi đã bị người ta chú ý. Đầu tiên là người người không lấy đó làm điều mà chỉ thấy buồn cười vô hại. Nhưng sau thì đến những người coi đó là hệ trọng và chẳng thấy buồn cười chút nào.
Thầy cả Cơ đốc hỏi: “Con trai ông bà làm gì ở đền thờ Hinđu vậy?”
Thầy cả Hồi giáo hỏi: “Người ta thấy con trai ông bà làm dấu thánh giá trong nhà thờ đấy.”
Thầy cả Hinđu nói: “Con trai ông bà đã theo Hồi giáo rồi.”
Đúng vậy, cha mẹ tôi đã bắt buộc phải biết tất cả những điều đó, với một chút ngạc nhiên buồn cười. Trước đấy cha mẹ có biết gì đâu. Không biết là tôi đã đang thực hành cả đạo Hinđu, Cơ đốc, và đạo Hồi. Bọn choai choai đứa nào chả giấu bố mẹ một vài điều bí mật, có phải không nào? Bọn mười sáu tuổi đứa nào cũng có bí mật hết, tất cả, chẳng chừa đứa nào. Nhưng số phận đã quyết định là cha mẹ tôi, tôi, với ba nhà thông thái kia, như tôi gọi họ từ đó về sau, một ngày nào đấy sẽ phải gặp nhau tại hành lang ngoài trời Goubert Salai bên bờ biển và điều bí mật của tôi sẽ phải bị phanh phui. Đó là một chiều Chủ nhật nóng bức nhưng hây hẩy gió và tuyệt đẹp, vịnh Bengal lấp lánh dưới bầu trời xanh biếc, đám thị dân đua nhau đi tản bộ. Trẻ con la hét và cười nói ầm ĩ. Bóng bay sặc sỡ lơ lửng trong không trung. Các hàng kem bán chạy như tôm tươi. Tại sao lại nói chuyện công việc vào một ngày như vậy, tôi tự hỏi. Sao mọi người không cứ chỉ đi dạo, gật đầu chào nhau và mỉm cười. Nhưng không kịp nữa rồi. Chúng tôi sắp phải gặp không phải chỉ một nhà thông thái mà là cả ba, mà không phải lần lượt từng ông mà cùng một lúc, và người nào cũng đã nghĩ rằng đó là cơ hội gặp được nhân vật nổi tiếng của Pondicherry, vị giám đốc vườn thú, cha đẻ của đứa con nhiệt thành mẫu mực. Lúc tôi thấy vị thứ nhất, tôi mỉm cười. Đến khi thấy vị thứ ba, nụ cười của tôi đông cứng lại thành cái mặt nạ hãi hùng. Khi đã rõ là cả ba vị sẽ cùng xúm lại vì chúng tôi, tim tôi nhảy thót lên một cái và bắt đầu chìm xuống rất thấp.
Các vị thông thái có vẻ khó chịu khi nhận ra rằng tất cả họ đều đã chỉ được một đối tượng mời đến gặp mà thôi. Chắc hẳn mỗi vị đã tưởng rằng chỉ có mình mới là người được mời đến về việc giáo hội, còn những người khác thì chắc chỉ tình cờ có mặt và đã xen vào chuyện này một cách không có ý từ gì cả. Những cái liếc khó chịu đan nhau chan chát.
Cha mẹ tôi có vẻ lúng túng vì cảm thấy không còn được thoải mái theo ý họ trước sự có mặt của ba giáo đồ lạ hoắc đang mỉm cười ngượng nghịu. Phải nói ngay rằng gia đình tôi không có tí tinh thần chính giáo nào. Cha coi mình là một phần của nước Ấn Độ Mới - giầu có, hiện đại và thông tục như một cái kem que. Cha không có tí tín ngưỡng nào trong xương cả. Cha là một người làm ăn, businessman, mà phải viết là busynessman mới đúng với ông, vì ông là một nhà chuyên môn thực tế và cần mẫn, lo chuyện giao phối cho nội bộ cho sư tử nhiều hơn bất cứ một vấn đề hiện sinh hoặc đạo đức cao vời nào. Đúng là cha có mời giáo sĩ đến ban phước cho tất cả những thú vật mới đem về vườn thú và có hai cái miếu nhỏ trong vườn, một thờ thần Ganesha và cái kia thờ thần Hanuman, những vị thần có chiều hướng có thể ban phước cho một ông giám đốc vườn thú, vì một thần thì có đầu voi còn thần kia thì mang đầu khỉ, nhưng cha tính đó là vì lợi ích của công việc kinh doanh chứ không phải vì linh hồn mình, là việc lấy lòng người xem chứ không phải để cứu rỗi bản ngã của ông. Nỗi khắc khoải tâm linh là hoàn toàn xa lạ với cha; chỉ có những khắc khoải tài chính mới làm rung động được con người cha. “Một vụ dịch bệnh thôi,” cha thường nói, “là chúng ta sẽ chỉ có đi đập đá rải đường mà kiếm miếng ăn.” Mẹ thì giữ mồm giữ miệng, ngán ngẩm và trung lập trong vấn đề này. Một nền giáo dưỡng Hinđu và một nhà trường Cơ đốc dòng Baptist đã chính xác triệt tiêu nhau trong vấn đề tín ngưỡng và biến mẹ thành người không ngoan đạo một cách bình thản. Tôi ngờ rằng mẹ đã đoán thấy tôi có khuynh hướng khác trong việc này, và mẹ không bao giờ nói gì khi hồi nhỏ tôi say mê ngốn ngấu cả cuốn truyện tranh Ramayana và Mahabharata(1) cũng như những cuốn Thánh kinh có minh họa cho trẻ em và các sách thần thánh khác. Bản thân mẹ là người đọc rộng. Mẹ vui lòng thấy tôi gí mũi vào sách, bất kỳ là sách gì, miễn không bậy bạ. Còn với anh Ravi, nếu thần Krishna đã cầm một cái chày bóng chứ không phải cây sáo, nếu đấng Christ trông giản dị và giống một anh trọng tài, nếu nhà tiên tri Mohammad, xin ngài yên nghỉ, đã cho thấy có chút năng khiếu về môn bóng lăn, có thể anh đã ngước một mắt của mình lên, và cũng vì thế anh đã suốt đời mê ngủ.
Sau những tiếng chào xã giao là một sự im lặng ngượng nghịu. Thầy cả Cơ đốc phá vỡ sự im lặng đó khi ông lên tiếng, giọng tự hào, “Piscine là một cậu bé Cơ đốc ngoan ngoãn. Tôi hy vọng sắp tới cậu sẽ tham gia dàn đồng ca của chúng tôi.”
Cha mẹ tôi, thầy cả Hinđu và thầy cả đạo Hồi có vẻ ngạc nhiên.
“Chắc là ông nhầm rồi, cậu ấy là một tín đồ Hồi giáo tốt lành. Thứ Sáu nào cậu cũng đến cầu nguyện và kiến thức về kinh Koran của cậu đang tấn tới rõ rệt.” Đó là lời thầy cả đạo Hồi.
Thầy cả Hinđu lên tiếng. “Cả hai vị đều nhầm cả rồi. Cậu ấy là một người Hinđu tốt. Lần nào tôi cũng thấy cậu ấy trong đền thờ để chịu lễ lộc thánh và làm lễ puja.”
Cha mẹ tôi, thầy cả Cơ đốc và thầy cả đạo Hồi có vẻ thất thần.
“Không có nhầm lẫn gì cả,” thầy cả Cơ đốc nói, “tôi biết cậu bé này mà. Cậu ấy là Piscine Molitor Patel và cậu ấy là tín đồ Cơ đốc.”
“Tôi cũng biết cậu ấy, và tôi xin nói rằng cậu là một người Hồi giáo,” thầy cả đạo Hồi khăng khăng.
“Vô lý! Thầy cả Hinđu kêu lên. “Piscine sinh ra là người Hinđu, sống như một người Hinđu và sẽ chết là một người Hinđu!”
Ba nhà thông thái nhìn chòng chọc vào nhau, nín thở và kinh ngạc.
Lạy Chúa tôi, xin đừng để họ nhìn sang con, tôi thì thầm trong linh hồn mình.
Mọi cặp mắt đổ dồn vào tôi.
“Này Piscine, điều đó có thể là sự thực chăng?” Thầy cả đạo Hồi khẩn thiết. “Hinđu và Cơ đốc giáo là những người thờ thần tượng. Họ có nhiều thần thánh.”
“Còn người Hồi giáo thì có nhiều vợ.” Thầy cả Hinđu đốp lại.
Thầy cả Cơ đốc nhìn cả hai một cách dò hỏi. “Piscine,” thầy gần như thì thầm, “sự cứu rỗi chỉ có ở Jesus mà thôi.”
“Nói xạo! Người Cơ đốc không biết gì về tôn giáo cả,” thầy cả Hinđu nói.
“Thế Thượng đế của tôn giáo các vị thì ở đâu?” Thầy cả Cơ đốc vặc lại. “Các vị không có đến một phép lạ để cho người ta thấy. Tôn giáo gì lạ vậy, không có đến cả phép lạ nữa?”
“Nó không phải là một rạp xiếc với những người chết lúc nào cũng nhảy ra khỏi mồ, thế đấy! Người Hồi giáo chúng tôi gắn bó với phép lạ nguyên thuỷ của sinh tồn. Chim bay, mưa rơi, mùa màng tươi tốt – đó cũng đủ là những phép lạ của chúng tôi rồi.”
“Lông chim và mưa móc đều hay cả đấy, nhưng chúng tôi muốn biết chắc rằng Thượng đế thực sự ở bên chúng tôi.”
“Có phải vậy chăng? Có phải các vị thực lòng mong Thượng đế ở bên mình chăng? Quý vị đã tìm cách giết chết ngài! Quý vị đóng đanh ngài lên cây thập tự bằng những cái đinh to gộc. Đãi một nhà tiên tri như thế có phải là văn minh chăng? Tiên tri Mohammad – xin ngài được yên nghỉ - đã đem cho chúng tôi lời Thượng đế mà không cần đến tất cả những cái phi lý nhục nhã kia và đã qua đời khi trọn vẹn tuổi đời.”
“Lời Thượng đế ư? Cho cái anh buôn mù chữ ấy của quý vị ở giữa sa mạc hoang vu ấy ư? Đó chỉ là những lắp bắp trong cơn động kinh do lạc đà lắc lư nhiều quá mà thôi, nào phải những phát lộ thần thánh gì. Hoặc nếu không thì cũng chỉ vì mặt trời đã rán chín bộ óc của ông ta!”
“Nếu nhà tiên tri – “pi-bi-yu-ết-trờ(2) – còn sống, ngài sẽ có những lời được dành riêng cho ông, thầy cả đạo Hồi đáp lời, cặp mắt nhíu lại một cách đe dọa.
“Ô hô, ông ta chết rồi! Đấng Christ thì còn sống, còn ngài “pi-bi-yu-ết-trờ” của quý vị thì chết rồi, chết rồi, chết rồi!”
Thầy cả Hinđu ngắt lời hai vị kia một cách im ắng. Dùng tiếng Tamil, ông nói, “Vấn đền thực sự ở đây là, tại sao Piscine lại phải mất thì giờ chơi bời với những tôn giáo ngoại lai chứ?”
Mắt của hai thầy cả Cơ đốc và Hồi giáo như đang nhảy bật ra khỏi tròng. Cả hai vị đều là người Tamil bản địa.
“Thượng đế chỉ là một cho tất cả,” thầy cả Cơ đốc lắp bắp.
Thầy cả đạo Hồi hối hả gật đầu. “Chỉ có một Thượng đế mà thôi.”
“Và với Thượng đế của họ, người Hồi giáo không lúc nào ngớt gây chuyện rắc rối và bạo loạn. Đạo Hồi tồi tệ đến thế nào thì đã được chứng tỏ ở sự thiếu văn minh của người Hồi giáo,” thầy cả Hinđu tuyên bố.
“Thế còn chế độ đẳng cấp và nô lệ thì sao,” thầy cả đạo Hồi không chịu lép. “Người Hinđu bắt người làm nô lệ và thờ phụng những con búp bê áo quần sặc sỡ.”
“Họ là nhân tình của những con bê vàng. Họ quỳ lạy những con bò cái,” thầy cả Cơ đốc hùa theo.
“Còn người Cơ đốc thì quỳ mọp trước một người da trắng! Họ là tay sai của một Thượng đế ngoại lai. Là cơn ác mộng của tất cả những ai không phải da trắng!”
“Và họ ăn thịt lợn và cả ăn thịt người,” thầy cả đạo Hồi nói thêm vào cho nặng cân hơn.
“Điều quan trọng ở đây là,” thầy cả Cơ đốc lên tiếng với một vẻ giận dữ lạnh lùng, “cậu Piscine có muốn theo đuổi tín ngưỡng thật sự hay không – hay là những huyền thoại trong những tập truyện tranh biếm họa.”
“Thượng đế hay - là tượng gỗ,” thầy cả đạo Hồi đế theo, giọng nghiêm trang.
“Những vị thần của chúng ta – hay đám thánh thần thuộc địa,” thầy cả Hinđu rít giọng.
Khó phân biệt được lúc ấy mặt ai bừng bừng sát khí hơn. Trông họ có vẻ như sắp nổ tung lên cả.
Cha giơ hai tay lên trời. “Thưa quý vị, thưa quý vị, xin quý vị làm ơn! Cha nói xen vào. “Tôi mong quý vị nhớ đến quyền tự do hành đạo của nước chúng ta.”
Ba gương mặt tông đồ quay sang cả cha.
“Vâng! Hành một đạo thôi - động từ số ít ạ(3)!” Ba vị thông thái đồng thanh kêu lớn. Ba ngón tay trỏ, như những dấu chính tả, bật dậy đứng nghiêm trong không trung để chứng tỏ quan điểm ấy.
Họ không hài lòng với hiệu qủa đồng thanh không chủ đích ấy hoặc với những dáng điệu nhất trí không ghìm lại được của mình. Họ vội vàng bỏ tay xuống, và mỗi người thở dài rền rĩ theo cách riêng của mình. Cha với mẹ chỉ biết nhìn, chẳng biết nói gì.
Thầy cả Hinđu nói trước. “Thưa ông Patel, lòng ngoan đạo của cậu Piscine thật đáng khâm phục. Trong thời buổi nhiễu nhương này, thật may có một cậu thiếu niên tha thiết đến Thượng đế đến vậy. Tất cả chúng tôi đều nhất trí về điểm này.” Thầy cả đạo Hồi và thầy cả Cơ đốc gật đầu. “Nhưng cậu ấy không thể là một người Hinđu, một người Cơ đốc, và một người Hồi giáo. Không thể thế được. Cậu ấy phải lựa chọn.”
“Tôi nghĩ đó không phải là một tội lỗi, nhưng có lẽ quý vị có lý.” Cha đáp lời.
Cả ba vị thì thầm đồng tình và cùng ngước nhìn lên trời, cũng giống như cha lúc đó, chắc vì họ cảm thấy nhất định sẽ có một quyết định. Mẹ nhìn sang tôi.
Một sự im ắng đè nặng lên hai vai tôi.
“Này, Piscine?” Mẹ huých nhẹ vào tôi. “Con cảm thấy thế nào về việc này?”
“Bác Gandhi có dạy rằng mọi tín ngưỡng đến là chân lí. Con chỉ mong được yêu thương Thượng đế mà thôi,” tôi nói ngập ngừng, cúi gằm, đỏ hết cả mặt.
Sự lúng túng của tôi lây sang mọi người. Chẳng ai nói gì. Ngẫu nhiên chúng tôi ngồi không xa bức tượng Gandhi trong đoạn hành lang đó. Cây gậy chống trong tay, nụ cười dí dỏm trên môi, một ánh lấp lánh trong đôi mắt, vị Mahatma ấy bước đi. Tôi tưởng tượng viễn vông rằng ông đã nghe hết cuộc đối thoại của chúng tôi, nhưng ông quan tâm hơn cả đến những gì đang diễn ra trong lòng tôi. Cha đặng hắng rồi nói nhỏ như chỉ mình ông nghe, “Có lẽ đó là điều tất cả chúng ta đều đang cố gắng thực hiện – yêu thương Thượng đế.”
Tôi nghĩ thật là buồn cười là ông đã nói thế, cha tôi, người chưa từng đặt chân vào một ngôi đền nào với ý định nghiêm chỉnh kể từ thủa tôi bắt đầu biết nhớ. Nhưng có vẻ câu nói ấy đã giải quyết được mọi chuyện. Không thể trách mắng một thằng bé chỉ muốn yêu thương Thượng đế. Ba vị thông thái rút lui với những nụ cười cứng đơ đầy vẻ hờn dỗi.
Cha nhìn tôi một giây, như thể định nói gì, song rồi nghĩ lại và hỏi, “Có ai muốn ăn kem không nào?” Rồi cha đi luôn ra chỗ quầy kem trước khi chúng tôi kịp trả lời. Mẹ nhìn tôi chăm chú một lúc lâu hơn, vẻ mặt mẹ vừa dịu dàng, vừa bối rối.
Đó là bước nhập môn của tôi vào cuộc đối thoại liên tín ngưỡng. Cha mua ba cái kem có nhân kẹp. Chúng tôi ăn những cái kem ấy trong một sự im lặng bất thường khi tiếp tục cuộc dạo chơi Chủ nhật của mình.
Ghi chú:
(1) Ramayana và Mahabharata là hai trường ca vĩ đại của tín ngưỡng Hinđu. (ND)
(2) Nguyên bản là p.b.u.h, những âm tắt của câu cửa miệng của người Hồi giáo mỗi khi nhắc đến Mohammand: peace be upon him, nghĩa là “Xin ngài được yên nghỉ”. Chúng tôi nghĩ cách dịch tốt nhất là dùng các âm chữ cái như khi nhân vật nói ra bốn chữ này, là “pi-bi-yu-ết-trờ”, để giữ được phần nào cái hài của câu chuyện. (ND)
(3) Tôi nghĩ ở đây tác giả, hay người dịch đã nhầm, danh từ số ít mới hợp lý.
Tác giả :
Yann Martel