Chiến Tranh Và Hòa Bình
Quyển 7 - Chương 2
Những ngày mới về nhà, Nikolai có vẻ nghiêm nghị, thậm chí còn cau có nữa. Chàng rất khổ tâm vì sắp phải bắt tay vào những công việc quản lý ngu xuẩn mà mẹ chàng đã gọi chàng về để lo liệu, để trút cho mau cái gánh nặng ấy. Ngày thứ ba sau khi về nhà, sắc mặt hằm hằm, không nói cho ai biết là mình đi đâu, chàng bước thẳng đến phòng Mityenka ở dãy nhà dọc, và đòi xem tất cả mọi khoản kế toán. "Mọi khoản kế toán ấy là gì", Nikolai còn biết ít hơn cả Mityenka, bấy giờ đang hoảng hốt và ngỡ ngàng trước câu hỏi của chàng. Những lời giải thích và tính toán của Mityenka không kéo dài được bao lâu. Mấy người thôn trưởng đang chờ ở phòng ngoài vừa sợ hãi vừa thích thú khi nghe tiếng quát mắng ầm ầm hình như mỗi lúc một to thêm của tiểu bá tước, rồi tuôn ra tới tấp thành một trận chửi rủa thậm tệ.
- Đồ kẻ cướp! Đồ súc sinh bạc nghĩa! Tao sẽ băm thây mày ra như một con chó… Ta không phải như ông cụ đâu… đồ ăn cắp, v.v…
Rồi những người ấy lại không kém phần thích thú nhưng sợ hãi khi thấy tiểu bá tước mắt đỏ gay, hai mắt nổi tia máu, nắm cổ áo Mityenka mà lôi và khéo chọn lúc thuận tiện giữa hai tiếng chửi mà đạp cho y một cái và thúc đầu gối vào phía dưới lưng y, quát lên:
- Cút! Đừng hòng đặt chân vào nhà này nữa, đồ chó!
Mityenka ba chân bốn cẳng lao xuống sáu bậc thềm rồi cắm cổ chạy vào một cái lùm cây. (Lùm cây này là nơi ẩn nấp có tiếng của những dân ở Otradnoye khi có lỗi. Chính Mityenka cũng lẩn quất ở đó mỗi khi ra thành phố uống rượu say rồi về, và có nhiều người dân Otradnoye, cần phải trốn tránh, Mityenka cũng biết rõ cái công dụng che chở của nó).
Vợ Mityenka và mấy cô em gái của mụ, vẻ mặt hốt hoảng, ló cổ ra ngoài cửa buồng, nơi đặt một chiếc xamova bóng nhoáng và cái giường cao của viên quản lý phủ một tấm chăn lát chả khâu bằng nhiều mảnh ghép lại.
Không để ý đến họ, tiểu bá tước vừa thở hồng hộc vừa nện gót đi qua mặt họ, trở về toà nhà chính.
Bá tước phu nhân, được thị tỳ bẩm báo về việc mới xảy ra bên nhà dọc, một mặt thấy an tâm vì cho rằng như thế chắc từ nay công việc nhà sẽ khá hơn, nhưng một mặt khác lại thấy lo lăng không biết con mình liệu có chịu đựng nổi những chuyện phiền toái ấy không. Có nhiều lần bà bước rón rén đến cửa phòng chàng lắng tai nghe chàng hút hết tẩu thuốc này sang tẩu thuốc khác.
Ngày hôm sau lão bá tước gọi con trai ra một chỗ và mỉm cười lúng túng bảo chàng:
- Con ạ, con nóng nảy như vậy cũng không phải! Mityenka đã nói hết cho ba biết.
"Mình đã biết mà - Nikolai thầm nghĩ - Mình sẽ không hiểu được cái gì trong cái thế giới ngu xuẩn này".
- Con nổi giận vì nó không ghi bảy trăm rúp(1) ấy vào trong sổ.
- Thật ra số tiền ấy có viết ở chỗ sang trang nhưng con không xem trang sau.
- Thưa cha, nó là đồ chó má, đồ ăn cắp, con biết chắc như vậy Dù sao thì con cũng đã trót làm như thế rồi. Nhưng nếu cha không muốn, thì thôi, con sẽ không nói gì với nó nữa.
- Không, anh bạn ạ (Chính bá tước cũng thấy ngượng. Ông cũng thừa biết mình quản lý tài sản của vợ đến nỗi hư hỏng như thế này là có lỗi đối với con cái nhưng không biết nên làm thế nào để cứu vãn tình thế). Không, cha xin con cứ nắm lấy việc nhà, cha già rồi cha…
- Không, cha ạ, cha tha thứ cho con nếu đã làm cha phiển lòng; con ít hiểu biết về công việc hơn cha nhiều.
"Cho về nhà ma hết, nào nông dân, nào tiền bạc, nào những món chuyển sang trang sau! Đặt cửa gấp sáu lần, cái đó thì trước kia đã có lúc ta hiểu được, nhưng chuyển sang trang sau thì chịu không hiểu gì hết".
Chàng tự nhủ và từ đó không nhúng tay vào việc gì nữa. Nhưng có một lần, lão bá tước phu nhân cho gọi chàng và nói rằng bà còn giữ một cái phiếu nợ hai ngàn rúp của bà Anna Mikhailovna và hỏi xem bây giờ chàng định xử lý cái phiếu ấy như thế nào.
- Thế này nhé - Nikolai đáp - Mẹ nói rằng con có quyền quyết định. Con chẳng ưa gì bà Anna Mikhailovna, mà con cũng chẳng ưa gì Boris, nhưng họ là chỗ quen thân với nhà tạ, và họ lại nghèo. Thì đây nên xử lý như thế này đây - nói đoạn chàng xé ngay tờ phiếu ra từng mảnh: điều đó khiến bà cụ khóc nấc lên vì sung sướng. Sau đó, chàng thanh niên Roxtov không nhúng tay vào việc gì nữa mà chỉ chuyên tâm miệt mài vào những cuộc đi săn đuổi(2) một thú tiêu khiền hãy còn mới mẻ đối với chàng, và vẫn được bá tước tiến hành theo quy mô lớn.
Chú thích:
(1) Theo pháp luật thời ấy, của vợ của chồng đều để riêng, chồng không có quyền thừa kế tài sán của vợ, đó là sở hữu của con sau khi vợ chết
(2) Cuộc đi săn nhiều người cưỡi ngựa dùng chó săn để đuổi thú
- Đồ kẻ cướp! Đồ súc sinh bạc nghĩa! Tao sẽ băm thây mày ra như một con chó… Ta không phải như ông cụ đâu… đồ ăn cắp, v.v…
Rồi những người ấy lại không kém phần thích thú nhưng sợ hãi khi thấy tiểu bá tước mắt đỏ gay, hai mắt nổi tia máu, nắm cổ áo Mityenka mà lôi và khéo chọn lúc thuận tiện giữa hai tiếng chửi mà đạp cho y một cái và thúc đầu gối vào phía dưới lưng y, quát lên:
- Cút! Đừng hòng đặt chân vào nhà này nữa, đồ chó!
Mityenka ba chân bốn cẳng lao xuống sáu bậc thềm rồi cắm cổ chạy vào một cái lùm cây. (Lùm cây này là nơi ẩn nấp có tiếng của những dân ở Otradnoye khi có lỗi. Chính Mityenka cũng lẩn quất ở đó mỗi khi ra thành phố uống rượu say rồi về, và có nhiều người dân Otradnoye, cần phải trốn tránh, Mityenka cũng biết rõ cái công dụng che chở của nó).
Vợ Mityenka và mấy cô em gái của mụ, vẻ mặt hốt hoảng, ló cổ ra ngoài cửa buồng, nơi đặt một chiếc xamova bóng nhoáng và cái giường cao của viên quản lý phủ một tấm chăn lát chả khâu bằng nhiều mảnh ghép lại.
Không để ý đến họ, tiểu bá tước vừa thở hồng hộc vừa nện gót đi qua mặt họ, trở về toà nhà chính.
Bá tước phu nhân, được thị tỳ bẩm báo về việc mới xảy ra bên nhà dọc, một mặt thấy an tâm vì cho rằng như thế chắc từ nay công việc nhà sẽ khá hơn, nhưng một mặt khác lại thấy lo lăng không biết con mình liệu có chịu đựng nổi những chuyện phiền toái ấy không. Có nhiều lần bà bước rón rén đến cửa phòng chàng lắng tai nghe chàng hút hết tẩu thuốc này sang tẩu thuốc khác.
Ngày hôm sau lão bá tước gọi con trai ra một chỗ và mỉm cười lúng túng bảo chàng:
- Con ạ, con nóng nảy như vậy cũng không phải! Mityenka đã nói hết cho ba biết.
"Mình đã biết mà - Nikolai thầm nghĩ - Mình sẽ không hiểu được cái gì trong cái thế giới ngu xuẩn này".
- Con nổi giận vì nó không ghi bảy trăm rúp(1) ấy vào trong sổ.
- Thật ra số tiền ấy có viết ở chỗ sang trang nhưng con không xem trang sau.
- Thưa cha, nó là đồ chó má, đồ ăn cắp, con biết chắc như vậy Dù sao thì con cũng đã trót làm như thế rồi. Nhưng nếu cha không muốn, thì thôi, con sẽ không nói gì với nó nữa.
- Không, anh bạn ạ (Chính bá tước cũng thấy ngượng. Ông cũng thừa biết mình quản lý tài sản của vợ đến nỗi hư hỏng như thế này là có lỗi đối với con cái nhưng không biết nên làm thế nào để cứu vãn tình thế). Không, cha xin con cứ nắm lấy việc nhà, cha già rồi cha…
- Không, cha ạ, cha tha thứ cho con nếu đã làm cha phiển lòng; con ít hiểu biết về công việc hơn cha nhiều.
"Cho về nhà ma hết, nào nông dân, nào tiền bạc, nào những món chuyển sang trang sau! Đặt cửa gấp sáu lần, cái đó thì trước kia đã có lúc ta hiểu được, nhưng chuyển sang trang sau thì chịu không hiểu gì hết".
Chàng tự nhủ và từ đó không nhúng tay vào việc gì nữa. Nhưng có một lần, lão bá tước phu nhân cho gọi chàng và nói rằng bà còn giữ một cái phiếu nợ hai ngàn rúp của bà Anna Mikhailovna và hỏi xem bây giờ chàng định xử lý cái phiếu ấy như thế nào.
- Thế này nhé - Nikolai đáp - Mẹ nói rằng con có quyền quyết định. Con chẳng ưa gì bà Anna Mikhailovna, mà con cũng chẳng ưa gì Boris, nhưng họ là chỗ quen thân với nhà tạ, và họ lại nghèo. Thì đây nên xử lý như thế này đây - nói đoạn chàng xé ngay tờ phiếu ra từng mảnh: điều đó khiến bà cụ khóc nấc lên vì sung sướng. Sau đó, chàng thanh niên Roxtov không nhúng tay vào việc gì nữa mà chỉ chuyên tâm miệt mài vào những cuộc đi săn đuổi(2) một thú tiêu khiền hãy còn mới mẻ đối với chàng, và vẫn được bá tước tiến hành theo quy mô lớn.
Chú thích:
(1) Theo pháp luật thời ấy, của vợ của chồng đều để riêng, chồng không có quyền thừa kế tài sán của vợ, đó là sở hữu của con sau khi vợ chết
(2) Cuộc đi săn nhiều người cưỡi ngựa dùng chó săn để đuổi thú
Tác giả :
Leo Tolstoy