Chiến Tranh Và Hòa Bình
Quyển 13 - Chương 12
Kể từ khi Piotr bị bắt cho đến nay đã được bốn tuần lễ. Tuy quân Pháp có đề nghị với chàng sang ở bên nhà lán của sĩ quan, chàng vẫn ở lại gian nhà họ đã giam chàng hồi đầu cùng với những người lính thường.
Ở lại giữa thành Moskva bị tàn phá và thiêu huỷ, Piotr đã trải qua những nỗi thiếu thốn gần như cùng cực mà con người có thể chịu được; nhưng nhờ có sức khoẻ và sức chịu đựng, điều mà trước đây chàng không ngờ tới và nhất là vì những sự thiếu thốn cứ đến dần từng tí một, khiến chàng không thể nói rõ bắt đầu từ lúc nào, cho nên chàng chịu đựng tình cảnh này một cách dễ dàng, thậm chí còn vui vẻ nữa. Và chính trong thời gian này, chàng có được cái tâm trạng thư thái, thoả thuận với bản thân đó, - Nó là điều đã đập mạnh vào tâm trí chàng ở những người lính trên chiến trường Borodino. Chàng đã tìm kiếm nó trong những công việc từ thiện, trong hội Tam điểm, trong cuộc sống phóng túng của giới xã giao, trong rượu, trong một chiến công hy sinh anh dũng, trong mối tình lãng mạn với Natasa, chàng cũng đã tìm tâm trạng đó bằng con đường tư duy, nhưng tất cả những sự tìm kiếm, những mưu toan ấy đều đã phụ lòng mong đợi của chàng.
Thế mà nay, chỉ vì đã trải qua những cơn khủng khiếp trước cái chết, trải qua những nỗi thiếu thốn, trải qua những điều mà chàng đã hiểu được ở Karataiev, chàng đã tìm được sự yên tĩnh trong tâm hồn, sự hài lòng với bản thân, tuy không hề nghĩ đến những điều đó. Những phút kinh hoàng mà chàng đã trải qua trong cuộc hành hình dường như đã vĩnh viễn gạt bỏ khỏi tưởng tượng và ký ức của chàng những ý nghĩ và những cảm giác bứt rứt băn khoăn mà trước kia chàng tưởng là quan trọng. Chàng không hề nghĩ đến nước Nga, đến chiến tranh, đến chính trị hay đến Napoléon. Chàng thấy rõ như một sự thật hiển nhiên là những cái đó đều không dính dáng gì đến chàng, rằng chàng không có phận sự phê phán gì những cái đó cả cho nên không phê phán được, "Nước Nga và mùa hè chẳng phải là bạn bè" - Chàng nhẩm lại lời Karataiev, và lời nói này đem lại cho chàng một sự yên tĩnh lạ lùng. Bấy giờ chàng thấy việc chàng định giết Napoléon và những cuộc tính toán của chàng về con số bùa chú về con vật trong Apocalypxo là kỳ quặc, thậm chí còn lố lăng nữa. Lòng căm giận của chàng đối với vợ và sự lo lắng của chàng về chỗ tên họ của mình sẽ bị nhơ nhuốc, bây giờ chàng thấy nó không những vô nghĩa mà còn ngộ nghĩnh nữa. Người đàn bà ấy đang ở tận đâu đâu, sống cuộc đời mà người ấy ưa thích, thì điều đó có quan hệ gì đến chàng? Bọn Pháp biết hay không biết rằng tù binh của họ là bá tước Bezukhov thì cái đó có quan hệ đến ai, nhất là đến chàng?
Chàng thường nhớ lại buổi nói chuyện với công tước Andrey và hoàn toàn đồng ý với bạn, nhưng chàng hiểu ý công tước Andrey khác đi một chút. Công tước Andrey nghĩ và nói rằng hạnh phúc chỉ có thể là tiêu cực, nhưng công tước Andrey nói như vậy với một sắc thái chua chát và mỉa mai, tựa hồ trong khi nói như vậy lại muốn phát biểu ra một ý khác - là tất cả những khát vọng vươn tới hạnh phúc thực vốn có trong chúng ta đều chỉ cốt để cho chúng ta phải day dứt vì không được thoả mãn. Chính Piotr thừa nhận điều đó là đúng không mảy may dè đặt. Không đau khổ, thoả mãn được các nhu cầu sơ dẳng của sự thống nhất và được tự do lựa chọn công việc làm tức là lựa chọn cách sống đó là hạnh phúc cao nhất của con người; bây giờ Piotr đã thấy rõ như vậy, chẳng còn nghi ngờ gì nữa.
Ở đây mãi đến bây giờ, lần đầu tiên Piotr mới hiểu hết giá trị của cái thú được ăn khi đói; được uống khi khát, được ngủ khi buồn ngủ, được sưởi khi lạnh, được nói chuyện với một con người khi cần nói và khi cần nghe tiếng nói của con người. Thoả mãn các nhu cầu ăn cho ngon, ở cho sạch, sống cho tự do - bây giờ Piotr phải thiếu tất cả những thứ ấy nên chàng thấy đó là hạnh phúc trọn vẹn, còn việc được lựa chọn việc làm, tức là được sống thì nay bị hạn chế lại và do đó, trở thành một việc đã dễ dàng quá, đến nỗi chàng thường quên rằng mọi cuộc sống quá phong lưu đến thủ tiêu hết cái hạnh phúc thoả mãn cái nhu cầu, cái tự do lựa chọn việc làm, cái tự do lớn mà học thức, của cải, địa vị xã hội đã cấp cho chàng, chính cái tự do đó khiến cho việc lựa chọn việc làm trở nên khó khăn đến nỗi không sao giải quyết được, và thủ tiêu cả nhu cầu lẫn khả năng làm việc.
Tất cả những ước mơ của Piotr bây giờ đều hướng tới khi chàng sẽ được tự do. Thế nhưng về sau Piotr suốt đời sẽ nghĩ và nói một cách hân hoan đến cái tháng bị cầm tù này, đến những cảm giác mạnh mẽ và vui mừng không bao giờ trở còn lại, và nhất là đến cái tâm trạng hoàn toàn thư thái và tự do mà chỉ có thời gian ấy chàng mới được cảm thấy.
Sáng hôm đầu tiên, khi chàng thức dậy từ sớm tinh mơ bước ra ngoài nhà lán và trông thấy những chiếc mái vòm tối sẫm, những cây thập tự của tu viện Novedevichi, trông thấy những ngọn đồi Chim sẻ và dải bờ có rừng rậm uốn quaoh co trên sông và khuất dần trong cõi xa xăm phủ một làn sương tim tím, khi chàng cảm thấy làn không khí mát lạnh mơn man trên da thịt và nghe những tiếng vỗ cánh của những con quạ từ Moskva băng qua đồng tới đây, rồi sau đó, khi chân trời phía dông bỗng loé sáng lên, rồi vành trên của mặt trời trang trọng nhô lên khỏi đám mây, và chiếc mái vòm, những cây thập tự, những hạt sương, chân trời, dòng sông đều lung linh dưới làn ánh sáng vui tươi, Piotr có một cảm giác mát mẻ mà chàng chưa hề biết, cảm giác vui mừng và khoẻ mạnh của cuộc sống.
Và cảm giác này không những không lúc nào rời chàng trong suốt thời gian bị cầm tù, mà trái lại, tình cảnh của chàng càng khó khăn thì cảm giác đó lại càng mạnh mẽ.
Cái cảm giác sẵn sàng chờ đón tất cả ấy, cái cảm giác khiến người ta thấy sức mạnh tinh thần của mình được gom góp lại ấy lại càng được củng cố thêm trong lòng Piotr nhờ lòng kính phục của các bạn cầm tù đối với chàng ngay từ khi chàng đến gian nhà lán này, Piotr biết nhiều ngoại ngữ, quân lính Pháp rất kính nể chàng, ai xin gì chàng cũng cho một cách dễ dãi và giản dị (theo tiêu chuẩn của sĩ quan mỗi ngày chàng được cấp ba rúp), chàng có một sức mạnh phi thường, mà các binh sĩ đã từng được thấy rõ khi chàng dùng tay không ấn những cái đinh vào vách nhà lán, chàng đối xử rất hiền từ với các bạn, chàng có cái khả năng mà họ không sao hiểu nổi là có thể ngồi im hàng giờ không làm gì cả để suy nghĩ; những điều đó khiến cho binh sĩ thấy chàng là một con người siêu việt và có phần nào bí ẩn. Chính những đức tính của chàng mà trước kia, trong xã hội thượng lưu, nếu không phải là có hại thì cũng khiến chàng thấy là vướng víu; sức mạnh, thái độ coi thường những tiện nghi sinh hoạt, tính đãng trí, tính giản dị - thì ở đây, giữa những con người này, đã đưa lại cho chàng một địa vị gần như địa vị một bậc anh hùng. Và Piotr cảm thấy lòng kính nể đó đòi hỏi chàng phải đáp ứng lại cho xứng đáng.
Ở lại giữa thành Moskva bị tàn phá và thiêu huỷ, Piotr đã trải qua những nỗi thiếu thốn gần như cùng cực mà con người có thể chịu được; nhưng nhờ có sức khoẻ và sức chịu đựng, điều mà trước đây chàng không ngờ tới và nhất là vì những sự thiếu thốn cứ đến dần từng tí một, khiến chàng không thể nói rõ bắt đầu từ lúc nào, cho nên chàng chịu đựng tình cảnh này một cách dễ dàng, thậm chí còn vui vẻ nữa. Và chính trong thời gian này, chàng có được cái tâm trạng thư thái, thoả thuận với bản thân đó, - Nó là điều đã đập mạnh vào tâm trí chàng ở những người lính trên chiến trường Borodino. Chàng đã tìm kiếm nó trong những công việc từ thiện, trong hội Tam điểm, trong cuộc sống phóng túng của giới xã giao, trong rượu, trong một chiến công hy sinh anh dũng, trong mối tình lãng mạn với Natasa, chàng cũng đã tìm tâm trạng đó bằng con đường tư duy, nhưng tất cả những sự tìm kiếm, những mưu toan ấy đều đã phụ lòng mong đợi của chàng.
Thế mà nay, chỉ vì đã trải qua những cơn khủng khiếp trước cái chết, trải qua những nỗi thiếu thốn, trải qua những điều mà chàng đã hiểu được ở Karataiev, chàng đã tìm được sự yên tĩnh trong tâm hồn, sự hài lòng với bản thân, tuy không hề nghĩ đến những điều đó. Những phút kinh hoàng mà chàng đã trải qua trong cuộc hành hình dường như đã vĩnh viễn gạt bỏ khỏi tưởng tượng và ký ức của chàng những ý nghĩ và những cảm giác bứt rứt băn khoăn mà trước kia chàng tưởng là quan trọng. Chàng không hề nghĩ đến nước Nga, đến chiến tranh, đến chính trị hay đến Napoléon. Chàng thấy rõ như một sự thật hiển nhiên là những cái đó đều không dính dáng gì đến chàng, rằng chàng không có phận sự phê phán gì những cái đó cả cho nên không phê phán được, "Nước Nga và mùa hè chẳng phải là bạn bè" - Chàng nhẩm lại lời Karataiev, và lời nói này đem lại cho chàng một sự yên tĩnh lạ lùng. Bấy giờ chàng thấy việc chàng định giết Napoléon và những cuộc tính toán của chàng về con số bùa chú về con vật trong Apocalypxo là kỳ quặc, thậm chí còn lố lăng nữa. Lòng căm giận của chàng đối với vợ và sự lo lắng của chàng về chỗ tên họ của mình sẽ bị nhơ nhuốc, bây giờ chàng thấy nó không những vô nghĩa mà còn ngộ nghĩnh nữa. Người đàn bà ấy đang ở tận đâu đâu, sống cuộc đời mà người ấy ưa thích, thì điều đó có quan hệ gì đến chàng? Bọn Pháp biết hay không biết rằng tù binh của họ là bá tước Bezukhov thì cái đó có quan hệ đến ai, nhất là đến chàng?
Chàng thường nhớ lại buổi nói chuyện với công tước Andrey và hoàn toàn đồng ý với bạn, nhưng chàng hiểu ý công tước Andrey khác đi một chút. Công tước Andrey nghĩ và nói rằng hạnh phúc chỉ có thể là tiêu cực, nhưng công tước Andrey nói như vậy với một sắc thái chua chát và mỉa mai, tựa hồ trong khi nói như vậy lại muốn phát biểu ra một ý khác - là tất cả những khát vọng vươn tới hạnh phúc thực vốn có trong chúng ta đều chỉ cốt để cho chúng ta phải day dứt vì không được thoả mãn. Chính Piotr thừa nhận điều đó là đúng không mảy may dè đặt. Không đau khổ, thoả mãn được các nhu cầu sơ dẳng của sự thống nhất và được tự do lựa chọn công việc làm tức là lựa chọn cách sống đó là hạnh phúc cao nhất của con người; bây giờ Piotr đã thấy rõ như vậy, chẳng còn nghi ngờ gì nữa.
Ở đây mãi đến bây giờ, lần đầu tiên Piotr mới hiểu hết giá trị của cái thú được ăn khi đói; được uống khi khát, được ngủ khi buồn ngủ, được sưởi khi lạnh, được nói chuyện với một con người khi cần nói và khi cần nghe tiếng nói của con người. Thoả mãn các nhu cầu ăn cho ngon, ở cho sạch, sống cho tự do - bây giờ Piotr phải thiếu tất cả những thứ ấy nên chàng thấy đó là hạnh phúc trọn vẹn, còn việc được lựa chọn việc làm, tức là được sống thì nay bị hạn chế lại và do đó, trở thành một việc đã dễ dàng quá, đến nỗi chàng thường quên rằng mọi cuộc sống quá phong lưu đến thủ tiêu hết cái hạnh phúc thoả mãn cái nhu cầu, cái tự do lựa chọn việc làm, cái tự do lớn mà học thức, của cải, địa vị xã hội đã cấp cho chàng, chính cái tự do đó khiến cho việc lựa chọn việc làm trở nên khó khăn đến nỗi không sao giải quyết được, và thủ tiêu cả nhu cầu lẫn khả năng làm việc.
Tất cả những ước mơ của Piotr bây giờ đều hướng tới khi chàng sẽ được tự do. Thế nhưng về sau Piotr suốt đời sẽ nghĩ và nói một cách hân hoan đến cái tháng bị cầm tù này, đến những cảm giác mạnh mẽ và vui mừng không bao giờ trở còn lại, và nhất là đến cái tâm trạng hoàn toàn thư thái và tự do mà chỉ có thời gian ấy chàng mới được cảm thấy.
Sáng hôm đầu tiên, khi chàng thức dậy từ sớm tinh mơ bước ra ngoài nhà lán và trông thấy những chiếc mái vòm tối sẫm, những cây thập tự của tu viện Novedevichi, trông thấy những ngọn đồi Chim sẻ và dải bờ có rừng rậm uốn quaoh co trên sông và khuất dần trong cõi xa xăm phủ một làn sương tim tím, khi chàng cảm thấy làn không khí mát lạnh mơn man trên da thịt và nghe những tiếng vỗ cánh của những con quạ từ Moskva băng qua đồng tới đây, rồi sau đó, khi chân trời phía dông bỗng loé sáng lên, rồi vành trên của mặt trời trang trọng nhô lên khỏi đám mây, và chiếc mái vòm, những cây thập tự, những hạt sương, chân trời, dòng sông đều lung linh dưới làn ánh sáng vui tươi, Piotr có một cảm giác mát mẻ mà chàng chưa hề biết, cảm giác vui mừng và khoẻ mạnh của cuộc sống.
Và cảm giác này không những không lúc nào rời chàng trong suốt thời gian bị cầm tù, mà trái lại, tình cảnh của chàng càng khó khăn thì cảm giác đó lại càng mạnh mẽ.
Cái cảm giác sẵn sàng chờ đón tất cả ấy, cái cảm giác khiến người ta thấy sức mạnh tinh thần của mình được gom góp lại ấy lại càng được củng cố thêm trong lòng Piotr nhờ lòng kính phục của các bạn cầm tù đối với chàng ngay từ khi chàng đến gian nhà lán này, Piotr biết nhiều ngoại ngữ, quân lính Pháp rất kính nể chàng, ai xin gì chàng cũng cho một cách dễ dãi và giản dị (theo tiêu chuẩn của sĩ quan mỗi ngày chàng được cấp ba rúp), chàng có một sức mạnh phi thường, mà các binh sĩ đã từng được thấy rõ khi chàng dùng tay không ấn những cái đinh vào vách nhà lán, chàng đối xử rất hiền từ với các bạn, chàng có cái khả năng mà họ không sao hiểu nổi là có thể ngồi im hàng giờ không làm gì cả để suy nghĩ; những điều đó khiến cho binh sĩ thấy chàng là một con người siêu việt và có phần nào bí ẩn. Chính những đức tính của chàng mà trước kia, trong xã hội thượng lưu, nếu không phải là có hại thì cũng khiến chàng thấy là vướng víu; sức mạnh, thái độ coi thường những tiện nghi sinh hoạt, tính đãng trí, tính giản dị - thì ở đây, giữa những con người này, đã đưa lại cho chàng một địa vị gần như địa vị một bậc anh hùng. Và Piotr cảm thấy lòng kính nể đó đòi hỏi chàng phải đáp ứng lại cho xứng đáng.
Tác giả :
Leo Tolstoy