Anna Karenina
Quyển 5 - Chương 24
Khi Alecxei Alecxandrovich bước vào tư thất lộng lẫy của Lidia Ivanovna, trang trí đầy chân dung và đồ sứ cổ, nữ chủ nhân vẫn chưa có mặt tại đó.
Bà đang thay quần áo.
Bộ đồ trà Trung Quốc và chiếc ấm đun bằng bạc đặt trên bàn tròn phủ khăn. Alecxei Alecxandrovich lơ đãng nhìn những chân dung quen thuộc treo nhan nhản trong tư thất và ngồi xuống cạnh bàn, mở quyển Kinh Phúc âm đặt ở đó. Tiếng áo lụa sột soạt của nữ bá tước làm ông chuyển hướng chú ý.
- Thế! Bây giờ, ta có thể yên tĩnh được rồi, - nữ bá tước Lidia Ivanovna vừa nói vừa lướt qua giữa bàn và đi văng với một nụ cười xúc động, - ta sẽ vừa uống trà vừa nói chuyện một lát.
Sau vài câu mào đầu, nữ bá tước Lidia Ivanovna đỏ mặt lên thở hổn hển đưa cho Alecxei Alecxandrovich bức thư vừa nhận được. Đọc xong thư, ông nín lặng hồi lâu.
- Tôi thấy mình không có quyền từ chối cô ta việc này, - ông ngước mắt rụt rè nói.
- Ông bạn ơi, ông chẳng nhìn thấy sự xấu xa ở đâu cả!
- Trái lại, tôi nhìn thấy nó ở khắp mọi nơi. Nhưng như thế liệu có đúng không khi mà…?
Bộ mặt ông lộ vẻ lưỡng lự và mong muốn một lời khuyên, một sự nâng đỡ, một chỉ dẫn đối với một vấn đề ông không hiểu gì cả.
- Không, - nữ bá tước Lidia Ivanovna ngắt lời ông. - Cái gì cũng có giới hạn. Tôi hiểu được sự vô luân vô đạo, - bà nói, không phải hoàn toàn thành thực, vì bà chẳng bao giờ hiểu nổi cái gì đẩy người đàn bà đến chỗ vi phạm quy tắc đạo đức, - nhưng tôi không hiểu nổi sự tàn ác, mà tàn ác đối với ai kia chứ? Đối với ông! Làm sao cô ta nỡ lưu lại ở thành phố này, nơi ông đang sống! À! Phải, ở vào tuổi nào, cũng có thể học cho sáng mắt ra được. Tôi đây, tôi đã học vỡ ra, hiểu được tâm hồn cao thượng của ông và sự đê tiện của cô ta.
- Ai lại cạn tàu ráo máng thế được? - Alecxei Alecxandrovich nói, hài lòng ra mặt về vai trò của mình. - Tôi đã tha thứ tất cả, tôi không thể tước đoạt cái điều vốn là nhu cầu của trái tim cô ta: tình mẫu tử…
- Ông bạn ơi, nhưng đó có phải là tình mẫu tử không kia chứ? Nó có thành thực không? Cứ cho rằng trước đây ông đã tha thứ và nay ông vẫn còn tha thứ… Nhưng liệu ta có quyền làm ảnh hưởng đến tâm hồn chú tiên đồng đó không chứ? Nó đã tin là cô ta chết rồi. Nó cầu nguyện cho cô ta và cầu Chúa tha thứ mọi tội lỗi cho cô ta… như thế tốt hơn. Bây giờ, nó sẽ nghĩ thế nào?
- Tôi không nghĩ tới điều đó, - Alecxei Alecxandrovich nói, rõ ràng tỏ vẻ đồng ý.
Nữ bá tước Lidia Ivanovna lấy hai tay che mặt và nín lặng. Bà cầu nguyện.
- Nếu ông hỏi ý kiến tôi, - bà nói sau khi cầu nguyện xong và không che mặt nữa, - tôi xin khuyên ông không nên làm như vậy. Ông tưởng tôi không thấy ông đau khổ, không thấy việc này đã khơi lại tất cả vết thương của ông hay sao? Nhưng cứ giả dụ ông vẫn quên mình như xưa nay vậy. Cái đó sẽ dẫn ông đến đâu? Đến những đau khổ mới, và đến những day dứt thực sự cho con ông. Nếu thực cô ta còn chút lòng nhân đạo, thì đừng nên mong muốn như vậy. Không, tôi không chút do dự khuyên ông đừng làm như vậy và nếu ông cho phép, tôi sẽ viết thư cho cô ta.
Alecxei Alecxandrovich đồng ý và nữ bá tước Lidia Ivanovna liền viết bức thư sau đây bằng tiếng Pháp:
"Thưa bà. "Hồi ức về bà có thể khiến con trai bà đặt ra những câu hỏi không thể giải đáp mà không gieo vào đầu óc đứa bé ý muốn lên án những cái lẽ ra phải là thiêng liêng với nó. Cho nên tôi xin bà hiểu cho sự từ chối của ông nhà với tinh thần từ thiện Cơ đốc giáo. Tôi cầu xin Đấng Chí Cao rủ lòng từ bi đối với bà.
Nữ bá tước Lidia".
Bức thư đã đạt được cái mục đích thầm kín mà nữ bá tước Lidia Ivanovna vẫn tự giấu cả bản thân mình: nó làm cho Anna đau đớn tận đáy lòng.
Về phía Alecxei Alecxandrovich, sau khi ở nhà Lidia Ivannovna về, trong ngày hôm đó ông cũng không bắt tay làm công việc bình thường được và cũng không tìm lại được sự yên tĩnh tâm hồn của kẻ mộ đạo đã siêu thoát, như ông thường thấy trước đây.
Nhớ đến người vợ tội lỗi, mà, theo lời nữ bá tước, ông đã cư xử với cô ta như bậc thánh nhân, lẽ ra ông không việc gì phải bối rối, nhưng vẫn thấy không yên tâm; ông đọc sách mà không hiểu gì, ông không thể gạt bỏ những kỉ niệm day dứt về quan hệ vợ chồng xưa kia, về những sai lầm mà giờ đây ông thấy hình như mình đã mắc phải. Nhớ lại cách tiếp nhận lời thú tội phụ bạc của vợ khi ở trường đua ngựa trở về (chỉ yêu cầu nàng giữ thể diện mà không thách Vronxki đấu súng), ông day dứt chẳng khác gì đang ăn năn hối hận. Ông cũng đau khổ khi nghĩ tới bức thư đã viết cho vợ, tới sự tha thứ chẳng ai cần đến, tới việc chăm sóc đứa trẻ không phải con ông: mọi cái đó làm ông bừng bừng hổ thẹn và hối tiếc.
Và giờ đây, điểm lại tất cả quá khứ sống với vợ, hồi tưởng tới lời nói vụng về lúc đi cầu hôn sau thời gian dài do dự, ông cũng cảm thấy xấu hổ và hối hận như vậy.
"Nhưng ta có lỗi gì kia chứ", ông tự hỏi. Câu hỏi đó bao giờ cũng kéo theo một câu hỏi khác: "Tất cả những kẻ khác, những Vronxki, những Oblonxki… những quan thị vệ có bắp chân to béo, họ cảm nghĩ, yêu đương, kết hôn có khác ta không?". Và ông nhớ tới cả loạt người khoẻ mạnh, béo tốt và tự tin đó, bất kì lúc nào và ở đâu cũng thu hút sự chú ý của ông. Ông gạt bỏ ý nghĩ đó và cố tự thuyết phục rằng mình sống không phải vì cuộc đời phù du nơi hạ giới này, mà vì cuộc đời vĩnh viễn, rằng lòng yêu thương cùng sự yên tĩnh vẫn ngự trong tâm hồn ông. Nhưng một vài sai lầm, theo ông không đáng kể, mắc phải trong cuộc đời phù du và đáng khinh miệt này, lại dằn vặt ông đến nỗi tưởng như không hề có sự cứu độ linh hồn vĩnh cửu ông hằng tin tưởng. Sự cám dỗ đó không kéo dài và sau đó, tâm hồn Alecxei Alecxandrovich trở lại bình tĩnh và lâng lâng, khiến ông có thể quên cái điều ông không muốn nhớ tới.
Bà đang thay quần áo.
Bộ đồ trà Trung Quốc và chiếc ấm đun bằng bạc đặt trên bàn tròn phủ khăn. Alecxei Alecxandrovich lơ đãng nhìn những chân dung quen thuộc treo nhan nhản trong tư thất và ngồi xuống cạnh bàn, mở quyển Kinh Phúc âm đặt ở đó. Tiếng áo lụa sột soạt của nữ bá tước làm ông chuyển hướng chú ý.
- Thế! Bây giờ, ta có thể yên tĩnh được rồi, - nữ bá tước Lidia Ivanovna vừa nói vừa lướt qua giữa bàn và đi văng với một nụ cười xúc động, - ta sẽ vừa uống trà vừa nói chuyện một lát.
Sau vài câu mào đầu, nữ bá tước Lidia Ivanovna đỏ mặt lên thở hổn hển đưa cho Alecxei Alecxandrovich bức thư vừa nhận được. Đọc xong thư, ông nín lặng hồi lâu.
- Tôi thấy mình không có quyền từ chối cô ta việc này, - ông ngước mắt rụt rè nói.
- Ông bạn ơi, ông chẳng nhìn thấy sự xấu xa ở đâu cả!
- Trái lại, tôi nhìn thấy nó ở khắp mọi nơi. Nhưng như thế liệu có đúng không khi mà…?
Bộ mặt ông lộ vẻ lưỡng lự và mong muốn một lời khuyên, một sự nâng đỡ, một chỉ dẫn đối với một vấn đề ông không hiểu gì cả.
- Không, - nữ bá tước Lidia Ivanovna ngắt lời ông. - Cái gì cũng có giới hạn. Tôi hiểu được sự vô luân vô đạo, - bà nói, không phải hoàn toàn thành thực, vì bà chẳng bao giờ hiểu nổi cái gì đẩy người đàn bà đến chỗ vi phạm quy tắc đạo đức, - nhưng tôi không hiểu nổi sự tàn ác, mà tàn ác đối với ai kia chứ? Đối với ông! Làm sao cô ta nỡ lưu lại ở thành phố này, nơi ông đang sống! À! Phải, ở vào tuổi nào, cũng có thể học cho sáng mắt ra được. Tôi đây, tôi đã học vỡ ra, hiểu được tâm hồn cao thượng của ông và sự đê tiện của cô ta.
- Ai lại cạn tàu ráo máng thế được? - Alecxei Alecxandrovich nói, hài lòng ra mặt về vai trò của mình. - Tôi đã tha thứ tất cả, tôi không thể tước đoạt cái điều vốn là nhu cầu của trái tim cô ta: tình mẫu tử…
- Ông bạn ơi, nhưng đó có phải là tình mẫu tử không kia chứ? Nó có thành thực không? Cứ cho rằng trước đây ông đã tha thứ và nay ông vẫn còn tha thứ… Nhưng liệu ta có quyền làm ảnh hưởng đến tâm hồn chú tiên đồng đó không chứ? Nó đã tin là cô ta chết rồi. Nó cầu nguyện cho cô ta và cầu Chúa tha thứ mọi tội lỗi cho cô ta… như thế tốt hơn. Bây giờ, nó sẽ nghĩ thế nào?
- Tôi không nghĩ tới điều đó, - Alecxei Alecxandrovich nói, rõ ràng tỏ vẻ đồng ý.
Nữ bá tước Lidia Ivanovna lấy hai tay che mặt và nín lặng. Bà cầu nguyện.
- Nếu ông hỏi ý kiến tôi, - bà nói sau khi cầu nguyện xong và không che mặt nữa, - tôi xin khuyên ông không nên làm như vậy. Ông tưởng tôi không thấy ông đau khổ, không thấy việc này đã khơi lại tất cả vết thương của ông hay sao? Nhưng cứ giả dụ ông vẫn quên mình như xưa nay vậy. Cái đó sẽ dẫn ông đến đâu? Đến những đau khổ mới, và đến những day dứt thực sự cho con ông. Nếu thực cô ta còn chút lòng nhân đạo, thì đừng nên mong muốn như vậy. Không, tôi không chút do dự khuyên ông đừng làm như vậy và nếu ông cho phép, tôi sẽ viết thư cho cô ta.
Alecxei Alecxandrovich đồng ý và nữ bá tước Lidia Ivanovna liền viết bức thư sau đây bằng tiếng Pháp:
"Thưa bà. "Hồi ức về bà có thể khiến con trai bà đặt ra những câu hỏi không thể giải đáp mà không gieo vào đầu óc đứa bé ý muốn lên án những cái lẽ ra phải là thiêng liêng với nó. Cho nên tôi xin bà hiểu cho sự từ chối của ông nhà với tinh thần từ thiện Cơ đốc giáo. Tôi cầu xin Đấng Chí Cao rủ lòng từ bi đối với bà.
Nữ bá tước Lidia".
Bức thư đã đạt được cái mục đích thầm kín mà nữ bá tước Lidia Ivanovna vẫn tự giấu cả bản thân mình: nó làm cho Anna đau đớn tận đáy lòng.
Về phía Alecxei Alecxandrovich, sau khi ở nhà Lidia Ivannovna về, trong ngày hôm đó ông cũng không bắt tay làm công việc bình thường được và cũng không tìm lại được sự yên tĩnh tâm hồn của kẻ mộ đạo đã siêu thoát, như ông thường thấy trước đây.
Nhớ đến người vợ tội lỗi, mà, theo lời nữ bá tước, ông đã cư xử với cô ta như bậc thánh nhân, lẽ ra ông không việc gì phải bối rối, nhưng vẫn thấy không yên tâm; ông đọc sách mà không hiểu gì, ông không thể gạt bỏ những kỉ niệm day dứt về quan hệ vợ chồng xưa kia, về những sai lầm mà giờ đây ông thấy hình như mình đã mắc phải. Nhớ lại cách tiếp nhận lời thú tội phụ bạc của vợ khi ở trường đua ngựa trở về (chỉ yêu cầu nàng giữ thể diện mà không thách Vronxki đấu súng), ông day dứt chẳng khác gì đang ăn năn hối hận. Ông cũng đau khổ khi nghĩ tới bức thư đã viết cho vợ, tới sự tha thứ chẳng ai cần đến, tới việc chăm sóc đứa trẻ không phải con ông: mọi cái đó làm ông bừng bừng hổ thẹn và hối tiếc.
Và giờ đây, điểm lại tất cả quá khứ sống với vợ, hồi tưởng tới lời nói vụng về lúc đi cầu hôn sau thời gian dài do dự, ông cũng cảm thấy xấu hổ và hối hận như vậy.
"Nhưng ta có lỗi gì kia chứ", ông tự hỏi. Câu hỏi đó bao giờ cũng kéo theo một câu hỏi khác: "Tất cả những kẻ khác, những Vronxki, những Oblonxki… những quan thị vệ có bắp chân to béo, họ cảm nghĩ, yêu đương, kết hôn có khác ta không?". Và ông nhớ tới cả loạt người khoẻ mạnh, béo tốt và tự tin đó, bất kì lúc nào và ở đâu cũng thu hút sự chú ý của ông. Ông gạt bỏ ý nghĩ đó và cố tự thuyết phục rằng mình sống không phải vì cuộc đời phù du nơi hạ giới này, mà vì cuộc đời vĩnh viễn, rằng lòng yêu thương cùng sự yên tĩnh vẫn ngự trong tâm hồn ông. Nhưng một vài sai lầm, theo ông không đáng kể, mắc phải trong cuộc đời phù du và đáng khinh miệt này, lại dằn vặt ông đến nỗi tưởng như không hề có sự cứu độ linh hồn vĩnh cửu ông hằng tin tưởng. Sự cám dỗ đó không kéo dài và sau đó, tâm hồn Alecxei Alecxandrovich trở lại bình tĩnh và lâng lâng, khiến ông có thể quên cái điều ông không muốn nhớ tới.
Tác giả :
Leo Tolstoy