Anna Karenina
Quyển 2 - Chương 8
Alecxei Alecxandrovitr không thấy có gì là kỳ lạ hoặc chướng mắt trong việc vợ mình ngồi riêng ra một chỗ và chuyện trò sôi nổi với Vronxki, nhưng ông nhận thấy cái đó có vẻ kỳ lạ và chướng mắt đối với các vị khách khác, và do đó ông thấy phải coi nó là chướng mắt.
Ông định sẽ nói chuyện đó với vợ.
Trở về nhà, Alecxei Alecxandrovitr vào phòng làm việc như thường lệ, ngồi xuống ghế bành, mở quyển sách bàn về cựu giáo La Mã ở chỗ có đánh dấu bằng con dao rọc giấy, và, theo thói quen, đọc cho tới một giờ sáng. Thỉnh thoảng, ông lại đưa tay lên trán và lắc đầu, như muốn xua đuổi một ý nghĩ khó chịu. Đến giờ đã định như thường lệ, ông đứng dậy và đi rửa ráy trước khi ngủ. Anna Arcadievna vẫn chưa về. Ông cắp sách lên gác; nhưng tối đó, những ý nghĩ bình thường và những lo lắng về công việc đã nhường chỗ cho ý nghĩ về vợ và sự kiện khó chịu vừa xảy ra. Trái với thói quen, ông không đi nằm mà chắp tay sau lưng đi đi lại lại trong phòng.
Ông không thể nằm được vì thấy mình trước hết phải xem xét mọi mặt của sự việc vừa xảy ra.
Khi Alecxei Alecxandrovitr quyết định sẽ nói chuyện với vợ, ông thấy việc đó có vẻ rất dễ dàng và đơn giản; nhưng bây giờ, khi đã suy nghĩ kỹ về sự việc xảy ra, ông lại thấy rất khó khăn và phức tạp.
Alecxei Alecxandrovitr không cả ghen. Theo ông, ghen tuông là nhục nhã cho vợ và phải tin nàng. Tại sao lại phải tin, hay nói khác đi, phải đinh ninh trong dạ là người vợ trẻ bao giờ cũng yêu mình, cái đó thì ông không hề tự hỏi; nhưng ông không lo ngại vì ông vẫn tin vợ và tự nhủ là mình đúng. Nhưng giờ đây, mặc dầu vẫn đinh ninh ghen tuông là thứ tình cảm nhục nhã và phải có lòng tin, ông vẫn cảm thấy mình đang đứng trước một hoàn cảnh éo le và vô lý, và không biết làm thế nào cả. Alecxei Alecxandrovitr đang đối mặt với cuộc đời, đứng trước cái khả năng là vợ mình có thể yêu một nhưng người không phải là mình, ông thấy điều đó thật vô lý và không sao hiểu nổi chính vì đó là bản thân cuộc đời. Alecxei Alecxandrovitr xưa nay chỉ sống và làm việc trong thế giới hành chính vốn chỉ tiếp xúc với cái ánh phản quang của cuộc đời thôi. Mỗi lần chạm trán với chính cuộc đời thực, ông lại lảng tránh xa. Hôm nay, ông có cảm giác tương tự như người đang yên trí đi trên cầu qua vực thẳm, bỗng nhiên phát hiện ra cầu đã hư nát và dưới chân hiện ra cái vực thẳm đó. Cái vực, đó chính là cuộc đời thực, còn chiếc cầu, đó là cuộc đời giả tạo mà Alecxei Alecxandrovitr đã sống. Lần đầu, ông thoáng thấy hé ra cái khả năng vợ mình có thể phải lòng một người đàn ông khác và lấy làm kinh hãi.
Ông vẫn mặc nguyên quần áo, đều bước đi đi lại lại nện gót trên sàn gỗ phòng ăn với ngọn đèn duy nhất chiếu sáng trên tấm thảm của phòng khách mờ tối chỉ có chút ánh sáng phản chiếu lên bức chân dung ông, mới hoàn thành, treo phía trên chiếc đi văng, và đi vào buồng vợ có hai cây nến đang cháy, soi sáng các bức chân dung họ hàng, bè bạn nàng và các đồ trang trí nhỏ đẹp đẽ, quen thuộc trên bàn. Từ phòng Anna, ông đến cửa phòng ngủ rồi lại quay gót.
Trong khi dạo bước, nhất là ở chỗ sàn gỗ phòng ăn sáng sủa, ông thường dừng lại và tự nhủ: "Phải, nhất thiết cần có thái độ dứt khoát, nói cho nàng biết cách nhìn nhận và quyết định của mình". Và ông bước trở lại. "Nhưng nói với nàng thế nào? Quyết định cái gì?" Ông thầm hỏi khi ở phòng khách mà không tìm ra câu trả lời. "Rút cuộc, đã có chuyện gì xảy ra kia chứ?" Ông tự hỏi trước khi quay lại buồng Anna. "Chẳng có gì cả. Nàng đã nói chuyện lâu với y. Thế thì đã sao?
Trong xã hội thượng lưu, thiếu gì người mà một phụ nữ có thể chuyện trò được! Với lại, ghen tuông thì sẽ nhục nhã cho cả vợ lẫn chồng".
Nhưng lý luận đó xưa kia đối với ông vững vàng bao nhiêu thì nay hình như lại vô giá trị. Và ông quay ra cửa phòng ngủ để trở lại phòng ăn; nhưng khi vào đến phòng khách mờ tối, một tiếng nói lại bảo ông là sự việc không phải như thế, và nếu người ta đã có nhận xét này nọ tức là có cái gì đó đã xảy ra. Và đến phòng ăn ông lại tự nhắc lại: "Phải, nhất thiết cần có thái độ dứt khoát, cần có một quyết định và nói cho vợ biết cách nhìn nhận của mình...". Rồi một lần nữa, trong phòng khách, trước khi quay gót, ông lại tự hỏi: "Quyết định cái gì?". Và: "Cái gì đã xảy ra?". Rồi trả lời: "Chẳng có gì cả", và tự nhắc lại ghen tuông là thứ tình cảm nhục nhã cho vợ, nhưng khi đến phòng khách, ông lại thấy tái hiện ý nghĩ tin chắc là một cái gì đó đã xảy ra. Tư tưởng cũng như thân thể ông, chạy suốt một vòng mà không hề bắt gặp cái gì mới mẻ. Ông nhận thấy thế, đưa tay lên trán và ngồi xuống ở buồng Anna.
Ngồi đó, nhìn bàn giấy của vợ, cái bàn thẩm bằng cẩm thạch, một bức thư mới viết đoạn đầu, tư tưởng ông đột nhiên lại xoay theo chiều khác. Ông liền nghĩ đến vợ, đến việc nàng cũng biết suy nghĩ và cảm xúc. Lần đầu tiên, ông hình dung nàng với cuộc đời riêng tư cùng những tư tưởng, ước muốn, và cái ý nghĩ là vợ có thể và cần có một cuộc đời riêng trở nên khủng khiếp đến nỗi ông vội gạt ngay nó đi. Đó chính là cái vực mà ông sợ không dám phóng mắt nhìn xuống. Tự hóa thân bằng tư tưởng và tình cảm vào người khác là một vận động tinh thần xa lạ với Alecxei Alecxandrovitr. Ông cho rằng sự vận động tinh thần đó có hại, nguy hiểm và hư ảo.
Ông nghĩ: "Điều kinh khủng nhất là nỗi lo ngại vô lý đó lại sập xuống đầu ta giữa lúc công trình của ta sắp đến kỳ hạn phải hoàn thành (ông nghĩ tới một dự luật mà ông muốn được thông qua) giữa lúc ta đang cần hoàn toàn tĩnh tâm và tập trung toàn bộ nghị lực. Nhưng biết làm thế nào? Ta không phải hạng người chịu đựng lo lắng hoang mang mà không đủ sức nhìn thẳng vào nó".
- Phải suy nghĩ, có lấy một quyết định và không bận tâm đến nó nữa, - ông nói to.
"Công việc ta đâu phải là dò đoán tình cảm, cùng những gì đang xảy ra và có thể xảy ra trong tâm hồn vợ. Đó là công việc của lương tâm nàng và cái đó lại thuộc lĩnh vực tôn giáo", ông tự nhủ, nhẹ hẳn người vì tìm ra được cái quy luật chi phối sự kiện vừa xảy ra.
"Vậy thì vấn đề tình cảm nàng là một vấn đề lương tâm, mình không việc gì phải dính đến, Alecxei Alecxandrovitr tự nhủ. Bổn phận ta đã được vạch ra rõ ràng. Là chủ gia đình, ta phải hướng dẫn vợ, và do đó, ta cũng có phần trách nhiệm, ta phải chỉ cho vợ rõ những điều nguy hiểm ta đã thấy, bảo cho vợ đề phòng và nếu cần thiết thì sẽ dùng đến quyền lực của ta. Ta phải giãi bày cho vợ biết mọi điều đó".
Và trong đầu óc Alecxei Alecxandrovitr, tất cả những điều giờ đây ông sắp sửa nói với vợ đều đã thành hình rõ. Vừa ngẫm nghĩ chuẩn bị lời lẽ, ông vừa than tiếc là đã bắt buộc phải dùng thời giờ và sức lực trí tuệ không đúng lúc tí nào vào một công việc nội trợ; tuy nhiên, hình thức và đề mục bài thuyết lý đã được cố định trong đầu óc với sự sáng sủa và chính xác của một bản báo cáo.
"Đây là những điều ta cần nói cho vợ hiểu: thứ nhất, giải thích về sự quan trọng của dư luận công chúng và lễ nghi; thứ hai, giải thích về ý nghĩa tôn giáo của hôn nhân; thứ ba, nếu cần thiết, chỉ dẫn về những tai họa có thể xảy đến cho con trai nàng; thứ tư, ám chỉ tai họa của chính bản thân nàng". Và Alecxei Alecxandrovitr chắp hai bàn tay lại, bẻ khục các khớp.
Cái thói quen xấu đó bao giờ cũng làm ông trấn tĩnh và giúp ông lấy lại thế thăng bằng đang rất cần trong lúc này. Có tiếng xe chạy bon bon đến gần bậc thềm. Alecxei Alecxandrovitr dừng bước ở giữa phòng ăn.
Có tiếng chân đàn bà lên cầu thang. Alecxei Alecxandrovitr đứng sững, sẵn sàng lên lớp, bóp mạnh hai bàn tay chắp vào nhau, xem còn chỗ nào chưa kêu. Một đốt tay liền kêu đánh cục.
Nghe tiếng chân bước nhẹ nhàng trên cầu thang, ông cảm thấy Anna đến gần, và mặc dầu mãn ý về bài thuyết lý của mình, ông vẫn sợ hãi trước cuộc giảng giải sắp xảy ra.
Ông định sẽ nói chuyện đó với vợ.
Trở về nhà, Alecxei Alecxandrovitr vào phòng làm việc như thường lệ, ngồi xuống ghế bành, mở quyển sách bàn về cựu giáo La Mã ở chỗ có đánh dấu bằng con dao rọc giấy, và, theo thói quen, đọc cho tới một giờ sáng. Thỉnh thoảng, ông lại đưa tay lên trán và lắc đầu, như muốn xua đuổi một ý nghĩ khó chịu. Đến giờ đã định như thường lệ, ông đứng dậy và đi rửa ráy trước khi ngủ. Anna Arcadievna vẫn chưa về. Ông cắp sách lên gác; nhưng tối đó, những ý nghĩ bình thường và những lo lắng về công việc đã nhường chỗ cho ý nghĩ về vợ và sự kiện khó chịu vừa xảy ra. Trái với thói quen, ông không đi nằm mà chắp tay sau lưng đi đi lại lại trong phòng.
Ông không thể nằm được vì thấy mình trước hết phải xem xét mọi mặt của sự việc vừa xảy ra.
Khi Alecxei Alecxandrovitr quyết định sẽ nói chuyện với vợ, ông thấy việc đó có vẻ rất dễ dàng và đơn giản; nhưng bây giờ, khi đã suy nghĩ kỹ về sự việc xảy ra, ông lại thấy rất khó khăn và phức tạp.
Alecxei Alecxandrovitr không cả ghen. Theo ông, ghen tuông là nhục nhã cho vợ và phải tin nàng. Tại sao lại phải tin, hay nói khác đi, phải đinh ninh trong dạ là người vợ trẻ bao giờ cũng yêu mình, cái đó thì ông không hề tự hỏi; nhưng ông không lo ngại vì ông vẫn tin vợ và tự nhủ là mình đúng. Nhưng giờ đây, mặc dầu vẫn đinh ninh ghen tuông là thứ tình cảm nhục nhã và phải có lòng tin, ông vẫn cảm thấy mình đang đứng trước một hoàn cảnh éo le và vô lý, và không biết làm thế nào cả. Alecxei Alecxandrovitr đang đối mặt với cuộc đời, đứng trước cái khả năng là vợ mình có thể yêu một nhưng người không phải là mình, ông thấy điều đó thật vô lý và không sao hiểu nổi chính vì đó là bản thân cuộc đời. Alecxei Alecxandrovitr xưa nay chỉ sống và làm việc trong thế giới hành chính vốn chỉ tiếp xúc với cái ánh phản quang của cuộc đời thôi. Mỗi lần chạm trán với chính cuộc đời thực, ông lại lảng tránh xa. Hôm nay, ông có cảm giác tương tự như người đang yên trí đi trên cầu qua vực thẳm, bỗng nhiên phát hiện ra cầu đã hư nát và dưới chân hiện ra cái vực thẳm đó. Cái vực, đó chính là cuộc đời thực, còn chiếc cầu, đó là cuộc đời giả tạo mà Alecxei Alecxandrovitr đã sống. Lần đầu, ông thoáng thấy hé ra cái khả năng vợ mình có thể phải lòng một người đàn ông khác và lấy làm kinh hãi.
Ông vẫn mặc nguyên quần áo, đều bước đi đi lại lại nện gót trên sàn gỗ phòng ăn với ngọn đèn duy nhất chiếu sáng trên tấm thảm của phòng khách mờ tối chỉ có chút ánh sáng phản chiếu lên bức chân dung ông, mới hoàn thành, treo phía trên chiếc đi văng, và đi vào buồng vợ có hai cây nến đang cháy, soi sáng các bức chân dung họ hàng, bè bạn nàng và các đồ trang trí nhỏ đẹp đẽ, quen thuộc trên bàn. Từ phòng Anna, ông đến cửa phòng ngủ rồi lại quay gót.
Trong khi dạo bước, nhất là ở chỗ sàn gỗ phòng ăn sáng sủa, ông thường dừng lại và tự nhủ: "Phải, nhất thiết cần có thái độ dứt khoát, nói cho nàng biết cách nhìn nhận và quyết định của mình". Và ông bước trở lại. "Nhưng nói với nàng thế nào? Quyết định cái gì?" Ông thầm hỏi khi ở phòng khách mà không tìm ra câu trả lời. "Rút cuộc, đã có chuyện gì xảy ra kia chứ?" Ông tự hỏi trước khi quay lại buồng Anna. "Chẳng có gì cả. Nàng đã nói chuyện lâu với y. Thế thì đã sao?
Trong xã hội thượng lưu, thiếu gì người mà một phụ nữ có thể chuyện trò được! Với lại, ghen tuông thì sẽ nhục nhã cho cả vợ lẫn chồng".
Nhưng lý luận đó xưa kia đối với ông vững vàng bao nhiêu thì nay hình như lại vô giá trị. Và ông quay ra cửa phòng ngủ để trở lại phòng ăn; nhưng khi vào đến phòng khách mờ tối, một tiếng nói lại bảo ông là sự việc không phải như thế, và nếu người ta đã có nhận xét này nọ tức là có cái gì đó đã xảy ra. Và đến phòng ăn ông lại tự nhắc lại: "Phải, nhất thiết cần có thái độ dứt khoát, cần có một quyết định và nói cho vợ biết cách nhìn nhận của mình...". Rồi một lần nữa, trong phòng khách, trước khi quay gót, ông lại tự hỏi: "Quyết định cái gì?". Và: "Cái gì đã xảy ra?". Rồi trả lời: "Chẳng có gì cả", và tự nhắc lại ghen tuông là thứ tình cảm nhục nhã cho vợ, nhưng khi đến phòng khách, ông lại thấy tái hiện ý nghĩ tin chắc là một cái gì đó đã xảy ra. Tư tưởng cũng như thân thể ông, chạy suốt một vòng mà không hề bắt gặp cái gì mới mẻ. Ông nhận thấy thế, đưa tay lên trán và ngồi xuống ở buồng Anna.
Ngồi đó, nhìn bàn giấy của vợ, cái bàn thẩm bằng cẩm thạch, một bức thư mới viết đoạn đầu, tư tưởng ông đột nhiên lại xoay theo chiều khác. Ông liền nghĩ đến vợ, đến việc nàng cũng biết suy nghĩ và cảm xúc. Lần đầu tiên, ông hình dung nàng với cuộc đời riêng tư cùng những tư tưởng, ước muốn, và cái ý nghĩ là vợ có thể và cần có một cuộc đời riêng trở nên khủng khiếp đến nỗi ông vội gạt ngay nó đi. Đó chính là cái vực mà ông sợ không dám phóng mắt nhìn xuống. Tự hóa thân bằng tư tưởng và tình cảm vào người khác là một vận động tinh thần xa lạ với Alecxei Alecxandrovitr. Ông cho rằng sự vận động tinh thần đó có hại, nguy hiểm và hư ảo.
Ông nghĩ: "Điều kinh khủng nhất là nỗi lo ngại vô lý đó lại sập xuống đầu ta giữa lúc công trình của ta sắp đến kỳ hạn phải hoàn thành (ông nghĩ tới một dự luật mà ông muốn được thông qua) giữa lúc ta đang cần hoàn toàn tĩnh tâm và tập trung toàn bộ nghị lực. Nhưng biết làm thế nào? Ta không phải hạng người chịu đựng lo lắng hoang mang mà không đủ sức nhìn thẳng vào nó".
- Phải suy nghĩ, có lấy một quyết định và không bận tâm đến nó nữa, - ông nói to.
"Công việc ta đâu phải là dò đoán tình cảm, cùng những gì đang xảy ra và có thể xảy ra trong tâm hồn vợ. Đó là công việc của lương tâm nàng và cái đó lại thuộc lĩnh vực tôn giáo", ông tự nhủ, nhẹ hẳn người vì tìm ra được cái quy luật chi phối sự kiện vừa xảy ra.
"Vậy thì vấn đề tình cảm nàng là một vấn đề lương tâm, mình không việc gì phải dính đến, Alecxei Alecxandrovitr tự nhủ. Bổn phận ta đã được vạch ra rõ ràng. Là chủ gia đình, ta phải hướng dẫn vợ, và do đó, ta cũng có phần trách nhiệm, ta phải chỉ cho vợ rõ những điều nguy hiểm ta đã thấy, bảo cho vợ đề phòng và nếu cần thiết thì sẽ dùng đến quyền lực của ta. Ta phải giãi bày cho vợ biết mọi điều đó".
Và trong đầu óc Alecxei Alecxandrovitr, tất cả những điều giờ đây ông sắp sửa nói với vợ đều đã thành hình rõ. Vừa ngẫm nghĩ chuẩn bị lời lẽ, ông vừa than tiếc là đã bắt buộc phải dùng thời giờ và sức lực trí tuệ không đúng lúc tí nào vào một công việc nội trợ; tuy nhiên, hình thức và đề mục bài thuyết lý đã được cố định trong đầu óc với sự sáng sủa và chính xác của một bản báo cáo.
"Đây là những điều ta cần nói cho vợ hiểu: thứ nhất, giải thích về sự quan trọng của dư luận công chúng và lễ nghi; thứ hai, giải thích về ý nghĩa tôn giáo của hôn nhân; thứ ba, nếu cần thiết, chỉ dẫn về những tai họa có thể xảy đến cho con trai nàng; thứ tư, ám chỉ tai họa của chính bản thân nàng". Và Alecxei Alecxandrovitr chắp hai bàn tay lại, bẻ khục các khớp.
Cái thói quen xấu đó bao giờ cũng làm ông trấn tĩnh và giúp ông lấy lại thế thăng bằng đang rất cần trong lúc này. Có tiếng xe chạy bon bon đến gần bậc thềm. Alecxei Alecxandrovitr dừng bước ở giữa phòng ăn.
Có tiếng chân đàn bà lên cầu thang. Alecxei Alecxandrovitr đứng sững, sẵn sàng lên lớp, bóp mạnh hai bàn tay chắp vào nhau, xem còn chỗ nào chưa kêu. Một đốt tay liền kêu đánh cục.
Nghe tiếng chân bước nhẹ nhàng trên cầu thang, ông cảm thấy Anna đến gần, và mặc dầu mãn ý về bài thuyết lý của mình, ông vẫn sợ hãi trước cuộc giảng giải sắp xảy ra.
Tác giả :
Leo Tolstoy