Ánh Trăng Không Hiểu Lòng Tôi
Chương 09-10
Chương 9
Trùng phùng tức là ly biệt
Nếu dưới chân là bùn đất thì cô cũng cam lòng để anh đi. Giống như con diều, chỉ cần dây còn nằm trong tay, cho dù bay cao bao nhiêu đi rồi sẽ có ngày quay trở lại.
Trưa hôm sau, Diệp Bỉnh Lâm đi công tác về sớm hơn dự định. Lúc ăn trưa, xem như cả nhà họ Diệp đều tề tựu đông đủ. Diệp Bỉnh Lâm luôn yêu quý Hướng Viễn nên khi gặp mặt khó tránh khỏi trò chuyện rôm rả tâm đầu ý hợp. Nghe xong một vài chuyện mới trong thôn, ông sực nhớ ra điều gì đó và hỏi ngành học của Hướng Viễn.
“Ngành kế toán ạ”, Hướng Viễn đáp.
Diệp Bỉnh Lâm cười nói: “Chuyên ngành giỏi nhất của Đại học G thực ra là kiến trúc và cơ khí nhưng ngành Kế toán gần đây cũng được. Chú tiến cử Đại học G với cháu không chỉ vì chú cũng tốt nghiệp trường này ra mà hơn nữa sau khi tốt nghiệp chú còn ở lại trường giảng dạy một khoảng thời gian, quen biết với rất nhiều công nhân viên chức trong trường, chủ nhiệm ngành kế toán trước kia cũng là bạn chú. Xã hội này có quen biết nhiều thì mới làm ăn khá được, cháu học ở đó cũng sẽ được quan tâm hơn…” Ông thở dài rồi nói tiếp: “Trước đây chú học cơ khí, bây giờ ra ngoài lăn lộn làm ăn cũng là làm ngành cũ. Vốn cứ mong chờ con cái lớn lên sẽ kế nghiệp cha nhưng thàng nhóc Khiên Trạch này cứ hờ hững. Học cấp ba không chịu chọn môn tự nhiên thì cũng có thể bỏ qua nhưng học đại học thì cũng nên chọn mấy ngành như quản lý chứ. Học xong rồi thì có thể giúp ông già này làm việc, đằng này nó lại chọn ngành Triết học. Đó chẳng phải là muốn chọc chú tức chết hay sao?”
Vẫn thấy chưa hả giận, ông trừng mắt với Khiên Trạch ngồi kế bên, tiếp tục: “Con không thể học Hướng Viễn làm người có trách nhiệm một chút được à?”. Thấy ánh mắt có phần ngượng ngùng của Hướng Viễn, Diệp Khiên Trạch cười khổ một tiếng rồi im lăng, cúi đầu ăn cơm.
Nói đến đây, Diệp Bỉnh Lâm tự nhiên nghĩ đến vấn đề khác: “Phải rồi, Khiên Trạch, chuyện bố nói con suy nghĩ đến đâu rồi? Bố không đồng ý cho con học ngành Triết học đâu. Nếu con bảo trong nước không có trường dạy ngành quản lý giỏi thì ra nước ngoài vậy. Con đừng quên con là con trai, A Linh là con gái, A Quân còn nhỏ. Sớm muộn gì bố cũng thành ông già, sản nghiệp vất vả cực nhọc làm lụng cả nửa đời người không giao cho con thì giao cho ai?”
Diệp Khiên Trạch tiếp tục im lặng không nói, Diệp Bỉnh Lâm bắt đầu tức giận: “Tính khí này của con giống ai không biết nữa? Đi hay không đi cũng không nói cho rõ được à?”
Diệp Linh chậm rãi đặt đũa xuống, chen vào một câu: “Bố, bố nói để anh suy nghĩ là muốn anh tự quyết định nhưng dáng vẻ bố bây giờ là hỏi ý kiến hay là đang ép anh phải đi vậy?”
“Sao bố lại ép nó…”, Diệp Bỉnh Lâm chưa nói hết, bà Diệp đã lên tiếng hòa giải: “A Linh, phải nói thế nào đây? Dù thế nào đi nữa, bố con cũng chỉ muốn tốt cho anh con thôi. Cho dù có ép thì cũng là muốn nó sau này sẽ xuất sắc hơn.” Bà quay sang nhìn Diệp Khiên Trạch, dịu giọng: “Khiên Trạch, dì cũng tán thành việc con tai còn trẻ thì nên xuất ngoại cho biết đó biết đây, lăn lộn bên ngoài nhiều thì tầm mắt cũng sẽ được mở rộng, góc độ và cách nhìn nhận vấn đề sẽ khác nhiều lắm.”
“Mẹ, mẹ cũng muốn bảo anh đi hay sao?”, mắt của Diệp Linh bắt đầu ngân ngấn nước.
Diệp Linh không hiểu nhưng Hướng Viễn biết, Diệp Linh và Diệp Khiên Trạch tâm đầu ý hợp, tình cảm riêng tư lại biểu hiện ra rõ ràng đến vậy, chỉ có họ mới ngây thơ cho rằng cả thế giới đều chẳng biết gì. Chú Diệp là người bận rộn nên chưa phát hiện ra, Diệp Quân còn nhỏ nên chưa hiểu chuyện đời, nhưng tâm tư tình cảm của đám trẻ làm sao qua được mắt bà Diệp nhạy cảm tinh tế lại ngày ngày kề cận chứ. Đêm qua, cánh cửa của phòng bà mở ra rồi lại đóng váo càng khiến Hướng Viễn đoán chắc rằng bà biết tất cả mọi việc. Diệp Linh không phải em gái ruột của Diệp Khiên Trạch, nếu họ cứ nằng nặc đòi ở bên nhau thì cũng chưa hẳn là không thể, nhưng cho dù là vì bất cứ nghuyên nhân nào, lập trường của bà Diệp trong việc đưa Khiên Trạch ra nước ngoài đã ngầm chứng minh thái độ không tán thành đối với tình cảm của họ rồi.
“Không được, con không đồng ý cho anh ra nước ngoài. Trong nước có bao nhiêu trường tốt, tai sao phải đi? Diệp Khiên Trạch, anh nghe lời bố, học quản lý trong nước được không? Tốt nhất là cứ ơ lại thành phố này, đại học G anh không thích thì đại học Hành chính Pháp luật cũng được mà…”
Hướng Viễn thầm cười lạnh trong lòng, cô thông cảm cho Diệp Linh. Cô gái ngốc nghếch này vốn ngây thơ đến khờ khạo, người trong cuộc còn chưa lên tiếng, cô ta phí sức tranh cãi rồi. Có lẽ Diệp Khiên Trạch không hoàn toàn là hờ hững với cô ta nhưng so với cô gái tính tình khép kín đến mức ngây thơ này thì những điều khiến anh phải e ngại dè dặt còn quá nhiều, nên anh không nhịn được sẽ mỉm cười với cô, nhưng không bao giờ dám đi sai một bước. Diệp Linh ngỡ rằng anh không dám chống lệnh bố mà không biết rằng trong lòng Diệp Khiên Trạch thực ra cũng đang dao động. Từ nhỏ anh đã là một người như vậy: hiền lành, đa tình, nhu nhược. Diệp Linh làm sao thắng nổi anh, làm sao giữ anh lại được?
“Hướng Viễn, nói gì đi chứ, chị cũng đâu muốn anh ấy đi đúng không?” Diệp Linh không có được câu trả lời, trong sự tuyệt vọng đã bám víu lấy ngọn cờ cứu mạng cuối cùng là Hướng Viễn. Xem ra, cô gái vì muốn người mình yêu để ý đã không tiếc mạng sống lao mình xuống đầm sâu này cũng không đến nỗi ngốc nghếch, chí ít cô ta cũng loáng thoáng thấy được tâm tư của Hướng Viễn. Giác quan thứ sáu của con gái về phương diện này quả nhiên nhạy cảm kỳ lạ.
Đúng, tôi sợ Khiên Trạch ấy ra đi hơn bất kỳ ai khác, tôi và cậu ấy đã xa nhau quá lâu rồi. Hướng Viễn có phần buồn rầu tự nhủ nhưng cô vẫn giữ im lặng trong sự van xin nài nỉ của Diệp Linh.
“Cháu? Cháu không thể quyết định thay cậu ấy được”, cô rủ rèm mi, nói như đang thuyết phục bản thân mình lần cuối. Sau đó, cô nhìn Diệp Khiên Trạch, vẫn nở nụ cười, ánh mắt cong cong như trăng non nói với cậu: “Thực ra cậu đã nghĩ kỹ rồi đúng không, vậy cứ làm theo suy nghĩ của cậu đi.”
Mấy tháng sau, cô sinh viên năm thứ nhất ngành Kế toán trường đại học G – Hướng Viễn – đã mỉm cười đưa tiễn “bạn tốt” Diệp Khiên Trạch ở sân bay. Lúc anh đi, so với sự lưu luyến không nỡ rời xa của vợ chồng Diệp Bỉnh Lâm và Diệp Quân thì Diệp Linh lại tỏ ra khá bình thản. Trước khi Diệp Khiên Trạch qua cửa kiểm soát, người cuối cùng anh ôm là Diệp Linh. Hướng Viễn đứng cách đó không xa đã nghe thấy Diệp Linh hỏi: “Anh còn lời nào muốn nói với em không?”. Một câu hỏi quen thuộc biết bao. Hướng Viễn nhớ rất rõ, sau khi rơi xuống nước rồi tỉnh dậy nhìn thấy Diệp Khiên Trạch, câu nói đầu tiên của Diệp Linh cũng chính là câu này.
Diệp Khiên Trạch cứng đờ một lúc rồi chầm chậm buông lỏng đôi tay đang ôm Diệp Linh, nói: “Lúc anh không có ở đây phải cố giữ gìn sức khỏe”.
Diệp Linh nhắm nghiền mắt, nước mắt từ từ rơi xuống.
Trên đường về, Diệp Quân theo xe của công ty bố cậu đưa Hướng Viễn quay lại trường. Trên đường đi, cậu đưa Hướng Viễn một tờ khăn giấy rồi nói: “Chị có cần không?”
Hướng Viễn cười đẩy ra.
“Em đã cho Diệp Linh một tờ. Chắc chắn chị không cần chứ?” Diệp Quân cố tỏ ra vẻ người lớn, nói: “Em biết chị cũng không nỡ rời xa anh ấy.”
Hướng Viễn nhìn lên bầu trời qua tấm gương chiếu hậu. Không nỡ thì sao, còn nếu nỡ thì sao? Nếu dưới chân là bùn đất thì cô cam lòng để anh đi. Giống như con diều, chỉ cần dây còn nằm trong tau cô, cho dù bay cao bao nhiêu, đi xa bao nhiêu rồi sẽ có ngày quay trở lại, cho dù gió có làm đứt dây thì ít nhất nó cũng sẽ rơi xuống một nơi mà cô không nhìn thấy được.
Nếu nhất định phải dùng hai chứ để khái quát cuộc sống sinh viên của Hướng Viễn thì đó chính là: bận rộn. Cô cho mình một tuần để làm quen với môi trường hoàn toàn mới lạ. Chuyện này đối với cô cũng chẳng có vấn đề gì. Cô giống như cỏ hoang mọc trên núi, bay đến đâu cũng có thể cắm xuống đất bằng một tốc độ không thể ngờ nổi, đón gió lớn lên, thậm chí sẽ có ngày phủ mờ những cành cây ngọn cỏ vốn sinh sống ở khoảng đất này trước đó.
Tuy Diệp Bỉnh Lâm đã bao hết học phí và mọi chí tổn sinh hoạt khác của Hướng Viễn nhưng cô vẫn không thể quen với cuộc sống cơm bưng nước rót tận miệng như vậy. Cô đã làm cho bộ phận hậu cần của trường rồi phát hiện ra đó là công việc phí thời gian mà chẳng thu được lợi ích gì nhiều. Cô còn làm thêm nghề gia sư, bán thẻ điện thoại, viết luận văn họ người khác… những hình thức kiếm tiền có hạn trong trường cô đều đã trải qua. Ngoài thời gian chuẩn bị ôn tập trước kỳ thi và khi lên lớp ra, cô giống như một con quay bận rộn giữa đủ thứ sinh nhai cho cuộc sống.
Hướng Viễn thường nói: nghĩ ngợi lung tung cũng cần có điều kiện. và không hề gnhi ngờ rằng cô không có điều kiện ấy. Cô cảm thấy mỗi phút trong đời mình đều có việc phải làm, thời gian lấy đâu ra mà thở ngắn than dài? Cô giống như một trường hợp đặc biệt trong đám bạn bè cũng lứa ở trường nhưng lại không khiến người ta ghét bỏ. Cô không tỏ ra tự ti nhạy cảm quá mức như những người xuất thân bần hàn khác, cô chưa từng che giấu hoàn cảnh xuất thân nghèo khó, cũng chưa từng phủ nhận khát vọng kiếm tiền của mình. Đối với cô, không có tiền là một sự thực khách quan, không đáng phải giấu giếm, cũng không phải là lý do để tự than thân trách phận. Cô không ghen tỵ với những người bạn sinh ra trong nhung lụa. Người ta có, đó là phúc phận của người ta, cô không có nên mới phải phấn đấu. Những người hơi thân thiết với Hướng Viễn đều biết tính cô thích làm mọi việc rõ ràng đâu ra đó, không thiệt mình cũng không nợ người. Những người đã giúp cô, cô sẽ trả nợ nhân tình; có gì cần cô giúp, cô sẽ nói ra điều kiện môt cách rõ ràng, có được thỏa thuận rồi mọi việc tự nhiên sẽ được làm một cách chu đáo, hoàn hảo.
Khi còn ở thôn Lý Vụ Nguyên, dù đi đến vất cứ đâu, việc làm ăn của Hướng Viễn lúc nào cũng suôn sẻ khấm khá. Cũng là gia sư nhưng tiền thì lao mỗi giờ của cô luôn cao hơn người khác một ít nhưng phụ huynh vẫn rất hài lòng; viết luận văn thay, “tác phẩn Hướng Viễn” luôn thay cho “tốc độ và chất lượng”, những cô cậu bạn học bận yêu đương và chơi điện tử chịu hỏ ra chút tiền cũng cảm thấy rất xứng đáng.
Hướng Viễn không bao giờ hài lòng với điều đó, bất chấp thời gian sắp xếp chặt chẽ đến đâu, cho dù không chợp mắt suốt hai mươi bốn giờ nhưng việc Hướng Viễn có thể làm trong một ngày vẫn có hạn. Về sau, cô không còn đích thân sấp ngửa vác túi đến nhà học sinh dạy kèm nữa mà mở một góc nhỏ ở bảng thông tin gần nhà ăn – nơi học sinh qua lại nhiều nhất – thu thập những cơ hội về công việc gia sư rồi căn cứ theo thù lao mỗi giờ để thu phí giới thiệu. Do giá cả hợp lý, cũng không cần phải chạy đôn chạy đáo liên hệ nên việc làm ăn trung gian của cô lúc nào cũng cung không đủ cầu. Còn về việc viết luận văn hộ, cô cũng sang tay cho người khác, kiếm được chút ít tiền hoa hồng từ họ, dần dần khoản tích lũy cũng lại khá hơn khi một mình cô vất vả lao động.
Lên năm thứ hai đại học, ký túc xá nơi Hướng Viễn ở đã nghiễm nhiên trở thành trung tâm giao dịch làm ăn có tiếng nhất Đại học G. Ngoài việc phục vụ trung gian cho một số ngành nghề, cô còn kiêm luôn cung cấp đĩa phim, thẻ điện thoại và thẻ điện tử. Về sau, chẳng ai biết cô kiếm đâu ra một chiếc tủ lạnh cũ, kiêm luôn công việc cung cấp nước giải khát lạnh. Nụ cười với đôi mắt cong cong nổi tiếng của Hướng Viễn đã trở thành đại từ thay thế cho không lừa gạt ai, vật đẹp giá hời, thẻ tích điểm và phiếu ưu đãi ở cửa hàng nhỏ của cô. Mọi người đều biết cô ấy đã kiếm được rất khá, trở thành khách của cô vừa tiện lợi vừa yên tâm, phục vụ cũng rất chu đáo, những gì cô cung cấp luôn là thứ mà mọi người cần nên người quan tâm cũng khá đông.
. . . .
Hướng Viễn tuy không có bạn bè thân thiết nhưng quan hệ bạn bè khá tốt. Có lẽ sẽ có người cảm thấy cô là gian thương nhưng cũng phải thừa nhận rằng, dù cô có là gian thương thì cũng không làm ai ghét bỏ được. Sáng suốt mà không lươn lẹo, yêu tiền nhưng không gian xảo có lẽ là khái quát hợp lý nhất về Hướng Viễn. Việc làm ăn của cô ở ký túc xá rất phát đạt, người đến người đi luôn tấp nập, điện thoại cũng reo cả ngày không dứt. Nếu nói rằng có chẳng ảnh hưởng gì đến bạn bè trong phòng thì giả tạo quá nhưng về điểm này thì Hướng Viễn chưa từng qua loa, cô luôn biết san sẻ lợi ích cho người khác. Lúc ấy, vấn đề sinh hoạt phí của đại đa số sinh viên còn rất khó khăn nhưng một khi đã có được lợi ích thì mồm cũng tự khắc biết điều mà ngậm lại. Nếu có người nào có gia cảnh khấm khá, không coi trọng tiền bạc lợi ích thì cũng chẳng cản trở chính sách của Hướng Viễn: cô chưa bao giờ gây hấn với người khác mà luôn nhanh tay nhanh mắt tặng những thứ thích hợp trong lúc người ta cần đến nhất. Người như thế ai lại muốn gây sự bao giờ? Về sau, có đến hơn một nửa bạn bè trong ký túc xá trở thành tiểu nhị của cửa hàng Hướng Viễn. Ngoài giờ học, họ cũng chạy đưa hàng cho cô, trong tháng cũng kiếm được thêm chút tiền tiêu vặt. Đến ngay cả bà giám thị khu ký túc xá vốn nghiêm cấm hành vi mua bán, quản lý rất gắt gao mà mấy lần đươc Hướng Viễn lặng lẽ dúi nước uống, cung cấp đĩa phim truyền hình mới nhất, nổi tiếng nhất một cách miễn phí cũng mắt nhắm mắt mở với những chuyện đó. Sự nhanh nhẹn biết điều cũng khiến cô và đa số thầy cô giáo, những người trong hội học sinh quen thân với nhau. Bình thường nếu có hoạt động trong trường, cô cũng chịu chi tiền, giúp sức lúc cần thiết. Trong bốn năm kinh doanh làm ăn thời sinh viên, cửa hàng nhỏ của cô không gặp phải khó khăn gì, cũng chưa từng đối diện với số phận bi thảm lụn bại. Có người hâm mộ cô làm ăn như cá gặp nước nên cũng thử gây khó khăn trở ngại nhưng không biết vì nguyên nhân gì mà không thành.
Học kỳ hai năm thứ ba, Hướng Viễn bắt đầu chơi cổ phiếu. Cô đã thâm nhập ngành này dưới sự chỉ đạo của Diệp Bỉnh Lâm. Cô đem chút vốn kiếm được từ cửa hàng nhỏ vào thị trường cổ phiếu xông pha một phen. Đương nhiên có lời có lỗ nhưng bẩm sinh cô vốn sáng suốt, đầu óc nhanh nhạy, to gan liều lĩnh, lại có mắt nhìn chuẩn xác nên lời luôn nhiều hơn lỗ. Cuối cùng, từ một sinh viên nghèo khó, cô đã trở thành bà chủ nhỏ ẩn hình ở đại học G. Diệp Bỉnh Lâm tất nhiên biết những chuyện này nên ông cũng đồng ý với những nguyện vọng của Hướng Viễn. Ông không cung cấp sinh hoạt phí hàng tháng cho cô nữa nhưng những khoản lặt vặt trong trường thì vẫn đưa đủ trong bốn năm cho cô như đã hứa trước đó. Diệp Bỉnh Lâm trước nay vẫn yêu mến Hướng Viễn, nay càng tán thưởng hơn với những việc làm của cô, không tiếc công chỉ bảo và giúp đỡ. Ông không ngớt lời khen ngợi cô gái nhỏ bé này coi cuộc sống như một trò chơi mà lại chơi rất thông minh, sáng suốt và ý nghĩa. Ông chỉ ao ước cô là con gái ruột của mình.
Diệp Khiên Trạch nói, điều này cũng không có gì là lạ, Hướng Viễn vốn là người có trôi dạt đến hoang đảo cũng vẫn có thể kinh doanh đặc sản địa phương với chính những người ở đó. Khi ấy, Diệp Khiên Trạch đang ở thành phố ẩm ướt, dày đặc sương mù bên kia bờ đại dương. Tuy ở xa nhưng trái tim anh lại gần gũi với Hướng Viễn hơn. Những bức thư của anh bắt đầu bay đến bên cô như tuyết rơi đầy trời, gọi điện thoại quốc tế tuy không đến nỗi dày đặc nhưng không quên mỗi tuần một cuộc. Anh kể lể những nỗi háo hức và cô độc nơi xứ người, kể về những cô gái mặc áo to sụ trong thành phố cả ngày không thấy ánh mặt trời, kể về ông thầy tính cách kỳ quặc và bà chủ nhà suốt ngày say rượu. Những chuyện này khiến Hướng Viễn có cảm giác quay lại mấy năm trước khi anh mới lên thành phố, nôn nóng muốn chia sẻ mọi điều mình trải qua với người bạn thân thiết nhất. Khoảng thời gian bốn năm chia cách họ hóa thành hư vô, họ không nhắc đến tương lai, không nhắc đến Diệp Linh. Khoảnh khắc đó giống như ngày hôm qua họ vừa vẫy tay chào từ biệt dưới ánh trăng sơn cước vậy.
Về sau, Hướng Viễn mua một chiếc máy tính cũ bằng số tiền kiếm được của mình. Kết thúc những bận rộn sau một ngày, ngồi trước máy vi tính nói chuyện với Diệp Khiên Trạch đang cách biệt về thời gian là việc lãng phí thời gian nhất nhưng lại là sự chờ mong lớn nhất của cô.
Cô cũng không thường xuyên đến nhà họ Diệp chơi nhưng ngoại trừ Diệp Bỉnh Lâm và Diệp Quân ra, cô và bà Diệp cũng rất gần gũi nhau. Bà là người phụ nữ hồn hậu dịu dàng, thường không nói những lời quá thân mật nhưng đối đãi với Hướng Viễn cũng thân tình không kém gì với Diệp Quân. Diệp Bỉnh Lâm thường bảo Hướng Viễn đến nhà ăn cơm nhưng chính ông lại bận rộn đến nỗi không mấy khi có mặt ở nhà. Hướng Viễn ăn cơm xong thì sẽ ngồi trong phòng khách vừa ngắm bà Diệp cắm hoa, vừa nói chuyện phiếm với bà. Những lúc ấy Diệp Quân không bao giờ chịu ngồi làm bài tập trong phòng, lúc nào cũng ra salon, để bắt cô giảng bài.
Ra vào Diệp gia nhiều lần, Hướng Viễn cũng có lần gặp em trai của chú Diệp là Diệp Bỉnh Văn – người cô từng gặp ở thôn Lý năm nào. Khi ấy hình như là sinh nhật mười tám tuổi của Diệp Linh. Diệp Linh không thích ồn àn nên Diệp Bỉnh Lâm cũng không chủ trương khoa chiêng gõ trống, chỉ mời một số họ hàng thân thiết và Hướng Viễn đến ăn cơm. Dì Dương không được nhanh nhẹn nên cô phải bận rộn suốt, Diệp Quân cứ tò tò theo sau cô giúp đỡ. Họ hàng nhà họ Diệp không nhiều. Cha mạ Diệp Bỉnh Lâm không còn, chỉ còn mỗi cậu em trai là Diệp Bỉnh Văn và vài người anh em họ. Người thì dạy học trong trường, người lại nhận chức trong công ty của Diệp Bỉnh Lâm như Diệp Bỉnh Văn.
Diệp Bỉnh Văn vẫn như lần đầu gặp Hướng Viễn, dung mạo tuấn tú, ăn mặc chỉnh tề, khí chất đường đường, cử chỉ nhã nhặn nhưng giữa hàng lông mày luôn có một sự cao ngạo khó tả. Có thể nhìn ra quan hệ giữa ông ta và những người khác không thân mật lắm. Ngoài những lúc Diệp Bỉnh Lâm ngồi trong bàn ăn nói vài câu đại loại như đã hơn ba mươi tuổi rồi mà vẫn còn lang thang, sao không chịu tìm một cô gái tốt để kết hôn sinh con… thì chỉ còn Diệp Linh vốn hờ hững với những người khác trò chuyện vài câu với ông ta.
Từ đầu đến cuối, Diệp Bỉnh Văn tỏ ra khá lạnh nhạt với Hướng Viễn. Ông ta uống với mỗi người ngồi đó một ly nhưng lại bỏ qua Hướng Viễn. Cô biết, ông ta ám chỉ cô là kẻ ngoài cuộc không đáng quan tâm, có điều cô tỏ ra thờ ơ. Vừa ăn cơm xong, Diệp Bỉnh Văn đã cáo từ. Ông ta ra khỏi cửa, Hướng Viễn mới phát hiện ông ta đã đánh rơi chìa khóa trên salon, Diệp Bỉnh Lâm cứ phàn nàn ông em mình bỏ đồ đạc lung tung. Hướng Viễn nhìn một lúc, dì Dương đang rửa bát trong bếp, Diệp Quân mang cơm lên lầu cho bà Diệp nên cô do dự một lúc rồi cầm lấy chìa khóa đuổi theo.
Diệp Bỉnh Văn đứng cạnh xe, thấy Hướng Viễn đến thì đón lấy chìa khóa, nói một tiếng cảm ơn.
« Đừng khách sáo », Hướng Viễn đáp.
Diệp Bỉnh Văn xoay chìa khóa một vòng quanh ngón tay, vừa cười vừa quan sát Hướng Viễn nói : « Hay lắm, tất cả đàn ông trong nhà anh tôi, dù là già hay trẻ đều bị cô dỗ dàng nịnh nọt đến choáng váng đầu óc. Tóm lại là cô muốn gì ? Anh tôi, ha ha, hay là Diệp Khiên Trạch, Diệp Quân ? Hay cô cần tất cả bọn họ ? »
Hướng Viễn cười không đáp, cô biết lúc này cô thừa nhận hay phản bác lại đều không thể nào khiến người đàn ông đứng trước mặt mình thỏa mãn.
Diệp Bỉnh Văn thấy cô im lặng thì dựa vào xe, khẽ dùng đầu nhọn của chìa khó miết vào mặt của Hướng Viễn, nói : « Nhìn thì cũng xinh đẹp đấy, có điều tôi không thích. Cô phải biết là, phụ nữ quá sáng suốt thì không phải là phụ nữ ».
Xe ông ta lao vút đi, gò má Hướng Viễn bỗng tê buốt. Cô lặng lẽ quay về, Diệp Quân đang đứng ở gara xe gần đó nhìn cô.
« Em không thích ông ta ». Một câu nói vô duyên vô cớ của cậu nhó đã làm Hướng Viễn bật cười. Nụ cười của cô có phần khiến Diệp Quân bực bội, cậu lại cao giọng nhắc lại : « Em không thích ông ta ! »
Hướng Viễn gõ ngón tay lên trán cậu : « Em là cậu bé ngốc ! »
Bước vào nhà, Hướng Viễn và Diệp Quân cùng lên phòng thăm bà Diệp. Bà đang ngồi dựa vào giường, tóc buông xõa, gương mặt thanh tú được chăm sóc kỹ càng nay nhuốm vẻ mệt mỏi. Dạ dày của bà không tốt, mười mấy năm gần đây đã chịu bao đau đớn. Bà vừa húp được một chút cháo, không ngủ được nên Hướng Viễn ngồi nói chuyện với bà.
Bà Diệp hỏi : « Hôm nay có ai đến thế ? » Hướng Viễn kể lại cho bà nghe. Nghe xong, bà cười bảo : « Nếu Khiên Trạch có ở đây thì cả nhà đầy đủ hết. Có một dạo cũng không gọi điện về, không biết nó ở bên kia có ổn không ? »
Hướng Viễn vỗ vào tay bà, trả lời : « Dì yên tâm, bây giờ chắc cậu ấy đang bận rộn thi cử. Cậu ấy cũng chẳng phải người không biết tự chăm sóc bản thân. Nghe cậu ấy bảo, ăn chán thức ăn tây còn biết tự tay nấu vài món, cậu bạn Hàn Quốc ở chung nhà con khen ngon nữa. »
Bà Diệp phì cười : « Thằng bé Khiên Trạch này, đến đâu cũng biết chăm sóc người khác. Nó còn nói gì với cháu không ? »
Hướng Viễn bèn kể lại cho bà nghe những chuyện thú vị mà Khiên Trạch đã nói cho cô biết. Đang kể, nghe thấy phía sau có động tĩnh, cô quay đầu lại thấy Diệp Linh đang đứng đờ đẫn trước cửa phòng không biết đã bao lâu rồi.
Thấy Hướng Viễn ngừng lại, cô mới lên tiếng hỏi : « Hướng Viễn, những chuyện này đều là anh ấy kể cho chị à ? »
Hướng Viễn cười đáp : « Ừ, cậu ấy xem chị như thùng rác ấy, chuyện vặt vãnh cỏn con nào cũng lể hết. »
Diệp Linh nhếch môi cười gượng đáp : « Vậy không tốt sao ? Anh ấy chẳng nói gì với tôi ».
Cô bỏ về phòng, Hướng Viễn bỗng chẳng còn hứng thú kể tiếp nữa, nói thêm vài câu với bà Diệp rồi cáo từ về trường.
Đêm hôm ấy, mặt đá Quan Âm màu xanh lục treo trước cổ Diệp Linh lại xuất hiện trong giấc mơ của cô. Hướng Viễn vẫn nhớ mặt dây chuyền vòng ấy, không cần nhìn kỹ cũng biết phía sau có một vết nứt rất sâu, trong khe nứt ấy không biết vì sao lại biến thành gương mặt của Diệp Khiên Trạch.
Chương 10
Tâm sự trưởng thành
« Vậy từ nay về sau em không khóc nữa được không ? Mãi mãi không bao giờ khóc nữa. »
Sinh nhật Diệp Linh trôi qua chưa đầy một tháng, hôm ấy khi điện thoại reo vang là lúc Hướng Viễn đang ở thư viện tìm tài liệu viết báo cáo. Nói cho cũng cô vẫn là một sinh viên giỏi, cho dù bình thường việc lặt vặt nhiều bao nhiêu thì cô vẫn chưa khi nào quên bổn phận làm sinh viên của mình. Tự cô cũng biết rằng, trên thế gian này có nhiều người được gọi là thiên tài, bất luận là ai, nếu muốn thành công thì phải trả giá, thành tích tốt và học bổng cũng phải dùng thời gian để hoán đổi.
Cô nhận điện thoại, lúng túng một lúc vì chưa quen phím bấm di động mới. Hướng Viễn vỗn có một chiếc di dộng nhỏ nhưng mấy hôm trước, Diệp Quân cứ nằng nặc đòi đổi chiếc di động bố mới mua cho cậu với Hướng Viễn. Cậu nói mình ít khi dùng điện thoại, cũng không muốn thấy cô và bạn bè nghĩ mình tiêu xài hoang phí. Hướng Viễn cũng là người không quan tâm lắm đến vấn đề này, đối với cô, công cụ thông tin liên lạc chỉ cần gọi đủ là được, có điều Diệp Quân cứ muốn đổi nên cô cũng chiều theo.
Chủ nhiệm lớp Diệp Quân gọi đến, bảo rằng cậu đánh nhau, mong Hướng Viễn đến trường giải quyết. Hướng Viễn có phần kinh ngạc, bởi khả năng Diệp Quân đánh nhau với người khác cũng tương đương với việc tháng Sáu có tuyết rơi nhưng cô giáo sẽ không gọi điện để nói đùa, mà cô giáo cũng không giải thích rõ ràng, chỉ một mực giục Hướng Viễn đến nhanh. Hướng Viễn hơi lo lắng nhưng vẫn giải thích rõ rằng mình không phải họ hàng thân thích của Diệp Quân, vả lại cũng chỉ là sinh viên, chuyện này có lẽ nên liên lạc thẳng với phụ huynh của cậu ấy sẽ tốt hơn. Cô giáo có vẻ khó xử, bảo mình cũng biết thế nhưng khi gọi điện đến văn phòng công ty của bố Diệp Quân thì thứ ký nói rằng ông đi công tác ngoại tỉnh, muốn gọi về nhà nhưng Diệp Quân sống chết cũng không chịu, nói rằng mẹ đang bệnh rất nặng, chẳng những không đến trường được, mà nghe chuyện này xong bệnh tình chắc còn nặng hơn. Khuyên nhủ dỗ dành mãi, cậu mới chịu cho cô giáo số điện thoại này.
Hướng Viễn cảm thấy rất khó xử, chủ Diệp quả thật đã đi công tác, bà Diệp thời gian này sức khỏe cũng không ổn nhưng căn bệnh dạ dày của bà đã được điều trị một hời gian, bây giờ cũng đã không còn vấn đề gì to tát, sao bệnh lại nặng hơn được ? Cô đoán Diệp Quân không muốn để người lớn trong nhà biết cậu gây họa, anh trai đang ở nước ngoài, không thể để Diệp Linh hoặc dì Dương đến thay phụ huynh được, không tìm Hướng Viễn thì tìm ai ?
Cuối cùng Hướng Viễn cũng bỏ sách xuống, vội vã đến trường Diệp Quân. Đến nơi, cô thấy cậu nhóc đang ngồi trong góc phòng giáo viên với khóe mắt và quai hàm bầm tím. Những đứa trẻ khác tham gia đánh nhau đã được phụ huynh dẫn về, chỉ còn Diệp Quân ngồi nghiêm chỉnh trên ghế đối diện với cô giáo chủ nhiệm.
Vừa nhìn thấy Hướng Viễn, cô giáo chủ nhiệm đã than môt tràng dài. Theo lời cô nói thì Diệp Quân không phải là đứa háo thắng thích sử dụng bạo lực với các bạn nhưng lần này lại có không ít người « mục kích làm chứng » nói là chính cậu đã chủ động gây sự. Một người đấu ba người khác không nói làm gì, sau khi bị cô giáo kéo ra, ba cậu bé bị đánh khóc lóc ầm ĩ kia cũng chẳng biết tại sao Diệp Quân lại đột nhiên trở mặt động thủ với mình. Cô giáo đã đưa đám trẻ đánh nhau về văn phòng, Diệp Quân cũng thừa nhận mình đánh nhau là sai nhưng nhất quyết không chịu xin lỗi mấy cậu bé đánh nhau cùng với cậu (cách nói của cô giáo nghiêng về phía các bạn « bị cậu đánh »), cũng không chịu nói nguyên nhân đánh nhau.
Vừa thấy Hướng Viễn, Diệp Quân lập tức đứng dậy. Bị cô lườm một cái, cậu cúi gằm mặt đến nỗi cằm sắp dính chặt vào áo đến nơi. Hướng Viễn không nói gì với Diệp Quân, chỉ thay cậu nhận lỗi với cô giáo bằng vẻ mặt đầy thành ý, đồng thời tỏ rõ thái độ rằng, cho dù cậu bé này đánh nhau vì bất cứ lý do gì, về nhà nhất định sẽ báo lại với phụ huynh để dạy dỗ thật nghiêm khắc. Ngoài ra, Diệp gia hoàn toàn chịu trách nhiệm chi trả tiền thuốc men cho mấy cậu bé kia. Cứ thế phải cười nhận lỗi rồi đảm bảo đủ thứ, cô mới đưa được Diệp Quân miệng đang ngậm chặt như hến ra khỏi văn phòng giáo viên.
Hai người một trước một sau men theo con đường râm mát trong vườn trường để về nhà. Đến khi trường học đã khuất khỏi tầm mắt, Hướng Viễn mới dừng lại ở một chỗ vắng người, đưa tay sờ vào khóe môi sưng lên của Diệp Quân, « Hay lắm, cậu giỏi lắm, chẳng những biết đánh nhau mà còn một chấp ba, anh hùng gớm nhỉ ! »
Tay cô không hề nương nhẹ, Diệp Quân chau mày « ối » một tiếng nhưng dường như biết mình phạm lỗi nên gương mặt có vẻ ngượng ngùng.
Hướng Viễn thấy thế liền hỏi : « Có đau không ? »
Cậu lắc đầu thật nhanh, cứng miệng đáp : « Không đau ».
Hướng Viễn cười thành tiếng : « Xem như tôi biết được thế nào là « đánh sưng mặt mà bảo béo » rồi. Được, được, không đau thì tốt, tôi đoán chắc cậu cũng không định nói tôi nghe tại sao hôm nay lại tỏ ra vẻ anh dũng thế chứ gì. Vậy ta đi thôi, cậu Hai. »
Cô đi rất nhanh, có lẽ chân của Diệp Quân cũng bị thương nên cậu chạy theo rất vất vả. Thấy cô không hề có ý định chờ mình, cậu đứng lại không đi nữa, hét lên : « Chị muốn mắng thì cứ mắng đi. »
Hướng Viễn quay lại xì một tiếng : « Không rảnh để phí thời gian với cậu. Tôi mắng cậu để làm gì ? Chỉ là đánh nhau thôi mà, cậu cũng không thấy đau, bố cậu cũng chẳng thiếu tiền bồi thường thuốc men cho người ta ».
« Bọn nó bảo em giống con gái, nói rằng em mặc váy còn đẹp hơn Lý Lợi Lợi ».
« Cái gì ? » Hướng Viễn khẽ há miệng, không biết là chưa nghe rõ hay là chưa tiêu hóa nổi ý tứ trong lời nói của Diệp Quân. Cô quay lại, đến gần cậu : « Ban nãy em nói cái gì mà con gái ? Ai là Lý Lợi Lợi ? »
« Lý Lợi Lợi là ủy viên văn nghệ lớp em, là một đứa con gái », giọng cậu vẫn hậm hực, gương mặt thanh tú tràn đầy vẻ phẫn nộ.
Hướng Viễn sững sờ mấy giây rồi như vỡ lẽ ra. Cô nghĩ chắc mấy cậu bé trêu đùa nhau, ba đứa kia đã nói những lời như Diệp Quân xinh đẹp như con gái, kết quả bị đạp cho một trận cũng không biết tại sao. Tuy là ba chấp một nhưng những cậu nhóc ở thành phố được chiều chuộng như công tử bột này làm sau đấu lại Diệp Quân vốn nhìn có vẻ ẻo lả yếu đuối nhưng thực chất đã được nơi núi non hoang dã rèn luyện đến mức thân thủ linh hoạt, thể chất mạnh mẽ này được.
Diệp Quân nhìn Hướng Viễn đang nhịn cười, sự uất ức trong lòng và nỗi đau trên cơ thể cậu cố cắn răng cũng không kìm được, mắt đỏ hoe bức xúc : « Chị cười đi. Dù em sống hay chết thì cũng chẳng ai quan tâm. Em ghét nhất ai bảo em giống con gái, còn để em nghe được nữa em sẽ đánh cho biết tay. »
Hướng Viễn biết Diệp Quân từ nhỏ đã không thích nghe ai khen cậu xinh đẹp. Lúc còn ở thôn Lý, có người khen cậu điềm tĩnh xinh đẹp như một cô gái, cậu nghe xong cứ rầu rầu không vui những cũng chỉ bất mãn trong lòng. Không ngờ bây giờ lớn thêm vài tuổi, lại càng để tâm đến vấn đề này hơn. Có lẽ mười bốn, mười năm tuổi là lứa tuổi nhạy cảm nhất của con trai chăng ?
Cô lắc đầu, xỉa ngón tay vào khóe mắt đỏ hoe của cậu, « Có đáng không ? »
Cậu quay mặt đi nói : « Dù gì em cũng không hối hận. »
« Hối hận hay không là một chuyện, ý chị là có đáng để ra tay hay không ? Nắm đấm của em làm bằng thép à ? Đánh người ta rồi em không có tội sao ? »
Diệp Quân không nén nổi, nước mắt bắt đầu tuôn rơi. Hướng Viễn bất lực nhìn xung quanh, đã có người tò mò nhìn về phía hai người. Cô hạ giọng trách móc : « Khóc cái gì mà khóc, còn nói không giống con gái à ? Con trai có đứa nào giống em không ? » Cô vừa nói vừa kéo cậu đi về phía gốc cây ít người qua lại, sau đó thở dài rồi cùng cậu ngồi xuống một tảng đá lớn trên thảm cỏ.
Diệp Quân vừa khóc vừa lén nhìn vào gương mặt lạnh lùng của Hướng Viễn : « Chị thấy phiền em lắm phải không, chị Hướng Viễn ? »
« Em còn vô dụng thế nữa thì chị thấy phiền thật đấy. Nam tử hán đại trượng phu rơi máu không rơi lệ. Khóc thì giải quyết được vấn đề gì ? »
« Vậy từ nay về sau em không khóc nữa được không ? Mãi mãi, không vao giờ khóc nữa. »
Hướng Viễn cười khổ : « Đừng nói sau này, bây giờ ngưng khóc đã rồi hãy nói. Chính em đánh người ta còn khóc cái gì chứ ? »
Diệp Quân nhỏ giọng phàn nàn : « Đau thật đấy ! » Một ta cậu ôm lấy vết thương trên mặt, tay kia xắn ống quần lên, trên đùi bầm xanh một khoảng.
« Bây giờ biết đau rồi hả ? Ban nãy chẳng phải kim cương không sợ hỏng hay sao ? Xem dáng vẻ của em bây giờ, cho dù chị có đưa em ra khỏi chỗ cô giáo đi nữa thì về nhà biết ăn nói thế nào đây ? Bố em và dì nữa, không mắng em mới lạ ! ». Hướng Viễn than vãn.
Lúc này Diệp Quân mới ngưng khóc, những giọt nước mắt mặn chát rơi vào vết thương trên gò má, cảm giác đau nhói xen lẫn khổ sở.
Cậu nói : « Bố và dì sẽ không mắng em đâu. »
« Thế còn bảo chị đến trường đưa em về. Thấy chị rảnh rỗi quá phải không ? » Hướng Viễn nhớ đến bản báo cáo mới viết môt nửa, tức đến nỗi muốn đấm cho cậu nhóc môt phát.
« Em… em không muốn làm phiền họ. » Có lẽ lúc nói chuyện đã làm động vết thương bên mép nên gương mặt Diệp Quân càng nói càng ậm ừ không õ.
Hướng Viễn ngẩn ra, bực bội trên gương mặt biến mất, dịu giọng nói : « Diệp Quân, nói thật đi, người nhà họ Diệp có đối tốt với em không ? »
« Tốt, rất tốt », cậu lập tức đáp. Sợ Hướng Viễn không tin nên bổ sung : »Thật đó, họ đối xử với em rất tốt. Bố bận như thế nhưng ông chỉ mong mọi thứ tốt nhất cho em. Dì cũng vậy, sức khỏe tuy không tốt nhưng vẫn rất quan tâm đến em. Anh cả thì càng không cần nhắc. Cả nhà họ đều là người tốt. »
« Cả nhà họ ? » Hướng Viễn lặp lại như có vẻ sy nghĩ lung lắm.
Diệp Quân có phần ủ rũ : « Chị Hướng Viễn, em đã cố gắng hết sức làm một đứa trẻ ngoan, không thêm phiền hà cho ai vì họ đã đủ mệt mỏi lắm rồi. Em biết cho dù em có gây họa, bố cũng sẽ không chỉ vào mũi em mắng em như mắng anh cả đâu. Bố lúc nào cũng thấy có lỗi với em, cứ nhìn thấy em là nhớ đến mẹ, chỉ muốn tìm cơ hội bù đắp cho em, chỉ sợ em sống với bố rồi lại có chỗ nào không quen nhưng em thấy thà bố mắng em như mắng anh cả còn hơn. Chị có thấy rằng trong ngôi nhà đó, chỉ có em giống như người ngoài không ? »
Hướng Viễn bảo : « Đừng nghĩ lung tung », nhưng cô cũng không tìm ra lý do thuyết phục hơn để an ủi cậu. Cậu nhóc Diệp Quân này, bình thường im lặng không nói gì nhưng đôi mắt cậu sáng hơn bất kỳ ai khác, trong lòng cũng hiểu rõ hơn mọi người nhiều.
« Còn Diệp Linh ? Diệp Linh đối với em thế nào ? ». Hướng Viễn đành chịu thua, chuyển sang vấn đề khác.
« Diệp Linh ? Chị ấy không hay nói chuyện với em nhưng em cảm thấy không phải do chị ấy ghét em. Em cũng không rõ tại sao, dù gì chị ấy vốn là người như vậy. » Diệp Quân dùng mũi chân đá đá mấy viên sỏi vương vãi xung quanh, nói tiếp : « Chị Hướng Viễn, em hỏi chị một chuyện. Chị ghét Diệp Linh phải không ? »
Cậu hỏi xong cứ nhìn Hướng Viễn chằm chằm. Dưới đôi mắt ấy, Hướng Viễn vốn định nói câu phủ nhận lại không thể thốt nên lời, hình như cô đang tìm kiếm từ ngữ thích hợp. « Nói thế này đi, Diệp Quân, chị và cô ấy không có gì là quá đáng với nhau cả nhưng một người hoàn toàn không nhất định phải thích người khác, em thấy thế nào ? »
Diệp Quân cười cười, đau đến rách cả mồm, vẫn nghịch đám đất dưới chân trả lời : « Vì anh cả phải không ? »
Hướng Viễn muốn cười và bảo : « Em thì hiểu gì » nhưng lời đến miệng rồi, nụ cười sở trường của cô không xuất hiện nổi. Phải, ai cũng hiểu, đến cả một đứa trẻ đang lớn cũng thấy, chỉ có anh, chỉ có anh là vẫn giả vờ như không biết gì.
« Chị giận à ? », Diệp Quân kéo kéo tay áo cô, có vẻ bất an. « Em chỉ tiện miệng nói bừa thôi. »
« Đừng nói về chị nữa, nói về em đi. Diệp Quân, em có thích Diệp Linh không ? »
« Em… em chỉ thấy chị ấy rất đáng thương. »
« Đáng thương ? Đáng thương vì ăn no mặc ấm quá ? »
« Chị Hướng Viễn, em thấy hai năm nay chị ấy càng lúc càng kỳ quặc nhưng em không biết tại sao. Giống như… giống như bị ốm, em không nói về sức khỏe… »
Hướng Viễn hiểu ý Diệp Quân. Ấn tượng mà Diệp Linh để lại cho người khác chỉ là một cô gái quá nhạy cảm mong manh nhưng theo bà Diệp thì mối quan hệ giao tiếp bên ngoài của Diệp Linh càng lúc càng ít, gần như bằng không vậy. Hình như cô chẳng có chút hứng thú gì với mọi chuyện, cả ngày lúc nào cũng thấy buồn ngủ và mệt mỏi nhưng buổi tối lại không ngủ được. Ăn gì cũng thấy nhạt nhẽo vô vị, cũng chẳng còn muốn đi học. Vợ chồng Diệp Bỉnh Lâm đã đưa cô đi khám rất nhiều nơi, ngoài bệnh thiếu máu ra cũng chẳng còn bệnh tật gì khác nhưng người cô cứ gầy đi từng ngày. Hướng Viễn thấy căn nguyên bệnh của Diệp Linh tuyệt đối không phải ở thân thể mà là ở tâm lý, thậm chí, có thể nói là ở đầu óc. Nhưng cô không thể nói ra, có thể vợ chồng Diệp Bỉnh Lâm nhìn rõ vấn đề của con gái hơn ai hết, chỉ có điều họ không muốn chấp nhận, cũng không muốn thừa nhận. Mấy năm nay, việc làm ăn của Diệp Bỉnh Lâm ngày càng thành công. Diệp gia dù ở đâu cũng được quan tâm chú ý nhưng họ có thể có một đứa con gái bện tật nhưng không thể có một người bệnh có vấn đề « về mặt ấy ».
Có lúc Hướng Viễn tự hỏi, có phải mình đang mong ngóng người như Diệp Linh mất tích, hoặc chưa từng tồn tại hay không ? Nhưng người này đã xen giữa vào giữa cô và Diệp Khiên Trạch là sự thật không thể trốn tránh. Vả lại, chướng ngại lớn nhất giữa cô và Diệp Khiên Trạch là Diệp Linh ? Cô không muốn nghĩ sâu hơn về chuyện này.
Hướng Viễn hỏi Diệp Quân : « Đúng rồi, em đã bao giờ nghe bố nói gì về bố Diệp Linh chưa ? ». Cô cũng giống như những người khác, chỉ biết Diệp Linh là con riêng của bà Diệp trước khi kết hôn với Diệp Bỉnh Lâm nhưng là con của ai, bố ruột của Diệp Linh đã đi đâu thì giống như một câu đố, rất ít người biết được chân tướng, đến cả vợ chồng họ Diệp cũng tuyệt đối không nói ra. Hướng Viễn không phải là người nhiều chuyện nhưng cô cũng chưa từng có ý nghĩ đi sâu tìm hiểu chuyện riêng nhà họ. Nhưng bây giờ cô thấy rằng, việc này rất quan trọng đối với vấn đề của Diệp Linh và thậm chí đối với cả Hướng Viễn.
« Bố ruột của Diệp Linh… » Diệp Quân như nhớ ra gì đó nhưng lại lắc đầu : « Chị Hướng Viễn, em cũng không biết. »
Hướng Viễn không phải là không nhìn thấy vẻ ngập ngừng của Diệp Quân nhưng cô hiểu tính khí cố chấp của cậu. Cậu đã không muốn nói thì cố hỏi cũng vô ích nên cô khoát tay : « Thôi bỏ đi, không biết thì thôi, chị cũng tiện hỏi thế thôi. »
Diệp Quân nghe cô nói vậy thì trong lòng càng mâu thuẫn hơn. Cậu không phải là đứa mồm mép nhanh nhảu, bản thân cũng cảm thấy có chuyện không nên nói bừa nhưng người ngồi trước mặt cậu chẳng phải ai xa lạ, mà là Hướng Viễn. Cậu chưa từng nghĩ sẽ từ chối yêu cầu của cô cho dù cô chưa hề ép buộc.
« Chị Hướng Viễn, thực ra em cũng chỉ có một lần nghe trộm được các cô nói thôi. » Các cô mà cậu nói chính là các em gái họ của Diệp Bỉnh Lâm. « Có một lần họ đến nhà ăn cơm, hnhf như cũng có bàn tán về chuyện này. Họ nói rất khẽ, em cũng không nghe rõ lắm. Chỉ nhớ họ nói là, dì bị người ta.. bị người ta… », gương mặt bầm tím của cậu rõ ràng đang đỏ lên, xấu hổ không dám nói ra từ ấy, bèn ậm ừ cho qua, càng nói càng lí nhí, « bị người ta gì gì đó nên mới sinh ra Diệp Linh. Em… em cũng chỉ nghe nói thế, cũng không biết là thật hay giả. Vốn không định nói với ai cả nhưng chị hỏi nên em… chị Hướng Viễn, chị biết em nói gì chứ ?” Cậu lo mình nói không rõ nhưng lại không biết phải giải thích như thế nào. Cũng may Hướng Viễn không nêu thắc mắc, đôi mắt cô đang nhìn về hướng khác, chỉ im lặng, không biết là đang nghĩ ngợi gì.
Một lúc sau, cô mới gọi cậu. « Diệp Quân !”
“Vâng.”
“Những chuyện em nghe được này đều là những lời đồn đại chẳng có căn cứ gì cả, quên đi thì hơn, đừng nói với ai cả, được chứ ?”
“Em biết rồi, em sẽ không nói cho ai biết, trừ chị ra.”
Ánh mắt Hướng Viễn nhìn cậu dịu dàng hẳn : “Em đó, đừng để chị sấp sấp ngửa ngửa từ xa tít đến trường đưa em về nữa, cùng đừng chưa biết gì hết đã động tay động chân. Vẻ ngoài thế nào là do bố mẹ cho, khi em đã suy nghĩ mọi việc như một người đàn ông đích thụ cũng sẽ không lo lắng ai bảo mình giống con gái nữa. Còn nữa, Diệp gia là nhà em, không phải nhà họ. Dòng máu đang chảy trong người em giống với anh trai, chẳng ai dám nói em không phải là người nhà họ Diệp đâu.”
Diệp Quân gật đầu. Hướng Viễn sẽ trách móc, sẽ dạy dỗ cậu, cô không được xem như một người chị dịu dàng ân cần nhưng từ sau khi mẹ không còn nữa, cậu chỉ có thể tìm thấy cảm giác “thân thiết” ở cô. Nếu như trước đây, cậu chỉ ao ước được nhào vào lòng Hướng Viễn khóc lóc nhưng cậu biết sau này không được làm như thế nữa. Cậu đã nhận lời làm một người đàn ông - một người đàn ông có thể chảy máu vì cô – nên cậu không thể khóc trước mặt cô. Cậu không muốn mãi mãi làm một cậu bé nhút nhát trong mắt cô, hễ gặp chuyện là yếu đuối đi tìm vòng tay cô, cậu mong mình có một đôi vai vững chắc để cô dựa dẫm. Không chắc cô sẽ cần, cũng không chắc cô muốn thế nhưng chí ít cô cũng sẽ biết, Diệp Quân cũng là một người ra dáng đàn ông, không thua kém bất kỳ ai.
Hướng Viễn không biết những ý chí hừng hực trong lòng Diệp Quân. Những ngày tháng sau đó, cô lờ mờ nhận ra những thay đổi hết sức nhỏ nhặt của cậu bé này nhưng đa phần nó khiến cô vừa cảm thấy kinh ngạc vừa buồn cười. Hôm ấy cô đưa cậu về nhà, vết thương trên mặt cậu khiến bà Diệp hoảng đến độ tay chân luống cuống. Dù vết thương đã được sát trùng ở phòng y tế trường nhưng Diệp Bỉnh Lâm đang đi công tác vẫn gọi điện về bảo vợ đưa Diệp Quân đến bệnh viện khám tổng quát, xác định cậu chỉ bị thương ngoài da mới thở phào nhẹ nhõm. Cậu nhóc vẫn như ở trường, đánh chết cũng không khai vì sao lại đánh nhau, bắt dùng cồn sát trùng hay bôi thuốc, vẫn cắn chặt răng không kêu đau. Đêm hôm ấy, dì Dương túc trực bên cạnh cậu đến khuya đã nói, chỉ nghe thấy cậu lầm bầm lặp đi lặp lại một câu : em không khóc, em không khóc.
Sau khi vết thương đã lành, Diệp Quân bắt đầu đam mê thể thao một cách khó hiểu, đặc biệt là bóng rổ. Cậu lại còn thích chọn lúc mặt trời gay gắt nhất để vật lộn ngoài sân bóng nhưng bẩm sinh da dẻ cậu đã trắng trẻo, khó khăn lắm mới phơi đen được một chút, chớp mắt đã trắng trở lại. Cậu làm một bảng thước đo trong phòng, sớm tối đều đo chiều cao, cứ ước ao trong một đêm sẽ cao vống lên.
Mùa hè năm cậu chuẩn bị lên cấp ba, Diệp Quân đến trường Đại học G đưa đồ cho Hướng Viễn. Cậu đi thẳng lên tòa nhà ký túc xá nữ sinh suôn sẻ một cách bất ngờ nhưng lại đụng phải mấy cô sinh viên đại học chỉ mặc sơ sài đồ lót ở nhà tắm gần đó. Mấy cô gái giật mình một phen, Diệp Quân càng đỏ mặt tía tai, chỉ mong đào lỗ chui xuống trốn cho đỡ xấu hổ. Khó khăn lắm cậu mới tìm thấy Hướng Viễn, vừa gặp mặt đã than thở tại sao người trong này cứ trần trụi đi qua đi lại như thế. Hướng Viễn cười khì khì giải thích, ở đây vốn trước giờ cấm không cho nam sinh ra vào nên họ mới hông ngờ lại có vị khách không mời mà đến như thế. Diệp Quân không phục, bảo nếu ở đây cấm cho nam sinh lui tới thì tại sao bà dì canh cửa ký túc xá lại cho cậu vào như vậy. Hướng Viễn lúc ấy vừa đếm tiền vừa hờ hững trả lời cậu : “Chắc là dì thấy em vẫn còn nhỏ, còn là cậu bé thì không nằm trong phạm vi bị cấm chăng ». Diệp Quân kháng nghị luôn mồm, “Sao lại còn nhỏ ? Em sắp lên cấp ba rồi mà”. Hướng Viễn lặng thinh, đếm tiền lại một lượt thật kỹ lưỡng mới đứng dậy làm động tác đo trên đỉnh đầu cậu rồi nói : “Nhìn này, em còn thấp hơn chị nửa cái đầu, không phải là cậu bé thì là gì nào.”
Diệp Quân bị sốc nặng, Hướng Viễn được xem là khá cao ráo trong đám con gái miền Nam, khoảng một mét sáu mươi sáu. Nếu con gái càng mảnh mai thì nhìn lại càng cao hơn vóc dáng thực tế. Diệp Quân ưỡn thẳng lứng đứng trước mặt Hướng Viễn, đỉnh đầu cũng chỉ ngang với lông mày của cô. Sự thực này như sét đánh giữa trời quang đãng khiến cậu choáng váng mặt mày, thậm chí quên mất mình đã chào tạm biệt Hướng Viễn để về như thế nào. Trong một khoảng thời gian dài sau đó, buổi tối cứ nghĩ đến chuyện đó là cậu lại thấy bất an không ngủ nổi. Mấy lần gặp ác mộng, cậu mơ thấy mình chẳng những thấp bé mà còn trở thành người lùn, sau đó cậu kinh hoàng tỉnh giấc, toát mồ hôi lạnh đầy người. Cậu không thể tưởng tượng nổi một người lùn thì làm sao có thể trở thành chỗ dựa cho Hướng Viễn được.
Đến cả vợ chồng Diệp Bỉnh Lâm cũng phát hiện ra nỗi ưu tư của cậu : số lần đo chiều cao mỗi ngày của cậu còn nhiều hơn ăn cơm. Cậu vốn chưa bao giờ chủ động đề nghị mua đồ đạc, thế mà bây giờ cứ bám theo bố và dì xin xỏ lòng vòng mua đủ thứ vitamin tăng trưởng chiều cao, chơi bóng rổ như điên như dại. Ngay đến Diệp Khiên Trạch ở nước ngoài cũng nhận được điện thoại của cậu em lén lút hỏi dò xem lúc anh trai mười sáu tuổi cao đến đâu, còn hỏi hai con hươu cao cổ cùng được một con hươu cao cổ mẹ sinh ra thì có khi nào một con cao một con thấp không. Diệp Khiên Trạch vô cùng hoang mang đem chuyện này kể cho Hướng Viễn nghe, cô mới phát hiện ra những lời nói vô tâm của mình đã khiến cậu bé vốn mang tâm sự này càng thêm ám ảnh tâm lý. Và cho dù không hiểu tại sao Diệp Quân lại quan tâm đến vấn đề này như vậy song Hướng Viễn vẫn nghĩ ra cách để khuyên giải cậu, cô nói với Diệp Quân : “Bố em có vóc dáng cao, mẹ em cũng không thấp, cứ nhìn anh trai em là biết sau này em chẳng thấp được đâu. Nhóc này, sao rảnh rỗi nghĩ những chuyện vớ vẩn làm gì thế ?”. Nhưng Diệp Quân làm sao nghe được những lời nói này ? Sau lần đến trường Hướng Viễn đưa đồ, cậu không chịu sánh vai đi ngang với cô nữa. Hướng Viễn nghĩ, nếu không phải năm lớp mười, cậu bé này bỗng nhiên cao bổng lên như một cây non mùa xuân, chỉ trong nửa năm mà từ vị trí ngồi hàng hai bị đổi xuống hàng số ba đếm ngược từ dưới lên thì không biết cậu có còn sầu não buồn khổ vì chuyện này không nữa ?
------- Hết chương 10-------