Xuân Hạ Thu Đông Rồi Lại Xuân

Chương 5

Mới tám giờ, trời đã tối đen như mực.

Con phố cổ về đêm càng yên ắng đến rợn người.

Khoảng sáu giờ, Tôn Úc Khả đã nhắn tin báo cho Khuông Ngữ Điềm rằng đội của Khuông Tư Mẫn giành chức vô địch và hiện tại con bé đã trở lại trường học.

Khuông Ngữ Điềm không trả lời tin nhắn, lúc này đầu óc cô đang rất rối loạn, ngay đến bước chân cũng trở nên phù phiếm. Cô đi mãi, đi mãi mà không hề có mục địch, cuối cùng không hiểu vì sao lại dừng trước cánh cửa quen thuộc.

Mấy năm trước, chính phủ bắt đầu thực hiện dự án cải tạo khu phố cổ, nhưng do vấn đề về quy hoạch nên chỉ phía đông của con phố là bị phá bỏ, sau khi trưng cầu ý kiến của người dân thì nhà thầu đã quyết định trùng tu xây dựng lại theo lối kiến trúc cũ của con phố cổ. Chính vì vậy mà trên cùng một con đường, mặt phía đông là dãy nhà mới, còn mặt phía tây vẫn là dáng vẻ cổ kính ban đầu.

Thời gian trôi qua, cái mới đan xen cái cũ, chính phủ rót vốn đầu tư, nhà cao tầng mọc lên như nấm, con phố cổ chẳng còn mấy gương mặt thân quen, những người lui tới nơi này cũng toàn người xa lạ.

Không giống như trước đây, hàng xóm láng giềng ai ai cũng quen mặt nhau, khi đó nhà Khuông Ngữ Điềm ở phố đông, còn nhà Ninh Lẫm ở phố tây. Ở giữa hai nhà là một con phố dài, nhưng thật ra chỉ cách nhau có mấy mét.

Ninh Lẫm thích ném đá vào cửa sổ phòng Khuông Ngữ Điềm. Nhà của cô khá thấp, tầng hai cách mặt đất chưa tới ba mét, Ninh Lẫm lại cao to, anh chỉ cần đứng ở dưới và dang rộng hai tay là có thể dễ dàng đón lấy Khuông Ngữ Điềm.

Mỗi khi mẹ Khuông ngủ say, anh sẽ chở cô quanh chợ đêm trên chiếc xe đạp cũ kĩ, mùa hè ăn kem, mùa đông ăn hoành thánh, thỉnh thoảng bọn họ sẽ ăn kẹo bông gòn hoặc kẹo tò he bằng đường.

Mỗi lần có Khương Ngữ Điềm ngồi sau xe đạp, Ninh Lẫm sẽ đạp xe vèo vèo xuyên qua con phố cổ đầy hoa tử đằng, hoà với tiếng thét chói tai của người con gái sẽ là tiếng cười giòn tan của chàng thiếu niên.

Bụi bặm trên phố dính đầy người Ninh Lẫm, nhưng mùi hương trên người anh lại vô cùng dễ ngửi. Mùi hương đó là hơi thở nóng bỏng đặc trưng thuộc về nam sinh, là hương thơm nhẹ nhàng, khoan khoái của bột giặt. Cũng chính mùi hương này đã vương vấn trong cô suốt nhiều năm qua.

……

Khuông Ngữ Điềm bước lên từng bậc cầu thang.

Hành lang rất yên tĩnh, ngoại trừ tiếng động phát ra từ một bà lão đang ngồi đan sọt trên chiếc ghế gỗ thì không gian xung quanh vô cùng tĩnh lặng.

Do ăn uống không đủ chất dinh dưỡng trong thời gian dài nên bà lão trông rất xanh xao, hai cánh tay gầy guộc nhăn nheo cầm cái sọt chẳng có mấy thịt. Thấy có người đi tới, bà lão hơi sửng sốt, bà nheo mắt nhìn Khuông Ngữ Điềm, khi nhận ra cô thì bà lão thốt lên một tiếng “ồ" đầy cảm thán.

Bà lão cũng là người sống trong khu phố cổ này, bà mưu sinh bằng nghề đan sọt. Ngày xưa bà thường cầm theo chiếc ghế gấp nhỏ và ngồi ở khắp đầu đường cuối ngõ, vào những buổi chiều tà ấm áp, bà có thể ngồi đan sọt cả buổi trời.

Mùa hè đến, mỗi khi Khuông Ngữ Điềm bé bỏng chạy ngang qua, bà lão sẽ gọi cô bằng chất giọng khàn khàn, sau đó dẫn cô vào nhà và lấy cho cô một cây kem mát lạnh trong chiếc tủ lạnh cũ kỹ. Bà lão còn xoa đầu cô, hỏi han cô vài chuyện vụn vặt nhưng lúc nào cũng lặp đi lặp lại một vấn đề…

“Điềm Điềm, khi nào thì cháu gả cho anh Đại Ninh?" Bà lão cười tủm tỉm rồi vuốt cái sọt trong tay, ngón tay bà nhăn nheo, khô khốc như vỏ cây.

“Cháu nhớ mời bà uống chén rượu mừng đó."

Giọng nói già nua vang lên bên tai khiến Khuông Ngữ Điềm lập tức hoàn hồn, cô cúi đầu, đối diện với đôi mắt vẩn đục của bà lão, “Dạ, bà mới nói gì vậy ạ?"

Ánh đèn nhợt nhạt ngoài hành lang chiếu lên mái tóc bạc trắng của bà lão và khuôn mặt nhăn nheo hằn rõ những thăng trầm tang thương của nửa đời người.

Bà lão trông già hơn trước, lưng cũng còng hơn xưa. Không ai còn nhớ bà xuất hiện ở con phố cổ từ khi nào, bà giống như một vị khách tha hương, không người thân, không bạn bè, mỗi ngày chỉ biết vùi đầu vào đan sọt để kiếm sống qua ngày đoạn tháng.

Nghe nói mấy năm trước sức khoẻ của bà đã yếu đi rất nhiều, đôi mắt vẩn đục không còn thấy rõ đồ vật, tinh thần cũng không minh mẫn do mắc chứng đãng trí tuổi già, bây giờ bệnh này lại càng thêm nghiêm trọng.

“Điềm Điềm, bà nhớ rõ người mà cháu thích nhất chính là Đại Ninh. Trước đây bà cho cháu kem, cháu lúc nào cũng phải để phần cho thằng bé. Cả khu phố này cũng chỉ có cháu thương nó mà thôi."

“Giờ cháu đã lớn như này rồi à, bao nhiêu tuổi rồi nhỉ? Cháu và Đại Ninh đã cưới chưa? Sinh được mấy đứa rồi?"

Những câu hỏi được đặt ra liên tiếp khiến Khuông Ngữ Điềm mờ mịt không biết phải làm sao, giữa đêm đen sâu thẳm, cô bỗng nhiên giật mình hoảng hốt.

Cô bao nhiêu tuổi rồi nhỉ… hình như lâu lắm rồi cô không biết sinh nhật là gì, cô cũng không còn nhớ đến tuổi tác của mình nữa.

Vừa nãy nghe thấy bà lão hỏi như vậy, xuýt chút nữa cô đã buột miệng thốt ra câu “Cháu hai mươi tuổi". Cũng may cô kịp tỉnh táo lại và nhận ra mình đã gần ba mươi.

Thời gian đúng là tàn nhẫn hơn cô nghĩ, cô nhớ sáng nay khi ngồi trang điểm trước gương, đồi mồi nơi khoé mắt và vết chân chim loáng thoáng đã nhắc nhở cô rằng cô không còn là cô thiếu nữ hoạt bát tuổi đôi mươi.

Cơn đau âm ỉ kéo dài đột nhiên bóp chặt trái tim Khuông Ngữ Điềm. Bóng hình quen thuộc của người đó lại hiện ra ngay trước mắt cô, khi ấy cô mới chỉ hai mươi và người đó cũng còn rất trẻ.

Mỗi ngày anh sẽ đạp xe tới dưới nhà cô rồi dùng đá ném vào cửa sổ, sau đi đón được cô, hai người bọn họ sẽ cùng nhau rong ruổi khắp đường lớn ngõ nhỏ trong khu phố cổ.

Rõ ràng anh đã chết rất nhiều năm, vậy mà ký ức của cô vẫn dừng lại ở năm hai mươi tuổi và luôn dừng lại ở giây phút anh rời đi.

Khuông Ngữ Điềm dụi dụi khoé mắt, cô do dự hồi lâu rồi mới nói, “Nhanh thôi bà ạ. Đợi đến ngày cháu cưới, cháu nhất định sẽ mời bà tới uống chén rượu mừng."

Bà lão mỉm cười gật đầu và xúc động nói, “Dựng vợ gả chồng là tốt rồi, sau này lấy nhau còn phải sinh con đẻ cái, hai đứa nhớ đừng cãi nhau. Vợ chồng đầu giường cãi nhau cuối giường hoà giải, có chuyện gì cũng phải từ từ nói. Đừng để Đại Ninh bỏ đi, đợi khi nào bà gặp thằng bé, bà sẽ phân tích để nó hiểu và nhận sai với cháu, cháu mau đi gọi Đại Ninh về đi, có lẽ thằng bé rất nhớ cháu."

Bà lão nói xong bèn cúi đầu, lộ ra cái cổ gầy trơ xương, bà lục lọi trong túi áo rồi lấy ra một tờ giấy màu xanh đưa cho Khuông Ngữ Điềm.

Tờ giấy vuông vắn, mặt trên là dòng chữ “Tổ công tác điều tra dân phố, vui lòng liên hệ để biết thêm chi tiết…", kèm theo đó là số điện thoại di động.

Bà lão nói rất chậm, lại còn không rõ ràng, “Điềm Điềm à, bà để cho cháu số điện thoại, học xong nhớ tìm bà, bà dẫn cháu đi ăn kem."

Khuông Ngữ Điềm nhận lấy tờ giấy, cô cầm lên xem thì thấy hơi quen quen, hình như mấy hôm trước cô từng thấy nó dán ở trước cửa.

Điểm khác biệt duy nhất là tờ giấy kia màu vàng, còn tờ giấy này màu xanh.

Khuông Ngữ Điềm mím môi, cô nghiêng đầu nhìn lên cánh cửa đang đóng kín.

Tờ giấy màu vàng dán trên cửa đã biến mất??

Khuông Ngữ Điềm đứng yên không động đậy, cảm giác bất an và rùng mình bao trùm toàn bộ người cô, những mảnh vỡ rời rạc dần được ghép lại thành một bức tranh hoàn chỉnh… người đàn ông cụt tay mà cô gặp được trong bệnh viện, cô còn nghe thấy người ta gọi anh là “A Lẫm". Rồi tới con trai của chị Tống, giọng nói non nớt của cậu bé vẫn văng vẳng bên tai cô, “Con nhìn thấy chú quái vật không tay ở ngoài cổng trường, ngày nào chú quái vật cũng đi qua đi lại."

Khuông Ngữ Điềm cố nén sự mong đợi đang dâng lên trong lòng, cô chỉ vào cánh cửa đóng chặt và nhỏ giọng hỏi bà lão.

“Bà ơi, tờ giấy dán trên cửa đâu rồi?"

Bà lão nhìn theo hướng tay Khuông Ngữ Điềm, “Có người lấy đi rồi."

Khuông Ngữ Điềm nín thở, trái tim cô bị siết chặt bởi một thứ gì đó, tất cả mong đợi và khao khát sắp không thể kìm nén được nữa rồi, cô chỉ biết lặng người đứng đó và gần như chẳng thể suy nghĩ bất cứ điều gì.

Khuông Ngữ Điềm nhìn bà lão, giọng cô run run, “Ai lấy đi vậy bà?"

Bà lão nghe vậy bèn quay đầu đắn đo suy nghĩ.

Trong bóng tối tĩnh lặng, hàng mi bà lão khẽ run lên, động tác nhỏ này hiện quá rõ ràng trong mắt Khuông Ngữ Điềm.

Thình thịch, thình thịch… nhịp tim của Khuông Ngữ Điềm bắt đầu tăng tốc độ.

Dường như có ai đó đang cầm búa và từ từ gõ vào trái tim cô, khiến nó muốn vỡ ra và bùng nổ.

Một lúc lâu sau, bà lão đột ngột nói, “À bà nhớ ra rồi."

“Còn ai lấy đi được nữa, bà đã nói với cháu rằng vợ chồng phải nhường nhịn, đừng có cãi nhau. Đại Ninh chờ cháu lâu lắm rồi, cháu mau đi gọi thằng bé về nhà đi."

Mọi thứ xung quanh đều yên tĩnh, chỉ có giọng nói của bà lão vang vọng giữa hành lang dài trống trải, sau đó dần tan biến vào màn đêm.

“Tờ giấy kia là Đại Ninh lấy đi đó."
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi

Truyện cùng thể loại