Vương Mệnh
Chương 225 Sơ Nhập Thần Sơn
Thần Sơn, thánh địa của cả Thần Nông thị, của Viêm tộc, Khương tộc, Dung tộc, Lê tộc, và của cả nam phương chư tộc.
Thần Sơn là nơi phụng thờ Tôn miếu của lịch đại tổ tiên, và cũng là nơi cư trú của một trong Tam đại Cổ Thần tộc – Giang tộc.
Hôm nay, Giang Phong theo Giang lão đi đến Thần Sơn để hoàn thành nhiệm vụ “Trùng chấn Tôn miếu".
May mắn cho Giang Phong vì Giang lão vốn thuộc Giang tộc, nên việc lên Thần Sơn không có gì là khó khăn.
Nhiệm vụ vì thế cũng trở nên dễ dàng hơn.
Từ chân núi nhìn lên, toàn Thần Sơn sơn lâm cẩm tú, sơn thúy mĩ lệ, giữa những tia bạch sắc linh khí vờn bay liễu nhiễu, phảng phất như là nơi cư ngụ của thần thánh.
Từ sườn núi cho đến đỉnh núi có rất nhiều đình đài lâu các nằm trải dọc theo sơn đạo uốn khúc quanh co.
Tất cả các kiến trúc đều tinh mỹ như là những kiện nghệ thuật phẩm, là một trong những biểu hiện cho sự tôn quý thần thánh của Thần Sơn.
Đi dọc theo sơn đạo dài hơn hai mươi dặm, Giang Phong mới đặt chân lên đến đỉnh núi.
Đấy là một khu đất bằng phẳng, bán kính phạm vi hơn mười dặm (4000 mét), mặt đá trơn bóng, giống như đỉnh núi bị một thanh cự kiếm cực kỳ sắc bén cắt ngang qua vậy.
Trên đỉnh núi có vô số đình viện lâu các, nhưng nổi bật hơn cả là quần thể Tôn miếu nằm ở trung tâm, nguy nga tráng lệ, với ba tòa Tôn miếu rộng lớn nhất, tráng lệ nhất nằm ngay chính giữa : Phục Hy Tôn Miếu, Nữ Oa Tôn Miếu, Đế Giang Tôn Miếu.
Xung quanh còn có một số tòa Tôn miếu nhỏ hơn, thờ phụng tổ tiên của các tộc.
Giang lão đưa Giang Phong đến một đình viện thanh nhã nằm ở vòng ngoài, rồi nói :
- Gian đình viện này là chỗ ở của lão trước đây.
Cậu hãy tạm nghỉ ngơi ở đây đã.
Để lão đi báo với tộc trưởng tiếp kiến cậu.
Giang Phong vâng theo sự sắp đặt của Giang lão, ở lại đình viện nghỉ ngơi.
Từ trên đỉnh núi nhìn xuống bên dưới, tự nhiên cảm thấy một phong vị khác hẳn.
Giang lão đi một lúc lâu, khoảng hơn nửa giờ sau mới quay lại, bảo :
- Tộc trưởng và các vị trưởng lão hiện đang ở Đại điện chờ gặp cậu.
Giang Phong liền theo Giang lão đi đến Đại điện.
Đó là tòa kiến trúc lớn nhất trên đỉnh núi, tất nhiên trừ Tam đại Tôn miếu ra.
Đại điện rộng khoảng 20 mét, cao khoảng 10 mét, sơn son thếp vàng cực kỳ tráng lệ.
Trước cửa Đại điện, hơn hai mươi người, gồm cả thanh niên, trung niên, lão nhân đã đứng chờ sẵn, thái độ rất trịnh trọng.
Giang Phong biết bọn họ coi trọng nhiệm vụ mà Giang Phong đang thực hiện chứ không phải bản thân Giang Phong.
Dẫn đầu bọn họ là một trung niên nhân, tướng mạo thanh tú văn nhã, thần thái oai nghiêm nhưng ôn hòa, chính là tộc trưởng Giang tộc.
Theo Giang lão cho biết, tộc trưởng Giang tộc còn lớn tuổi hơn cả Bách Tuế Tôn Sư, có điều đạo hạnh cao thâm nên ngoại mạo mới trẻ trung như thế.
Giang Phong bước vội tới, cúi người vòng tay nói :
- Ta là Thiếu Quân, Thần Sư của Văn Tổ Thần Miếu, xin bái kiến tộc trưởng, chư vị trưởng lão.
Giang tộc tộc trưởng mỉm cười hòa nhã nói :
- Cậu là đại diện của chư tổ tại nhân gian, còn bản tộc phụ trách giữ gìn hương hỏa của chư tổ, chúng ta xem như cũng là người một nhà cả.
Cậu không cần khách sáo như thế.
Giang Phong nói :
- Tôn kính bậc tôn trưởng là việc nên làm.
Giang tộc tộc trưởng hài lòng cười nói :
- Được rồi, được rồi.
Chúng ta hãy vào trong trước đã.
Mọi người vào trong Đại điện, phân ngôi thứ cùng ngồi.
Giang tộc tộc trưởng giới thiệu với Giang Phong các vị trưởng lão của bản tộc.
Tuy bọn họ không mấy nổi danh, nhưng Giang Phong biết rằng ai nấy cũng đều đạo hạnh cao thâm cả.
Trước khi lên đây, Giang lão còn cho Giang Phong biết rằng Thần Sơn linh khí hội tụ, tu luyện ở đây hiệu quả hơn ở những nơi khác rất nhiều.
Trò chuyện một lúc, Giang Phong lấy ra Bản vẽ Phục Hy Thần Tượng, trao cho Giang tộc tộc trưởng, nói :
- Tộc trưởng đại nhân.
Chư tổ giao cho ta nhiệm vụ mang Bản vẽ Phục Hy Thần Tượng lên đây để trùng chấn Tôn miếu, đồng thời thỉnh cầu tộc trưởng đại nhân ban cho một Bản vẽ Nữ Oa Thần Tượng để Thần Miếu dựng miếu phụng thờ.
Giang tộc tộc trưởng trịnh trọng nhận lấy bản vẽ.
Các vị trưởng lão cũng đều đứng cả dậy.
Tộc trưởng nói :
- Thiên niên di nguyện của tổ tiên nay đã đạt thành, công lao của cậu vô cùng lớn đó nha.
Chúng ta cần phải kiến tạo Thần tượng ngay mới được.
Cậu hãy tạm nghỉ ngơi ở đây, ta sẽ cho sao lục lại Bản vẽ Nữ Oa Thần Tượng cho cậu.
Nếu cậu cần gì, cứ bảo với Tiểu Bình.
Nghe nói đến Tiểu Bình, Giang Phong hơi ngạc nhiên, nhưng thấy tộc trưởng nhìn Giang lão, còn Giang lão thì có vẻ ngượng ngùng, liền hiểu ngay Tiểu Bình chính là Giang lão.
Cả tộc trưởng và các vị trưởng lão đều có tuổi tác và bối phận cao hơn Giang lão nhiều, nên xưa nay vẫn gọi vậy quen rồi.
Có điều, khi Giang Phong nhìn một trung niên nhân gọi một lão già là Tiểu Bình, thật sự có cảm giác rất đặc biệt.
Nghỉ lại Thần Sơn, đương nhiên Giang Phong không thể bỏ qua cơ hội đi dạo quanh núi.
Dạo quanh một vòng trên đỉnh núi, Giang Phong đi vào một đường mòn phía sau Đại điện, đi về hướng hậu sơn.
Chuyển qua mấy đoạn sườn núi, cảnh sắc tú lệ, huyền ảo như cõi thần tiên khiến Giang Phong không nỡ dừng bước, đi mãi, đi mãi.
Nửa giờ sau …
Trước mặt Giang Phong là một cái hồ trên núi, chiều rộng khoảng hai dặm (800 mét), nước hồ trong vắt, xung quanh là khu rừng trúc, cảnh sắc thanh nhã thoát tục.
Nhưng điều khiến Giang Phong chú ý hơn cả là mật độ linh khí ở đây cực cao, hiển nhiên là một nơi phong thủy bảo địa.
Thế mà ở đây lại không có một kiến trúc nào của Giang tộc cả, khiến Giang Phong rất ngạc nhiên.
Ngồi bên bờ hồ, ngắm mặt nước lăn tăn gợn sóng, gió hiu hiu thổi, linh khí ngưng đọng như sương vờn quanh thân thể, Giang Phong cảm thấy trong lòng thanh thản.
Đột nhiên, Giang Phong nghe có tiếng gọi :
- Cậu bé mới lần đầu đến đây à ?
Giang Phong giật mình ngơ ngác nhìn quanh.
Không thấy ai cả.
Thanh âm kia lại tiếp tục :
- Cậu bé.
Không cần tìm nữa.
Ta ở đây.
Tiếp đó, mặt hồ nổi sóng dữ dội.
Rồi một con rùa nhô lên khỏi mặt nước, ánh mắt lấp lánh tinh quang nhìn về phía Giang Phong, miệng hơi nhếch lên, có vẻ như đang cười.
Con rùa này không có gì đặc biệt nếu như không có thần thái nhân tính hóa và thể hình cự đại.
Thân hình của linh quy to lớn tương đương tòa Đại điện của Giang tộc.
Giang Phong sau một lúc kinh ngạc, vội vòng tay hướng về linh quy, hỏi :
- Đại nhân mới gọi ta phải không ạ ?
Trong Vương Mệnh, khi nói chuyện với những nhân vật có địa vị cao nhưng không biết rõ thân phận thật sự thì đều gọi là đại nhân.
Linh quy gật gù nói :
- Phải đó.
Ta thấy cậu bé lạ mặt, chắc mới đến đây lần đầu.
Ha ha.
Những người ở đây chẳng ai dám đến nói chuyện với ta cả.
Lâu rồi không có ai nói chuyện nên cũng buồn.
Giang Phong nghe nói vậy, nghĩ rằng linh quy địa vị hẳn không tầm thường, nên mới bá chiếm được nơi phong thủy bảo địa như thế này, và những người khác mới không dám đến quấy nhiễu.
Có điều linh quy thân thiện như thế, cùng nói chuyện một lúc giải buồn cũng chẳng sao.
Giang Phong mỉm cười nói :
- Ta gọi là Thiếu Quân của Thần Thánh quốc độ.
Xin hỏi đại nhân xưng hô thế nào ạ ?
Linh quy nói :
- Ta ư ? Ha ha.
Mấy vạn năm nay người ta đều gọi ta là Giang sứ.
Ngươi cứ gọi thế cũng được.
Còn tên thật của ta là gì, lâu quá rồi không dùng, ta cũng không nhớ nữa.
Giang Phong hỏi :
- Giang sứ đại nhân hẳn cao tuổi lắm rồi ?
Linh quy nói :
- Tuổi ư ? Ha ha.
Ta sống được bao lâu rồi ta cũng không nhớ rõ nữa.
Ta chỉ nhớ rằng ta đã sinh sống ở sông Giang từ rất lâu trước khi Giang tộc đến đó định cư.
Năm xưa Đế Giang với ta là bạn bè, nên ta mới được Giang tộc cung phụng.
Nói vậy linh quy đã sống được ít nhất cũng bốn, năm vạn năm rồi.
Quy tộc quả là trường thọ.
Đương nhiên sống lâu được như thế hẳn là đạo hạnh phải cao thâm vô cùng.
(chú : rùa thần xuất hiện trong các truyện truyền thuyết của người Việt, như rùa thần dạy An Dương Vương xây Loa Thành và cho móng làm nỏ thần, rùa thần đòi kiếm của Lê Lợi, … đều được gọi là Giang sứ.
Trong các truyện của người Việt, mọi sinh vật không phải là người tu hành đều trở thành yêu quái.
Duy chỉ có loài rùa là ngoại lệ.
Rùa là linh vật được người Việt thờ phụng, được tôn xưng là Giang sứ, là sứ giả của đức Long Quân.
Mọi đình miếu đều có tượng rùa.
Và rùa còn là biểu hiện của trí tuệ - người Việt cổ dùng mai rùa để ghi chép văn tự, nên có hình ảnh con rùa đội bia).