Vương Mệnh
Chương 211 Phân Chia Đội Ngũ
“Thần lịch nguyên niên, xuân vương chính nguyệt, Bắc triều Hoàng tộc đại quân tiến vào địa giới Bình Nguyên, kinh đô cáo cấp.
Nam phương chư tộc động viên toàn dân viện trợ Bình Nguyên.
Vô số dân gian tổ chức hăng hái lên đường ra tiền tuyến.
Hai ngày sau khi quân dân nam phương chư tộc tham chiến, Bắc quân lần đầu tiên bại trận, tử thương quá vạn, bị đẩy lùi ra khỏi địa giới Bình Nguyên.
Viêm triều chuẩn bị đại phản công, giành lại cương thổ đã mất."
(Thần Thánh quốc sử - Bình Nguyên chiến tranh liệt truyện)
Bình Nguyên là một tòa thành thị lớn, cấp bậc Vương đô (10 cấp thành thị), là kinh đô của Viêm triều.
Tuy nhiên, vì ảnh hưởng của chiến tranh, cảnh phồn hoa đô hội nay không còn nữa.
Sau khi quân đội liên tục bại trận, quân giặc đã xâm phạm đến tận địa hạt Bình Nguyên, nên khắp nơi chỉ còn thấy vẻ lo lắng bất an của dân chúng.
Toàn thành thị phủ trùm một không khí trầm lặng đáng sợ.
Thế nhưng, kể từ hôm qua đến nay, Bình Nguyên đột nhiên trở nên nhộn nhịp khác thường.
Vô số người chơi từ nam phương kéo đến tham chiến, đã giúp chặn đứng được bước tiến của quân giặc.
Dân chúng Bình Nguyên lần đầu tiên cảm thấy hy vọng.
Tuy vậy, vẫn có một số hào tộc phú gia âm thầm thu gom tài sản, chuẩn bị di cư về phương nam lánh nạn.
NPC thì như vậy, còn về phần người chơi thì lại vô cùng hưng phấn, hết xuất thành tham chiến rồi lại hồi thành nhận thưởng, liên miên bất tuyệt.
Khác với các chiến dịch trước đây, mục tiêu của người chơi lần này chủ yếu nhắm vào “nhân", tức là phần tưởng lệ NPC sĩ binh và dân chúng.
Sau khi thu thập được một lượng chiến dịch công huân nhất định, đa số người chơi không giữ lại đến cuối chiến dịch mà đều trở về thành đổi ngay thành tưởng lệ, sau đó lập tức nhượng lại cho các bang hội để lấy kim tệ.
Thời giá lúc này, một NPC dân thường tương đương 3 kim tệ, đặc thù chức nghiệp sẽ cộng thêm chút nữa (“đặc thù" ở đây là chỉ có tay nghề, như thợ may, thợ rèn, thợ mộc, nông dân, ngư dân, …).
Các bang hội cũng cử người chuyên trách việc “chuyển nhượng", và liên tục phân nhóm đưa về thôn làng của mình.
Ai nấy cũng đều muốn sớm thăng cấp lãnh địa.
Chỉ đến sáng hôm nay, đã có hàng chục thôn làng đã thăng cấp lên Hương, thậm chí nghe nói còn có người đang làm nhiệm vụ thăng cấp lên tiểu trấn.
Chỉ một thời gian ngắn, người chơi đã bước được một bước tiến dài, những bậc thức giả đã nhìn thấy được viễn cảnh quần hùng tranh bá không còn xa nữa.
Thời kỳ này được “Vương Mệnh sử ký" ghi nhận là giai đoạn “Dị nhân quật khởi".
Khi bọn Thiên Lang đến Bình Nguyên, chiến dịch đã bước sang ngày thứ hai.
Từ bốn cổng thành, người chơi liên tục ra vào không ngớt.
Các địa điểm đổi tưởng lệ của Quan Phủ lúc nào cũng đông người, phải làm việc suốt cả ngày đêm.
Sau khi Thiên Lang quân đoàn tập hợp, mọi người ai nấy đều kinh ngạc khi nhận ra nhân số đã tăng thêm gấp bội còn hơn, tất cả đều do các thành viên cũ dẫn tiến gia nhập.
Sau trận chiến Ngân Long trại, các thành viên của Thiên Lang quân đoàn trong túi đều rủng rỉnh tiền, có thể hưởng thụ cuộc sống của một tiểu phú ông, khiến không ít người nhãn hồng.
Do vậy mà lần tụ họp này đã có hàng trăm người nhờ bằng hữu dẫn tiến.
Nhìn gần năm trăm khuôn mặt quen có lạ có, ai nấy đều hưng phấn sẵn sàng ra trận, Thiên Lang khẽ lắc đầu, trầm ngâm giây lát, mới quyết định :
- Lần này chúng ta tiến hành du kích chiến, tập trung đông người không có lợi cho chiến đấu.
Mọi người hãy chia thành 4 đội, do ta, Triệu huynh, Lã huynh, Hoàng huynh độc lập chỉ huy.
Chỉ khi cần thiết mới tập hợp lại cộng đồng tác chiến.
Thiên Lang nói xong, mọi người đưa mắt nhìn nhau, rồi tùy theo sự yêu thích cá nhân mà phân thành 4 nhóm.
Lúc này, Triệu Tiếu Thiên vừa mừng vừa ngại.
Gần năm trăm người thì có đến hai trăm chạy về phía họ Triệu.
Điều đó chứng tỏ mọi người đều kỳ vọng nhiều ở gã, hy vọng gã có thể dẫn dắt mọi người hướng đến thành công.
Triệu Tiếu Thiên có một thân bạch ngân trang bị, có hàng loạt chiến đấu kỹ năng lợi hại, lại dũng mãnh xung phong hãm trận không nề nguy hiểm, hơn nữa còn là Thiếu trại chủ Cửu Khúc Liên Hoàn Trại, nên được mọi người đánh giá rất cao.
Gã nhìn những người tụ tập xung quanh, rồi nhìn bọn Thiên Lang, ngượng ngùng gãi đầu.
Thiên Lang là danh nhân, danh vọng lại cao, nên cũng có khá nhiều người chọn đi theo.
Số người tụ tập quanh Thiên Lang độ gần trăm rưỡi, với khoảng một nửa là những huynh đệ có hộ tịch tại Thiên Ân làng, đi theo Thiên Lang từ lâu.
Số còn lại là những người mộ danh Thiên Lang mà gia nhập.
Bọn họ đi theo vì tin tưởng vào năng lực thống binh của Thiên Lang, cũng như đội thân binh thiện chiến.
Còn Bố Y Thần Toán Hoàng Thắng và Tế tự Lã Phúc thì vừa buồn vừa thẹn.
Xung quanh mỗi người họ chỉ tụ tập được có vài chục huynh đệ.
Cộng chung lại cũng chưa bằng số người đi theo Thiên Lang, đừng nói chi đến Triệu Tiếu Thiên.
Điều đó cho thấy năng lực của bọn họ không được mọi người thừa nhận.
Lã Phúc thì không sao, vì bản thân là tế tự, không sở trường về phương diện chiến tranh.
Còn họ Hoàng tự nhận làu thông binh thư, kế mưu đầy bụng, vậy mà chẳng được mấy người tin tưởng nên rất buồn lòng, ngửa mặt nhìn trời thầm than : tài không gặp thời a.
Lã Phúc thấy tình huống như vậy, tủm tỉm cười nói với những người tụ tập xung quanh :
- Ta là tế tự, không thiện trường chỉ huy chiến đấu, thôi thì mọi người hãy đi theo Hoàng huynh đệ vậy.
Hoàng huynh đệ kinh luân đầy bụng, mưu lược tinh thông, tương lai rất có triển vọng trở thành một vị quân sư nổi danh đấy.
Hoàng Thắng thấy Lã Phúc không những nhường đội ngũ lại cho, mà còn hết lời tán dương, ánh mắt lộ vẻ cảm kích, phe phẩy quạt lông, nói :
- Xung phong hỗn chiến thì ta không thể nào sánh bằng Triệu huynh đệ, nhưng về kế mưu thì tin rằng Triệu huynh đệ không thể bằng ta.
Mỗi người có sở trường riêng.
Mọi người yên tâm.
Ta sẽ cùng mọi người hợp lực để cùng nhau đi đến vinh quang.
Lời nói của họ Hoàng rất lợi hại, tuy không trực tiếp đả kích Triệu Tiếu Thiên, nhưng thầm nhắc nhở mọi người rằng gã sở trường bày mưu tính kế, mà lần này mọi người sử dụng chiến thuật du kích, mưu kế cần thiết hơn vũ lực.
Do đó những người chọn theo Lã Phúc giờ chuyển sang đội ngũ của họ Hoàng mà không oán thán gì.
Nhìn thấy đội ngũ đã đông gần trăm rưỡi, họ Hoàng lấy lại tự tin, nói với Lã Phúc :
- Lã huynh.
Chúng ta cùng nhau phấn đấu nhé.
Lã Phúc tủm tỉm cười nói :
- Ta sẽ không theo để huynh đệ khỏi phân tâm.
Ta đi cùng Thiên Lang huynh đệ.
Nói xong chuyển bước đi sang chỗ bọn Thiên Lang.
Hoàng Thắng định nói thêm gì đó, nhưng rồi lại thôi.
Bọn họ vốn ngang hàng nhau, trong Thiên Lang quân đoàn chỉ công nhận Thiên Lang là tổng lĩnh đương nhiên và duy nhất, nay bảo họ Lã đi theo làm phó thủ thì gã cũng ngại mở miệng, còn cùng nhau chỉ huy thì cũng không ổn, dễ làm mất đi sự thống nhất của đội ngũ, gây khó khăn trong tác chiến.
Phân chia đội ngũ xong, Thiên Lang lại nói :
- Chúng ta đã chia làm 3 đội, từ giờ sẽ độc lập tác chiến, chiến lợi phẩm tự hành xử lý.
Khi nào có nguy cấp mới phải thông tri các đội khác viện trợ.
Mọi người không có ý kiến gì chứ ?
Không ai có ý kiến gì, và mọi người chia nhau lên đường hành sự.
Triệu Tiếu Thiên là võ tướng, thuộc loại hình hiếu chiến, ưa động chân đao chân thương, lập tức đến Quan Phủ nhận lãnh nhiệm vụ, rồi thống lĩnh chúng huynh đệ bôn phó chiến trường.
Hoàng Bố Y thuộc mưu lược hình, hành sự thận trọng, kế hoạch rõ ràng, nên trước tiên phái người đi thăm dò tin tức chiến trường, để tiện định kế hoạch tác chiến, đồng thời cho những người còn lại nghỉ ngơi dưỡng sức, chuẩn bị chiến đấu, quyết phen này phải đạt được chiến công vang dội hơn cả nhóm của Triệu Tiếu Thiên.
Thiên Lang tâm tính bình hòa trung chính, không quá đặt nặng vấn đề hơn thua, hành sự cứ thuận theo tự nhiên.
Trước tiên Thiên Lang phái Tiểu Vương dẫn một số huynh đệ linh lợi nhanh nhẹn đi thám thính tình hình chiến sự, phái Tiểu Lý đi đến các điểm phát bố nhiệm vụ để nghiên cứu các loại hình nhiệm vụ và tưởng lệ.
Còn Thiên Lang thân tự đi đến Phủ Đường, dùng danh nghĩa Thiên Lang gia tộc đăng ký tham chiến.
Thiên Lang gia tộc tuy chỉ là tiểu gia tộc, thành viên chỉ vài chục người, nhưng trong Man đô chiến dịch, công huân của Thiên Lang đứng hàng thứ hai, nên được Quan Phủ đặc biệt trọng thị.
Viên văn quan nói riêng với Thiên Lang :
- Lần này đánh đuổi Bắc quân xong, triều đình sẽ phong địa kiến quốc đó.
Cố gắng lên nhé.
Thiên Lang cả mừng, chắp tay nói :
- Đa tạ đại nhân.
Đoạn chia tay viên quan, rời Phủ Đường, đến hội họp cùng chúng huynh đệ.