Vương Mệnh
Chương 209 Giang Phong Kiến Quốc
“Thần lịch nguyên niên, xuân vương chính nguyệt (mùa xuân tháng giêng năm Quý Hợi), Vương kiến quốc, lập triều nghi, định đô Nguyên Thành, hiệu Thần Thánh quốc."
(Thần Thánh quốc sử - Khai quốc bản kỷ)
Sáng hôm sau, khi Giang Phong về đến Nguyên Thành, công việc chuẩn bị kiến quốc đã được lão Lâm An chuẩn bị xong hết cả, chỉ còn chờ Giang Phong đăng đàn tế bái thiên địa chư thần, tuyên bố kiến quốc.
Tất cả những nhân vật có địa vị trong lãnh địa đều tụ hợp về đây tham dự kiến quốc đại điển, như Giang lão, Hồ lão phu tử, Lưu Vân Tử dẫn đầu các giáo sư của Tử Long Học Viện; lão Lâm An, Âu Khang Tử dẫn đầu hàng văn quan; Tiêu Kỵ Đại tướng quân Vương Minh, Đại đô đốc Nguyên Phương dẫn đầu hàng võ tướng; kể cả mỹ mạo thanh niên Tiểu Bạch và Thạch Khê Thủ hộ thần (Sơn thần) cũng có mặt.
Tế đàn dựng bên bờ Nguyên Giang, hướng về phía tây bắc, được xây bằng đá vuông vắn, cao ba tầng, mỗi tầng 10 thước (4 mét), tầng dưới chu vi 240 thước (96 mét), xung quanh cắm 28 lá đại bạch kỳ, theo phương vị của nhị thập bát tú, có 112 vị tế tự thủ hộ; tầng giữa chu vi 120 thước (48 mét), xung quanh cắm 64 lá tiểu bạch kỳ, theo phương vị lục thập tứ quái, có 64 vị tế tự thủ hộ; tầng trên cùng chu vi 60 thước (24 mét), ở giữa có một bức Quy đồ lớn, chính giữa bức Quy đồ là bàn thờ, sắp bày đèn nhang lễ vật đầy đủ, hai bên bàn thờ có hai tiểu đồng đứng hầu.
Giờ lành đến, Giang Phong y quan tề chỉnh, trịnh trọng bước lên tế đàn.
Những người khác theo thứ bậc đứng cả bên dưới.
Tiểu đồng đốt nhang đèn.
Giang Phong đứng giữa tế đàn, mặt hướng về phía tây bắc, tay cầm tế văn, cao giọng đọc :
“Nhớ thuở xưa đất trời mới mở
Đạo tổ tiên chân chính rõ ràng
Mệnh trời giữ chẳng dễ dàng
Bao đời kính cẩn một lòng tuân theo.
Để tuân theo ta đây vẫn rán
Kế thừa e phân tán khó thay
Phận làm con cháu ta nay
Chẳng nề hoạn nạn dựng xây cơ đồ.
Dựng cơ đồ xây nền xã tắc
Học nối theo hiểu rõ sáng soi
Giúp ta trị nước, bề tôi
Cho ta thấy đức sáng ngời để theo."
Tế văn đọc xong, mây lành hội tụ, nghe như có tiếng âm nhạc từ thiên không truyền xuống, réo rắt vui tai.
Tiếp đó, một đạo bạch quang từ bức Quy đồ, tức chỗ Giang Phong đang đứng, đột ngột chiếu thẳng lên trời, cao hàng trăm thước.
Rồi Giang Phong nghe có hệ thống thanh âm thông báo :
- Đinh.
Chúc mừng Thiếu Quân, Thần sư kiến quốc, chính giáo hợp nhất, định đô Nguyên Thành.
Xin đặt quốc hiệu cho Vương quốc.
- Thần Thánh.
- Đinh.
Thần Thánh Quốc không trùng lặp.
Xin chúc mừng Thiếu Quân kiến lập Thần Thánh Quốc, đặc tưởng lệ Bản vẽ Thần cung.
Theo Giang Phong được biết, khi kiến quốc thì tùy theo quy mô quốc gia sẽ được hệ thống tưởng lệ Bản vẽ xây dựng Hoàng cung, Vương cung hay quốc quân phủ đệ.
Đó là đặc thù kiến trúc dành riêng cho đế vương, quốc quân.
Còn Giang Phong được Bản vẽ Thần cung, chắc là vì Giang Phong không chỉ là quốc vương, mà còn là tôn giáo lãnh tụ, chính giáo hợp nhất nên Vương cung biến thành Thần cung, là trung tâm của cả chính trị lẫn tôn giáo.
Lễ nghi đơn giản, Giang Phong tế lễ xong, liền quay xuống dưới đài nhận lễ triều bái của văn võ triều thần.
Các giáo sư của Tử Long Học Viện và hai vị Thủ hộ thần cũng đến chúc mừng.
Tiếp đó là đến phần phân phong quan chức.
Việc này đã được bàn bạc từ trước, giờ mới mang ra công bố :
Tiêu Kỵ Đại tướng quân Vương Minh thăng lên Tiêu Kỵ Nguyên Soái, kiêm lĩnh Quân vụ đại thần.
Chính vụ Tổng quản Lâm An thăng lên Chính vụ đại thần, kiêm lĩnh Nguyên Đô Bồ Chính Quan.
Đại đô đốc Nguyên Phương vẫn là Đại đô đốc, kiêm tổng lĩnh nam chinh đại quân.
Khi nào lão hoàn thành việc nam chinh, đẳng cấp đạt yêu cầu sẽ được thăng lên Nguyên Soái.
Âu Khang Tử được phong Ngoại vụ đại thần, kiêm lĩnh Châu mục Phong Khê.
Giang lão trở thành Thần Thánh Đại chủ giáo, Đại tế sư, tổng quản giáo vụ của Thần Miếu, kiêm phó Viện trưởng Tử Long Học Viện.
Hồ lão phu tử trở thành Thần Thánh Đại học sĩ, phó Viện trưởng Tử Long Học Viện, tổng quản học vụ của Học Viện.
Còn Long nhi đương nhiên trở thành Thái tử.
Đồng thời còn phong hàng loạt quan viên vào các chức vị lớn nhỏ khác, hợp nên triều đình.
Chức vụ Tài chính đại thần Giang Phong không phong cho ai cả.
Giang Phong trực tiếp quản lý tài chính, và lão Lâm An thay mặt trông coi.
Đối với Giang Phong, tiền là vấn đề cực kỳ nhạy cảm.
Những khoản chi lớn phải được Giang Phong đồng ý.
Vương quốc còn “nghèo", không thể phung phí được.
Lễ nghi xong, các đại thần văn võ lại tụ họp nghị sự.
Giang lão không tham gia, mà dẫn Hồ lão phu tử cùng các giáo sư Tử Long Học Viện đến Phục Hy Tổ Miếu bàn việc vẽ lại Bản vẽ Phục Hy Thần Tượng.
Thạch Khê Thủ hộ thần lên tiếng trước :
- Thần Vương bệ hạ.
Xin bệ hạ điều phái thêm vài nghìn dân nữa cho Thạch Khê Châu.
Tiểu thần chỉ còn thiếu vài nghìn tín ngưỡng lực nữa là đã có thể thăng lên hạ vị thần.
Tiểu thần mà trở thành hạ vị thần, sẽ phụ tá bệ hạ tốt hơn.
Giang Phong chợt nhớ y vốn có sẵn hơn sáu trăm năm đạo hạnh, chỉ cần chưa đến 4 vạn tín ngưỡng lực nữa là vượt qua ngưỡng 1 nghìn năm đạo hạnh, trở thành hạ vị thần.
Không ngờ y lại có năng lực như thế, chưa bao lâu mà đã thu được tín ngưỡng của dân chúng toàn châu rồi.
Có thêm được hạ vị thần thì càng tốt chứ sao.
Giang Phong quay sang hỏi Chính vụ đại thần là lão Lâm An :
- Thạch Khê Châu có tổng dân số là bao nhiêu ?
Lão Lâm An cung kính đáp :
- Trình bệ hạ.
Thạch Khê Châu hiện có 1 Đại trấn, 2 Hương trấn, 5 làng, 25 thôn.
Tổng dân số ước khoảng 3 vạn 6 nghìn người.
Riêng Thạch Khê Trấn có dân số vào khoảng 2 vạn rưỡi.
Thạch Khê Châu vốn là tân châu, được cắt ra từ Phong Khê Châu, nên toàn châu chỉ có 3 trấn và 30 thôn làng.
Nhưng nó nằm tại vị trí chiến lược, có con đường mòn nhỏ dẫn về phương nam mà nam chinh đại quân đang sử dụng.
Ở đó còn có đường dẫn đến Nguyên Thành, nhưng đã bị Giang Phong phá hủy.
Suy nghĩ một lúc, Giang Phong bảo :
- Đưa Thạch Khê Châu vào danh mục ưu tiên phát triển.
Tạm thời di dân khoảng 5 nghìn người đến đó.
Chờ An Phú Trấn thăng cấp thành Châu thành xong sẽ đến lượt Thạch Khê Trấn.
Thạch Khê Châu cũng cần hoàn thiện thành một châu tiêu chuẩn, có 1 Châu thành, 5 trấn và 50 thôn làng.
Giang Phong đã kiến lập Vương quốc, nên đã có thể phát ra Kiến thôn lệnh, tùy ý kiến thôn được rồi.
Còn muốn trở thành trấn thì chỉ cần di dân đến đó và thăng cấp lên thôi.
Chư hầu quốc và phụ dung quốc thì còn bị nhiều ước thúc, chứ Vương quốc thì không.
Chính vì vậy mà Giang Phong chờ đạt đến quy mô Vương quốc rồi mới kiến quốc, để trở thành tôn chủ quốc.
Vấn đề quan trọng là tân Vương quốc phải được các tôn chủ quốc khác công nhận, không bị cô lập, thì mới có thể xem là tôn chủ quốc chân chính.
Cũng may là với vị thế của Giang Phong hiện tại, ít nhất cũng được Kinh Man lưỡng tộc công nhận.
Lãnh thổ của Giang Phong cũng chỉ tiếp giáp với hai nước đó mà thôi.
Các tiểu quốc, tiểu tộc không tính, bởi họ không có tiếng nói chính trị đáng kể.
Lão Lâm An lại nói :
- Bệ hạ.
Hiện bản triều có chính thức 6 châu là An Phú, Nguyên Đô, Phong Khê, Thạch Khê, Kiên Vi, Ngọc Khánh.
Nguyên Đại đô đốc cũng đã chiếm lĩnh thêm được khoảng 30 vạn dặm đất ở phương nam.
Xin bệ hạ định đoạt.
Giang Phong bảo lấy địa đồ ra để nghiên cứu.
Địa đồ chỉ sơ lược thôi, nhưng cũng đủ để biết được đại khái vị trí.
Theo ý Giang Phong thì mỗi châu diện tích khoảng 10 vạn dặm vuông (16 nghìn kilômét vuông) là vừa, khoảng gấp rưỡi mỗi châu của Kinh triều.
Nguyên Đô chiếm 20 vạn dặm không vấn đề gì, vì là kinh đô.
Còn An Phú Châu cũng chiếm 20 vạn dặm, cần chia đôi.
Giang Phong phán :
- Cứ mỗi 10 vạn dặm vuông thành lập 1 châu, tên châu lấy theo tên đất hoặc theo tên trấn thành đặt làm châu trị.
An Phú Châu chia đôi, thành lập Tuyền Châu, châu trị đặt tại Ôn Tuyền Trấn.
Lão Lâm An tiếp tục tấu trình thêm vài việc nữa, rồi đến lượt Vương Minh Nguyên Soái tấu trình quân vụ :
- Bệ hạ.
Bản triều hiện có khoảng 40 vạn dân, có thể tăng quân số đến 4 vạn.
Quốc thổ mở rộng, cần thiết phải tăng quy mô quân đội.
Dù muốn dù không cũng bắt buộc phải thực hiện.
Thời lãnh binh khí, tỉ lệ quân dân tốt nhất là 1 : 10.
Giang Phong gật đầu nói :
- Tăng quân số cũng được.
Thành lập 1 sư Thủy quân, 2 sư lục quân, số còn lại là địa phương quân, đảm trách bảo vệ các thành trấn.
Tiếp đó, mọi người thảo luận thêm một số quân chính sự vụ nữa, cũng như việc điều tập dân chúng, vật tư để phát triển hai châu An Phú và Thạch Khê.
Ôn Tuyền Trấn cũng cần thăng cấp thành Đại trấn, để làm châu trị cho Tuyền Châu.
Ôn Tuyền là tụ điểm du lịch nghỉ dưỡng, nên cũng dễ phát triển.