Vợ Nhặt - Kim Lân
Đề bài 16: Cảm nhận về câu thoại trong Chí Phèo và Vợ Nhặt
Sau khi nhận được bát cháo hành từ tay thị Nở, Chí Phèo bảo với thị: - Hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui. (Chí Phèo, Nam Cao, Ngữ văn 11, tập một) Trong truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân (Ngữ văn 12, tập hai), sau khi đãi người đàn bà bốn bát bánh đúc, Tràng cười và nói với thị: - Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuấn hàng lên xe rồi cùng về. Cảm nhận của anh/chị về ý nghĩa của những câu nói trên.
I. Mở bài
Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm và giới hạn đề.
- Nam Cao, cây bút hiện thực xuất sắc và thấm đẫm tinh thần nhân đạo. Chí Phèo (1941) là kiệt tác đã kết tinh cao nhất cho đặc điểm nghệ thuật của nhà văn. Câu nói của Chí Phèo nêu trên là một trong những chi tiết đặc sắc thể hiện giá trị nhân đạo của tác phẩm.
- Kim Lân là một nhà văn thành công đặc biệt khi viết về người nông dân và cuộc sống nông thôn trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Vợ nhặt là một trong những truyện ngắn xúc động nhất của ông. Tác phẩm có giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc. Câu nói trên thể hiện sâu sắc giá trị nhân đạo của truyện.
II. Thân bài
(Lần lượt phân tích từng chi tiết sau đó so sánh.)
1. Tác phẩm “Chí Phèo"
* Ý khái quát: Nêu ngắn gọn hoàn cảnh sáng tác, nội dung và bối cảnh dẫn tới câu nói của Chí Phèo.
* Câu nói của Chí Phèo với thị Nở trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao - Về nội dung:
+ Cuộc gặp gỡ bất ngờ với thị Nở và trận ốm đã làm cho con quỷ dữ Chí Phèo có sự thay đổi hẳn cả về tâm sinh lí.
+ Bát cháo hành của thị Nở đã đánh thức ở Chí khát vọng được sống cuộc sống của một người bình thường, “hắn thèm lương thiện". Cử chỉ mộc mạc của thị gieo vào lòng Chí niềm hi vọng: thị sẽ là người mở đường dẫn Chí về với “cái xã hội bằng phẳng, thân thiện của những người lương thiện".
+ Câu nói: “Hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui" cho thấy khát vọng hạnh phúc, được yêu thương vẫn ẩn sâu trong con quỷ dữ Chí Phèo sau bao nhiêu năm tháng bị vùi lấp bởi rượu, máu và nước mắt. Chí không dám nói một lời “cầu hôn thẳng thắn, rõ ràng mà chọn cách nói lấp lửng thể hiện sự âu lo, phấp phỏng của một thân phận bị chối bỏ với một niềm hi vọng mong manh.
- Về nghệ thuật:
+ Là chi tiết quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của cốt truyện, khắc họa sâu sắc nét tính cách tâm lí và cảnh ngộ của nhân vật.
+ Tập trung thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc, bất ngờ của ngòi bút Nam Cao.
2. Tác phẩm “Vợ nhặt"
* Ý khái quát: nêu ngắn gọn hoàn cảnh sáng tác, nội dung và bối cảnh dẫn tới câu nói của Tràng.
* Câu nói của nhân vật Tràng với người “vợ nhặt" trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân:
Tràng là một chàng trai nông dân nghèo, ế vợ. Trước tình cảnh của người đàn bà bị cái đói xô đẩy, Tràng đã đãi thị bốn bát bánh đúc. Sau đó, Tràng nói một câu với hình thức như một câu nói đùa: “Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về"
- Về nội dung:
+ Câu nói đùa nhưng lại thể hiện niềm khát khao hạnh phúc có thật, mãnh liệt, cháy bỏng thẳm sâu trong người nông dân nghèo ấy mà ngay cả nạn đói và cái chết cũng không thể dập tắt.
+ Lời nói của Tràng có vẻ như đùa song ngọn lửa hạnh phúc trong Tràng được thắp
lên từ câu nói đùa ấy lại thật sự bùng cháy. Tràng trân trọng hạnh phúc của mình cũng như bằng tất cả những gì có thể, anh biến cuộc hôn nhân với thị trở nên đàng hoàng, nghiêm túc.
- Về nghệ thuật:
+ Là một chi tiết góp phần tạo nên một tình huống truyện độc đáo và ý nghĩa, tạo bước ngoặt cuộc đời và tâm lí của nhân vật, thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm.
+ Tập trung thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc, bất ngờ của ngòi bút Kim Lân.
3. So sánh
- Sự tương đồng
+ Đó là những câu nói đặc biệt, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong cuộc đời các nhân vật và có sức tác động diệu kì, tạo nên những khoảnh khắc ngọt ngào, hạnh phúc cho họ.
+ Đó cũng chính là những chi tiết đặc sắc góp phần khẳng định giá trị nhân đạo sâu sắc, mới mẻ trong hai tác phẩm: phát hiện và ngợi ca khát vọng yêu thương, khát vọng hạnh phúc ở những con người tưởng như đã hoàn toàn lụi tắt cảm xúc yêu thương trong những hoàn cảnh khắc nghiệt của cuộc đời.
Sự khác biệt
+ Ở Chí Phèo, chi tiết thể hiện khát vọng mang bản chất người ẩn sâu trong con quỷ dữ, sau khi cảm nhận được tình yêu thương mộc mạc, chân thành ở thị Nở. Câu nói cho thấy anh nông dân Chí hiền lành, chất phác ngày xưa đã sống lại ngay trong lòng con quỷ dữ Chí Phèo.
+ Ở Vợ nhặt, chi tiết khẳng định sức mạnh của tình người, của khát vọng mái ấm gia đình, sống trong tình yêu thương chiến thắng sự đe dọa của nạn đói và cái chết.
4. Lí giải
+ Do hoàn cảnh sáng tác.
+ Do phong cách, cá tính sáng tạo của nhà văn. III. Kết bài
Đánh giá chung:
Hai chi tiết nhỏ đã thể hiện khả năng thấu hiểu, đồng cảm và sự trân trọng của hai nhà văn đối với vẻ đẹp và sức sống của tâm hồn người nông dân nghèo trước Cách mạng tháng Tám. Đó là sự tiếp nối xuất sắc của Nam Cao và Kim Lân với mạch nguồn nhân đạo của văn học Việt Nam.