Việt ma tân lục
Quyển 2 - Chương 11: Chuyện xưa kể lại
Tới bản nọ thì trời đã sập tối. Dưới thung lũng giờ chỉ dặt một màu đen ma mị. Thi thoảng, từ những ngôi mộ vô danh lại nháng lên thứ ánh sáng trắng dị kỳ.
Thứ và Thất quyết định dừng chân tại một căn nhà gần nhất. Trên nhà, có tiếng trẻ con cười nói khúc khích, chen lẫn tiếng lép bép của thân cây ngô phơi khô lâu ngày.
– Cho hỏi có ai ở trên nhà không ạ? – Thứ lớn giọng từ phía dưới nhà, lễ phép.
Trên nhà, một người đàn ông trung niên ra mở cửa. Ông ta có gương mặt xám xịt, đầu trọc lốc, râu ria thì lún phún. Ông ta ném ánh nhìn hoài nghi về phía Thứ, Thất.
– Lùng [1] cho bọn cháu hỏi thăm một chút được không ạ!
– Hai Lan [2] mau lên nhà đi!
Thứ, Thất đi lên. Trong nhà, có một vài đứa trẻ đang chơi bài tam cúc. Còn một người phụ nữ thì đang lúi cúi làm gì đó ở gian trong, hình như là dệt vải.
– Hai Lan dưới Nà Hạ lên sao? Có việc gì gấp không? – Người đàn ông rót nước ra hai cái chén men xanh rồi ân cần hỏi, trái ngược với vẻ bề ngoài bặm trợn.
Thất chẳng giấu giếm gì mà đem lời thầy kể lại cho người đàn ông nghe.
– Bọn cháu nghe thầy Lang Trượng bảo lên đây để tìm hiểu. Chẳng là bữa trước có cô gái lên đây tìm măng, đào mài thì mất tích. Ngày hôm sau tìm thấy, mang về nhà thì hóa điên loạn.
– Ra là thế! – Người đàn ông đáp cụt lủn, rồi trưng ra vẻ mặt trầm ngâm, như đang cố hồi tưởng lại chuyện gì đó.
– Nên chúng cháu qua đây để hỏi thăm thôi ạ! – Thất nói. – Ở vùng này, gần đây có gì kỳ lạ không Lùng?
– Có chứ. Bữa trước cháu dâu của hai bác cũng lên rừng Nà Thượng theo hướng thung lũng đi ngược lên. Lúc về cũng bảo, thấy trong người không khỏe, đêm hay gặp ác mộng. Thậm chí còn bị dọa giết nữa!
Ông ta kể thêm, đêm đêm có người phụ nữ quần áo rách bươm, gương mặt đầm đìa máu lảng vảng. Cứ mỗi lần nói thì đất cát từ trong miệng cứ thế chảy ra. Ánh mắt thì tà ác vô cùng, như bao căm hận chất chứa theo thời gian, cứ đầy lên.
– Rồi sau đó có làm sao không ạ? – Thất tò mò đặng hỏi cho bằng được.
– Nó không phải người vùng này mà người ở vùng dưới, lúc trở về thì tự dưng khỏi hẳn, cũng không mơ thấy ác mộng nữa.
Nghe xong chuyện, Thất nghĩ ngợi, mọi chuyện không phải mới xảy ra gần đây. Ở vùng này người ta ít đem những chuyện kỳ lạ này ra kể, cũng vì sợ bị quở, trách phạt, nhũng nhiễu từ những oan hồn.
– Lùng đã sống ở đây lâu chưa ạ? – Thất lại hỏi.
– Cũng lâu rồi đấy! Từ thời ông bà, nhiều người trong bản đã chuyển đi, vì không thể trồng trọt gì ở dưới mảnh đất ấy. Cứ đến vụ, chẳng hiểu từ đâu lại rỉ lên thứ nước đen sì như dầu lim.
Người đàn ông nói rồi hướng ánh mắt về phía khung cửa sổ, phóng thẳng xuống cánh đồng rộng lớn, ma mị, rồi ông nhấp khẽ mụm trà trong chén, nói chuyện tiếp.
– Ở bản này, người ta thường hay kháo nhau về những oan hồn. Tôi cũng từng chứng kiến vài lần rồi. Nhưng có một chuyện lạ lắm, tới bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao!
Anh em Thứ, Thất đều tò mò.
– Cứ mỗi trưa chính ngọ, phía dưới con đường đất đỏ ấy, mỗi khi gió mạnh thổi qua, bụi đất bay lên mù mịt trùm phủ cả không gian, thì từ đằng xa lại có một đoàn người đang đi tới.
– Đoàn người đó mặc trang phục của người Mường vùng dưới đúng không ạ? – Thứ hỏi.
Người đàn ông ngạc nhiên nhìn Thứ, như muốn hỏi tại sao anh lại biết chuyện hoang đường này!?
– Chẳng là hôm trước… – Thứ từ tốn giải thích – hai anh em chúng cháu cũng có việc lên đây. Lúc ở miếu thờ cô Thị cũng đã chứng kiến cảnh tượng lạ lùng ấy.
Người đàn ông chép miệng, ôn tồn nói.
– Không chỉ mỗi người trong bản tôi chứng kiến chuyện đó. Đấy, ban đầu nói có ai tin đâu, nhưng rồi khi tận mắt thấy, nghĩ lại mới thấy hãi hùng.
– Lùng còn có chuyện gì muốn kể nữa không ạ! – Thất nói, vì thấy hình như người đàn ông vẫn đang cố giấu điều gì đó.
Người phụ nữ từ trong nhà đi ra, trên người bà ta mặc trang phục đặc trưng của người Thái với áo cón ngắn tay, chân váy đen nhánh, tóc búi cao.
– Hai Lan là người nhà Lang Trượng nổi tiếng vùng dưới nên ông úp mở làm gì chứ! – Người phụ nữ bèn nói.
Người đàn ông húp nốt chỗ nước trà còn sót lại trong chiếc chén, rồi chép miệng nói tiếp.
– Tôi cũng có muốn giấu giếm gì đâu? Tại sợ tai bay vạ gió, dưng nhỡ có chuyện gì xảy ra thì sao. Chẳng biết được chuyện gì sẽ xảy đến ở cái chốn rừng thiêng nước độc này. Nhỡ có gì, có khi phải bỏ xứ mà đi thôi!
Thất trấn an người đàn ông, nói.
– Lùng cứ yên tâm. Thầy cháu khi biết chuyện sẽ giải trừ tận gốc chứ không để quỷ ma ở đó ngang nhiên mà hại người.
– Tôi biết chứ, nên tôi cũng chẳng muốn giấu gì.
Người đàn ông sau đó kể tiếp câu chuyện mà mình biết.
Hơn trăm năm trước, người Pháp đô hộ vùng này. Khi ấy, cả Nà Hạ và Nà Thượng đều có người Mường cư trú; đứng đầu là quan Lang, dưới quan Lang lại chia ra các cấp bậc khác nhau là Lang Đạo và Lang Ậu để dễ bề cai quản. Thực dân Pháp thực thi chính sách “dùng người nơi đây để trị người nơi đây", nên dân chúng muôn bề khổ cực. Khốn nỗi thấp cổ bé họng nên không ai dám lên tiếng.
Quan Lang toàn trị, nắm trong tay quyền sinh sát. Ai làm không vừa ý quan Lang thì sẽ bị bắt hại, hành hạ, đánh đập, thậm chí bị giết là chuyện thường tình. Bao của cải cũng phải đem tới cống nộp. Dưới thời cai trị của thực dân Pháp, chế độ Lang Đạo càng tàn bạo hơn. Trước còn có Lang tốt, Lang xấu, nhưng từ khi người Pháp đặt chân tới đây thì hầu như chẳng có vị Lang tốt nào cai quản cả. Cả xứ cứ thế đắm chìm trong nhiễu loạn, u mê. Chưa cần tới lũ quỷ ma thì dân chúng cũng đã khổ trăm bề rồi.
Lúc ấy, quản vùng Nà Hạ là một tên Lang Đạo ác hiểm, tham lam. Sự độc ác của hắn được đồn đại vang xa khắp mấy vùng.
Hắn ta bạo tàn tới nỗi, cứ mỗi khi hắn đi qua, dân trong vùng đến thở mạnh cũng không dám. Nhà nào có con gái đẹp cũng phải giấu nhẹm đi, nhỡ lọt vào mắt xanh của Lang Đạo thì chỉ có nước chết. Nghe đâu hắn đã có tới hơn mười cô vợ, nhưng hễ nhìn thấy gái đẹp thì lại mê. Nhà nọ có một cô gái đẹp nhất bản Tlang, tên là Lại, mới tuổi đôi mươi mà sắc đẹp của Lại khiến bao chàng trai phải mê đắm. Nhưng tuyệt nhiên, không ai dám có ý với Lại vì sợ Lang Đạo biết, rồi tội vạ lúc nào chẳng hay. Lúc ấy, ở bản dưới có chàng thanh niên đẹp mà khỏe khoắn tên là Thin. Thin và Lại trong một lần vô tình gặp gỡ thì yêu nhau. Khi gia đình Thin biết, mế của Thin đã bảo, đừng dây dưa gì tới loại con gái đẹp hơn cả hoa trên rừng, đẹp hơn cả chim Tràng Kạt như Lại, rồi có ngày hối cũng không kịp đâu. Nhưng Thin đã mê đắm Lại, có ngăn cản cỡ nào thì cũng chẳng thể.
Nhưng rồi, chuyện gì đến cũng đến. Một ngày nọ, Lại vô tình lọt vào mắt Lang Đạo. Lang cho người tới hỏi, cha mẹ Lại không thể nào chối từ, nhưng Lại thì một mực kháng cự. Một đêm nọ, Lại với Thin lên kế hoạch để bỏ xứ mà đi. Nhưng kế hoạch vỡ lở, Lại đến được chỗ hẹn, nhưng bị tùy tùng nhà Lang Đạo bắt về.
Dù về nhà Lang Đạo nhưng ngày ngày Lại vẫn thầm thương trộm nhớ Thin. Về phần Thin, chàng vẫn chưa bỏ xứ ra đi mà âm thầm chờ đợi cơ hội. Rồi tới một ngày, Lại trốn khỏi nhà Lang, quyết cùng Thin bỏ xứ mà đi. Nhưng người tính không bằng Giàng tính. Đám tùy tùng nhà Lang đã phát hiện ra âm mưu của Lại và Thin. Lũ vô lại báo cho Lang Đạo biết, Lang tức giận điều người tới bắt đôi trẻ. Thin bị chúng hành hạ, đánh đập cho tới chết, xác vứt xuống ruộng, còn Lại bị bắt về nhà. Lại xin quan tha mạng, vì vốn dĩ đã mang trong bụng đứa bé là con của Thin. Lang Đạo biết chuyện nên càng giận dữ hơn, quyết không tha mạng cho Lại.
Kể tới đó, người đàn ông ngừng lại, vẻ xúc động. Thứ thấy sốt ruột quá nên hỏi.
– Sau đó rồi sao ạ?
– Lại bị người nhà Lang hành hạ, đánh đập dã man rồi chôn sống. Khu đất ấy, ngày nay là phần giáp ranh giữa cánh đồng gianh với chân núi Nà Thượng.
Người đàn ông kể thêm, mấy đời trước, người ta đồn đại, hồn ma người con gái tội nghiệp ấy, đêm đêm lại hiện về, ngồi trên một mô đất, cất những tiếng ca ai oán. Ai gặp phải thì hồn siêu phách lạc, khi trở về người mất hết thần hồn. Đêm ngủ, ú ớ mê sảng. Người nặng hơn thì la hét, đập phá, rồi ốm bệnh mà chết không rõ nguyên nhân.
– Ra là vậy! – Thất nói với chất giọng buồn trầm.
– Ở đây, ai cũng biết hồn ma của cô Lại. Lúc chết đi, hồn phách không siêu thoát cứ thế lưu lại dân gian. Vì cái chết quá tàn bạo, sự hận thù tích tụ qua từng ngày, từng giờ khiến linh hồn cô linh thiêng tới nỗi có thể sai khiến phương hại tới con người. Khi chế độ Lang Đạo không còn, cô lại bắt đầu ám những cô gái trẻ, những cô gái sắp về nhà chồng; những cô gái đang mang bầu nếu không sẩy thai, thì cũng đẻ non, hoặc thai chết lưu.
Người đàn ông nói thêm, đó cũng là một trong những nguyên nhân mà người dân trong bản này lũ lượt bỏ xứ mà đi, hòng tìm kiếm cơ may, sinh cơ ở những vùng đất khác. Giờ mấy ai còn trụ lại nơi này nữa đâu. Đất đai dưới ruộng khó canh tác, đi rừng thì nơm nớp lo sợ quỷ ma dẫn lối, bức hại.
– Lùng có biết vị trí chính xác nơi người nhà Lang chôn cô Lại không ạ? – Thất hỏi.
– Biết chứ! – Người đàn ông trả lời. – Nhưng giờ muộn rồi, tôi cũng không thể chỉ hai Lan được. Hay thế này, hai Lan cứ ở lại đây một đêm. Sáng hôm sau, tôi sẽ chỉ cho hai Lan.
Thứ và Thất liền đồng ý.
– Giờ tôi dặn đứa cháu sắp xếp chỗ cho hai Lan nghỉ ngơi. Mai trời sáng chúng ta tính tiếp nhé!
– Dạ, ảm ơn Lùng rất nhiều! – Thất lễ phép đáp lại.
Sau đó, có hai đứa nhỏ từ buồng trong đi ra, dáng nom nhanh nhẹn, sắp xếp chỗ cho Thứ và Thất ở khoang nhà bên ngoài, thường hay dành cho khách.
– Đêm xuống trở lạnh! Hai Lan nhớ đắp chăn mùng cẩn thận nhé! – Người đàn ông cẩn thận dặn dò.
Nhưng Thất nào có ngủ được, bởi câu chuyện mà Lùng người Thái vừa kể cứ mãi quẩn quanh trong tâm trí anh!
[1] Theo tiếng Thái, nghĩa là bác trai.
[2] Theo tiếng Thái, nghĩa là cháu (từ chỉ chung).
Tác giả :
Nhóm 4.0