Việt Hùng Diễn Nghĩa
Chương 85 85 Tĩnh Lặng 1
Tối qua mưa gió tạt hiên,
Mái nhà giột nát liên miên tháng ngày.
Sáng dậy vác cuốc xem cây,
Ruộng xanh lúa tốt trời mây trong lành.
Chim chóc ríu rít chuyền cành,
Bầy trẻ đội nắng chân thành hát ca.
Than thân thuở trước lùi xa,
Đồng dao vang bóng chiều tà bình yên.
- -------------
(mốc thời gian,
timeskip 1 năm, hiện giờ là khoảng 1 năm sau khi Hoàng Hùng gặp Trương Giác.
Cuối năm âm lịch Quý Hợi, đầu năm dương lịch 184 sau công nguyên)
(P/s: 1 năm này định lái sang hành trình của Nguyễn Bảy nhưng cảm thấy làm vậy hơi loãng,
Thôi đợi xong vụ khăn vàng, Nguyễn Bảy về nước rồi dùng lối văn kể chuyện nhớ lại vậy)
Giờ Tỵ (9-11h sáng) là giờ nắng bắt đầu chiếu gắt.
Trừ những ngày thời tiết bất thường như mưa giông hoặc mây mù,
Nếu không thì bất kể là nam bắc hay tây đông, một năm 4 mùa luân chuyển hoặc 2 mùa đan xen,
Cứ đến cái giờ ấy là ông mặt trời nhất quyết phải tòi đầu ra mà tỏa ánh sáng ấm áp huy hoàng lên vạn vật trên đời,
Ngày lại qua ngày như thế,
Nuôi giữ sự sống và hy vọng trong mỗi sinh linh.
Bởi thế mới có câu
Sau cơn mưa, trời lại sáng.
“Lộc cộc, lộc cộc"
Trên một con đường làng thông thoáng thênh thang và tươm tất như vừa mới mở,
Một cặp sinh vật cao lớn mập mạp trùm áo tơi ngang gối đang thong thả nhấc 8 cái giò gân guốc lững thững đi qua từng bóng tre bóng trúc.
Chung na theo sau lưng một khung xe 3 bánh với nước sơn gỗ mới keng.
Bề mặt xe không có hoa văn màu mè nhưng kiểu dáng lại đặc biệt đều đặn chắc chắn,
Từ 3 đường tròn vành vạnh như đúc y khuôn từ mặt trăng mặt trời, đang nhịp nhàng lăn theo từng bước chân của cô chú bò phía trước,
Đến 2 thành xe đan lưới vuông vức, cao gần 3 thước (69 cm), cong bầu mở ra hai bên nhưng vẫn được gắn chặc vào tấm ván sàn bởi những khớp nối vừa khít đến hạt gạo cũng khó lọt.
Ngồi trên sàn xe sạch sẽ vừa lau chùi kỹ càng là một chàng thanh niên chừng hơn 20, đầu đội nón lá, thân khoác áo tơi, tay trái nắm dây cương, tay phải cầm cần trúc.
“Xuýt, xuýt, xuýt"
“Ụm bò!"
“Xuýtttt!"
- Người thanh niên quệt mồ hôi sau một màn loay hoay dừng đỗ với chiếc siêu xe hiệu lambo cổ đại của mình.
Hắn quay qua căn nhà kề bên gọi vọng vào:
“Thằng Cu đâu rồi?
Ra đây anh Ốc chở đi học này!"
“Có mặt!"
- Một thằng nhóc phóng ra từ trong nhà, nối theo là những câu nói liên hồi đầy vui sướng:
“Lên chợ huyện!
Lên chợ huyện!"
Từ nhà sau lại vang lên âm giọng của một phụ nữ luống tuổi:
“Cậu Ốc đấy à?
Đông nay lạnh thế mà …
Phiền cậu quá!"
Người thanh niên đánh xe cười toét đáp lại:
“Hì!
Hôm bữa cháu lên chợ huyện nghe nói nhân ngày Phu Văn lâu huyện mình khai trương tròn một năm, người ta mở hội học miễn phí, có ông giáo giảng bài hay lắm, lại đúng vào nghề nông trồng lúa quê mình,
Không đi thì phí!
Cháu có hẹn với em rồi đấy chứ.
Thằng Cu, bay không nói với cô à?
Anh có dặn bay rồi, thế là hư đấy nhé!"
Thằng nhóc nhanh nhảu phản phé:
“Đâu có!
Em nói mấy lần rồi mà.
U em cho đi rồi, anh cứ đánh xe đi!"
Bà mẹ lúc này mang theo một giỏ xách bốc hơi nhiệt và một tấm áo tơi nhỏ nhắn tới:
“Thằng ba!
U nhắc bay từ sáng sớm, nhớ mặc áo tơi vào!
Muốn cóng chết à?"
Thằng bé vừa khoác áo tơi lên người vừa tinh nghịch giảy nảy:
“Nảy trong nhà u thổi bếp nóng thấy mồ"
Bà mẹ tặng thằng nhỏ một ánh trừng nửa đe dọa nửa yêu thương, rồi lại quay sang anh đánh xe bò:
“Thằng ba nó có nói với cô rồi!
Mà trời đông giá buốt, ngẫm nghĩ cũng xót hai đứa.
Thôi thì cái sự học, có chữ vào đầu mới mong đổi đời được.
Nó còn may mắn, không giống như hai thằng anh và ông thầy của nó, đợi không tới ngày này"
Nói rồi, như để tự lãng tránh ưu thương, người phụ nữ lập tức đá sang chuyện khác,
Bà đặt chiếc giỏ nóng lên xe, đẩy về phía anh chàng:
“Đây,
Có mấy củ khoai nóng và 2 trái trứng vừa luộc, hai anh em đi đường ăn cho ấm bụng"
Sau khi chào từ giả người đàn bà góa, chiếc xe lại tiếp tục thong dong lăn bánh trên những nẻo đường quê, ra khỏi khung cảnh thôn xóm an bình, băng qua những cánh đồng lúa xanh bát ngát đã bắt đầu thoang thoảng mùi cốm sữa, dự tính chừng tháng rưỡi nửa là có thể dát vàng mười phương đất trời.
“Anh Ốc này!"
- Hành khách tí hon đưa chưa chàng đánh xe quả trứng luộc vừa bóc vỏ còn ấm hôi hổi.
“Ờ! Cảm ơn em"
- Chàng đánh xe nhận lấy, cắn một miếng rồi cười nói:
“Dạo này mấy chị mái trong nhà chắc không đẻ mấy nhỉ?
Lạnh thế cơ mà!
Trứng luộc bây giờ quý không thua thịt cá!"
Thằng bé vừa bóc quả trứng của mình vừa đáp:
“Dạ thì đúng rồi,
Em nhớ cách đây hai lần, có ông giáo giảng khóa thương nghiệp.
Cái món hàng nào mà hiếm thiếu ít ỏi thì người ta tranh nhau mua, tự khắc giá cao.
Còn đâu nhiều bán không hết thì nó rẽ rề bởi người mua không gấp gáp, cứ lượn lơ hết hàng này đến quán nọ, tìm chỗ tiện nghi hơn"
Chàng đánh xe bật cười xem văng mảnh trứng ra khỏi mồm:
“Mấy ý đó anh cũng nhớ nhưng bay diễn giải ba xạo ba chọt quá!
Cứ như hàng chợ ấy!"
Thằng bé kháu khỉnh đáp:
“Ô anh này hay!
Nói chuyện bán buôn không nói chợ búa phố thị chẵng lẽ nói lúa lang quê mình?"
Người lái xe cười hà hà:
“Ai bảo không nói đến quê mình?
Bay chưa nghe câu thương vào mọi nghề, nông vào mọi nghiệp sao?"
Nói đến đây, anh lái xe chỉ cặp bò phía trước nói:
“Bay nhìn cho kỹ.
Thấy gì lạ hông?"
Thằng bé vừa nhấm nháp trứng vừa xoa cằm ra vẻ ông cụ non, nhìn chăm chú một hồi rồi vỗ đùi cái đét:
“Chu choa!
Đổi bò mới hẻn? Nhìn mạnh dữ!
Rồi cặp bò củ đâu anh? Có lời hông?"
Anh lái xe cười vang:
“Hahaha!
Ai nói đổi?
Mới tậu đàng hoàng.
Năm nay lại trúng mùa quá chừng, trâu bò khuyến nông giá rẽ, anh bay cắn răng mua gấp kẻo hết thì tiếc.
Nghe đâu sắp tới súc vật vận từ thảo nguyên về nhiều lắm, người ta chuẫn bị chuyển sang bán theo giá thương nghiệp, không hỗ trợ giá nữa"
Thằng bé lúc này đã hí ha hí hửng trườn tới trước, định leo lên lưng con bò nhưng ông anh lái xe cản lại nói:
“Bò vận từ thảo nguyên mới về, chưa quen nếp nhà, còn hoang lắm.
Để bữa nào thuần thuần rồi anh cho bay với mấy thằng bạn cưỡi chơi"
Thằng bé nghe vậy chống cằm cười:
“Anh hứa đấy nhé,
Để em về khoe với tụi nó.
Nghe nói gia súc trên thảo nguyên mạnh lắm, cưỡi một cái thì cứ phải gọi là chiến thần cờ lau … thánh tướng chíu chíu xoẹt xoẹt"
Vừa nói thằng nhỏ vừa bày thế lăng quăng xập xình trên sàn xe để chàng lái xe hoảng không thôi hét toáng lên:
“Ngồi im, té lộn cố chết bây giờ.
Cái thằng ôn con này!
Tao quăng mày xuống cho lết bộ bây giờ"
Thằng nhỏ lúc này mới nằm ngửa trên sàn xe nhìn trời mây xoay chuyển, cười tí ta tí tởn.
Ông anh lái xe cũng cười nói:
“Bay muốn cưỡi bò chiến thì phải trả lời được câu hỏi của anh.
Vì sao lúa trúng mùa khắp nơi, hàng nhiều mà giá lương không giảm?"
….
“Ui zồi ôi! Tưởng hỏi cái gì cao xa lắm!
Cái này thì con bé bảy nhà tôi cũng nói vanh vách được!"
- Tại một quán nước dân dã dưới gốc đa già bên quán đò, một đám cô dì chú bác vừa mới đi thăm đồng về, đang tụm lại bàn tán cùng một câu chuyện với cặp anh em họ hàng nọ.
Bác gái đặt câu hỏi híp mắt hờ hờ khích tướng:
“Thế thì anh Tư nói xem.
Vì sao mọi năm trước được mùa mất giá mà mấy vụ rồi bội thu hơn hẵn, giá lương lại luôn ổn định, từ thương lái đến cửa hàng đều đồng nhất, không ăn bớt ăn xén nông hộ chúng ta?"
Đàn chị em cũng vờ sanh nạnh làm duyên:
“Đúng đấy!
Anh chị em ở đây xin rữa tai mà nghe anh giảng.
Chờ anh Tư rinh được chiếc khăn mới dệt của chị Hai về"
Bác Tư cười hào hứng đáp:
“Này nhé!
Giá lương ngày xưa lên xuống thất thường cũng bởi cái lẽ thương lái vô lương tâm, quan lại ngu ngốc.
Bây giờ Đông Hải Thương Minh làm ăn chân chính, Thái Thú đại nhân lại là người Việt mình, thế thì làm quái gì mà giá lương giảm được?"
Chị em nghe thế, người thì lấy nón, kẻ thì dùng khăn, che miệng khúc khích khiến bác Tư nọ ngờ ngợ điều gì, chín đỏ cả mặt.
Ông bác đầu hai màu ngồi bên vỗ vai bảo:
“Thôi đi mày ơi!
Nói vậy cũng nói!
Đi về kêu con bé bảy nó chỉ cho, học cái chữ cho đàng hoàng rồi hẵn ra đây khoác lác!
Thời thế nó đổi rồi!
Bây giờ có sách vở, có trường lớp đàng hoàng.
Ai còn nói ba cái chuyện tại xấu, tại thiện, than thân, cầu lành nữa.
Giá lương không giảm là vì có đầu ra, có người mua nhiều, bán bao nhiêu mua bấy nhiêu thì tự nhiên giá sẽ không giảm"
Bác Tư nghe thế thì bĩu môi cãi:
“Anh Hai nói thế sao đặng?!
Chuyện tốt này mới có mấy năm nay chứ nhiêu!
Miệng người cũng chừng đó, đầu ra ở đâu mà nhiều?"
Ông Hai gật đầu cười:
“Đó là vì thương lái ngày xưa chỉ quanh đi quẫn lại mấy huyện mấy quận này.
Thế nhưng bây giờ Đông Hải Thương Minh đi xuyên châu vượt biển, từ nước này sang nước khác.
Có những nơi người ta thiếu lương trầm trọng, thậm chí không trồng được lúa, ví như thảo nguyên ấy, phải đổi trâu bò dê ngựa lấy lương muối.
Ngày xưa 8 thôn 10 xóm nặn không ra được một đàn trâu nhỏ,
Bây giờ nhà nào khấm khá một tý, siêng năng một tý là cũng thủ được 1-2 con bò thảo nguyên trong nhà,
Giống này vừa giỏi chịu lạnh, lại to khỏe, 1 người lái hai bò là có thể cày bừa bằng 9-10 người ngày trước, thế là lại được mùa, lại tậu thêm, lai khai khẩn, lúc rãnh rỗi còn có thể đánh xe chở hàng chở người kiếm thêm, cứ thế mà giàu.
Ấy gọi là kinh tế tuần hoàn đấy chú Tư ạ!"
Có chị em lại chen vào:
“Anh Hai nói đúng rồi.
Nhưng cũng phải kể công cho Phu Văn lâu nửa.
Phải mở mang đầu óc thì mới biết cái gì có ích, đúng đắn mà làm.
Chớ như ngày xưa, không có chữ trong đầu, lắm lúc bị lừa còn không biết, thậm chí tiền mất tật mang rồi chỉ biết than trời"
“Đúng, đúng, đúng!
Cũng không thể quên bệnh xá của Hồng Nghĩa đường, không có sức khỏe thì làm gì cũng khó!"
Mọi người đang bàn tán xôi nổi thì một giọng hò đạp sóng sông phiu diêu vào bờ:
“Trâu ơi ta bảo trâu này,
Trâu ra ngoài ruộng, trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây trâu đó, ai mà quản công"
Mấy người ngồi trong quán nước hướng mắt vọng ra, thấy một ông lão râu bạc lất phất, đội nón rộng vành, mình mặc áo tơi đang khua cây sào dài, lái con đò nhỏ êm đềm cua vào bến.
Một bác gọi vọng ra:
“Ơi! Anh Bảy!
Bữa nay đón được nhiều khách hông anh?"
Người lái đò hai tai đã điêng điếc, lại thêm gió sông và sóng nước, nào có nghe rõ được chi:
“Bay nói cái chi?
Tau nghe hổng rõ!"
Đợi đến khi cập bến chống sào, dắt theo người khách duy nhất lên bờ, ông lão lái đò lại hỏi lại câu ấy.
Bác Tư mới bảo:
“Rõ khổ!
Đã nói anh rồi, bây giờ người ta đi thuyền lớn hết ráo, mấy ai còn ngồi đò nữa.
Mấy đứa con anh cũng ra dáng hết rồi, đứa thời đi lính oai phong, đứa thời buôn bán tấp nập,
Trong nhà đâu có thiếu ăn thiếu mặc nữa mà anh lo.
Thôi về nhà ngậm kẹo đùa cháu cho rồi, ra sông hun gió mà làm gì?"
Ông lão lái đò cười nhe hàm răng sún ngộ nghĩnh bảo:
“Chớ mà đây lại thích vị gió sông quê mình.
Mấy đứa nhỏ cũng toàn bị thằng chú nó dắt đi học suốt, ở nhà tụi nó cũng thích tụ tập với đám trẻ đồng lứa, vừa chơi vừa học, nào có thì gian nghe ông lão này kể chuyện sương gió ngày xưa"
Nói rồi, ông lão chỉ vào người khách đứng bên nói:
“Đây!
Không đưa đò thì nào tìm được tri kỷ,
Phải nói là không có ai hiểu sông hiểu song chốn này hơn đây,
Mà hiểu đây thì chỉ có những người ngồi đò, chớ mấy cô mấy cậu háu đi tàu lớn lướt nhanh thì nào hiểu được"
Vị khách ấy là một nữ thanh niên thanh tú, khuôn mặt kiên nghị trẻ trung còn vương vấn nét tiểu thư đài các, dáng đứng lịch sự tạo nhã đang dần nhiễm vị nắng gió.
Nàng lễ phép chào hỏi mọi người rồi tự giới thiệu rằng mình là chủ một xưởng dệt lớn ở Long Uyên, hiện đang nghiên cứu kỹ thuật dệt may truyền thống, nghe nói vùng này có cô Hai Lan rất nổi tiếng với tài ươm tơ dệt gấm nên muốn đến học hỏi kinh nghiệm.
- -------------
Kinh Châu, quận Trường Sa.
“Thừa Ngạn,
Đây là sổ sách kho lương vừa thống kê.
Vụ mùa vừa rồi lại bội thu, sản lượng nhà ta năm nay lại cao hơn năm trước 6 thành (60%), chủ yếu là vì diện tích trồng trọt gia tăng,
Mấy năm rồi mua ruộng nhiều mà khai khẩn cũng nhiều, ban đầu có một bộ phận không kịp gieo trồng, hoặc gặp kẻ gian quấy phá, bị lỡ vụ,
Năm nay mưa gió thuận hòa, trị an ổn định hơn, vậy nên tích xúc bộc phát mới có được kết quả này.
Sản lượng lương thực toàn Kinh Châu ước tính gia tăng 4 thành, chủ yếu là đến từ nhà ta.
Dương Châu hơi ít hơn chút, Ích Nam chỉ tăng khoảng 2 thành, đều nhờ lúa tốt,
Ngoại trừ bên Âu Lạc thì diện tích trồng lúa các nơi đều giảm sút trông thấy.
Được mùa liên tục, mặc dù nhà ta cố giữ giá lương ổn định nhưng các nhà đều thông qua trưởng lão hội, biết được nông nghiệp không phải chủ lưu trong tương lai, cũng không lời bằng thủ công và kinh thương, nên đều đang thay đổi dần phương thức sử dụng đất đai,
Một bộ phận bán cho nhà ta hoặc hiến cho thương minh đổi kỹ thuật.
Một bộ phận thì chuyển sang trồng cây dài hơi để cung cấp nguyên liệu cho ngành nghề khác như trà, thảo dược, cây ăn quả, hương liệu, dâu tằm, …
Nhất là Ích Nam, đợt trước bọn họ liên thủ với nhau đoạt trọn bộ kỹ thuật nuôi tằm dệt gấm, hiện giờ đã đem gần 1/3 đất ruộng nương chuyển sang trồng dâu tằm.
…"
- Ông lão đầu bạc giao cho Hoàng Thừa Ngạn một chồng sổ sách, tổng kết sơ qua nội dung, thỉnh thoảng chêm vào một số phân tích cá nhân.
Hoàng Thừa Ngạn cẩn thận nghe, cảm ơn rồi cầm sổ lên, chuẫn bị đọc qua một lượt, chỉ là mới lật vài trang thì vô tình bắt gặp gò trán nhăn nhúm phiền muộn suy tư của người đối diện.
Thế là hắn bỏ xuống quyển sổ:
“Tam thúc.
Ta nhìn sắc mặt ngài không tốt.
Có chuyện gì sao?
Là chuyện nhà hay là chuyện công?"
Ông lão nghe thế liền biến hóa khuôn mặt tươi cười hớn hở, bắn ra một tràng khoác lác về con cháu của mình,
Nào là đứa cháu ngoại kia mới 14-15 đã biểu lộ ra thiên phú xuất chúng, thông minh sáng dạ hơn người, tương lai có thể đi theo Hoàng Hùng phụ giúp một hồi,
Nào là nhà nọ lại mới sinh đôi nữ xinh xắn hồng hào, làm lão nhớ lại Hoàng Dung thuở trước, tương lai bất kể đi theo văn hay võ đều là bảo bối trong nhà.
Rồi thì đứa con trai lớn hiện giờ coi sóc công việc thương mậu ở Tương Dương rất có thành tựu, không cần chờ đến tương lai, hiện giờ đã là người có máu mặt khắp vùng Kinh Tương.
Còn có đứa cháu gái lớn, mới hơn 20 đã đã chạy tới Long Uyên xây xưởng dệt, cả ngày vùi đầu vào nghiên cứu công nghệ dệt, mở con đường sáng cho ngành dệt phương nam, hô hào muốn làm chị đại trong ngành, không chịu lấy chồng.
Nói tràn lan mặt nước một hồi lâu, ông lão dần dần thu lại nét hớn hở, môi hơi mỉm, khóe mắt sâu, khuôn mặt trầm.
Hoàng Thừa Ngạn thấy vậy càng nghi hoặc:
“Tam thúc,
Rốt cục thì ngài muốn nói chuyện gì?"
Ông lão thở dài, ngập ngừng:
“Thừa Ngạn.
Ta …
Haizz!
Ta cảm thấy nhà chúng ta có phải là cho ra quá nhiều hay không?
Trước kia vì thành lập khối đồng minh phương nam, ta cũng không có ý kiến gì.
Thế nhưng gần đây, lương thực bội thu, giá lương giảm thấp, các thế gia phương Bắc đều len lén tới đây mua lậu,
Chúng ta … chúng ta vì sao còn phải dùng giá cao hơn bình thường mua lấy mua để a?
Chúng ta cũng đâu có thiếu thốn gì?"
Hoàng Thừa Ngạn im lặng nhìn chăm chú vào ông lão, người sau đột nhiên chớp chớp mắt, che miệng quay sang bên ho:
“Già cả rồi, không còn mạnh khỏe lanh lẹ như xưa.
Một số việc nhỏ đều không nghĩ thông suốt được.
Có lẽ ta nên sớm học lão nhị, giao lại trách nhiệm cho lớp trẻ, an hưởng tuổi già"
Hoàng Thừa Ngạn nói:
“Tam thúc chớ suy nghĩ nhiều.
Có lẽ do năm nay lạnh hơn năm ngoái, trái gió trở trời.
Nào chỉ là ngài, ta cũng đang đợi thằng nhóc kia về nhận lãnh đống sự vật này để ta rãnh tay nghiên cứu công cơ"
Nói đoạn này, Hoàng Thừa Ngạn liếc liếc, chỉ tay về một đống hồ sơ, sách vở trên bàn làm việc của mình, chồng sổ sách mà ông lão đưa tới chỉ chiếm một phần nhỏ trong đó.
“Mùa đông năm nay thực sự quá mức lạnh, Trung Nguyên bên kia truyền về tin tức, tuyết mới rơi mấy ngày đã có nơi phủ tới đầu gối.
Như vầy đi,
Từ giờ tới kỳ đại hội năm sau cũng không có việc gì nhiều, cần làm đều đã làm xong, còn lại chỉ là tính toán công việc năm sau.
Ngài về bàn giao công việc cho ngũ đệ rồi đi tránh rét đi,
Ngài không phải lo lắng nhất Trinh nhi sao, vậy đi Long Uyên xem nàng đi.
Chờ qua đại hội rồi về phụ giúp ta tuyển chọn một chút con cháu trong nhà.
Ta cũng đang dự định bắt tay vào bồi dưỡng một số tay chân tương lai cho Hùng nhi.
Tránh cho sau này bên cạnh hắn không có khuôn mặt người nhà.
Gia học nhà họ Hoàng còn chưa xuống dốc đến mức đó"
Ông lão lúc này mới vui vẻ hẵn lên, cảm thấy cả người lâng lâng như tháo hết u uất nặng lòng, chào từ biệt Hoàng Thừa Ngạn, bước đi lâng lâng nhẹ nhàng ra cửa.
Trong phòng chỉ còn lại Hoàng Thừa Ngạn, không khí trầm tĩnh hẵn đi.
Hắn biết tam thúc của mình đã đoán được điều gì.
Bởi ông lão này đã thủ kho lương nhà họ Hoàng nhiều năm, không chỉ kinh nghiệm đầy mình, ánh mắt cũng rất tinh đời.
Đối với tầng dưới dân chúng, việc giá lương không hạ chỉ đơn thuần là vấn đề kinh thương luân chuyễn suôn sẽ.
Đối với thành viên thương minh thì đó là chuyện nhà họ Hoàng muốn ổn định dân tâm, tạo phúc muôn nhà.
Chỉ có người trực tiếp dò ngón tay kiểm tra từng con số ra vào, dõi mắt quán xuyến trăm ngàn chuyến thuyền xe lương thảo đến đi như ông lão thủ kho này mới biết được một chuyện cực kỳ quan trọng là
Số kho lương bí mật của nhà họ Hoàng ngày một nhiều, lương mua vào không chỉ bán ra mà còn tích trữ.
Vì sao trữ lương?
Hơn nữa còn là bí mật trữ lương?
Chiến tranh, đế vương đại sự nha!
Lại có câu rằng ‘tòng long tôi nghèo hơn thánh hiền năng soái’, ở trong mắt đế vương thì địa vị của kẻ bề tôi theo mình từ sớm còn hơn xa những bậc trí giả, thiện chiến đầu phục về sau.
Ông lão tuy là Tam thúc công của nhà họ Hoàng nhưng lại chưa được tiếp xúc nhiều với Hoàng Hùng,
Mặc dù ổng đoán được bước tiến quân sự tiếp theo nhưng không biết được căn cốt đại đoàn kết, công bằng bác ái bên trong,
Việc cầu cạnh làm thân âu cũng là chuyện thường tình.
Đương nhiên, Hoàng Thừa Ngạn ngoại trừ là chú kiêm nghĩa phụ và thầy vỡ lòng của Hoàng Hùng thì hắn còn là một người con của gia tộc, chảy trong mình máu nhà họ Hoàng, thậm chí hiện giờ đã trở thành người lèo lái con thuyền này,
Cho nên hắn cũng hy vọng con cháu nhà họ Hoàng có thể phát dương quang đại gia tộc trong chính quyền tương lai
Nhưng phải bằng tài năng và đức độ thực sự.
Vậy nên hắn sẽ không cưỡng ép nhét người, mà sẽ chuyên tâm đào tạo hướng dẫn.
Về phần đám bùn non này có dính lên tường được không thì Hoàng Thừa Ngạn rất tự tin.
Sau nhiều năm nghiên cứu lai tạo cây hoa lúa cỏ, hắn có thể khẳng định chắc nịch rằng câu nói ‘con nhà tông không giống lông cũng giống cánh’ là hoàn toàn có cơ sở.
Nếu như có sai xót thì 9 phần 10 là do cách nuôi trồng, bởi vì những mẫu vật được xác định là phối giống sai thường thường đều ngoẻo trước khi trưởng thành.
- --------
Ký Châu, Trác Lộc, tuyết giăng mây gió, phủ kín đất trời.
“Cốc cốc cốc!"
Tiếng gõ cửa vang lên trong căn hầm u ám, nơi có một ông lão già nua lọm khọm đang đưa đôi tay gầy gò nhăn nheo về phía chậu than hồng, cầu mong đón nhận chút hơi nhiệt ấm áp, hòng xua tan cái khí lạnh trong xương thịt.
“Sang năm Giáp Tý"
Đáp lại câu khẩu hiệu của ông lão là một giọng nam trầm:
“Nam thiên đại cát"
Kéo theo là tiếng kẽo kẹt của cánh cửa.
“Phụ thân!
Đã giữa giờ Mùi"
Trương Ninh Nhi bưng một bát thuốc cho Trương Giác, nhìn thấy bộ dạng hốc hác của cha mà đau cắt trong lòng, khiến cho thần sắc của nàng thoáng chốc trở nên sầu muộn nặng nề tựa như tùy thời có thể đè rơi lớp hóa trang trên mặt.
Nếu như có bất kỳ một vị cao tầng nào của Thái Bình đạo ở đây thì họ tất nhiên sẽ vô cùng sửng sốt ngay từ đầu, bất kể đó là một phương cừ soái hay là Trương Bảo, Trương Lương,
Không chỉ vì sự xuất hiện của hai vị Trương Giác, một nhìn như sắp chết, một khỏe mạnh mười phần,
Mà còn vì câu khẩu hiệu tréo nghoe giữa hai người này.
“Vào năm Giáp Tý, Thiên hạ đại cát"
Đây mới là câu khẩu hiệu đang vang đội Ký Duyện Từ Thanh Tư Tịnh Ung U và Hán Trung, Ích Bắc, được giáo chúng của Thái Bình đạo 9 châu 10 cõi kháo nhau từ giữa hè, sau khi vụ mùa thất bát, tựa như một câu khích lệ lẫn nhau, cầu mong chống chịu qua năm này, sang năm mọi chuyện hanh thông.
Năm rồi tuy không có lũ lụt, động đất hay hạn hán, bão tố gì to lớn, thế nhưng bởi vì tuyết tai cực nặng khiến cho trễ nãi mùa vụ, triều đình không chỉ không hỗ trợ nông hộ mà còn lấy cớ thiên tai giảm bớt để tăng cường thuế phú, bù đắp cho mấy năm thất thu trước đó,
Thậm chí còn phu dịch hơn 36 vạn người để vận chuyển lương thảo ra tiền tuyến,
Mỹ danh là đoàn kết lực lượng muôn dân, chung tay chống đỡ giặc hồ xâm lấn biên cương,
Kỳ thực là đòn đáp trả của thế gia đối với Thái Bình đạo, ngăn cản đạo này tiếp tục truyền bá giáo nghĩa, mê hoặc dân tâm.
Phe bảo hoàng lại lặng im một cách lạ thường, tựa như đang chờ đợi điều gì, không nguyện ý xen vào chuyện của người khác.
Trương Giác tự nhiên hiểu được điều mà hoàng đế họ Lưu đang chờ chính là chiến tranh,
Chiến tranh giữa Thái Bình đạo và thế gia,
Một cuộc chiến rung chuyển đất trời, lưỡng bại câu thương, để cho họ Lưu có thể làm ngư ông đắc lợi.
Nếu như trước đây, Trương Giác sẽ vô cùng bực tức.
Bởi vì hắn không thích bị ép buộc, cho dù chết cũng phải là tự nguyện, mà không phải là bị kẻ khác dồn vào tử địa.
Thế nhưng từ sau mùa đông năm ngoái, trãi qua một phen đàm luận với vị thiếu niên anh kiệt nọ, Trương Giác đã thay đổi suy nghĩ.
Đọc truyện tại || TRЦмtrцуe n.
V n ||
Muốn bổ ra trời xanh, đánh nhỏ liên miên hoàn toàn vô dụng, chỉ có 2 cách,
Một là đoàn kết với nhau, tích xúc lực lượng, chờ thời cơ tới, làm một lần nhấc đao thay trời.
Hai là hy sinh, dùng xác một người lót đường cho trăm vạn người, dùng xương máu của trăm vặn người để nhóm lửa thiêu trời.
Mặc dù thiếu niên nọ và con gái mình khổ sở khuyên hắn an tâm dưỡng già, để họ đoàn kết tiếp tục con đường thứ nhất,
Thế nhưng Trương Giác tự cảm mệnh trời đã hết, trước khi nhắm mắt xuôi tay, hắn muốn nhìn thấy ngọn lửa xuyên mây kia ấy mới an lòng ra đi.
Vậy nên nếu như ở trong lòng Lưu Hoành,
Sự tĩnh lặng của cả năm nay và sự náo động toàn thiên hạ trong tương lai, đều do ‘bản minh quân’ thao túng,
Thì ở trong lòng Trương Giác, đây là lựa chọn của hắn, không phải do một ai tác động hay xen vào quấy phá,
Lưu Hoành cảm thấy hoàng quyền có lợi, Trương Giác sẽ chứng minh cho hắn thấy thiên hạ này không có bữa cơm trưa miễn phí,
Đao có lẽ chỉ chém được một đường, lửa thì sẽ lan ra bất tận!
Ngọn lửa vàng vào năm Giáp Tý, chú định sẽ đốt cháy không chỉ mỗi quyền uy thâm căn cố đế của thế gia Trung Nguyên mà còn có cả hoàng quyền, thậm chí nho môn, đạo môn, hầu như tất cả những thế lực đang đầu cơ chuộc lợi tại vùng đất phương bắc này.
Bởi vì Đại Hiền Lương Sư Trương Giác đã quyết định noi theo công tượng Ngô Việt thời cổ đại, đem chính mình sẽ vùi thân vào lò lửa,
Lấy thiên hạ làm lò, dùng máu người nhen lửa, rèn đúc trảm thiên đao!
Duy chỉ có mảnh trời đất phương nam, mới thực sự sẽ là vùng đất đại cát, bởi vì hành động của Thái Bình đạo lần này sẽ né ra nơi ấy.
Ngoài cha con Trương Giác thì chỉ có vị sư đệ của Nam Hoa đạo nhân là Vu Cát biết được việc này, chỉ biết thế nào, không biết tại sao.
“Ninh Nhi!
Chuyện người thanh niên hai ta gặp lần trước thế nào rồi?
Hắn còn ở đây sao?"
- Trương Giác cưỡng ép mình uống xong bát thuốc đắng rồi lập tức đi vào chính sự.
Trương Ninh Nhi tiếp lấy bát thuốc, lắc đầu nói:
“Hắn rời đi rồi,
Theo hài nhi tìm hiểu thì hắn chuẫn bị về U Châu, nhà hắn ở Ký Huyền, Trác quận.
Cũng không biết vì sao bán giày cỏ mà làm gì ưa đi qua đi lại thế!"
Trương Giác lắc đầu nói:
“Tuy là kẻ nghèo nàn nhưng tâm chí cực cao, tuyệt không dưới Tào Mạnh Đức.
Càng quan trọng là …
Hắn lại luôn tự xưng mình là con cháu đời sau của Trung Sơn Tĩnh Vương"
Trương Ninh Nhi cười nói:
“Phụ thân lo lắng làm gì.
Lưu Thắng thê thiếp nhiều như dê, con cái đông như chó.
Đừng nói là nơi này gần Trung Sơn, ngay ở Duyện Dự thì hài nhi cũng từng gặp những kẻ tự xưng con cháu Lưu Thắng, có mổ heo, có ngư dân, thậm chí có cả bảo vệ thanh lâu.
Cái mác mà thôi.
Lưu Thắng không thuộc chi của Lưu Tú nên mới nhiều kẻ cả gan nhận vơ như thế"
Trương Giác thở dài tiếc nuối, nhưng sau đó lập tức càng kiên định vào lựa chọn của mình.
Trương Ninh Nhi quả thật không phù hợp để thay thế hắn mãi, nàng thiếu khuyết tầm nhìn lãnh đạo, chỉ có thể thủ nhà.
Có kẻ tự xưng hoàng thân quốc thích chỉ vì một chút lòng tham công danh, hoặc khi quá chén bí rượu che mờ mắt.
Nhưng cũng có kẻ dù bị kề dao vào cổ, dọa chém cả nhà, ngũ mã phanh thây, cũng vẫn kiên quyết hô to Cao Tổ vạn tuế, Quang Vũ thần uy.
Những kẻ này hoặc là ngu trung vào xương tủy, hoặc là gian hùng trấn thế gian.
Nếu là loại sau còn tốt, đợi Thái Bình khởi nghĩa, đám này còn sẽ thêm dầu vào lửa, hỗ trợ một phen, tựa như Tào Mạnh Đức.
Về phần phiền phức phía sau thì Trương Giác lực bất tòng tâm, hắn chỉ chịu trách nhiệm nhen lửa, còn lại đẩy cho thiếu niên kia giải quyết.
Nếu là loại trước thì rất phiền toái, bởi vì Trương Giác không hy vọng mạng mình rơi vào tay một kẻ họ Lưu, không hy vọng thanh đao mình đúc ra lại bị họ Lưu cướp đoạt.
“Ninh Nhi!
Ngươi liên lạc với Hoàng công tử.
Bảo hắn trước mùa thu phải cầm quân vào Ký"
- Trương Giác nói giọng quả quyết:
Trương Ninh Nhi nghe thế thì lặng cả người, giọt lệ nữ nhi lăn trên gò má nhỏ, tẩy trôi đi lớp hóa trang trung niên lão luyện.
Thiếu thốn tình thương của mẹ từ nhỏ, Trương Giác ở trong lòng nàng cao hơn cả trời rộng hơn cả đất.
Nhưng bởi vì an toàn và cũng bởi vì tương lai, Trương Ninh Nhi không thể không tự lập bươn chãi từ sớm.
Thế sự xoay vần, trãi qua bao nhiêu năm xa cách thì nàng mới có một cơ hội quay về bồi tiếp bên cạnh người cha hiền từ của mình.
Nào ngờ đâu vòng tay ấm áp ngày nào nay đã khô đạc xác xơ, mỗi cơn rét hàn, mỗi trận gió lay, đều cần nàng ở bên tiếp nhiệt.
“Phụ thân!
Ngài … ngài có thể không làm như vậy sao?
Hắn cũng đã nói bao nhiêu lần, ngài không cần làm như vậy!"
- Trương Ninh Nhi quỳ xuống bên mé giường, ôm chầm lấy cha mình.
Trương Giác nhẹ nhàng v.uốt ve mái tóc của con gái mình như cái cách mà ông đã từng làm rất rất lâu về trước, ở cái thời mà ông còn chưa là Đại Hiền Lương Sư, chỉ là một người cha hiền kiêm từ mẫu:
“Chớ sướt mướt!
Ninh Nhi, con lớn rồi, cũng nên có quyền sống cho riêng mình"
“Không!
Ninh Nhi chỉ cần phụ thân,
Chỉ cần phụ thân thôi!!!"
- Giọng nàng hòa cùng nước mắt, tuôn ra như cơn lũ uất nghẹn hồi lâu, muốn san phá núi lật tung đê.
Trương Giác cười mỉm:
“Ta miễn cưỡng chống qua được mùa đông năm nay, nhưng năm sau thì không nổi nữa.
Ngươi nguyện ý nhìn thấy cha ngươi chết lần chết mòn nơi xó xỉnh ẩm mốc này sao?"
Trương Ninh Nhi thốt lên:
“Vậy Ninh Nhi dẫn ngài đi phương nam.
Nơi đó khí hậu thuận hòa, quanh năm ấm áp.
Có sư thúc tổ, có y gia, ngài sẽ mau chóng khỏe lại thôi!
Đi, ta đi chuẫn bị!"
Nàng vừa đứng lên, gót chưa quay được một nửa thì Trương Giác đã kéo nàng lại bằng bàn tay khô khốc của y:
“Rét lạnh là ‘trời xanh’, là nhân tâm, không phải … khụ khụ khụ
…
Không phải phương nam, phương bắc.
Lửa Thái Bình còn chưa nhen nhóm, 8 hướng 10 phương có nơi nào không rét!!!"
Dồn hết sức vào tiếng sấm gõ vang trời đất, ông lão thở dốc mệt nhọc một hồi:
“… hờ, hờ, hờ
Bệnh của ta cũng không chỉ là bệnh thân thể mà còn là tâm bệnh.
Lò luyện đã có, ta muốn lấy thân này nấu kim đan đại đạo, chữa thiên hạ nhân tâm!"
Nói đến đây, Trương Giác bật khóc nhớ lại người vợ thuở còn cùng nấu cùng ăn chung một nồi cháo cám:
“Ninh Nhi!
Không làm được việc này, ta không có mặt mũi nào đi gặp mẹ ngươi!"
“Cha!".