Viên Xuân

Chương 22

Mùa đông giá rét, trong khu rừng bạch dương ngày xuân, trên vai anh Xuân, hoàn toàn kết thúc.

— Nhật kí An Viên

Mới sáng sớm bà nội đã sang gõ cửa phòng hai đứa nhỏ.

“Đại Xuân ơi, Tiểu Viên nhi ơi, dậy thôi, dậy dán tranh Tết với câu đối nào, dán xong ăn há cảo."

Thẩm Hành Xuân và An Viên nhổm dậy khỏi chăn, nhanh nhẹn mặc quần áo mới mua trước đó, đánh răng rửa mặt xong, Thẩm Hành Xuân đưa An Viên sang nhà kề tìm tranh Tết và câu đối mua lúc trước khi lên trấn gom đồ Tết.

An Viên cầm cuộn tranh Tết, hai bức tranh Tết đều do em chọn, bức đầu vẽ một em bé mập mạp mặc yếm đang cưỡi cá chép, bức kia vẽ em bé mập mạp đang ngồi trên đài sen.

Lí do em chọn hai bức tranh em bé mập rất đơn giản, bởi vì mặt em bé tròn hơn em.

Khi đặt cạnh nhau, mặt em trở nên thanh thoát hơn nhiều.

Đây có lẽ chính là điểm đáng yêu ở trẻ con, luôn biểu lộ sự bướng bỉnh ngây thơ của chúng ở những chi tiết không dễ phát hiện.

Bà nội đã đun một bát keo để dán câu đối và tranh Tết.

Bên ngoài quá lạnh, Thẩm Hành Xuân dẫn An Viên dán trong nhà trước, tranh Tết mỗi phòng một bức, phòng ông bà dán một bức, phòng hai đứa dán một bức, rồi dán chữ “Phúc" và “Ngẩng đầu thấy Tết" trên mấy cánh cửa.

Dán xong xuôi từ trong ra ngoài, Thẩm Hành Xuân đậy một lớp vải dày lên chậu keo rồi đưa An Viên ra dán câu đối ở cổng.

An Viên sớm đã phân ra vế trên và vế dưới, mỗi tay cầm một vế, lon ton sau lưng Thẩm Hành Xuân.

Ngoài trời vẫn chưa sáng hẳn, ở xa tít là dáng núi trập trùng sừng sững trong màn trời xám xanh.

Đâu đó trong thôn vang lên tiếng chó sủa, Đại Hoàng cũng sủa theo hai tiếng, mới đầu Tiểu Hoa còn theo chân hai người, lúc cả hai ra khỏi cửa thì không theo nữa, lại cuộn mình cạnh lò đánh một giấc.

Tuyết trong vườn vẫn chưa được dọn dẹp, tuyết đọng không cao quá gang bàn chân của An Viên, hai người rảo bước đến cổng, giậm giậm chân.

“Lạnh ghê." Thẩm Hành Xuân một bên bê chậu keo, một bên cầm chổi quẹt nhanh mấy cái hai bên cổng, đưa tay về phía An Viên.

“Tiểu Viên nhi đưa anh vế trên."

An Viên đưa vế đối bên tay phải cho cậu, Thẩm Hành Xuân làm rất nhanh, chẳng mấy chốc đã dán xong câu đối và hoành phi.

Sau khi dán xong, Thẩm Hành Xuân đứng sau lưng An Viên, hai tay khoác trên vai em, hai người cùng ngẩng đầu nhìn câu đối vừa dán.

An Viên đọc thành tiếng một lượt.

“Đa tài đa phúc đa bình an/Tân xuân tân cảnh tân khí tượng, hoành phi là ‘vạn tượng canh tân’, anh ơi, mình dán ngay lắm."

“Ngay thật." Thẩm Hành Xuân nói.

Một cơn gió thổi qua, một luồng khí lạnh thấu xương trong mũi An Viên ào xuống phổi, em hít một hơi lạnh, quay đầu rúc vào vai Thẩm Hành Xuân, vùi mặt trong lồng ngực cậu, hai tay đút vào túi áo Thẩm Hành Xuân.

Đến khi cơn gió ấy dứt, em mới quay người chỉ lên hai chiếc đèn lồng đỏ hai bên cổng, nói:

“Trên đèn lồng đỏ có một lớp tuyết, gió chưa thổi bay, em muốn phủi tuyết trên đó đi."

Nói rồi, em đi đến cổng, giơ tay nhảy mấy lần liền, nhưng vẫn không với tới chùm tua rua dưới đèn lồng, tuyết vẫn đọng nguyên trên đèn lồng.

Em quay ra cầu cứu Thẩm Hành Xuân:

“Anh ơi, em với không tới, anh làm đi."

Thẩm Hành Xuân đặt chậu keo trong tay xuống, xoa xoa tay, khom lưng ôm bắp chân An Viên, nâng em lên.

“Bây giờ với tới chưa?"

An Viên giơ tay, lần này em kéo được chùm tua rua của đèn lồng rất dễ dàng, em dùng sức lắc cổ tay mấy cái, tuyết trên đèn lồng rơi lả tả xuống dưới.

An Viên không kịp nhắm mắt, tuyết rải đầy mặt em.

Thẩm Hành Xuân cũng không khá khẩm hơn, mặt và cổ đều dính tuyết, buốt đến mức cậu cứ hít hơi lạnh mãi, vội bế An Viên lùi về sau mấy bước.

“Em lắc cũng không nói trước với anh để anh biết đường bế em chạy."

An Viên cúi đầu, dùng tay lau bọt tuyết trên mặt Thẩm Hành Xuân, cười hehe mấy tiếng.

“Còn một cái nữa kìa, cái tiếp theo em sẽ nói trước với anh."

“Anh với được, em xuống đi, để anh." Thẩm Hành Xuân nói.

An Viên lắc lư eo mấy phát, không vừa ý đáp:

“Em không xuống, em tự làm cơ, anh, anh bế em sang bên kia đi."

Thẩm Hành Xuân lại bế em sang bên dưới chiếc đèn lồng đỏ kia, lần này trước khi lắc An Viên đếm trước.

“Anh ơi, em đếm ba tiếng, đếm tới một thì anh chạy nhé."

Thẩm Hành Xuân gật đầu, giục giã:

“Nhanh nhanh nhanh, lạnh chết mất."

“Ba, hai, một." An Viên đếm đến một, dùng sức lắc. “Anh ơi chạy mau."

Thẩm Hành Xuân bế An Viên, bị tiếng kêu “chạy mau" thất thanh của em dọa sợ, chạy ra xa tít, cứ như thể hai đứa không phải đang lắc tuyết trên đèn lồng mà đang châm mìn vậy.

Cậu đặt An Viên xuống đất, lần này cả hai tránh kịp tuyết rơi, An Viên sờ cổ mình, nhìn đèn lồng lay động trong gió, cười thầm.

“Tết đến rồi."

Thẩm Hành Xuân bê chậu keo trên đất lên, kéo tay An Viên xoay người.

“Tết đến rồi, đi thôi, về ăn há cảo."



Tháng ba sau Tết, An Viên bắt đầu đi học, tuy trong thôn cũng có trường tiểu học, nhưng ông bà Thẩm vẫn gửi em tới trường trên trấn.

Trường mới của An Viên cách trường Thẩm Hành Xuân rất gần, chỉ cách nhau hai mươi phút đi đường.

Từ sau khi Thẩm Hành Xuân lên cấp ba, bà nội Thẩm đã thuê nhà gần trường cậu, trước và sau vụ bà đều sẽ lên trấn kèm cặp, An Viên cũng không cần sắp xếp gì nhiều, ngoại trừ làm thủ tục chuyển trường thì không khác gì với lúc ở thôn, em vẫn ở cùng Thẩm Hành Xuân.

Án của An Quốc Khánh ra phán quyết vào đầu tháng tư, không khác lắm so với dự đoán, sáu năm tám tháng.

An Viên tính thời gian, năm ấy em mười chín tuổi, chắc đang học đại học năm nhất.

Lần đầu tiên được thăm nom, An Viên đi đến trại giam cùng Thẩm Hành Xuân.

An Quốc Khánh gầy đi rất nhiều, mặc áo tù nhân màu xanh lam ngồi bên trong, bộ râu chưa cạo khiến chú trông già đi rất nhiều, bên tai đã điểm vài sợi bạc.

An Viên cầm điện thoại, xót xa vừa khóc vừa gọi bố.

“Bố ơi, sao bố gầy thế này rồi, bố ơi, Tiểu Viên nhi nhớ bố lắm."

Tuy An Viên đã biết phán quyết, nhưng vẫn không kìm được mà hỏi:

“Bố ơi, bao giờ bố mới về được, Tiểu Viên nhi nhớ bố lắm, Tiểu Viên nhi nằm mơ cũng nhớ bố."

An Quốc Khánh nghe tiếng con trai khóc, cúi gằm mặt, gạt mạnh nước mắt hai cái, chú gắng nén lệ, ngẩng đầu  nhìn An Viên, miễn cưỡng nặn ra một nụ cười, khẽ khàng dỗ em.

“Tiểu Viên nhi đừng khóc, bố khỏe lắm, bây giờ đã quen rồi, con phải nghe lời, phải ngoan đấy, biết không? Đừng khóc nữa, còn khóc nữa là hết đẹp đấy, mặt mũi nhem nhuốc cả rồi."

An Viên lấy tay áo lau nước mắt, Thẩm Hành Xuân ở bên cạnh lấy khăn giấy lau mặt cho em.

“Bố ơi, Tiểu Viên nhi không khóc nữa, bố đừng lo cho con, ông bà và anh tốt với con lắm, bố phải chăm sóc cho bản thân thật tốt, Tiểu Viên nhi đang đợi bố đấy."

“Ngoan, Tiểu Viên nhi là giỏi nhất, con cũng đừng lo cho bố."



Khóe mắt An Quốc Khánh mỗi lúc một đỏ, trong họng như mắc ngàn cân đá, chú đã lo lắng cho Tiểu Viên nhi suốt một thời gian dài, bây giờ thấy con khỏe mạnh mới hơi yên tâm.

Thời gian thăm nom chỉ có ba mươi phút, An Quốc Khánh nói chuyện với An Viên hai mươi phút rồi bảo An Viên đưa ống nghe cho Thẩm Hành Xuân bên cạnh.

An Quốc Khánh không biết còn có thể nói gì, trong lòng chỉ có cảm kích, chú nhìn một cái là biết, Tiểu Viên nhi được nhà họ Thẩm chăm sóc rất tốt, chỉ hết mực cảm ơn Thẩm Hành Xuân:

“Đại Xuân à, bức thư đầu tiên ông viết cho chú, tới cuối năm chú mới nhận được, cảm ơn mọi người, cũng thay chú cảm ơn ông bà nhé, An Viên vẫn như trước đây, hình như còn bụ thêm một chút, thật sự, cảm ơn mọi người."

Thẩm Hành Xuân biết An Quốc Khánh chỉ canh cánh mỗi An Viên, cậu nói:

“Chú An, chú không cần lo cho Tiểu Viên nhi đâu ạ, gia đình cháu sẽ chăm sóc em thật tốt, trường bọn cháu cách đây không xa, sau này cháu sẽ dắt An Viên vào đây thường xuyên ạ."

An Quốc Khánh nói liền mấy tiếng “được", chú biết lời dư thừa không cần nói thêm nữa.

Thẩm Hành Xuân lại chuyển điện thoại sang An Viên, An Viên nói thêm với bố mấy câu, đã hết ba mươi phút, An Quốc Khánh bị đưa đi.

Trên đường về, An Viên quay đầu hết mấy lần, đến khi không nhìn thấy cổng trại giam nữa mới thôi.

Thẩm Hành Xuân nắm tay An Viên mãi không buông.

“Một tháng có thể đến thăm hai lần cơ, lần sau lại đến, mình vẫn có thể thường xuyên gặp bố mà."

An Viên sụt sịt mũi, cúi xuống nhìn đầu ngón chân.

“Cảm ơn anh."

“Bé ngốc, cảm ơn gì chứ?"

“Tóm lại là cảm ơn anh, cũng cảm ơn ông bà."

“Được rồi, đừng cảm ơn nữa, bố em đã cảm ơn rồi, Tiểu Viên nhi chỉ việc lớn lên thật khỏe mạnh là được."

An Viên gật đầu trịnh trọng.

“Em sẽ mà."

Thời gian chảy theo gió bấc, bây giờ gió bấc đã biến thành gió nam, gió nam thổi tan tuyết, mang theo lấm tấm đỏ xanh.

Mùa xuân nơi đây rất ngắn, tuyết mùa đông đến tháng tư mới bắt đầu tan, nhưng mùa xuân vẫn sẽ tới.

Bọn họ đã cởi bỏ áo bông dày dặn, cởi cả mũ, tóc An Viên đã dài thêm một chút, Thẩm Hành Xuân đưa em đi cắt lại kiểu đầu cũ, bây giờ tóc trước trán em đã rủ mượt mà trên da.

An Viên chốc chốc cứ dùng đầu ngón tay chọt vết chai trên ngón tay Thẩm Hành Xuân, nhẹ nhàng vuốt ve.

Thẩm Hành Xuân dẫn An Viên đi trên đường, hai bên đều là rừng bạch dương, đi về phía trạm xe.

An Viên nhìn ra xa về một bên, rừng bạch dương vẫn một màu trắng, nhưng đã không còn là màu tuyết, là thân cây màu trắng, đầu cành bạch dương đã nhú mầm non mơn mởn đầu tiên, gió nam thổi, đưa hương thơm phảng phất không mất lòng ai.

Mặt đường vừa tan tuyết ướt sườn sượt, sực nức mùi đất ngai ngái, hai người đi hết cả quãng đường, dưới chân đã dính đầy bùn.

An Viên đi mệt, kéo kéo cổ tay Thẩm Hành Xuân.

Thẩm Hành Xuân hiểu ý dừng bước.

“Mệt rồi à? Nghỉ một lát đi."

An Viên tìm một chỗ khô ráo trên đường giũ bùn dưới giày, nói:

“Em đứng một lát là được."

“Hẵng sớm, có muốn vào rừng ngồi một lát không?" Thẩm Hành Xuân chỉ về rừng bạch dương bên đường.

“Được ạ." Trước đây An Viên chưa thấy rừng bạch dương bao giờ, thân cây màu trắng, một màu trắng đẹp vô cùng.

Thẩm Hành Xuân kéo An Viên, xuống một con dốc nho nhỏ,  đi mấy bước vào trong rừng, hai người tìm một bãi cỏ khô ráo, Thẩm Hành Xuân cởi áo ngoài trải lên mặt cỏ.

Hai người sóng vai ngồi xuống, tựa lưng lên thân cây bạch dương.

An Viên im lặng ngước lên nhìn thân cây trắng xám, bạch dương là cây rụng lá, thân rất cao, mọc thẳng đứng, đâm lên bầu trời xanh xanh xa xa trên đỉnh đầu.

Trên ngọn cây là tiếng chim hót véo von rợp trời đang gọi mùa xuân về.An Viên ngẩng đầu mãi, đến khi mỏi cổ thì ngả lên vai Thẩm Hành Xuân, từ từ cất tiếng:

“Anh ơi, mùa đông giá rét đã qua thật rồi."
Tác giả : Cửu Lục
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi

Truyện cùng thể loại