Việc Máu

Chương 7

McCaleb giơ một ngón tay ra hiệu với tài xế taxi rồi gọi một cuộc nữa. Ban đầu ông nghĩ tới Jaye Winston nhưng rồi lại quyết định là hẵng khoan. Thay vào đó ông gọi Graciela Rivers ở số điện thoại nàng cho, trực ban y tá của phòng cấp cứu Trung tâm Y tế Holy Cross. Nàng đồng ý gặp ông để ăn trưa sớm, mặc dù ông giải thích rằng ông chưa làm được gì mấy. Ông bảo nàng tìm ông ở sảnh đợi của phòng cấp cứu lúc mười một rưỡi.

Bệnh viện nằm ở một phần của khu Thung lũng (Valley) gọi là Đồi Sứ mệnh. Trên đường tới đó, McCaleb nhìn ra ngoài cửa sổ ngắm phong cảnh lướt qua. Hầu hết là những siêu thị mua sắm dọc đường và trạm xăng. Tay tài xế chuyển sang đường 405 để ông có thể tiến về phía Bắc.

Những gì McCaleb biết về khu Thung lũng chỉ là qua các vụ án. Những vụ ấy thì nhiều, hầu hết chỉ được ông xem xét qua giấy tờ, ảnh chụp và băng video quay mấy cái xác bị vứt dọc lề xa lộ hoặc trên những triền đồi ven các trảng đất thập phía Bắc. Tên Sát thủ Mật mã đã thủ ác bốn lần ở vùng Thung lũng trước khi biến mất như làn sương buổi sáng trên vũng neo thuyền.

“Ông là gì, cảnh sát à?"

McCaleb rời mắt khỏi cửa sổ, nhìn vào kính chiếu hậu nơi băng ghế trước. Mắt tay tài xế đang dán vào ông. “Gì kia?"

“Ông là cảnh sát hay là gì?"

McCaleb lắc đầu.

“Không, tôi không phải cảnh sát."

Ông lại nhìn ra ngoài cửa sổ trong khi xe lặc lè leo một đoạn dốc trên đường xa lộ. Họ đi ngang qua một phụ nữ tay cầm biển hiệu xin tiền. Lại một nạn nhân nữa sắp phải làm vật hy sinh.

Ông ngồi trong sảnh đợi, trên một cái ghế nhựa đối diện một phụ nữ bị chấn thương và chồng bà ta. Người phụ nữ bị đau nội tạng, hai tay cứ ôm chặt quanh mình chỗ cơ hoành. Bà ta cúi gập người xuống để bảo vệ chỗ đau. Chồng bà rất chu đáo, cứ hỏi đi hỏi lại xem bà có sao không, chốc chốc lại đứng dậy đi tới chỗ cửa nhận bệnh để hỏi khi nào vợ ông mới được cho vào khám lại. Nhưng hai lần McCaleb nghe thấy ông ta khẽ khàng hỏi vợ: “Em sẽ nói gì với họ đây?"

Và lần nào người đàn bà cũng quay mặt đi.

Lúc mười hai giờ kém mười lăm Graciela Rivers bước vào qua cánh cửa kép của khu cấp cứu. Nàng đề nghị họ xuống ăn ngay ở căng tin bệnh viện bởi nàng chỉ rảnh một giờ thôi. McCaleb thấy cũng không sao vì từ khi thay tim đến giờ ông vẫn chưa ăn ngon miệng trở lại. Với ông thì ăn ở bệnh viện cũng chẳng khác gì ăn ở Jozu hay Melrose. Hầu như ngày nào ông cũng chẳng bận tâm mình ăn gì, đôi khi thậm chí quên cả ăn nếu như cơn nhức đầu không nhắc ông rằng ông cần nạp thêm năng lượng.

Căng tin hầu như vắng ngắt. Họ ngồi vào một bàn cạnh cửa sổ nhìn ra bãi cỏ xanh mướt rộng mênh mông bao quanh một chữ thập lớn màu trắng.

“Đây là cơ hội duy nhất của tôi để nhìn ánh nắng," Graciela nói. “Trong phòng cấp cứu chả có cửa sổ nào cả. Cho nên tôi luôn cố tìm chỗ gần cửa sổ."

McCaleb gật đầu tỏ rõ rằng ông hiểu.

“Hồi tôi còn làm ở Quantico, văn phòng chúng tôi ở dưới lòng đất. Tầng hầm ấy. Không cửa sổ, lúc nào cũng ẩm thấp, mùa đông thì dù bật máy sưởi vẫn cứ lạnh cóng. Tôi chẳng bao giờ thấy mặt trời. Chả mấy chốc mà mình mòn mỏi đi."

“Có phải vì vậy mà ông chuyển tới đây không?"

“Không. Vì lý do khác. Nhưng tôi cứ nghĩ mình sẽ có được cửa sổ. Tôi đã lầm. Họ nhét tôi vào một phòng để đồ ở PTC. Cao những mười bảy tầng nhưng không cửa sổ. Chắc vì vậy mà giờ tôi sống trên thuyền. Tôi thích có bầu trời ngay bên cạnh."

“PTC là cái gì vậy?"

“Xin lỗi. Là Phòng Tác chiến. Ở Westwood. Là tòa nhà liên bang lớn, cạnh nghĩa trang cựu chiến binh."

Nàng gật.

“Vậy có thực là ông lớn lên ở Catalina như bài báo nói không?"

“Tới khi tôi mười sáu tuổi," ông nói. “Rồi tôi sống với mẹ ở Chicago… Cũng buồn cười, suốt thời gian tôi lớn lên trên hòn đảo đó tôi chỉ muốn thoát khỏi nó thôi. Giờ thì tôi lại chỉ cố tìm cách quay lại đó."

“Ông định sẽ làm gì ở đó?"

“Tôi không biết. Tôi có một chỗ neo thuyền ở đó cha tôi để lại cho tôi. Có lẽ tôi sẽ chả làm gì hết. Có lẽ tôi chỉ thả câu rồi ngồi dưới nắng, tay cầm cốc bia."

Ông mỉm cười và nàng cười đáp lại.

“Nếu ông đã có bến đậu rồi thì tại sao không đi ngay bây giờ được?"

“Thuyền chưa sẵn sàng. Cả tôi cũng chưa."

Nàng gật.

“Thuyền của cha ông phải không?"

Lại một chi tiết khác trong bài báo. Rõ là ông đã nói quá nhiều về mình với Keisha Russell. Ông không thích người ta biết quá nhiều về ông một cách quá dễ dàng như thế.

“Hồi trước cha tôi sống trên thuyền. Khi ông mất, thuyền chuyển sang tôi. Tôi cứ để nó nằm trong ụ khô suốt nhiều năm. Giờ nó phải sửa chữa nhiều."

“Cha ông đặt tên cho nó hay là ông?"

“Cha tôi."

Nàng cau mày và nheo mắt như thể ăn phải cái gì chua.

“Sao ông ấy lại gọi là Biển Theo Ta chứ không phải Ta Theo Biển? Ta Theo Biển nghe hợp lý hơn chứ."

“Không, thế là đúng chứ. Đây không phải ta đi theo biển. Biển ở đây là chủ thể, nó theo ta."

“Ồ, nghĩa là sao?"

“Mỗi biển là một ngọn sóng, cô biết đấy, cô vẫn hay nghe các báo cáo dành cho dân lướt sóng nói là biển sâu từ sáu mươi phân đến một mét hai hay gì đó, đúng không?"

“Đúng."

“Rồi, biển theo ta là thứ biển mà cô phải dè chừng.

Nó là thứ biển đi theo sau một con thuyền. Mình không nhìn thấy nó tới đâu. Nó ập lên mình từ đằng sau và nuốt chửng mình. Nhấn chìm mình. Quy tắc là nếu mình đang tiến vào giữa ‘biển theo ta’ mình chỉ cần phải di chuyển nhanh hơn nó. Luôn ở đằng trước nó. Cha tôi đặt tên thuyền như vậy vì nó giống như một lời nhắc nhở. Cô hiểu đấy, hãy luôn canh chừng nó sau lưng mình. Cha luôn miệng nói với tôi như thế hồi tôi còn nhỏ. Ngay cả khi tôi đã sang bên phố."

“Sang bên phố?"

“Là khi tôi rời đảo. Cha bảo tôi hãy luôn luôn dè chừng biển theo sau, kể cả khi đang ở đất liền."

Nàng mỉm cười.

“Giờ tôi biết chuyện rồi, tôi thích cái tên ấy. Ông có nhớ bố không?"

Ông gật đầu nhưng không nói gì thêm. Cuộc trò chuyện nhạt đi và họ bắt đầu ăn xăng uých. McCaleb không định trước rằng ở cuộc gặp gỡ này hai bên sẽ nói về ông. Sau khi cắn vài miếng, ông bắt đầu cho nàng biết chuyện sáng nay ông đã chẳng làm được gì nhiều, ông không kể với nàng ông đã xem cảnh em gái nàng bị giết trên băng video, nhưng ông kể rằng ông có linh cảm vụ ám sát Torres-Kang có liên quan tới ít nhất một vụ khác nữa. Ông nói với nàng rằng theo ông suy đoán, vụ kia có thể là vụ cướp và bắn người ở máy ATM được kể trong các bài báo mà Keisha Russell đọc cho ông nghe.

“Tiếp theo ông sẽ làm gì?" nàng hỏi khi ông đã kể xong.

“Chợp mắt một chút."

Nàng nhìn ông với vẻ tò mò.

“Tôi mệt lử rồi," ông nói. “Đã lâu rồi tôi không chạy loanh quanh và suy nghĩ nhiều thế này. Tôi về lại thuyền nghỉ thôi. Mai tôi sẽ bắt đầu lại."

“Tôi xin lỗi."

“Không, cô có lỗi gì đâu," ông mỉm cười nói. “Cô đang tìm một người có lý do để dính vào vụ này. Tôi có cái lý do ấy nên tôi dính, nhưng ban đầu tôi phải làm chậm chậm thôi. Cô là y tá, tôi mong cô hiểu."

“Tôi hiểu. Tôi không muốn ông tự hại mình. Làm thế chỉ khiến cho Glory càng chết hơn thôi..."

“Tôi hiểu."

Họ ngồi im lặng một lát, rồi ông nối lại cuộc trò chuyện.

“Đánh giá của cô về cảnh sát Los Angeles là đúng. Tôi nghĩ họ đang theo kiểu đợi xem, đợi điều gì đó xảy - có thể là đợi thằng đó ra tay lần nữa. Chắc chắn là họ đang chẳng làm gì hết. Đây là một vụ bị xếp vào kho chừng nào chưa có gì đột ngột hâm nóng nó."

Nàng lắc đầu.

“Họ không tiến hành gì cả, nhưng họ không muốn ông thử một phen xem sao. Điều đó quan trọng chứ."

“Là chuyện rừng nào cọp nấy mà thôi. Luật chơi xưa nay vẫn vậy mà."

“Đây không phải cuộc chơi."

“Tôi biết."

Ông ước gì mình đã chọn một từ hay hơn.

“Thế ông có thể làm gì?"

“Ừ thì sáng mai, khi đã khỏe lại, tôi sẽ thử gặp Văn phòng Cảnh sát trưởng về cái vụ kia, vụ mà tôi nghĩ là có liên quan ấy. Tôi biết manh mối vụ đó. Jaye Winston. Tôi với cô ấy cùng phá một vụ cách đây lâu rồi. Lần ấy suôn sẻ nên tôi hy vọng lần này họ sẽ cho tôi dấn sâu vào. Ít nhất là sâu hơn so với mấy tay ở cảnh sát Los Angeles."

Nàng gật đầu, nhưng nàng không giỏi lắm trong việc che giấu nỗi thất vọng.

“Graciela này," ông nói. “Tôi không biết liệu cô có trông chờ ai đó tự dưng xuất hiện mà giải quyết vụ này như xoay chìa khóa trong ổ khóa hay không, nhưng nếu cô tin tưởng vậy thì thật không thực tế. Chuyện đó chỉ có trong phim thôi. Còn đây là thực tại. Suốt ngần ấy năm tôi làm ở FBI, hầu hết các vụ đều xoay quanh vài chi tiết nhỏ, một cái gì đó thật nhỏ bị người ta bỏ qua hoặc thoạt đầu không có vẻ quan trọng gì. Nhưng rồi hóa ra chính nó là mấu chốt cho toàn bộ sự việc. Đôi khi phải rất lâu người ta mới tới được chỗ đó, mới tìm được cái chi tiết nhỏ ấy."

“Tôi biết. Tôi biết. Tôi chỉ thất vọng rằng mọi chuyện không được làm sáng tỏ sớm hơn."

“Phải, khi mà...

Ông đang định nói rằng khi mà máu còn tươi.

“Gì cơ?"

“Không gì cả. Chỉ là với hầu hết các vụ, thời gian trôi qua càng lâu thì càng khó."

Ông biết dẫu có nói cho nàng rõ về hoàn cảnh thực tế thì cũng chẳng giúp gì được cho nàng. Nhưng ông muốn nàng chuẩn bị cho thất bại rành rành của ông về sau. Hồi xưa thì ông cừ đấy, nhưng nay không cừ vậy nữa rồi. Giờ đây ông nhận ra rằng khi đồng ý nhận vụ này, ông đã chỉ chuẩn bị sẵn để làm Graciela Rivers thất vọng. Ước mơ ích kỷ của ông là đền đáp với nàng rốt lại sẽ chỉ là thêm một liều thực tại đau đớn cho nàng.

“Mấy người đó chỉ là chẳng quan tâm thôi," nàng nói.

Ông nhìn kỹ đôi mắt nàng đang nhìn xuống. Ông biết nàng đang nói về Arrango và Walters.

“Tôi thì tôi quan tâm."

Họ kết thúc bữa ăn trong lặng lẽ. Sau khi McCaleb đẩy đĩa sang một bên, ông quan sát nàng trong khi nàng nhìn ra ngoài cửa sổ. Ngay cả khi mặc bộ đồng phục y tá màu trắng bằng polyester, tóc buộc ra sau, Graciela Rivers vẫn khuấy động cái gì đó ở trong ông. Nàng có một nỗi buồn nào đó khiến ông những muốn làm dịu bớt. Ông tự hỏi có phải nỗi buồn ấy đã có đó từ trước khi em nàng chết hay không. Với hầu hết thiên hạ thì có. McCaleb thậm chí còn nhìn thấy điều đó trên gương mặt trẻ sơ sinh nữa - nỗi buồn đã có sẵn đấy rồi. Những sự kiện trong đời họ dường như chỉ xác nhận cái nỗi buồn họ mang sẵn mà thôi.

“Có phải đây là nơi cô ấy chết không?" ông hỏi.

Nàng gật đầu rồi nhìn lại ông.

“Đầu tiên người ta đưa nó tới Northridge, cầm máu rồi chuyển tới đây. Tôi có ở đây khi người ta đã thôi không hỗ trợ sự sống nữa. Tôi đã ở bên nó."

Ông lắc đầu.

“Chắc là cô đau đớn lắm."

“Ở khu cấp cứu ngày nào tôi cũng thấy người chết. Chúng tôi cười đùa về chuyện đó để giảm stress, bảo họ là ‘3H’. Hết Hơi Hẳn. Nhưng khi đó là người thân của mình... Tôi không còn đùa như thế nữa."

Ông quan sát khuôn mặt nàng khi nàng lắc đầu quầy quậy, cài sang số khác rồi tiến tới, thoát khỏi đoạn khó đi. Một vài người có cái số thứ năm ấy nơi hộp số bên trong mình, họ có thể quay xuống đó, để thoát những khi cần thoát.

“Kể tôi nghe về cô ấy đi," ông nói.

“Ý ông là sao?"

“Thật ra tôi đến đây là vì thế. Kể tôi nghe về cô ấy đi. Sẽ ích cho tôi đấy. Càng cảm thấy rõ hơn về cô ấy thì tôi sẽ càng làm được việc này tốt hơn."

Nàng im lặng một thoáng, miệng bặm lại trong khi ngẫm nghĩ làm thế nào có thể tóm tắt về em nàng trong một vài lời.

“Trên thuyền của ông có bếp không?" Cuối cùng nàng hỏi.

Câu hỏi của nàng khiến ông bối rối.

“Gì cơ?"

“Bếp. Trên thuyền ông ấy."

“Ừ, có."

“Có đủ to để nấu cho ra nấu không?"

“Có chứ. Sao cô lại hỏi tôi về thuyền của tôi?"

“Ông muốn biết về em tôi không?"

“Có."

“Thế thì ông phải gặp thằng con của nó. Tất cả những gì tốt đẹp ở em tôi đều nằm ở Raymond cả. Nó là tất cả những gì ông cần biết."

McCaleb chầm chậm gật đầu, ông đã hiểu.

“Vậy thì tối nay tôi đem Raymond xuống thuyền ông rồi hai dì cháu tôi nấu bữa tối cho ông, được không? Tôi có kể cho nó nghe về ông và về con thuyền. Thằng bé muốn thấy con thuyền."

Ông nghĩ một thoáng rồi nói, “Thế này nhé. Hay ta đợi đến mai đi. Nếu vậy tôi có thể kể cho cô nghe tôi đến chỗ văn phòng Cảnh sát quận thì kết quả thế nào. Có thể tôi sẽ có được gì đó khả quan hơn để báo cáo."

“Mai cũng được."

“Với lại đừng bận tâm chuyện nấu nướng. Nấu ăn là việc của tôi."

“Ông đảo ngược mọi thứ cả rồi đấy. Tôi chỉ muốn là..."

“Tôi biết, tôi biết. Nhưng cô có thể dành lại cho một buổi tối ở nhà cô. Mai cô đến nhà tôi thì tôi sẽ đảm nhiệm phần nấu nướng, OK?"

“OK," nàng nói, vẫn cau mày nhưng nhận ra rằng không thể làm ông lay chuyển được. Đoạn nàng mỉm cười. “Chúng tôi sẽ đến."

Đường về phía Nam theo Xa lộ 405 ken dày xe cộ nên mãi sau hai giờ chiều taxi mới thả ông xuống chỗ vũng neo thuyền. Taxi không có điều hòa nhiệt độ nên ông thấy đầu hơi váng vất do khí thải trên xa lộ trộn lẫn với mùi mình mẩy tay tài xế.

Sau khi vào trong thuyền, ông kiểm tra điện thoại thì thấy tin nhắn duy nhất ông nhận được là một cuộc gọi bị ngắt ngang. Ông cảm thấy mình bị chệch với nhịp thường ngày bởi đã lâu rồi ông không hề đi lại, vận động tay chân nhiều như ngày hôm đó. Cơ bắp hai chân ông nhức nhối, lưng thì đau. Ông đi xuống phía mũi thuyền kiểm tra nhiệt độ, nhưng không sốt. Huyết áp và nhịp tim vẫn bình thường. Ông ghi lại hết vào bảng, rồi đi vào phòng ngủ, cởi quần áo ra rồi chui vào giường hãy còn chưa dọn chăn mền.

Mặc dù kiệt sức về thể xác, ông không ngủ được, cứ thức chong chong trên gối. Tâm trí ông cứ nhộn nhạo những ý nghĩ trong ngày và các hình ảnh trong cuốn băng. Sau khoảng một giờ tự lừa mình, ông trở dậy lên phòng khách. Ông lôi cuốn sổ ra khỏi chiếc áo khoác hồi nãy vắt lên lưng ghế, đọc qua những gì đã ghi chép trước đó. Không có gì nổi bật, nhưng vì sao đó ông thấy vững dạ rằng mình đã khởi đầu ghi chép về cuộc điều tra của mình.

Trên một trang trắng ông ghi vội thêm vài ý nghĩ vừa nảy ra về cuốn băng và đôi câu hỏi mà ông muốn bảo đảm sẽ làm rõ được với Jaye Winston ngày hôm sau. Giả định rằng các điều tra viên đã nối kết các vụ lại với nhau, ông muốn biết mối liên hệ đó chắc chắn đến đâu và liệu ba trăm đô bị lấy của James Cordell trong vụ thứ nhất thật ra là bị tước từ người nạn nhân hay là từ khay đựng tiền của ATM.

Ông đặt sổ sang một bên khi nhận ra là mình đói.

Ông đứng dậy, đánh lòng trắng ba quả trứng trong một cái xoong, trộn vào ít xốt Tabasco và rau diếp củ rồi làm một cái xăng uých bằng bánh mì trắng, cắn được hai miếng, ông cho thêm Tabasco vào.

Khi đã dọn dẹp bếp xong, ông thấy cơn mệt mỏi trở lại và cuối cùng cũng khiến ông buồn ngủ rũ. Ông biết giờ thì ông ngủ được. Ông tắm nhanh bằng vòi hoa sen, đo nhiệt độ thêm lần nữa rồi uống cữ thuốc buổi chiều. Trong gương, ông thấy mình trông như thể đã hai ngày không cạo râu mặc dù ông vừa mới cạo sáng hôm đó. Đó là một hiệu ứng phụ của một trong các thứ thuốc ông đang uống. Prednisone giúp chống lại tình trạng cơ thể đào thải vật lạ, nhưng cũng kích thích râu tóc mọc. Ông mỉm cười trước hình phản chiếu của mình trong gương, nghĩ rằng hôm trước lẽ ra ông nên bảo Bonnie Fox rằng ông thấy mình giống như ma sói chứ không phải Frankenstein. Ông lẫn lộn hết mấy con quái vật đó rồi. Ông đi nằm.

Giấc mơ của ông có hai màu đen trắng. Giờ thì chúng ở cả đây, nhưng trước cuộc giải phẫu thì chưa có. Ông không biết thế nghĩa là gì. Ông có kể với bác sĩ Fox chuyện ấy nhưng chị chỉ nhún vai.

Trong giấc mơ này ông đang ở trong chợ. Ông là một người trong cuộc ở cuốn băng video mà Arrango và Walters cho ông xem. Ông đang đứng nơi quầy mỉm cười với Chan Ho Kang. Chủ hiệu mỉm cười đáp lại ông vẻ rất không thân thiện và nói gì đó.

“Gì cơ?" McCaleb hỏi.

“Ông không xứng đáng," ông Kang nói.

McCaleb nhìn xuống quầy nơi món hàng mình mua nhưng chưa kịp thấy mình mua gì thì đã cảm thấy cái vòng thép lạnh gí vào thái dương ông. Ông quay nhanh lại thì thấy gã đàn ông đeo mặt nạ cầm súng. McCaleb biết - theo cung cách mà kiến thức và lôgic thường đi kèm với giấc mơ - rằng gã đàn ông đang mỉm cười sau lần mặt nạ. Tên cướp hạ thấp súng xuống rồi bắn vào ngực McCaleb, viên đạn của hắn trúng vào vòng số mười, ngay hồng tâm. Viên đạn xuyên qua McCaleb như thể ông là một cái đích bằng giấy. Nhưng tác động của phát súng khiến ông lùi lại một bước rồi từ từ ngã xuống như trong phim quay chậm. Ông không thấy đau, chỉ thấy nhẹ nhõm. Ông nhìn kẻ sát nhân trong khi khuỵu xuống và nhận ra cặp mắt đang nhìn qua mặt nạ. Đó là mắt của chính ông. Rồi thì cái nháy mắt.

Còn ông thì cứ ngã xuống, ngã xuống mãi.
Tác giả : Michael Connelly
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại