Vị Khách Lúc Nửa Đêm

Chương 59

Trong bóng tối, hàng mi rung động, gắn bó thân mật như môi với răng, không liên quan gì đến tình dục.

Lần đầu tiên Tông Anh phát hiện ra mặt Thịnh Thanh Nhượng nóng như vậy, cô mở mắt ra, ngón tay vẫn ôm lấy mặt anh, hơi lùi ra sau nửa tấc.

Tựa trán vào nhau, hơi thở giao hòa, một lát sau, Thịnh Thanh Nhượng đặt bàn tay mang vết thương lên má cô, từ tốn thận trọng tiếp tục, đồng thời khiến nụ hôn này sâu sắc hơn.

Ngoài nụ hôn im lặng là cơ thể căng thẳng, là nhịp tim đập dồn dập, là bàn tay lần mò nắm chặt lấy nhau.

Mãi đến khi một thiếu phụ dưới lầu nghiêm giọng khiển trách: “Thằng quỷ! Đầu óc hỏng rồi hay sao! Ai bảo mày ném bao diêm xuống ao? Diêm ướt làm sao thắp nến được! Mau gọi ba mày đến chỗ Diệp tiên sinh mượn bao diêm!" Bầu không khí này mới phút chốc bị phá vỡ, nụ hôn ngừng lại giữa chừng, trở lại nhân gian.

Trong không khí, mùi rượu như ẩn như hiện, bao thuốc lá nhăn nhúm vẫn nằm cạnh ly rượu, trong bóng tối đen kịt, không ai thấy rõ sự thay đổi trên nét mặt đối phương.

Tông Anh buông tay ra, vờ như không có việc gì với lấy bình rượu, rót đầy cốc rượu rum nhỏ cỡ 1 ounce, uống một hớp nhỏ, chất lỏng lạnh băng chảy qua thực quản vào dạ dày, tạo cho người ta một giây lát bình tĩnh.

Gió đêm mạnh hơn, Thịnh Thanh Nhượng đứng dậy vào nhà, lần mò lấy tấm chăn trên ghế sô pha, đi thẳng ra ban công, chuẩn xác phủ lên vai Tông Anh, sau đó lại ngồi xuống chiếc ghế mây bên cạnh, khàn giọng nói với cô: “Uống ít một chút."

Tông Anh mới uống tổng cộng vài ngụm, nhưng nghe anh khuyên nhủ, cô thật sự để ly rượu xuống, trải rộng chăn, túm lấy một góc đưa qua.

Lần này Thịnh Thanh Nhượng không từ chối, vì vậy cả hai cứ thế cùng nhau chia sẻ một tấm chăn.

Trong đêm tối thiếu ánh sáng, con người như loài thú bị vây hãm, không thể đi nơi nào, ngồi nhìn cảnh đêm, trước mắt một màu đen quạnh quẽ, thành phố cũng thế.

Còn bốn tiếng trước khi trở lại thời đại sáng sủa kia, chung quy cần tán gẫu chuyện gì đó.

Sau một lúc lâu, Tông Anh hỏi anh: “Lúc mới tới thời đại em đang sống, có bao giờ anh chợt dấy lên cảm xúc gì đặc biệt không?"

Thịnh Thanh Nhượng suy nghĩ một lát, hỏi ngược lại: “Em có nhớ quyển từ điển tôi mượn đầu tiên không?"

Tông Anh nhớ tới quyển sổ anh để ở tủ cạnh cửa, dòng ghi chép đầu tiên là: “Lấy một quyển Từ Điển Tân Hoa trên giá sách, đã trả lại ngay hôm đó."

Cô đáp ngay tức thì: “Từ Điển Tân Hoa tái bản năm 1998, nhà xuất bản là Nhà in Thương Vụ." Anh thong thả nói, nhìn về phương xa: “Nó còn sống."

Nhà in Thương Vụ nằm trong danh sách di dời, sau những tổn thương do chiến tranh gây ra, đổi chỗ vài lần, cuối cùng vẫn còn sống.

Lúc đứng trong căn hộ của cô, chứng kiến những chữ cái quen thuộc này trên bìa quyển từ điển, trong lòng anh không chỉ dâng lên cảm giác thời đại kéo dài, còn có một hy vọng bất diệt.

Tông Anh nói: “Không chỉ nhà in Thương Vụ, còn rất nhiều thứ sống lại."

Cho dù chiến tranh dài đằng đẵng và tàn khốc, nhưng chung quy không thể phá hủy tất thảy lòng tin và nỗ lực.

Dưới lầu đột nhiên vang lên tiếng hoan hô của trẻ con “Có điện rồi!", ngay sau đó, lần lượt từng ngọn đèn trước mắt sáng lên trong màn đêm, tựa như những đốm sao, phần nào tô điểm thêm chút ánh sáng cho bóng đêm yên lặng đến đáng sợ này.

Thịnh Thanh Nhượng đứng dậy bật đèn, Tông Anh dọn dẹp bàn.

Ngay sau đó, hai người cất bàn ghế vào nhà, khóa cửa thông ra ban công…

Chủ nhân căn hộ này sắp đi xa, có lẽ sẽ rất lâu không có ai đến nơi này, không biết ngày nào mưa gió sẽ ập xuống, vì vậy nhất định phải khóa chặt cửa sổ.

Thịnh Thanh Nhượng thu dọn hành lý, ngồi trong phòng khách mờ tối, cuối cùng nhìn quanh cả căn nhà, trong lòng bất chợt nảy sinh cảm xúc ly biệt.

Mấy năm trước anh về nước, chuyển ra ngoài sống một mình, toàn bộ đồ đạc gia đình và đồ trang trí lớn nhỏ trong căn nhà này đều do chính tay anh mua, sống lâu, thỉnh thoảng cũng có ảo giác rằng mình sẽ sống tại đây đến già, dường như căn nhà sẽ vĩnh viễn duy trì dáng vẻ này.

Nhưng trên thực tế, vài thập niên sau, căn nhà này lại nghênh đón thay đổi nghiêng trời lệch đất.

Những đồ đạc gia đình và đồ trang trí anh tự tay mua không biết đi đâu, thay vào đó là đồ dùng của khách trọ khác, toàn bộ dấu vết về anh hầu như bị xoá sạch, chỉ còn lại một chiếc chao đèn ngoài hành lang.

Vài thập niên sắp tới sẽ phát sinh chuyện gì?

Khi nào, vì lý do gì mà anh rời khỏi căn nhà này?

Thịnh Thanh Nhượng nghiêng đầu nhìn đồng hồ để bàn trên bàn trà.

Đồng hồ để bàn kêu tích tắc, đèn hành lang mơ màng chiếu sáng con đường phía trước.

Tông Anh cúi đầu nhìn đồng hồ đeo tay, mười giờ tối càng ngày càng gần, cô hỏi ý kiến anh: “Em tắt đèn nhé, đỡ tốn điện."

Thịnh Thanh Nhượng gật đầu.

Tông Anh đi ra cửa trước, tắt đèn hành lang.

Căn phòng lại trở nên tối tăm, cửa sổ đã đóng, không khí dường như cũng ngừng lưu động.

Thịnh Thanh Nhượng đứng dậy, nhấc va li bằng mây và cặp tài liệu đi đến chỗ Tông Anh, duỗi một bàn tay ra, nắm lấy tay cô, hai người cùng nhau chờ tiếng chuông vang lên.

Sau tiếng “keng", Tông Anh đưa tay lần tìm công tắc đèn hành lang quen thuộc, một tiếng “cạch" vang lên, ánh sáng phủ xuống đầu.

Đèn hiện đại toả ánh sáng ổn định, Thịnh Thanh Nhượng ngẩng đầu rồi cúi xuống, đối diện với ánh mắt của Tông Anh, nghe cô hỏi: “Anh vốn định nghỉ ngơi một đêm, mai mới xuất phát, hay đi luôn trong đêm nay?"

Anh còn chưa kịp mở miệng, Tông Anh cúi đầu nhìn va li hành lý anh mang bên mình, dễ dàng đoán ra anh quyết định đi ngay trong đêm, liền nói: “Vậy anh đi đi, em tiễn anh một đoạn."

Cô buông tay ra, lách mình lấy một chuỗi chìa khoá trong tủ đặt cạnh cửa, mở cửa đi ra ngoài, nhưng quay đầu lại vẫn thấy Thịnh Thanh Nhượng đứng tại chỗ.

Anh nói: “Muộn rồi, em cần nghỉ ngơi, không cần tiễn tôi."

Tông Anh nhìn anh, sau một hồi mới trả lời: “So với ngủ, em càng muốn tiễn anh một đoạn."

Lời nói cất giấu nỗi lưu luyến không muốn rời xa, so với việc mất ngủ một mình, chi bằng cùng nhau đợi đến bình minh.

Nghe cô nói vậy, tay cầm va li hành lý của Thịnh Thanh Nhượng siết chặt lại, anh bước ra khỏi cửa.

Vào thang máy, nhìn số tầng lần lượt hạ xuống, đến tầng một, Tông Anh rảo bước ra khỏi thang máy, ra ngoài lấy xe.

Cô lái xe đến cửa chung cư, Thịnh Thanh Nhượng đứng đó đợi cô.

Cô thò đầu ra, chỉ hàng ghế sau: “Đặt đằng sau đi." Thịnh Thanh Nhượng ngầm hiểu ý, mở cửa sau xe, bỏ va li xách tay vào, đóng cửa xe, lại vòng ra phía trước ngồi vào ghế cạnh tài xế, thắt chặt dây an toàn.

Hai người đều ngồi vào xe, Tông Anh mới hỏi: “Anh muốn đi nơi nào đầu tiên?"

Anh đáp: “Tới Nam Kinh trước đã."

Lại đi trên cao tốc Hỗ – Ninh, Tông Anh một tay cầm tay lái, tay còn lại mở thiết bị dẫn đường, nhập điểm đến vào.

Âm thanh gợi ý hướng đi vang lên, Tông Anh quay đầu lái ra đường cái, đi về phía Nam.

Thượng Hải âm u cả ngày, mây đen giăng đầy, không khí ẩm ướt như muốn mưa, xe hơi băng qua màn đêm, chỉ có đèn nê ông và lác đác vài chiếc xe làm bạn, có chút quạnh quẽ.

Đi nửa tiếng, xe chạy vào trạm xăng.

Thêm xăng xong, Tông Anh đến cửa hàng tiện lợi mua chút đồ ăn, quay về xe, đặt túi đựng đồ ăn đầy ắp vào ghế sau, lại lật ví tiền, đưa toàn bộ tiền mặt có mệnh giá lớn cho Thịnh Thanh Nhượng.

Nhiều lần nhận sự trợ giúp của cô, lần này Thịnh Thanh Nhượng từ chối, anh nói: “Tôi còn chút tiền mặt, không cần đâu."

Tông Anh im lặng cất tiền đi, tiếp tục lên đường.

Đây là buổi tối trước giờ cao điểm về nhà của mọi người trong tuần lễ vàng, trên đường còn nhiều chiếc xe đang lái về nhà, mà nơi họ đang vội vàng chạy tới lại là một thành phố xa lạ.

Đêm khuya, trên đường cao tốc, dọc đường chỉ có cột mốc đường và cây cây cối nhanh chóng xẹt qua, vạch kẻ đường trong tầm mắt không ngừng bị nuốt chửng, phương xa vẫn một màu đen kịt.

Lúc ra khỏi đường cao tốc đã gần đến bình minh, tầng mây trùng điệp, đường chân trời đặc biệt thấp.

Vào thành phố, chân trời mới chân chính hiện ra ánh sáng, Tông Anh liếc nhìn thời gian trên thiết bị chỉ đường, tấp xe vào lề đường.

Tới gần ga xe lửa phía Tây Nam Kinh, nơi đã ngừng vận hành từ lâu, nhìn ra ngoài qua ô cửa sổ vẫn có thể thấy nhà ga cũ đã cải tạo mấy lần này, đây cũng chính là điểm xuất phát đến địa điểm tiếp theo của Thịnh Thanh Nhượng – Nhà ga Hạ Quan ở Nam Kinh, xây dựng lần đầu vào năm 1905.

Tiễn người ngàn dặm, cuối cùng cũng đến lúc từ biệt.

Mắt thấy sắp đến sáu giờ đúng, ngoài tranh thủ thời gian nói lời từ biệt, chẳng thể làm gì khác.

Tông Anh một tay cầm tay lái, tay còn lại che miệng im lặng, cô đột nhiên thở dài, xoay người duỗi tay lấy túi ni lông mua sắm và va li xách tay ở ghế sau, đưa toàn bộ cho Thịnh Thanh Nhượng.

Thịnh Thanh Nhượng đặt hành lý bên chân, trông về phía Tông Anh.

Chỉ còn hai phút, nhưng kim giây càng chạy càng nhanh, Tông Anh nhìn anh vài giây, cuối cùng mở miệng: “Em hy vọng anh lành lặn sống sót, bình an trở về."

Thịnh Thanh Nhượng nhìn cô, nói bằng giọng khàn khàn nhưng kiên quyết, chân thành: “Tôi cũng hy vọng cuộc phẫu thuật của em thành công, sống khoẻ mạnh, tôi sẽ trở về."

Mặc dù cả hai đều có nỗi băn khoăn của riêng mình, sắp mỗi người nột ngả, lại không thể gần nhau, nhưng tại khoảnh khắc đêm qua, hai trái tim cách hơn nửa thế kỷ từng kề sát bên nhau, không hẹn mà cùng hy vọng xa vời – không phân ly.

Nói xong, Thịnh Thanh Nhượng duỗi tay ra, Tông Anh cũng nghiêng người ôm anh.

Cái ôm trước lúc chia tay chỉ tính bằng giây, dẫu trong mắt có nhiều khát khao, trong khoảnh khắc chia lìa, đều chỉ có thể thu lại, cố chịu đựng, hai bàn tay chạm nhau cũng chỉ có thể buông ra.

Thịnh Thanh Nhượng cầm hành lý, cùng cô nói lời từ biệt cô: “Vậy… tạm biệt."

Tông Anh liếc đồng hồ trên màn hình thiết bị chỉ đường một lần nữa, ba giây, hai giây, một giây…

“Tạm biệt." Cô nói.

Trong khoảnh khắc, hàng ghế trước trống rỗng.

Nhà ga phía Tây Nam Kinh cách đó không xa toát lên vẻ cô đơn, vào những năm 30, nó từng là đầu mối giao thông then chốt giữa hai miền Nam Bắc, điểm kết thúc của tuyến đường sắt Hỗ – Ninh.

Sắp xếp lại hành lý chuẩn bị vào nhà ga, Thịnh Thanh Nhượng mới phát hiện trong túi ni lông mua hàng nhét một chiếc ví đầy tiền, anh xoay người lại nhìn nơi mình vừa xuất hiện, dường như xe Tông Anh vẫn đỗ ở đó. Nhưng đâu còn chiếc xe nào? Hai ba lữ khách vội vã đi qua, một chiếc xe đạp kêu lạch xạch chạy qua, cuối cùng một chiếc xe hình chữ T tương tự xe Ford đỗ lại đó, hai vị chính khách mặc trang phục cầu kỳ bước xuống.

Bên này mây đen giăng đầy, bên Tông Anh, thời tiết cũng không như ý.

Cô ngồi trong xe một lát, tiếp tục khởi động xe hơi, quay đầu xe, ngược nắng sớm ảm đạm trở về Thượng Hải.

Buổi sáng cuối cùng của tuần lễ vàng, Thượng Hải có mưa nhỏ, vì ngày nghỉ làm trì hoãn giai đoạn điều tra bước vào xác nhận.

Cửa thang máy dẫn lên khu phòng bệnh đặc biệt của bệnh viện mở ra, ba vị cảnh sát mặc đồng phục bước ra, hai người đi trước thuộc tổ điều tra vụ tai nạn ở hầm 723, đi đằng sau là Tiết Tuyển Thanh.

Cảnh sát Tưởng đi tuốt đằng trước đưa tay gõ cửa hai lần.

Nghe thấy tiếng động, mẹ Tông Du ngồi bên giường bệnh mất ngủ cả đêm ra mở cửa, chỉ thấy trước mắt là màu lam nhạt của bộ đồng phục.

Cảnh sát Tưởng trình bày giấy chứng nhận với bà ta, cũng giải thích rõ mục đích: “Chúng tôi tìm được một vài chứng cứ về vụ tai nạn dưới hầm 723, hôm nay tới đây để xác nhận."

Bà ta ngẩng đầu lên, vẻ mặt đầy phản cảm và cảnh giác: “Chẳng phải trước đó đã tới rồi sao? Tông Du không nhớ gì hết, không tin các anh có thể hỏi bác sĩ."

Cảnh sát Tưởng hơi nhíu mày, giọng Tiết Tuyển Thanh vang lên sau lưng: “Không, thằng bé còn nhớ."

Nói xong, cô đưa tay ra, chiếc di động nằm trong túi đựng vật chứng trong suốt xuất hiện trước mắt mẹ Tông Du.



Ô tô những năm 1937:
Tác giả : Triệu Hi Chi
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại