Tuyên Ngôn Độc Lập - Hồ Chí Minh
Đề bài 5: Cảm nhận về đoạn trích Tuyên ngôn độc lập
Trong tác phẩm Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh có đoạn: Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy. (Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2013) Trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng có đoạn: Rải rác biên cương mồ viễn xứ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh Áo bào thay chiếu anh về đất Sông Mã gầm lên khúc độc hành. (Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2013) Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn trích trên. Từ đó chỉ ra nét tương đồng và khác biệt giữa hai đoạn trích.
* Tham khảo một số gợi ý dưới đây để làm bài:
- Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: mở bài nêu vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khẳng định lại vấn đề.
1. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Điểm giống và khác nhau giữa hai đoạn trích trên: Hai đoạn trích đều thể hiện ý chí, quyết tâm của mọi người vì nền độc lập, tự do của dân tộc bằng cảm hứng yêu nước của tác giả. Tuy nhiên, đoạn trích trong Tuyên ngôn Độc lập thể hiện quyết tâm giữ vững độc lập của toàn thể dân tộc khi nước ta vừa mới giành được tự do, bằng nghệ thuật lập luận chặt chẽ của thể văn chính luận; còn đoạn thơ trong Tây Tiến thể hiện ý chí và lí tưởng của tuổi trẻ sẵn sàng cống hiến cho nghĩa lớn của dân tộc trong những năm đất nước đang có chiến tranh, bằng cảm hứng lãng mạn và bi tráng của thơ trữ tình.
2. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
a. Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, hai đoạn trích
- Hồ Chí Minh là nhà yêu nước, nhà hoạt động cách mạng vĩ đại của dân tộc; đồng thời là một nhà thơ trữ tình lớn và là một cây bút chính luận tài năng. Tuyên ngôn Độc lập là một tác phẩm chính luận đặc sắc, kết tinh khát vọng cháy bỏng về độc lập tự do của dân tộc ta. Đoạn trích là lời tuyên bố về quyền tự do, độc lập và ý chí, quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do của toàn thể dân tộc Việt Nam.
- Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài nhưng trước hết là một thi sĩ mang hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa. Tây Tiến là một bài thơ tiêu biểu cho đời thơ Quang Dũng và thơ ca kháng chiến chống Pháp; tác phẩm đã khắc hoạ thành công hình tượng người lính Tây Tiến. Đoạn thơ đã thể hiện vẻ đẹp hào hùng, bi tráng của người lính với lí tưởng lớn lao, ý chí và nghị lực phi thường.
b. Cảm nhận về đoạn trích trong “Tuyên ngôn Độc lập" (Hồ Chí Minh)
+ Khẳng định quyền được hưởng tự do, độc lập của nước Việt Nam và sự thật Việt Nam đã trở thành một nước tự do, độc lập. Tự do, độc lập là quyền của tất cả mọi dân tộc trên thế giới. Đặc biệt, quyền ấy được nêu lên trong hai bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mĩ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791. Trên thực tế, đó còn là kết quả tất yếu của gần một thế kỉ chiến đấu bền bỉ, phi thường của nhân dân Việt Nam.
+ Khẳng định ý chí, kiên quyết bảo vệ quyền độc lập, tự do của toàn thể dân tộc Việt Nam. Lời tuyên bố là lời kêu gọi, hiệu triệu nhân dân Việt Nam kết thành một khối đại đoàn kết vững chắc, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Lời tuyên bố còn là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với những kẻ thù đang âm mưu xâm lược nước ta, đặc biệt là thực dân Pháp.
- Về nghệ thuật: Đoạn trích sử dụng nghệ thuật lập luận chặt chẽ, giọng điệu hùng hồn, các từ tự do, độc lập được điệp lại nhiều lần,...
c. Cảm nhận về đoạn trích trong “Tây Tiến (Quang Dũng)
+ Đoạn thơ thể hiện cảm nhận thấm thía về sự hi sinh của người lính: hình ảnh những “nấm mồ rải rác" nơi biên cương viễn xứ càng nhân lên cảm xúc bị thương đó, hình ảnh “áo bào thay chiếu anh về đất" lại trực tiếp diễn tả giờ phút vĩnh biệt những người đồng đội của người lính Tây Tiến, âm thanh của tiếng gầm sông Mã như một khúc độc hành bi tráng. Con người thì câm lặng trước nỗi đau, thiên nhiên thì dữ dội, gào thét.
+ Đoạn thơ cũng đã khẳng định mạnh mẽ ý chí, khí phách của tuổi trẻ một thời không chỉ tự nguyện chấp nhận, mà còn vượt lên trên cái chết, sẵn sàng hiến dâng cả sự sống, tuổi trẻ cho nghĩa lớn của cả dân tộc. “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh" đã thực sự trở thành dũng khí tinh thần và hành động của nhiều thế hệ trong những năm kháng chiến.
- Về nghệ thuật: Sự kết hợp giữa cảm hứng bi tráng và tinh thần lãng mạn; sự tương phản giữa hình ảnh những nấm mồ nhỏ và không gian mênh mông, vắng vẻ của chốn biên cương; hệ thống từ Hán Việt mang sắc thái trang trọng, thiêng liêng lối nói giảm, nói tránh,...
- Nét tương đồng: Hai đoạn trích đều thể hiện ý chí, quyết tâm của mọi người vì nền độc lập, tự do, vì nghĩa lớn của dân tộc bằng cảm hứng yêu nước của tác giả.
+ Đoạn trích trong Tuyên ngôn Độc lập thể hiện quyết tâm giữ vững độc lập của toàn dân tộc khi nước ta vừa mới giành được tự do, bằng nghệ thuật lập luận chặt chẽ của thể văn chính luận.
+ Đoạn thơ trong Tây Tiến thể hiện ý chí và lí tưởng của tuổi trẻ sẵn sàng cống hiến cho nghĩa lớn của dân tộc trong những năm đất nước ta đang có chiến tranh, bằng cảm hứng lãng mạn và bi tráng của thơ trữ tình.
e. Lí giải sự khác biệt như trên
- Do hoàn cảnh sáng tác.
- Do phong cách, cá tính sáng tạo của mỗi nhà thơ.
3. Kết luận
Đánh giá chung về giá trị hai đoạn thơ và tài năng nghệ thuật của hai tác giả.