Tướng Công, Chàng Cũng Sống Lại Sao?
Chương 59 Chương 59

Tướng Công, Chàng Cũng Sống Lại Sao?

Chương 59 Chương 59

 

Edit: Vân
Ánh sáng quang đãng dịu dàng chiếu xuống, làm rõ vẻ chật vật đầu tro mặt bụi của hai người, cũng nổi bật sự lúng túng của việc “chào hỏi với Tiểu Tam Lang".
Ừm, thật đúng là mời chào “đánh" mà.
“Tam…"

Sau va chạm kia, ngay cả hai chữ “Tam Lang" mà Nguyễn Thời Ý cũng thấy khó mở miệng.
Nhưng dù có khó xử hơn nữa thì cũng phải tạm thời dẹp sang một bên.
Chuyện vừa chứng kiến ở dưới lòng đất rõ ràng vượt quá phạm vi năng lực của bọn họ, nhất định phải sớm tìm sự trợ giúp.
Cố gắng ổn định tâm trạng xong, Nguyễn Thời Ý mặt dày bày ra vẻ đứng đắn: “Tam Lang, trước tiên ta phải đi phủ thủ phụ một chuyến; chàng hãy nghĩ cách mau chóng chép thêm một phần bản vẽ đi."
“Được." Từ Hách ngày càng quen để nàng quyết định mọi việc, “Nàng ăn gì đi đã, thay đồ rồi hẵng vận động tiếp."
Nguyễn Thời Ý trừng mắt nhìn khuôn mặt râu ria bụi bặm, còn dính máu mũi bê bết của hắn, sau đó móc khăn lụa ra, thấm một chút nước tuyết rồi đưa lên lau chùi tỉ mỉ.
Có lẽ nước từ băng tuyết quá lạnh, vì vậy làm cho khuôn mặt bẩn thỉu của hắn hơi nóng bỏng.
Từ Hách thấy nàng bất ngờ trở nên dịu dàng, trở tay không kịp, cộng thêm tâm sự nặng nề, hắn không trêu chọc nàng nữa mà xong môi lên, cho nàng một nụ cười cảm kích và an ủi.
“Cười ngốc gì thế? Không biết mặt hoa* của mình xấu xí bao nhiêu à?"
(*) mặt hoa: vai mặt hoa (trong tuồng hát thời xưa)
“Có xấu xí nữa nàng cũng không được chê."
“Ta cứ chê đấy!" Miệng nàng thì quở mắng, nhưng động tác tay lại nhẹ nhàng vô cùng, lau qua lau lại không một điểm qua loa.
Khi Vu Nhàn theo động tĩnh đi tới thì bắt gặp một màn ôn nhu của bọn họ.
Mặt mũi lộ vẻ hơi tang thương, tái hiện lại nụ cười thanh thản của di mẫu.
Nửa giờ sau, Nguyễn Thời Ý ngồi xe ngựa đến Từ phủ, đến tối mới quay về.

Nghe nói “tiên sinh" đóng chặt cửa ở Chiết Lan uyển hết một ngày, ngay cả thằng nhóc đưa cơm cũng bị chặn ngoài cửa, nàng bèn đích thân bưng canh nóng và mì sợi đến gõ cửa viện.
Lúc đó Từ Hách đã dùng tơ lụa nửa xuyên thấu phác họa đại khái toàn bộ bức vẽ xong, đang đau lưng mệt mỏi, đói đến nỗi da bụng dính da lưng, thấy người tới là nàng, hắn thở phào một hơi dài nhẹ nhõm.
Trong khi hắn ngồi ở bàn bàn bát tiên* uống canh xương heo, ăn mì sợi thì Nguyễn Thời Ý cẩn thận so sánh bản vẽ mới và cũ, đồng thời nói sơ qua về thương lượng ở phủ thủ phụ.
(*) bàn bát tiên: bàn vuông to, mỗi phía ngồi được hai người
Đúng như nàng đoán, Từ Minh Lễ nghe vậy, khó nén khỏi khiếp sợ và hoài nghi, cũng biểu đạt lo lắng khi nàng mạo hiểm như vậy, khẩn cầu nàng đừng tự mình hành động.
Lúc hỏi đến làm sao mà phát hiện được đầu mối, để tránh lộ chuyện Từ Hách treo đầu dê bán thịt chó, nàng bèn nói dối là tìm được từ mấy bức Tình Lam đồ gốc kia.
Lời nói này minh chứng với lời nàng nói với Từ Minh Lễ lúc “sinh kỵ", “Trong tranh có giấu di ngôn của ngoại tằng tổ phụ."
Từ Minh Lễ lại nhắc đến, mấy năm trước đúng là có người báo mất tích, cũng từng phát hiện hai thi thể trẻ con không nhận dạng được ở chốn hoang vu ngoài thành.
Về chuyện này, giữa hai mẫu tử bắt đầu sinh ra tranh cãi, Nguyễn Thời Ý nghiêng về phương án phải kịp thời xử lí chỗ dưới nhà hát hí kịch đang giam nhốt và ngược đãi trẻ con; mà Từ Minh Lễ thì cho rằng hành động này dễ bứt dây động rừng, nhất là cửa vào bị che khuất, đường dưới lòng đất tủa ra bốn phương tám hướng, nhân lực phân tán, nếu chưa thể khống chế toàn cục thì nhất định không thể tùy tiện hành động.

Hắn ta thậm chí còn nói rõ, án này nhất định liên quan đến trọng thần trong triều, kéo một sợi tóc sẽ động đến cả người.
Dưới tình thế khó phân biệt địch – ta, theo lí cần phải điều tra chính xác hơn.
Nguyễn Thời Ý tự biết thái độ mình xử lí khó tránh mang theo mấy phần cảm tính của phụ nhân, đồng thời càng tin tưởng khả năng phán đoán tình thế nghiêm trọng của nhi tử, chỉ nhờ hắn ta điều tra kĩ người đứng sau màn, có điều cố gắng đừng lôi người Nguyễn gia vào.
Nếu án cũ năm xưa được vén lên, họ hàng ở Nam quốc xa xôi đại khái không có ảnh hưởng, nhưng kinh thành vẫn còn một Nguyễn Tư Ngạn danh tiếng hiển hách, dù tình nghĩa phai nhạt, nàng cũng hi vọng đường đệ bình an vô lo, đừng nên gặp tai bay vạ gió.
Từ Hách ăn mì sợi xong, nghe Nguyễn Thời Ý giảng lại quá trình và kết luận, bỗng phát hiện gò má nàng dưới ánh đèn rọi xuống mơ hồ ửng đỏ, thầm thấy kì quái: “Nhi tử còn nói gì nữa không?"
Một tia lúng túng xẹt qua đôi mắt sáng của Nguyễn Thời Ý, “Nó, nó… hỏi ẩn ý, hỏi ai thăm dò bí đạo với ta."
“Nàng đáp lại như thế nào?"
“Ta không đáp, đổi chủ đề khác ngay."
Từ Hách cười đến phát run: “Nguyễn Nguyễn, nàng sợ ‘thử địa vô ngân’* còn không rõ sao?"
(*) Thử địa vô ngân tam bách lưỡng: muốn giấu diếm, che giấu chân tướng, kết quả trái lại triệt để bại lộ
“Vậy chàng muốn ta nói thế nào? —— ‘Là người cha không chết trẻ của con đi với ta’? Hay là kiểu ‘tiểu tình lang mà nương già không đứng đắn của con đi cùng’?"
“Ha ha ha… Nguyễn Nguyễn, cuối cùng nàng cũng thừa nhận mình ‘già không đứng đắn’!"
“Ta, ta lấy, ví, dụ!"
Nguyễn Thời Ý đỏ mặt, thừa dịp hắn chưa lôi chuyện “không đứng đắn" lúc sáng ra, vội vàng chuyển đề tài khác.
May mà Từ Hách phân rõ nặng nhẹ, đề nghị tìm một biện pháp không để lại dấu vết, trước tiên phải phong bế cửa vào ở núi giả, tránh ngày sau có người chui từ trong lòng đất ra.
Nguyễn Thời Ý lúc này nghĩ mà sợ, thương lượng chi tiết với hắn rồi phụ hắn phỏng lại bản vẽ.
Thẳng đến khi rời khỏi vào giờ Tuất, đây là lần đầu tiên Từ Hách không trêu chọc nàng như mọi ngày.
*****
Ngay đêm đó, Nguyễn Thời Ý bị một chuỗi ác mộng quấy rầy.
Khi thì mơ thấy mình bị lạc một mình trong mật đạo dưới đất, khi thì trốn trong góc nhỏ hẹp với Từ Hách, triền miên không nghỉ, khi thì mơ thấy kinh thành chìm xuống lòng đất…
Lúc nàng tỉnh lại, mặt trời đã lên cao ba sào, nàng đảo mắt nhìn đồ dùng quen thuộc trong phòng, màn rèm, tủ quần áo, bình phong, mãi vẫn chưa hoàn hồn.
Đến khi Trầm Bích bưng đồ rửa mặt tới, bẩm báo “Đại công tử và tiểu công tử sáng sớm tới Lan viên làm khách", Nguyễn Thời Ý mới chợt bừng tỉnh.
Tuy Từ Thịnh sống chung với người nhà thẳng thắn không vòng vo, nhưng trên nguyên tắc thì hiếm khi hành động tùy hứng.
Sao lại không lên tiếng chào hỏi trước? Sao phải sốt ruột tới như thế?
Người Từ phủ có phát hiện mới sao? Hắn ta dẫn Mao Đầu theo là để che giấu?
Nguyễn Thời Ý không dám sơ suất, lấy tốc độ nhanh nhất để rửa mặt chải đầu, sau đó thay y phục màu trắng mộc mạc, vội vàng chạy tới thiên thính, không ngờ hạ nhân báo cho biết, đại công tử đang thỉnh giáo vài vấn đề thư họa với “tiên sinh" ở Chiết Lan Uyển.
Trong lòng nàng càng thấy bất ngờ.
Tiểu tử Từ Thịnh kia căn bản không có hứng thú với thư họa, ban đầu học vẽ với nàng và Thu Trừng, đơn giản chỉ là đi cùng, sao sáng nay còn chưa đợi nàng thức dậy đã trực tiếp đi tìm Từ Hách rồi?
Nàng lo lắng tình hình Từ gia hoặc bí đạo dưới đất có biến, không để ý để hạ nhân bên cạnh mà xách váy chạy thẳng tới Chiết Lan uyển.
Thời tiết gần đây ấm áp, băng tuyết đang lúc tan rã, ngay cả khí lạnh trong chỗ âm u cũng không khoan nhượng.
Nàng khép kín áo bông, bước nhanh hơn, khi gần đến thì nghe thấy tiếng cười giòn giã truyền từ trong ra.
Lại thấy hai đại khuyển vọt từ trong thùy hoa môn* ra, hết sức mừng rỡ, chạy như bay về phía nàng, nàng hơi ngẩn ra, mặc cho Đại Mao và Nhị Mao tìm tòi nghiên cứu.

(*) thùy hoa môn: một kiểu cửa trong kiến trúc nhà thời xưa, trên có mái, bốn góc buông bốn trụ lửng, đỉnh trụ chạm trổ sơn màu
Chiết Lan uyển trước nay yên tĩnh tao nhã, giờ bởi vì Mao Đầu, A Lục và song khuyển đến và náo nhiệt lạ thường.
Hai đứa trẻ một lớn một nhỏ ngồi xổm ở chỗ trống, cười hì hì đắp người tuyết, còn Từ Hách và Từ Thịnh thì thu thập tuyết sạch chưa tan cho hai đứa sử dụng.
Cảm giác hơi bi thương trước nay quẩn quanh giữa hai hàng lông mày của Từ Hách đã bị ánh mặt trời ngày xuân xua tan đi mất.
Hắn đưa mắt nhìn tiểu tôn tử lần đầu tiếp xúc, nụ cười vừa từ ái vừa vui sướng, không ngừng dặn dò A Lục phải trông nom “tiểu đệ đệ", đồng thời tự vê cầu tuyết cho Mao Đầu.
Thấy Nguyễn Thời Ý vào cửa, hắn nhoẻn miệng cười với nàng một tiếng, sau đó tiếp tục chơi đùa với lũ trẻ, giúp chúng xếp những viên cầu tuyết lớn nhỏ tương tự thành một hàng dài.
Nguyễn Thời Ý thấy vậy thì hơi mông lung, không vội chạy đến ôm Mao Đầu mà bước đến chỗ Từ Thịnh đang đào tuyết trước.
“Mới sáng sớm đại công tử và Mao Đầu đã đến thăm là vì chuyện gì?"
Từ Thịnh cười đùa: “Ở nhà sắp mốc lên rồi, cho nên chạy tới tán gẫu với người một chút."
“Trong phủ… không có gì khác thường chứ?"
“Hả? Không có ạ!" Lần này đến phiên Từ Thịnh không hiểu, lo sợ không yên.
Nguyễn Thời Ý không hiểu được dụng ý của trưởng tôn ra làm sao, thấy bàn tay nhỏ bé của Mao Đầu bị lạnh đến đỏ bừng, lại đau lòng bảo nó tạm ngừng lát đã.
Nhưng Mao Đầu nổi hứng chơi lên rồi, còn có tiểu ca ca A Lục hiểu chuyện và “thúc thúc" quan tâm chăm sóc, ngay cả thân ca cũng ném ra sau đầu.
Chơi hết nửa buổi, người lớn trẻ nhỏ bắt đầu bày ra ném tuyết, ngươi tới ta đi; song khuyển vô cùng hưng phấn, láo nháo thành một đoàn.
Nguyễn Thời Ý đỡ trán mỉm cười, bỗng một quả cầu tuyến từ đâu bay đến đập trúng bắp chân nàng, chuyển mắt thấy là Từ Thịnh đánh lén, nàng tức giận gia nhập cơn hỗn chiến.
Cả cuộc chơi Từ Hách đều che chở cho Mao Đầu, thỉnh thoảng lại lén giúp Nguyễn Thời Ý một chút; A Lục hiểu thấu tâm tư của hắn, trực tiếp đứng về đội của “thẩm thẩm".
Cuối cùng, chẳng khác nào tất cả mọi người đều đối kháng với Từ Thịnh, ném cho đầu và áo hắn ta đều dính đầy tuyết, đến khi hắn ta hô to “Đầu hàng", Nguyễn Thời Ý mới bỏ qua cho, buộc hắn phải cởi áo khoác đã ướt một nửa xuống.
Lộn xộn nửa ngày, rốt cuộc Mao Đầu cũng chịu dừng lại nghỉ ngơi, ăn cái gì đó.
Tất nhiên Nguyễn Thời Ý cẩn thận phục vụ, một miếng một câu “Cẩn thận kẻo ngẹn", quay đầu thì thấy Từ Hách đang cầm giấy bút, rảnh rỗi ngồi ở một góc, tủm tỉm phác họa gì không biết.
Vụn ánh mặt trời đan vào tóc hắn, cũng chiếu thấu đến tận đáy mắt trong suốt, khiến cho ánh mắt hắn như thật ấm mềm.
Phần nóng bỏng kia xuất phát từ tình thương huyết mạch tương liên.
Hắn đã thiếu khuyết quá nhiều, trong lúc vô tình thu hoạch lại tình thương này, bỗng thấy vô cùng vui vẻ.
Trong lòng Nguyễn Thời Ý mềm ra, nàng bưng một khay Mai hoa tô lên, bước đến bên cạnh hắn, tỏ ý bảo hắn ăn vài cái.
Hắn ngưng bút mỉm cười đáp lại nàng, nhưng không đưa tay nhận lấy, thừa dịp không ai chú ý, hơi há miệng ra.
Nguyễn Thời Ý tức giận cầm một cái lên, nhanh chóng nhét vào miệng hắn.
Hắn cười ngậm vào, sau đó tiếp tục cúi đầu dùng bút câu tuyến phác họa lại cảnh tượng bên bàn đá.
Đáy mắt dập dềnh ánh sáng rực rỡ, mật ý lưu chuyển vô tận.
Từ Thịnh bỗng nhiên quay đầu, vừa vặn bắt gặp động tác nhỏ của hai người, nụ cười sâu xa trộm nở ra.
*****

Vốn tưởng rằng huynh đệ Từ gia chơi đến trưa thì về, không ngờ gần tới trưa, Từ Thịnh đột nhiên la hét phải làm ngọ thiện, hứng thú bừng bừng kéo Vu Nhàn đi chuẩn bị nguyên liệu.
Đối với hành động hết sức kì quái này, Nguyễn Thời Ý thật sự không hiểu nổi —— Từ đại công tử bị trúng gió sao?
Trông nó từ khi vừa lăn xuống đất cho đến bây giờ tròn hai mươi, chưa từng thấy nó vào bếp, chạm dầu muối tương giấm bao giờ cả?
Đợi mọi người xếp mấy cái bàn dài trong phòng bếp xong, Từ Thịnh đã bưng đủ loại thịt, bột mì, trứng gà, gia vị ra, bắt đầu bố trí nhiệm vị cho mọi người, yêu cầu Nguyễn Thời Ý, Từ Hách, Vu Nhàn, Tĩnh Ảnh, Trầm Bích và A Lục, mỗi người phụ trách một món ăn.
“Thịnh Nhi, hôm nay cháu sao thế? Toàn làm chuyện khó hiểu thôi!"
Nguyễn Thời Ý thừa dịp những người khác ra vào loay hoay với đống nguyên liệu nấu ăn, kéo Từ Thịnh sang một bên hỏi.
“Vui mà!" Hắn ta cười dí dỏm, “Tết nhất nhà chúng ta không thể đi chúc tết khắp nơi, nếu không tìm chút chuyện để bận rộn, cuộc sống sao vui được?"
Nguyễn Thời Ý mịt mờ đối với ý tưởng của thanh niên trước mắt, thấy Từ Hách nặn bột mì thành cá nhỏ cho Mao Đầu chơi đùa, sau đó nặn ra đủ loại hình dáng động vật như mèo con, chó con, thỏ con, hết sức sinh động đáng yêu, khiến đứa trẻ vui vẻ ra mặt.
Trong bụng nàng thầm cảm thấy ấm áp, không nên nói thêm gì nữa, tùy ý mọi người loay hoay thôi.
Ngay sau đó, Vu Nhàn cho những người thông thạo nấu nướng như Tĩnh Ảnh, Trầm Bích đi cán bột, nặn chặt viên sủi cảo để bảo đảm mọi người có cái ăn trước; A Lục thì bận bịu dắt Đại Mao và Nhị Mao đi, đề phòng bọn chúng quấy rối hoặc ăn vụng; Mao Đầu thì tự chơi trò chó mèo (bằng bột mì) đại chiến, Từ Thịnh giả vờ bận rộn chạy khắp nơi, chỉ còn lại Nguyễn Thời Ý và Từ Hách trố mắt nhìn nhau.
“Hay là… ta tới xào hai món thức ăn, lát nàng nếm thử?" Từ Hách hỏi ý kiến của nàng.
Nguyễn Thời Ý hơi kinh ngạc, thấy hắn nhanh nhẹn chọn măng tươi, trứng gà, hẹ thơm, đương nhiên nàng cũng không tiện chơi bời lêu lổng, nàng cột chặt tạp dề, lấy đậu phụ, thịt ba chỉ, sò khô vào trong bếp cắt rửa để hầm.
Lúc còn trẻ nàng cũng từng xuống bếp, làm chút điểm tâm xinh xắn cho bọn trẻ thưởng thức, nhưng từ khi gia cảnh Từ gia lại lên đỉnh, bất cứ chuyện lớn nhỏ gì cũng có hạ nhân làm, hơn nữa phía dưới còn nhi tức lo liệu, đâu đến lượt nàng động tay?
Sau nửa giờ, nồi sủi cảo ba loại nhân ra lò, món đậu phụ tự làm đơn giản kia của nàng cũng được bưng lên bàn bát tiên.
Bất ngờ thay, Từ Hách trước nay đã quen được phục vụ, giờ lại làm một món măng non thịt bằm xào trứng và một món canh tôm khô thịt vụn trứng hoa.
Tuy không thể sánh được với đầu bếp nổi danh, nhưng cũng có dáng vẻ lắm, sắc hương vị đều đủ, có thể khiến nàng không so kịp.
Trước ánh mắt khiếp sợ của Nguyễn Thời Ý, hắn cười giải thích: “Ta bôn tẩu ở bên ngoài mấy tháng, không phải ngày nào cũng gặp được chỗ ở thích hợp, khó tránh khỏi phải dãi gió dầm sương. Thư đồng phải an trí xe ngựa, làm việc vặt, vậy là ta dần dần học làm mấy món ăn. Cộng thêm khi ở với A Lục, ta cũng xuống bếp không ít lần. Tự biết tài nấu nướng không tốt, không dám cho nàng nếm thử, bây giờ  buộc phải bêu xấu rồi!
Trên thực tế, Nguyễn Thời Ý chưa bao giờ hỏi tới năm ấy hắn đi xa đã trải qua những gì, chỉ khi tán gẫu với Thu Trừng, nàng mới ở bên cạnh dò nghe chuyện dấu chân của hắn từng trải rộng bốn nước.
Hắn không chủ động nói thêm, nàng cũng không muốn hỏi nhiều.
Thứ nhất là sợ đụng đến chuyện thương tâm, thứ hai là e sợ càng quan tâm thừa thãi sẽ càng khiến hắn hiểu lầm.
Dù sao thì nàng cũng đã quyết từ trước rồi, đường ai nấy đi, tơ tình nói đứt là đứt.
Nay nghĩ lại, trải qua năm tháng rèn giũa, nàng dĩ nhiên không còn là thê tử ngây thơ nhu nhược của hắn năm đó nữa, hắn cũng không còn là tam công tử kiêu ngạo thoải mái trong phủ tướng quân, tình cảm còn lại được mấy phần?
Thấy hắn cười híp mắt múc canh cho Mao Đầu, dặn dò đứa trẻ phải thổi mấy cái mới được uống, lại tự tay gắp một chén sủi cảo cho A Lục, khi hắn quay đầu hỏi nàng muốn ăn sủi cảo nhân gì, ánh mắt ôn nhu như nước khiến nàng bỗng dưng mù quáng.
Sống chung cách quãng với nhau hơn nửa năm, nàng chỉ lo tránh khỏi sự trêu chọc của hắn, chuyên chú với việc đánh cuộc tìm tranh, lấy nhiều năm chia cách để từ chối hắn bày tỏ…
Thế nhưng từ đầu đến cuối, nàng chưa từng cảm nhận rõ ràng những biến hóa rất nhỏ của hắn, càng chưa từng thử hiểu hắn lần nữa.
Không có được câu trả lời của Nguyễn Thời Ý, Từ Hách theo hiểu biết của hắn đối với nàng, gắp nửa chén sủi cảm nhân tôm khô trộn măng, đặt xuống bên cạnh nàng.
Thấy nàng buồn bực không uống canh trứng hoa, vẻ mặt gần như buồn bã mất mát, hắn vội hỏi: “Sao thế? Không hợp khẩu vị à?"
Trong miệng Nguyễn Thời Ý đều là tiên vị, rõ ràng canh mặn, nhưng lại phẩm ra vị ngọt nhàn nhạt.
“Không có, chẳng qua là ta thấy bất ngờ." Nàng thu lại những cảm xúc phức tạp, khen một câu, “Ngon lắm."
Vẻ thấp thỏm của Từ Hách dần biến mất, hắn nhỏ giọng nói: “Vậy… lần sau ta sẽ làm thêm những món khác cho nàng."
Nguyễn Thời Ý từ chối cho ý kiến.
Có điều lúc nhoẻn miệng cười khẽ, niềm vui thích nhỏ bé không nhìn thấy được thoáng quét qua mi nàng.
Bữa ăn này đúng là giật đầu cá, vá đầu tôm, tài nghệ nấu nướng cao thấp lẫn lộn, mọi người cũng không phân tôn ti, tất cả đều ăn ngấu nghiến, hòa thuận vui vẻ.
Kẻ đầu têu là Từ đại công tử không làm việc gì cũng ngồi xuống chủ vị, thong dong thưởng thức món ăn, mặt cười rất thoải mái.
*****
Sau khi ăn xong mệt rồi, thấy Từ Thịnh không hề có ý định rời đi, Nguyễn Thời Ý càng nghi ngờ gấp bội.
“Đứa nhỏ này, biết điều thì nói cho ta, cháu bị phụ thân trách phạt phải không? Hay là giận dỗi với mẫu thân cháu?"

“Người nghĩ đi đâu thế?" Từ Thịnh lắc đầu, “Cháu thật sự muốn tới tán gẫu với người, nhân tiện thăm tiên sinh."
Nguyễn Thời Ý nghi ngờ “thăm tiên sinh" mới là động cơ thật sự của hắn ta.
Mối quan hệ giữa hai người bọn họ trở nên thân thiết như vậy từ lúc nào?
Chẳng lẽ… đứa nhỏ này đã phát hiện điều gì?
Từ Hách tạm thời chưa muốn nhận thân, lại mong muốn sống chung nhiều hơn với người nhà, nàng không có lí do gì để ngăn cản.
Thấy Mao Đầu mơ màng buồn ngủ, Nguyễn Thời Ý nhẹ nhàng bế nó vào phòng, ngâm nga đồng dao, dỗ cho nó ngủ trưa.
Đêm qua mơ nhiều quá thiếu ngủ, nàng đợi đứa trẻ chìm vào giấc ngủ rồi thì cũng dựa vào đầu giường ngủ bù.
Đang lúc mơ mơ màng màng, hình như có tiếng đánh nhau theo gió truyền tới?
Ai đang gây chuyện ở Lan viên thế?
Nàng kinh hãi, lật đật khoác áo, gọi Trầm Bích ở phòng ngoài trông chừng Mao Đầu, sau đó vội vội vàng vàng gọi Tĩnh Ảnh cũng đi.
Ở tiền viện rộng rãi, hai bóng người cao lớn cầm lưỡi kiếm sắc bén, công thủ cao thấp va chạm kịch liệt.
Từ Hách chỉ mặc áo bào tro, tay cầm trường kiếm, kiếm khí cuồn cuộn nhanh chóng; mà Từ Thịnh dùng hoành đao tránh mũi nhọn, mắt mực như đóng thành suối băng.
… Hả? Đang yên đang lành, sao lại đánh nhau? Còn động đao kiếm?
Chân mày Nguyễn Thời Ý nhíu lại, đang định quát bảo dừng thì thấy trong lúc cấp bách, Từ Thịnh nháy mắt với nàng một cái, biết sự tình không như nàng tưởng, nàng bèn đứng dưới hành lang yên tĩnh xem.
Hai tổ tôn nhìn như huynh đệ đều ra chiêu nào chiêu nấy rất bài bản, khó phân được cao thấp.
Từ Hách cực ít động võ trước mặt nàng, lúc này tay áo tung bay, nhanh nhẹn xoay tròn mấy vòng, tư thái ưu nhã, khua tay đâm chém như triều dâng, ép Từ Thịnh phải phòng thủ theo mình, công trong đề phòng, không dám nương tay.
Từ Thịnh thân mang võ chức, võ công trong đám thiếu niên trội hơn hẳn; nhưng dù gì Từ Hách cũng được danh sư đích thân chỉ dạy, cộng thêm lớn hơn hắn ta vài tuổi, ứng đối rất thoải mái, không có vẻ gì là rơi vào thế hạ phong.
Đao quang kiếm ảnh phản ngược ánh nắng màu tuyết, kim mang bay lên trời, ngân hồng chui xuống đất, khiến người ta hoa hết cả mắt.
Đánh nhau non nửa giờ, thỏa chí tràn trề, cuối cùng Từ Hách để trưởng tôn đâm rách nửa tấc áo bào mà dừng tay.
Hai người nói lời khách sáo, hiển nhiên chỉ đơn thuần là tỉ thí, hoàn toàn không có ý lục đục hiềm khích.
Người đứng xem không khỏi sợ hãi cảm thán, không ngờ “tiên sinh" có dáng vẻ nho nhã thế này cũng mang đầy tuyệt nghệ!
Nguyễn Thời Ý thấy hai người đổ mồ hôi như tắm, lập tức dặn dò hạ nhân chuẩn bị nước để hai người tắm thay quần áo.
Nàng vốn nghĩ rằng vóc người hai tổ tôn xấp xỉ nhau, trước hết để trưởng tôn mượn một bộ bào phục sạch sẽ của Từ Hách, không ngờ Từ Thịnh đã sớm chuẩn bị, đã sớm mang đủ sam khố trong ngoài.
Nó cố ý đến để đánh nhau với Từ Hách sao?
Nguyễn Thời Ý dần thừ ra.
Khi Từ Thịnh ăn mặc sáng sủa đi ra từ phòng tắm phòng khách, vẻ mặt vui cười sáng rỡ, thấy không có người ngoài, nhướn mày cười với nàng một cái.
“Tổ mẫu, công phu dưới giường của tiên sinh cháu đã thử giúp người, khí lực mạnh mẽ, thân thủ bất phàm, coi như là hiếm có; còn công phu khác… ừm, người chỉ có thể tự mình khảo hạch thôi."
Cái gì mà công phu dưới giường? Khác… là chỉ trên giường?
Ai, ai muốn khảo hạch “công phu" của tên kia! Nàng còn cần phải khảo hạch sao?
Nguyễn Thời Ý trợn mắt há mồm, sau khi phản ứng lại thì thuận tay nắm một đoạn cành khô trong đình, dùng sức ném về phía Từ Thịnh.
Từ Thịnh hớn hở nghiêng mình tránh, khi nàng đưa chân định chạy đuổi lần hai thì hắn ta thi triển khinh công chạy loạn khắp sân, làm nàng giận đến nỗi liên tục giậm chân.
Đứa nhỏ chết tiệt này! Suốt ngày lộn xộn cái gì thế không biết!
Nếu không phải tôn tử ruột thịt, nàng sẽ đánh cho nó tàn phế!
Tác giả có lời muốn nói:
Thịnh Thịnh: A, a, muốn làm kế tổ phụ ta không phải chuyện dễ đâu! Phải qua năm ải chém sáu tướng!
Xích Xích: ????? 

Tác giả : Dung Thiên Ti
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại